- Mẹ đừng lo, lần này con không sao đâu!Tiếng nói của thằng con trai làm vỡ tan những dòng suy nghĩ miên man trong thị, làm thị quay trở về với thực tại đầy mùi ê te, bông băng, mùi cồn lành lạnh. Không hiểu sao thị thấy mùi của cái phòng bệnh này lạnh thế, lạnh toát ra từ từng viên gạch nền màu trắng, từ những vách ngăn được lát gạch trắng, và từ mùi cồn. Không hiểu sao đã bốn năm nay quen với mùi của cái phòng bệnh này, thuộc tới từng vị trí người bệnh nằm trên mỗi chiếc giường, từng vết xước của tấm nệm giường phủ da màu nâu thị cũng nhớ, sao hôm nay lại lạnh thế này! Mình phải ra khỏi đây thôi, mình không thể chịu nổi mùi lạnh này nữa, mình sợ lắm rồi! Trong khoảng khắc thị muốn chạy trốn, muốn lao ra ngay khỏi căn phòng nhưng tiếng nói của thằng con trai kéo thị về.Thị cười, dém lại mép chăn đã xộc xệc.- Mẹ không lo đâu, trời còn thương, mấy lần trước nặng hơn mà! Giờ con nằm yên, mẹ chạy đi mua ít cháo nóng nhé!Không đợi thằng con gật đầu, thị vội vã xách cái cặp lồng ra ngoài. Thị không muốn nó nhìn thấy thị lại khóc, không muốn nó thấy thị lo lắng hoang mang, vả chăng thị còn sợ cái mùi lạnh lạnh này nữa.Nhìn vào chiếc gương trong thang máy, thị thảng thốt sờ lên má mình “ai đây, mụ đàn bà xấu xí, tiều tụy kia là ai? Từng sợi tóc bết dính lại với nhau rối bung xòe, đôi mắt ngây ngây, dài dại vì thiếu ngủ, vì lo sợ, cái áo len khoác ngoài bờm xờm khuyết một nút, sao mụ ấy cứ nhìn thị chằm chằm”. Thị sợ cái nhìn ấy, thị đi nhanh như lao ra khỏi thang máy, thị đoán chừng cái dáng đi của mình sẽ phải xiêu vẹo lắm. Thị vốn béo, béo mà đi xiêu vẹo, lại lao nhanh nữa, thế là thị ngồi, ngồi luôn xuống ghế đá trước cửa nhà xác.Hai mươi năm trước, mười năm trước, mà chỉ năm năm trước thôi, thị thế nào nhỉ? Thị không nhớ rõ nữa, trong đầu óc cơ hồ như lú lẫn của thị hiện về…Người đàn bà ấy không đẹp nhưng bệ vệ, có nét cuốn hút người đối diện, cái miệng lúc nào cũng mỉm cười tươi rói. Thị dắt thằng bé đẹp như tranh, ai cũng của nó sao da trắng, môi đỏ như son, bẽn lẽn như con gái. Thị tự hào lắm, có một đứa con nên càng chăm bẵm… Sao thị chẳng thấy nét nào của người đàn bà ấy giống mụ trong thang máy cả. Đã bao lâu rồi nhỉ? Bao lâu rồi thị không soi gương? Bao lâu rồi thị không ra khỏi cái ổ chuột tồi tàn ấy? Hình như thị chỉ chui ra khỏi cái ổ chuột ấy mỗi lần về quê, mỗi lần về thị lại tranh thủ ngắm ngôi nhà bốn tầng, thị tắm thật lâu, thị tranh thủ hít hà bầu không khí không có mùi bệnh hoạn hòng quên đi cái ổ chuột ấy, dù chỉ một tí thôi. Thị biết con thị cũng thế, về đến nhà nó mặc cái áo đẹp nhất, gọi điện cho lũ bạn đến cười đùa, đi đánh điện tử đến 12 giờ đêm, rồi nó lại về phòng ngắm nghía cái máy tính, căn phòng đẹp đẽ của nó. Thị biết nó cũng như thị, sợ cái ổ chuột ấy lắm mà không dám kêu, nó chẳng muốn ngửi cái mùi cồn lạnh lạnh, rồi mùi của những can nhựa đựng dịch. Nó sợ những mũi kim chọc vào cổ tay gầy trơ xương, sợ mỗi lần nhìn máu chảy qua ống truyền đi vào quả lọc rồi lại vào cơ thể nó. Thị chợt nhận ra sương ướt đẫm vai áo, chợt nhận ra mình đang ngồi trước cửa nhà xác lạnh đầy âm khí, thị vội rảo bước đi mau.- Sao mẹ đi lâu thế? Con chưa đói nhưng không muốn ở một mình.- Ừ! Mẹ chạy về tí, lúc tối đi mẹ quên không khóa cửa, đãng trí quá. Mẹ bón cháo con ăn nhé, ăn tí cho đỡ mệt.- Ăn xong mẹ lau người cho con tí nhé, người con bẩn quá.Thằng con nuốt từng thìa cháo trên tay thị như mắc nghẹn cái gì đó, lưỡi nó chỉ đẩy đẩy ra chứ không lừa thức ăn xuống, nó không nuốt xuống được. Trong lúc cố nuốt cháo đôi mắt con trai thị vốn đã dại càng lồi ra để cố gắng, cuối cùng thị đành phải dừng lại.- Thôi mẹ bóp chân tay cho con, mai nắng nắng lau người, giờ muộn quá rồi.- Nhưng sáng ra có người khác con ngại lắm.Thị không đáp lời con mà bóp nhè nhẹ tay nó rồi nó cũng yên, khép hờ mắt lại mơ màng. Bàn tay thị hẫng khi đưa xuống thân dưới của con, chỉ có mấy ngày nặng mà nó sút quá, đã trơ ra ống xương, đầu gối như sắp rời ra, không đỡ nổi khúc chân bên dưới, sờ lên thấy cái xương chậu đã lồi hẳn ra, hai phần thân thể dường như không gắn chặt với nhau được nữa. Thị im lặng nắn bóp chỗ thịt đã mềm nhẽo, xoa cái đầu gối củ lạc của nó khe khẽ rồi bất chợt hát khúc ru:“Ầu ơ…Đồng Đăng có phố Kỳ LừaCó nàng Tô Thị có chùa Tam ThanhAi lên xứ Lạng cùng anhBõ công bác mẹ sinh thành ra emẦu ơ…Tay cầm bầu rượu nắm nemMải vui quên mất lời em dặn dòẦu ơ…”Lâu lắm mới thấy con thị ngủ yên lành đến thế, không thấy nó cựa người, cũng không mê sảng. Thị giật mình…hay là? Rồi đưa tay lên mũi vẫn thấy nó thở đều đều, nhìn lên máy huyết áp: 140/80, thị yên tâm ngồi ngắm nó. Đến ngày mai mới đi rút nước nên mặt nó hơi phù, nhìn đỡ tiều tụy hơn, gò má đỡ hóp hơn. Nghe hơi thở đều đều của con thị cũng yên tâm chợp mắt một lát, thị cố gạt khỏi đầu những suy nghĩ về sự bất trắc có thể xảy ra rồi tự cười với bản thân “đến nước này còn gì bất trắc được nữa mà lo”. Nhưng rồi 3 giờ sáng, thị thấy bàn tay cọ vào mặt mình giật giật, nghe tiếng ú ớ không thành lời. Thị chợt hiểu cái giây phút không mong đợi ấy sắp đến rồi. Thị ngây dại nhìn đứa con yêu của mình, ngây dại nhìn bàn tay co quắp của nó. Trong giây phút thị không biết mình đang đứng ở đâu nữa, trời đất quay cuồng, thị biết không còn cứu vãn được nữa, thị biết rằng mình chẳng còn gì để hi vọng, chẳng còn gì để trông ngóng. Thị gọi y tá đến kiểm tra rồi gọi điện cho chồng “anh ơi, chẳng còn nước mà tát nữa rồi”. Rồi thị lại cuống lên chạy đi tìm bác sĩ, hai chân thị cứ như díu vào nhau không bước nổi. Nghe bác sĩ nói mà thị không đứng nổi.“Sáng sớm chúng tôi sẽ mời bên thần kinh hội chẩn rồi có kết luận đầy đủ, nhưng chạy thận đã lâu chắc chị hiểu rõ là có thể xảy ra tình huống xấu nhất!” Thị nhìn bác sĩ như cầu cứu, rồi nhìn sang đứa con đang nằm thở khò khè, đôi mắt mê dại nhìn lên trần nhà lúc mở lúc khép hờ, miệng nói ú ớ những điều không ai hiểu. Thị khóc, giọng thị lẫn nước mắt, nước mũi:- Con ơi, đừng ngủ, đừng ngủ, thức với mẹ đi, mẹ sợ lắm, mẹ sợ lắm con ơi!Thị sờ vào cổ họng, nơi phát ra tiếng khò khè ấy thì thấy cứng ngắc, thằng bé không còn lắc đầu được nữa, chỉ nằm ngửa cổ ra khò khử được thôi. Lồng ngực thiếu khí như xẹp xuống, bụng, đùi, đầu gối, bàn chân con thị mềm như ông lão tám mươi. Thị lặng lẽ đứng lên, đi ra cửa đợi chồng.Ông trời đúng là trêu ngươi, thị bỏ cái xứ đạo khốn nạn ấy ra đi, cái xứ đạo mà quanh năm chỉ có thù hận, thị đi thanh niên xung phong rồi gặp ông ấy, một ông Thổ xứ Lạng và kết duyên. Thị bỏ đạo, lấy chồng, hai mươi năm chung sống, của cải đầy lên nhưng chỉ có một mụn con, rồi cái mụn ấy cũng ốm, mắc nan y làm thị hao tài tốn của. Cái vòng sinh tử cuộc đời lại kéo thị về với đạo, thị lại đọc những câu kinh tưởng đã quên từ lâu lắm. Thị tưởng là cả đời này chẳng bao giờ mình nhớ lại những câu ấy, tưởng là quên cả mặt Chúa, thế mà rồi thị nhớ mồn một từng câu, và hình ảnh đức mẹ Maria lại hiện về. Đức mẹ đẹp như thị thấy từ hồi 15 tuổi trong nhà thờ. Thị quá mệt mỏi rồi, thị đã cố gắng, thị đi khắp nơi tìm thuốc, thị đi khắp nơi cầu cúng, ma Thổ có, cúng ở chùa có, ở đền cậu có…chẳng nơi nào trên xứ Lạng thị không đi. Thế mà giờ đây thị mệt không đứng lên được, khi con trai kề phút hấp hối thị lại thấy sợ cái mùi của căn phòng thị đã quen bốn năm nay, thị thảng thốt giật mình: sao cuộc đời khắc nghiệt thế? Sinh tử là cái lẽ gì mà con người phải chịu? Sao nó có thể cướp đi đứa con trai – niềm hạnh phúc của thị. Lần trước con thị ốm nặng, hôn mê thị đã nghĩ thà để con mình ra đi còn hơn nó đau đớn vật vã như thế, cuộc sống có ý nghĩa gì nếu con mình chỉ nằm trên giường bệnh, có ý nghĩa gì nếu con thị chẳng bao giờ thoát khỏi cái ổ chuột ấy. Sáng sáng nó ra khỏi căn phòng tồi tàn không thể tồi tàn hơn để sưởi thứ ánh nắng le lói len được qua mấy tòa nhà cao tầng hắt xuống, rồi nó ngắm nhìn bầu trời của mọi người, ngắm nhìn con phố của mọi người và thở dài cho hết ngày. Nó biết rằng bầu trời trong xanh ấy chẳng thể là của nó, con phố đông vui kia không đón nhận bước chân lạc lõng của nó, nó 22 tuổi mà chưa biết gì về cuộc đời, thậm chí chưa một lần được hít hà mùi thơm thiếu nữ. Bốn năm là bao nhiêu ngày con thị phải chịu những đau đớn về thể xác? Mỗi lần rút nước là mỗi lần thị lo lắng, thị sợ rút quá cân, sợ thằng bé cao huyết áp bất chợt, sợ can đựng nước không sạch làm thằng bé bị sốt rét, thị chẳng dám tưởng tượng ra cảnh đang rút nước mà con thị cứ lịm đi, lịm đi. Thị biết thằng bé còn sợ hơn thị nhiều, dòng máu trong cơ thể nó được dẫn ra ngoài, đi qua quả lọc rồi quay trở lại, có nỗi sợ nào hơn thế? Có điều gì đáng sợ bằng việc nhìn thấy máu trong cơ thể mình đi ra đi vào. Mỗi khi độc lên, con thị đau đớn lòng thị thắt lại, thằng con trai đôi mươi của thị nằm thẳng đơ trên giường thở hổn hển hoặc ro rúm người lại, không biết đau ở đâu nữa, cả cơ thể như không phải của nó, mệt, choáng váng, cơ thể nặng trĩu, không thể cất thành lời. Rồi những ngày mùa hè, nhìn thằng con đi tắm thị xót xa, thị nhìn thấy được cả xương sườn của nó, qua lần quần mỏng hai ống chân của nó như hai ống sậy run run. Đau đớn thể xác cộng với tù túng tinh thần khiến con trai thị khổ sở hơn ai hết, thị không biết được hết những nỗi khổ sở của con thị, trong thị chỉ có nỗi đau của người mẹ, của một người mẹ khốn khổ khốn nạn. Nhưng mỗi lần con thị đau đớn thị không xót bằng những lúc nhìn thấy ánh mắt của con thị nhìn ra ngoài đường, lúc thằng bé ngoái đầu ra cửa sổ nhìn ngó bầu trời rồi lại quay đầu vào trong thở dài.Thị chua xót nghĩ, thị lắc đầu ngồi xuống ngắm nhìn con thị, sao lúc đó thị nghĩ quẩn thế? Con thị nằm đây cũng được, nó sống thực vật cũng được, miễn là thị còn nhìn thấy. Thị biết rằng không chỉ lúc này mà cả đời này thị vẫn sợ cái mùi lành lạnh của căn phòng này, vì nó trắng quá, mà nó lát đá cả những chỗ đặt can dịch. Căn phòng không có màu gì khác ngoài màu trắng, nền gạch trắng, áo bác sĩ trắng, máy lọc màu trắng, và những con người nằm kia mặc áo bệnh nhân bạc màu cũng đang bàng bạc, cũng đang thoi thóp chờ đợi điều kì diệu chẳng bao giờ đến. Trong căn phòng đó chỉ có màu đỏ duy nhất của những dây truyền máu, những sợi truyền sự sống ấy cũng thoi thóp thở như nhịp đập của những con tim yếu ớt nhưng khát sống kia.Thế là hết, hết thật rồi, thị chẳng còn trông mong điều gì nữa. Thị cuống lên cũng chẳng được gì, thị lo lắng cũng vô ích, nhưng thị chẳng còn biết phải làm gì nữa. Thị chỉ còn biết đờ đẫn nhìn đứa con đang nói ú ớ những câu vô nghĩa, thị chỉ còn nghe thấy lao xao tiếng gì đó như là xuất huyết não…Đêm lạnh như cắt, nhưng hình như thị không thấy lạnh, thị không thấy gì hết, không nghe ai nói, chỉ có mình thị với con trai thôi, chỉ có mình thị với kí ức, với Chúa. Phải rồi, con trai thị đang về với Chúa, lánh xa mọi đau đớn của cuộc đời này, nó sẽ không phải sống cuộc sống tạm bợ này nữa, nó sẽ không phải nhìn cuộc sống sôi động của người khác mà thèm khát, mà ước ao rồi thở dài tuyệt vọng. Thị cầu cho con thị được về với Chúa, được về cõi thiên đàng, được đền đáp cho những thiệt thòi nó phải gánh chịu, cầu mong cho linh hồn nó không phải lang thang, buồn tủi như những ngày tại thế.Hà Nội, 24 tháng 12 năm 2009Vĩnh biệt một kiếp người