Chị chưa bao giờ nghĩ căn bệnh này có thể tàn phá được anh, có thể lấy đi của anh sức trẻ trung. 5 năm qua anh sống chung với nó như không hề có nó tồn tại, không hề có một dấu hiệu nào của bệnh tật hay đau yếu. Và chị đã tin, thực sự tin bệnh tật chỉ có thể hành hạ người khác, còn với anh thì không. Ông trời thương anh, đã cho anh một sức đề kháng mãnh liệt chống lại nó. Nhưng giờ đây chị biết mình đã nhầm. Căn bệnh bắt đầu gậm nhấm anh từ những vết nứt và bong da ở chân, từ việc giảm đi nhu cầu gần gũi vợ chồng. Theo các bác sĩ, những người mắc bệnh như anh sẽ giảm đi 25-75% khả năng làm chồng, làm cha. Anh là một người đàn ông đã có tuổi. Ngoài 60, đâu còn trẻ nữa. Chị thoáng nghĩ đến một ngày nào đó chị sẽ phải xa anh mãi mãi. Xa anh mà chưa kịp sinh cho anh một đứa con như hai người thầm nói với nhau trong mỗi lần ân ái. Đứa con của anh. Chị cần có nó. Nó là minh chứng, là hiện hữu cho tình yêu của chị. Nó sẽ thông minh như anh, xinh đẹp và hiền dịu như chị. Một đứa trẻ được sinh ra từ tình yêu và niềm khao khát. Đứa trẻ mà chị đã có thể có, nếu như…Chị không phải là vợ anh. Chị là một người đàn bà đến với anh bằng tất cả sự ngưỡng mộ và tình yêu. Một thứ tình nếu nhìn từ ngoài vào có vẻ phi lý và không có thực. Có lần chị kể cho mẹ chị nghe câu chuyện về một cô học trò lấy thầy giáo hơn mình 30 tuổi. Nghe chuyện mẹ chị nói: “chắc là vì tiền”. Bà sẽ nghĩ sao nếu cô học trò đó là con gái bà? Bà có nghĩ con gái bà vì tiền? Chắc bà không thể tin được điều đó. Bà có bao giờ để cho nó thiếu thốn bất cứ cái gì đâu? Cần quần áo đẹp, có quần áo đẹp, cần tiền tiêu, có tiền tiêu. Chẳng lẽ là tình yêu? Con gái bà vốn rất mơ mộng và lãng mạn. Nhiều lúc bà thấy nó không thực. Nó như một nhân vật vừa bước ra từ những cuốn tiểu thuyết từ thế kỷ 19. Thế giới của nó là những trang sách. Nhiều lần bà đã phải nói con cần thực tế hơn, cần quan tâm tới bản thân con, cuộc sống thực của con chứ không phải cuộc sống trong mộng. Hiểu con gái mình, nhưng bà có tin rằng chị yêu? Bà sẽ đón nhận câu chuyện chị kể thế nào nếu con gái bà là nhân vật chính?Nhiều lúc chị tự hỏi, tại sao mình lại chạy đến với anh, lại lao vào anh như một con nghiện đang lên cơn chạy theo mồi thuốc? Số phận chăng? Số phận đã cho chị gặp và yêu anh dù chị kém con út của anh tới hai tuổi. Lần đầu tiên gặp nhau, anh kể cho chị nghe câu chuyện về một nhà thơ, bà đã đương đầu với tất cả dư luận để yêu và sinh cho mình một đứa con. Khi đứa bé ra đời, chính những người phản đối bà đã yêu thương và che chở, đã cùng bà chăm lo cho đứa trẻ. Và anh kể câu chuyện về cuộc đời anh. Cuộc đời của một người đàn ông mà chị chỉ biết những ánh hào quang xung quanh. Những ánh hào quang được tạo nên bởi dư luận của số đông ngưỡng mộ, yêu mến anh. Trong đó có chị. Trong cuốn sổ tay chị, chị chép đặc những bản nhạc anh sáng tác. Những bản nhạc viết về tình yêu “bao giờ cũng buồn” như rất nhiều người yêu nhạc anh nhận xét. Người đàn ông của công chúng đã bày tỏ với chị nỗi đau trong lòng mình. Bày tỏ sự cô đơn, trống trải. Nỗi đau của người đàn ông được cả xã hội cúi nhìn nhưng trong cuộc đời riêng, trong sâu thẳm chứa chất nỗi buồn của kẻ có ba đứa con mà chẳng đứa nào là của mình. Bỗng chốc chị thấy mình như một cô tiên, đến bên anh, ban phước lành cho anh. Ông trời đã cố tình sắp đặt, đã chọn chị là người mang lại cho anh một chút niềm vui, một chút hạnh phúc giản dị nhất mà bất cứ người đàn ông nào cũng có thể có được và chị coi việc sinh cho anh một đứa con là sứ mệnh thiêng liêng nhất trong cuộc đời chị.Chị có thai. Thoáng chút lo lắng khi nghĩ tới gia đình, khi nghĩ tới nghĩa vụ của một người con. Không chồng mà chửa. Ba mẹ chị sẽ gánh chịu dư luận này thế nào đây? Nhưng ba mẹ chị sẽ không thể biết gì về đứa bé. Chị đã chuẩn bị rất kỹ cho nó trào đời. Một chuyến đi công tác dài ngày, bắt đầu từ khi chị không thể nào giấu mọi người là mình có thai. Một chuyến đi công tác miền Nam, đến tỉnh cuối cùng của tổ quốc. Và tết - khi đứa bé đã ra đời được hơn hai tháng. Nếu đúng như chị tính toán thì sẽ là 2 tháng 17 ngày chị sẽ về. Xa nhà tám tháng, đó cũng là việc bình thường thôi. Các bạn chị vẫn thường đi công tác một năm mới về một lần. Tất nhiên chúng nó không có đủ tiền để đi máy bay. Đi ôtô cũng mất 2 tháng lương và 7 ngày. Còn chị? Bố mẹ chị sẵn sàng bay vào thăm con hay gửi vé cho chị về. Cả điều ấy chị cũng đã nghĩ đến. Chị sẽ nói là công việc quá bận không thể về được. Chị sẽ thay số điện thoại và chủ động gọi về nhà mỗi tuần hai lần để ba mẹ có cảm giác lúc nào cũng có chị bên cạnh. Nếu ông bà muốn vào thăm chị, chị sẽ từ chối bằng những chuyến đi công tác. Họ sẽ tin. Từ xưa đến nay, chị luôn là đứa con gái được ba mẹ tin tưởng. Không ai nghĩ chị có thể nói dối. Nhất là với một việc “tày đình” như thế.Một người bạn của anh sẽ thay anh chăm lo cho chị khi chị bụng mang dạ chửa.Theo chẩn đoán ban đầu của bác sĩ, đứa bé có cùng ngày sinh với chị. Chị tin đó là một cậu bé. Niềm tin càng được khẳng định vững vàng hơn khi chị xem trong quyển sách “Bí quyết sinh con theo ý muốn” thì đứa bé sẽ là con trai. Con trai.Khuôn mặt anh rạng rỡ và trẻ ra đến 5 tuổi khi nghe tin ấy. Trong thoáng chốc, chị không còn nhìn thấy nếp nhăn trên đó. Đứng trước chị là một người đàn ông 30 tuổi lần đầu được làm cha. “Hai mẹ con” Anh âu yếm gọi chị và hài nhi nhỏ nhắn trong bụng chị bằng ba từ âu yếm ấy. “Hai mẹ con. Anh trông từng ngày, từng giờ mong được nhìn thấy đứa trẻ.Chị đi lại trong căn phòng nhỏ đến hơn 100 lần. Có chuyện gì nhỉ? Tại sao mẹ chị lại gọi chị về ngay. “Mẹ cần con giải thích cho những lời đồn về con”. Những lời đồn ấy có phải vì đứa bé không? Nếu người ta đồn đại về con, mẹ sẽ phải làm gì bây giờ? Bố con nói với mẹ: “Em phải hy sinh, em hãy nghĩ đến gia đình. Chuyện của chúng ta cứ để vài ba năm nữa, khi em đã có tuổi, khi mọi người chỉ muốn em có một đứa con cho “xong chuyện” thì chúng ta sinh con cũng chưa muộn. Bố em bị bệnh tim, liệu ông có thể vượt qua cú sốc khi biết con mình có thai hay không? Em hãy nghĩ cho thật kỹ. Em biết hơn ai hết là anh mong có con đến thế nào. Nhưng thôi, nếu chuyện vỡ lở mình đành lòng vậy”.Chị phủ định mọi lời đồn đại về đứa bé, về anh khi nghe mẹ hỏi. Chuyến đi công tác dài ngày được huỷ bỏ, thay vào đó là một tháng nghỉ phép về sống cùng gia đình. Sự hiện diện của chị ở nhà như lời cải chính cho tin đồn đại kia là hoàn toàn giả dối.Chị đi dọc theo triền đê và thơ thẩn nghĩ về số phận. Có số phận không nhỉ? Chị bây giờ đã ngoài 30, đã ở cái tuổi “chẳng ai thèm để ý nữa”, đã đến lúc “chúng ta có thể có con mà không sợ dư luận” như anh nói thì anh lại không thể cho chị những đứa con. Số phận buộc chị và anh phải là những người cô đơn với khao khát không bao giờ đạt tới? Cuộc đời chỉ như một trò đùa với những người hết lòng vì tình yêu. Chị và anh như ngọn đèn đã cháy hết dầu chỉ còn lại cái bấc khô. Biết trách ai bây giờ? Trách kẻ đã tung ra tin đồn hay trách mình hèn nhát sợ những lời đồn? Dư luận chẳng là ai, chẳng là gì cụ thể mà có thể huỷ hoại cuộc sống của con người. Dư luận là một đám nâng người ta lên đến đỉnh cao của danh vọng khi người ta đạt được một chút thành tích nào đó trong xã hội. Và cũng chính dư luận kéo người ta từ cõi bồng lai tiên cảnh về địa ngục, giết chết đi những mong mỏi hạnh phúc thật sự của con người.Năm trăm năm trước đây, nơi chị đứng là một bến cảng đã tạo nên một khu phố sầm uất nức tiếng “thứ nhì phố Hiến” mà giờ đây nó chỉ còn là một dòng sông nhỏ. Thỉnh thoảng vào mùa mưa bão, người ta mới có thể đặt vó bè hoặc thả những con thuyền nhỏ đánh cá. Năm trăm năm sau dòng sông này sẽ đổ về đâu? Sông Hồng có một lần nữa đổi ngọn? Nhưng dù lớn hay nhỏ, dù mênh mông tấp nập hay lặng vắng thì mọi con sông đều hòa mình vào biển cả. Ở phía biển cả mênh mông, chị nghe tiếng con chị đang gọi. Cậu bé đang rất nhớ mẹ. Đang thèm được mẹ bế ẵm. Phía đó - phía những giấc mơ chị thấy mình hạnh phúc.