Ông bà nội tôi chỉ có 1 người con trai duy nhất là bố tôi. Bố mẹ tôi cũng chỉ có 1 người con gái duy nhất là tôi vì sau khi sinh tôi bà đã phải mổ cắt dạ con. Trong gia phả, ông tôi đã viết ngay sau tên cha tôi chữ "chững". Trong nhà, tôi được cả ông, bà, bố mẹ cưng chiều nhưng cũng rất ngoan,theo lời khen của ông tôi, và tôi cũng luôn làm nũng ông tôi nhiều nhất ngay cả khi tôi đã lớn, vào học đại học. Mỗi lần từ ký túc xá về, tôi đều đâm bổ đi tìm ông, ôm chặt lấy ông, dúi dúi đầu vào ngực ông:" thưa ông cháu đã về "!!!. Rồi tôi tốt nghiệp ra trường, sau hai năm công tác tôi được đề bạt làm phó phòng, chẳng gì tôi cũng đã là một thủ trưởng, nhưng vẫn như trẻ con hồi nào, tôi vẫn quấn quýt ông tôi. Rồi tôi có người yêu., và ngày mai là ngày cưới của tôi. Sau một ngày vất vả theo mẹ tôi vào siêu thị sắm thêm những thứ cần thiết, chiều đến lại đi lấy quần áo cưới về, mẹ tôi không thuê mà may cho tôi cả bộ để sau này giữ làm kỷ niệm. Bữa cơm chiều cuối cùng ở nhà tôi ăn chả thấy ngon gì cả. Tôi mong tối hôm nay, ông tôi sẽ kể cho tôi nghe chuyện đầu đời của ông mà ông đã hứa khi tôi mới có người yêu. Trong phòng khách, bố tôi ngồi xem báo, mẹ tôi và bà tôi mải xem chương trình O2TV. Trên chiếc ghế nệm dài, tôi ngồi sát cạnh ông tôi, hai tay ôm lây 2 vai ông, nghe ông kể chuyện. Giọng ông đều đều, mạch lạc: Năm 1948 gia đình ông ở phố Huế,.năm này ông đã 15 tuổi rồi nhưng vẫn lộc ngộc lắm. Bạn bè hàng xóm có nhiều nhưng chỉ có 2 người bạn trai và một cô bạn gái là thân thiết với nhau hơn cả vì cả 4 người đều rất mê đánh tam cúc. Bốn người chia làm hai nhóm gọi là vợ chồng, bắt cái cũng chỉ tính 2 cặp. Cặp nào làm cái thì chồng ra quân trước. Lại có tục đi đêm tức là đổi quân bài cho nhau, mổi ván chỉ được đổi tối đa 2 lần mỗi lần đổi quân bài phải úp để giữ kín không cho người được đổi biết là quân gì. Ông và cô bạn là 2 vợ chồng nhưng cô ta đòi làm chồng, còn ông làm vợ vì cô ta chơi bải giỏi hơn ông. Đến cuối năm 1949 gia đình cô ta chuyển nhà. Hội tam cúc này cũng tan. Năm học 1950-1951 ông học lớp để lục. Lớp học có 3 dãy bàn, mỗi bàn có hai chỗ ngồi. Ông ngồi ở bàn đầu dãy giữa, Dãy bên phải bốn bàn đầu tiên là chỗ ngồi của tám nữ sinh Bàn thứ hai, ngồi trong cùng là 1 cô tên là Vân. Trong buổi học đầu tiên thày giáo đưa 1 bản kê tên, họ, năm sinh, nam hay nữ để tự khai. Khai xong, thày sai ông đến cuối lớp cầm tờ khai đó lên cho thày, nhờ thế ông biết cô Vân sinh năm 1932 tức là hơn ông 1 tuổi. Thày thường sai ông đi thu bài hoặc trả bài mỗi khi có kiểm tra viết. Khi nào thấy bài của ai được điểm 10 ông đều trịnh trọng đặt trước mặt người ấy kèm theo câu "Ah bien " nghĩa là tốt lắm. Cô Vân cũng mấy lần được điểm 10 và lần nào cô cũng tủm tỉm " Merci" nghĩa là cám ơn. Trước khi trời trở rét, lớp ông tổ chức đi cắm trại ở Voi Phục. Đi bằng xe đạp Cũng căng lều bạt, cũng ca hát và diễn kịch, nhưng nửa chừng thì ông và cô Vân lẳng lặng tách ra. Hai người chọn chỗ vắng nhất ngồi tâm sự. Chỉ kể chuyện của nhau cho nhau nghe thôi chứ không có chuyện gì khác. Gần trưa thì cả lớp kéo nhau về. Đến Cửa Nam thì Cô Vân rẽ trái, còn ông rẽ vào đường Hàng Bông Thợ Nhuộm, nhưng chẳng hiểu sao ông lại đi theo cô ta. Cả hai cứ vừa đi vừa nói linh tinh thế nào mà đến ngay trước cửa đền Quan Thánh Cả hai dựng xe trước cổng rồi vào. Ngay tại cửa đền, ông thày bói mù mà không hiểu sao lại biết mời ngay: " mời cô cậu vào xem tiền duyên hậu vận!!!. " Cuối năm âm lịch lớp có buổi liên hoan chúc tết nhau, khi tan ông dắt xe ra khỏi cổng trường thì thấy cô Vân đứng chờ và dúi vào tay ông quyển sổ bìa cứng: "Xin anh mấy dòng lưu niệm và đưa lại em tối nay vì sớm mai em theo gia đình về quê, không biết có trở lại nữa không " Ông sững sờ vì cái tin bất ngờ ấy và kể từ đó ông thấy người cứ nao nao. Quyển sổ mới tinh, chưa có ai viết gì cả. Ông mân mê rồi viết 1 dòng mà ông nhớ đến tận bây giờ: "Tôi ước gì được bố mẹ tôi đổi tên là Phong để có thể đưa mây đi khắp bốn phương trời, buồn thay tôi lại là con chim Phượng nên chỉ có thể vẫy vùng trong góc rừng nhỏ bé này!!!" Tối hôm đó, lúc 9 giờ ông lên phố Hàng Cót đến nhà Vân. Vân không có nhà, mà cũng không biết bao giờ về. Ông đưa quyển sổ cho mẹ Vân rồi trở về nhà.Cả cái Tết năm ấy Ông buồn vô kể. cứ mong cho chóng hết Tết để lại đến lớp. Buồn thay Vân đã nghĩ học, mẹ Vân cho biết Vân vào SàiGòn. Mãi đến năm 1954 Ông mới biết Vân hoạt động nội thành. Tết năm ấy Vân được rút ra vùng tự do vì đã lộ. Bố tôi đã xem xong tờ báo, ông đứng dạy mang tách trà đền mời Ông tôi: Con mời thày. Hai ông cháu chuyện gì thế? Chuyện của ông, bố ạ. Thế sau ông có gặp lại cô Vân không? Có, cháu ạ. Giải phóng thủ đô, cô ấy về và làm công tác ở thành đoàn.Lúc này ông học đệ nhất. Cô ấy về trường ông luôn. Đầu năm 1955 cô ấy bị tái phát bệnh sốt rét nằm ở Bệnh viện Bạch Mai ông có đến thăm. Thế giờ cô ấy ở đâu? sao cháu chưa bao giờ thấy ông đến thăm cô ấy? Ra hỏi bà kia kìa. Bà nội tôi cười tủm tỉm. Cô Vân là bà đấy cháu ạ. Bà tên là Thảo mà. Thảo là tên chính của bà, còn Vân là tên khi bà hoạt động nội thành. Tôi lại quay sang ông tôi: Thế còn cái cô hàng xóm mà là vợ chồng với ông khi đánh tam cúc ấy giờ ở đâu. Cũng vẫn là bà. Bà tôi lại cười. Ông cháu nhát gái lắm nên nói chẳng ra đầu, chẳng ra đuôi. Trước thì ông bà đều học trường công cả, ông học trường Chu Văn An, còn bà học trường Hai Bà Trưng. Sau bà rủ ông vào học trường tư để có thể học nhảy 1 năm 2 lớp.: năm học 51-52 học đệ lục, hè 52 học đệ ngũ, hết hè vào năm 52-53 học để tứ, hè 53 học đệ tam, năm 53-54 học đệ nhị rồi thi tú tài phần 1. Đấy chỉ là lý do thôi, thực ra là nhu cầu công tác của bà. Cháu có biết không cuối năm 49 nhà bà chuyển về Hàng Cót, tối nào ông cũng đến. Khốn khổ, là con trai mà chẳng biết nói năng gì, thương thương là !!! Bởi thế bà mới là chồng, còn ông là vợ. Khi ra vùng tự do, đọc mấy dòng ông viết trong quyển lưu niệm, bà nhớ ông ray rứt. Quyển ấy bà vẫn cất kỹ lắm. Hồi sơ tán đi đâu bà cũng mang theo. Ngoài dòng chữ ngắn ngủi thấm đậm nhớ thương ấy, không có một dòng chữ nào khác nữa. Khi nào bà chết thì cháu nhớ đến mà lấy về. Ông tôi mỉm cười một cách mãn nguyện. Và quả thật tôi càng nhìn càng thấy ông tôi thương thương một cách quá chừng. Còn bố tôi, phải nói là cứ đứng ngây ra: Trời đất, thế mà tận bây giờ con mới biết chuyện này đấy. Bây giờ con mới nhớ lại là từ khi con biết suy nghĩ con chưa bao giờ thấy bố mẹ nặng lời với nhau 1 lần nào. Còn tôi, mai về nhà chồng rồi, câu chuyện đầu đời của ông bà nội tôi sẽ theo tôi cho đến hết cuộc đời này. TP Hồ Chí Minh ngày 01-12-2009 Trần Huy PhụngĐịa chỉ: C902 Khu phố 5 – Phường Linh Trung – Thủ ĐứcDT: 01 275 212 045Email: phungthang_33@yahoo.com.vn