Nhìn người đàn bà trung niên ngồi một mình cách chỗ tôi ngồi sáu cái bàn,và khoảng cách chừng mười thước,tôi nghĩ tôi không thể nào lầm lẫn được với khuôn mặt của người phụ nữ mà thời hoa niên nàng và tôi đã có những đêm nằm bên nhau tâm sự đến thâu đếm suốt sáng. Nếu đúng đó là nàng, là Hạnh mà tôi biết ngày nào thì quả là hậu vận của nàng có số giàu sang nhàn hạ vì nàng ăn diện thật sang trọng và đồ trang sức bằng vàng đeo đầy tay chân và trên cổ - Chắc chắn nàng là Việt kiều - Tôi nghĩ vậy.
Thật bất ngờ,sau nhiều năm xa cách, chiều nay tôi gặp lại Hạnh trong quán cà phê này.
Hạnh có vẻ đẹp hơn, sang trọng hơn và vẫn còn giữ được nét tươi khỏe trẻ trung, dù thời gian xa cách nhau cũng đã hơn một phần tư thế kỷ.
Có lẽ Hạnh không nhận ra tôi vì tôi thấy cặp mắt của nàng nhìn ngay tôi rồi nhìn đi nơi khác như nàng đang nhìn những người ngồi trong quán. “Trên ba mươi năm rồi chứ ít ỏi gì.”  Tôi nhủ thầm như vậy.
Một người đàn bà vừa rời khỏi chỗ có cái máy computer rồi đi lại chỗ Hạnh ngồi và nói có hơi lớn tiếng và câu chuyện của người đàn bà thì tôi không thể nào hiểu được. Nhưng, cũng nhờ vậy mà điều nghi ngờ của tôi đã có đáp số; nàng là Hạnh của những ngày xa xưa mà tôi quen biết. Người đàn bà nói có hơi lớn tiếng:
- Ê Hạnh, con nhỏ kỳ này chắc chắn nó sẽ chết thật, kỳ này nó chỉ có nước làm ma đói chứ không còn làm ma gì được nữa rồi; đến làm đĩ sợ cũng chẳng có...ma nào thèm nữa là. Đã xấu như ma lại còn có tính gian xảo gian manh nữa thì tiêu. Tiêu là cái chắc!
Hạnh ngước mặt lên nhìn ngay mặt người đàn bà nhưng không trả lời, rồi nàng cúi mặt xuống nhìn chằm chằm vào ly nước trước mặt như để đếm xem trong ly nước đó có bao nhiêu trái xí muội.
Người đàn bà nhìn nét mặt không vui của Hạnh và rồi có lẽ bà chợt hiểu ra điều gì đó nên vội quay nhìn khắp mọi người trong quán. Người đàn bà có vẻ yên tâm khi nhận ra không có một người nào để ý đến câu nói của bà hay nhìn bà và Hạnh.Người đàn bà đưa tay ngoắc người phụ bàn.
°  °  °
Đang loay hoay gom vội mấy cái quần mấy cái áo từ sợi dây phơi đồ sau nhà vì trên trời mây đen đang vần vũ thì bạn. Giao tới tìm tôi. Giao và tôi chơi thân với nhau từ ngày hai đứa cùng học chung một lớp ở năm cuối cùng bậc trung học.
Giao vừa dựng chiếc xe Honda vào vách nhà vừa nói với tôi kèm theo cái nháy mắt cố hữu mà mỗi khi có gì vui là Giao thường làm như vậy:
- Tao đến đưa mày đi giải sầu đây.
- Lãnh lương sớm vậy sao?
- Trước có ba ngày mà sớm cái gì chứ,lẹ lên đi ông cố để trời mưa đến là mất hứng hết bây giờ.
- Tao đang đói quá.
- Thì ghé tiệm phở ngoài đầu đường ăn đỡ rồi đi cũng được chứ có gì đâu mà mặt mày lại phải nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn phải ớt vậy.
Hai đứa chúng tôi là vậy, luôn vui vẻ với nhau và hình như từ ngày biết nhau cho đến nay chúng tôi chưa từng giận nhau một lần nào tuy có đôi lúc bất đồng ý kiến và cãi cọ cũng ra trò lắm,nhưng sau đó thì quên hết.
Cả hai đứa chúng tôi đều đang là thương phế binh. Giao may mắn hơn tôi vì còn gia đình và hiện đang là nhân viên cho một tổ chức xã hội nên đến kỳ lương là Giao đến đưa tôi đi “giải sầu”,mặc dù nhiều khi tôi không có gì sầu buồn cả; Giao ngụ ý muốn đưa tôi đi chơi bời.Đây là lần thứ hai tôi đi với Giao.
Cả hai lần Giao đều đưa tôi đến động Sáu Đệ, cái động điếm tọa lạc trong cái hẻm có ngôi đình thật xưa tên là Đình Phú Thạnh.Đình Phú Thạnh tọa lạc trên con đường Lê Văn Duyệt Sàigòn Quận Ba và gần Tòa Đại sứ Cao Miên,nơi từng xảy ra một vụ tự thiêu đã đi vào lịch sử.Trong cái hẻm Đình Phú Thạnh này cũng đã từng có một nhà văn lớn của miền Nam trú ngụ khi tôi chưa được ra chào đời.
Nếu không là khách quen hay được giới thiệu thì khó có ai biết được ở chốn này lại có một cái động điếm vì không có người đứng đón khách lộ liễu ở ngoài đường như ở Ngã Ba Chú Ía vùng Hạnh Thông Tây Gò Vấp hay phía trước Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô gần bên Quân Vụ Thị Trấn Sàigòn;hay ở những nơi đã nổi tiếng khắp cùng thành phố này.Gọi là động Sáu Đệ vì Sáu Đệ là tên của tay anh chị lừng lẫy tiếng tăm trong giới giang hồ vùng chợ Vườn Chuối.
°  °  °
Tôi bước chân vào trong nhà chưa được bao lâu thì nghe có tiếng gõ cửa.Tôi không thể đoán được người đến tìm tôi là ai vì Giao, bạn tôi không bao giờ gõ cửa. Giao có giữ một chìa khóa cửa nhà của tôi mà tôi đã đưa ngay cho Giao khi tôi được cấp căn nhà này. Tôi đi nhanh ra mở cửa và quá đỗi ngạc nhiên vì người đến tìm tôi và đang đứng trước mặt tôi lại là Hạnh, cô gái điếm ở động Sáu Đệ.
- Vào đây em, làm sao em biết... đây?
Thấy tôi ngạc nhiên, Hạnh nhìn tôi cười mỉm rồi hơi trề cái môi dưới ra một chút như hãnh diện vì cho việc nàng tự tìm được nhà tôi là việc mà ít người có thể làm được và, rất tự nhiên, Hạnh tự kéo ghế ngồi rồi chậm rãi nói:
- Anh thấy em tìm nhà anh có tài tình không? Nói chơi vậy thôi chứ em hỏi anh Giao đó.
Và như để tôi khỏi ngạc nhiên lâu,Hạnh nói tiếp:
- Thấy anh Giao đến có một mình nên em hỏi thăm anh và anh Giao nói anh bị bệnh nên em xin địa chỉ và hôm nay ghé vào đây thăm anh và nhân tiện em cũng đi công việc ở gần đây.
Tôi biết Hạnh viện lý do đi công việc rồi nhân tiện ghé lại thăm tôi chứ Hạnh mà có công việc gì ở gần đây, ở trong khu nhà của thương phế binh này.
- Hạnh uống ly nước đá lạnh nha,nhà anh chỉ có mỗi thứ nước đó thôi.
Và,không đợi Hạnh có đồng ý hay không,tôi đi ra phía sau làm nước.
Giao đưa tôi đến động Sáu Đệ tổng cộng là sáu lần và lần nào tôi cũng đi với chỉ một mình Hạnh mà thôi. Tôi rất ngại ngùng khi phải trần trụi trước mặt người lạ, mà người quen thì tôi chưa có. Cũng bởi vì vết thương từ ngực kéo dài xuống đến bụng của tôi trông rất gớm ghiếc, cộng thêm một cánh tay cụt gần đến nách, nên tôi chọn đi với một mình Hạnh là vì vậy. Có lẽ vì tôi mang nặng mặc cảm nên lần đầu tiên tôi có cử chỉ hơi rụt rè vì vậy mà Hạnh nhìn ngay mặt tôi hỏi:
- Anh làm gì mà rụt rè giống như là trai tơ mới đi chơi bời lần đầu tiên vậy?
Nghe Hạnh hỏi mà tôi chỉ biết im lặng. Sau khi Hạnh nhìn thấy vết thương của tôi thì nàng như hiểu ra và từ đó nàng thường xuyên vuốt ve lên vết thương cho tôi đừng ngại ngùng và đừng mặc cảm.
Hạnh đón ly nước từ tay tôi:
- Em rất quý mến anh nên rất mong anh đến thăm em,có lẽ vì anh ít nói và hiền. Từ khi thấy vết thương của anh thì không hiểu sao em cứ thường nghĩ về anh luôn và mong anh đến hoài. Hôm kia anh Giao đến mà không thấy anh nên em hỏi thăm và anh Giao nói là anh đang bị bệnh cảm...ai đó nhưng anh hiện sống có một mình vì vậy mà em làm liều đến thăm anh.
Ngày tôi theo bạn Giao đến động Sáu Đệ lần đầu và tôi đã chọn Hạnh vì Hạnh còn rất trẻ và cũng khá đẹp, mà có đẹp thì làm nghề này mới không bị những sự phũ phàng do những người đàn ông đi chơi bời gây ra.Lần đó nằm bên tôi, tôi nghe Hạnh hát nho nhỏ một bài hát rất lạ: “Viện Tế Bần nhốt kẻ bần nhơn,lắm người than khóc cách xa gia đình.Đêm nằm, rệp chích lu bù,trông sáng cho rồi ăn cháo ăn xôi.Liêu á liêu a tùng tùng liêu, liêu á liêu a tùng tùng liêu, đến ngày mai sáng...”
Hạnh định hát tiếp nhưng bị tôi hỏi ngang:
- Em hát bài gì mà lạ quá vậy?
- Anh có biết Viện Tế Bần ở bên kia cầu chữ Y không? Em bị bắt lúc em gần mười tám tuổi và bị nhốt ở trong đó hết bốn tháng. Ở trong đó...ghê lắm anh ơi! – Hạnh vừa nói vừa trề cái môi dưới ra như vẫn còn sợ hãi lắm.
- Tòa xử em bốn tháng hả?
- Có tòa án nào xử đâu, tự nhiên một buổi sáng kia ông giám thị cho gọi em ra văn phòng rồi trao giấy trả tự do cho em. Mà anh có biết không, ở trong đó giám thị chia người tù ra làm ba loại và mình cứ nhìn vào cái thẻ bài nhỏ màu xanh đeo trước ngực có viết tắt hai chữ cái dưới hàng số thứ tự là mình biết người đó thuộc thành phần nào liền à. Thí dụ thành phần thứ nhất là người nào đeo cái thẻ bài có hai chữ eo lờ em mờ tức là lưu manh, tức là du đãng,thành phần này thì bị ở lâu nhất. Kế đến thành phần thứ hai là người đeo hai chữ hát ca tức là hành khất nghĩa là những người ăn xin và bao gồm luôn cả những người bụi đời không nhà không cửa nữa, thành phần này ở tù không lâu. Thành phần sau cùng là người có mang hai chữ em mờ và dê tức là mại dâm đó anh. Ba tuần đầu em bị mang hai chữ này em cứ khóc hoài và không muốn ăn uống gì cả đến nỗi cảnh sát phải kêu em ra hỏi lại hoài và cuối cùng họ cho em mang hai chữ hát ca.
- Sao em không nghỉ đi,làm hoài như vậy sẽ có ngày...nữa...
Tôi định nói để an ủi Hạnh nhưng rồi lại nói một câu chẳng ra trò trống gì cả làm gương mặt của Hạnh đang vui liền xụ xuống. Tôi nắm bàn tay Hạnh và xin lỗi:
- Tôi xin lỗi em nghe.Tôi định...tôi ăn nói chẳng có duyên dùng gì cả phải không em?
Hạnh cười lên ha hả như không còn buồn vì câu nói của tôi nữa.Nàng hôn tôi và nói:
- Anh hãy xem em như là vợ của anh hay người yêu của anh nghe anh.
Tôi gật đầu đồng ý và sau lần đó, mỗi lần đến động Sáu Đệ tôi đều đi với chỉ một mình Hạnh mà thôi. Chỉ một lần duy nhất tôi phải chờ khá lâu vì Hạnh đang...đi khách.
Tối nay Hạnh ở lại nhà tôi và khi cả thành phố đang đắm chìm trong giấc ngủ khuya thì Hạnh tâm sự chuyện đời nàng cho tôi nghe:
- Em sinh ra đã mang nỗi bất hạnh vì lúc ra chào đời chưa được bao lâu thì ba mẹ em cùng qua đời trong một tai nạn. Ông bà ngoại rất thương yêu em vì em chỉ có một mình không anh chị em ruột thịt. Khi vừa lớn lên em cũng được cắp sách đến trường trong ba năm và thời gian đó xem như là thời gian đẹp nhất đời của em...và cũng qua mau như một cơn gió thoảng. Đang học dở dang thì ông ngoại em qua đời nên em phải nghỉ học ở nhà giúp bà ngoại.
Em vào đời lúc em mười một tuổi với gánh rau mỗi sáng ra chợ nhưng trong nhà luôn thiếu trước hụt sau. Đêm nào em cũng nằm thao thức mơ ước sao có đấng cứu tinh nào đó đến cứu gia đình em khỏi bị đói như trong chuyện cổ tích mà lúc đi học cô giáo đã kể cho em và các bạn cùng lớp nghe. Thế rồi năm năm sau, lúc em được mười sáu tuổi thì lúc đó có nhiều gia đình trong làng đến nhà xin cưới em cho con trai của họ nhưng bà em không muốn xa em và hơn nữa em cũng chưa đủ lớn. Em mơ ước được lên Sàigòn làm việc và nếu em may mắn có chồng giàu sang em sẽ có điều kiện để giúp đỡ cho bà ngoại. Một hôm có người đàn bà ăn mặc rất sang trọng từ Sàigòn về và em gặp ở ngoài chợ, người này khen em đẹp và rủ em lên Sàigòn bán bar. Vì em thấy người đàn bà này ăn mặc rất sang trọng mà tiền bạc lại có quá nhiều nên em ham, em nói dối với bà là em ra tỉnh làm việc một hai tháng em sẽ về thăm bà một lần.
Lên tới Sàigòn em làm trong một quán bar và chưa được bao lâu thì em quen với một người lính, được tháng thì anh ấy bị tử trận và thế là em buồn quá em cứ đi lang thang ngoài đường phố vì không có tiền trả tiền nhà nên bị chủ lấy nhà lại. Cuối cùng em lại phải quay lại làm việc tiếp trong quán bar. Rồi em gặp một anh chàng khá bảnh trai tỏ lòng thương em và muốn chung sống với em nên em không ngần ngại mà sống chung với anh ấy như vợ chồng. Tưởng mọi chuyện đến đây đã xong xuôi vì tìm được người bạn trăm năm để gởi thân và có tiền gửi về cho bà nào ngờ ít lâu sau có người đàn bà trẻ tìm đến đánh ghen.
Em lại bơ vơ, lại lang thang một lần nữa. Một tối kia em đi lạc vô khu Chuồng Bò ở Ngã Bảy nhằm lúc cảnh sát đang bố ráp ở khu đó và em bị nghi là làm gái nên bị bắt rồi bị nhốt ở Viện Tế Bần hết bốn tháng. Trong khi bị giam em có quen với một chị làm gái chuyên nghiệp mà sau này chị ấy đã giới thiệu cho em đến làm trong động Sáu Đệ. Em làm được tám tháng rồi anh.
- Cuộc đời em buồn quá.Em còn quá trẻ và đường đời em cũng còn quá dài nên anh hy vọng ở một ngày mai em sẽ được tươi sáng hơn.
- Em làm thêm một thời gian nữa rồi sẽ về quê mở quán bán gì đó sống cho qua ngày chứ không thể làm mãi nghề này được.Em không bao giờ muốn làm...như vầy đâu anh.
°
Cái Bè không lớn lắm. Cái Bè chỉ là quận lỵ nhỏ,nghèo và thường không được an ninh lắm về ban đêm.Đây là lần đầu tiên tôi đi về vùng đồng bằng có con sông Cửu Long,về một vùng quê hương có những ruộng lúa cò bay thẳng cánh mà tôi chỉ được đọc qua trong sách vở.Tôi đứng bên này đường nhìn qua quán “Cháo cá Hạnh” mà trong lòng vô cùng khâm phục người chủ nhân của quán.
Từ ba tuần qua, trước chợ Cái Bè xuất hiện quán cháo cá lóc mới mở và tuy chỉ mới có ba tuần nhưng khách đến ăn rất đông vì Hạnh nấu cháo cá lóc rất ngon mà giá một tô cháo cũng khá rẻ, rất hợp với túi tiền của người dân quê.
Hạnh mở quán đã được ba tuần và hôm nay là ngày đầu tiên tôi đến đây - đứng từ bên này đường nhìn qua- thời gian này trong quán không còn một chỗ trống,tuy đang là giữa buổi trưa. Đa số thực khách mà tôi thấy là những anh lính chiến thuộc đủ mọi quân binh chủng,dĩ nhiên là trong số những chàng trai oai hùng đó - tôi nghĩ - cũng phải có những anh chàng đã và đang trồng cây si.
Trước ngày Hạnh khai trương quán nàng có gởi thư báo tin và mời tôi nhưng đến hôm nay tôi mới đến thăm Hạnh vì tôi vừa lãnh tiền trợ cấp thương tật ngày hôm qua.Nhìn Hạnh lăng xăng tiếp khách và không hiểu sao tôi lại nghĩ là tôi không nên gặp lại Hạnh trong lúc này.
Tôi quay gót đi trở lại bến xe mà cảm thấy thật buồn trong lòng. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại buồn thay vì phải vui và tại sao tôi lại tránh không gặp mặt Hạnh. Hay tôi đang bị mặc cảm tàn tật? Tôi có cảm tưởng như vừa bị ai đó lấy đi một báu vật quý giá trong tay. Tôi biết Hạnh cũng có cảm tình với tôi nhưng chưa bao giờ nàng tỏ thái độ tôi là của riêng nàng để ngăn cản tôi không được đi với người khác. Tôi có còn gì nữa đâu để mà phải đắn đo phải suy tính hơn thiệt khi lấy cô gái điếm về làm vợ. Một cô gái điếm như Hạnh thì tuy không bằng ai nhưng chắc chắn sẽ hơn rất nhiều người. Nhưng rồi tôi lại nghĩ là tôi sẽ không bao giờ có thể đem lại hạnh phúc cho bất cứ người đàn bà nào bởi vì tôi quan niệm muốn cho người mình thương yêu hạnh phúc không phải chỉ có tình yêu thương thôi là đủ,mà phải bao gồm luôn cả cuộc sống vật chất thật đầy đủ nữa, điều mà tôi sẽ khó thực hiện được trong hiện tại và cả trong tương lai.
Ngồi trong xe mà tôi cứ nghĩ mãi về Hạnh,tôi nghĩ là tôi đã yêu Hạnh.Tôi yêu Hạnh chỉ vì tính tình giản dị của nàng trong cuộc sống hằng ngày và Hạnh luôn muốn hoàn lương để làm lại cuộc đời.
°
- Xin lỗi...phải là anh...không?
Tôi giật mình mở mắt nhìn người đang hỏi tôi. Vì mãi tưởng nhớ về dĩ vãng nên đôi con mắt của tôi đã nhắm lại lúc nào không hay.
Tôi luống cuống chống một tay còn lại xuống bàn và đứng lên.
- Đúng... đúng rồi... đúng là tôi đây. Hạnh khỏe không? Mời...mời ngồi.”
Tôi không biết nên gọi Hạnh là em như ngày nào hay phải gọi là bà. Tôi nghĩ Hạnh sẽ không nhận ra tôi thế mà...người đàn bà đi chung với Hạnh có lẽ đã đi khỏi khi tôi đang nhắm mắt.
- Không ngờ...rồi cuối cùng...Hạnh ở tiểu bang nào? Hạnh...về được bao lâu rồi? ”
Hạnh để lộ ra trên gương mặt vẻ thật vui. Hạnh không trả lời các câu tôi hỏi mà nói:
- Hôm kia bỗng nhiên chợt nhớ đến anh nên em có đến khu nhà thương phế binh tìm anh nhưng không ai biết gì về anh cả.Nơi đó bây giờ lạ quá, nhà cửa khang trang hơn. Cuộc sống của anh ra sao và anh ở đâu?
- Nhà của anh,căn nhà mà em đã đến...đã bị chiếm mất rồi.Nói ra thì dài dòng lắm và đau xót lắm Hạnh à.Nước còn bị mất thì xá gì căn nhà...
- Ngày đó anh có nhận được thư của em không mà không thấy anh xuống Cái Bè gặp em?
Không hiểu sao tôi trả lời thật nhanh và không thành thật:
- Thư...nào? Không, anh không nhận được cái thư nào của Hạnh cả.
- Em tưởng anh không muốn gặp lại em nên rồi vì công việc bận rộn quá để rồi sau đó em có chồng và chồng em đã đưa em đi thoát khỏi quê hương ngay ngày ba mươi. Chồng em đã mất mấy năm nay rồi...quê hương mình có thay đổi nhiều không anh?”
- Thay đổi thì nhiều lắm em ạ.Em phải ở đây ít ra là một vài tháng thì em sẽ thấy được hết.Em còn nhớ anh Giao không,anh Giao và gia đình bị nhà cầm quyền này đưa đến chỗ gọi là kinh tế mới rồi sau đó sống chết ra sao anh cũng không được tin gì nữa vì anh không còn địa chỉ để cho anh Giao liên lạc.
Hạnh quay mặt nhìn ra đường nhìn mông lung một lúc rồi nói:
- Bây giờ...bên em đang vào mùa Đông.Ở miền Nam,ở sàigòn không có mùa Đông nhưng đêm Noel cũng có khi lạnh và rất vui.Ngày xưa đêm Noel nào em cũng đi ra đường với mấy người bạn.Em thích Noel ở Việt Nam,em thích mùa Đông vì có tuyết rơi...
Hạnh quay lại nhìn tôi, đôi mắt của Hạnh đang có nước mắt nhưng vẫn đẹp,vẫn long lanh như ngày nào và có phần lớn hơn xưa.
- Đi anh, anh đưa em đi một vòng xem thành phố đi anh. Em rất thích và rất muốn đi với anh để được nhìn lại những nơi mà anh và em đã từng đến.Tiếc là ở nơi này em không nhìn thấy được mùa Đông và...bây giờ hai đứa mình cũng đang ở vào giai đoạn của mùa Đông; mùa Đông của cuộc đời!
Tôi nhìn Hạnh và cố mỉm một nụ cười. Đèn đường cũng vừa lên báo hiệu một ngày sắp qua đi.Hạnh nắm bàn tay còn lại của tôi và cùng tôi bước ra khỏi quán.
Thời tiết Sàigòn tối nay mát dịu nên rất lý thú với đề nghị đi dạo phố của Hạnh.Tôi quay qua nhìn Hạnh và nàng cũng nhìn tôi rồi ôm chặt lấy cánh tay duy nhất còn lại của tôi.Tôi cúi xuống nói sát vào tai nàng:
- Chỉ khi nào trái tim của anh không còn đập nữa thì khi đó anh mới hết yêu nhưng hình ảnh của em từ bao lâu nay và mãi mãi vẫn còn ngự trị trong đó./.
Topa  

Xem Tiếp: ----