Dịch giả: Hoàng Khoa Khôi
- 3 -
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ NHÀ NƯỚC



Chế Độ Giao Thời

 Có thật như giới cầm quyền khẳng định, chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện ở Liên Xô? Nếu câu trả lời là không, thử hỏi, ít nhất những thành tựu có bảo đảm được không cho sự thực hiện chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới một nước, bỏ ngoài những diễn biến tình hình trong phần còn lại của thế giới? Sự đánh giá phê phán những chỉ tiêu căn bản của nền kinh tế Xô Viết đặt cho chúng ta một khởi điểm trong việc đi tìm câu trả lời đúng. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự nhận xét về mặt lý luận cần đưa ra trước.
Chủ nghĩa Mácxít bắt nguồn từ sự phát triển của kỹ thuật, coi nó là động lực chính của tiến bộ, và xây dựng chương trình cộng sản trên tính năng động của các lực lượng sản xuất. Giả thử có một thiên tai vũ trụ tàn phá hành tinh chúng ta trong một tương lai gần gũi, chúng ta buộc phải từ bỏ viễn ảnh của chủ nghĩa cộng sản cũng như nhiều điều khác nữa. Ngoài nguy cơ đó ra, lúc này còn là giả định, chúng ta không có một tí lý do khoa học nào định trước các giới hạn, dù giới hạn nào, về các khả năng kỹ thuật, công nghiệp và văn hóa của chúng ta. Chủ nghĩa Mác thấm nhuần sâu sắc tinh thần lạc quan đối với tiến bộ và xin nói lướt qua, như thế là đủ hiểu sự đối lập triệt để của nó đối với tôn giáo.
Cơ sở vật chất của chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ phát triển sức mạnh kinh tế của con người đến mức lao động sản xuất không còn là một gánh nặng, một việc làm bắt buộc. Sự phát triển ấy không cần có bất cứ một sự kích thích nào và sự phân phối như ngày nay trong một gia đình khá giả hoặc một quán trọ “tử tế” – không cần sự kiểm tra nào khác ngoài sự kiểm tra của giáo dục, của tập quán, của dư luận. Thẳng thắn mà nói, phải là quá ngớ ngẩn mới coi là không tưởng một viễn cảnh xét đến cùng cũng là rất bình thường.
Chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị các điều kiện và các lực lượng cho cuộc cách mạng xã hội: kỹ thuật, khoa học, giai cấp vô sản. Nhưng xã hội cộng sản không thể tiếp nối liền ngay xã hội tư bản; di sản vật chất và văn hóa của quá khứ để lại còn thiếu thốn. Ngay buổi đầu, Nhà nước công nhân không thể cho phép mỗi người làm việc “tùy theo khả năng”, nói cách khác, có thể và muốn làm đến đâu thì làm; cũng không thể thưởng công mọi người “theo nhu cầu”, công việc đã làm được. Lợi ích của sự phát triển lực lượng sản xuất buộc phải trở về những tiêu chuẩn quen thuộc của đồng lương, có nghĩa là sự phân phối của cải theo số lượng và chất lượng công việc của từng cá nhân.
Mác gọi giai đoạn đầu của xã hội mới ấy là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, phân biệt với giai đoạn cao, trong đó sự bất bình đẳng vật chất biến mất cùng với cái bóng ma cuối cùng của sự thiếu thốn. Học thuyết của Nhà nước Xô viết hiện nay nói: “Lẽ tự nhiên, chúng ta chưa phải đã có chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh, nhưng chúng ta đã thực hiện được chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”. Và để làm chỗ dựa cho luận đề đó người ta nêu ra ưu thế tuyệt đối của các tờ-rớt (trust). Nhà nước trong công nghiệp, trong các nông trường tập thể, trong nông nghiệp, các xí nghiệp quốc hữu hóa và hợp tác hóa, trong thương nghiệp. Thoạt nhìn, có vẻ ăn khớp hoàn toàn với sơ đồ tiên nghiệm (a priori) - và do đó mang tính giả định – của Mác. Nhưng cũng chính theo quan điểm Mácxít, vấn đề không chỉ ở các hình thức của sở hữu, độc lập với hiệu suất lao động. Bất luận truờng hợp nào, Mác hiểu “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản” là của một xã hội mà sự phát triển kinh tế ngay từ đầu đã phải cao hơn sự phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Về lý thuyết, cách đặt vấn đề như vậy là không thể chê được, bởi ở chủ nghĩa cộng sản, xét trên qui mô toàn thế giới, ngay từ giai đoạn mở đầu, ngay từ khởi điểm, phải ở một mực cao hơn so với xã hội tư bản. Vả lại, Mác vẫn trông chờ người Pháp mở đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa, người Đức sẽ tiếp tục và người Anh hoàn thành. Còn người Nga thì đứng xa ở hậu cứ. Thực tế đã đảo ngược lại. Trong giai đoạn phát triển của Liên Xô hiện nay, nếu cứ muốn áp dụng máy móc quan điểm thế giới của Mác về lịch sử vào trường hợp đặc biệt của Liên xô thì sẽ rơi ngay vào những mâu thuẫn không gỡ ra được.
Nước Nga không phải là mắt xích bền nhất mà là mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản. Liên xô hiện nay chưa vượt được trình độ của kinh tế thế giới, nó còn phải đuổi kịp các nước tư bản. Nếu cái xã hội dựa trên cơ sở xã hội hóa các lực lượng sản xuất của các nước tư bản tiên tiến nhất đối với Mác là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, định nghĩa ấy rõ ràng không vận dụng được cho trường hợp Liên xô, hiện vẫn còn rất nghèo so với các nước tư bản, xét về mặt kỹ thuật, tài sản và văn hóa. Vậy, định nghĩa chế độ Xô viết hiện nay, với tất cả những mâu thuẫn của nó, không phải là xã hội chủ nghĩa mà là quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hoặc chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội thì đúng hơn.
Một sự quan tâm về từ ngữ như vậy không có ý gì là thông thái rởm. Sức mạnh và tính ổn định của các chế độ xét đến cùng được xác định bởi hiệu suất tương đối của lao động. Một nền kinh tế xã hội hóa đang vượt chủ nghĩa tư bản về mặt kỹ thuật thì thật sự nó phát triển thành xã hội chủ nghĩa một cách có thể nói là tự động, điều mà khốn thay chưa có cách nào nói được cho nền kinh tế Xô viết.
Đại đa số những kẻ tầm thường ca tụng Liên Xô theo lý luận như sau: dù cho chế độ Xô viết hiện nay chưa phải là xã hội chủ nghĩa, sự phát triển sau này của lực lượng sản xuất, trên những cơ sở hiện nay, sớm hoặc muộn sẽ phải dẫn đến sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Chỉ còn yếu tố thời gian, trong trường hợp này, là phải bàn cãi. Thế thì có gì phải ồn ào đến thế? Dù lý luận đó có vẻ không chối cãi được, thật ra nó rất nông cạn. Thời gian hoàn toàn không phải là một yếu tố phụ, khi nó là một quá trình lịch sử: lẫn lộn hiện tại với tương lai trong chính trị nguy hiểm hơn trong ngữ pháp. Sự phát triển không phải như bọn tiến hóa luận tầm thường loại Oép (Webb) hình dung, sự tích lũy theo kế hoạch và sự “cải tiến” thường xuyên cái hiện có. Nó gồm những biến hóa từ lượng thành chất, những khủng hoảng, những bước nhảy về phía trước và những bước lùi. Chính bởi vì Liên xô chưa phải trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, một hệ thống thăng bằng về sản xuất và tiêu thụ, nên sự phát triển ở đó mới không nhịp nhàng mà đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn kinh tế đề ra những đối kháng xã hội cứ lớn lên theo lôgich của chúng, không đợi sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chúng ta vừa thấy điều đó trong vấn đề anh Kulak, không chịu để cho chủ nghĩa xã hội “đồng hóa” và đòi phải có một cuộc cách mạng bổ sung mà phái quan liêu và lý thuyết gia của họ không ngờ. Phái quan liêu, tập trung trong tay họ quyền lực và của cải, có chịu để cho chủ nghĩa xã hội đồng hóa không? Ta có quyền nghi ngờ. Dù sao, tin vào lời nói của họ là thiếu thận trọng. Trong vòng ba, năm, mười năm sắp tới, tính cơ động của các mâu thuẫn kinh tế và những đối kháng xã hội trong xã hội Xô viết sẽ đi theo hướng nào? Chưa có câu trả lời cuối cùng và chắc chắn cho câu hỏi này. Sự kết thúc tùy thuộc cuộc đấu tranh của các lực lượng sống động của xã hội, không chỉ ở qui mô quốc gia mà cả ở qui mô quốc tế. Mỗi giai đoạn mới lại bắt chúng ta phải có một sự phân tích cụ thể các khuynh hướng và những tương quan thực sự, trong các mối nối tiếp và thường xuyên phụ thuộc lẫn nhau. Tầm quan trọng của một sự phân tích kiểu đó sẽ nổi bật dưới mắt chúng ta trong vấn đề Nhà nước Xô viết.
Chương Trình Và Thực Tế 
Sau Mác và Angghen, Lênin thấy nét nổi bật đầu tiên của cách mạng là trong khi tước quyền sở hữu của bọn bóc lột, cách mạng xóa bỏ sự cần thiết có một bộ máy quan liêu thống trị xã hội và trước hết là cảnh sát và quân đội thường trực. Năm 1917, hai hoặc ba tháng trước khi cướp chính quyền, Lênin viết: “Giai cấp vô sản cần có Nhà nước, tất cả bọn cơ hội đều nhắc lại điều này, nhưng họ quên không nói thêm rằng giai cấp vô sản chỉ cần một Nhà nước tàn lụi dần, tức là nó bắt đầu tàn lụi và không thể không tàn lụi” (Nhà Nước và Cách Mạng). Lời phê phán ấy hồi đó chĩa vào bọn xã hội chủ nghĩa cải lương thuộc loại mensêvích Nga, phabiêng Anh v.v… ngày nay, nó quay lại với một sức mạnh gấp đôi chống bọn tôn sùng xô viết và sự sùng bái Nhà nước quan liêu của chúng không muốn “tàn lụi”.
Đứng về mặt xã hội, chế độ quan liêu là hiện tượng tự nhiên mỗi khi xuất hiện những đối kháng xã hội gay gắt, cần phải “xoa dịu”, “dung hòa”, “điều chỉnh” (bao giờ cũng vì quyền lợi những kẻ có đặc quyền, đặc lợi và những kẻ có của và bao giờ cũng vì quyền lợi của bản thân bọn quan liêu). Bộ máy quan liêu được củng cố và cải tiến qua tất cả các cuộc cách mạng tư sản, dù dân chủ đến mấy. Lênin viết: “Đội ngũ viên chức và quân đội thường trực là những “sinh vật ăn bám” trên cái thân thể của xã hội tư sản, những con vật ăn bám ấy sinh ra vì những mâu thuẫn nội bộ đang dằng xé xã hội đó, nhưng chính nó làm tắc các lỗ chân lông…”
Kể từ 1918, nghĩa là từ khi đảng coi việc nắm chính quyền là một vấn đề thực tiễn, Lênin không ngừng quan tâm đến việc loại trừ những “sinh vật ăn bám” ấy. Lênin giải thích và chứng minh trong Nhà Nước và Cách mạng: sau khi lật đổ các giai cấp bóc lột, giai cấp vô sản đập tan bộ máy quan liêu cũ và lập ra bộ máy của mình gồm công nhân và viên chức, và để ngăn họ không trở thành những tên quan liêu cần phải áp dụng “những phương sách mà Mác và Angghen nghiên cứu chi tiết”:
1. Bầu ra và cả bãi miễn được bất cứ lúc nào.
2. Lương không cao hơn lương công nhân.
3. Chuyển ngay sang một tình hình trong đó tất cả mọi người sẽ làm các nhiệm vụ kiểm tra và giám sát, trong đó tất cả mọi người sẽ tạm thời là “những quan chức”, không ai có thể vì thế mà trở thành quan liêu. Người ta sẽ hiểu sai nếu nghĩ rằng đối với Lênin, đó là công việc đòi hỏi phải hàng chục năm; Không, đó là bước đầu: “Người ta có thể và phải bắt đầu từ đó cuộc cách mạng vô sản.”
Một năm rưỡi sau khi cướp được chính quyền, những quan điểm táo bạo như thế về Nhà nước của chuyên chính vô sản được diễn đạt hoàn chỉnh trong chương trình của đảng bônsêvích, đặc biệt trong các chương về quân đội. Một Nhà nước mạnh, nhưng không có quan lại, một lực lượng vũ trang nhưng không có xa-mua-rai (võ sĩ Nhật)! Chế độ quan liêu quân sự và dân sự không bắt nguồn từ những nhu cầu về quốc phòng mà là sự chuyển dịch của sự phân chia xã hội thành giai cấp vào tổ chức quốc phòng. Quân đội chỉ là sản phẩm của các tương quan xã hội. Lẽ tự nhiên trong Nhà nước lao động, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm đòi hỏi một tổ chức quân sự và kỹ thuật chuyên môn hóa nhưng bất luận hoàn cảnh nào, cũng không thể là một đẳng cấp sĩ quan có đặc quyền, đặc lợi. Chương trình bônsêvích đòi hỏi sự thay thế quân đội thường trực bằng cả nước được vũ trang.
Ngay từ khi mới thành lập, chế độ chuyên chính vô sản do đó thôi không còn là chế độ của một “Nhà nước” theo nghĩa cũ của từ đó, nghĩa là một bộ máy dựng ra để duy trì sự tuân thủ của đại đa số nhân dân. Cùng với vũ khí, lực lượng vật chất chuyển trực tiếp và nhanh chóng sang tổ chức, như là các xô viết. Nhà nước, bộ máy quan liêu, bắt đầu tàn lụi ngay từ ngày đầu của chuyên chính vô sản. Đó là tiếng nói của chương trình hồi đó cho tới nay vẫn chưa bãi bỏ. Kỳ lạ thật, tưởng chừng như là tiếng nói của bên kia thế giới phát ra từ lăng tẩm Lênin.
Dù người ta hiểu về bản chất của Nhà nước xô viết như thế nào, điều không chối cãi được là: sau hai mươi năm, nó còn xa mới “tàn lụi”, và cũng không bắt đầu “tàn lụi”. Tệ hơn nữa, nó trở thành một bộ máy cưỡng bức chưa từng có trong lịch sử. Chế độ quan liêu, còn xa mới biến đi, lại trở thành một sức mạnh không bị kiểm soát, thống trị quần chúng. Quân đội, còn xa mới được thay thế bằng nhân dân vũ trang, đã dựng nên một đẳng cấp sĩ quan đặc quyền, đặc lợi, trên thượng đỉnh đã xuất hiện những thống chế, còn quần chúng ở Liên xô, trong khi nói “thiết lập nền chuyên chính bằng vũ khí,” không được phép có cả đến gươm, dao, giáo, mác. Dù sức tưởng tượng cuồng nhiệt đến đâu người ta cũng khó lòng mà hình dung được sự tương phản lạ kỳ giữa mô hình Nhà nước lao động của Mác-Angghen và Nhà nước mà Stalin đứng đầu hiện nay. Vừa cứ tiếp tục in lại các tác phẩm của Lênin (cố nhiên có kiểm duyệt và cắt xén), các thủ lĩnh hiện nay của Liên xô và các lý thuyết gia đại diện của họ, không tự hỏi những nguyên nhân nào khiến cho có sự khác biệt quá rõ ràng như thế giữa chương trình và thực tế. Chúng ta phải cố gắng làm thay họ vậy.
Đặc Tính Lưỡng Diện Của Nhà Nước Xô Viết 
Chuyên chính vô sản là cái cầu giữa các xã hội tư bản và xã hội chủ nghĩa. Bản chất của nó cho nó một tính chất nhất thời. Nhà nước này thực hiện chuyên chính, có một nhiệm vụ phụ nhưng lại đứng hàng đầu, là chuẩn bị cho sự tiêu vong của chính mình. Mức độ thực hiện nhiệm vụ “phụ” này kiểm tra, trong một ý nghĩa nhất định, sự thành công của tư tưởng chủ chốt: xây dựng một xã hội không giai cấp và không có mâu thuẫn vật chất. Chủ nghĩa quan liêu và sự hài hòa xã hội tiến theo tỷ lệ ngược lại.
Angghen nói trong cuộc luận chiến nổi tiếng chống Đuyring (Duhring) viết: “… Sau này, khi không còn sự thống trị giai cấp và đồng thời không còn cuộc đấu tranh của mỗi cá nhân để tồn tại do sự tổ chức hỗn loạn của nền sản xuất hiện nay, và do sự va chạm và xung đột thái quá bắt nguồn từ cuộc đấu tranh này, thì không còn gì để phải đàn áp, không cần có một lực lượng đặc biệt của Nhà nước để đàn áp nữa. Kẻ tầm thường nghĩ rằng muôn đời vẫn cần có anh sen đầm. Thật ra anh sen đầm còn chế ngự con người chừng nào, con người sẽ chưa đủ lực để chế ngự thiên nhiên. Muốn cho Nhà nước tiêu vong, phải làm tiêu vong ‘sự thống trị giai cấp và cuộc đấu tranh để cá nhân tồn tại’.” Angghen hợp hai điều kiện ấy lại làm một: Trong viễn cảnh của sự nối tiếp các chế độ xã hội, vài chục năm chẳng kể là bao. Những thế hệ gánh cách mạng lên hai vai của mình hình dung sự việc một cách hoàn toàn khác. Đúng là cuộc đấu tranh của tất cả chống lại tất cả sinh ra từ sự hỗn loạn của tư bản. Nhưng việc xã hội hóa các phương tiện sản xuất không tự động xóa bỏ “cuộc đấu tranh để cá nhân tồn tại.” Và đó là then chốt của vấn đề!
Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngay như thành lập ở Mỹ, trên những cơ sở chủ nghĩa tư bản tiên tiến nhất, cũng không thể cung cấp cho mỗi người tất cả những cái người ấy cần, và do đó, buộc phải kích thích mọi người sản xuất càng nhiều càng tốt. Chức năng kích thích trong những điều kiện như thế tất nhiên là cần thiết đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nó bắt buộc phải sử dụng những phương pháp phân phối theo lao động do chủ nghĩa tư bản dựng nên với những thay đổi ít nhiều và giảm nhẹ hơn. Theo nghĩa đó, năm 1875 Mác viết rằng “sự phân phối hưởng thụ theo lối tư sản… là không tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản dưới hình thức sinh ra từ xã hội tư bản, sau những cơn đau đẻ kéo dài. Quyền hưởng thụ không bao giờ có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ đó đã qui định.”
Bình luận những dòng đáng chú ý này, Lênin thêm: “Quyền hưởng thụ theo lối tư sản trong lĩnh vực phân phối các hàng tiêu dùng lẽ tự nhiên đòi hỏi phải có Nhà nước tư sản, bởi vì pháp lý không là gì cả nếu không có một bộ máy cưỡng bức áp đặt những qui phạm của nó. Thành ra pháp lý tư sản còn tồn tại một thời gian trong lòng chế độ cộng sản và có thể nói Nhà nước là Nhà nước tư sản tuy không có giai cấp tư sản!”
Câu kết luận đầy ý nghĩa ấy, bọn lý thuyết gia chính luận ngày nay hoàn toàn không biết, có tầm quan trọng quyết định để hiểu bản chất Nhà nước xô viết ngày nay hoặc nói đúng hơn, một sự tiếp cận đầu tiên theo hướng đó. Cái Nhà nước có nhiệm vụ biến đổi xã hội thành xã hội xã hội chủ nghĩa, buộc phải dùng cưỡng bức để bảo vệ sự bất bình đẳng xã hội, tức là bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của một thiểu số, trong một chừng mực nào đó, vẫn cứ là Nhà nước “tư sản”, mặc dầu không có giai cấp tư sản. Những lời ấy không bao hàm sự khen hay chê; chúng chỉ gọi sự vật bằng đúng tên của nó.
Những tiêu chuẩn tư sản về phân phối thúc đẩy sự gia tăng lực lượng vật chất phải nhằm phục vụ những mục đích xã hội chủ nghĩa. Và Nhà nước có ngay một đặc tính lưỡng diện: xã hội chủ nghĩa trong chừng mực nó bảo vệ quyền sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất, tư sản trong chừng mực sự phân phối của cải còn làm theo những chuẩn mẫu tư bản về giá trị, với tất cả những hệ quả của nó. Một định nghĩa chứa đựng mâu thuẫn như vậy có lẽ làm bọn giáo điều và bọn kinh viện hoảng sợ; chúng tôi chỉ còn biết tỏ lời rất tiếc đối với họ.
Diện mạo cuối cùng của Nhà nước lao động phải được định nghĩa bằng sự đổi thay của mối tương quan giữa các khuynh hướng tư sản và xã hội chủ nghĩa của nó. Sự thắng lợi của khuynh hướng cuối này (tức là xã hội chủ nghĩa) có nghĩa là sự nhất thiết phải xóa bỏ được anh sen đầm, nói cách khác là sự hòa nhập Nhà nước vào trong một xã hội tự quản. Điều đó đủ làm nổi bật tầm quan trọng vô cùng rộng lớn của vấn đề chế độ quan liêu ở Liên xô, về mặt sự kiện cũng như triệu chứng.
Chính do sự suy nghĩ của mình, Lênin đã đem lại cho quan niệm của Mác một hình thức sâu đậm nhất nên ông vạch ra cội nguồn của những khó khăn sắp đến, kể cả của chính bản thân, mặc dầu Lênin không có thời giờ để đẩy sự phân tích đến cùng. “Nhà nước tư bản không có giai cấp tư sản” đã tỏ ra không thể đi đôi với nền dân chủ Xô viết chân chính. Tính hai mặt của những chức năng của Nhà nước không thể không biểu hiện ra trong cấu trúc của nó. Thực nghiệm đã chỉ ra những điều mà lý thuyết chưa có thể dự kiến thật rõ ràng đầy đủ: nếu “Nhà nước của những công nhân được vũ trang” có lý do đầy đủ tự bảo tồn khi phải bảo vệ tài sản xã hội hóa chống lại bọn phản cách mạng, thì khi phải điều chỉnh sự bất bình đẳng trong lĩnh vực tiêu thụ, vấn đề lại hoàn toàn khác. Những người không có gì để sở hữu không có thiên hướng tạo ra đặc quyền đặc lợi và bảo vệ chúng. Đại đa số không thể quan tâm đến quyền lợi ưu đãi của thiểu số. Để bảo vệ “pháp quyền tư sản”, Nhà nước lao động buộc phải lập ra một cơ quan kiểu “tư sản”, nói gọn hơn, trở lại với anh sen đầm, khoác cho anh ta một bộ binh phục mới.
Như thế chúng ta đã đi bước thứ nhất đến với sự hiểu biết mâu thuẫn cơ bản giữa chương trình bônsêvích và thực tiễn Xô viết. Nếu Nhà nước, đáng lẽ tàn lụi đi, lại càng ngày càng trở nên chuyên chế, độc đoán; nếu những người được ủy quyền của giai cấp công nhân lại quan liêu hóa, trong lúc chế độ quan liêu dựng lên trên đầu xã hội đổi mới, như thế không phải là vì những nguyên nhân thứ yếu như là những tàn dư tâm lý của quá khứ, v.v… mà là vì sự bức thiết phải hình thành sự chiêu đãi một thiểu số có đặc quyền, chừng nào vẫn chưa bảo đảm được sự bình đẳng trong thực tế.
Những khuynh hướng quan liêu ngăn cản hơi thở phong trào công nhân sẽ bộc lộ ra khắp nơi sau cuộc cách mạng vô sản. Nhưng điều hoàn toàn hiển nhiên là xã hội thoát thai từ cách mạng càng nghèo thì cái “quy luật” ấy càng biểu hiện nghiệt ngã hơn, không quanh co che giấu; và chủ nghĩa quan liêu càng mang những hình thức tàn bạo hơn, càng trở nên nguy hiểm hơn cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Không phải là những “tàn dư”, tự bản thân bất lực, của các giai cấp thống trị cũ đã ngăn cản sự tiêu vong và sự bài trừ bọn quan liêu ăn bám, như học thuyết theo quan niệm “mật vụ” của Stalin thường nêu ra, mà là những yếu tố mạnh hơn rất nhiều, như sự đói nghèo vật chất, sự thiếu văn hóa chung và sự thống trị của “pháp lý tư sản” biểu lộ, trong các lĩnh vực quan hệ trực tiếp và mạnh mẽ đến con người: sự tồn tại của bản thân. 
Sen Đầm Và “Nhu Cầu Xã Hội Hóa” 
Hai năm trước khi ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, Mác thời còn trẻ viết: “Sự phát triển của các lực lượng sản xuất là điều kiện tiên khởi, về mặt thực hành, tuyệt đối cần thiết (cho chủ nghĩa cộng sản) bởi vì còn lý do này nữa, không có nó người ta sẽ xã hội hóa sự đói nghèo và sự đói nghèo lại buộc người ta phải làm lại cuộc chiến đấu cho sự no đủ và do đó lại làm sống lại tất cả mớ hỗn độn xưa kia…”
Ý kiến này Mác không bàn tới ở đâu cả, và không phải là điều ngẫu nhiên: Mác không dự kiến thắng lợi của cách mạng trong một nước lạc hậu. Lênin cũng không dừng lại ở chỗ này, và càng không phải là chuyện ngẫu nhiên: Lênin không dự kiến Nhà nước Xô viết phải ở trong cảnh đơn độc lâu ngày như thế. Vả lại, văn bản mà chúng tôi vừa trích dẫn ở Mác chỉ là một giả thiết trừu tượng, một luận cứ bằng phương pháp đối chứng, cho chúng ta cái chìa khóa lý thuyết duy nhất để đề cập những khó khăn hoàn toàn cụ thể và những chứng bệnh của chế độ Xô viết. Trên mảnh đất lịch sử của đói nghèo, càng trầm trọng hơn bởi sự tàn phá của các cuộc chiến tranh đế quốc và nội chiến, “cuộc đấu tranh cho sự tồn tại” của cá nhân không những còn lâu mới biến mất sau ngày giai cấp tư sản bị lật đổ, còn lâu mới dịu xuống trong những năm tiếp theo, mà có lúc còn trở thành kịch liệt chưa từng thấy: có cần phải nhắc lại những hành động dã man, tàn bạo đã hai lần xảy ra trong một số vùng của đất nước?
Khoảng cách phân chia giữa nước Nga và phương Tây được đem ra đo thật sự là lúc này. Trong những điều kiện thuận lợi nhất, tức là không có sự đảo lộn ở bên trong và tai họa đến từ bên ngoài, Liên xô cũng phải nhiều lần năm năm mới tiếp thu được toàn bộ thành tựu kinh tế và giáo dục, nó là kết quả của hàng thế kỷ đối với những đứa con đầu lòng của nền văn minh tư bản. Sự vận dụng những phương pháp xã hội chủ nghĩa vào những nhiệm vụ tiền xã hội chủ nghĩa lúc này là cái nền của công tác kinh tế và văn hóa ở Liên xô.
Đúng là Liên xô hiện nay, về lực lượng sản xuất, vượt các nước tiên tiến nhất thời Mác. Nhưng trước tiên, trong cuộc thi đua lịch sử giữa hai chế độ, phải nhìn những mức tương đối, chứ không phải những mức tuyệt đối: kinh tế Xô viết so sánh với chủ nghĩa tư bản của Hitle, Banđuynh (Baldwin) và Rudơven (Roosevelt), chứ không phải so sánh với Bitmác (Bismarck), Panmecxtơn (Palmerston) và Abơraham Linhcôn (Abraham Lincoln); hai là, sự gia tăng những nhu cầu của con người thay đổi căn bản đồng lượt với sự phát triển của kỹ thuật toàn cầu; những người đương thời với Mác không biết về ô tô, vô tuyến điện, máy bay. Thế mà xã hội chủ nghĩa thời đại chúng ta sẽ không thể quan niệm được nếu không có sự sử dụng tự do những cái hay ấy.
Để dùng từ ngữ của Mác, “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản” bắt đầu ở mức mà chủ nghĩa tư bản tiên tiến nhất đang tiến gần đến. Thế mà chương trình thực tế của kế hoạch năm năm sắp tới của các nước cộng hòa Xô viết chỉ là “đuổi kịp Châu Âu và Châu Mỹ”. Muốn tạo ra một hệ thống đường nhựa và xa lộ trong những khoảng bao la của đất nước Xô viết thì phải cần thì giờ và phương tiện nhiều hơn việc nhập từ Mỹ những nhà máy ô tô sẵn sàng để sản xuất và việc chiếm lĩnh được kỹ thuật của họ. Phải bao nhiêu năm để cho phép mọi công dân sử dụng được ô tô trong mọi hướng không gặp những khó khăn về cung ứng xăng dầu? Trong xã hội dã man, người đi bộ và người cưỡi ngựa là hai giai cấp, chiếc ô tô phân chia xã hội không kém con ngựa để cưỡi. Chừng nào chiếc Pho (Ford) nhỏ nhắn còn là đặc quyền của một thiểu số, mọi quan hệ và mọi tập quán của xã hội tư sản vẫn còn tồn tại. Và Nhà nước, kẻ bảo vệ sự bất bình đẳng, vẫn tồn tại với chúng.
Xuất phát từ lý thuyết mácxít về chuyên chính vô sản, trong tác phẩm chủ yếu về vấn đề này (Nhà Nước và Cách Mạng) và trong chương trình của đảng, Lênin chưa có thể rút ra hết những suy luận về tính chất của Nhà nước, bị hạn định bởi điều kiện lạc hậu và tình trạng bị cô lập. Giải thích sự phát triển của chế độ quan liêu bằng sự thiếu kinh nghiệm hành chính của quần chúng và những khó khăn do chiến tranh gây ra, chương trình của đảng đề ra những phương sách thuần túy chính trị để vượt khỏi những “biến dạng quan liêu”: bầu ra và bãi miễn bất cứ lúc nào đối với những người được ủy nhiệm, xóa bỏ những ưu đãi vật chất, kiểm tra hiệu lực của quần chúng. Người ta nghĩ rằng, bằng cách đó, người viên chức sẽ thôi không là ông xếp (thủ trưởng) để trở thành cán bộ chuyên môn bình thường, vả lại cũng chỉ là tạm thời, còn Nhà nước thì cứ từ từ, lẳng lặng rút khỏi sân khấu chính trị.
Cách đánh giá rõ ràng thấp những khó khăn sắp tới là do chương trình hoàn toàn dựa vào triển vọng của tình hình quốc tế. “Cách mạng Tháng mười đã thiết lập chuyên chính vô sản ở Nga… Kỷ nguyên cách mạng vô sản của cộng sản toàn thế giới đã mở đầu”. Đó là những dòng đầu của chương trình. Các tác giả của tư liệu này (tức chương trình) không đặt cho mình mục đích duy nhất xây dựng “chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước” – ý nghĩa này không đến với ai cả, càng không đến với Stalin – và họ cũng không tự hỏi Nhà nước Xô viết sẽ có tính chất nào nếu nó phải một mình, trong hai mươi năm, thực hiện những nhiệm vụ kinh tế và văn hóa đã được hoàn thành từ lâu trong các nước tư bản tiên tiến.
Cuộc khủng hoảng cách mạng sau chiến tranh rủi thay lại không đem thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu: đảng xã hội dân chủ đã cứu sống giai cấp tư sản. Giai đoạn mà Lênin và các đồng chí chiến hữu của ông coi như là một cuộc “hưu chiến” ngắn đã trở thành cả một thời kỳ lịch sử kéo dài. Cấu trúc xã hội chứa đựng sự mâu thuẫn của Liên xô và tính chất siêu quan liêu của Nhà nước Xô viết là những hậu quả trực tiếp của cái “khó khăn” lịch sử đặc biệt và bất ngờ ấy, đồng thời khó khăn ấy cũng đưa các nước tư bản đến chủ nghĩa phát xít hoặc trào lưu phản động tiền phát xít.
Nếu sự cố gắng ban đầu – xây dựng một Nhà nước cởi bỏ được nạn quan liêu – trước hết vấp phải sự thiếu kinh nghiệm của quần chúng trong việc tự quản, sự thiếu những người lao động lành nghề tận tụy với chủ nghĩa xã hội v.v…, những khó khăn khác cũng chẳng mấy chốc bộc lộ ra. Việc Nhà nước rút lại chỉ còn những chức năng “kiểm kê và củ soát”, các chức năng cưỡng bách không ngừng giảm đi theo như yêu cầu của chương trình, như vậy sẽ dẫn đến một cuộc sống dễ chịu nào đó. Điều kiện cần thiết ấy không có. Sự chi viện của phương Tây đã không đến. Chính quyền các xô viết dân chủ trở thành trở ngại, thậm chí không chịu đựng nổi, khi cần phải ưu đãi các nhóm quan trọng nhất của quốc phòng, công nghiệp, kỹ thuật, khoa học. Một đẳng cấp những chuyên gia có thế lực về phân phối được hình thành và mạnh lên nhờ những thao tác không có chút nào là xã hội chủ nghĩa lấy của mười người đem cho một người.
Quá trình nào và tại sao những thành quả kinh tế to lớn của thời gian mới rồi, đáng lẽ phải làm dịu bớt sự bất bình đẳng, lại làm tăng lên và đẩy chế độ quan liêu từ “biến tướng” trở thành hệ thống quyền lực? Trước khi thử trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nghe những thủ lĩnh có thẩm quyền nhất của chế độ quan liêu Xô viết nói về chế độ của chính họ.
“Thắng Lợi Hoàn Toàn Của Chủ Nghĩa Xã Hội” Và “Sự Củng Cố Nền Chuyên Chính”
Thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội đã được nhiều lần thông báo ở Liên xô và dưới một dạng đặc biệt dứt khoát sau việc “thanh toán những người Kulak về mặt giai cấp”. Ngày 30 tháng giêng 1931, bình luận một bài diễn văn của Stalin, báo Sự Thật viết: “Kế hoạch năm năm lần thứ hai sẽ thanh toán những tàn dư cuối cùng của những nhân tố tư bản trong nền kinh tế của chúng ta” (chúng tôi gạch dưới). Theo quan điểm này, Nhà nước sẽ phải tiêu tan, không còn trở lại trong cùng thời gian, bởi vì nó không còn việc gì để làm nữa, ở chỗ mà “những tàn dư cuối cùng” của chủ nghĩa tư bản đã thanh toán hết. Chương trình của đảng bônsêvich tuyên bố về vấn đề này: “Chính quyền Xô viết thừa nhận tính chất giai cấp không tránh được của mọi Nhà nước, chừng nào chưa hoàn toàn biến đi sự phân chia xã hội thành giai cấp và, với nó, mọi quyền lực chính phủ”. Có một số lý thuyết gia Matxcơva khinh suất suy ra rằng thanh toán “những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa tư bản” – họ chấp nhận là thực tế – là đi đến sự tàn lụi của Nhà nước. Ý kiến đó tức khắc bị bọn quan liêu coi là “phản cách mạng”.
Vậy sự sai lầm lý thuyết của chủ nghĩa quan liêu là ở trong mệnh đề chính hay trong phép suy diễn? Trong cả hai. Phái đối lập phản bác lời tuyên bố đầu tiên về “thắng lợi hoàn toàn”, cho rằng không thể giới hạn ở chỗ chỉ xét nhận những hình thức pháp lý xã hội của các mối tương quan, vả lại (chúng?) còn chứa đựng mâu thuẫn và chưa chín muồi trong nông nghiệp, mà không nói đến tiêu chuẩn chính: trình độ đạt được do năng suất lao động. Bản thân những hình thức pháp lý cũng có một nội dung xã hội, nó thay đổi sâu sắc tùy theo độ phát triển của kỹ thuật: “Quyền hưởng thụ không bao giờ có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ đó đã qui định.” (Mác). Những hình thức sở hữu Xô viết dựa trên những thành tựu mới nhất của kỹ thuật Mỹ, mở rộng ra cho tất cả các ngành kinh tế, sẽ đem lại giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Những hình thức Xô viết, với một năng suất lao động thấp, thì chỉ có nghĩa là một chế độ giao thời mà số phận chưa được lịch sử quyết định.
Tháng ba 1932, chúng tôi đã viết: “Có phải là quái gở không, đất nước chưa ra khỏi tình trạng khan hiếm hàng hóa, sự tiếp tế dừng lại bất cứ lúc nào, trẻ em thiếu sữa mà những lời phán truyền của Nhà nước lại tuyên bố “đất nước đã đi vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa”. Còn gì làm hại cho uy tín của chủ nghĩa xã hội hơn thế không?” Các Rađếch (Karl Radek), nay là một trong số nhà báo được các giới lãnh đạo Xô viết chú ý nhất, trả lời lại lời phản bác ấy trong một số đặc biệt của Beclinơ Tagơbơlat (Berliner Tageblatt) về Liên xô (tháng năm 1932), bằng những lời lẽ sau đây, đáng để lưu lại hậu thế: “Sữa là sản phẩm của con bò cái, không phải của chủ nghĩa xã hội, và phải thật là lầm lẫn chủ nghĩa xã hội với hình ảnh một nước trong đó đang chảy những dòng sông sữa, mới không hiểu được một nước có thể vươn lên một độ phát triển cao hơn mà tạm thời sinh hoạt vật chất của quần chúng vẫn không được cải thiện trông thấy”. Những dòng này được viết giữa lúc cả nước đang làm mồi cho một trận đói kinh khủng.
Chủ nghĩa xã hội là chế độ của sự sản xuất có kế hoạch để thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu của con người, không như thế, nó không xứng đáng với tên gọi đó. Nếu những con bò cái được tuyên bố là của sở hữu tập thể, nhưng nếu chúng có ít quá hoặc vú sữa của chúng gầy guộc quá, những xung đội sẽ bắt đầu diễn ra vì thiếu sữa: giữa thành phố và nông thôn, giữa các nông trường tập thể và nông dân cá thể, giữa các tầng lớp khác nhau của giai cấp vô sản, giữa bộ máy quan liêu và toàn thể những người lao động. Chính vì việc xã hội hóa các con bò cái mà chúng bị nông dân làm thịt hàng loạt. Những xung đột xã hội do đói nghèo sinh ra, đến lượt chúng lại làm quay trở lại “mớ hỗn độn xưa kia”. Câu trả lời của chúng tôi là như vậy.
Trong nghị quyết ngày 20 tháng tám 1935, đại hội VII của Quốc tế cộng sản long trọng chứng nhận “thắng lợi hoàn toàn và không thể trở ngược của chủ nghĩa xã hội và sự củng cố về mọi mặt của Nhà nước chuyên chính vô sản” ở Liên xô là kết quả những thành công của công nghiệp được quốc hữu hóa, sự loại trừ những nhân tố tư bản chủ nghĩa và sự thanh toán các phú nông về mặt giai cấp. Mặc dù lời nói quả quyết, sự chứng nhận của Quốc tế cộng sản chứa đựng mâu thuẫn sâu sắc: nếu chủ nghĩa xã hội đã thắng “hoàn toàn và không thể trở ngược”, nhận xét dưới hình thức một tổ chức xã hội sống động, chứ không phải như một nguyên lý trừu tượng, nếu như thế thì “sự củng cố” mới của nền chuyên chính là một sự hiển nhiên vô lý. Và ngược lại, nếu sự củng cố chuyên chính là cần thiết để đáp ứng tình hình thật sự của chế độ, thì chúng ta còn xa mới đến chỗ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Mọi đường lối chính trị thực tiễn, chưa nói là mácxit, phải hiểu rằng sự cần thiết “củng cố” chuyên chính, tức là sự cưỡng bức của chính phủ, chứng tỏ (đây?) không phải sự thắng lợi của một xã hội hài hòa, không giai cấp mà là sự phát triển của những mâu thuẫn xã hội mới. Cơ sở của chúng là gì? Sự khan hiếm các phương tiện sinh sống, kết quả của năng suất lao động thấp.
Có lần Lênin đã khẳng định chủ nghĩa xã hội như sau: “Chính quyền Xô viết, cộng thêm điện khí hóa”. Cái định nghĩa dưới hình thức châm ngôn ngắn gọn ấy là để đáp ứng mục đích tuyên truyền, dù sao cũng lấy mức điện khí hóa của tư bản làm khởi điểm thấp nhất. Nhưng ngày nay, tính theo đầu người, Liên xô còn ba lần kém hơn về điện lực so với các nước tư bản tiên tiến. Cùng một thời gian các xô viết đã trở thành một bộ máy độc lập đối với quần chúng, Quốc tế cộng sản chỉ còn có việc tuyên bố chủ nghĩa xã hội là “chính quyền quan liêu, cộng thêm một phần ba điện khí hóa tư bản chủ nghĩa”. Định nghĩa ấy sẽ đúng như chụp ảnh, nhưng chủ nghĩa xã hội có quá ít chỗ đứng trong đó.
Tháng mười một năm 1935, trong bài diễn văn đọc trước những người thợ stakhanôvit, Stalin, thể theo mục đích thực tiễn của cuộc họp này, đột nhiên tuyên bố: “Tại sao chủ nghĩa xã hội có thể thắng, phải thắng và tất yếu sẽ thắng hệ thống tư bản chủ nghĩa? Bởi vì nó có và có thể có một năng suất lao động cao hơn”. Nói như thế, Stalin đã vô tình gạt bỏ nghị quyết của Quốc tế cộng sản vừa đưa ra cách đấy ba tháng và cả những lời y tuyên bố lặp đi lặp lại về vấn đề này. Lần này Stalin nói về “thắng lợi” bằng động từ tương lai: chủ nghĩa xã hội sẽ thắng hệ tư bản khi sẽ vượt được nó trong năng suất lao động. Ta thấy đấy, không chỉ các thì cùa động từ mới thay đổi tùy theo tình huống, các chuẩn mực xã hội cũng biến đổi theo. Và chắc chắn là người công dân Liên xô không dễ gì theo được “đường lối tổng quát” ấy.
Cuối cùng, ngày mồng 1 tháng ba năm 1936, trong cuộc nói chuyện với ông Rôi Hauơc (Roy Howard), Stalin lại cho một định nghĩa mới nữa về chế độ Xô viết: “Tổ chức xã hội mà chúng tôi đã tạo ra có thể gọi là xô viết xã hội chủ nghĩa, nó chưa hoàn chỉnh, nhưng xét đến cùng nó là một tổ chức xã hội chủ nghĩa”. Cái định nghĩa có dụng ý mập mờ ấy, có bao nhiêu chữ thì hầu như có bấy nhiêu mâu thuẫn. Tổ chức xã hội ở đây được gọi là “xô viết, xã hội chủ nghĩa”. Nhưng các Xô viết đại diện cho một hình thức Nhà nước và chủ nghĩa xã hội đại diện cho một chế độ xã hội. Từ góc độ chúng ta quan tâm, những từ ấy còn xa mới đồng nhất. Nó lại còn đối lập với nhau là khác, các Xô viết phải dần dần biến đi trong chừng mực tổ chức xã hội trở thành xã hội chủ nghĩa. Cũng như những dàn giáo phải dỡ đi khi cái nhà đã xong. Stalin có cho thêm một hiệu đính: “Chủ nghĩa xã hội chưa thật sự hoàn chỉnh”. “Chưa hoàn chỉnh” nghĩa là thế nào? Khoảng 5% hay 75%? Người ta không nói với chúng ta điều đó, cũng như người ta tránh không nói với chúng ta phải hiểu cái “đáy” của xã hội xã hội chủ nghĩa là gì? Là các hình thức sở hữu hay là kỹ thuật? Sự mờ tối của định nghĩa này có nghĩa là một bước lùi so với những công thức dứt khoát hơn rất nhiều của những năm 1931 và 1935. Thêm một bước nữa trên con đường này, người ta phải thừa nhận rằng gốc rễ của mọi tổ chức xã hội là ở trong các lực lượng sản xuất, và cái rễ xô viết đúng là còn quá yếu cho cái cây xã hội chủ nghĩa và cho hạnh phúc con người, mục đích cuối cùng cần đạt đến.