Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
1- THÀNH TỰU
Những Chỉ Tiêu Chính Của Sự Phát Triển Nông Nghiệp

Vai trò không đáng kể của giai cấp tư sản Nga khiến những mục tiêu dân chủ của nước Nga lạc hậu, như là sự thanh toán chế độ đế chế và sự lệ thuộc của nông dân sống trong tình trạng bán nô lệ, chỉ có thể đạt được nhờ chuyên chính vô sản. Nhưng khi đã dẫn đầu giai cấp nông dân và nắm được chính quyền, giai cấp vô sản không thể dừng lại ở những cải cách dân chủ. Cuộc cách mạnh tư sản hòa nhập ngay với giai đoạn đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không phải vì những lý do ngẫu nhiên. Lịch sử những thập kỷ cuối cùng chứng tỏ với một sức mạnh đặc thù rằng trong những điều kiện của thời kỳ suy đồi của chủ nghĩa tư bản, những nước lạc hậu không thể ngoi lên ngang tầm những cường quốc cổ truyền của tư bản. Bọn văn minh trong ngõ cụt chặn đường những kẻ muốn tiến tới văn minh. Nước Nga đi vào con đường cách mạng vô sản, không phải vì nền kinh tế của nó đã chín muồi nhất để biến hóa thành xã hội chủ nghĩa mà bởi vì nó không thể phát triển được nữa trên những nền móng tư bản chủ nghĩa. Sự xã hội hóa các phương tiện sản xuất trở thành điều kiện tiền đề cần thiết đưa đất nước ra khỏi tình trạng man rợ: đó là qui luật phát triển phối hợp của các nước lạc hậu. Đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa như là “mắt xích yếu nhất của giây chuyền tư bản” (Lênin), đế quốc cũ của Nga hoàng ngày nay, mười chín năm sau cách mạng, còn phải “đuổi kịp và vượt” - trước hết là đuổi kịp - châu Âu và châu Mỹ. Nói cách khác, là phải giải quyết những vấn đề sản xuất và kỹ thuật mà chủ nghĩa tư bản tiên tiến đã giải quyết từ lâu.
Có thể khác được không? Sự lật đổ các giai cấp thống trị già cỗi chưa phải là đã giải quyết xong những vấn đề đó. Nó chỉ mới nêu lên mà thôi: làm sao tiến từ tình trạng man rợ đến chỗ có văn hóa. Đồng thời tập trung quyền sở hữu của phương tiện sản xuất trong tay Nhà nước, cách mạng đã cho phép áp dụng những phương sách kinh tế mới có hiệu lực vô cùng lớn. Chỉ nhờ có sự lãnh đạo theo một kế hoạch duy nhất mà trong thời gian ngắn người ta có thể xây dựng lại những gì đã bị phá hoại trong chiến tranh đế quốc và nội chiến, dựng lên những nhà máy mới đồ sộ, những công nghiệp mới, những ngành công nghiệp hoàn chỉnh.
Sự chậm trễ quá mức của cách mạng thế giới mà các nhà thủ lĩnh của đảng bônsêvich vẫn trông đợi trong một kỳ hạn ngắn, vừa gây cho Liên xô những khó khăn lớn lại vừa làm nổi bật hiện tượng Liên xô có những tài nguyên nội tại và những khả năng đặc biệt to lớn. Sự đánh giá đúng đắn những kết quả đạt được - về thành công to lớn cũng như những hạn chế - tuy nhiên chỉ có thể làm được ở tầm cỡ quốc tế. Phương pháp mà chúng tôi sử dụng là phương pháp giải thích bằng lịch sử và xã hội học và không phải là sự tích lũy những điều minh họa bằng thống kê. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ lấy khởi điểm từ vài con số chọn trong những số liệu quan trọng nhất.
Tầm rộng lớn của công cuộc công nghiệp hóa ở Liên xô trong khung cảnh ứ đọng và suy vong của hầu khắp thế giới tư bản, làm nổi bật những chỉ tiêu tổng thể sau đây. Sản xuất công nghiệp của nước Đức lúc này chỉ mới trở lại ngang tầm năm 1929 nhờ có cơn sốt của chạy đua vũ trang. Trong cùng thời gian, sản xuất của nước Anh, kể cả có chế độ thuế quan bảo hộ, chỉ tăng có 3 đến 4%. Sản xuất công nghiệp của nước Mỹ giảm chừng 25%, của nước Pháp trên 30%. Nước Nhật, điên cuồng chạy đua vũ trang và cường đạo, nhờ những thành công, đã đứng vào hàng đầu các nước tư bản: sản xuất của nó đã tăng gần 40%. Nhưng chỉ tiêu đặc biệt ấy cũng phải mờ đi trước tính năng động của sự phát triển của Liên xô mà sản xuất nông nghiệp đã tăng 3,5 lần trong cùng một thời gian, có nghĩa là tăng 250%. Trong mười năm cuối (1925 - 1935), công nghiệp nặng xô viết đã tăng sản xuất lên hơn mười lần. Trong năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, vốn đầu tư là 5,4 tỉ rúp, năm 1936, nó sẽ là 32 tỉ.
Nếu thấy đồng rúp là đơn vị đo lường không ổn định, chúng ta từ bỏ những tính toán tài chính, và chọn những cách đánh giá khác chắc chắn hơn. Tháng chạp 1913, mỏ Đônet (Donetz) sản xuất 2.275.000 tấn than, tháng chạp 1935, 7.125.000 tấn. Trong ba năm cuối, sản xuất gang đã gấp đôi, thép và thép tấm được nhân lên gần hai lần rưỡi. So với trước chiến tranh, khai thác dầu lửa, than đá, quặng sắt nhân lên với ba hoặc ba rưỡi. Năm 1920, khi đã quyết định kế hoạch thứ nhất điện khí hóa, đất nước có 10 nhà máy điện địa phương, tổng công suất 253.000 kilôoat. Năm 1935, đã có 95 nhà máy điện địa phương, tổng công suất 4.345.000 kilôoat. Năm 1925, Liên xô đứng thứ mười một trên thế giới về sản xuất điện lực; năm 1935, Liên xô chỉ còn thua kém Đức và Mỹ. Về khai thác than đá, Liên xô từ chỗ đứng thứ mười tiến lên đứng thứ tư. Về sản xuất thép, từ thứ sáu lên thứ ba. Về sản xuất máy kéo, Liên xô đứng đầu thế giới. Về sản xuất đường, cũng vậy.
Những kết quả to lớn trong công nghiệp, sự mở đầu đầy hứa hẹn của một nền nông nghiệp đang vươn lên, sự lớn lên kỳ diệu của các thành phố công nghiệp truyền thống, sự xuất hiện những thành phố mới, sự tăng trưởng nhanh chóng nhân số công nhân, sự nâng cao trình độ văn hóa và nhu cầu, đó là những kết quả không chối cãi được của cách mạng Tháng mười, cuộc cách mạng mà các nhà tiên tri của thế giới cũ chỉ muốn coi là nấm mồ của nền văn minh. Cũng không cần phải tranh cãi với các nhà kinh tế học tư sản: chủ nghĩa xã hội đã chứng minh quyền thắng của nó, không phải trong những trang của Tư bản luận, mà trên một khu vực kinh tế rộng bằng một phần sáu địa cầu; không bằng ngôn ngữ của biện chứng pháp mà bằng ngôn ngữ của sắt, xi măng và điện. Cho dù có phải ngã gục do những đòn từ ngoài đánh vào và do những lỗi lầm của những người lãnh đạo - chúng tôi tin chắc điều đó sẽ tránh được - Liên xô vẫn còn cơ sở bảo đảm cho tương lai, cơ sở không thể phá hủy mà chỉ có cách mạng vô sản mới cho phép một nước lạc hậu, trong vòng không đầy hai mươi năm thu được những kết quả chưa từng thấy trong lịch sử.
Như thế là kết thúc cuộc tranh cãi với phái cải lương trong phong trào công nhân. Có thể nào, dù chỉ trong một phút giây, so sánh những hoạt động chuột nhắt của những người này với sự nghiệp khổng lồ của một dân tộc vươn tới một cuộc sống mới theo tiếng gọi của cách mạng? Nếu năm 1918, đảng xã hội-dân chủ Đức biết lợi dụng chính quyền mà giai cấp công nhân trao cho để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chứ không phải để cứu chủ nghĩa tư bản, thì có thể hình dung dễ dàng theo gương của Liên xô, sức mạnh vô địch của nền kinh tế sẽ như thế nào của khối xã hội chủ nghĩa Trung và Đông âu và một phần lớn của châu Á. Các dân tộc thế giới còn phải trả giá bằng những cuộc chiến tranh mới và những cuộc cách mạng mới cho những tội ác lịch sử của chủ nghĩa cải lương.
Đánh Giá So Sánh Các Kết Quả
Các hệ số năng động của công nghiệp xô viết là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Nhưng không phải một sớm một chiều mà chúng giải quyết được vấn đề. Liên xô đi lên từ một trình độ thấp kinh khủng, trong khi các nước tư bản trườn lên từ một trình độ rất cao. Tương quan lực lượng hiện nay được quyết định không phải từ tính năng động phát triển mà từ sự đối lập của lực lượng tổng thể của hai đối thủ, biểu hiện bằng các nguồn dự trữ vật chất, kỹ thuật, văn hóa và trước hết năng suất lao động của con người. Chúng ta chỉ mới đề cập vấn đề dưới góc độ thống kê ấy, tình hình tỏ ra bất lợi cho Liên xô.
Câu hỏi đặt ra của Lênin: “Ai sẽ thắng?” là vấn đề tương quan lực lượng giữa một bên là Liên xô và giai cấp vô sản cách mạng thế giới, một bên là các lực lượng thù địch bên trong và chủ nghĩa tư bản thế giới bên ngoài. Những thành tựu kinh tế của Liên xô cho phép Liên xô được mạnh lên, tiến lên, tự võ trang và nếu cần, đánh thắng và chờ đợi, nói tóm lại, là đứng vững. Nhưng tự bản thân nó, vấn đề “Ai sẽ thắng?” không chỉ ở ý nghĩa quân sự của danh từ mà trước hết ở ý nghĩa kinh tế, được đặt ra cho Liên xô trên bình diện thế giới. Sự can thiệp bằng quân sự là nguy hiểm. Sự thâm nhập bằng hàng hóa rẻ tiền, đi theo sau các đội quân tư bản, còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Lẽ tự nhiên, thắng lợi của giai cấp vô sản trong một nước phương Tây đem đến liền ngay một thay đổi căn bản về tương quan lực lượng. Nhưng ngày nào Liên xô còn bị cô lập, tệ hơn nữa, ngày nào giai cấp vô sản châu Âu còn đi từ thất bại này sang thất bại khác và lùi bước, sức mạnh của chế độ xô viết cuối cùng sẽ đo bằng năng suất lao động. Trong sản xuất hàng hóa, năng suất này được biểu thị bằng giá thành và giá bán. Hiệu số giữa các giá hàng nội địa và giá hàng trên thị trường thế giới là một trong những chỉ số quan trọng nhất về tương quan lực lượng. Thế nhưng thống kê xô viết lại bị cấm không được đụng chạm đến, dù chỉ một chút xíu về vấn đề này. Bởi vì xét trong lĩnh vực kỹ thuật, tổ chức và văn hóa lao động, chủ nghĩa tư bản, mặc dù sự đình đốn và ứ đọng của nó, vẫn còn ở mức độ xa hơn so với Liên xô.
Người ta biết khá nhiều về tình trạng lạc hậu cổ truyền của nông nghiệp xô viết. So sánh với công nghiệp, nông nghiệp bất cứ ở địa hạt nào, vẫn chưa có thành công tương xứng “Chúng ta còn rất chậm trễ đối với các nước tư bản,” Môlôtôp (Molotov) kêu ca vào cuối năm 1935 khi nói về “năng suất củ cải đường.” Năm 1934, Liên xô đạt 82 tạ một hecta, năm 1935, ở Ucơrai (Ukraine), trong một vụ đặc biệt, 131 tạ. Ở Tiệp khắc và Đức, một hecta thu hoạch gần 250 tạ, ở Pháp trên 300. Những lời than vãn của Môlôtôp có thể nói chung cho tất cả các ngành nông nghiệp, mà không phải là quá đáng, từ cây công nghiệp đến cây lương thực và đặc biệt là, trong chăn nuôi. Cách luân canh hợp lý, chọn hạt giống, dùng phân bón, máy kéo, thiết bị nông nghiệp tiên tiến, nuôi gia súc cho giống, thực tế tất cả các việc đó chuẩn bị cho một cuộc cách mạng rộng lớn trong nền nông nghiệp được xã hội hóa. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, một trong những lĩnh vực bảo thủ nhất, cách mạng đòi hỏi phải có thời gian. Mặc dù đã tập thể hóa, mục tiêu trong hiện tại là tiến gần đến các mẫu hình cao của tư bản phương Tây với hình thức những trại tư nhân nhỏ của họ.
Sự phấn đấu để tăng năng suất lao động trong công nghiệp đi theo hai đường: tiếp thu kỹ thuật tiên tiến và sử dụng tốt nhân công. Khả năng xây dựng trong thời gian ngắn những nhà máy lớn theo kiểu hiện đại nhất, một mặt là nhờ kỹ thuật cao của tư bản chủ nghĩa phương Tây, mặt khác nhờ chế độ kế hoạch hóa. Ở lĩnh vực này, chúng ta tiếp thu những thành quả của người khác. Sự kiện công nghiệp xô viết và cả thiết bị của hồng quân tăng trưởng nhanh chóng, bao hàm những lợi thế tiềm tàng to lớn. Kinh tế không buộc phải kéo lê thê một thiết bị cũ kỹ như ở Pháp hoặc ở Anh, quân đội không bắt buộc phải dùng vũ khí cũ. Nhưng sự tăng trưởng như cơn sốt ấy có những mặt tiêu cực: các nhân tố kinh tế không hài hoà với nhau, con người không theo kịp kỹ thuật, lãnh đạo ở dưới tầm nhiệm vụ. Tất cả được biểu thị bằng những giá thành quá cao trong một nền sản xuất mà chất lượng còn thấp.
Người lãnh đạo công nghiệp dầu lửa viết: “Các giếng dầu của ta cũng cùng một thiết bị như các giếng dầu của Mỹ, nhưng tổ chức khoan thì chậm trễ, cán bộ thì năng lực rất yếu.” Số lớn những tai nạn xảy ra là do “sự lười nhác, thiếu năng lực và thiếu sót trong việc theo dõi kiểm tra kỹ thuật.” Môlôtôp phàn nàn “chúng ta rất chậm tiến trong tổ chức các công trường xây dựng... Thông thường ở đây vẫn theo nếp cũ, lối mòn, sử dụng thiết bị, máy móc một cách quá tồi tệ”. Người ta thấy những lời thú nhận như thế trong tất cả báo chí xô viết. Kỹ thuật hiện đại còn xa mới cho Liên xô được những kết quả như ở các xứ tư bản quê hương của nó.
Những thành công tổng thể của công nghiệp nặng là một thắng lợi khôn kể: người ta chỉ có thể xây dựng trên những nền móng như thế; nhưng chỉ trong sự sản xuất nhỏ tinh vi nhất, một nền kinh tế hiện đại mới biểu hiệu rõ khả năng của mình. Về mặt đó, còn rất chậm trễ.
Những kết quả nghiêm chỉnh nhất, không chỉ số lượng mà là cả chất lượng, chắc chắn là đã đạt được trong công nghiệp vũ khí, quân đội và hải quân là những khách hàng có thế lực nhất và đòi hỏi cao nhất. Tuy nhiên những người lãnh đạo các cơ quan trong quân đội, kể cả Vôrôsilôp (Vorochilov), không ngừng kêu ca, trong những diễn văn đã được công bố: “Chúng ta không lúc nào hoàn toàn thỏa mãn về chất lượng sản phẩm cung cấp cho hồng quân”. Người ta đoán được không khó khăn mối lo trong những lời nói thận trọng ấy.
Người đứng đầu của công nghiệp nặng, trong một báo cáo công khai, nói rằng chế tạo máy “là phải chất lượng cao, nhưng khốn thay lại không được như thế...” Xa hơn: “Máy của chúng ta đắt quá.” Cũng như bất cứ lúc nào, báo cáo viên tránh không cung cấp những dữ kiện so sánh chính xác với nền sản xuất thế giới.
Máy kéo là niềm tự hào của công nghiệp xô viết, nhưng hệ số sử dụng các máy kéo lại rất thấp. Trong kiểm tra kinh tế mới rồi, 81% máy kéo đã phải sửa chữa lớn và khá nhiều máy đã ngoài vòng sử dụng giữa lúc thời vụ khẩn trương nhất. Theo một số tính toán, những trạm máy và máy kéo chỉ đủ chi phí với những vụ thu hoạch từ 20 đến 22 tạ hạt một hecta. Như hiện nay năng suất trung bình theo hecta chưa đạt một nửa con số đó, Nhà nước buộc phải bù lỗ đến hàng tỉ đồng.
Tình hình vận chuyển bằng ôtô còn xấu hơn nữa. Một xe tải chạy ở Mỹ 60.000, 80.000 và đến 100.000 km một năm, ở Liên xô chỉ chạy được 20.000, từ ba đến bốn lần kém hơn. Trên một trăm máy, năm mươi lăm chiếc chạy trên đường, những chiếc khác đang sửa chữa hoặc chờ sửa chữa. Chi phí cho các sửa chữa lớn bằng hai lần tổng giá sản xuất ra những máy mới. Theo ý kiến của ban kiểm tra của chính phủ, không có gì lạ “Những vận chuyển bằng ôtô đối với giá thành của sản xuất là một gánh nặng đặc biệt”.
Theo lời ông chủ tịch Hội đồng Dân ủy, sự gia tăng khả năng vận chuyển của đường sắt đi kèm theo với “một số lớn tai nạn và trượt bánh.” Nguyên nhân chủ yếu không thay đổi vẫn là chất lượng làm việc kém, để lại từ quá khứ. Sự phấn đấu để bảo dưỡng đúng mức đường sắt trở thành một sự nghiệp anh hùng, những người bẻ ghi được khen thưởng, đọc báo cáo ở điện Cơremlanh, trước những đại diện cao nhất của chính quyền. Mặc dầu thành quả của những năm gần đây, vận chuyển đường biển còn rất chậm tiến so với đường sắt. Người ta thấy cứ từng thời kỳ trên các báo những mục về “công việc tồi tệ trong vận chuyển đường biển,” chất lượng “thấp không tưởng được của những sửa chữa trong hạm đội” v.v...
Trong các ngành của công nghiệp nhẹ, tình hình còn bất lợi hơn trong công nghiệp nặng. Đối với công nghiệp xô viết, người ta có thể vạch ra một qui luật khá đặc biệt: nói chung, các sản phẩm, càng gần người tiêu thụ càng xấu. Theo báo Sự Thật (Pravda), trong công nghiệp dệt, “tỷ lệ phần trăm phế phẩm thật đáng sỉ nhục, cách phối hợp kém, chất lượng xấu chiếm phần lớn.” Những lời kêu ca chất lượng xấu của những hàng thiết yếu bậc nhất thường kỳ xuất hiện trên báo chí xô viết: “hàng sắt tây được gia công một cách vụng về”; “đồ gỗ xấu xí, đóng đinh không chặt, làm qua quít, cẩu thả”; “không tìm đâu những khuy dùng tạm được”; “các cửa hàng thực phẩm công cộng làm việc rất đáng chê” v.v...
Khẳng định những thành công của công nghiệp hóa mà chỉ căn cứ vào những chỉ số về số lượng thì cũng gần như xác định thân thể của mỗi người chỉ bằng chiều cao, không cho biết vòng ngực. Vả lại, một sự đánh giá đúng hơn về tính năng của nền kinh tế xô viết đòi hỏi, đồng thời với sự hiệu chỉnh về chất lượng, cần phải luôn luôn nhớ rằng những thành công nhanh chóng giành được trong một lĩnh vực lại đi song đôi với những chậm trễ trong các lĩnh vực khác. Sự thành lập những nhà máy lớn sản xuất ôtô trả giá bằng sự coi thường và bỏ rơi hệ thống đường sá. Báo Tin Tức (Izvestia) nhận xét: “Sự bỏ mặc đường sá của chúng ta thật kỳ lạ, không thể chạy xe trên mười cây số trên lòng đường rất quan trọng Matxcơva- Zarôtlap (Moscou-Iaroslav).” Chủ tịch ủy ban kế hoạch khẳng định đất nước vẫn còn giữ những truyền thống của những “thế kỷ không đường sá.”
Kinh tế đô thị cũng ở trong một tình trạng tương tự. Những thành phố công nghiệp mới xuất hiện trong thời gian ngắn trong khi hàng chục thành phố cổ rơi vào sự lãng quên hoàn toàn. Các thủ đô và các thành phố công nghiệp lớn lên và đẹp ra, người ta thấy nổi lên đây đó những nhà hát và những câu lạc bộ đắt tiền, nhưng khủng hoảng nhà ở thì quá mức không chịu đựng nổi, thông thường vấn đề nhà ở bị sao nhãng hoàn toàn. “Chúng ta xây dựng xấu và đắt, toàn bộ nhà ở hỏng nát và không được bảo dưỡng, chúng ta ít sửa chữa và sửa chữa kém.” (Tin Tức)
Những mất cân đối ấy là sự xảy ra thông thường của toàn bộ nền kinh tế. Trong một chừng mực nào đó, nó không tránh khỏi bởi vì phải và vẫn còn phải bắt đầu xây dựng từ những khu vực quan trọng nhất. Càng đúng hơn nữa là tình trạng lạc hậu của một số khu vực tạo ra sự thấp kém cho những khu vực khác. Nếu ta hình dung một nền kinh tế chỉ huy lý tưởng, không nhắm thúc đẩy sự phát triển nhanh của một số ngành, mà chỉ nhắm tạo dựng những kết quả tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế, hệ số thống kê tăng tiến sẽ nhỏ hơn trong giai đoạn đầu, nhưng toàn bộ nền kinh tế và người tiêu thụ sẽ được lợi hơn. Do đó, sự năng động chung của nền kinh tế cũng được lợi hơn.
Trong thống kê của chính phủ, sản xuất và sửa chữa ôtô được cộng lại thành một tổng số của sản xuất công nghiệp; đứng trên quan điểm hiệu quả kinh tế, ở đây làm tính trừ thì phải hơn là làm tính cộng. Nhận xét này cũng bao hàm những công nghiệp khác. Cho nên tất cả những ước tính tổng quát bằng rúp chỉ có một giá trị tương đối: người ta không biết đồng rúp là gì và người ta không bao giờ biết cái gì nấp sau nó, sự làm ra hay phá đi quá sớm một cỗ máy. Nếu tính bằng rúp “ổn định,” tổng sản xuất công nghiệp nặng đã tăng sáu lần so với nó trước chiến tranh. Sự khai thác dầu lửa và than đá cũng như sản xuất gang tính bằng tấn chỉ mới nhân lên với ba hay ba rưỡi. Nguyên nhân chính của sự không hài hòa là công nghiệp xô viết đã tạo ra những ngành mới, nước Nga thời Sa hoàng chưa từng biết. Nhưng cần nhìn rõ một nguyên nhân phụ là sự thao tác có ý đồ trong các bản thống kê. Ta biết rằng bộ máy quan liêu nào cũng đều nhận thấy nhu cầu hữu cơ là phải tô vẽ thực tế.
Tính Theo Đầu Dân
Năng suất lao động trung bình cá nhân còn rất thấp ở Liên xô. Theo lời thú nhận của giám đốc nhà máy luyện kim hạng nhất sản xuất gang và thép tính theo đầu thợ, ba lần thấp hơn năng suất trung bình ấy ở Mỹ. Sự so sánh trung bình giữa hai nước chắc sẽ cho những tỉ lệ từ một đến năm, hoặc thấp hơn nữa. Trong điều kiện ấy, sự khẳng định các lò luyện kim ở Liên xô được sử dụng “tốt hơn” các nước tư bản, lúc này là vô nghĩa; kỹ thuật không có mục tiêu nào khác hơn là tiết kiệm sức lao động của con người. Trong công nghiệp rừng và xây dựng, tình trạng lại còn xấu hơn trong ngành luyện kim. Tính đầu thợ khai thác sản xuất ở Mỹ là 5000 tấn một năm và ở Liên xô 500 tấn, tức là mười lần kém hơn. Sự khác nhau quá đáng được giải thích bằng sự kém tổ chức lao động hơn là sự kém đào tạo nghề nghiệp của thợ. Tầng lớp quan liêu ra sức đốc thúc thợ nhưng không biết sử dụng đúng đắn nhân công. Và lẽ tự nhiên, nông nghiệp lại còn không may hơn về mặt đó. Năng suất lao động thấp thì thu nhập quốc dân cũng thấp và từ đó, mức sinh hoạt của quần chúng nhân dân cũng thấp.
Khi người ta nói với chúng tôi Liên xô năm 1936 sẽ đứng đầu ở châu Âu về sản xuất công nghiệp - thành công to lớn tự bản thân nó - người ta không chú ý đến không những chất lượng và giá thành, mà cả con số dân. Thế nhưng trình độ phát triển chung trong nước và đặc biệt, điều kiện sinh hoạt vật chất của quần chúng chỉ có thể xác định, dù trong những nét lớn, bằng cách chia sản xuất với con số những người tiêu thụ. Ta thử làm xem phép tính đơn giản ấy.
Vai trò những đường sắt trong kinh tế, đời sống văn hoá và chiến tranh không cần phải chứng minh nhiều. Liên xô có 83.000 kilômet đường so với 58.000 của Đức, 63.000 của Pháp, 417.000 của Mỹ. Điều đó có nghĩa là cứ 10.000 dân: ở Đức có 8,5 km đường; ở Pháp, 15,2 km; ở Mỹ, 33,1 km; ở Liên xô 5 km. Về đường sắt, Liên xô vẫn ở hàng cuối của thế giới văn minh. Đội tàu buôn trong năm năm gần đây đã lớn lên ba lần. Hiện nay gần ngang tầm Tây ban nha và Đan mạch. Thêm vào đó sự thiếu đường sá. Năm 1935, Liên xô sản xuất 0,6 ôtô cho 1.000 dân; nước Anh làm ra (1934) gần 8 chiếc cho cùng một con số dân, Pháp 4,5, Mỹ 23 (so với 36,5 năm 1928).
Mặc dù tình trạng hết sức lạc hậu về đường sắt, về vận chuyển đường sông và ôtô, Liên xô không hơn, cả Pháp, cả Mỹ về tỷ số ngựa (ngựa cho 10-11 dân), hơn thế lại còn lạc hậu hơn nhiều về chất lượng của ngựa.
Những chỉ số so sánh vẫn tiếp tục bất lợi cho Liên xô trong công nghiệp nặng, mặc dù đã đạt những thành công rất đặc biệt. Khai thác than đá năm 1935 gần 0,7 tấn đầu dân; ở Anh, lên đến gần 5 tấn; ở Mỹ gần 3 tấn (so với 5,4 năm 1913), Đức gần 2 tấn. Thép: Liên xô, gần 67 kilôgam đầu dân; Mỹ gần 250. Tỷ số tương tự về gang và thép tấm. Điện lực 153 kilôoat giờ đầu dân ở Liên xô, năm 1935, ở Anh, 443 (1934) ở Pháp, 363, ở Đức, 472.
Thường lệ, những chỉ số ấy lại còn thấp hơn nữa trong công nghiệp nhẹ. Đà sản xuất năm 1935 không đầy năm mươi xăngtimét vải len đầu người, từ tám đến mười lần kém hơn ở Mỹ hoặc ở Anh. Dạ chỉ đến tay những công dân xô viết có đặc quyền, đặc lợi. Quần chúng phải tự mãn với vải hoa dệt được mười sáu mét đầu người và cũng như xưa kia dùng để may cả áo quần mùa đông. Công nghiệp giày ở Liên xô hiện có 0,5 đôi/ năm, mỗi người dân; ở Đức hơn một đôi, ở Pháp 1,5 đôi, ở Mỹ gần ba đôi, và chúng tôi chưa nói đến chỉ tiêu chất lượng, càng khắc sâu thêm sự khác nhau. Chắc chắn tỷ lệ phần trăm số người có nhiều đôi giày trong các nước tư bản cao hơn số người ở Liên xô; tai hại thay, Liên xô vẫn chiếm hàng đầu về tỷ lệ phần trăm những người đi chân đất.
Các tỷ lệ đều thế cả, có bộ phận còn bất lợi hơn, như trong sản xuất thực phẩm, mặc dầu những tiến bộ hiển nhiên trong những năm cuối: đồ hộp, lạp xưởng, phó mát, chưa nói đến bích qui và kẹo hiện vẫn ngoài tầm với của đại đa số nhân dân. Tình hình cũng xấu cả về thực phẩm có sữa. Ở Pháp và ở Mỹ, ít ra cũng có một con bò cái cho năm người dân, ở Đức một cho sáu, ở Liên xô một cho tám, và về mặt sản xuất sữa, hai bò cái xô viết cộng lại, tính là một. Chỉ có trong sản xuất ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch đen và khoai tây, nếu tính thu hoạch theo đầu người thì Liên xô mới hơn đa số các nước châu Âu và Mỹ. Nhưng bánh mạch đen và khoai tây mà được coi là lương thực chính của nhân dân thì đó là dấu hiệu cổ điển của sự nghèo đói!
Sự tiêu thụ giấy là một trong những chỉ tiêu văn hóa quan trọng nhất. Năm 1935, ở Liên xô, đã sản xuất được không đầy 4 kilô giấy đầu người, ở Mỹ hơn 34 kilô (so với 48 kilô năm 1928), ở Đức, hơn 47 kilô. Nếu ở Mỹ có mười hai bút chì cho mỗi người dân một năm, thì ở Liên xô chưa đủ bốn cái và chất lượng kém đến nỗi giá trị sử dụng chỉ bằng một hoặc nhiều lắm là hai cái. Các báo luôn luôn phàn nàn việc thiếu sách học, thiếu giấy và bút chì làm tê liệt công việc nhà trường. Không có gì lạ nếu việc thanh toán nạn mù chữ, định vào dịp kỷ niệm mười năm cách mạng Tháng mười, còn xa mới làm được.
Có thể làm sáng tỏ vấn đề này bằng những nhận định tổng quát. Thu nhập quốc dân tính theo đầu người thấp hơn so với thu nhập ở các nước phương Tây. Và vì những đầu tư vào sản xuất choán gần 25 đến 30% nghĩa là một phân số lớn hơn bất cứ ở nước nào, quỹ tiêu thụ của quần chúng nhân dân dĩ nhiên thấp hơn nhiều so với quỹ tiêu thụ trong các nước tư bản tiên tiến.
Đúng là ở Liên xô không có những giai cấp hữu sản mà sự tiêu pha hoang phí bù vào sự tiêu thụ dưới mức của quần chúng nhân dân. Nhận xét ấy không đúng lắm như thoạt đầu ta tưởng. Khuyết tật chủ yếu của hệ tư bản không phải là trong sự hoang phí, cho dù tự trong bản thân nó, sự hoang phí ấy là đáng ghét, mà là ở chỗ muốn được quyền hoang phí, giai cấp tư sản phải nắm quyền tư hữu các phương tiện sản xuất và như thế họ buộc kinh tế phải đến chỗ hỗn loạn và phân hủy. Lẽ dĩ nhiên họ nắm giữ độc quyền tiêu thụ hàng xa xỉ. Nhưng giai cấp cần lao lại là đám người đông nhất trong việc tiêu thụ những hàng thông dụng thiết yếu. Chúng ta sẽ thấy trong đoạn sau rằng nếu ở Liên xô không có những giai cấp hữu sản theo nghĩa đen của nó thì lại có một tầng lớp lãnh đạo có đặc quyền đặc lợi cao, chiếm lấy phần của chúa sơn lâm trong việc tiêu thụ. Và nếu Liên xô sản xuất ít hơn những hàng thiết yếu bậc nhất tính theo đầu người so với các nước tư bản tiên tiến, điều đó có nghĩa là điều kiện vật chất của quần chúng ở đây còn thấp hơn mức đã có ở các nước tư bản.
Trách nhiệm lịch sử của tình trạng ấy dĩ nhiên là cái quá khứ nặng nề và đen tối của nước Nga và tất cả những cái gì là khốn cùng, dốt nát nó đã để lại cho chúng ta. Không có lối thoát nào đi lên tiến bộ ngoài sự lật đổ chủ nghĩa tư bản. Để tin chắc điều đó chỉ cần nhìn qua các nước ven bờ Ban tích và nước Ba lan xưa kia là những khu vực mở mang nhất của đế quốc và nay không ra khỏi sự trì trệ, đình đốn. Công lao bất hủ của chế độ xô viết là cuộc đấu tranh rất gay go gian khổ và thường thường có hiệu quả chống một tình trạng man rợ đã hàng thế kỷ. Nhưng sự đánh giá đúng đắn các kết quả là điều kiện đầu tiên của sự tiến bộ sau này.
Dưới mắt chúng ta, chế độ xô viết đang qua một giai đoạn chuẩn bị trong đó nó du nhập, tiếp thu, vay mượn những thành quả kỹ thuật và văn hóa của phương Tây. Những hệ số liên quan đến sản xuất và tiêu thụ chứng tỏ giai đoạn chuẩn bị ấy còn lâu mới kết thúc, dù trong một giả thuyết không chắc lắm về một sự đình đốn hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản, giai đoạn này vẫn còn phải kéo dài cả một thời kỳ lịch sử. Đó là kết luận thứ nhất, cực kỳ quan trọng, chúng tôi đã đi đến và chúng tôi sẽ còn trở lại trong quá trình của việc nghiên cứu này.