Ảnh bông lục bình: Yến Hà
Sáng nay gội đầu, em đếm được mười bảy sợi rụng, nhặt ra cái cống nhỏ đầy rong có lùm diếp cá cháy lá, thả xuống, mắc mớ chi chúng không chịu trôi đi.
Chị Huê tắm cho thằng cu con trong cái chậu nhựa to oạch, hỏi em mà không thèm ngó mặt sang: “Bao giờ em đi”. Em thấy tức cười quá. Em vừa về, mà người ta đã muốn đuổi em đi rồi sao. Giá ba em còn.
Má em đã đi lấy chồng ở làng bên, từ hồi em mười tuổi, còn anh hai em mười bảy. Má lấy chồng được một tuần, anh em bỏ học, đào ao thả cá. Em hỏi “Anh thích cá lắm à?”. Anh em  nói “Ừ! Tao nghe người ta nói ăn cá tốt lắm, mà còn nhỏ biết chi mà hỏi, miễn bình luận!”.
Từ hôm đó anh hai dựng chòi canh gần ao, rồi trồng dưa, trồng cải, trồng trước thời vụ, mang ra chợ bán, đắt hàng. Có bận anh bảo em thồ hàng ra chợ, nhìn thấy thầy giáo trẻ dạy văn, em ngó luơ quơ đi chỗ khác, bị anh em quát cho, mọi người đổ dồn mắt về phía em, cả thầy giáo. Về nhà, em nhấm nhẳng “Lần sau bảo Út làm gì cũng được, chớ Út không ra chợ bán rau đâu!”. Anh hai chỉ nói “Ừ!”.
Hoa cải nở hoa, em ra ngắt cả một ôm mang về chưng bên cửa sổ giường ngủ. Chiều, thằng Nam học sau em một lớp, đi nương về ngang, nhìn qua cửa sổ, cười mơ màng. Hôm sau, nó mang cơ man hoa dại về cho em, chỉ cười, không nói. Em biết nó thích em. Nhưng nó là con nít, mà em không thích cặp con nít.
Mười năm, chớp mắt, anh em lấy vợ, còn em vào đại học. Chị dâu bằng tuổi em, em đi học xa, lâu lâu về, hỏi còn ngường ngượng. Thằng cu con quấn em dữ, cứ nhìn thấy là giơ bàn tay tí xíu đòi bế. Em gọi nó là Lâm “dê”, anh hai nhìn em nghịch với nó, vịt vẫy bùn lên mặt mà không thèm lau.
Má sang, mang theo chục trứng cho Lâm “dê”, một lúc thì về, sợ anh em từ ngoài ao cá về bắt gặp, anh đã cấm chị dâu nhận đồ của má. Ngó theo má lật đật về, như chạy, tà áo vải mốc đen li ti phất phơ. Em leo lên căn gác xép ọp ẹp, mang màu xanh vẽ dận lên trang giấy. Chị dâu kêu em xuống giữ Lâm “dê” để chị quấy hồ, kêu em làm gì trên gác mà lâu vậy. Em nguệch ngoạc lên trang giấy “Vẽ rêu” giơ ngược xuống cho chị dâu coi. Rồi em ngủ, sau khi váy yếm đã lấm lem màu vẽ. Trong mơ, em nhìn thấy bốn bác sĩ xếp hàng từ cao đến thấp nhìn em, những người đội mũ xanh và mặc áo xanh, sợ hãi hét lên, em chạm vào bàn tay khô gầy của chị dâu, đăm đắm.
Tóc em tơ dày, sũng đen, như tóc mẹ. Một dạo, em cắt tỉa, nhuộm nâu. Về đến đầu ngõ, anh hai đang rào liếp rau thơm, nhìn thấy, trợn mắt chửi um trời, rượt em chí chết. Sau lần đó, em hãi, không dám nhuộm nữa nhưng nhất quyết không chịu để tóc quá dài, chỉ ngang vai. Có gì đâu, chị dâu em, tóc chỉ loe hoe, lúc nào cũng lấm tấm tàn tro, búi đằng sau bằng cái dây buộc xỉn màu. Có bữa, em mang về cho chị cái trâm cài đầu gắn bông hoa màu ngọc, thằng cu con chơi nghịch ném xuống bậc thềm, gãy đôi. Xem chừng tiếc quá, chị lượm bỏ vào góc gờ tủ.
Anh hai hay gọi em là Út khờ, Út ngẩn nhưng lại hay lén khi em vắng nhà, leo lên gác coi tranh em vẽ, coi văn em viết, dọn dẹp mớ bút giấy tứ tung, vụn vặt.
Một bận, lâu em mới về, thấy nhà cửa vắng tanh vắng ngắt. Sang nhà Sáu Tửu, thấy anh đang chập men với cá luộc. Hỏi chị dâu đâu, anh vặn mắt đỏ kè, cộc lốc “Chết rồi!”. Tất nhiên em không tin chị dâu chết. Bà Sáu Tửu kéo em ra bờ chuối bảo anh với chị dâu gây lộn, chị bồng con về nhà ngoại rồi. Em hỏi lý do, bà bảo “Thì đó, con vợ nó ghen thằng anh mày trăng gió với con Hoa bán rượu, nói qua nói lại sinh gây lộn, chỉ thương thằng bé, bị con mẹ nó cắp đi, khóc rầm trời, khản khô giọng”.
Em dợm bước đi thì bị anh hai quát “Quay lại!”. Em vẫn cứ đi, anh hai loạng choạng nắm lấy cùi tay em.
- Việc tao, tao lo, mắc mớ chi mày!
Em vẫn dấm dẳn đi, anh hai gầm lên:
- Mày đúng không phải con của má, con nhặt cứng đầu!
Em quay lại, anh hai say quá rồi, đứng không có vững nữa, mặc ông Sáu Tửu dìu như lôi vô giường.
Em ra bến nước, coi người ta giặt đồ. Đám cá mương bụng trắng vây quanh chùm tã lót giũ xuống hố nước xanh đen, em soi mắt mình dưới đó: này mày rậm, mắt đen, này da trắng, tóc huyền, này bụ bẫm, khờ khạo. Đâu có giống anh hai cùi cục, đen đúa. Em là con nhặt, con rơi, hèn chi anh hai hay lén nhìn em thở dài.
Tối rồi, em không muốn về, em ra ngoài đồng. Lúa đang trổ bông, bảo vệ đồng cấm không cho cạo cỏ, cỏ mọc xanh um, tất tả, nhồn nhột, lúa thơm ở ruộng nhà ai bay bay, ngoài mương, đám bèo tấm sau một chiều tan tác đang dồn lại theo nước, róc rách. Em ngồi trên cỏ, cố gạt anh hai ra mà không được. Em là con nhặt sao anh hai chiều em vậy, thương em vậy, em mè nheo, vòi vĩnh, thích gì được nấy. Hồi xưa, anh hai còn chải tóc, tết tóc, rửa mặt, trộn cơm đường cho em ăn nữa. Lấy vợ rồi, anh hai vẫn thương em cơ mà. Cơn cớ chi em là con nhặt?
- Ngồi đó chi?
Ánh đèn vành vọt soi mặt em. Thằng Nam treo thứ ánh sáng ấy trước bụng, chắc đi soi. Em không buồn nhìn nó lâu:
- Buồn… ngồi.
Nó tắt phụt cái đèn, thản nhiên ngồi xuống. Nó ít tuổi hơn em mà coi bộ “dừ” dữ, coi bộ cũng hung trai ra trò.
- Ăn hông?
Lôi ra mấy cái kẹo dừa xanh nõn, nó nhìn em. Canh nó ngó lơ loẹo quẹo, em nhón một cây, không thèm bóc, cho vô mồm.
- Bộ buồn chuyện anh hai hả?
- Sao biết?
- Người gì đâu…
- Định không về hả? Mà thôi, ngủ đây một đêm, cho nó lành.
- Biết chi mà nói?
- Chắc đêm nay anh hai không ngủ được!
- Con nhặt mà, mắc mớ chi?
- Nhưng có khi còn thương hơn…
- Ngộ hả?
- Ừ! Ngộ từ xưa, hồi thấy hoa vàng chưng cửa.
- Biết tui không phải em ruột anh hai hồi nào?
- Hổi thấy ông khóc khi Út sốt. Ổng cứ nhắc hồi “Anh thương em, Út ơi!”
Giọng thằng Nam như diễn đoạn.
- Lấy vợ mà mặt ổng buồn xo, hóng mắt Út hoài!
Đêm đó em ngủ trên chân thằng Nam, lặng lẽ. Nó độ lượng ngồi im suốt đêm, muỗi rò chắc cũng hông dám đập.
Em về nhà buổi tinh sương, đi một chặp không ngoái lại nhìn.
Mắt anh hai đỏ kè, nhức nhối. Em vô nhà tắm, xối nước rầm rầm. Chốc ra, không thấy anh đâu.
Chị dâu về, thằng cu con khấp khởi nhoài về tay em. Em bế nó cho chị đi nấu cơm, cà má vô tóc tơ thằng nhỏ, cù rốn nó cười rúc rích.
Cường xuất hiện không báo trước, anh xa em hai năm nay mà không thèm nói một lời, hai năm ròng với bao nhiêu biến sự trên đời, lại chọn lúc này để trở lại tìm em. Em rẫu rĩ nhìn vào mắt Cường, ý nghĩ vời vợi liệu hình ảnh em sẽ mãi được giữ trong vòm mắt ấy?
Anh em lùa đàn vịt tơ về, rộn rạo một khoảng sân, ống quần te tua ướt rượt, đám rong xanh ẩn nhoè ướt xáp xơ…
Cường ăn cơm chị dâu nấu, với em bên hông nhà ẩm ướt, thằng Nam đi nương về, dò vô bế thằng cu con, ngó em, mắt sầm sầm.
- Đi với anh!
Cường nói.
Em không nói, lẳng lặng ra vườn ngắt nhúm lá xoài non, chấm mắm. Lá xoài chua chát, đăng đắng ngăn không cho em nói.
Cường ngủ quên trên gác xép của em, em sang má gọi “má ơi” ngon lành, má nhìn em xót xa.
- Con đi nghe má?
- Con đừng đi!
- Má nhặt con về sao hông nói với con?
- Má… má…
Những giọt mồ hôi bết bên gò má sạm đen của má, em tội quá, không nói nữa, em về.
Anh hai chờ em bên cánh rào, dòm em chăm chăm.
- Út đi đi, anh không cản đâu, đây không phải chỗ của Út!
Em ra sau nương chè già cỗi, bóc quả chè mút nước ngọt đọng trong tựa, mút cả cái hột hăng hăng, ngọt lắm mà sao nước mắt cứ rớt. Tiếng ru trưa của chị dâu la đà, rũ rượi. Em thầm nghĩ, giá ba em còn, ba là ba ruột của anh hai đó.
Em lại gội đầu buổi sáng, vò mười bảy sợi tóc rụng cho trôi ra cống, chúng lại mắc giữa lớp rong xanh lè, dờn dỡn. Cường lau tóc cho em, Cường mang em đi.
Em viết cho má lá thư, đầu cuối tương ứng “Con yêu má”. Thằng cu con đang ngủ, em chỉ vô nhìn nó chút, ba nó mang cho em đôi nhẫn bạc chạm, còn má nó, tựa cửa, nhìn em, chóp mắt cụp xuống như từ xưa vẫn vậy.
Em đi với Cường, bỏ lại đằng sau mười bảy sợi rụng mỗi sáng gội đầu. Bỗng nhớ một đêm lành hiền ngoài đồng, lại hiện ra trong đầu cái gấu quần đi vịt  tơ tướp rong của anh hai vẫn rỏ nước long tong bên mé thềm…/.
Võ Thị Hà

Xem Tiếp: ----