III/ VÓ NGỰA MÔNG CỔ VÀ CUỘC NAM CHINH

A/ Sơ Lược Lịch Sử Mông Cổ Chinh Phục Trung Hoa
Kể từ năm 1206, khi Genghis Khan được các bộ lạc Mông Cổ tôn lên làm Đại Hãn (gurkhan) có nghĩa là chúa tể của các bộ lạc. Khi đó người Mông Cổ chỉ chừng một triệu rưỡi nhưng Genghis Khan đã tập trung được lực lượng ngoài các chiến sĩ từ 14 đến 60, ngay cả đàn bà trẻ con cũng được dùng trong các lực lượng hậu cần, tiếp liệu. Người Mông Cổ thiện chiến vì được huấn luyện ngay từ khi còn bé:
… Khi lên ba, một đứa trẻ đã được mẹ dạy cưỡi ngựa bằng cách buộc nó lên lưng ngựa. Độ một năm sau nó có được chiếc cung tên đầu tiên. Khí hậu trên thảo nguyên gió lộng, mùa hè thì nóng cháy da, mùa đông thì lạnh thấu xương bắt nó phải tự tồn. Nó có thể đi liên tiếp mười ngày không một bữa ăn, chỉ sống bằng sữa khô hay sữa lên men cùng với thịt bò hay thịt cừu. Nếu cần nó có thể rạch một mạch máu ngay trên cổ con ngựa đang cưỡi để hút máu.[37]
Những chiến sĩ của Genghis Khan phải trung thành tuyệt đối, nếu cần phải hi sinh tính mạng cho chủ. Genghis Khan xâm lăng Trung Hoa trước hết nhưng bị chặn lại và phải chuyển quan chiếm lãnh các nước chung quanh trước rồi dùng dân chúng và quân sĩ các nước này tiến trước làm bia đỡ đạn. Chính vì thế, khi sử sách chép những số lượng dùng trong các cuộc xâm lăng, lực lượng Mông Cổ chỉ là một phần còn đa số là dân bản xứ bị xua lên thí mạng.
Genghis Khan chết năm 1227, hai năm sau hội đồng hoàng tộc mới đề cử được người con ông ta là Ogodei lên kế vị. Ogodei chiếm được miền bắc Trung Hoa và quân Mông Cổ bành trướng qua tận Trung Đông và Đông Âu, đi đến đâu chém giết và tàn sát một cách dã man đã tạo nên những ấn tượng kinh hoàng trong lịch sử. Ogodei chết năm 1241, con là Guyug lên thay. Guyug chết năm 1248 và nhờ sự khôn khéo của Sorghaghtami Beki (vợ Tolui, con trai út Genghis Khan), con trai của Tolui là Mongke lên kế vị năm 1251 và khi ông ta chết năm 1260 thì em là Kublai lên thay.
1/ Chiếm đóng Trung Hoa
Đến lúc này, người Mông Cổ đã chinh phục một nửa Trung Hoa, chiếm cả Đại Lý (Vân Nam ngày nay) và các nước lân cận như Thổ Phồn, Tây Hạ, tới sát biên giới nước ta.
Trong khi Genghis Khan chủ trương bành trướng và tắm máu những nơi nào kháng cự lại thì Kublai Khan tương đối có sách lược văn hóa lâu dài hơn. Ông chủ trương thành lập một đế quốc với sứ mạng thiên tử, xây những lâu đài hùng tráng ở Đại Đô (Bắc Kinh) và tương đối mềm dẻo hơn trong việc chinh phục. Tầng lớp quí tộc và tướng lãnh Mông Cổ khi đó đã bắt đầu hội nhập với văn minh Trung Quốc và thực hành nhiều định chế của dân định cư, khác với nếp sống cố hữu của dân du mục.
Một trong những câu hỏi nhiều người thường nêu ra là tại sao người Mông Cổ lại có thể chinh phục được những khu vực rộng lớn như thế mà không đâu đương cự nổi?
Đứng trên phương diện phát triển, con ngựa và cánh cung đều là những kỹ thuật tối ưu của thời đó. Trong khi những đoàn quân khác bị hạn chế bởi tốc độ, phần lớn là bộ binh, tuy có ngựa hay voi nhưng chỉ là một số ít, nặng phần trình diễn hơn là thực lực chiến đấu, người Mông Cổ đã đào tạo được một đội ngũ thần kỳ, người và ngựa là một.
Những con ngựa đó được các chiến sĩ nuôi dưỡng trực tiếp từ khi còn nhỏ, ngoan ngoãn và thân cận. Họ có thể ngồi liên tiếp trên lưng ngựa mười ngày liền, ăn ngủ trên đó. Nếu cần họ cắt thịt để dưới yên để cho thịt được “dần” mềm rồi ăn sống[38]. Mỗi chiến sĩ thường mang theo một đàn (có khi đến 18 con) để thay đổi khi cần nên tốc độ di chuyển của họ rất nhanh khiến cho nhiều nơi thấy họ ào ào kéo tới tưởng như thiên binh thần tướng trên trời đổ xuống. Ngựa Mông Cổ lại dễ nuôi, chỉ ăn cỏ cũng sống được nên vấn đề binh lương tiếp liệu giảm thiểu hẳn. Chiến sĩ Mông Cổ nếu cần có thể uống máu, ăn thịt tọa kỵ của mình nên quân đội không phải cồng kềnh những binh đội phụ thuộc, hoàn toàn có thể tập trung để chiến đấu trong khi quân đội những nơi khác chỉ sử dụng thực sự vào khoảng 1/3 nhân lực. Quân Mông Cổ lại sinh sống rất giản dị, thường bằng những lều có thể di chuyển bằng xe, không phiền toái như nhiều quân đội khác.
Người Mông Cổ lại biết tổ chức quân đội thành những đội hình (formation), giáp công nhiều mặt khiến cho địch thủ không biết đường nào mà chống đỡ. Họ học hỏi được nhiều chiến thuật, chiến lược của các nước bị chinh phục và nhất là sử dụng những kỹ thuật mới. Nhiều chuyên viên Trung Đông, nhất là những người Muslim, lúc đó là cao điểm của khoa học thế giới đã được điều động trong những cuộc tấn công, điển hình là Đại Lý và Thổ Phồn nên đến nay vẫn còn sống rải rác trong khu vực Nam Trung Hoa. Khi tấn công vây hãm thành Tương Dương, hai kỹ sư Iraq rất nổi tiếng là Ala al Din và Isma’il đã đóng góp rất nhiều. Theo sử sách họ đã sử dụng những loại vũ khí chiến lược khác như tháp di chuyển, máy ném đá và cả địa lôi để công thành. Khi chiếm được nước Kim thì họ học được cách dùng hỏa tiễn và khi chiếm được Trung Hoa thì lại có thêm một đội hải thuyền hùng hậu.
Mặc dầu vũ khí của họ có nhiều loại, kể cả gươm giáo, búa, lao nhưng chủ yếu vẫn là cây cung. Họ có thể bắn cung từ nhiều góc độ, xoay chuyển ngang dọc trên lưng ngựa, và vẫn sử dụng một cách điêu luyện khi phóng ngựa với tốc độc cao. Phối hợp tầm xa và sự di chuyển, uy lực của một đội quân Mông Cổ tăng theo lũy tiến. Chính vì thế người ta đã kết luận rằng vào thế kỷ 12, 13 quân Mông Cổ bao gồm những phát kiến quân sự cao cấp nhất, kết hợp được nhiều kỹ thuật và tinh hoa khác nhau. Họ cũng biết chế tạo những bộ áo giáp rất tiện dụng bằng da và kim loại. Cây cung như đã trình bày, không phải chỉ là một đoạn tre hay gỗ được vót ra mà là một kết hợp kỹ thuật có nhiều ưu điểm, gọn nhẹ mà mạnh. Cung tên vẫn còn được sử dụng mãi về sau vì súng ống trong giai đoạn đầu bất tiện và không linh động bằng.
Chính vì thế, nghiên cứu về đế quốc Nguyên Mông cho đến nay vẫn là một đề tài được nhiều học giả quan tâm.
Người Mông Cổ chinh phục Trung Hoa chia ra làm ba thời kỳ:
a/ Thời kỳ đầu đánh chiếm nước Kim[39] là một chiến dịch khá dài và hao tổn vì nước Kim khi đó cũng là một quốc gia hùng mạnh có nhiều kỹ thuật cao. Người Mông Cổ chỉ thắng thế khi đã áp dụng được một số học hỏi mới trong cách vây hãm và công đả thành trì, kể cả việc dùng thuốc nổ.
b/ Khi tiến xuống miền Nam Trung Hoa, người Mông Cổ gặp phải một khu vực hoàn toàn khác hẳn. Văn hóa Trung Nguyên đã đạt tới một thời kỳ thịnh vượng cao điểm trên nhiều mặt, dân chúng đông đúc, đất đai màu mỡ. Việc tiến đánh nhà Tống kéo dài đến 43 năm trong khi vẫn phải cầm cự ở nhiều nơi khác chưa hoàn toàn ngã ngũ. Cuộc chiến kéo dài và người Mông Cổ đã thiết lập một căn cứ địa ở Qaraqorum theo khuôn mẫu kinh đô, mặc dù có nhiều bất tiện, nhất là đường sá xa xôi cách trở.
Ngay giữa thời kỳ đó, Đại Hãn Ogotai từ trần khiến cho người Mông Cổ đánh lẫn nhau tranh giành địa vị. Mongke lên làm Đại Hãn, em trai là Hulegu cai trị vùng Trung Đông còn Kublai chỉ huy quân lực vùng bắc Trung Hoa. Kublai được chỉ định đi vòng qua phía Tây tấn chiếm Đại Lý (tức Nam Chiếu trước đây) là một quốc gia bao gồm nhiều bộ lạc cùng giống với những người thiểu số miền bắc nước ta ngày nay để bao vây nhà Tống từ hai mặt bắc và tây.[40] Họ chia quân ra bốn mặt đánh vào, Monke từ tây bắc, Kublai từ chính bắc, Uriyangkhadai từ tây nam và một đạo quân khác từ chính tây. Đại Hãn Monke bất ngờ từ trần năm 1259 khiến cho chiến dịch phải tạm thời ngừng lại và Kublai phải quay về Mông Cổ để hội đồng hoàng tộc (quriltai) tuyển chọn Đại Hãn.
c/ Những tranh chấp giữa Kublai và người em Arik-boke khiến cho ông phải quyết định thành lập triều Nguyên năm 1260 và lên ngôi lấy hiệu là Nguyên Thế Tổ. Kể từ lúc này, đế quốc Mông Cổ chia ra hai vùng, phía Trung Đông do em trai của Kublai là Hulegu cai trị, phía đông là lãnh thổ nhà Nguyên.
Năm 1264, Kublai Khan lại tiếp tục chiến dịch còn bỏ dở là thanh toán nốt phần còn lại của nhà Tống. Dưới tay ông ta có hai đại tướng lừng danh là Bayan Temur, con trai của Uriyangkhadai[41] người Mông Cổ và Arigh Khaya[42], người Uighur (Hồi Hột hay Đột Quyết). Người Mông Cổ bị nhiều trở ngại trong việc hành quân ở miền nam Trung Hoa và phải tuyển một người Hán để điền khuyết, nhất là bộ binh.
Bayan vây hãm thành Tương Dương (Hsiang-yang) trong nhiều năm liền. Thành này do một viên tướng nhà Tống là Lữ Văn Hoán (Lu Wen-huan) kiên trì chống giữ. Thành Tương Dương nằm bên cạnh giòng sông Hán và người Mông Cổ phải vận dụng nhiều kỹ thuật mới để công thành, kể cả đại pháo. Nhiều chuyên gia các nơi được đưa đến để yểm trợ kỹ thuật, trong đó có các kỹ sư từ Triều Tiên, bắc Trung Hoa và cả tận Ba Tư.
Tới tháng ba năm 1273, thành Tương Dương bị phá vỡ, Lữ Văn Hoán phải đầu hàng. Quân Mông Cổ liền tiến xuống vây hãm kinh đô nhà Tống ở Hàng Châu. Kinh đô lúc đó rất trù phú, dân chúng vào khoảng hơn một triệu với nhiều dinh thự, phố xá sầm uất, lại thêm một hệ thống kinh đào và 12,000 cây cầu bắc ngang.[43]
Năm 1274, vua Độ Tông nhà Tống từ trần, mấy tháng sau bà Thái Hậu (nhiếp chính một thiếu quân – vua Cung Tông) đành phải giao ấn tính đầu hàng để tránh một cuộc tàn sát tương tự như ở Chương Châu hai năm trước đó. Tuy nhiên còn một số thần tử vẫn tiếp tục chiến đấu ở miền rừng núi phía nam, tôn phò hai ông vua nhỏ (Đoan Tông và Bỉnh Đế). Năm 1279, sau trận đại chiến hỏa công với hơn 200,000 quân và 1000 chiến thuyền bị hoàn toàn thất bại, nhà Tống chấm dứt. Một số tàn quân chạy sang hàng nhà Trần.
2/ Những chiến dịch xâm lăng khác
Sau khi lấy được toàn bộ Trung Hoa, người Mông Cổ đã lên đến cao đỉnh của lực lượng, ngoài một số lượng quân sĩ đông đảo – trong đó một số đông là quân nhà Tống về hàng – và cũng biết thêm những kỹ thuật chiến đấu mới vì đã có nhiều thợ giỏi từ Trung Đông và Trung Hoa. Người Mông Cổ còn tiếp tục nhiều đoàn quân viễn chinh khác nổi tiếng nhất là hai lần tấn công Nhật Bản. Một hạm đội hàng trăm chiến thuyền và hơn bốn vạn quân được điều động năm 1274, tuy đã đổ bộ được lên vinh Hakata nhưng vì thời tiết xấu lại phải lui ra. Một trận bão tiếp theo làm đắm hơn 200 chiến thuyền, 13,000 người bị chết đuối khiến quân Mông Cổ phải rút về.
Bảy năm sau, khi nhà Nguyên đã hoàn toàn chinh phục được Trung Hoa họ lại tập trung được hơn một nghìn chiến thuyền và đem 170, 000 quân chia làm hai cánh nam bắc tấn công vào Nhật Bản một lần nữa. Hai bên giao chiến từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1281 chưa phân thắng bại. Đến giữa tháng 8, 1281 một trận bão khác nổi lên khiến cho hai đạo quân của nhà Nguyên lại bị tổn thất nặng nề. Từ đó, người Mông Cổ bỏ ý định bành trướng ra phía biển đông mà quay về tập trung lực lượng đánh vào Chiêm Thành (Champa), Đại Việt, và Diến Điện (Burma) ở phương nam nhưng đều thảm bại.
Nhiều sử gia cho rằng mặc dù những cuộc chinh phạt ở miền nam không mấy rực rỡ nhưng thực tế người Mông Cổ phải khó khăn gấp bội các cuộc tiến quân như vũ bảo trước đây vì phải chiến đấu không những với các dân tộc ở bán đảo Đông Nam Á mà kẻ thù chính yếu của họ chính là khí hậu khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở và phải tổ chức những đường dây tiếp liệu rất qui mô. Vì sử sách chép mỗi nơi một khác nhưng nếu chỉ nhìn vào những người chỉ huy các đoàn quân này như Uriyangkhadai, Arigh Khaya … đều là những tướng lãnh hàng đầu của nhà Nguyên thì chắc chắn những chiến dịch đó không phải nhỏ. Dẫu rằng sau cùng các quốc gia này vẫn phải thần phục và triều cống người Mông Cổ nhưng thực tế vó ngựa của đoàn quân bách chiến đã bị chặn đứng mà thành lũy điển hình chính là quân dân nhà Trần của nước ta.
B/ Chiến Thắng Của Đại Việt
1/ Bối cảnh sinh hoạt
Những sử gia đã đưa ra nhiều lý do chủ quan và khách quan để giải thích hiện tượng người Mông Cổ thất bại tại Việt Nam. Có người thì cho rằng khả năng quân sự và tình đoàn kết dân tộc của người Việt Nam là yếu tố chính trong khi cũng có người lại nhấn mạnh đến tài lãnh đạo của những danh tướng triều Trần.
Có lẽ là người Việt ai ai cũng hãnh diện về ba lần đánh thắng quân Nguyên (chưa kể một lần đánh bại một phái đoàn của Sài Thung đưa Trần Di Ái về nước năm 1282). Tuy nhiên sử thế giới dường như không biết đến (hoặc biết rất ít) về những chiến thắng này, còn quốc sử chép theo lối biên niên nên chỉ ghi những sự kiện chính yếu mà không để cập gì đến những chi tiết và bối cảnh xã hội. Hơn thế nữa, tầm nhìn của các sử gia thời trước dẫu sao cũng hạn chế trong phạm vi địa phương và chưa có những tác giả nghiên cứu qui mô về giai đoạn này.
Có lẽ công trình đáng kể nhất của thời cận đại viết về giai đoạn này là tác phẩm của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (Hưng Đạo Vương, Saigon 1950) và của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1972)[44]
Vào thế kỷ thứ 13, nước ta chỉ là một quốc gia rất nhỏ ở vùng Đông Nam Á, diện tích kém xa những nước lân cận như Khmer hay Pagan (Miến Điện ngày nay) và có lẽ cũng chẳng hơn nước Chiêm Thành. Người Việt tập trung ở vùng lưu vực sông Hồng Hà (khi đó một phần lớn vùng duyên hải còn là đầm nước mặn) và một vài tỉnh cận nam thuộc vùng Nghệ Tĩnh ngày nay. Dân số chỉ độ 2 đến 3 triệu người.
Về phương diện kinh tế, Đại Việt không phải là một khu vực màu mỡ nhưng về phương diện địa lý chính trị chiến lược thì lại quan trọng mà nhà Nguyên chủ trương tấn công để làm bàn đạp chiếm các đảo ở miền nam Thái Bình Dương và đế quốc Khmer (khi đó gọi là thời kỳ Angkor kéo dài từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15 TL) rồi sau đó đánh vào Ấn Độ theo nhiều mặt giáp công. Thành thử nước ta trở thành một miếng xương chặn ngay cổ họng đường tiến quân mà nhà Nguyên phải tính đến.
Vào thời kỳ đó, đế quốc Khmer rất cường thịnh, có một nền văn minh khá cao mà điển hình là di tích Angkor Wat còn tồn tại đến ngày nay. Họ có liên hệ với nhiều quốc gia, kể cả sứ thần gửi qua nhà Tống. Năm 1177, người Chiêm Thành đem thủy quân tấn công vào đế quốc Khmer, theo đường sông Cửu Long đến Biển Hồ chiếm kinh đô của người Khmer. Hai bên giao chiến nhiều trận mãnh liệt cho tới khi vua Jayavarman VII phản công, đem quân đánh vào Chiêm Thành bắt vua Chiêm (1190), sáp nhập cả nước Chiêm vào lãnh thổ Khmer (từ 1203 đến 1220). Tới cuối thế kỷ 13, đế quốc Khmer rất phồn thịnh đã được mô tả là “ … giàu có và sang trọng” (rich and noble)[45]
Cũng vào thời kỳ đó, nước Đại Lý (Vân Nam hiện nay) bị quân Mông Cổ xâm chiếm, thổ dân bỏ trốn xuống vùng bắc Thái Lan lập nên vương quốc Sukhothai, kinh đô ở Chiang Mai. Chỉ trong vòng 100 năm họ đã thành một vương quốc rộng lớn và kế đó là vương quốc Ayutthaya đã làm chủ khi vực này cho tới tận thế kỷ 18.
Riêng phía nam nước ta là Chiêm Thành (Champa), khi đó cũng là một quốc gia có lãnh thổ đáng kể. Cũng vì thế nhà Nguyên đã tính việc đánh thẳng xuống Chiêm Thành rồi xâm lăng Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước khi phải dùng binh lực, nhà Nguyên luôn luôn muốn những dân tộc ở phương Nam phải khiếp sợ mà tự nguyện thần phục nên vua Mông Cổ đã sai sứù sang chiêu dụ Chiêm Thành và Đại Việt nhưng không thành công. Vua Chiêm tuy vẫn mang cống phẩm sang triều đình nhà Nguyên nhưng lại không chịu đáp ứng những yêu sách của họ. Năm 1281, Kublai đã sai Toa Đô[46]â chuẩn bị hơn 300 chiến thuyền đem quân sang đánh Chiêm Thành để tấn công Đại Việt từ mặt nam. Quân Mông Cổ công đả nhiều thành lũy, khi được khi thua nhưng trong ba năm không đạt được kết quả như ý cho tới khi bị triệu hồi về để tiếp tay với đoàn quân của Thoát Hoan từ Nam Trung Hoa sang đánh nước ta (đánh Đại Việt lần thứ hai).
a/ Xâm lăng Đại Việt lần thứ nhất
Năm 1257, sau khi chiếm được Đại Lý trong vòng 15 tháng, Kublai sai đại tướng Uriyangkhadai xâm lăng Đại Việt lần thứ nhất.
Cũng như nhiều dân tộc Âu Châu khác chưa từng thấy cả một đoàn quân trên lưng ngựa, hình ảnh một đoàn kỵ binh ào ào chắc hẳn mang đến cho binh lính Đại Việt nhiều nỗi kinh hoàng. Quân ta dùng voi để ngăn chặn quân Mông Cổ từ Vân Nam tiến sang khiến cho ngựa của địch lồng lên không chịu tiến. Người Mông cổ phải xuống ngựa đánh trả bằng tên lửa khiến voi ta phải lùi lại, giày xéo cả lên quân nhà Trần. Vua Thái Tông ngự giá thân chinh cũng không ngăn nổi giặc. Quân Mông Cổ tiến thẳng một mạch tới lấy luôn Thănh Long rồi thừa thắng tàn sát tất cả dân chúng trong thành, khiến vua nhà Trần phải bỏ kinh đô chạy về Thiên Mạc (Hưng Yên). Tình thế nao núng, thái úy Trần Nhật Hiệu đã muốn hàng, nhưng Thái Sư Trần Thủ Độ nhất định không chịu.[47] Vua nhà Trần vội vàng sai Hưng Đạo Vương đem quân trấn giữ các nơi hiểm yếu.
Sau khi thử thách một vài trận đánh theo lối chính qui, nhà Trần thấy ngay đó không phải là sở trường của mình để có thể chống với địch, nếu áp dụng thì cũng sẽ cùng chung số phận với những nước khác nên nhanh chóng chuyển sang lối đánh du kích, dựa vào thiên nhiên hiểm trở, tiêu hao dằng dai, lấy đoản chống trường.
Chẳng bao lâu quân Nguyên một mặt bị quân ta bao vây tiêu diệt, mặt khác không hợp thủy thổ nên liên tiếp thua to, trong số 100,000 quân chỉ còn 20,000 sống sót chạy về nước.[48]
Phải nói rằng lần xâm lăng nước ta lần thứ nhất người Mông Cổ quá khinh địch, cũng chưa chuẩn bị một cách qui mô. Có lẽ họ nghĩ Đại Việt không thể nào hơn được Đại Lý nên tiến binh như vũ bão, tưởng rằng sẽ chinh phục được nước ta trong một thời gian ngắn để đánh tập hậu vào nhà Tống từ miền nam. Ngờ đâu tuy họ chiếm được thành Thăng Long nhưng lại không chinh phục được Đại Việt nên khi rút về bị quân ta truy kích khiến phải chuốc lấy thảm bại.
b/ Xâm lăng Đại Việt lần thứ hai
Sau lần xâm lăng này, người Mông Cổ phải tập trung nỗ lực chiếm nốt giang sơn nhà Tống nên nước ta được yên thân trong 30 năm để củng cố lực lượng mặc dầu trên hình thức vẫn phải thần phục, coi như thuộc quốc của nhà Nguyên, bằng lòng để cho người Mông Cổ đặt quan giám trị (Đạt Lỗ Hoa Xích) để qua lại giám sát vua quan ta.
Người Mông Cổ một mặt tiếp tục đánh nhà Tống, mặt khác vẫn tìm cách kiểm soát Đại Việt chặt chẽ hơn, đòi hỏi những điều kiện mà bất cứ một thuộc quốc nào của họ đều phải thi hành như vua phải sang chầu, nạp các sổ đinh sổ điền để họ dễ khống chế. Tuy nhiên vua nhà Trần đã khôn khéo tránh né tất cả những điều kiện bất lợi và tiếp tục củng cố thực lực để phòng bị quân Nguyên sang xâm chiếm một lần nữa. Trong thời gian hòa hoãn ấy, nhà Trần áp dụng một chính sách tương đối linh hoạt mà chúng ta có thể phân tính như sau:
Trung ương tập quyền và thống nhất chỉ huy: Khi mới thành lập triều Trần, nước ta chia ra làm nhiều mảnh, mỗi nhóm cát cứ một vùng. Quốc Oai thì có giặc Mường, Hồng Châu thì có Đoàn Thượng, Bắc Giang thì có Nguyễn Nộn, nghĩa là nhà vua chỉ kiểm soát được khu vực châu thổ sông Hồng trở về nam mà thôi. Triều đình cũng phải chia đất phong vương vì không dẹp nổi, tưởng có lúc đã nguy. May về sau Nguyễn Nộn chết nước ta mới thống nhất được.[49] Kinh nghiệm cho thấy những quốc gia khác bị xâm chiếm thường phải đầu hàng khi người lãnh đạo bị bắt, bị giết. Nhà Trần đã xây dựng một hệ thống bán chính thức thứ tự và cấp đẳng kế thừa, vừa theo hình thức huấn luyện tại chỗ vừa bảo đảm là sự chỉ huy sẽ thống nhất và liên tục. Làm vua một thời gian rồi truyền ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng là một hình thức tập việc, xác định ngôi thứ để khỏi lâm vào cảnh tranh giành địa vị hay đàn bà thính chính như đời Lý, có thể gây ra mầm họa mất ngôi về tay kẻ khác.
Địa phương tự trị và độc lập chiến đấu: Tuy quyền chỉ huy tối cao vẫn tập trung trong tay triều đình nhưng các thân vương và tướng lãnh khá nhiều quyền độc lập. Cứ xem văn chương và phong khí đời Trần chúng ta nhận thấy thời kỳ đó quân dân hào hùng, chuộng thực dụng, tuy mới lập quốc chưa lâu nhưng đã có ý muốn tự đứng riêng một cõi trời Nam, chẳng hạn khuyến khích việc làm thơ, viết văn bằng chữ Nôm. Quốc gia khi đó bên cạnh những khu vực do các thân vương cai trị, có quân đội riêng[50] lại có các thổ hào, châu mục là những sắc tộc thiểu số cũng được sinh hoạt một cách riêng rẽ. Ta có thể nói thời đó tuy vẫn trung ương tập quyền nhưng địa phương lại tự trị.
Pháp trị: Đời Trần nặng về hình pháp, dù đối xử với kẻ thù hay với người thân cũng rất nặng. Trần Thủ Độ giết sạch tôn thất nhà Lý để trừ hậu hoạn và ngay cả anh em trong nhà cũng không tha nhau. Ai phạm tội trộm cắp đều phải chặt tay, chặt chân hay voi dày. Có thể nói nước ta khi đó còn rất thuần phác, không lễ nghi phiền toái như Trung Hoa, mặc dù nghiêm nhặt nhưng có lẽ đó cũng là thói quen nên đời Lý, đời Đinh, đời Tiền Lê thời nào cũng có những vụ tàn sát mặc dù vẫn coi là những giai đoạn thịnh trị trong sử sách. Điều đó cũng dễ hiểu vì sử chỉ chép những biến cố mà không chép về đời sống thực tế của dân chúng. Hơn thế nữa, sử quan bao giờ cũng chép cái hay của một triều đại mà không chép cái dở.[51]
Một câu hỏi cũng cần đặt ra là hệ thống làng xã của miền Bắc đời Trần như thế nào? Có thể nói tính hợp quần là một tính bẩm sinh của con người nên những người có cùng một mẫu số, hoặc tiếng nói, hoặc huyết thống có khuynh hướng sống gần gũi. Những truyền thuyết về trăm trứng trăm con và một số truyện cổ cho thấy dân tộc Việt Nam từ xưa vốn dĩ không phải là một dân tộc thuần nhất mà là nhiều giống người khác nhau, tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng không hoàn toàn giống hẳn. Truyền thuyết đó được đặt ra để củng cố một tín niệm chung là những dân tộc đó có cùng một nguồn gốc, Bách Việt chỉ có nghĩa là rất nhiều dân tộc sống chung trong một khu vực.
Chính vì những lý do đó, cuộc kháng chiến đời Trần mang những hình thái hết sức đặc biệt và biến thiên bao gồm nhiều mặt trận chính trị lẫn quân sự.
Sau khi vua Trần Thái Tông mất (1277) [52] vua Thánh Tông liền nhường ngôi cho con rồi lên làm Thái Thượng Hoàng. Thái tử Trần Khâm lên ngôi tức là vua Nhân Tông.
Nguyên triều nghe tin nước ta có vua mới liền sai Lễ Bộ thượng thư Sài Thung sang trách về việc không xin phép triều đình nhà Nguyên. Khi đó miền nam Trung Hoa đã thuộc về người Mông Cổ. Sài Thung ngạo nghễ, vua quan ta đành phải dịu ngọt thoái thác những yêu sách của địch. Đến năm 1282, vua Trần sai Trần Di Ái đem cống phẩm và những người tài giỏi sang nộp, Nguyên chủ bèn phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương rồi sai Sài Thung đưa về. Quân ta đón đánh ở ải Nam Quan, Sài Thung bị bắn mù một mắt phải chạy về Tàu.
Vua nhà Nguyên giận lắm bèn sai con là Tojan (ta dịch là Thoát Hoan theo âm Hán Việt, khi đó đang làm Vân Nam Vương chúa tể nước Đại Lý cũ) và Arigh Khaya tổ chức một đội quân đông đảo, chuẩn bị lương thực, khí giới rồi mượn cớ nhờ đường sang đánh Chiêm Thành để tiến vào nước ta. Quân Nguyên chia làm hai đường bộ và thủy, do Thoát Hoan tấn công từ Lạng Sơn xuống và từ Chiêm Thành do Toa Đô đánh lên. Sách vở chép là tổng cộng quân Nguyên lên đến 500,000 người.[53]
Cuối năm 1282, vua Nhân Tông liền triệu tập các vương hầu và bách quan ở Bình Than (Bắc Ninh) để bàn kế chống giữ.[54] Cuối năm sau (1283), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong làm Tiết Chế thống lĩnh các đạo thủy bộ. Tháng 8 năm 1284, Hưng Đạo Vương hội hết quân sĩ các nơi ở bến Đông Bộ Đầu được cả thảy 200,000 người rồi chia ra đóng giữ các nơi hiêåm yếu.
Vua ta nghe được quân Nguyên đã tập trung tại miền Nam Trung Hoa sắp sửa kéo sang, thế giặc rất mạnh, nên vội vàng xin hoãn binh để thương lượng lại nhưng Nguyên chủ không bằng lòng vẫn tiếp tục phát binh. Thượng Hoàng Thánh Tông thấy vậy liền cho triệu tập các bô lão dân gian tại điện Diên Hôàng (1-1285) để bàn nên hòa hay chiến. Tất cả đồng thanh quyết chiến.
Xem như thế nhà Trần đã có ba năm để hoạch định kế sách chống giặc Nguyên. Hội nghị Bình Than (1282) có thể nói là một hội nghị chính trị giữa vua nhà Trần và các cấp chỉ huy địa phương để lập một kế hoạch chiến đấu trên toàn quốc trong đó bao gồm nhiều đại biểu lực lượng quân sự trung ương và địa phương. Một năm sau đó (1283), Trần Quốc Tuấn mới được phong làm Tiết Chế nhưng không rõ sự lựa chọn đó căn cứ vào những tiêu chuẩn nào? Vì khả năng hay vì vai vế trong họ nhà Trần? Cuộc duyệt binh Đông Bộ Đầu (1284) là một cuộc tổng kiểm điểm lực lượng toàn quốc và cuối năm Giáp Thân vua nhà Trần tổ chức hội nghị Diên Hồng để tham khảo ý kiến toàn dân lần cuối cùng. Sách vở chép đây là một hội nghị kỳ lão nhưng rất có thể là một hội nghị đại biểu những người uy tín của mọi tầng lớp và thành phần trong dân chúng chứ không nhất thiết phải là những người già nhất nước. Cũng nên thêm rằng vào thời kỳ đó trên đất nước ta có nhiều sắc dân, tuy người Việt chiếm đa số và có ưu thế nhưng các lực lượng miền thượng du cũng không kém phần quan trọng. Chính vì thế, khi áp dụng chính sách “thanh dã”, người Việt mới rút lên thượng du được một cách an toàn vì ít ra họ cũng có chung nhiều mẫu số văn hóa và sinh hoạt. Nói đúng ra, dân ta và các bộ tộc thiểu số có mức sống không khác nhau bao nhiêu.
Nhiều người vẫn cho rằng hội nghị Diên Hồng là hội nghị chủ chốt để phá giặc Nguyên mà quên rằng nếu không có hội nghị Bình Than và cuộc điểm binh Đông Bộ Đầu thì hội nghị Diên Hồng không mang một ý nghĩa gì cả. Do đó, hội nghị toàn dân chỉ là kết quả chung cuộc một khi đã có hội nghị chính trị và hội nghị quân sự đi trước. Nếu không đó chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch vô giá trị như hiện nay người ta hay lạm dụng.
Tuy nhiên một điều rõ rệt, các tôn thất nhà Trần – kể cả Hưng Đạo Vương – tuy vẫn chủ trương những trận đánh qui mô có tính chính thức nhưng vẫn không bỏ qua kế sách lâu dài. Do đó, ngay từ đầu vua Nhân Tông đã hạ chiếu cho các nơi:
Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến thì phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.[55]
Quả nhiên quân ta thua to liên tiếp trong những trận đánh chính diện, nhiều lần tưởng nguy đến nơi. Quân giặc đi đến đâu tàn sát đốt phá đến đấy. Hưng Đạo Vương phải chạy về Vạn Kiếp khiến vua Nhân Tông đã tính đến chuyện chịu thua. Hưng Đạo Vương phổ biến Binh Thư Yếu Lược do ông soạn và bài Hịch Tướng Sĩ cũng ở vào thời điểm này (nhưng có lẽ chỉ phổ biến giới hạn tới mức tướng lãnh, thân vương là thành phần biết chữ).
Quân ta tập hợp binh lực lên đến hai mươi vạn, khí thế lại lên. Quân Nguyên chia ra làm hai mặt thủy bộ tiến tới, bộ binh do Thoát Hoan và Arigh Khaya còn thủy binh do Omar (Ô Mã Nhi) chỉ huy. Nhà Trần lại phải lui binh.[56] Các cánh quân Nguyên liền xiết vòng vây để chuẩn bị tấn công vào Thăng Long nên Hưng Đạo Vương phải sai quân chặn đánh để bảo vệ triều đình rút lui ra khỏi kinh thành. Thoát Hoan chiếm được thành Thăng Long nhưng đóng binh ở bên ngoài.[57]
Vua nhà Trần và các tướng lãnh rút về Thiên Trường (Nam Định). Toa Đô khi ấy từ mạn Chiêm Thành lại được lệnh tiến ra Nghệ An, hợp cùng quân của Ô Mã Nhi hai mặt đánh vào Thiên Trường và quân của Thoát Hoan từ đường bộ kéo xuống ba mặt giáp công khiến vua tôi nhà Trần lại phải lui về Thanh Hóa. Thế giặc quá mạnh, quân ta chống không nổi, nhiều nơi phải đầu hàng. Một dũng tướng là Trần Bình Trọng bị giặc bắt nhưng ông thà chết chứ không khuất phục. Tình hình hết sức nguy ngập vì quân Nguyên đã chiếm được các nơi hiểm yếu khiến cho ngay cả tôn thất nhà Trần như Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên cũng bỏ theo địch. Vua Nhân Tông phải sai người đem em út Thượng Hoàng là công chúa An Tư [58] (tức là cô của vua) dâng cho Thoát Hoan để cầm chân giặc.
Nhà Trần liền chuyển sang thế đánh du kích cầm cự dằng dai, bao vây chia cắt khiến cho địch bị chia thành nhiều đơn vị không liên lạc được với nhau và khai thác ưu điểm của ta là dùng đường thủy chặn đánh những lực lượng tiếp viện. Trần Nhật Duật đánh tan quân Toa Đô từ Nghệ An về Hải Dương (sử gọi là trận Hàm Tử). Trần Quang Khải phá giặc ở Chương Dương (sử gọi là trận Chương Dương) khiến cho Thoát Hoan phải bỏ Thăng Long chạy về Bắc Ninh. Hưng Đạo Vương tự mình dẫn binh phá quân Nguyên ở Tây Kết (sử gọi là trận Tây Kết), giết được Toa Đô, Ô Mã Nhi phải bỏ chạy về Tàu. Quân ta thừa thắng các mặt giáp công đánh tan quân Thoát Hoan ở Vạn Kiếp khiến y phải chui vào ống đồng chạy trốn về nước.[59]
c/ Xâm lăng Đại Việt lần thứ ba
Nguyên Thế Tổ nghe thấy Thoát Hoan đại bại giận lắm, lập tức tập trung toàn lực, gom góp các chiến thuyền đang định dùng để tấn công Nhật Bản chuẩn bị nam chinh lần nữa rửa thù. Hai năm sau (1287) nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan đem 300,000 quân, 500 chiến thuyền và 17 vạn thạch lương chia ra ba mặt thủy bộ tiến vào nước ta. Lúc đầu quân Mông Cổ tiến như vũ bão, chiếm được nhiều căn cứ hiểm yếu, quân ta phải rút về Thanh Hóa. Quân các lộ cầm cự giằng giai khiến cho địch thiếu hụt lương thực phải kêu gọi viện binh đem sang.
Trần Khánh Dư đem phục binh chặn đánh ở Vân Đồn, lấy được lương thực khí giới rất nhiều khiến cho quân địch các nơi đều nao núng. Tuy nhiên các mặt đều bị chặn đánh, quân Nguyên không sao liên lạc được với Trung Hoa để xin tiếp viện nên Thoát Hoan bèn tính chuyện rút lui bằng đường thủy.
Hưng Đạo Vương nghe tin đó bèn sai quân đóng cọc ở sông Bạch Đằng rồi khiêu chiến cho địch đuổi theo, nhử quân Nguyên đến chỗ đóng cọc mới đánh quật lại. Quân Mông Cổ thua to, các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ đều bị bắt. Bên ta lấy được hơn 400 chiến thuyền cùng vô số tù binh. Thoát Hoan nghe tin vội vã dẫn quân chạy về lại bị quân ta đánh chặn, tướng tá bị chết gần hết chỉ còn một nhóm nhỏ về được Tư Minh.
… Thấy tình thế mấy vạn đại quân chắc chết ở An Nam, Thoát Hoan bất đắc dĩ lại phải tính đường triệt thoái. Quân An Nam bốn bề đổ ra tấn công như vũ bão, bắn tên độc. Quân Mông Cổ chết rất nhiều, phó soái A Bát Xích cũng tử trận. Thoát Hoan may mắn chạy được, lại thảm bại thêm lần nữa.Nguyên Thế Tổ hết sức thất vọng, điều Thoát Hoan sang trấn thủ Dương Châu, suốt đời không cho nhập triều.[60]
Cứ theo sử Tàu, nhà Nguyên còn đem quân sang đánh nước ta lần thứ tư nhưng lại không thấy chép trong Nam sử, chúng tôi dịch ra sau đây:
Tuy thế, Nguyên Thế Tổ (Kublai) đối với việc thất bại ở An Nam vẫn hậm hực mãi (cảnh cảnh ư hoài). Đến năm Chí Nguyên thứ hai mươi tám (1291), vua Nhân Tông Nhật Huyên nước Nam mất, truyền ngôi cho con là Nhật Thuyên. Nguyên Thế Tổ lại sai sứ yêu cầu Nhật Thuyên vào triều nhưng Nhật Thuyên không chịu sang, chỉ sai người mang đồ tiến cống. Thế Tổ không bằng lòng nên năm Chí Nguyên thứ ba mươi (1293) lại sai Tể Tướng Xích Hắc Mê Thất (Yijmis) cùng đại tướng Sử Bật, Cao Hưng …đem quân sang đánh An Nam nhưng chẳng được việc gì phải rút về (y nhiên vô công nhi hoàn). Đây là lần hưng binh cuối cùng vì năm sau Nguyên Thế Tổ mất, Nguyên Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ tức vị bãi bỏ chiến dịch đánh An Nam. Vả lại An Nam và Chiêm Thành đều đã sai sứ sang chầu, giữ lễ cung kính, chiến dịch đánh An Nam của Nguyên triều đến đây chấm dứt. Tổng cộng Mông Cổ sang đánh An Nam, Chiêm Thành từ năm 1257 đến 1294 (Chí Nguyên thứ ba mươi mốt) là 34 năm, bốn lần xuất chinh cả thẩy, kết quả hao binh tổn tướng, thương vong rất nhiều, chỉ được cái tiếng phiên thuộc xuông, nhưng thực ra là tổn thất nặng.[61]
2/ Tại sao ta lại đánh thắng được quân Mông Cổ?
Cho đến nay khi đọc sử chúng ta ít ai để ý đến giữa cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất (1257) và lần kế tiếp (1287) có một khoảng cách 30 năm. Trong ba mươi năm đó, nước ta đã có ba đời vua đồng thời nhà Nguyên cũng có những biến chuyển chính trị và quân sự rất lớn đủ cho nhà Trần tìm được kế sách đánh bại quân giặc. Khách quan mà nói, cuộc xâm lăng lần thứ nhất là một loại thuốc chủng ngừa vì chính từ đó, vua tôi nhà Trần đã có dịp định lượng lại sức mạnh của quân địch và tìm ra phương thức giải quyết, hay ít ra những biện pháp để trắc nghiệm để tìm ra được cách thức tối ưu đánh bại quân Nguyên.
Từ một xã hội cát cứ nhiều mảnh mún, mỗi khu vực là thế lực của một thân vương, 30 năm bị nhà Nguyên cai trị ( ít ra cũng trên hình thức vì họ đã đặt quan giám trị Đạt Lỗ Hoa Xích – một hình thức Thái Thú – tại nước ta), nhà Trần đã tập trung quyền lực từ tổ chức phân quyền sang tập quyền để có đủ lực lượng chiến đấu. Có thể nói xã hội Việt Nam thời đó là một hình thức liên bang trong đó những đơn vị nhỏ từ làng xã đến thái ấp của vương hầu đều có những quyền tự trị riêng biệt và có thể chiến đấu một cách độc lập không lệ thuộc vào trung ương. Chính vì thế quân Mông Cổ đã rơi vào một trận chiến tiêu hao không lối thoát, không thể chịu đựng được những tấn công bất ngờ trong một chiến dịch dai dẳng.
Tuy nhiên chúng ta không thể không xét đến tính chất bất lợi của đoàn quân viễn chinh và những sở trường của họ không thể thi thố được trên lãnh thổ Đại Việt.
a/ Tính lưu động quân sự (mobility) vốn dĩ là chủ lực của quân Mông Cổ đã không thể áp dụng ở Việt Nam vì vào thời kỳ đó, chúng ta chưa có những hệ thống đường huyết mạch. Sự lưu thông của Việt Nam hồi thế kỷ thứ 12, 13 vẫn là những kinh rạch và đường mòn từ làng này sang làng khác. Vó ngựa Mông Cổ hoàn toàn không thể phát huy được ưu điểm của nó là tính lưu động, phân tán nhanh, tập turng nhanh, tấn kích bất ngờ bằng lực lượng lớn như tại các vùng thảo nguyên. Xã hội Việt Nam thời kỳ đó còn mang tính chất bộ tộc, những đơn vị kinh tế biệt lập và ít liên hệ gần với xã hội nguyên thủy hơn là một quốc gia. Những làng xã nhỏ bé đó có thể coi như những đại gia đình thần phục vào một lãnh chúa, thường là tông thất nhà Trần, mà lực lượng quân sự chủ yếu là gia binh, gia tướng.
Chính vì thế khi quân Mông Cổ tiến vào nước ta, họ ít khi gặp đại quân và thường chỉ gặp những đơn vị nhỏ, đánh du kích và bất ngờ. Yếu tố đó đã khiến quân Mông Cổ hoàn toàn rơi vào bị động, không thể áp dụng những chiến thuật mà họ đã thành công khi chinh phục các quốc gia khác. Người Mông Cổ tạo được sức mạnh tối đa trên những vùng thảo nguyên rộng rãi khi họ có thể di chuyển nhanh, tấn công chớp nhoáng và ào ạt. Khi tới Việt Nam, vó ngựa Mông Cổ đã mất đi ưu thế của nó, chưa kể lam sơn chướng khí gây ra bệnh tật chết chóc, những cánh đồng ngập nước hoàn toàn chặn đứng bước đi của họ.
b/ Sự tàn nhẫn (brutality) của quân Mông Cổ chỉ có thể thực hiện và có tính uy hiếp đối với những thành lũy được xây dựng chắc chắn. Những cuộc công hãm (siege) đã không thể thực hiện được khi nước ta chưa có những đơn vị hay đô thị đủ qui mô mà phần lớn chỉ là làng mạc bé nhỏ. Mỗi khi quân địch tới, dân ta thường sử dụng chiến thuật “thanh dã”, nói nôm na là “vườn không nhà trống”, tự mình hủy hoại những kiến trúc và thực phẩm rồi rút vào rừng, khiến cho quân địch trở nên lúng túng khi chỉ đối diện với những khu xóm không người ở và luôn luôn phải đề phòng bị tấn công bất ngờ. Người Mông Cổ khi đó đã có nhiều kinh nghiệm công thành, sử dụng thang dây, súng bắn đá, kể cả một số chiến thuật tấn công, phòng ngự theo kiểu Âu Châu nhưng lại hoàn toàn không áp dụng được ở Việt Nam.
c/ Vũ khí quan trọng nhất của người Mông Cổ là cánh cung đã không còn có thể sử dụng được ở một vùng đầm lầy như Việt Nam. Người Mông cổ kết hợp hai ưu điểm của họ là tính di động nhanh của vó ngựa và tầm bắn xa của cây cung nên đã đạt được sức mạnh tối đa nơi những vùng thảo nguyên rộng rãi và trống trải. Hai ưu thế đó gần như hoàn toàn không còn sử dụng được tại những vùng tân bồi như miền Bắc Việt Nam thơì đó. Tiễn đạo gần như bị chặn đứng khi gặp lũy tre, bờ đất và ưu thế tấn công từ xa không còn hữu hiệu. Trái lại họ lại bị thổ dân dùng cung nỏ bắn trộm và tiêu diệt lẻ tẻ. Từ thế chủ động trên trận địa, người Mông Cổ đã thành thế bị động, luôn luôn canh chừng và đề phòng. Từ vai trò di động chiếm lấy tiên cơ trong chiến đấu, họ trở thành những lực lượng đồn trú cố định và là mục tiêu bị tấn công.
d/ Một trong những yếu tố quyết định của các trận đánh lớn mà người Mông Cổ thực hiện là việc sử dụng đại quân, với nhiều đội binh khác nhau, mỗi đội chuyên về một phương diện. Đại quân Mông Cổ lại không thể áp dụng ở Việt Nam khi không có một hệ thống đường sá đủ lớn. Nước ta vốn dĩ là những làng mạc sống riêng biệt, những đơn vị nhỏ, từ dân cư đến kiến trúc thường được di tản trước khi quân địch kéo tới. Với sức kháng cự gần như không có, quân Mông Cổ tiến sâu vào nước ta bị những bất lợi hiển nhiên:
- Nếu tập trung tại một khu vực, họ bị tấn công bằng lối du kích không sao ngăn ngừa được. Cố thủ như thế trong thời gian dài sẽ bị dịch tễ và lam sơn chướng khí không còn khả năng chiến đấu.
- Nếu trải rộng để kiểm soát diện địa, họ bị phân tán thành từng đơn vị nhỏ và càng dễ bị tiêu diệt hơn.
e/ Vào đời nhà Trần, tổ chức nước ta vẫn còn gần như những bộ tộc rời rẽ, dân cư tụ tập lại thành từng làng nhỏ, dân số tổng cộng chỉ độ vài ba triệu người, chưa phải là những qui mô quốc gia với định chế rõ rệt. Nhiều sử gia đã có gắng tô điểm cho lịch sử thời kỳ đó như một đại quốc nhưng ở vào thế kỷ thứ 13, nước ta chưa đạt tới những tổ chức hành chánh và quân sự tầm vóc lớn. Quân đội khi đó vẫn chỉ là những đơn vị nằm trong thái ấp, điền trang của các vương hầu và tướng lãnh nếu không phải là gia nhân (Yết Kiêu, Dã Tượng) thì cũng là tì tướng, thân thích đượïc gắn liền với chủ soái qua tình nghĩa họ hàng, thân tộc, hôn nhân.
Những làng xã bé nhỏ đó sống tập trung thành những ốc đảo, mỗi làng độ vài trăm dân, đời sống hết sức giản dị gần như biệt lập, có tiếng nói và tập quán riêng. Nghiên cứu về nông thôn Việt Nam ở miền Bắc chúng ta thấy chỉ chừng một trăm năm trước, đời sống người Việt Nam vẫn còn ở trong tình trạng rất thô sơ, phương ngôn phương ngữ rất đa dạng, tập quán cũng khác nhau, nhiều nơi còn duy trì những tục lệ từ thời thái cổ. Vì khung cảnh nhỏ bé đó, việc anh em thân tộc lấy lẫn nhau cũng không phải là chuyện lạ và chính vì thế khi nhà Trần đưa tập tục bản xứ của họ vào triều đình, quần chúng không cảm thấy đó là một hình thức bại hoại nhân luân.
Mỗi làng đều có lũy tre bao bọc, là một chiến lũy kiên cố ngăn chặn vó ngựa. Chính vì không có những cơ cấu chỉ huy tối cao như những quốc gia khác, quân Mông Cổ đã không thể nhận định đâu là đại bản doanh của Đại Việt để tập trung tiêu diệt và việc thanh toán lẻ tẻ từng làng một đã không thành công khi người Việt sử dụng phương pháp vườn không nhà trống, địch tiến tới đâu đều phá hủy làng mạc bỏ vào rừng rồi tấn công ngược trở lại bằng chiến thuật du kích. Với những vũ khí làm bằng tre, bằng gỗ, cung tên, nỏ, câu liêm, mã tấu … người Việt Nam đã tập trung toàn bộ lực lượng chiến đâu liên tục và trải rộng khiến cho quân Mông Cổ luôn luôn bị rơi vào thế thụ động chờ bị tấn công.
Hơn thế nữa, khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt của miền Bắc nước ta đã khiến cho quân địch bị bệnh tật rất nhiều, và đó là lý do chính yếu họ phải chấp nhận thua cuộc.
Robert B. Asprey trong tác phẩm Chiến Tranh Bí Mật (trong Bóng Tối) (War in the Shadows) đã nhận định về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông của Việt Nam như sau:
… Người Việt Nam, như sau này họ cũng thường hay làm như thế, từ bỏ các thành thị đi vào vùng núi đồi, để mặc kinh thành cho quân xâm lăng đốt phá. Thế nhưng người Mông Cổ, không quen với vùng nhiệt đới và bệnh tật đã bị thất bại vì thủy thổ; sau khi tấn công mà không đi đến đâu, họ đành rút lui …
… Năm 1284, họ tấn công Việt Nam lần thứ ba. Và lần này xuất hiện một nhân tài kiệt xuất: Nguyên soái Trần Hưng Đạo, người đã “ …rút vào rừng núi, viết bộ Binh Thư Yếu Lược (Essential Summary of Military Arts) và huấn luyện sĩ tốt để chiến đấu du kích trường kỳ – quân địch phải chiến đấu ở xa căn cứ địa một thời gian dài … Ta phải làm chúng suy yếu bằng cách dẫn dụ chúng vào những trận đánh cù cưa, một khi mũi nhọn của chúng đã bị bẻ gãy, lúc đó chúng sẽ dễ dàng bị tiêu diệt”.[62]
Nói tóm lại, thời kỳ đó dân ta còn ở vào thời kỳ rất sơ khai, chưa văn minh bằng những quốc gia láng giềng. Những di chỉ tìm thấy về thời kỳ đó cho thấy chúng ta mặc dầu có một bản sắc riêng nhưng vẫn còn khá thuần phác, mãi đến thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, nhu cầu củng cố lực lượng quân sự để đối phó với đối phương mới khiến cho Việt Nam có được một số hải cảng và du nhập được phần nào văn minh từ bên ngoài. Vào thế kỷ thứ 18, Lê Quí Đôn đã viết như sau:
… Vì nước ta là nơi nóng nực ẩm thấp, nhân dân lúc bình thường không đội khăn, không đi giày, động tác mới được thuận tiện, việc này đã thành thói quen rồi, không thể thay đổi được nữa.[63]
Việc cởi trần mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không phải vì lý do kinh tế rất thịnh hành cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Sứ nhà Tống đã chép là cả vua Lê Hoàn cũng cởi trần đóng khố. Sứ nhà Nguyên là Trần Cương Trung cũng ghi nhận là ngay giữa cung đình nhà Trần vẫn có “người đóng khố bao, cởi trần … đàn bà đi chân không … mười người con trai đều cởi trần …”, còn trong dân gian thì “dân đều đi chân không … da chân họ rất dày, trèo núi như bay, chông gai cũng không sợ”.[64] Thành thử người mình đã được gọi là giống dân “sơn răng chằng đít chít đầu”. Người mình cũng không quá câu nệ về chuyện phô bày thân thể, đọc những truyện tiếu lâm, văn thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến … và quan sát sinh hoạt nông thôn chúng ta thấy người Việt khá thoải mái trong việc ăn mặc, khác hẳn người Trung Hoa.
Ngay cả tổ chức triều đình của Việt Nam cũng rất đơn sơ. Tuy vẫn có chức vụ nhưng ngoài việc công ra, vua tôi đều thân cận như sinh hoạt dân gian, không có kiểu cửu trùng chín bệ với mọi loại lễ nghi như người Trung Hoa.
… Đời nhà Trần, tuy quan lại thì nhiều, nhưng vua quan có ý thân cận với nhau. Hễ khi nào vua đãi yến, các quan uống rượu xong rồi thì ra dắt tay nhau mà múa hát, không có giữ lễ phép nghiêm khắc như những đời sau.[65]
Hơn thế nữa, các vương hầu lại biết nhường nhịn nhau, điển hình là chuyện Hưng Đạo Vương tắm cho Trần Quang Khải hay chuyện Tĩnh Quốc Vương Quốc Khang[66] sau đây:
Mùa đông, tháng 10 (năm 1268), vua cùng anh là Ttĩnh Quốc Đại vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng Hoàng. Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho. Vua cũng múa điệu múa ấy để xin chiếc áo của Thượng hoàng. Quốc Khang nói: “Cái quí nhất là ngôi hoàng đế mà tôi còn không tranh với chú hai, nay đức chí tôn ban cho một vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định lấy nốt chăng?”. Thượng hoàng cả cười nói: “Thế ra mày coi ngôi vua và cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau ư?”. Khen ngợi hồi lâu, Thượng hoàng liền cho Tĩnh Quốc cái áo ấy.[67]
Những hình ảnh còn giữ được vào thời đầu thế kỷ 20 cho ta thấy đến lúc này lính hầu, thị vệ còn đi chân đất, mặt mũi ngây ngô, các quan văn, quan võ chưa có cái uy nghi của một đại quốc. Trong một tranh vẽ về sinh hoạt của nước ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh của người ngoại quốc sinh sống ở Kẻ Chợ (Thăng Long), những người khiêng kiệu cho vua Lê tại một đám rước đầu xuân đều cởi trần đóng khố.
Tuy một số thành phần quí tộc và có học thủ đắc được một số tư tưởng và lễ nghi Trung Hoa, đại đa số quần chúng sinh sống chủ yếu tại nông thôn và rừng núi vẫn còn ở trong tình trạng rất giản phác. Nếu đứng trên phương diện phát triển sự giản dị có thể là một trở ngại nhưng về phương diện chiến đấu lại là một ưu điểm, khi lẩn lút cũng như trong di động. Cho đến thời gian này, người Mông Cổ đã chiếm miền Bắc nước Tàu được 30 năm và thành lập triều Nguyên được 13 năm, áp dụng nhiều tổ chức và văn hóa Trung Hoa. Quân đội của họ được xây dựng theo lối chính qui và quân Mông Cổ sang đánh nước ta bao gồm nhiều nhóm tàn quân thu phục được khi đem quân đánh chiếm miền Nam nước Tàu, trong đó hàng quân của nhà Tống chiếm một lực lượng khá lớn, người Mông Cổ chỉ đóng vai trò chỉ huy.
Cũng vì thế tinh thần của đoàn quân này không dũng mãnh như quân đội Mông Cổ trong thời kỳ lập quốc còn ở ngoài sa mạc. Kỵ binh Mông Cổ hoàn toàn không thể áp dụng được vì miền nam địa thế nhiều đầm lầy, thủy đạo, núi non, rừng rú … khác hẳn các thảo nguyên miền sa mạc. Người Mông Cổ hoàn toàn rơi vào thế thụ động, khó liên lạc với nhau nên hoang mang lúng túng, người và ngựa đều bị lam sơn chướng khí và bệnh tật vùng nhiệt đới làm cho tiêu hao khiến cho những mũi nhọn của đoàn quân bách thắng kia bị bẻ gãy.
Dưới nhãn quan lịch sử triều đại, khi ghi chép lại cuộc chiến đời Trần các sử gia chỉ chép những biến cố quan trọng nhất của từng năm, coi như đó là kết quả sau cùng của toàn bộ các hoạt động. Thực tế, cuộc chiến “cả nước đấu sức lại mà đánh” kia là một cuộc chiến trải rộng, toàn bộ, liên tục và những trận đánh lớn tiếng tăm, những địa danh lừng lẫy chỉ là tiêu biểu và sử sách ít ai nhắc đến những chiến đấu địa phương của từng vùng, những sáng tạo tùy thuộc vào khung cảnh cá biệt để tạo nên một sức mạnh tập thể, hoàn thành chiến công oanh liệt vào bậc nhất của chúng ta vào cuối thế kỷ 13. Có lẽ chính vì thế mà cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của Việt Nam đã không được các sử gia thế giới nhắc đến nhiều như thất bại của của người Mông Cổ trong chiến dịch chinh phục Nhật Bản hay Java bằng đường thủy.