Chuyện sau đây hoàn toàn là lời của ba tôi từ cuốn nhật ký của ông. Tôi đã xin và được phép viết lại thành văn xuôi.
Gia đình tôi bây giờ chuyển tới Đà Nẵng sinh sống. Lúc trước quê tôi ở Huế, hay còn xa hơn Huế nữa cơ, tôi không biết chỗ đó bây giờ gọi là gì, vì lúc tôi ra đi, nó vẫn chưa được đặt tên. Tôi chỉ quen miệng và gọi đó là xóm cô Chí. Nguyên nhân chúng tôi hay gọi như thế bắt nguồn từ tên của một cô giáo. Tôi đã từng học cô giáo đó. Cô Chi.
Vùng quê nghèo lam lũ có rất ít giáo viên. Hầu hết những giáo viên ra trường đều xin được làm việc trên thành phố, không thì cũng xin dạy ở chỗ nào đỡ cực một tí cũng tốt. Cái xóm nghèo đến bần cùng khố rách quê tôi thì chả ai dại gì xin tới dạy. Dẫu có muốn đến thì cũng chẳng ai biết chỗ mà chỉ đến. Mà nói nào ngay, làm gì có trường để mà dạy… 
Bà con xung quanh đã góp tiền, góp gạo, chính quyền địa phương cũng thương lắm, cố gắng tạo điều kiện để xây cho tụi con nít chúng tôi một cái trường nhỏ. Nhưng cái thời đó, đất nước đã nghèo, quê chúng tôi còn nghèo hơn. Cố lắm cũng chỉ trích ra cỡ gần trăm đồng bạc. Mấy ông xã lớn thuê người xây một cái nhà gạch gần sát dưới cái đồi hoang, đóng bàn đóng ghế, lắp một cái bảng tự tác, thế là cũng được một cái trường. Không ai đặt tên cho ngôi trường, người lớn nghĩ không cần, bọn trẻ chúng tôi lúc đó cũng chẳng biết nghĩ ra cái tên nào hay hay để đặt. Thành ra, cứ thế mà đến học. Nhưng xây được trường rồi thì giáo viên ở đâu ra? Đáng lẽ có một ông giáo già đã hứa đến dạy, nhưng mà chưa kịp xây xong trường thì ông đã đột ngột qua đời. Vậy là sau khi thành lập, trường bị bỏ hoang một thời gian, cho đến khi tôi được mười tuổi rưỡi.
Bọn trẻ chúng tôi thèm đi học ghê gớm, lúc nào cũng mó tay mó chân, làm hết việc này đến việc kia, đứa nào xấp xỉ cỡ tuổi tôi cũng mong được cấp sách đến trường. Khi hay tin cái trường xây xong, chúng tôi mừng rơn. Tôi nhớ có cái thằng Ba nhà hàng xóm cứ rỉ tai tôi miết, lúc nào cũng thúc tôi chạy tạt qua trường nghía thử vài cái. Trời đất cái thằng! Trường học mà nó làm như đồ triển lãm không bằng, đến là khổ. Nhưng mà tôi cũng thế chứ có hơn gì nó, tôi cũng thèm được “nghía” cái trường một phát. Ngày nào cũng phải nghía thì mới ăn cơm ngon được. Ghê thế cơ chứ!
Vậy là chúng tôi thấp thỏm chờ được người lớn gọi đi học. Nhưng mà ngày này qua ngày khác, chúng tôi đợi như mèo đợi chuột, đợi đến mức cái cổ muốn dài ra như cổ cò…Vậy mà chẳng thấy ai bảo đi học cả. Rồi đến một đêm, mẹ tôi bảo có cô giáo đó về xóm mình dạy học, tôi sướng ơi là sướng, rốt cục thì cũng được đi học, sướng!
Trong tâm trí tôi, cô giáo đẹp ghê lắm, hoặc là phải có gì lạ lắm. Tại vì gọi là “cô giáo” nên cái người dạy học đó buộc phải là cô gái. Tôi đinh ninh là thế. Nhưng sang ngày mai đi học thì tôi mới chưng hửng, hóa ra “cô giáo” là một bà dì già cỡ mẹ tôi. Trời đất, vậy mà tôi cứ nghĩ cô giáo thì phải trẻ ghê lắm chứ. Hôm bữa đó đi học, ngoài tôi ra còn có hơn chục đứa. Cô giáo tự giới thiệu tên cô là Chi, Nguyễn Thị Chi. Có đứa nghe lộn, bảo là trên đầu cô có chí thì đưa con bắt cho, gì chứ bắt chí con rành nhất. Cô cười bảo không phải, mà tên của cô là Chi. Thế là cả lớp cười ầm lên. Vài bữa sau nghe mẹ tôi kể, tôi mới biết, cô đây là nhà giáo giỏi ở trên phố lớn, tình nguyện về đây dạy. Mẹ tôi lúc đó cứ thắc mắc mãi. Tại sao cô đó là nhà giáo đạt danh hiệu giỏi mà tự dưng đòi đến đây dạy cho khổ thân không biết? Mẹ tôi không hiểu, tôi còn không hiểu hơn. Nhưng mà thôi, miễn sao là được đi học, kệ hết!
Cô Chi dạy cho bọn tôi học rất là vui. Cả cô lẫn trò đều nhiệt tình. Cô bắt đầu chỉ từng cái. Tôi thấy mấy cái chữ với mấy con số cái thì tròn, cái thì dẹt, chả hiểu gì hết. Ấy vậy mà tôi cũng ráng thuộc. Cô Chi dạy rồi ở hẳn luôn trong xóm, cô không có chồng cũng chẳng có con cái. Ban ngày cô dạy, ban đêm cô ghép bàn lại làm giường nằm ngủ. Hồi đó, thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay tạt qua “nhà” cô chơi. Mẹ chúng tôi thường gởi cái này, cái kia cho cô, nhiều nhất là trái cây, hoặc bánh tráng. Ba tôi bảo cô tội, cho gì cũng nhận. Chắc là tại nhà quê tôi thiếu thốn dữ quá, cô ăn cho quên sầu.
Thế là có trường, có cô. Nhưng mà để đi học cũng không phải dễ. Mình đi học thì ai đi làm, hồi đó chả ai dám coi thường con nít bọn tôi, nhiều khi con nít làm còn kinh hơn người lớn. Bọn chúng tôi muốn lắm nhưng mà cứ phải làm việc liên tục, rảnh rỗi mới đến được trường. Cô Chi cứ bảo chúng tôi nên coi trọng việc học hơn. Học mới quan trọng, còn mấy việc khác đã có người lớn lo. Vậy mà có đứa ngô nghê hỏi cô “thế người lớn kiếm ra người lớn ăn, bọn em không làm lấy gì bỏ bụng hở cô?” Cô lúc đó chỉ cười mà không nói, nhưng mà tôi thấy mặt của cô cứ buồn buồn. Công nhận cô giáo khác hẳn người dân quê tôi. Khuôn mặt lúc nào cũng biểu lộ cảm xúc, còn tôi chỉ thấy mấy người xung quanh cứ nhắm mắt nhăn răng mà làm miết, chả buồn, chả khóc bao giờ.
Dần dần, tôi cũng học được khá nhiều chữ nghĩa. Tôi bắt đầu biết viết, biết đọc. Nhưng mà cái mớ chữ đó cứ quay mòng mòng trong đầu. Tôi có cảm tưởng, lúc mà tôi đi hốt trấu ấy, mạnh chữ nào trốn được là chúng rủ nhau trốn hết khỏi đầu tôi. Trong đám bạn, chắc tôi là đứa chậm chạp và ngu độn nhất. Nhiều khi dạy mãi mà tôi vẫn chẳng thuộc được chữ. Cô Chi hay khỏ vài cái hoặc nhéo mấy nhéo vào tai tôi. Nhưng mà mặc cho cô quánh hay nhéo, tôi cũng chả nhớ thêm được gì.
Cô Chí dành phần lớn thời gian ở trường học. Nói thẳng ra là cái chòi có cái bảng và mấy cái bàn. Cô cứ ngồi trong cái bàn đó mà chờ học sinh tới. Thấy có đứa nào tất tảo ôm giấy tới là cô mừng quýnh. Cái thời tôi học chả cần thời khóa biểu, rảnh giờ nào là học giờ đấy. Cô Chi thì cứ ngồi sẵn đó, trên cái bàn đầu tiên mà dòm qua cửa sổ. Trông cô lúc thấy chúng tôi còn vui hơn lúc chúng tôi thấy vàng.
Công nhận cô lớn tuổi mà còn khỏe phết, cô xin ông xóm trưởng mượn hẳn miếng đất trước trường. Chắc tại cô ngồi chờ hoài, buồn quá nên kiếm việc gì làm cho đỡ rảnh. Cô hỏi mượn ba tôi cái cày và ít hạt giống. Tôi hỏi cô định làm gì, cô bảo cô muốn trồng khoai cho chúng tôi ăn. Vừa nghe được ăn là tôi sướng gần chết. Tôi chạy về nhà lấy liền hai cái cuốc, một cái cho cô, một cái cho tôi. Một già một trẻ cùng trồng. Mà dạy học thì cô có thể quánh tôi vì tội chểnh mảng, chứ hổng lẽ tôi quánh lại cô vì cô không vung nổi cái cuốc lên trời? Cô yếu hơn tôi tưởng nhiều, cô chỉ nâng lên một xíu rồi xà cuốc xuống ngay. Tôi nhìn mấy miếng đất cô kéo được mà liên tưởng đến con mèo nhà mình, nó quào nghịch đất sao là cô giáo cào lại y vậy. Chẳng khác tí nào. Nhưng mà cô học rất nhanh, không như tôi, chẳng mấy chốc cô đã biết cách rải hạt giống rồi cày xới đất. Càng làm cô càng khỏe, càng lúc cô càng ra dáng nông dân chuyên nghiệp. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, cô Chí vừa dạy học, vừa trồng khoai để bán. Hình ảnh một bà giáo chân lấm, tay đất tươi cười đầy chất thôn quê dần in đậm vào trí nhớ của tôi.
 
Tôi nhớ rất rõ, có ngày tôi bị một cái gáo dừa phang phải. Đến giờ tôi cũng không nhớ nguyên nhân, nhưng mà sau cái ngày đấy, tôi bị điên điên.
Phải công nhận là thế, tôi cứ tưng tửng sao ấy, mẹ tôi dắt tôi đến khám tới bệnh viện xã, nhưng mà họ cứ cho vài viên thuốc, uống vào là xong, không khám gì cho tôi cả.
Từ đó, tôi chẳng làm được việc gì nên hồn, người cứ ngu ngu nghê nghê, đụng gì hư đó. Tôi lại còn hay nổi điên, mỗi lần lên cơn y như con chó dại. Tôi lồng lộn và cắn xé đủ thứ, tôi lấy mấy trái bưởi mẹ bán mà quăng xuống đất cho dập hết. Tôi phá như thằng khùng. Tôi quên ngay những gì mình đã làm trước đó. Chỉ nghe mẹ tôi kể lại, đôi mắt tôi lúc đó trợn ngược, giống như mất đi tròng đen, chỉ còn lại tròng trắng. Tay co chân quẹo, quặc mình méo miệng, lưỡi lâu lâu cứ ngứa rồi lè cả ra, tôi giống như một cái gì đó lờm lợm.
Cô Chi tới thăm tôi, cô bảo với mẹ cứ cho tôi đi học. Mẹ thấy tôi ở nhà chẳng giúp được việc gì mà còn phá phách hay la ỏm tỏi nữa. Thế là bà đồng ý cho tôi đi học. Vậy là tôi cứ thế mà thoải mái đến lớp, chẳng cần rớ tay làm gì hết. Lúc đầu mẹ và ba tôi còn siêng đến đón tôi về nhà, nhưng sau không biết sao, tôi cứ khoái ở trong lớp. Riết rồi mẹ cũng nhát, lâu lâu bà đem đồ ăn tới cho tôi và cô giáo, còn thì bà bỏ hẳn để đi làm…Tôi gần như sống với cô Chi. Tôi cứ tưng tửng, cô Chi dạy tôi một chập chắc cũng suýt tửng theo tôi luôn. Cô vừa dạy vừa lo cho tôi, cô lo hệt như người mẹ lo cho con trai của mình. Thỉnh thoảng cô còn dạy tôi cách trồng khoai, giống như trước đây tôi đã dạy cho cô.
Tôi nhớ một lần, trong trí óc tôi vẫn còn thoáng hiện lên một hình ảnh đầy nước mắt.
Một sáng hôm sau tôi hơi tỉnh, nhưng lại thấy mặt cô giáo có vết cắt. Tôi hỏi vì sao nhưng cô không nói. Thì ra tối hôm qua, giữa đêm tôi nổi cơn, tôi cầm cuốc chạy ra sân, phang vào mấy luống khoai chưa mọc. Phá cho chúng hư, cho thỏa mãn cơn điên của bản thân tôi. Giống như cái cảm giác ngứa, đúng, phải nói thế. Và tôi muốn làm sao cho hết ngứa, cho đã, vậy là tôi làm mọi thứ, tôi lật bàn, tôi lật ghế, tôi nổi khùng và cầm cuốc phang khắp mọi nơi. Cô Chi cố ngăn tôi lại, và căn cứ vào vết thương trên má cô, có lẽ tôi đã làm cái điều kinh khủng đấy…
Nước mắt tôi chỉ ực trào ra khi tôi hơi tỉnh, tôi ngắc ngứ cái đầu khi mà cô Chi cố an ủi tôi. Chính cô là nạn nhân mà lại đi an ủi kẻ hung thủ. Tôi chán chường và thậm chí có lúc muốn chết quách đi. Cô Chi đã vả cho tôi một cái khi nghe tôi nói ra điều đó. Cái tát ấy làm tôi xẩm hẳn cả người, cô bảo:
“nếu con chết, cô cũng chết”
Giờ tôi biết cô nói thế để hù tôi, nhưng lúc đó tôi cứ nghĩ cô sẽ làm thật. Ánh mắt của cô làm tôi tin cô dám. Và điều đó, tôi không muốn. Tôi bắt đầu tập kìm nén cơn điên của mình. Ngày nào cô cũng dạy cho tôi một chút, một chút. Từng chút một. Thế là tôi cũng qua đi. Mấy hồi thư giản không học hành, tôi phụ cô gieo giống hay làm cái gì đấy vui vui. Tôi và cô trò chuyện miết, cô cứ cố khơi chuyện cho tôi nói, tôi nói nhiều đến mức tôi quên mất tôi là kẻ tưng tửng. Tôi bắt đầu trải qua ít cơn điên hơn, thoải mái và khỏe hơn. Tôi và cô giáo bắt đầu vượt qua những ngày tháng đau khổ.
Ba mẹ tôi thấy tôi bớt khùng, họ cũng mừng lắm. Hàng xóm cũng vui lây, ngày nào cũng bồi dưỡng cho tôi và cô giáo vài ly nước hay cái gì đó ngon ngon. Bọn bạn làm tôi vui, nhưng mà tôi vui nhất khi ngày nào cũng thấy cô Chi. Tôi dần thấy mình học cũng giỏi hơn, cô giáo dạy cho tôi nhiều thứ…Một lần, ủy ban trên thành phố ghé xóm, họ biết hoàn cảnh của tôi và quyết định chu cấp cho tôi lên phố chữa bệnh và ăn học.
Cơ hội đến nhưng tôi không muốn đi, tôi không muốn xa quê, xa ba mẹ và xa cô Chi. Nhưng chính cô đã thúc đẩy, cô tạo mọi động lực để tôi cố gắng. Tôi quyết định đi lên thành phố chữa bệnh. Căn bệnh của tôi bắt đầu được cái y sĩ, thuốc men điều trị. Nhưng tôi nghĩ, liều thuốc giúp tôi nhiều nhất, chính là tình thương của cô Chí…
Hết.

Xem Tiếp: ----