Nói y như trong kinh thì vạn hữu không gì là ngẫu nhiên. Mỗi cọng rêu, ngọn cỏ hay từng con ong, cái kiến thảy đều do nhân duyên mà có. Ai người học Phật đều ít nhiều biết qua chuyện đó. Vậy mà có ai trong số này lại không một lần bất chợt đứng dưới hiên mưa mà bỗng nhiên nhớ về một chuyện xưa cũ càng không hò hẹn. Không phải ngẫu nhiên thì còn là gì nữa. Một câu hát bâng quơ nghe được ở đâu đó, một gương mặt hay ánh mắt tình cờ bắt gặp trên đường nhiều khi cũng đủ làm một cái cớ để vực dậy một hồi ức tưởng như chẳng mắc mớ liên can gì hết. Kỳ thực, từng cái xem chừng là ngẫu nhiên ấy cũng là một kiểu nhân duyên khác. Thiếu đi những thứ nhân duyên bất ngờ và đa đoan đó, biết đâu cuộc đời càng buồn thêm. Cuộc đời là một tuồng ảo hoá, khách trầm luân là những diễn viên, chuyện đời từ đó phải cần đến những khía cạnh kịch tính. Chuyện tu học của tôi cũng là một thứ chuyện đời, nghĩa là nó cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Hồi nào đầu óc giản đơn, học kinh Phật như một cái máy, cách cảm nhận lời Phật của một cậu bé chỉ đơn giản là chụp lại mọi sự bằng chiếc máy ảnh không biết suy tư. Thấy sao tin vậy, nghe sao hiểu vậy. That’s it, no more. Rồi thì một ngày, người ta già hơn, có thể hư đốn hơn, lem luốc hơn, nhưng cách hiểu vấn đề cũng được thay đổi để lời kinh xưa lúc này coi như đã trở thành một nguồn sống sinh động và thấm thía hơn, nếu người ta vẫn chưa bỏ Phật mà đi. Một ngày của tuổi bốn mươi, tôi ngẫu nhiên bắt gặp trong hộp thư email của mình một cái thư lạ. Lạ vì cái Subject của nó, và cũng vì người gửi là một nhân vật kỳ lạ. Chưa biết mặt nhau bao giờ, từ vài tháng nay bỗng nhiên cứ dồn dập gửi cho thiệt nhiều email. Không thăm hỏi gì hết, chỉ ròng những thứ góp nhặt từ muôn phương, để tôi nghe, ngắm và đọc. Chẵng gì ghê gớm, vài ba tấm ảnh lạ, dăm thứ tin tức giật gân, đôi khi là một nhạc khúc. Có cũng vui, không cũng được, dù nhiều khi buồn buồn tôi lại có ý trông. Chiều nay, tôi lại nhận được một cái email của người bạn giấu mặt đó. Một chuyện bình thường nhưng có chút lạ. Nó lạ từ cái chủ đề: Vàng Em Áo Hạ. Cả một thứ tiếng Việt dễ dãi nhất cũng không ai nói năng, viết lách kỳ cục như vậy. Nhưng mà nó lạ, và cứ nghe hay. Gói theo cái email đó là một cái File Video (thơ của Hư Vô, nhạc Phạm Quang Ngọc). Tôi mở ra và bàng hoàng. Cái mà tôi nghe được, xin thề, tuyệt không phải thứ tình ái lăng nhăng mà nhạc khúc đó đang diễn tả. Tôi vừa cảm nhận được cái mà nói bằng ngôn ngữ của ngành Vật Lý hiện đại là Chiều Thứ Tư của Phật Pháp. Một góc cạnh thật mới lạ, tinh khôi, dù thực ra muôn thuở đã là vậy. Mới là mới đối với gã dốt này thôi. Ô hay, tôi tự hỏi mình, sao thiên hạ bây giờ lại không thử dùng cách nói này để nói về Phật chứ, dĩ nhiên nên nghiêm túc hơn một tí là được. Người ta viết nhạc Phật giáo mà cứ như để xua đuổi thiên hạ. Thay vì réo gọi nhau về dưới chân Phật, người ta lại khiến thiên hạ bỏ chùa mà đi, nhiều khi còn chạy mất cả dép. Ai hổng tin xin cứ kiếm mấy cái CD nhạc đạo nghe thử một lần thì biết. Nhưng đó là chuyện của ai, ở đây tôi chỉ xin nói chuyện mình. Em qua, bóng đổ hiên ngoài Đàn chim sáo nhỏ vụt bay cuối ngàn Giật mình hạ rớt thênh thang Nở trên nhánh tóc, em vàng cánh hoa. Mùa hạ ở đây bỗng dưng là một thứ gì đó có đủ hồn vía hẳn hoi, như một sinh vật, không còn là một hiện tượng thiên nhiên nữa. Nó còn ly kỳ hơn, khi đường hoàng hoá thân vào từng cánh hoa phượng vàng, và cùng đưa em vào hạ. Em, hoa vàng và mùa hạ lúc này đã là một. Tôi đã xem, nghe rồi chợt nhớ về một bài học cũ. Toàn bộ cái gọi là thế giới, trong kinh Phật, chỉ là con số 18: Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức. Ngoài ra không còn gì nữa. Từ cái hiểu lầm, người ta biết thương ghét và nghĩ ra muôn thứ ảo tượng và đặt cho chúng những tên gọi Chính Trị, Văn Hoá, Khoa Học, Nghệ Thuật, Triết Học, Lịch Sử, Ngôn Ngữ, kể cả Tôn Giáo. Một mớ khái niệm cộng với chút tình cảm ghét thương đã làm nên mọi sự ở đời. Tất thảy những thân sơ thù bạn, ân oán tình thù đều chỉ là những cuộc chơi của người chưa biết mình thực ra là những gì ghép lại. Tôi yêu em, thế là nhìn thấy trong hoa có em, trong em có mùa hạ, và rồi một ngày, cả ba chỉ là một. Để mùa hạ có thể rơi trên tóc người, và màu vàng của hoa đã là một với em. Nhưng như thế đã hết đâu: Nắng trong veo…thấu lụa là Áo em mỏng quá, lòng ta gập ghềnh Dù là một thoáng lênh đênh Đã nghe mùa hạ chảy trên phím đàn Từ em tóc xỏa sang ngang Hàng cây nghiêng nón rộn ràng tiễn nhau. Thơ hay của thiên hạ tôi đọc cũng nhiều, nên có dốt mấy, cũng có thể bảo rằng bài thơ này chưa phải là tuyệt tác. Có điều lạ lùng, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi chịu nghe và đọc một bài thơ tình bằng một tâm cảm đã đời đến vậy. Tôi đã nghe thấy ở đó một bài tâm kinh, nhưng không phải Tâm Kinh Bát Nhã của nhánh Bắc Truyền. Tâm Kinh ở đây là kinh nói về đạo qua ngõ tình và phải được cảm (không phải hiểu) bằng trái tim (không phải óc). Đến nắng ở đây cũng đã được ghép thêm phần hồn. Nó soi thấu lụa là một cách có ý thức, không phải một hiện tượng thiên nhiên. Vì trong nắng bây giờ có gã tình si mê gái đang dõi nhìn gót sen người đẹp. Thế là hắn xem ánh nắng như một tên đồng lõa. Và nếu vật vô tri có thể trở thành động vật thì ở đây cái phàm tâm của gã tục tử kia cũng có thể là một với trời đất quanh mình để có thể gập ghềnh, triền dốc như mặt đường mà em đang đi trên đó, để sóng dậy đất bằng, để bóng sắc em tuy chẵng ba đào mà vẫn có thể khiến chết đuối người trên cạn mà chơi! Lục Trần, Lục Thức, Lục Căn ở đây đã phổ vào nhau đến tận tuyệt. Mùa hạ đã là cái tâm cái tình của gã tục tử để góp mặt hết mình vào cuộc chơi. Nó len vào từng nốt nhạc trên dây đàn và trong cõi âm thanh đó, những hàng cây kia bỗng dưng là những khách mời, những chứng nhân cho một cuộc tình vỡ giữa chiều nắng hạ. Tôi lại nhớ hai câu thơ của Trần Dạ Từ: Lần đầu ta ghé môi hôn, mấy con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Bao nhiêu Uẩn Xứ Giới Đế có rảnh thì đều cùng về tham dự hết. Rồi thì: Em mang mùa hạ qua cầu Ta như khách lạ tìm đâu bóng mình Bên đời có nắng lung linh Để em giấu kín chút tình phôi pha Còn thương góc phố quê nhà Vàng em áo hạ, buồn ta mưa về… Như trên đã thưa, mùa hạ bây giờ đã được chuyển thể (transform) để có thể theo em qua cầu bỏ lại một thằng khờ sau lưng. Em và mùa hạ đã là một, em đi rồi mùa hạ cũng đi. Và cả ánh nắng mùa hạ nữa, nó cũng tham dự vào nổi chia xa của chúng ta. Và không phải chỉ hôm nay, đến bao giờ em còn là một cố nhân chưa quên nổi thì cứ thấy nắng hạ hoa vàng thì tôi sẽ thấy em về, như từ bây giờ, những cơn mưa với nổi buồn của tôi sẽ mãi mãi là một. Trong ngôn ngữ lòng tôi từ giờ sẽ mãi hoài đọng lại hai cụm từ ghép không thể tách rời: Vàng Em Áo Hạ và Buồn Tôi Mưa Về. Nhưng đâu phải chỉ một mình tôi ngớ ngẩn đến vậy, hồi xưa còn sống, ông Nguyên Sa cũng hơn một lần mơ hồ như thế vào một thuở yêu người: Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường! Là vậy đó. Gì cũng là một cuộc chơi. Và, dẫu chong đèn thức trăm năm, người sinh tử vẫn mãi nằm chiêm bao! Santosa, 11/27/08 Toại Khanh