Ba Rái đã bước vào tuổi trung niên, mái tóc đã có những sợi bạc. Thời gian đã đi rất mau qua sự chuyển đổi màu tóc mà nhiều khi con người ta không nhận ra cho đến khi vô tình đứng trước tấm gương nhìn thấy những sợi tóc ấy, nó làm vướng mắt và đưa tay nhổ. Ba Rái chỉ còn lại cánh tay phải, cánh tay trái chỉ còn một nửa, đến khuỹu thôi, nửa cánh tay còn lại đã được bác sĩ cắt bỏ khi anh bị mảnh đạn pháo của địch găm trúng xương vào chính buổi trưa ngày 30 – 4 – 1975 lúc Ba Rái theo một cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
Chỉ còn một cánh tay, là thương binh. Nhưng dạo ấy Ba Rái là một chàng trai, rất khỏe, với cánh tay còn lại anh có thể làm bất cứ việc gì mà một thanh niên còn nguyên vẹn hai tay chưa chắc đã theo kịp. Ba Rái đập lúa, giựt dừa, chèo ghe, cầm cày…chỉ với một cánh tay và bốn mùa vận độc nhất bộ quần áo màu cỏ bộ đội bạc thếch, sờn vai, rách gối. Ở xã biển này hồi đó bộ đội giải ngũ về làng nhiều lắm, nhưng trụ lại chẳng bao nhiêu, phần lớn đi ngược trên lên những vùng quê khác sinh sống. Riêng Ba Rái được xã cấp năm công vườn, năm công ruộng từ quỹ đất tịch thu của địa chủ bỏ đi vượt biên. Anh dễ dàng lấy vợ, một cô gái xinh đẹp con nhà khá giả trong xã tên Hai Nỉ. Vợ chồng cất nhà trên mảnh vườn được sở hữu, lần lượt sinh hai đứa con, một trai, một gái hiện chúng đã vào cấp hai. Gia đình Ba Rái tuy không giàu có, nhưng với khoản lương hưu cán bộ, chế độ thương binh và năm công vườn, năm công ruộng cũng có thể gọi là một gia đình có kinh tế ổn định, bậc trung so với phần đông những hộ nghèo khác.
Sáng nay, như thường lệ, Ba Rái cũng vận bộ đồ màu cỏ bạc thếch, tay cầm chỉa đi rảo qua những bờ vườn để chĩa những trái dừa khô, dừa chuột khoét rụng từ dưới mương lên, gom thành đống. Dừa khô thì bán ngay, vì dừa đang được giá, còn dừa chuột khoét bỏ phơi trự nhiên, chỉ một vài nắng Ba Rái dùng rựa bổ ra từng mảnh cho vợ làm củi chụm. Trong các thứ củi ở vườn, củi dừa chuột khóet cho lửa than rất tốt, nóng dai, không chỉ nấu cơm, đun nước mà nướng cá, nướng khô cũng rất nhanh, ít khói. Đã qua rồi thời trai trẻ, nên chỉ đi rảo được ba bờ vườn Ba Rái đã thấm mệt, đứng lại thở, kẹp nách cây chỉa bên cánh tay cụt, tay còn lại Ba Rái móc túi áo lấy gói thuốc rê quấn một điếu to, bật cái quẹt lạch xạch đốt thuốc và rít khói. Vừa nhả ra những ngụm khói khét lẹt, Ba Rái vừa nhìn những bông dừa theo gió sớm rụng xuống lộp bộp quanh đám cỏ đã mọc chen lên những vết nứt đường chân chim của thảm bùn non bồi vườn cách đây chưa đầy tháng vào tầm con nước kiệt. Những bông dừa tỏa mùi thơm nhẹ, tan loãng vào mùi bùn đất, xương lá mục dậy lên từ chỗ đứng của Ba Rái trong buổi sớm mai.
Không hiểu sao, bỗng dưng Ba Rái lại thở dài. Bên kia ranh vườn nhà Chín Ơn đã mở cửa, có tiếng tằng hắng quen thuộc của Chín Ơn chứng tỏ ông bạn hàng xóm bị vợ bỏ, thui thủi trong căn nhà giữa vườn đã nấu nước pha trà uống cử sớm. Ba Rái cắp chỉa theo bờ ranh, đi về hướng nhà Chín Oûn. Bởi vì, nếu không thấy Ba Rái qua uống trà với mình, chút nữa thế nào Chín Ơn cũng lớn giọng gọi í ới, đây là một cái lệ bất thành văn.
Chín Ơn người cao lòng lòng, đầu bạc trắng, lớn hơn Ba Rái vài tuổi đã ở một mình, cu ky với mảnh vườn mua lại trên đất Sáu Nhật, từ trước khi Sáu Nhật vượt biên.Và tất nhiên trước khi Ba Rái về đây cất nhà. Nhưng từ khi hai nhà ở sát ranh đất, Ba Rái và Chín Ơn thân thiết nhau lạ lùng, còn hơn anh em ruột. Uống trà cũng hai người, nhậu cũng hai người, rủ rỉ tâm sự đầu hôm sớm mai, chiều mưa trưa nắng cũng chỉ hai người. Chín Ơn có cô vợ rất trẻ, cưới sau giải phóng một thời gian, bỗng một ngày đẹp trời khi Chín Ơn từ ruộng về thấy nhà trống hoác, cô vợ đã bỏ theo một anh ghe cào vượt biên. Không con nên Chín Ơn ở một mình trong căn nhà vắng với con chó cò đã quen hơi Ba Rái như quen hơi chủ. Trước đây Chín Ơn có ngón đàn kìm tuyệt kỹ, nghe Chín Oûn rao đàn kìm và chơi một lúc sáu câu vọng cổ gọi là đàn “ độc chiếc” khi ngà ngà say con gái, đàn bà giá cũng…muốn bỏ nhà theo anh ta. Nhưng không hiểu sao với ngón đàn tuyệt kỹ này Chín Ơn lại không giữ được nổi cô vợ trẻ, để anh ghe cào chẳng tài cán gì, chỉ có thân hình vạm vỡ, da đen như bồ hóng quyến rũ dẫn đi mất. Từ đó ngón đàn của Chín Ơn như càng buồn hơn, thê thiết hơn, nghe như có nước mắt.
Ba Rái dựng cây chỉa sát mép cửa nhà Chín Ơn, quăng cái tàn thuốc như con sâu róm xuống rảnh nước trước nhà, bước vào. Chín Ơn như đã ngồi chờ sẵn, thấy Ba Rái ngồi xuống chiếc ghế đối diện liền rót ly trà nóng, bốc khói đẩy tới trước mặt, giọng hào hứng:
- Hôm nay đặc biệt, uống trà với khô đuối, mà là loại “ hắc cáy” nghe chú mày.
- Ở đâu ông có thứ đặc sản này thế?- Ba Rái nhón một sợi khô, nhấm nháp hỏi.
- Của thằng đệ tử học đàn nó cho.
Ở vùng này người ta không uống trà khơi khơi, mà uống trà có “ mồi”, là đường tán hoặc khô, mà khô đuối loại “ hắc cáy” thì quả là cự kỳ sang. Mới đầu về đây Ba Rái chưa quen uống trà theo gu kèm “mồi” mà lại là “mồi” khô. Nhưng khi gặp Chín Ơn, được cho uống trà với khô, Ba Rái cũng đâm ghiền vì uống trà với khô có hương vị rất đậm đà, khó diễn tả.
- Nghe nói xã đã có chủ trương xây nhà tình thương cho dì Bảy?- Chín Ơn hỏi với vẻ quan tâm.
- Ờ…thì…hôm nay xã mời tôi ra bàn chuyện đó đây. Chắc vụ cái nền.
- Nền thì khó gì, năm công vườn của ông đó, bờ mương nào mà không làm nền cất nhà cho mẹ ông được?
Ba Rái lúng túng, thở dài:
- Đúng là như thế, nhưng phải chi tôi quyết định được chuyện này thì đâu còn gì để phải bàn tới bàn lui.
- Đất nhà nước cấp cho ông, dì Bảy là mẹ ông, nay ở nhờ nhà người này, mai ở nhờ nhà người kia, sống lang thang cả xã này ai cũng biết, cũng kêu rêu. Ông không quyết định được chứ ai?
Chín Ơn chợt khựng lại trước cái giọng chất vấn hơi gay gắt của mình. Đúng là một câu hỏi khó cho Ba Rái vì hàng xóm quanh đây ai cũng biết dì Bảy Tố đã từng ở chung với vợ chồng Ba Rái nhưng Hai Nỉ, vợ Ba Rái đã xem mẹ chồng không ra gì, cảnh cơm không lành canh không ngọt giữa nàng dâu với mẹ chồng xảy ra như cơm bữa từng là đề tài đàm tếu cho cả xóm. Bị con dâu đối đãi như người ăn, kẻ ở mà con trai không dám can thiệp, dì Bảy Tố đã xách cái túi đệm đựng mấy bộ quần áo bỏ đi. Ba Rái có mấy người em, trai gái đủ cả, có người làm ăn xa giàu có, người có chồng ở xã kề bên nhưng không ai nuôi được mẹ. Bây giờ đến lượt Chín Ơn thở dài.
Ở xã về, bên cánh tay cụt Ba Rái cắp chai rượu đế, tay còn lại cầm một xâu khô hố. Vợ và đứa con gái kế không thấy đâu, chỉ có đứa con trai lớn là thằng Đức đang ngồi học bài. Ba Rái lên giọng ra lệnh:
- Đức, đốt dừa chuột khoét nướng mấy con khô cho cha.
- Ông tự nướng đi, tui mắc học bài không thấy sao?- Đức gân cổ nói.
- Mẹ mày và con Hạnh đâu?
- Ngoài chợ.
- Sao chưa về nấu cơm, bếp núc lạnh tanh vậy?
- Chà, bữa nay có chuyện gì mà ông nhậu một mình vậy?- Đức ngạc nhiên hỏi.
- Ừ, tao buồn, tao nhậu một mình.
Ba Rái lui cui bật quẹt nhóm lửa, nướng khô. Hì hụi thổi lửa vã mồ hôi, quạt than một lúc mấy con khô chín. Ba Rái rót rượu uống tì tì mấy ly, khi đã ngà say Ba Rái nhướn nhướn cặp mắt đỏ ngầu, lờ đờ nhìn Hai Nỉ và đứa con gái bước vào. Thấy Ba Rái say, Hai Nỉ tru tréo:
- Chà, cha của tụi bây bữa nay ngon, dám…lên đời, ngồi nhậu thảnh thơi trong khi vợ con đầu tắt mặt tối ngoài chợ. Ông nhậu được sao không nấu cơm được?
- Tôi chờ bà về nói chuyện- Giọng Ba Rái lè nhè.
- Chuyện gì?
- Chuyện cái nền cất nhà cho bà già.
Hai Nỉ nhảy dựng lên, the thé:
- Không có nền nhà, nền miễu gì cả. Tôi không đồng ý. Đất của tôi, vườn của tôi, không có xã, huyện gì can thiệp được hết. Tôi với mẹ ông không hợp thì không thể ở chung được.
- Không ở chung, nhà ai nấy ở. Bà già cất nhà ngoài bờ ranh, gần với nhà Chín Ơn.
- Tôi nói không, bà già về đây mẹ con tôi bỏ nhà đi, cho ông ở với mẹ ông, tha hồ làm mưa làm gió cái xóm này.
- Bà không thấy cả xóm này, cả xã này người ta kêu rêu bà là con dâu độc ác, chửi tôi là…cán bộ mà bỏ mẹ sống lang thang à? Tôi hết chịu nổi rồi, thà chết quách đi cho xong chuyện.
Hai Nỉ vừa khóc vừa tru tréo, giọng rít lên từng hồi:
- Ừ, ông muốn chết mẹ con tôi sẽ cho ông chết theo nguyện vọng chứ đừng đem cái chết ra hù dọa, áp lực mẹ con tôi nhé?
Thế là cuộc hỗn chiến xảy ra. Tiếng đập vỡ đồ đạc trong nhà, tiếng la hét nhừa nhựa của Ba Rái, tiếng tru tréo chửi rủa hổn láo của Hai Nỉ. Tiếng đánh nhau thình thịch (mà Hai Nỉ đánh Ba Rái nhiều hơn). Tiếng anh em thằng Đức góp phần làm cho sự việc thêm nhốn nháo, căng thẳng thêm, nhưng chẳng biết chúng nó bênh cha hay hùa theo mẹ. Mãi một lúc sau cái âm thanh nhốn nháo hoảng loạn từ nhà Ba Rái mới lụi dần. Chín Oûn ngồi bên nhà mình suy đoán, rồi buông miệng thở dài.
Bất chợt cơn mưa đổ ập xuống, cơn mưa chỉ báo trước bằng một trận gió thổi thốc qua vườn dừa, mang theo hơi lạnh và tiếng sấm động trong bầu trời. Chín Ơn ngồi trên bộ ván nhìn ra mưa, những giọt mưa trắng nhợt nhạt đan kín ngọn dừa, buông xuống khoảng không nhờ nhờ. Chín Ơn với tay lấy cây đàn kìm treo trên đầu cột, vặn trục lên dây nghe k…ẹ…t k…ẹ…t. Cứ hễ trời mưa hoặc những đêm trăng sáng trong vườn dừa là Chín Ơn với lấy cây đàn, lên dây và chìm đắm trong ngón đàn sầu não, réo rắt đầy tâm trạng của một người sống cô độc. Những lúc ấy Chín Ơn nhớ cô vợ trẻ đã bỏ đi. Phải chi trời đừng có những cơn mưa bất chợt và không có những đêm trăng sáng.
Xen lẫn trong mưa là tiếng bìm bịp kêu. Con bìm bịp này lẻ bạn nên cứ kêu một mình vang con rạch xẻo lá, tiếng kêu bồi hồi, đổ nhịp và buồn rười rượi lúc nước lên. Chín Ơn sực nhớ tới những cái rập cua, vội buông cây đàn, quàng cái giỏ đựng cua lên vai rồi tất tả dầm mưa đi về hướng rạch. Ngoài ngón đàn kìm tuyệt kỹ, Chín Ơn còn có tài rập cua, dọc con rạch xẻo lá Chín Ơn thường đặt rập cua mỗi tháng theo hai con nước. Và khi nước bắt đầu lớn, từ sông cái đổ vào rạch là giờ cua đánh hơi mồi bò vào rập. Mỗi con nước Chín Ơn bắt được hơn chục ký cua, mang ra chợ bán, trừ vài con để lại cùng nhậu với Ba Rái.
Nhưng chiều nay khi vừa bước tới bờ rạch, chỗ bến gánh nước có cây cầu dừa bắc qua xẻo lá, Chín Ơn sững người súyt kêu lên vì chợt nhận ra Ba Rái đang lóp ngóp dưới rạch trong tư thế bị trói cả tay chân, nước đã dâng lên tới mặt, Ba Rái cố ngửng mặt lên, miệng thở phì phì như hụt hơi. Chỉ một chút nữa thôi, con nước lớn đầy Ba Rái sẽ bị chết chìm. Chín Ơn vội quăng cái giỏ, nhảy xuống nước kéo Ba Rái lên.
Ba Rái nằm dài trên bờ rạch, hơi thở dồn dập, mặt mũi tái xanh như người sắp chết. Một lúc sau Ba rái cố gượng, giải thích:
- Hai Nỉ lệnh cho hai đứa nhỏ…trói tôi quăng xuống rạch. May…ông ra kịp.
Dì Bảy Tố tóc bạc trắng, bước đi chậm chạp vì với cái tuổi trên 80 có muốn dì cũng không thể đi nhanh được. Ngang qua nhà Chín Ơn, dì dừng lại, ngước cặp mắt đã không còn nhìn rõ người đối điện, mệt nhọc hỏi:
- Chú Chín vớt thằng Rái dưới rạch lên phải không?
Chín Ơn ngập ngừng:
- Dạ, con đi giở rập cua, phát hiện Ba Rái bị trói, ngồi thoi thóp dưới rạch…
- Nó sao rồi?
- Con vớt lên kịp, giờ đang ở bên nhà.
- Cái thằng…quá ngu. Số nó không chết trong chiến tranh, chắc chết vì vợ, mà bị trói dìm dưới rạch cho chết chìm thì tức thật.
Nói xong dì Bảy Tố quay lưng đi thẳng về hướng nhà Ba Rái. Ít phút sau giọng bà cụ gay gắt cất lên: Con Hai Nỉ mày giỏi ra đây trói bà già này dìm xuống rạch nè, trói chồng mày làm gì. Nó cụt tay, tật nguyền, là thương binh, nó không hy sinh ngoài chiến trường thì thôi, sao lại có thể chết vì con đàn bà ác độc như mày chứ?
Giọng Hai Nỉ cũng gay gắt không kém:
- Bà thương con lắm hả? May mà nó chưa tới số nên có người cứu. Bà về đi, không ai hơi sức đâu nói chuyện với bà.
- Mày là con quỷ cái…thằng Ba Rái có mệnh hệ nào thì mày cũng ở tù rụt xương nghe con…
Nói tới đó dì bảy Tố chợt khụyu xuống. Chín Ơn thấy vậy vội chạy sang đỡ bà cụ tội nghiệp lên, hai tay bế chạy riết về nhà. Khi mấy bà hàng xóm chạy sang xoa dầu, đốt lửa lên hơ ấm hai bàn chân dì Bảy cho dì dần dần hồi tỉnh thì Chín Ơn không dằn được cơn tức giận đi vội qua nhà Ba Rái định làm dữ với Hai Nỉ một trận. Nhưng mới bước vào sân Chín Ơn chợt nghe tiếng bìm bịp kêu, tiếng kêu của con bìm bịp lẻ bạn lại vang lên trong chiều nước lớn nghe khắc khỏai, bồi hồi thì lòng Chín Ơn chùng xuống, bước chân khựng lại…


Xem Tiếp: ----