Tôi làm nghề dạy học đến nay đã tròn mười lăm năm. Mới vào nghề, tôi dạy ở một trường vùng cao của một huyện miền núi. Lớp có 8 học trò thì một trò không được bình thường, nghĩa là thuộc diện trí tụê chậm phát triển. Bốn năm miền núi tôi được chuyển về quê, một miền trung du cũng nghèo và kém phát triển. Rồi tôi đến dạy ở một trường chất lượng cao THCS của huyện. Được tiếp xúc với nhiều học sinh giỏi, từ chỗ chỉ dạy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa đến chỗ dạy nâng cao cho học sinh năng khiếu. Từ một trường miền núi xa xôi đến một trường miền quê bình thường rồi lại đến một trường Chất lượng cao đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và đặc biệt học sinh thì rất thông minh. Một chặng đường như thế đã giúp tôi trải được nhiều cái vui, cái buồn của nghề dạy học. Lại thêm vợ tôi cũng làm nghề dạy học, cùng hành trình tương tự như tôi thành ra chúng tôi có nhiều dịp chia sẻ những nỗi niềm của nghề.Niềm vui đầu tiên của người mới vào nghề là háo hức thực hiện những gì vừa được học. Những ngày tháng say mê miệt mài mong cho học trò của mình hiểu bài, học giỏi. Tôi mang hết sức ra giảng dạy nhưng kết quả thì thật ít ỏi bởi các em giành thời gian cho việc học ít quá. Cũng có thể tại tôi chưa truyền được cho các em, những học sinh của vùng núi cao ngày ấy, một tình yêu với sự học hành. Nhiều khi mệt mỏi tôi tự trách mình sao lại làm nghề dạy học. Nhưng rồi lại say mê, lại có gắng. Một năm tôi không về tết mà ở lại ăn tết luôn tại trường. ở lại trường, tôi được rất nhiều học sinh đến thăm, các em đem cho chúng tôi những chiếc bánh trưng nhỏ nhắn, giá trị vật chất chẳng bao nhiêu nhưng chúng tôi thì vui lắm. Năm thứ tư, kể từ khi tôi đến dạy, cũng là năm đầu tiên ngôi trường ấy có một lớp học sinh thi tốt nghiệp lớp 9 (trước đấy học sinh chỉ học đến lớp 8 là các em nghỉ học, một vài em muốn đi học thì sang trường bên cạnh). Sau kỳ thi, thật bất ngờ, các em tự tổ chức liên hoan mặn, các em mời chúng tôi đến dự. Thầy trò hoan hỉ, vui say trong một cảm tình chan chứa, chân thành, thật vui mà cảm động. Còn rất nhiều những niềm vui nữa mà mỗi khi nhớ đến mình lại thấy tự hào. Ví như một buổi lên xe, giữa bao nhiêu chen lấn ồn ào bỗng có một người nhường ghế cho mình và bảo thầy cứ ngồi đi, em là học trò cũ của thầy đây mà. Hay một lần gặp một thanh niên chững chạc, làm chức cao hơn mình lại chào mình bằng thầy mà tự nhận là học trò cũ. Ôi, học trò cũ, cái bổn phận kính thầy đã bảo anh nói vậy chứ mình thì cũng chỉ góp vào đời anh ta một chút rất nhỏ thôi mà. Dẫu sao thì cũng rất vui. Rất vui nhưng tự răn mình phải sống thế nào, làm việc thế nào để còn mãi mãi giữ được trong lòng những người học trò cũ cái cảm tình tốt đẹp kia.Ấy, chuyện vui là thế nhưng chuyện buồn kể cũng khá nhiều, buồn nhất là không dạy được. Trong mười lăm năm công tác tôi đã dạy nhiều lớp học trò, trong đó có rất nhiều em là học sinh giỏi. Tôi đã bồi dưỡng nhiều em đi thi học sinh giỏi đỗ giải cao, những tấm bằng khen của Tỉnh còn kia như gợi cho tôi những kỷ niệm vui về thành tích đã đạt. Bên cạnh đó rất nhiều khi phải dạy những học trò chưa giỏi, thậm chí có nhiều em học kém. Những lúc đó dù cho mình hết sức cố công cũng khó lòng mà đạt kết quả. Tôi nhớ có một cậu, gia đình khá giả. Bố mẹ cậu ta rất quan tâm việc học của con, đem tới nhờ tôi dạy kèm. Một thầy, một trò còn gì lý tưởng hơn. ấy vậy mà mấy tháng trôi qua tôi vẫn không sao dạy được cho cậu ta những điều cơ bản nhất. Cuối cùng tôi đành chào thua.Một điều buồn nữa là học trò ngày nay họ rất là thực dụng. Đã học là phải thi đỗ. Thầy dạy sao thì dạy lúc thi phải có được bài giống như thầy đã dạy. Với yêu cầu như thế thì quả khó vậy thay. Về chuyện này, có lần vợ tôi đã kể. Số là vợ tôi chuyển về một trường mới, được phân công dạy bồi dưỡng cho những học sinh giỏi để đi thi. Là cô giáo mới nên học sinh chưa quen, nhưng nhà trường thì biết rằng cô giáo là giáo viên dạy giỏi, đã từng bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi. Đã quen với lối học của cô giáo cũ - lối học thuộc lòng những bài văn mẫu. Bây giờ phải học theo cô giáo mà chúng chưa tin thế là chúng la lên “cô giáo trước không dạy thế”. Cô giáo trước, bây giờ đã chuyển đi rồi. Cô giáo trước đã có nhiều năm thành tích. Bây giờ mấy trò này cùng kêu lên “Cô dạy thế không đúng. Cô dạy thế thì đỗ làm sao được”. Buồn thay! Cũng may lứa ấy học sinh cũng thông minh để rồi sau đó có nhiều em đạt giải cao chứ nếu không thì biết nói thế nào với Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh.Lại nói phụ huynh, mỗi khi gặp thầy các vị cũng hay hỏi thăm “tình hình học tập của cháu”. Nếu mình có nhận xét về những điều chưa ngoan, chưa chăm, học chưa được tốt của con em họ thế nào cũng nhận được vẻ mặt không bằng lòng. Có khi còn nói “ấy, năm ngoái cháu học giỏi lắm” –cứ làm như năm nay nó dốt là tại mình vậy. Nếu mình khen là ngay lập tức họ tràng giang đại hải những chuyện giỏi giang của con em mình. Nào cháu thế này, nào cháu thế kia. Cứ như những chuyện hay chuyện giỏi đó vốn là thuộc tính của con em họ. Thế thì có gì mà phải nhờ thầy, nó giỏi là do nó giỏi ấy mà!!!Còn nhiều những cái buồn vơ vẩn, cái buồn xa xôi. Những cái buồn chẳng thuộc về mình mà ngẫm lại vẫn cứ buồn âm ỉ. Mấy năm về trước, tôi dạy ở một trường cấp hai ba. Việc thi vào cấp ba (bậc THPT) với nhiều em là rất khó. Khó cho nên mới phải cậy nhờ. Ai có mối nào thì nhờ mối đó. Người lạ thì đến làm quen, người đã quen thì gắng làm cho thật thân tình. Một buổi, một anh vốn là bạn thân với tôi đến gặp đặt vấn đề nhờ tôi giúp cho vài trường hợp để chúng được vào cấp ba. Giúp nghĩa là tôi phải tìm cách làm bài rồi đưa vào cho chúng chép để đảm bảo chúng thi đỗ. Tôi bảo điều đó thì tôi không làm được, hãy cứ để chúng thì bình thường, điểm thi của chúng các thầy đều chấm rất công bằng. Nhưng anh cứ nhất định nhờ tôi phải giúp. Anh còn chỉ cho tôi làm như thế, như thế… Tôi một mực chối từ. Anh ra về xem ra có vẻ không vui. ít lâu sau, khi việc tuyển sinh đã xong xuôi, gặp tôi anh bảo “Cái việc tôi nhờ chú dạo trước giờ đã xong rồi. Gớm chỗ anh em mà chú khó khăn quá. Với người ngoài mình lại nhờ được ngay.” Tôi cười ngơ ngẩn, buồn mà chẳng biết nói sao!Gần đây nghe đài, đọc báo thấy Giáo dục nhiều chuyện tiêu cực quá. Việc ở tận đâu mà mình vẫn thấy buồn.Mùa hè năm kia, có dịp trở lại huyện miền núi, nơi tôi đã công tác khi mới vào nghề. Gặp lại rất nhiều những người thân quen, những người đồng bào dân tộc mộc mạc mà thân tình. Gặp lại sau hơn mười năm xa cách có bao nhiêu chuyện hỏi thăm. Bao nhiêu chuyện vui, bao nhiêu kỷ niệm. Chuyện nào kể lại cũng thấy vui. Chỉ có một chuyện gợi cho tôi nỗi buồn. ấy là khi anh em hỏi tôi chuyện nghề. “Thầy giáo bây giờ làm Hiệu phó hay Hiệu trưởng rồi ấy nhỉ? Gớm người như thầy giáo là tiến bộ lắm đấy”. Tôi thật khó nghĩ. Biết nói thế nào, chả lẽ mình lại nhận bừa đi. Nếu bảo mình vẫn là giáo viên không biết các bà, các chị sẽ nghĩ sao? Tháng 9/2006Đức Trí.