Tôi lại về thăm mẹ.Trưa hôm đó nắng thật gắt. Hơi nóng bốc lên từ mặt đường tráng nhựa, tạo thành những làn khói thật mỏng, tựa như sương mà không phải là sương, mông lung, mờ ảo…Tôi bước xuống xe., hai chân chìm trong làn khói mỏng đó. Cái nóng hừng hực ngập ngụa quanh tôi, như muốn cắt thân tôi thành từng mảnh nhỏ. Tôi mơ hồ nghe da mình rát dần lên.Nơi xe dừng lại không phải là bến, chỉ là một ngã ba hoang vắng. Ngã ba này quen thuộc quá, trong quá khứ không biết bao lần tôi đã đi qua nó. Đi bộ có, xe đạp cũng có. Tôi quả thật có chút cảm khái khi nhìn lại cảnh cũ, một thứ xung động dàn dụa nuối tiếc, dàn dụa niềm đau. Một thứ xung động mang lẽ vĩnh hằng. Tôi bần thần vài phút trước khi lấy lại chính mình để bước qua đường. Con đường tôi chuẩn bị bước qua tráng bằng nhựa, nhưng con đường tiếp theo tôi phải đi lại ở nguyên dạng thô sơ của nó, tựa hồ từ lúc ra đời cho đến nay, nó chưa từng được loài người nâng niu, chăm sóc. Con đường đầy bụi đỏ.Mặt trời đã leo tới đỉnh. Tôi thấy bóng mình đang quéo lại, và vài giây sau, chỉ còn là một khối hỗn độn không rõ hình hài. Tôi bước đi, lắng nghe mỗi bước chân chạm vào mặt đất, khuấy lên lớp bụi màu hồng, chờn vờn quanh gấu quần. Ở đây, ngoài cái nóng, dường như vẫn còn tồn tại một thứ khác, không thể nắm bắt… Tôi như được “ thứ khác” đó dẫn đường, mang tôi tới ngôi nhà của mẹ: Nghĩa trang.Năm năm rồi còn gì. Cuộc sống xô tôi khỏi mảnh đất nghèo nàn này đã năm năm rồi, nhưng khoảng thời gian ít ỏi đó không đánh tan được những ký ức xót xa đã khắc sâu trong tâm trí tôi về nó. Có người nói, đừng để quá khứ là gánh nặng của hiện tại. Tôi biết chứ, nhưng quá khứ vẫn mãi là quá khứ, không vì tôi hay bất kỳ người nào mà khác đi, mà thay đổi.Hàng dâm bụt hai bên đường nằm rũ rượi. Những chiếc lá vốn đã vàng khè vì nắng nóng, giờ lại phủ lên mình một tấm áo bụi hồng. Tôi nhìn thấy con mương. Ngày xưa nó khá sâu, đầy nước. Mỗi lần thăm mộ nội, mẹ nắm chặt tay tôi khi đi đến đoạn này. Tôi cảm nhận được, bàn tay mẹ lúc đó thật ấm. Bây giờ, con mương cạn trơ đáy, sình cũng quánh lại, khô đi. Và bàn tay của mẹ cũng không còn…Gần nghĩa trang có tiệm bán nhang đèn. Tôi tạt vào. “Nhang thơm hay nhang thường chú ơi?” Tôi ngước lên, cô bé khoảng 12, 13 tuổi, đang nhìn tôi, ánh mắt to tròn như cười. “Ủa, bà lão bán lúc trước đâu rồi?” Tôi chợt hỏi. Rồi không đợi cô bé trả lời, tôi lại tiếp“Ừ cho chú bó nhang thơm, loại nhỏ thôi. Bán thêm cho chú cái hột quẹt!”. Tôi không quan tâm đến chuyện bà lão đó. Hỏi, đơn giản chỉ là hỏi. Cái nắng chói chang khiến người tôi như héo, nhưng tôi lại nhân ra, một thứ xúc cảm không rõ ràng đang dáy lên, đẩy tâm thế tôi vào trạng thái tĩnh lặng. Một thứ tĩnh lặng trước cơn giông bão. “Chú hỏi ngoại con à! Ngoại mất rồi, mất được hơn hai tháng!” Tôi vốn chẳng cố ý lắng nghe, nhưng lời nói của cô bé va vào màng nhĩ, và lập tức được hệ thần kinh phần tích. Sự tĩnh lặng mà tôi trù bị bằng kinh nghiệm, lại vỡ tan. Tôi không nhận ra giọng cô bé có vẻ gì xót xa. Ừ, già thì mất. Sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên. Nhưng bản thân tôi lại không nhìn thấu nguyên lý đó, hay trong trường hợp của tôi, nguyên lý đó đã bị biến dạng, vượt qua những khái niệm thông thường?.Rời khỏi tiệm nhang đèn, tôi quẹo vào con đường khác, cũng đầy bụi đỏ. Hiện lên trong tầm mắt tôi, cánh cổng nghĩa trang sơn vàng bong tróc, loang lỗ. Xa hơn, dày đặc những ngôi mồ. Và tôi biết, trong vô vàn nấm mồ đó, có mộ của mẹ. Chân tôi bước nhanh hơn, nhưng người thì run run. Một cảm giác hỗn độn chợt lan ra, tôi không sao nhận thức được. Sợ hãi? Xót xa? Nuối tiếc? Buổi trưa, nghĩa trang vắng lặng, rờn rợn…Ngôi mộ mẹ nằm ở dãy thứ hai, mé bên trái, được ốp bằng loại gạch men trắng. Ánh nắng phủ xuống làm nó lấp loáng, như phát quang. Tôi dừng lại, mẹ vẫn nhìn tôi cười như ngày nào, có điều trên gương mặt hiền từ đó, nhuốm đầy bụi bặm – bụi thời gian. Tấm ảnh in trên mộ chí đã sờn đi rồi. Tôi khẽ giơ tay sờ vào nó và lắng nghe tay mình run lên. Tôi đã cố không suy nghĩ, nhưng ký ức giống như một thước phim đã được lắp vào máy chiếu, chỉ thoáng chốc, hình ảnh ngày xưa lũ lượt hiện về. “Út ơi, về ăn cơm!”… “Thằng út, mày không lo học hành, suốt ngày chỉ biết đi chơi…”… “Trời, sao trán con nóng dữ vậy, để mẹ đi mua thuốc giảm sốt”… “Út ơi, nhổ dùm mẹ mấy cọng tóc bạc coi…” “ Chân mẹ nhức quá, mày lấy dầu thoa giúp mẹ đi…” “Con phải cố gắng nên người, mẹ không sống đời với mày được…” Giọng mẹ rặt miền tây, dù làm dâu ở Sài Gòn lâu rồi, nhưng cách nói vẫn không hề thay đổi. Tôi biết, nước mắt mình đã trào ra, nhưng cổ họng có gì nghẹn lại. Tiếng nấc vô thanh.Tôi lúi húi đốt nhang rồi thắp lên lư hương đặt trước mộ mẹ. Chợt nhớ tích xưa, Đức Mục Kiền Liên đã dùng sáu phép thần thông, xuống tận chín tầng địa ngục để mang cơm cho mẹ, tôi nghe hơi thở mình dài ra, lê thê như bóng mộ chí đổ trên nền đất. Ngày mai hay nhiều ngày sau nữa, tôi liệu có khác đi, hay vẫn như ngày hôm qua, vẫn quấn mình trong dục vọng, rồi tự than thở, trách móc, sao mẹ bỏ con đi, để con một mình lăn lóc giữa chợ đời, không người trông nom, chăm sóc?Mùa Vu Lan đã qua mất rồi…Mặt trời nghiêng về tây, đúng theo lộ trình của nó, nhưng sức nóng không hề giảm sút. Có tiếng gà gáy vang đâu đây, rồi nhanh chóng chìm vào tĩnh mịch. Tôi quay lại nhìn mẹ lần cuối. Ngôi mộ vẫn lấp loáng, như phát quang, nhưng tôi chỉ nhìn thấy giọt nước mắt của chính mình. Trong tâm thế đó, tôi bước đi. Một tâm thế trống rỗng.Bụi đỏ vẫn vờn quanh gấu quần, rồi lặng lẽ tan vào thế giới hư vô nào đó...