Về cái chết của một người già gần tám mươi tuổi thì chẳng có gì phải quan tâm nhiều, nếu sau cái chết không có rắc rối quanh bản di chúc. Số là bà Trần Ái Nguyệt, bảy mươi chín tuổi, sở hữu ngôi nhà nằm trong khuôn viên hơn mười ngàn mét vuông, cộng với một đồn điền cao su hơn một ngàn mẫu và một số bất động sản rải rác nhiều nơi. Lúc bà chết đi thì không hề có người thân nào ở bên cạnh. Người luật sư đại diện cho bà cũng là một luật sư lớn tuổi, đã trên sáu mươi. Luật sư Trần Kiều Oanh, một người khá nổi tiếng trong giới luật sư liên quan đến những vụ án phân chia tài sản, thừa kế vv... đã cố hỏi bà lần cuối về điều mà bà ghi trong tờ di chúc mà bà còn chưa rõ lắm... Tuy nhiên cho đến lúc bà Ái Nguyệt nhắm mắt, bà chỉ trả lời vắn tắt: - Tôi chết rồi mọi việc sẽ rõ. Điều khoản ghi trong di chúc làm cho luật sư Kiều Oanh thắc mắc là nhân thân của người thừa hưởng. Ở khoản chính yếu tố, bà Ái Nguyệt ghi: Để lại toàn bộ tài sản cho người có tên là Lộng Ngọc, địa chỉ 10786 đường Xuyên, thôn Lý Hoà. Lúc thực hiện di chúc, luật sư Oanh có hỏi về cái tên hơi lạ, ít nghe nhắc tới này thì bà Ái Nguyệt đáp tỉnh táo: - Đó là tên một người cháu ruột của tôi, lâu nay tôi ít liên hệ. Luật sư cứ làm đúng như ý của tôi. Dĩ nhiên đâu ai có quyền làm trái ý người chủ tài sản khi họ còn tỉnh táo hoàn toàn cho đến khi bà Ái Nguyệt chết. Luật sư Kiều Oanh khi ấy đã nghỉ hưu, không còn hành nghề nữa, nhưng bỗng hôm ấy có người gửi cho bà một mảnh giấy, đặt ngay trên bàn làm việc tại nhà riêng của bà. Trong giấy ghi vắn tắt: Mời Luật sư tới ngay biệt thự của chủ doanh nghiệp Ái Nguyệt để giải quyết vấn đề thừa kế tài sản. Đã từ lâu không còn dính tới các vụ này nên luật sư Kiều Oanh không muốn đi. Vả lại, quá nhiều vụ làm di chúc từ mấy năm nay, bà không thể nhớ hết… Tuy nhiên, khi nghe nhắc tới tên bà Ái Nguyệt thì bà Oanh chợt nhớ tới vụ thừa kế của một người tên Miêu Tinh. Bà lẩm bẩm: - Lại cái vụ này... Do vậy, ngay trưa hôm đó bà tới ngay ngôi biệt thự cổ kính mà hình như sau khi chủ nhân chết thì không có ai ở. Điều này cũng gây thắc mắc cho bà Kiều Oanh không ít. Bà đứng trước cổng khá lâu mà không biết phải gặp ai. Bởi bà nhớ ngày trước lúc bà chủ nhà mất thì không một ai tới tiễn đưa... Còn đang lúng túng thì đã có một người từ bên trong ngôi nhà hỏi vọng ra: - Có phải bà luật sư đó không? Rồi một ông lão tuổi trên dưới bảy mươi chậm bước từ trong đi ra. Ông nheo mắt hỏi lại: - Có phải bà Luật sư Oanh không? Kiều Oanh đáp: - Đúng, tôi là Oanh, chẳng hay... - Dạ, tôi là Tư Long, giúp việc cho bà Ái Nguyệt lúc trước, bà luật sư quên tôi rồi sao? Luật sư Oanh nhớ ra: - À, nhớ rồi. Bởi hồi đó anh để tóc dài, lại mặc quần áo nâu như một đạo sĩ, còn bây giờ cắt tóc ngắn nên tôi nhận không ra. Tư Long cười: - Dạ, hồi đó tôi tu tại gia, giúp việc cho bà Ái Nguyệt đã gần chục năm. Bà coi như người nhà, nên trước khi bà mất, bà có cho tôi một số tiền để tôi lập một cái am tiên trên núi tu, bởi vậy khi Luật sư tới lui nơi đây giúp bà chủ làm di chúc thì ít gặp tôi. Mãi gần đây tôi mới tình cờ trở về đây và phát hiện ngôi nhà vẫn còn bỏ hoang, tôi tò mò tìm cách vào nhà xem và không khỏi thắc mắc, sao người cháu nào đó được bà để tài sản lại mà không tới tiếp quản, bỏ nhà hoang phế, thê thảm quá! Luật sư Oanh ngạc nhiên: - Ủa, ngày đó chính tôi giúp bà Nguyệt gửi thư tới địa chỉ người cháu tên là... là Lộng Ngọc gì đó, gọi tới nhà nhận di chúc. Thư gửi đi tôi tưởng là người đó đã liên hệ rồi. - Khi tôi tới đây lần đầu, thấy nhà bỏ hoang, tôi chỉ thắc mắc thôi, chứ không dám vào sâu trong nhà. Nhưng cách đây nửa tháng, khi tôi trở lại thì vẫn thấy cửa khóa im ỉm, mà có dấu hiệu người bên ngoài leo tường vào nhà... Tôi lo quá, nên mới vào hẳn bên trong. Lúc ấy, tôi lại càng ngạc nhiền hơn khi thấy có một lá thư của chính luật sư gửi cho người nào đó tên là Lộng Ngọc, địa chỉ 10786 đường Xuyên thôn Lý Hòa, lá thư bị trả lại, ngoài phong bì có ghi là “Trả lại người gửi vì không có người nhận”. Tôi thắc mắc, nên hôm qua mới định gọi cho bà, báo tình hình. Luật sư Oanh nói: - Tôi đã nhận được lời nhắn của anh. - Tôi nhắn? - Đúng rồi. Còn lá thư anh viết cho tôi đây. Bởi vậy tôi mới biết mà tới đây. Luật sư Oanh móc trong túi ra lá thư đưa cho Tư Long, anh ta cầm thư trên tay mà ngạc nhiên vô cùng: - Tôi đâu có viết thư này. Chữ này đâu phải của tôi! Vị Luật sư già ngạc nhiên: - Vậy ai đã báo tin? Tư Long tường trình thêm: - Tôi mạo muội mở cửa vào nhà và nhận thấy mọi vật từ lúc bà Ái Nguyệt chết không hề thay đổi gì. Căn phòng của bà cửa vẫn đóng im ỉm... Trước những sự việc không bình thường này, luật sư Oanh hỏi lại: - Anh có từng biết địa chỉ 10786 này lần nào chưa? Tư Long lắc đầu: - Tôi chưa tới, mà cũng chưa từng nghe bà chủ nhắc người cháu nào tên Lộng Ngọc bao giờ! Mà cái địa chỉ ấy sao tôi thấy ngờ ngợ... - Anh biết đường Xuyên, thôn Lý Hòa? - Tôi biết không rõ lắm, nhưng chắc chắn đó là một nơi ở ngoại ô. Luật sư Oanh chợt đề nghị: - Hay là anh đi cùng tôi tới đó! - Tới tìm địa chỉ cô Lộng Ngọc nào đó? - Dĩ nhiên là vậy. Đúng ra ngày trước tôi nên làm việc này, nhưng lúc đó vì thấy bà Ái Nguyệt quá tự tin, nên tôi không đi xác minh. Sẵn có xe hơi riêng, Luật sư Oanh đưa người quản gia già đi tìm đường Xuyên thôn Lý Hòa. Họ phải dò hỏi khá lâu, cuối cùng mới tìm được tới con đường đó. Điều làm họ ngạc nhiên đầu tiên là con đường hoàn toàn không có nhà ở. Đúng hơn là chỉ có một nghĩa địa khá rộng. Luật sư Oanh chưa tin hẳn, bà chờ người đi đường ngang qua chận lại hỏi: - Đường này dài tới đâu vậy? Người đó chỉ tay tới trước và đáp: - Người ta gọi nó là đường Xuyên là bởi vì nó xuyên từ thôn Lý Hòa qua thôn Hòa Hiệp, hai thôn chỉ cách nhau chưa đầy cây số. - Tôi không thấy có nhà cửa, vậy anh có biết số nhà 10786 ở đâu không? Người này tỏ ra ngạc nhiên: - Số này quá lớn, đường này làm gì có nhà nào mang số ấy? Coi chừng người ta ghi lộn cho bà rồi. Đi tới một chút nữa thì tới ngay cổng nghĩa địa, gặp người gác nghĩa trang, Luật sư Oanh lại hỏi: - Ông ở đây có biết số nhà này ở đâu không? Luật sư đưa luôn địa chỉ trên phong bì cho người quản trang xem. Ông ta vừa nhìn thấy đã kêu lên: - Đây đâu phải là số nhà! Mà số này là... Ông ta ngẩng lên nhìn vị khách rồi hỏi lại: - Bà đi tìm mộ phải không? Luật sư Oanh đáp nghiêm túc: - Không, tôi tìm nhà. Tìm người còn sống tên Lộng Ngọc. Người quản trang lại nhìn sửng người khách vài chục giây, rồi bảo: - Địa chỉ này có ở đây. Nhưng không phải nhà mà là mộ...! Đến lượt Luật sư Oanh trợn tròn mắt: - Ông có nói giỡn không vậy? Ông quản trang nói rõ từng tiếng: - Số đó trùng với số đánh trên các ngôi mộ ở nghĩa trang này. Hôm rồi người phát thư tới đây đưa lá thư này, tôi đã nói như đang nói với bà đây thì ông ta cũng không tin, mãi hai ba lần tới lui tìm rồi mới đưa trả lại cho người gửi. Lúc này Luật sư Oanh mới hỏi thêm: - Ông nói trong nghĩa trang này có số thứ tự mộ giống như vầy? - Có. Để tôi lấy sổ ghi cho bà xem. Ông ta đem ra một quyển sổ bìa cứng, khá dày, giở ra từng trang và dừng lại ở trang đánh số từ 1000 trở đi. Dò rất nhanh và dừng lại một dòng, ông ta kêu lên kinh ngạc: - Bà xem nè, đúng số 10786 và tên cô... Lộng Ngọc! Luật sư Kim Oanh hốt hoảng mà cả Tư Long cũng kinh hãi, thoáng nhìn vào, giọng ai cũng run: - Sao... Sao lại như vầy? Người quản trang gật gù: - Thì ra ai đó đã chơi các vị rồi! Cô Lộng Ngọc này theo số thứ tự trong sổ thì đã được chôn cách đây gần cả chục năm rồi! Luật sư Oanh thừ người ra khá lâu... Sau cùng bà yêu cầu: - Xin cho tôi được viếng ngôi mộ này được không? - Dạ được chớ. Mời bà. Đích thân ông ta hướng dẫn khách đi sâu vào phía trong nghĩa trang. Ở dãy trong cùng, có một ngôi mộ cẩn đá cẩm thạch trên mộ bia đề dòng chữ: Phạm Thị Lộng Ngọc. Sinh ngày... tử ngày... Bà Luật sư lẩm bẩm: - Như vậy đúng là cô này chết đã lâu, ở độ tuổi rất trẻ, chỉ hơn mười tám tuổi một chút... Người quản trang nhớ lại: - Tôi nhớ, sau khi chôn ít lâu, có một bà giàu lắm tới đây, cho người xây ngôi mộ này. Quý vị thấy đó, vào thời đấy mà vật liệu được xây toàn là thứ quý giá, mắc tiền! Rồi lâu lâu vẫn thấy bà ấy đi xe hơi tới thăm, cúng nhiều thứ lắm. Nhưng từ gần một năm nay thì không thấy nữa. Luật sư Oanh thở dài: - Đúng là mình lú lẫn rồi. Bà nhẹ lắc đầu, bước trở ra, thì người quản trang nói: - Tuy bà nhà giàu đó không tới nữa, nhưng vẫn có một cậu trai trẻ tới đây. Luật sư Oanh tò mò: - Anh ta là gì với bà nhà giàu? Người quản trang lắc đầu: - Tôi cũng không biết. Nhưng chắc là không quen, bởi hầu như không bao giờ thấy họ đi chung với nhau, cũng chưa bao giờ chạm mặt trong này lần nào. - Gần đây cậu ấy có tới không? Suy nghĩ một lúc ông ta mới đáp: - Tôi không nhớ rõ, bởi mùa này gần Tết, người tới viếng nghĩa trang đông... Tuy nhiên, hình như cách đây hơn một tháng có người đốt nhang cắm ở đầu mộ này, có lẽ là cậu ta. Ông lại nói: - Kêu là cậu, thật ra anh ấy tuổi có đến trên ba mươi rồi. Người coi có vẻ đàng hoàng. Bây giờ mà gặp lại ắc tôi còn nhớ. Từ giã người quản trang, Luật sư Oanh chở Tư Long về nhà bà Ái Nguyệt. Xem lại phòng riêng của thân chủ, thấy mọi vật vẫn còn nguyên, ngoại trừ tờ di chúc cất trong ngăn tủ có khóa mà chìa khóa chính Luật sư Oanh nghe bà Ái Nguyệt dặn là đích thân bà sẽ cất ở một nơi riêng, đợi khi nào người thừa kế tới lấy di chúc thì sẽ được hướng dẫn để mở khoá. Bà bảo Tư Long: - Người được hưởng gia tài đã chết rồi, lấy ai tới đây để nhận tờ di chúc? Bây giờ tôi tính như vầy, tạm thời anh cứ ở lại đây trông coi nhà cửa. Chờ khi tôi liên hệ giải quyết theo đúng pháp luật rồi sẽ tính sau. Tư Long là người ngay thẳng khi phát biểu: - Tôi hoàn toàn không có ý chiếm đoạt ngôi nhà này. Tôi chỉ ở đây coi nhà thôi, khi nào có ai tới thì tôi giao và ra ngoài thôi. Luật sư Oanh dặn kỹ: - Về sau này có thể tài sản này sẽ do nhà nước quản lý hoặc hiến tặng cho một tổ chức từ thiện nào đó. Cái này phải có quyết định chính thức, vậy trong thời gian chờ đợi, anh không được cho bất cứ ai vào ở hay chiếm dụng. Tôi đã làm việc kỹ với bà Ái Nguyệt trước lúc bà lâm chung, nên biết chắc bà không còn ai là thân nhân ngoài cô Lộng Ngọc đó! Bà cẩn thận cùng Tư Long khóa lại căn phòng, niêm phong bằng cách dán giấy ở ổ khóa. Trước khi ra về bà dặn lần nữa: - Tôi linh tính trong chuyện này có điều gì đó... vậy anh Tư đặc biệt quan tâm. Nếu có gì bất thường xảy ra thì điện thoại liền cho tôi ở nhà riêng. Đây, anh cầm lấy tiền để đóng tiền cước điện thoại, không khéo họ cắt. Tư Long nói ngay: - Về điện thoại bà nhắc tôi mới nhớ, khi tôi trở về đây, vô nhà thì điện thoại đã bị cắt, có lẽ do lâu quá không đóng tiền. Nhưng lạ quá, tôi vô ở được mấy ngày thì nghe tiếng điện thoại reo, tôi có bắt máy nghe thì đầu dây bên kia không có tiếng người nói, mà thay vào đó là tiếng khóc nức nở của ai đó, có cả chục lần như vậy. Cuối cùng, tôi phải lên tiếng giải thích tôi là người giữ nhà, không biết gì hết. Lúc ấy điện thoại mới không còn reo nữa. - Giọng khóc của đàn ông hay nữ? - Dạ nữ. Một giọng khá trẻ. - Nếu lần tới cô ta có gọi nữa thì anh cho số điện thoại của tôi, bảo gọi cho tôi để nói chuyện. - Dạ, được vậy tôi an tâm hơn. Bởi thú thật với bà, tuy là đàn ông, nhưng tính tui nhát, cứ nghe thấy điều gì bất thường là tôi bị ám ảnh, mất ngủ! Luật sư Oanh ra về được gần năm phút thì bất chợt điện thoại trong nhà reo nữa! Đứng im một lúc, Tư Long mới rụt rè bước tới nhấc ống nghe. Đầu dây bên kia vẫn giọng nữ, nhưng lần này thay vì khóc thì lại lên tiếng, nói rõ và lạnh: - Cấm không ai được vô phòng riêng nghe chưa. Rồi cúp máy. Dù đã được bà luật sư Oanh trấn an, nhưng Tư Long vẫn lo lắng, thao thức hoài không chợp mắt được. Ông cứ bị ám ảnh hoài về giọng nói răn đe bí hiểm kia hoài. - Đó là ai? Bà Ái Nguyệt đã còn ai là thân nhân, tại sao có ai đó cấm người khác không được vào phòng riêng của bà? Mà sao người ngoài lại biết chuyện ông và bà Luật sư mở cửa phòng ngày hôm qua, trong lúc ấy thì đâu có ai ở ngoài biết? Bao nhiêu thắc mắc đó làm sao Tư Long tự giải quyết được. Chú gọi điện báo và hỏi ý kiến bà luật sư thì bà này cũng chỉ đáp lửng lơ: - Để tiếp tục theo dõi xem. Có thể ai đó biết số điện thoại nhà, giả vờ để hù dọa, lung lạc tinh thần của anh. Anh nên bình tĩnh, xem như không có gì xảy ra. Nhưng làm sao Tư Long xem như không có gì xảy ra được! Chú cứ thao thức mãi... Rồi cuối cùng cũng mòn mỏi, ngủ quên... Có lẽ đến gần sáng... Lúc choàng tỉnh bởi một tiếng động lạ, Tư Long nhìn ra ngoài và chép miệng: - Trời lại sắp mưa lớn nữa đây! Chú định nằm ngủ lại, nhưng chợt nhớ lúc sáng khi cùng Luật sư Oanh vào phòng bà Ái Nguyệt, chú phát hiện hai cánh cửa sổ chưa đóng. Nhà như thế này, nếu trời mưa thì cả căn phòng sẽ ướt hết! - Không được… Tư Long chạy tới phòng. Nhìn niêm phong còn nguyên và nhớ lại lời đe dọa qua điện thoại, khiến chú phải do dự. Mở cửa hay không? Chú có thể mở niêm phong rồi ngày mai giải thích với Luật sư Oanh sau, nhưng chỉ sợ lời nhắn nhủ kia… Cuối cùng, nhớ là qua khe cửa, có thể nhìn vào bên trong phòng, Tư Long cúi xuống xé một góc giấy niêm phong, nhìn thử xem cánh cửa sổ có tự khép lại chưa. Và… - Trời ơi! Ai vậy? Rõ ràng, tuy nhìn qua khe cửa, nhưng Tư Long vẫn có thể thấy rõ có một người đang nằm ngủ trên giường! Sau vài giây bàng hoàng, ông ta cố nhìn kỹ lại và không nghi ngờ gì nữa. Người nằm trên giường tuy đắp mền, nhưng mái tóc dài thò ra, chảy xuống giường đúng là của một phụ nữ! Hai chân Tư Long mềm nhũn, nhưng ông ta vẫn cố lê khỏi chỗ đang đứng, tiến về phía đặt điện thoại. Người mà ông ta cần gọi không ai khác hơn bà Luật sư Oanh. Chuông điện thoại đổ một hồi lâu thì bên kia mới có người bắt lên: - Bà... bà Luật sư phải không? Tui, Tư Long đây... tui… tui. Không nói rõ được gì, nhưng bà Luật sư vẫn bảo: - Anh chờ ở nhà, tôi sẽ tới! Bà Oanh đi cùng người tài xế của mình. Bà nhìn đồng hồ tay, lúc ấy là ba giờ sáng. Khi mở cửa cho họ vào nhà, Tư Long giọng vẫn còn run: - Tôi... tôi thấy... Anh ta phải cố trấn tĩnh lắm mới kể lại được đầu đuôi. Bà Luật sư Oanh ngạc nhiên: - Làm gì có chuyện đó? Không lẽ có ma sao? Bà tỏ vẻ không tin, nên Tư Long mới cố nói mạnh: - Bà cứ theo tôi! Anh ta đưa hai người tới sát phòng bà Ái Nguyệt. Người tài xế nói: - Bà Luật sư hãy đi sau lưng em, có gì em sẽ... Nhưng bà Oanh đã tỉnh táo nói: - Anh tưởng tôi sợ ma sao? Cứ để tôi vào trước. Họ không gõ cửa, mà nhẹ nhàng dùng chìa khóa riêng mở cửa phòng. Cửa mở nhẹ nhàng, có cảm giác như người trong phòng không hề hay biết. Và khi cửa mở toang, đèn phòng cũng được bật lên thì... mọi người đều khựng lại, họ chỉ nhìn thấy một con mèo lông toàn đen đang từ trong chăn nhảy ra. Nó giương cặp mắt màu xanh rêu nhìn vào mọi người, rồi thật nhanh phóng mình qua cửa sổ, mất dạng! Tư Long lắp bắp: - Rõ ràng tôi thấy một phụ nữ tóc dài, mái tóc xõa từ trên giường xuống sàn gạch này. Tôi không thể lầm được! Luật sư Oanh minh chứng cho lời quả quyết của Tư Long bằng cách cúi xuống nhặt từ mặt nệm vào sợi tóc dài: - Tóc này chắc chắn không phải của bà chủ nhà còn sót lại, bởi bà Ái Nguyệt cắt ngắn hơn nhiều. Vả lại, tóc này còn mùi thơm, rất thơm! Tư Long cũng ngửi được mùi, anh run giọng: - Đúng là có người vừa ở trong phòng này... Theo bà Luật sư thì là ai? Luật sư Oanh lo lắng: - Tôi không nghĩ đây là ma quỷ gì, chỉ ngại cửa sổ nhà này bị hỏng, họ vô bằng lối này. Bà cùng với Tư Long đến xem lại cửa sổ. Vẫn còn nguyên, không có dấu hiệu gì của sự cạy phá cả. Đây là tòa nhà cổ, kiến trúc rất kiên cố, các song cửa làm bằng thép tốt nên dẫu thời gian có lâu, nhưng vẫn chắc chắn. Người bên ngoài không dễ gì đột nhập. Trầm ngâm một lúc, Luật sư Oanh bảo: - Anh chứng kiến để tôi xem lại đồ đạc trong tủ có bị mất vật gì không? Bà kéo ngăn tủ trên ra và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy tập giấy tờ di chúc nằm trong đó! - Kỳ vậy? Hôm qua chính tôi xem ngăn tủ này không thấy gì hết! Bà lo lắng nói: - Giấy tờ này rất quan trọng. Trong lúc chờ tôi xem lại để có cách nào giải quyết để giữ ngôi nhà này làm nơi thờ tượng bà Ái Nguyệt thì nhất thiết không để tờ di chúc này lọt vào tay bất cứ ai khác. Có lẽ ngay sáng mai tôi phải đem cái két sắt ở nhà tới đây, cho mượn để cất giữ giấy tờ quan trọng vào... Tư Long chỉ cái két sắt có sẵn trong phòng: - Đã có két sắt kia rồi! - Nhưng bây giờ ta không có cách mở. Mà việc thì gấp. Thôi tạm thời tôi cùng ở đây với anh, để cho chú tài xế của tôi về nhà và chở cái két sắt tới ngay. Trời cũng gần sáng rồi. Bà đưa chìa khóa cho cậu tài xế, dặn thêm đôi điều rồi ngồi đó chờ. Bên ngoài xe cộ bắt đầu nhộn nhịp. Một ngày mới đang bắt đầu. Mặc dù chỉ bị đánh thức lúc hơn hai giờ sáng và cho tới bây giờ thì luật sư Oanh mới chỉ mất ngủ chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Nhưng chẳng hiểu sao tự dưng hai mắt bà nhướn không lên. Cơn buồn ngủ đến thật đột ngột. Bà Oanh đưa mắt nhìn qua Tư Long, thì không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông ta đã ngủ từ lúc nào rồi! - Anh Tư… Luật sư Oanh chỉ gọi có vậy, rồi tới phiên bà cũng không cưỡng lại được cơn buồn ngủ lạ thường… Tài xế Bảo cùng bốn công nhân khiêng được chiếc tủ sắt lên lầu thì đứng khựng lại, trố mắt kinh ngạc trước cảnh chủ mình và Tư Long nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Lúc được cứu tỉnh, Luật sư Oanh hốt hoảng khi không thấy tờ di chúc trong tay. Thấy bà ngơ ngác, Bảo hỏi: - Bà bị sao vậy? Mất cái gì sao? - Tờ di chúc! Tờ giấy mà anh thấy tôi lấy từ ngăn tủ ra. Tôi cầm trên tay thì... thì... Bà chưa biết giải thích sao thì Tư Long cũng vừa tỉnh lại. Ông ta chỉ tay ra cửa sổ, vẫn còn thất thần: - Con... con mèo! Tôi thấy con... mèo đen! Luật sư Oanh không hiểu gì, bà chỉ hỏi: - Anh có thấy tờ di chúc? Hỏi xong bà mới thấy mình hỏi bằng thừa, bởi lúc bà còn tỉnh thì anh ta đã ngủ trước rồi. Tư Long lặp lại lời lúc nãy, rõ ràng hơn: - Tôi thấy một con mèo. Nó leo qua cửa sổ, rồi biến mất! Luật sư Oanh nhẹ lắc đầu: - Con mèo đâu có nghĩa lý gì. Tôi muốn biết xem ai đã vào đây lấy đi tờ di chúc và tại sao tôi với anh đều ngủ bất thường như thế này. Phải chăng... Nhìn thấy còn có bốn công nhân khiêng tủ, bà ngừng nói, trả tiền cho họ rồi dặn tài xế. - Cậu để chìa khóa tủ sắt lại cho tôi rồi đưa họ ra cửa đi. Nhớ khóa cổng lại, không cho ai khác vào đây. Đây là chiếc két sắt riêng của bà, lúc nãy đã dặn tài xế. Bảo lấy hết đồ đạc trong đó ra rồi mới đem sang đây, chỉ để cất giữ tờ di chúc. Mà bây giờ thì công cóc! Tuy nhiên bà Luật sư vẫn mở két ra và... mắt bà tròn xoe khi nhìn thấy tờ di chúc nằm trong đó! - Bảo! Cái... cái... gì vậy Bảo? Tài xế Bảo tiễn bốn công nhân vừa trở vô, nghe chủ gọi thì hốt hoảng: - Chuyện gì vậy bà? - Ai để cái này trong tủ? - Cái gì, con đâu biết? - Tờ di chúc nằm trong tủ này từ bao giờ? Bảo ngơ ngác: - Trước lúc chở đi, con đã dọn sạch giấy tờ của bà để trong đó ra, làm sao có chuyện này. Còn nãy giờ trên đường chở đi con khóa chìa khóa số, đâu có ai mở ra được. Lúc vừa khiêng lên đây thì cũng là lúc bà tỉnh lại... Luật sư Oanh cầm tờ di chúc xem lại lần nữa, rồi khóa tủ trở lại. Bà thay đổi mã số, sau đó còn cẩn thận ký tên vào một tờ giấy dán ngay ổ khóa, dặn Tư Long: - Tủ này tôi để ở đây, tạm thời tôi giữ chìa khóa, khi nào cần đích thân tôi sẽ mở. Tư Long gật đầu, nhưng nhìn nét đăm chiêu của ông cũng đủ thấy ông khá lo lắng. Khi bà Oanh chuẩn bị ra về, ông nói riêng với bà: - Chắc là tôi không thể tiếp tục ở đây được đâu. Tôi tính trưa nay thì đi, xin bà tính cho... Bà Luật sư nắm chặt vai ông, hứa hẹn: - Thật ra tôi cũng không can cớ chi chuyện này. Nhưng đang có những bất thường quanh chuyện hưởng di chúc, nên tôi phải nhúng tay vào. Thôi được rồi, tôi sẽ cho tiến hành thủ tục pháp lý, lật lại hồ sơ ngôi nhà này, để tài sản không rơi vào tay kẻ xấu. Anh vốn đã được bà Ái Nguyệt quý mến, vậy cũng cố giúp cho trót. Chừng vài tuần nữa mọi việc sẽ được giải quyết, lúc ấy anh toàn quyền tính toán chuyện của mình. Vậy nhé! Đợi bà ta về rồi, Tư Long mới khóa chặt cửa phòng. Lần này cẩn thận hơn, ông dùng khóa xích, khóa luôn cửa sổ từ bên trong bởi nghĩ rằng chốt cửa có vấn đề. Xong xuôi rồi ông mới yên tâm trở về phòng riêng. Phòng ông ngủ vốn chứa vật dụng phế thải ở ngay cầu thang. Đáng lý ra khi ở tạm thì ông có quyền chọn một gian phòng tiện nghi khác, bởi tòa nhà vắng chủ, có ai nữa ở đâu, phòng ốc còn cả chục gian khác, nhưng Tư Long tính tình ngay thẳng, không muốn người ta bảo mình có ý chiếm dụng ngôi nhà. Lúc mở cửa phòng ông không để ý, khi khép cửa phòng lại mới phát hiện có một mảnh giấy rơi ngay lối ra vào. Nhặt lên, Tư Long ngạc nhiên thấy trong giấy ghi tên mình! Đó là một bức thư ngắn: “Chú Tư Long! Tôi cảnh cáo chú lần cuối, cấm chú không được dẫn người khác vào phòng trên lầu. Nhất là bà Luật sư già, bà ấy hết nhiệm vụ ở đó rồi, không nên can thiệp vào nữa. Nếu chú không nghe lời thì buộc tôi phải đẩy chú đi! Người thừa kế” - Trời ơi, cô... Lộng Ngọc! Tư Long vừa kêu lên vừa đánh rơi lá thư xuống sàn nhà. Như vầy là sao? Hai chân, hai tay ông run lẩy bẩy, đến nỗi cố lê tới chỗ đặt máy điện thoại mà vô cùng khó khăn. Phải mất gần năm phút sau ông mới gọi được cho bà Luật sư. Nhưng bà ta không có nhà. Mãi đến trưa mới liên lạc được, Luật sư Oanh sau khi nghe thuật lại câu chuyện đã tới ngay, cùng với một người thừa phát lại Tòa án. Sau khi nghe Tư Long kể, vị thừa phát lại bảo: - Theo tinh thần di chúc thì chỉ có người có tên trong di chúc mới có quyền thừa hưởng gia tài này. Nhưng do người thừa hưởng đã chết trước đây khá lâu, nên ngôi nhà và tất cả tài sản của bà Ái Nguyệt sẽ được tạm thời phong tỏa, chờ phán quyết của Tòa án. Vậy nhân danh Tòa án, tôi chính thức cử ông Tư Long trong vai trò quản gia. Ông đã được pháp luật công nhận, như vậy từ nay đừng ngại gì cả. Có quyền... Nhưng Tư Long đã lên tiếng ngay: - Cám ơn ông tòa, tôi chỉ vô tình ghé đây thăm nhà cũ của bà chủ, còn bây giờ tôi phải về nhà mình. Tôi không thể... Luật sư Oanh phải chận lời: - Anh Tư, tôi đã nói rồi, anh phải giúp cho trói. Vì ngoài anh ra, đâu có người nào đủ tin cậy... Mặc cho bà thuyết phục mấy, Tư Long vẫn cương quyết: - Bà có giết tôi thì tôi cũng không ở lại! Ông nói xong là gom quần áo và đi ngay. Nhưng thật lạ thường, lúc ông ta bước ra tới sân thì gục xuống như bị ai đánh ngã. - Kìa, anh Tư! Anh sao vậy? Tư Long như người mất trí, chỉ giương mắt nhìn người trước mặt mà không nói gì được... Tư Long cũng chẳng hiểu sao mình lọt được vào phòng của bà Ái Nguyệt, trong lúc cửa ngoài vẫn còn khóa và ông không hề mở ra? Lúc mở mắt ra thấy mình nằm trong phòng, Tư Long có thử tới lay cửa thì mới biết nó vẫn còn khóa ngoài. Ông cất tiếng gọi thử thì không ai trả lời. Gọi đến cả chục lần như vậy. Cuối cùng ông bước tới mở đèn lên thì một lần nữa giật mình khi thấy trên giường có một phụ nữ nằm, đắp chăn kín từ chân lên tới ngang cổ, chừa lại phần tóc xõa xuống giường như lần trước! - Cô… Cô là…! Ông nói được mấy tiếng rồi hai hàm quá run nên không thể nói tiếp. Người trên giường cựa mình, mặt xoay về phía Tư Long. - Trời ơi! Người đó có khuôn mặt trơ xương trắng hếu. Là một đầu lâu gắn trên cơ thể một con người! Chiếc mền được tốc ra từ từ... Rõ ràng cơ thể bên dưới còn nguyên vẹn, ăn mặc tươm tất, sang trọng! - Tôi... tôi... Tư Long sợ đến mức gần... vãi trong quần. Ông không còn nói được nữa, cũng không thể cử động. Lúc ấy người kia từ từ đứng lên và nhanh như một ánh chớp, cả thân thể ấy lay động, rồi... mắt Tư Long hầu như không còn nhìn rõ được nữa. Ông lảo đảo... Đến lúc trụ vững lại được thì Tư Long cảm giác như có vật gì đó vừa mềm vừa mịn chạm vào hai chân mình. Nhìn xuống thì ông suýt hét lên, nếu còn có thể thét lên được. Bởi dựa vào chân ông lúc ấy là con mèo đen cực to, đôi mắt sáng như hai viên bi thủy tinh màu xanh biếc! Con mèo hình như rất thân thiện với Tư Long, nó cọ người mấy lượt vào chân người đàn ông, rồi sau đó rất nhanh, nó nhảy lên nằm gọn trong vòng tay của ông. Chẳng còn cách nào hơn, Tư Long giữ con mèo trong tay. Mà thật sự, lúc ấy nếu có muốn buông tay ra, ông ta cũng không làm được, bởi tay như bị co rút lại. Con vật dường như không muốn rời ra, nó giương cặp mắt xanh nhìn lên và một lần nữa cọ đầu vào, rồi rúc hẳn vào ngực Tư Long. Vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng gọi to: - Anh Tư ơi, anh ở đâu! Tư Long cố lên tiếng, nhưng không thể nói được, ông đưa mắt nhìn xuống con mèo, nhưng nó hình như không để ý tới những gì xảy ra bên ngoài. Một lát sau, bà Luật sư Oanh đã dùng chìa khóa vừa tìm được ở phòng Tư Long. Bà mở cửa, đẩy vào và ngẩng người ra khi thấy Tư Long đứng như bị trời trồng ở giữa phòng. - Anh làm gì trong này? Mà sao cửa bên ngoài lại khóa? Chợt nhìn vào tay của Tư Long, bà ngạc nhiên kêu lên: - Anh... anh ôm cái này của ai vậy? Tư Long hoàn hồn, ông nhìn xuống tay mình và cũng hốt hoảng: - Trời ơi! Trong tay ông là một chiếc đầu lâu, thay vì là con mèo đen lúc nãy! - Sao... sao lại...? Ông ta định hỏi về con mèo, nhưng kịp ngừng lại và kín đáo đưa mắt nhìn quanh. Trên giường không còn dấu vết gì của cô gái và cả con mèo, nó đã biến đi đâu mất! - Tôi... tôi… Thấy ông ta quá sợ hãi nên Luật sư Oanh cũng không truy hỏi thêm. Bà nói: - Hôm nay, tòa sẽ cử người tới đây để thẩm tra lại. Anh biết gì thì nói nấy, nói trung thực như bản tính anh vốn có. Tôi tin là anh làm được. Tư Long nhẹ lắc đầu, không nói gì... Thỉnh thoảng ông lại đưa mắt nhìn xuống cái đầu lâu, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Luật sư Oanh hiểu ý, kéo ông lại gần hỏi: - Anh kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra? Tư Long có vẻ e dè, nhưng lát sau cũng kể lại hết sự việc. Ông kết luận: - Tôi nghĩ việc này do cô Lộng Ngọc làm. Cô ấy không muốn chúng ta đụng chạm tới tài sản này. Tôi nghĩ, người chết cũng biết giữ của. Luật sư Oanh chưa bao giờ tin chuyện ma quỷ, bà cương quyết nói: - Anh đừng bao giờ tin chuyện đó, chiều nay anh dọn phòng khách cho sạch sẽ, người của Tòa án sẽ tới đây. Tư Long dù không muốn, nhưng cũng miễn cưỡng tuân lời. Nhưng trước khi bắt tay vào việc, ông thầm khấn: - Vong hồn cô Lộng Ngọc, nếu có linh hiển thì xin phù hộ... Ông biện lý Tòa án cùng hai người nữa, có cả Luật sư Oanh, họ bắt đầu câu chuyện: - Chúng tôi thẩm tra lại lần cuối. Nếu quả thật người có tên trong di chúc của bà Ái Nguyệt đã chết trước khi tờ di chúc được lập, thì đương nhiên di chúc này không có giá trị. Lúc ấy thì Tòa án sẽ tuyên xử lại, có thể giao cho một tổ chức từ thiện sở hữu hoặc sung vào công quỹ vì tài sản không còn người quản lý. Bà Luật sư Oanh phải giới thiệu kỹ hơn về Tư Long: - Đây là ông quản gia lâu năm của bà Ái Nguyệt. Chính nhờ ông mà tài sản này được bảo quản tốt. Ông biện lý nói: - Pháp luật công nhận công sức của anh. Sau này nếu có phán quyết thì chúng tôi sẽ ghi nhận, có thể giao anh tiếp tục trông coi tài sản này. Tư Long vẫn giữ ý tứ: - Tôi nói rồi, tôi chỉ muốn trở về nhà ngay thôi. Các ông hãy để tôi đi! Ngài biện lý đoán chắc: - Điều này sẽ có ngay bây giờ. Xin mời mọi người tập trung lại đây để nghe phán quyết cuối cùng của Tòa án... Lời của ông vừa dứt thì đột ngột con mèo đen xuất hiện và nhảy phóc tới bên chân Tư Long. Sự xuất hiện của nó khiến mọi người giật mình, nhất là Luật sư Oanh. Bởi bà đã từng nghe Tư Long thuật chuyện. Tuy nhiên bà vẫn giữ im lặng, cứ đưa mắt liếc nhìn con mèo vài lần... Ông biện lý không để mất thì giờ, tiếp tục tuyên bố. - Xét vì người có tên trong tờ di chúc của bà Ái Nguyệt lại là người đã chết từ rất lâu trước ngày lập di chúc, cho nên tòa sơ thẩm tuyên bố hủy tờ di chúc cũ. Số tài sản của bà Ái Nguyệt tạm thời sung vào công quỹ... Ông vừa nói tới đó thì có một tiếng động mạnh ngoài cửa sổ. Mọi người hướng mắt nhìn ra đó. Không có gì ngoài gió xào xạc đang lay động các cành cây. Nhưng khi họ quay lại thì tất cả đều há hốc mồm kinh ngạc, bởi trước mặt họ, trên chiếc ghế bành bên cạnh Tư Long đang có một cô gái thật đẹp ngồi yên, sắc mặt lạnh nhưng không che giấu được nét duyên dáng, quyến rũ: - Cô... cô là? Bà Luật sư Oanh lên tiếng hỏi. Nàng nghiêm giọng đáp: - Tôi là Lộng Ngọc, người có tên trong tờ di chúc mà ngài biện lý vừa nói là đã chết! Ông biện lý vừa ngạc nhiên vừa giận: - Cô là ai mà vào đây đùa với chúng tôi? Nên nhớ, tôi đại diện Tòa án... Nàng vẫn nghiêm giọng: - Có ai phủ nhận điều đó đâu. Tuy nhiên, ngài nên nhớ vừa rồi ngài đã ra một phán quyết sai sự thật! - Không phải cá nhân tôi phán quyết! Mà đây là phán quyết của Tòa án, tôi là người đại diện để tuyên đọc mà thôi! Lấy ra một xấp giấy tờ đưa lên trước mặt mọi người, nàng dõng dạc: - Đây là giấy tờ hợp pháp, cần thì ngài biện lý cứ xem! Ông biện lý cầm lấy xem, rồi lại ngước nhìn cô gái. Những giấy tờ mà ông đang cầm chứng minh cô này chính là Lộng Ngọc, người thừa kế tài sản của bà Ái Nguyệt! Ông biện lý quay sang đưa cho Luật sư Oanh xem và hỏi: - Thế này là thế nào bà Luật sư? Luật sư Oanh nhìn cô gái và nói: - Cô nên biết đường Liên Thôn Lý Hòa chỉ có một đoạn ngắn thì làm gì có số nhà đến 10786 ở đó chỉ có một nghĩa địa và tôi đã tới đó rồi, đã xem sổ chôn cất và tới tận nơi ngôi mộ mang tên Lộng Ngọc. Số 10786 là số thứ tự ngôi mộ! Tưởng cô nàng lúng túng, nhưng trái lại, nàng ta lại cười, vừa lắc đầu: - Tôi buồn cười cho cách làm việc tắc trách của các ông bà. Số nhà của tôi là 107/86 đường Liên Thôn mà các vị lại đọc thành 10786, hỏi như vậy thì làm sao tìm cho được. Tôi là cháu của bà Ái Nguyệt, chỉ vì giữa ba tôi và chị của ông ấy là bà Ái Nguyệt có hiềm khích với nhau, nên nhiều năm không qua lại. Nhưng tôi vẫn là cháu duy nhất của bà ấy! Luật sư Oanh quả quyết: - Chính tôi và anh quản gia Tư Long đã vào tận nghĩa trang để xác minh. Cô đã chết cách đây gần chục năm rồi! Sắc mặt cô nàng đanh lại: - Nghe nói bà Luật sư không bao giờ làm việc hồ đồ, vậy mà nay bà lại phạm phải điều đó. Vậy bà có cần tới tận địa chỉ nhà tôi để xác minh lại lần nữa không? Sẵn mời ông biện lý đây cùng đi luôn thể. Cô nàng vừa nói vừa đứng lên. Lần này cô đưa ra tờ giấy khác và nói: - Tôi đang cầm tờ di chúc trong tay và nếu quý ngài xác minh mà không có vấn đề gì thì từ nay xin nhớ cho, mọi sự thâm nhập nhà này mà không được phép ý kiến của tôi thì coi như là xâm nhập gia cư bất hợp pháp! Cô ta đi và biến rất nhanh, ngoài sân thì lúc đó bà Luật sư mới hỏi Tư Long: - Tờ di chúc tôi vẫn khóa chặt trong tủ sắt mà, sao lại...? Tư Long ngơ ngác: - Tôi đâu biết. Tủ của bà mang tới, bà khóa và niêm phong hẳn hoi... Họ cùng chạy tới phòng riêng của bà Ái Nguyệt. Chiếc két sắt vẫn còn nguyên niêm phong và khóa. Nhưng khi mở ra thì bên trong không có gì! - Kỳ quá! Chính tay tôi... Luật sư Oanh bỏ lửng câu nói, tự dưng toàn thân bà xuất mồ hôi lạnh! Nửa giờ sau, cả đoàn bốn người trở lại đường Liên Thôn Lý Hòa. Đầu tiên họ xem lại sổ ghi người chết chôn trong nghĩa trang và vô cùng sửng sốt khi cũng chính quyển sổ đó, từ đó, số thứ tự 10786, nhưng tên là của một người khác! Không tin đó là sự thật, Luật sư Oanh kéo mọi người ra tận dãy mộ bữa trước. Họ tìm được ngôi mộ mang số 10786 không khó. Nhưng đó lại là mộ của một bà cụ khác tên, tuổi lớn hơn Lộng Ngọc rất nhiều! Đi tìm người quản trang hôm trước thì một thanh niên tiếp họ và cho biết: - Ông quản trang đó lớn tuổi, xin nghỉ hưu, tôi là người thay thế. Quý vị cần gì, tôi sẽ sẵn sàng giúp. Thế là mọi sự đã rõ. Luật sư Oanh hội ý với ông biện lý rồi cùng nhau đi tìm địa chỉ 107/86. Thật ra nó ở cạnh hàng rào nghĩa trang. Có một lối mòn nhỏ dẫn vào một khu vườn nhỏ bao quanh một ngôi nhà cổ. Đúng ở đó là số nhà 107/86. Khi họ gõ cửa thì chính cô gái tên Lộng Ngọc ra mở. Cô ta thấy mọi người tới thì cười tươi hỏi: - Các ngài không nghĩ đây là địa chỉ giả chứ? - Ờ... ờ! Trong nhà còn có nhiều hình ảnh chụp chung, giữa bà Ái Nguyệt và cha con Lộng Ngọc. Lúc này ông biện lý mới bảo khẽ với luật sư Oanh: - Ta hố to rồi bà luật sư! Họ ra về mà đầu óc vẫn còn hoang mang. Khi tiễn họ ra cửa, Lộng Ngọc còn dặn với theo: - Chú Tư Long nhớ tiếp tục ở lại giữ nhà cho con nhé! Chờ con giỗ ba con xong con sẽ dọn tới ở! Lần này trái với trước đó, Tư Long vui vẻ đáp ngay: - Cô Ngọc yên tâm, tôi sẽ ở lại. Lúc trở về nhà bà Ái Nguyệt, sau khi tiễn ông biện lý rồi, Luật sư Oanh hỏi khẽ Tư Long: - Anh nói cho tôi rõ xem, chuyện này là sao? Tư Long chân thật: - Tôi cũng đâu biết tại sao? Mọi việc như là... hoang đường vậy! Nhưng mà, cô ấy là người sống... Trưa nay trong bữa cúng cơm cho bà Ái Nguyệt, Tư Long đã tính rồi, ông sẽ khấn vong linh bà hãy báo ứng cho ông rõ chuyện về cô Lộng Ngọc, mà ông nghĩ chỉ có bà Ái Nguyệt mới giúp ông được... - Chào ông Tư! Đang lim dim, Tư Long giật mình bởi câu chào. Ông mở mắt ra và vô cùng ngạc nhiên khi thấy người đang đứng trước mặt mình chính là người quản lý nghĩa trang lúc trước! - Ông... sao ông biết ở đây? Đứng sau lưng ông còn có một thanh niên lạ nữa. Anh ta cúi chào và tự giới thiệu: - Cháu là Nguyên, người có liên quan tới Lộng Ngọc! Câu giới thiệu của cậu ta khiến cho Tư Long sửng sốt. - Cậu là… Người quản trang tiếp lời: - Cậu này là người tôi nói là thường xuyên vào viếng mộ cô Lộng Ngọc từ ngày cô ấy mất! Tư Long lúc này mới nhìn kỹ người thanh niên trước mặt. Anh ta có nét rất giống với ai đó mà ông ta có ấn tượng khá sâu đậm. Tuy nhiên nhất thời ông chưa thể nhớ chính xác. Bỗng chàng trai lên tiếng: - Ông Tư chắc không còn nhớ ra cháu. Ngày trước lúc ông dọn phòng ngủ của ba cháu, ông đã nhìn thấy tấm ảnh cha con cháu với nhau, chụp bên một phụ nữ không phải là bà Ái Nguyệt... - Thì ra cậu là... - Là đứa con ngoại hôn của ông chủ nhà này! Bởi tấm ảnh mà ông vô tình tìm ra ấy mà sau đó ba cháu đã chết đột ngột bởi cơn ghen của bà Ái Nguyệt! Ông Tư nhớ là ba cháu bị bệnh tim nặng nhiều năm trước đó rồi mà... Cậu ta nhắc làm cho Tư Long nhớ lại ông chồng bà Ái Nguyệt. Người đàn ông bệnh hoạn đó sống trong nhà này như một cái bóng mờ ngay từ lúc anh vào làm việc cho tới lúc ông ta chết, trước khi bà Ái Nguyệt chết hơn một năm. Ngày trước quả là có chuyện Tư Long tình cờ dọn phòng và phát hiện ra bức ảnh ông chủ chụp chung với một cậu con trai và bà Ái Nguyệt vì chuyện đó mà nổi tam bành và đụng với chồng một trận dữ dội chưa từng thấy. Kết cuộc là ông ta vỡ tim mà chết! - Ông nhớ chưa, ông Tư…? Tư Long chụp tay cậu ta: - Nhớ... Nhớ rồi! Cậu là con riêng của ông chủ đây mà. Chính bà chủ trước khi chết đã nhiều lần nhắc tới cậu, nhưng bà nói không biết cậu ở đâu, kể cả tên cậu mà bà cũng không biết... Cậu trai cười chua xót: - Mới phát hiện một tấm ảnh mà bà ấy đã điên cuồng hại chết cả chồng như thế, nên còn cần biết đến ai nữa! Giọng Tư Long đầy xúc động: - Nói có vong linh bà ấy. Đến lúc chết thì bà hối hận lắm. Tuy lúc ấy tôi không ở gần bà, nhưng nghe nói bà trối trăn lại là làm cách nào cũng tìm cho được con riêng của chồng. Chuyện bà ấy để di chúc lại cho cô Lộng Ngọc nào đó cũng chỉ vì bà muốn chuộc lại lỗi lầm gì đó với chồng... - Lộng Ngọc là chị ruột của cháu, người đã chết cách đây gần chục năm rồi! Mà ông biết tại sao bà Ái Nguyệt chỉ di chúc lại cho một mình chị Lộng Ngọc mà không phải là ai khác không? Tư Long nhẹ lắc đầu: - Tôi hoàn toàn không biết... - Là bởi con linh miêu mà ông đã từng gặp. Tư Long thảng thốt: - Con mèo đen! Nhưng... có dính dáng gì? Cậu trai chợt thở dài: - Có đấy. Đó là vong hồn của chị cháu! Mặc dù chị Lộng Ngọc đã chết ngay khi vừa lọt lòng, nhưng vong linh chị ấy thiêng lắm, luôn theo sát cha con cháu. Ngày cha cháu chết đột ngột chính chị ấy đã tìm tới để trị tội bà Ái Nguyệt, làm cho bà ấy phát cuồng phát bệnh cho đến ngày chết! Tư Long chép miệng: - Đúng rồi... Trước khi chết hơn một năm trời lúc nào bà ấy cũng hoảng loạn, kêu la và có lúc như van lạy, cầu khấn ai đó. - Bà ta xin chị Ngọc tha mạng đó! Chị Lộng Ngọc quyết trả thù cho cái chết của chị và mẹ cháu! - Bà thân của cậu... Cậu trai nói qua màn nước mắt: - Mẹ cháu và ba cháu gặp nhau và yêu nhau trước cả bà Ái Nguyệt. Nhưng bởi gia đình nội cháu phản đối nên chỉ lén lút sống với nhau mà không cưới hỏi. Cho đến khi bà Ái Nguyệt cậy mình giàu có, đã hầu như bắt xác cha cháu, buộc ông ấy phải lìa bỏ mẹ con cháu! Mà độc ác hơn là sau đó chính bà ta còn mướn người đầu độc khiến mẹ cháu và chị Lộng Ngọc phải chết thảm cùng lúc! Tư Long kêu lên: - Trời ơi, có chuyện đó sao! Cậu trai tiếp tục kể: - Chết rồi mẹ cháu vốn người hiền lành, nhân hậu nên không hề có động thái gì, chỉ có chị cháu là quyết tâm đòi lại công bằng! Chị ấy hiện hồn về qua con linh miêu... Tư Long kêu lên: - Con mèo đen đó luôn ở trong phòng của bà Ái Nguyệt! - Theo cháu biết thì đêm nào ngủ bà Ái Nguyệt cũng thấy chị cháu xuất hiện, nên sợ mà phát điên, phát bệnh đó! Mà chị cháu chỉ làm vậy thôi, chớ không hành động gì quá đáng... - Thảo nào, bà ấy sợ nên ghi tên cô Lộng Ngọc vào di chúc trong khi biết là người chết rồi thì đâu còn thừa hưởng được... Giọng cậu trai vui hẳn lên: - Như ông thấy đó, chỉ cháu đủ khả năng để lấy trọn vẹn những gì của bà Ái Nguyệt để cho cháu hưởng. Nhưng mà cháu.... Tư Long chận lời: - Như vậy cậu đây... còn sống? Đưa tay chạm vào người ông, cậu trai cười: - Cháu là người bằng xương bằng thịt đây! Lúc mẹ và chị cháu chết thì cháu mới mười sáu tuổi, cháu sống sót là nhờ ba cháu gửi cháu đi học ở xa. Bây giờ cháu còn lại một mình, cháu có đủ tư cách để thừa hưởng tài sản này. Nhưng nói thiệt với chú, cháu không muốn. Rồi đây, có thể cháu sẽ tìm cách hiến tặng tất cả tài sản này cho các tổ chức từ thiện. Cháu trở về sống trong ngôi nhà nhỏ bên cạnh nghĩa trang đó. Nơi có mẹ, chị và cả vong hồn cha cháu nữa... Bấy giờ người cựu quản trang mới lên tiếng: - Những điều cậu ấy nói là hoàn toàn chính xác. Tôi là nhân chứng đây. Chính tôi là người ngu muội, bị bà Ái Nguyệt sai khiến dùng thuốc độc hại chết mẹ con cô Lộng Ngọc! Bởi vậy, với sự hối hận triền miên, tôi tự giam mình ở chốn nghĩa địa buồn thiu kia để chuộc lại lỗi lầm của mình,… Ông ta nói xong bước ra đi thẳng... Cậu trai vỗ vai Tư Long: - Ông cứ tiếp tục ở lại đây giữ nhà giùm. Chị Lộng Ngọc tin tưởng ông, chỉ có điều là căn phòng của bà Ái Nguyệt ông nên nhớ là đừng bao giờ để cho ai xâm phạm nữa. Nếu làm ngược lại thì e rằng chị ấy sẽ không để yên. Tư Long rùng mình: - Tôi đã hứa với cô Lộng Ngọc rồi. Kể cả chuyện cậu vừa nói, tôi sống để dạ, chết mang theo, sẽ không hé lộ với ai nửa lời... Chuyện giao tài sản cho một hồn ma của bà Ái Nguyệt như vậy là không ai biết, ngoại trừ ông Tư Long. Nhưng với Tư Long thì vĩnh viễn ông sẽ không hé môi tiết lộ... Ngôi nhà rộng lớn của bà Ái Nguyệt từ đó về sau vẫn tồn tại bình thường. Cậu con trai duy nhất còn sống sót không bao giờ trở lại đó nữa. Đêm đêm nếu có người nào tinh ý sẽ nhìn thấy trên cửa sổ lầu một, nơi căn phòng của bà Ái Nguyệt, có một con mèo đen to lớn, đứng nhìn ra vườn, trong đôi mắt xanh biếc của nó ánh lên tia nhìn kỳ bí, mông lung...