Tôi uể oải nằm xuống. Chiếc giường đêm nay như rộng qúa nhiều sau một ngày mệt mỏi. Mệt thể xác. Mệt tinh thần. Hai cái mệt nó quyện vào nhau, dìm tôi xuống chín tầng địa phủ. Tôi ngộp thở. Thể xác tôi mệt vì suốt ngày hôm qua phải lo đóng thùng cho cô nhà tôi, chẳng là cô ấy đi Việt Nam, về thăm bà cụ, tuổi cũng đã mặt trăng xế bóng và cũng đã lâu rồi…mẹ con xa nhau.” Đi xa nhớ mẹ hiền”. Chữ không khắc ở trên tay nhưng đã in đậm trong trái tim non nớt, lúc nào cũng rướm rướm nước mắt mỗi khi nghe ai đó nhắc nhớ về tình mẫu tử. Và ngày hôm nay đưa cô ấy ra sân bay, chờ đợi, nín thở lòng bồn chồn lo lắng khi cả hàng trăm hành khách đi qua hàng rào an ninh phi trường một cách ngon lành như ăn một chiếc hamburger, còn nhà tôi …cô ấy đang phải nhai một chiếc xương…cọp, chiếc xương dường như vướng mắc đâu ở cần cổ, nên nhân viên an ninh đang bắt cô phải dơ cả hai tay lên trời, họ dùng cái khúc cây bùa phép niệm thần chú vuốt từ trên đầu trên cổ cô ấy vuốt xuống cho đến khi chắc khúc xương đã chiu chui tọt vào bao tử rồi họ mới cho cô ấy mặc áo khoác, xỏ giày lại …Ngó cái cảnh ấy mà tôi toát mồ hôi, thương cho vợ tôi quá, thương cho những đồ đạc lỉnh kỉnh cô ta mang theo, thương cho những đôi mắt bàng quang dòm ngó chung quanh. Tôi đã nhắc nhở cô ấy nhiều lần về cái điều phiền hà có thể xảy ra tại phi trường nhưng cô vẫn không nghe. Nhà tôi sinh ra nhằm năm con rắn mà. Rắn đầu, rắn cổ, rắn cả toàn thân, nên từ khi gá nghĩa vợ chồng với nhau, tôi mỗi ngày mỗi mệt. Ngày nào cũng có cái mệt của ngày ấy. Cái mệt càng trầm trọng thêm theo thời gian, khi tuổi tác chồng chất, khi tóc đã lấm tấm vương vãi những bông tuyết mùa đông. Đêm nay vợ đi rồi tôi cứ tưởng là mình được thoải mái, yên giấc nồng, nhưng sao tôi vẫn không ngủ được. Nhìn căn phòng mờ mờ trong đêm, nhìn ngang, nhìn dọc, nhìn lên trần nhà chỗ nào cũng thấy trống vắng. Tại sao lúc mình bị con rắn nó quấn, nó siết thì mình muốn tháo gỡ nó ra, thế mà giờ đây…khi con rắn đi rồi tôi lại thấy chân tay mình tự do thừa thãi quá. Tôi quơ vội chiếc gối ôm, cố siết cứng lấy nó để có cảm giác chân tay mình được khoá lại, được trói lại. Không hiểu tại sao tôi lại hát thầm thì:“Em ơi, Hà nội phố. Ta còn em mùi hoàng lan.Ta còn em, mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai tóc xoã vai mềm …”.Ồ không, chỉ một tháng thôi mà …Đâu phải là đi luôn.Tinh thần tôi cũng quá ư là mệt mỏi. Với căn bệnh viêm gan C nó đeo đuổi tôi hàng chục năm nay, hôm đi khám tổng quát định kỳ hàng năm vừa qua, khi siêu âm lại phát hiện ra trong trái thận bên phải có hai cái bọc nước. Ông bác sĩ gia đình bảo chuyện đó là thường thôi. Nhưng sao tôi vẫn lo và lại cảm thấy cái bụng mình nó không ổn, dường như nó cứ chương lên dù tôi chả dám ăn uống gì nhiều. Tôi bắt đầu thấy cuộc đời mình đã đi gần đến con đường hầm, một đường hầm mà bên kia có một vùng sáng mơ hồ. Bên kia đó là những điều kỳ bí. Khi tôi nghĩ tới người bạn ở North Carolina, tôi lại thương vợ tôi vô cùng. Một ngày nào đó có thể là rất gần, vợ tôi rồi sẽ cũng trở thành goá phụ trẻ tuổi thời bình sau khi đã mệt nhoài với những ngày tháng cuối của đời tôi. Tôi nằm ôm chiếc gối. Trong đầu tôi bây giờ là giọng cao vút của Bằng Kiều trong cùng bài ca Em ơi Hà nội phố: ”Mùa đông năm ấy. Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân. Ta còn em một màu xanh thời gian. Một chiều phai tóc em bay. Chợt nhoà. Chợt hiên. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.”. Ồ đừng lo, tôi sẽ nhớ được một con đường và nhớ mãi …vì tôi không là một nghệ sĩ và càng không phải là môt người hay đi lang thang.Cuối cùng tôi cũng thiếp vào giấc ngủ. Một giấc ngủ…oải chưa từng thấy. Trong giấc ngủ ấy ẩn hiện nhiều giấc mơ, lộn xộn như cái đống báo cũ vất ngổn ngang trong phòng. Tôi mơ tôi cũng bay về Việt Nam, để cùng với cô nhà tôi đi thăm họ hàng, thăm bà con sau bao ngày xa cách. Và cũng có thể là thăm để như một lời từ biệt thiên thu. Tôi cũng muốn ghé về thăm ngôi mộ của ba mẹ nữa. Nhưng không hiểu vì sao khi về tới Sài Gòn, tôi lại không còn nhớ gì tới vợ mình mà lại nhớ tới Hường một người bạn gái cũ đã mất tin nhau từ lâu lắm. Tôi không về dưới Biên Hoà ngay, tôi gọi taxi về Vườn Xoài, nơi mà ngày xưa tôi đã bao lần theo Hường qua hết ngõ này, hẻm kia và nhất là ngôi thánh đường thân thương. Hồi đó nàng là một ca viên của ca đoàn nhà thờ. Tôi không những mê nàng mà còn ngất ngây về giọng ca ngọt như mật ong của nàng. Xuống xe tôi rảo bước vào nhà thờ đúng lúc thánh lễ sáng chúa nhật. Chỗ mà tôi hướng tới đấu tiên là nhìn trên sàn hát của ca đoàn, mong để tìm thấy Hường trên đó, tôi thật sự thấy Hường ẩn hiện đâu đây, dù tôi biết đã bao năm trôi qua, đã có biết bao đổi thay rồi. Ngay cả khi đối diện với nàng cũng chưa chắc tôi đã nhận ra. Trên bàn thánh vị Linh mục bắt đàu đọc Phúc âm.Tôi nghe mơ hồ vì âm thanh phát ra từ những chiếc loa rè rè: Bác ở cùng anh chị em Và ở cùng cha … Trích thơ bác gởi cho đồng bào miền Nam….Đọc một hồi, cuối cùng vị Linh mục giơ cao cuốn sáchTân ước ngang mặt: Đó là lời bác.Một vài tiếng đáp lại loạc choạc trong số các con chiên ngoan đao: Lạy Bác, Ngợi khen bác.Tôi ngơ ngác. Lỗ tai tôi lùng bùng. Tôi đưa cả hai tay lên xoa xoa, ấn ấn hai cái tai của mình, đánh thức nó về thực tại vì tôi sợ nó cũng đang ngủ mê. Nhưng không, tôi đâu có nghe nhầm. Tôi quay ngang hỏi khẽ một cụ già đang quỳ bên cạnh: Cụ ơi! Sao ông cha lại đọc cái gì kỳ thế?Ông cụ chắp tay vẫn nghiêm trang nhìn lên bàn thánh, nói thì thầm như đang cầu nguyện; Đừng nghe những gì ông ấy đọc, mà hãy mở lòng mở trí ra mà cảm tạ Thiên chúa.Tôi cũng chắp tay, mắt nhắm lại và nghĩ rằng chắc có những thay đổi trong phụng vụ ở quê nhà mà mình không biết, vì thật ra tôi cũng chỉ là một con chiên khô khan nguội lạnh của chúa, có mấy khi quan tâm đến những chuyện của giáo hội đâu. Ngay cả tên vị Giáo hoàng đương thời tôi cũng còn không nhớ rõ nữa là.Thánh lễ đã xong. Tôi bước ra khỏi thánh đường với lòng nặng trĩu lo âu. Ngày phải ra trình diện trước toà phán xét công thẳng của chúa gần kề mà tôi chưa hề chuẩn bị gì cả. Đang đứng tần ngần giữa going người và giòng tư tưởng xám hối thì một hình bóng quen thuộc trong chiếc aó dài xanh đọt chuối ngày nào tha thướt đi qua trước mặt. Tôi mừng quá chạy vội theo Cô ơi …À không …bà ơiBà ta chắc khoảng năm mươi, đứng lại ngơ ngác nhìn tôi Ông gọi tôi?Tôi xoa tay cười làm quen: Vâng …Xin lỗi …Có thể cho tôi hỏi thăm. Trông bà quen quá. Không biết có phải bà là bà Huờng không ạ?Bà ta tròn xoe đôi mắt: “Ủa, sao ông lại biết tôi?”Cái tiếng “ủa” đó làm sống lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm. Hồi đó Hường của tôi hay “ủa” lắm. “Ủa, em đâu có biết”. Ủa dzậy sao?”. “Ủa tưởng không thèm nói chuyện với người ta nữa.”. Ủa, tưởng quên luôn rồi …sao còn …”Tôi mừng quá. Tôi nói lắp bắp:” Anh đây. Anh là Du đây nè. Có nhận ra anh không? Vừa nói tôi vừa đưa tay ra nắm lấy tay bà ta. Bà ta vội vàng giật tay lại, trợn mắt nhìn tôi:”Du nào…Tôi đâu có quen gì với ông, ông nhầm rồi.”. Tôi đang há hốc mồm ra, thuyết pháp, mong muốn dìu bà ta về lại những năm xưa, nhưng chợt một ông cụ trông rất hom hem, hung hắng ho, chậm rãi đi lại. Ông ta hỏi, giọng khàn khàn:” Ai đấy?”. “Chả biết là ai, dưng không lại nhận mình là người quen, còn …xuồng xã …”. Ông già lừ lừ đôi mắt nhìn tôi rồi đưa tay nắm tay Hường kéo đi: “Thôi đi về bà.”. Tôi còn nghe lõm bõm vài câu ông ta cằn nhằn:” Đã bảo bà có tuổi rồi, ăn mặc xuề xoà thôi, trưng diện làm gì …để ra đường bị người ta chọc ghẹo”. Trời! Oan cho tui biết chừng nào. Tôi có chọc ghẹo chi đâu hở trời. Tôi hướng về phía nhà thờ, đấm ngực:” Lạy chúa, chúa biết con bị oan. Chúa biết con đang muốn dọn đường để về trình diện chúa. Con đâu có ngu gì mà làm cho con đường thêm gồ ghề, thêm lầy lội…”. Đang phân bua cùng chúa, tôi chợt như có linh tính chúa đang đứng trước mặt mình. Tôi mở mắt nhìn lên thì ra là vị linh mục. Tôi lúng túng như vưà bị bắt qủa tang mình phạm tội “Con lạy …Bác ạ”. “Bác cháu gì! Cha đây. Ông làm gì mà đứng như trời trồng ở đây. Lễ đã xong, đi đi. Đi bình an.”. Tôi mừng quá, vội vàng nói:” Tạ ơn bác.”. Vị linh mục chắp tay sau đít lững thững đi về phía nhà xứ, lầm bầm:” Lại bác …bác với …cháu…”.Một chút hy vọng gặp lại người xưa đã tắt lịm. Tôi như người mộng du, hụt hẫng bước ra đường. Tôi nghe tiếng thắng xe rít lên, thân xác tôi bị hất tung giữa đường, những chiếc xe gắn máy ào tới như bầy chó sói, chồm lên. Tôi thét to sợ hãi, rồi bừng tỉnh. Qua một cơn mê, mồ hôi tôi nhễ nhại, hơi thở tôi dồn dập. Khát nước quá, tôi bò dậy, xuống nhà bếp.Đồng hồ đã chỉ tám giờ sáng mà trời bên ngoài vẫn còn lờ mờ tối vì cơn mưa dai dẳng của xứ “ngàn thông”này. Xứ này người ta gọi là xứ hoa hồng, nhưng có người lại gọi là xứ ngàn thông, nghe cũng lãng mạn lắm, và tự dưng tôi thích cái tên này.Tôi rót ly nước và mở nhạc. Tôi muốn nghe lại bài nhạc tôi đã nghe trong cơn mê “em ơi, Hà nội phố”.“Ta còn em hàng phố cũ rêu phongVà từng mái ngói xô nghiêngNao nao kỷ niệmChiều Hồ tây lao xao hoài con sóngChợt hoàng hôn về tự bao giờ.(nhạc Phú Quang)Hoàng hôn của đời mình, hoàng hôn của đời tôi đã về rồi. Tôi đã nhìn thấy những sợi nắng vàng. Những sợi nắng nhạt lắm từ cuối chân trời. Những sợi nắng đang bị bóng đêm gặm nhấm từng phần, đang bị bóng tối dồn vào con đường hầm. Con đường hầm tối tăm, ẩm thấp mà đời người cuối cùng rồi cũng phải đi qua. Chân tôi đang ngấp nghé bước vào chốn vô định. Cám ơn bác…à không cám ơn Chuá, cám ơn đời vẫn cho tôi một sự bình tĩnh. Tôi thở dài uống cạn ly nước và nhớ tới vợ tôi. Chắc giờ này cô ta đã về tới Viêt Nam rồi. Vợ ơi! Cầu chúc em một chuyến trở về vui vẻ.Lê Du Miên