1. Học cùng lớp nhưng ở hai trường khác nhau, gặp nhau trong một tổ chức đoàn thể, người ta nhìn vào thấy hai thằng có những dáng vẻ, tính cách trái ngược. Một thằng to cao, một thằng ốm, bé. Một thằng miệng ”tía lia”, hay nói, “phun cả bọt mép”, một thằng ít nói, thích viết lách; một thằng thích đàn, một thằng cầm đàn thì chỉ ”tửng, từng, tưng” nhưng hay góp ý, phê bình (mà cũng chí lý…) lại hay chơi, đi chung với nhau….Có những lúc hắn làm “chim xanh” gửi “giai điệu tình yêu” non tơ bạn hắn viết mà không dám gửi. Bề ngoài, nghĩ hắn chắc chưa có cô gái nào lọt vào mắt, hoặc hắn chưa biết gì về tình cảm gái trai nhưng lứa tuổi ươm hoa…sao lại không có! Rồi khi học thi Tú Tài, bước ngoặc cuộc đời của mỗi học sinh nam cuối bậc trung học, sẽ ngồi trên giảng đường Đại học, đi Sỹ quan Võ Bị quốc gia, Sỹ quan Thủ Đức hay Đồng Đế, QuangTrung! Bạn hắn thường xuyên ở nhà hắn để học, thậm chí cả ăn uống. Hai đứa học luyện thi ở 2 trường khác nhau…vậy mà, khi đi thi - một thằng đậu, một thằng rớt. Hắn học không phải loại kém, bạn hắn chẳng giỏi giang hơn. Có phải chăng ”học tài, thi phận”?!.Hắn ”rớt tú tài” phải” đi trung sỹ..” Hắn phải vào Lính. Bạn hắn vì hoàn cảnh gia đình, lứa tuổi nên đi làm anh giáo làng; theo Cách Mạng “làm khổ thể giới.”Trong một đất nước chia đôi, sống, lớn lên ở Miền Nam, hai đứa đi vào đời theo 2 con đường khác nhau, đối nghịch nhau nhưng có lẽ có cùng một tâm dân tộc nên lại luôn về một con đường! Hắn học ra trường đi làm lính sư đoàn. Ngành Tổng quản trị. Đóng xa lắc xa lơ. Những chiến trường ác liệt - Bình Định, Quãng Ngãi, Pleiku đã có dấu chân hắn. Một thằng đi dạy học ở một xã trong tỉnh. Xa nhà mà gần nhà. Hai đứa vẫn thư từ liên lạc. Hắn nói về cuộc sống đời lính, đôi chút về chiến trường, về chiến tranh. An bài theo số phận. Luôn tranh thủ những ngày phép để chạy về thăm nhà, thăm thằng bạn làm giáo làng ở miền quê. Hai con đường đi đối đầu nhau dù sống trong một chế độ nhưng luôn là bạn thân, không có gì mâu thuẫn trong nhận thức, quan điểm, cuộc sống. Trong xã hội Miền Nam, đó là chuyện bình thường. Với tuổi 18, 20 đi vào cuộc đời hắn va chạm nhiều hơn giữa cái sống, cái chết. Một thằng hàng ngày đi dạy học, ngoài dạy kiến thức lại “kèm thêm” cả lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam chống ngoạI xâm, khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh qua những ca khúc ở những trường dạy thêm, qua những sinh hoạt đoàn thể. Cả hai đều có tình cảm yêu nước. Cùng hát những ca khúc tuổi trẻ đấu tranh, những ca khúc “tiền chiến”, “phản chiến” rồi nghêu ngao đôi câu nhạc của bạn hắn…Cuộc sống nội tâm, suy nghĩ về thân phận, quê hương, đất nước chỉ có thể trang trải qua những lá thư, lúc nhớ về nhà, nhớ về những ngày tháng nhiều mộng mơ…gửi cho nhau những tâm sự dù không nói hết. Có những nổi buồn chỉ mình mình biết, giữ trong lòng…Những ước mơ trôi theo số phận và đời lính chiến nổi trôi. Hôm nay sống biết rằng mình còn tồn tại. Cả thế hệ thanh niên của một dân tộc tự hào về lịch sử kiêu hùng chống ngoại xâm của dân tộc nay lại cầm súng bắn lẫn nhau. Nếu….Bao nhiêu cái “nếu”…Nghĩ đến rồi …mặc cho số phận.Sau khi trận chiến Ban mê thuột diễn ra, rồi “di tản chiến thuật”; rồi hết tình này đến tỉnh kia rơi vào tay “quân giải phóng”…Hắn chạy nhanh thật! Chân dài có khác! Khi Đà Lạt “giải phòng” hắn đã có mặt. Gặp lại nhau! Một thằng là VC, một thằng là lính Cộng hòa! Vẫn là hai thằng bạn như từ trước. Cũng vẫn gặp nhau nhưng không còn nhiều thời gian để ngồi quán cá phê như ngày xưa đi học. Mỗi đứa theo mỗi công việc của dòng đời qua cơn bão táp chưa yên ả. Một đứa đi vào guồng máy của “chế độ mới”; một đứa mang danh “lính ngụy”, phải tự bơi trong dòng sống cuộc đời chảy như những con mương chẵng có quy luật gì cả; tự bon chen thích nghi mà sống nhưng vẫn giữ chút ”kẻ sỹ”, làm những công việc phải “vận dụng” cái đầu không mong được xếp vào “đội ngũ trí thức!” Số phận cuộc đời đâu biết ai “tốt số” hơn ai!? Hắn cứ dung dị đi vào cuộc sống xã hội mới với nhiều suy tư phải “tự cứu” chính mình trong xã hội nhiều phân biệt (!). Tuổi đời còn rất trẻ nhưng sống trong không khí nhiều xao động của xã hội mới với “lao động là vinh quang..”, ai cũng phải lao vào cuộc sống vì miếng cơm, manh áo. Cái học thức, có cũng phải quên đi, bỏ đi. Cái thành phần chế độ đã không cần thì cần gì cái đầu biết tư duy, có nhận thức. Xã hội lúc đó ai cũng như vậy nhưng hắn bình tâm hơn. Tự biết mình. Chẵng có gì để bon chen trong guồng máy mới của xã hội, chỉ lo cho cuộc sống của chính mình thôi cũng vất vả. Một thằng ngày đêm lúc nào cũng lao vào công tác, “làm CM”, thực hiện “lý tưởng, ước mơ”(!), tuyên truyền, giáo dục ước mơ, lý tưởng cho tuổi trẻ nhưng còn lý tưởng, ước mơ của mình đâu …chẵng thấy! Mới hôm nào đất nước hòa bình, “độc lập, tự do”, nhiều ước mơ trải rộng trong bầu trời xanh thắm nhưng nụ cười chưa trọn trên môi thì đã có những áng mây đen, bụi mờ, những cơn rét lạnh kéo tới! Trong cuộc sống xã hội - Ai hơn ai? Giữa 2 thằng bạn thì đâu có gì để hơn thua. Thân phận có những khác nhau bởi con đường đi vào cuộc đời do duyên nghiệp của đất nước. Một đứa đi vào tương lai trong bầu trời không còn trong sáng(!). Một đứa sống theo chủ nghĩa ”hiện sinh”(!), bầu trời nào thì cũng vậy thôi, cứ cố gồng lên mà sống trong cuộc sống hiện tại của đất nước, quê hương…Tuổi trẻ, ước mơ! Nếu một xã hội lành mạnh, ai cũng có tấm lòng nước non, vì dân tộc, đất nước như trên lời nói thì đất nước này đâu phải trải qua những cơn đau. Đau cả dân tộc; đau mỗi con người; đau mỗi gia đình; đau cả lịch sử; đau cả tương lai! Hai thằng bạn, cả thế hệ và nhiều thế hệ xăm xăm bước tới hay lần đi những bước rụt rè bước vào xã hội mới “tươi đẹp” (!) nhưng cuộc sống, ước mơ của xã hội mới đã không dành cho rất nhiều con người dù tuổi đời chưa qua hoặc mới qua một chút tuổi đôi mươi, tuổi ” mùa xuân của dân tộc”, tương lai của nước nhà!?...2. Đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”; chưa ổn định, còn nhiều “tàn dư chiến tranh”, không chỉ riêng đời sống vật chất! CM (!) đến bây giờ vẫn còn ”CM”! Cụm từ này không còn lãng mạn như xưa, nội hàm hầu như vô nghĩa, chỉ là tiếng, là lời của những con sáo trong lồng mà chiếc lồng nào có đẹp gì lại thêm những mùi xú uế. Rồi, đến lúc cuộc đời mỗi đứa cần phải có sự “ổn định” vì không thể chờ đợi CM đem lại sự “ổn định” cho đất nước. Lần lượt trước sau mỗi đứa đều có gia đình riêng. Hai đứa cùng tuổi cưới vợ lại đều…”tuổi xung”, nhưng “xung” mà lại “hạp”. Có lẽ “hạp” là do “mạng số"! Có “tương khắc” thì cũng có “tương hạp” vấn đề là – hiểu, cảm thông và nhẫn! “Nhẫn” thì sẽ biết mình hơn. Tốt, xấu; sai, đúng…mỗi người ai chẳng có. “Nhẫn” để mà “nhịn”. “Nhịn” để mà “lành”; tự biết mình để “hóa giải” và “hòa hợp!” Gia đình mà không hòa, không hợp, không hóa giải được những xung khắc thì làm sao duy trì được cuộc sống gia đình. Căn bản cả hai đều là con người hữu đạo, có đời sống tâm linh, hòa hợp tâm hồn, tình cảm, tình yêu đối với nhau mới vượt lên những tương khắc. Và, tất cả phải vì một tuơng lai chung - “những tương lai nhỏ” của mình! Tương lai ở trong thì hiện tại chứ chẳng ai tin đâu vào cái tương lai viễn vông trong khi cuộc sống mỗi thân phận con người bình đẳng không thèm quan tâm, chăm sóc đến…Gia đình là gốc rễ của xã hội! Nhìn vào cuộc sống của biết bao gia đình có những con cái hư hỏng nguyên nhân từ đâu? Nam - Nữ bình đẳng, bình quyền nhưng chức phận gia đình, xã hội, giống loài đã có khác nhau, vai trò khác nhau có vậy mới duy trì, phát triển nòi giống, dòng tộc, xã hội. Sự bình đẳng, bình quyền là cần thiết, quyền cơ bản để có tư do, xây dựng hạnh phúc cho nhau. Mỗi người tự cho mình là “chủ tể” hoặc nô lệ của nhau hoặc coi nhau như chủ-tớ; quyền tối cao, bất khả xâm phạm; không “thuận vợ, thuận chồng…” thì làm sao “tát biển Đông”! Gia đình sẽ tự đổ vỡ; con cái hư hỏng; nhà, nước nát tan. Tất nhiên, trong cuộc sống gia đình không thể thiếu nền tảng đạo lý. Có đạo lý thì mới xây dựng cuộc sống gia đình “có đạo” chứ không phải” vô đạo”! Cái thời “đấu tố” xưa kia nghe thì đã rợn vậy mà…ngườì ta cũng có thể làm được! Một con người đã sống “vô đạo” với gia đình thì làm sao “có đạo” đối với xã hội, và ngược lại. “Tu thân, tề gia…” xưa kia là “đạo” của ngườì quân tử cũng là “đạo “của người trị nước nay có lẽ không cần!? Nếu người cai trị “vô đạo” thì xã hội sẽ ra sao? Nhìn quyền dân - có hay không - đối với người lãnh đạo đất nước ta hẳn thấy đất nước như thế nào; nhìn cuộc sống tha hóa, vong bản; vị kỷ, tư lợi, đi ngược lại “quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc” của những kẻ cai trị đất nước ta hẳn thấy cuộc sống nhân dân xã hội ra sao; nhìn từ cuộc sống gia đình ta có thể biết cuộc sống xã hội…(!). Xây dựng xã hội từ cuộc sống mỗi gia đình! Dù chật vật với cuộc sống, bằng đồng tiền mồ hôi, cả hai đứa bây giờ dù sao cũng có những niềm vui! Giàu có thì không, còn nhiều thiếu thốn nhưng “những tương lai nhỏ” cũng đã nở thành những đóa hoa đời! - Đó là của cải vô giá! Sống có đạo lý, sống có nhân nghĩa, sống có “đạo nhân”, sống hữu ích… “đóa hoa đời “sẽ không bao giờ tàn! Cha, Mẹ nào chẳng lo cho tương lai con cái! Chăm lo cho “tương lai con cái” chính là chăm lo cho xã hộ! Những người lãnh đạo xã hội hình như cố tình không muốn ý thức về điều này nên có thời đã dùng “chính sách”(?!) để cản ngăn, có thời dùng cơ chế đồng tiền để vấy bẩn. Cuộc sống của cả hai đứa – và chắc không phải riêng - dù chưa trọn vẹn, có nhiều nổi buồn, cay đắng và những nổi lo vì cái tầm nhìn của không ít con người nắm quyền bính xã hội thiếu cái tầm và cái tâm dân tộc, đất nước ; thiếu lòng nhân ái, vị tha; cục bộ, vị kỷ, tư lợi, dốt nát; thiếu ý thức đối với những việc nhỏ nhưng cao cả ấy đã đối xử không tốt, không đúng thậm chí trái với đạo lý con nguời chứ chưa nói quyền của người công dân trong xã hội. Nhưng, luật đời “vay trả, trả vay”! “Nhân quả” nhãn tiền, những bài học xưa, nay chắc không ai không thấy…Khổ là khổ cho xã hội, “cho đời ở lại” thôi!Hai thằng bạn chỉ là những cá thể trong xã hội. Con người ta sống với nhau cũng phải từ cái tâm, cái tình; là giống “hữu tình” chứ đâu phải cái giống ”vô tình”. Vợ chồng có nhau là duyên phận; hai thằng bạn có nhau cũng là…“duyên!” Cõi đời này đều là “Nhân-Duyên” kết hợp cả! Đủ duyên nhân sẽ nẩy mầm, phát triển nhưng mà hãy luôn chăm sóc, vun trồng, nhổ đi những loài cỏ dại, hại đất, hại những cây đời để cho cuộc đời này luôn đẹp và “mãi mãi xanh tươi”!…. © 2009 Đàn Chim Việt Online