Dịch giả: Trần Hồng Văn

Truyện ngắn Mỹ

Tác Giả: Là một người đa tài, thủa nhỏ Frances Carfi Matranga theo học ngành kịch nghệ, nhưng sau khi sanh đứa con đầu tiên, bà đổi sang việc sáng tác truyện. Hàng trăm truyện ngắn, thơ và kịch bản đã xuất hiện trong nhiều tạp chí văn học. Bà cũng viết những truyện dài dành cho thanh thiếu niên tại Mỹ cũng như ngoại quốc. Những công trình này mang lại cho bà chín giải thưởng văn học. Thú tiêu khiển của bà là "Đọc, đọc và đọc".

*

 
Karl Schwartz là một thanh niên Do Thái bị nhốt vào trại tập trung thời Đứic Quốc Xã khi được mười bẩy và được giải thoát lúc hai mươi mốt tuổi. Cả gia đình ông bị giết trong những trại này. Tác giả yêu cầu ông kẻ lại một kinh nghiệm về trại tập trung mà ông vẫn còn nhớ rõ. Đây là một chuyện có thực được kể về một cuộc trốn trại và những hậu quả của nó.
- Làm ơn giúp tôi. - Tôi năn nỉ người thanh niên Latvia gốc Do Thái tên là Fleischmann. - Tôi rất sợ. Tôi tình nguyện xin tới đây nhưng lại không biết gì về nghề sơn cả. Nếu họ biết được là nói dối thì sẽ giết tôi liền.
Tôi là một người Đức gốc Do Thái và đã được 19 tuổi. Đôi mắt xanh thông minh nhìn tôi sau cặp kính cận, anh ta nói với tôi:
- Đừng lo gì cả, tôi sẽ liệu cho.
Lời nói đó làm tôi ấm lòng. Tôi được di chuyển từ trại tập trung tại Riga với trên 15,000 người Do Thái. Một thông báo cho hay là những người có nghề nghiệp chuyên môn nào đó có thể xin đến làm việc tại Kinta, một hãng dệt vải trước kia nay quân đội Đức mới chiếm được để biến thành một cứ điểm cho toán mật vụ SS Gestapo trú đóng tại Riga thuộc nước Latvia.
Kêu gọi thợ tình nguyện là một trò chơi của toán SS. Rất nhiều lần trong quá khứ, tôi đã thấy tận mắt việc họ gọi người tình nguyện làm những việc không có, rồi họ dùng những người này làm thú tiêu khiển, như đánh đập, bắn giết, treo cổ hay dìm xuống hầm hố, cầu tiêu. Tuy vậy tôi cảm thấy có thể tin được vào căn cứ mới này nên ghi danh cùng hơn vài trăm người khác. Tôi khai là thợ sơn vì chắc chắn là nghề này được cần dùng hơn những nghề khác và tôi cũng mong là có thể học hỏi được nghề này trước khi việc nói dối của tôi bị khám phá ra. Liều lĩnh chọn quyết định này vì dù bất cứ việc gì xẩy ra cho tôi cũng còn khá hơn là phải sống trong trại tập trung địa ngục này với những đầy đọa khôn cùng về thể xác và trước sau gì cũng đưa tới cái chết như con vật. May mắn là tôi được chọn cùng hai trăm người khác vừa đàn ông lẫn đàn bà.
Kinta bao gồm một tòa nhà trung ương lớn và nhiều căn nhà nhỏ khác, tất cả được bao bọc chung quanh bằng một hàng kẽm gai vĩ đại. Công việc đầu tiên chúng tôi phải làm dưới sự điều khiển của toán lính canh người Đức hung dữ là phải dọn dẹp tất cả máy móc của hãng dệt cũ. Khi công việc gần xong, năm người lớn tuổi vì chậm chạp không làm kịp công việc nên bị đánh cho tới chết.
Vì chúng tôi được gần gũi với bọn mật vụ SS nên được phép ăn mặc giống như loài người. Lúc còn ở trại tập trung, chúng tôi luôn luôn phải chống trả với đoàn quân chấy rận đầy rẫy trong mớ quần áo hôi hám rách nát. Bây giờ chúng tôi được phép tắm gội, đầu cạo trọc để không còn là nơi trú ngụ cho đám chấy rận nữa, cũng như được phát cho những bộ đồng phục xám có những lằn gạch trắng. Vì được gọi là những người thợ chuyên môn nên cũng được lãnh lương, dù chỉ là một món tiền tượng trưng, cộng thêm vào đó là khẩu phần có bánh mì, khoai tây và thỉnh thoảng được cho ăn thịt ngựa đã gần hư thối hay rau già thẩy ra từ nhà bếp của bọn SS, tuy vậy cũng làm cho chúng tôi vui mừng. So với ba trại tập trung trước kia đã từng ở, tôi cảm thấy như được vớt lên từ địa ngục, tuy vậy cái chết vẫn lởn vởn trong đầu, luôn luôn ám ảnh và nhất là mỗi lần nghĩ tới việc khai gian lại làm tôi rùng mình khiếp sợ.
May mắn cho tôi là được làm việc trong nhà xe cùng với Fleischmann và anh ta vui lòng giúp đỡ. Anh là một thanh niên nhỏ nhắn, thấp như một đứa trẻ, đứng bên cạnh nhau, đầu anh chỉ ngang tầm vai tôi. Về sau tôi được biết thân hình bé nhỏ của anh chứa một tâm hồn thật vĩ đại và là một con người quả cảm.
Nhiều tuần 1ễ và nhiều tháng sau đó, Freischmann không những che chở cho tôi mà còn dạy tôi cách sơn xe, sơn những tấm bảng và nhiều chuyện khác mà cấp trên đòi hỏi tôi phải làm. Chúng tôi trở thành đôi bạn thân thiết. Tôi cũng được biết anh là một sinh viên mới tối nghiệp đại học, rất thông minh và được nhiều người nể trọng, ngay cả những tên mật thám SS nữa. Đối với tôi, anh là một học giả, một nhà ngôn ngữ học tài ba và một người uyên bác trong nhiều lãnh vực. Tôi học hỏi được nhiều điều từ con người nhỏ nhoi nhưng có khối óc vĩ đại này. Anh là ngọn hải đăng soi sáng, cho tôi thêm sức mạnh, kiến thức và can đảm mặc dù khi đó anh mới hai mươi lăm tuổi.
Đời sống trong trại lúc này khác xa hồi trước. Chúng tôi thức dậy vào 6 giờ sáng, tập trung để điểm danh ngoài sân xong rồi vào nhà ăn sáng cùng với những tù nhân nữ, rồi làm việc tới năm giờ chiều, giữa đó có bữa ăn trưa. Chúng tôi được nghỉ lúc tám giờ và đèn tắt lúc chín giờ tối.
Vì bọn SS luôn luôn nhắc nhở là chúng tôi chỉ được phép sống do sự cần thiết tạm thời với tay nghề của chúng tôi mà thôi và không một ai có thể rời Kinta mà sống sót cả. Tinh thần mọi người xuống thật thấp, do đó mọi người cố giải khuây bằng những quan hệ tình ái vào bất cứ khi nào có cơ hội thuận tiện. Hàng đêm khi thời tiết cho phép, chúng tôi xếp hàng bên chiếc trailer đậu tại bãi đậu xe chờ tới phiên mình. Từng cặp một được ghép một cách vô tình và dù cho người bạn mới có phải là người mình yêu hay không, việc đó chẳng làm ai quan tâm. Khẩu hiệu chung cho mỗi người là "Một Ngày Để Yêu Rồi Một Ngày Để Chết". Nếu người phụ nữ nào mang thai bị phát hiện thì sẽ bị bọn SS xử bắn ngay. Sau nhiều năm sống trong trại tập trung, chúng tôi hoàn toàn không còn nghĩ đến những điều gọi là đạo đức nữa, chúng tôi đã trở thành những kẻ đê hèn nhất mà bọn Đức Quốc Xã mong muốn. Tâm hồn chúng tôi thật dơ bẩn, không còn gì gọi là văn minh, văn hóa, chối bỏ mọi phong tục tập quán, chơi vơi trong dòng suối thời gian.
Thỉnh thoảng có những chiếc xe hơi đem vào nhà xe, trên xe có trang bị máy phát thanh. Tôi và Freischman cố rình những cơ hội nghe trộm đài BBC phát ra từ Luân Đôn vì vậy chúng tôi biết được tình hình chiến sự lúc đó. Chúng tôi được biết là Hồng Quân Liên Sô đã chinh phục được hầu hết toàn nước Ukraine và đang trên đà thắng thế. Tin này đồng nghĩa với việc chúng tôi đang đi vào cõi chết vì chúng tôi sẽ bị bắn chết hết trước khi quân Đức rút lui. Thời điểm lúc đó là cuối năm 1943.
Khi tin này được thầm thì bàn tán và lan rộng, nhiều người tìm cách trốn trại. Nhiều tù nhân lo sợ mà trở thành lú lẫn, họ trèo lên mái nhà tù để mong nhẩy qua hàng rào kẽm gai. Hầu hết khi họ nhẩy xuống tới hàng rào thì chết, hoặc là bị bắn ngay khi chưa kịp nhẩy. Tuy vậy có một cuộc trốn trại thành công và sau đó bọn SS đưa ra một hình phạt cho chúng tôi. Chúng ra lệnh làm một khu pháp trường ngay trong sân rồi bắt chúng tôi phải tập họp để coi mười người bị treo cổ. Mười người này đượcc lựa chọn một cách tình cờ. Sau đó trò này trở thành một thông 1ệ, mỗi khi có một người toan trốn trại bị phát giác, mười người khác bị treo cổ. Số tù nhân mới thay thế cho những người chết này được chuyển đến từ những trại tập trung khác. Trong suốt một năm sống tại Kinta, ít nhất có trên mười trường hợp xẩy ra, sau đó số người toan trốn trại càng đông và trò chơi của bọn Đức càng ngày càng trở nên thường xuyên hơn.
Fleischmann cũng bắt đầu soạn thảo một kế hoạch trốn trại. Anh cho tôi biết là có người bạn, cô Nasha sống ở tỉnh Riga sẵn sàng giúp anh ẩn trốn khi được tự do. Anh nói nếu cuộc đào tẩu thành công thì sẽ giúp tôi trốn khỏi nơi này.
Việc đầu tiên phải làm là tiếp xúc với người bên ngoài. Đôi khi chúng tôi cũng trao đổi vài câu với những nông dân người Latvia ở phía bên kia hàng rào. Chúng tôi ẩn náu sau hàng xe đậu gần hàng rào. Những nông dân này cho chúng tôi chocolate và thuốc lá trong khi chúng tôi đổi lại bằng những vật có giá trị đã dấu khỏi những đôi mắt cú vọ của bọn Đức.
Fleischman đưa cho một nông dân một khâu vàng và yêu cầu người này nói lại với Nasha tới hàng rào vào tối ngày hôm sau. Mọi việc xẩy ra đúng như dự trù, Fleischmann thuyết phục được Nasha tìm cho anh một chỗ ẩn trốn nếu cuộc đào tẩu thành công. Bước đầu đã tạm ổn, bây giờ tới giai đoạn thực hiện. Vấn đề không phải đơn thuần là vạch ra một kế hoạch đào tẩu là xong mà phải không được gây náo loạn, nếu không thì không còn một hy vọng cho cuộc trốn của chính tôi sau này. Chúng tôi cần thời gian, thời gian cho Fleischmann chuẩn bị cho tôi nữa khi anh đã được tự do. Nếu 48 giờ sau khi Fleischmann trốn thoát mà không bị lộ thì anh có thể lo cho tôi được. Tất cả phải hoàn toàn bí mật và im lặng tuyệt đối, không có một sơ hở nào cả, nếu không thì ngày hôm sau mười người, trong đó có cả tôi sẽ bị treo cổ.
 Phải làm như thế nào đây? Nhẩy qua hàng rào? Nguy hiểm quá. Giết một tên gác, thẩy xác hắn vào lò sưởi dưới nhà hầm rồi lấy bộ quân phục của hắn mặc vào? Đi theo con đường hầm rồi thoát ra lối phía ngoài hàng rào bên kia? Không, không thể thực hiện được, kế hoạch này phải mất cả tuần hay cả tháng. Chúng tôi không còn nhiều thời giờ, quân đội Đức Quốc Xã mỗi ngày bị thua trận, co cụm dần lại rồi.
Cuối cùng chúng tôi có một kế hoạch có thể thành công nếu chúng tôi được phép làm trong nhà xe vào ban đêm khi không còn ai lảng vảng ở đây nữa. Chúng tôi quyết định là khi đã sẵn sàng, lúc được yêu cầu sơn một chiếc xe chuyên chở nhà binh, chúng tôi sẽ nói là quá bận vì những đòi hỏi trước nên không thể làm công việc này được. Cho đến khi bị hối thúc, chúng tôi sẽ yêu cầu được làm việc ban đêm. Nếu được chấp thuận thì chúng tôi sẽ đục một 1ỗ phía sau chiếc thùng xe và Fleischmann sẽ ẩn trốn trong đó. Anh ta sẽ chế ra một chìa khoá thùng xe sau và sẽ mở ra khi có cơ hôi tẩu thoát, trong khi đó tôi sẽ tìm cách nói dối để che chở cho anh trong hai ngày đầu.
Nếu Fleischmann thành công trong việc đào tẩu này, anh sẽ tìm cách liên lạc với tôi rồi sẽ tìm cách đem tôi đi bằng xe hơi vì tôi không quen thuộc với vùng Riga cũng như ngôn ngữ Latvia. Đó là toàn bộ kế hoạch đào tẩu của chúng tôi. Liệu có nên thực hiện kế hoạch này không? Nếu thất bại, Fleischmann sẽ chết và tôi là kẻ đồng lõa cũng không tránh khỏi. Nếu thành công nhưng bị khám phá ra liền sau đó thì có nghĩa là tôi cùng chín người khác sẽ bị treo cổ.
Liệu việc giúp một người mà hại tới mười người khác có đúng không? Chúng tôi suy nghĩ và bàn luận những điều lợi và hại. Vả lại cái chết đã cận kề cho toàn thể tù nhân ở đây rồi dù cho có trốn hay không. Nếu Fleischmann trốn thoát và tôi bị xử tử vì tội toan trốn trại thì tôi cũng vui lòng hơn là bị xử bắn hàng loạt khi Hồng Quân Liên Sô tiến gần tới.
Nên hay không nên? Fleischmann để cho tôi quyế't định. Anh nói với tôi:
- Nếu kế hoạch thất bại và tôi bị bắt thì cậu sẽ chết cùng với tôi. Nhưng nếu thành công nhưng bị khám phá ra trước khi tôi kịp trở tay thì cậu là người đầu tiên bị treo cổ cùng với chín người khác, vậy cậu phải suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định, Karl.
Những ngày sau đó, những suy nghĩ và dằn vặt đè nặng trong đầu tôi như trái núi. Mạng sống của Fleischmann có đáng giá hơn mười người khác chăng? Anh là một người phi thường, sự thông minh, tính gan dạ và lòng thương người của anh như một tặng phẩn của thượng đế gửi xuống trần gian này để cứu giúp những kẻ cùng khổ đang quần quại trong những trại tập trung. Tôi cũng cố không nghĩ tới cái chết cận kề đang lởn vởn đó đây cho mọi tù nhân khi mỗi ngày Hồng Quân Liên Sô tiến lại gần. Càng suy nghĩ thi càng làm tôi rối trí. Những điều này cùng những điều khác đè nặng trong đầu làm tôi muốn điên lên. Thật là khó chọn lựa xem nên chết cách nào.
Rồi một nghi ngờ chợt lóe trong óc tôi. Làm sao chắc chắn được là Fleischmann hoàn toàn thực hiện kế hoạch đã vạch ra. Khi đã được tự do, làm sao anh ta chịu mạo hiểm lần nữa trở lại để cứu tôi đây? Nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh bị bắt, không có sự tra tấh nào làm anh phản bội tôi cả.
Đêm này qua đêm khác trằn trọc mất ngủ. Tôi phải quyết định phải làm sao đây? Ban ngày tôi bị căng thẳng thần kinh, khi có ai bất chợt lại gần, tôi nhẩy chồm lên như con thỏ trong cơn sợ hãi. Tôi cũng trở nên không dịu dàng với Fleischmann, anh cũng thông cảm và chẳng bao giờ nặng lời hay mất bình tĩnh với tôi cả.
Cuối cùng tôi quyết định. Chúng tôi sẽ giữ nguyên kế hoạch cũ. Sau vài ngày bàn tính, kế hoạch tiến tới những chi tiết cuối cùng. Tất cả phải không có một sơ xuất, một lỗi lầm nào. Chúng tôi phải dùng mỏ hàn một cách bí mật mở một 1ỗ hổng trong thùng xe từ phía bên trong và làm một ổ khóa. Mọi việc phải theo đúng như tính toán vì đây là mạng sống của chính chúng tôi.
Và mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng.
Một chiếc xe đem tới với lệnh là sơn lại nhanh chóng. Chúng tôi để yên chiếc xe đó, không sờ tới mà chỉ loay hoay với tấm bảng sơn dở dang: "Trung Ương Mật Vụ, Cấm Vào". Vài giờ sau, viên quản giáo đi vào, hỏi tại sao chiếc xe vẫn chưa đụng tới. Chúng tôi trả lời:
- Lệnh khẩn tràn ngập, những tấm bảng này từ phòng chỉ huy trưởng đưa xuống.
Sáng hôm sau chúng tôi lại nói như trên, nét mặt của viên quản giáo xậm đen lại. Hắn nắm lấy áo Fleischmann rồi tát hai cái thật mạnh làm anh ngã chúi xuống. Không có lý do nào được đưa ra để cưỡng lại mệnh lệnh của hắn cả. Hắn dằn giọng:
- Khi tao nói phải làm gì thì mày phải hiểu là phải làm theo như lời dặn, nghe chưa?
Fleischmann đứng dậy, nét mặt không khiếp sợ trước một thân hình to lớn, anh bình tĩnh nói:
- Thưa ông, tôi xin lỗi. Công việc nhiều quá mà chỉ có hai chúng tôi thôi. Chúng tôi phải làm thêm giờ mới hết việc được. Có thể ông cho phép chúng tôi làm đêm nay được không?
Tên quản giáo vội vã trả lời:
- Không được, trái với nội quy.
Fleischmann ôn tồn nói:
- Nhưng ông có thể hỏi chỉ huy trưởng.
Tên quản giáo xoa tay vào chiếc cằm như đắn đo suy nghĩ rồi trả lời:
- Được rồi, tui bay quá bận... để xem tao có làm gì được không.
Rồi giấy phép được ký, đêm hôm đó chúng tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch. Chúng tôi sơn chiếc xe theo đúng 1ệnh rồi bắt đầu đục một chiếc lỗ trong thùng sau chiếc xe. Tới 4 giờ sáng, Fleischmann cuộn mình nằm trong đó, chỉ có thân hình nhỏ con của anh mới lọt vào được thôi, sau đó tôi khóa chiếc thùng xe lại. Tôi trở về nhà ngủ và đêm đó không thể nào chợp mắt được, đầu óc chất chứa bao nỗi lo âu hồi hộp. Nếu có người nào khám chiếc thùng xe hoặc là vài ngày sau chiếc xe mới di chuyển đi thì sao? Fleischmann và tôi có làm điều gì sơ xuất không đây? Tôi nằm đó mà mắt mở trừng trừng cho đến sáng. Lòng như lửa đốt, tôi muốn đi vào nhà xe liền ngay lúc này.
Khi đồng hồ chỉ tám giờ, tôi được phép vào nhà xe. Chiếc xe không còn ở đây.. Như vậy có nghĩa là Fleischmann không còn ở Kinta nữa rồi! Bước đầu trên đường đi tới tự do... hay pháp trường đây. Bốn mươi tám giờ sau sẽ rõ.
Suốt ngày hôm đó, tôi phải nói dối ba lần là "Fleischmann vừa mới bước ra ngoài", tôi phải lập lại một cách bình thản và tự tin. Đầu óc tôi căng thẳng và phải cố gắng ghê gớm để che dấu mối lo sợ. Liệu anh có tìm đến với Nasha được không? Khi nào anh gửi người đến tiếc xúc với tôi đây? Nếu không nhanh, lời nói dối của tôi sẽ bị khám phá ra sớm và tôi sẽ bị xử tử. Tôi sẽ phát điên lên vì sự chờ đợi này.
Sau bữa ăn chiều, tôi lẻn ra ngoài sân. Bên ngoài trời thật lạnh, tôi nhìn ra phía hàng rào kẽm gai, hy vọng có ai đó mang tin đến cho tôi. Mỗi lần có người nông dân đi ngang qua phía bên kia hàng rào, tim tôi lại đập thình thịch. Có phải người này mang tin lại cho tôi không đây? Có phải người kia không?
Nhưng ngóng hoài mà chẳng thấy một ai cả.
Tôi trở về lại nhà giam lòng nhủ thầm là ngày mai tôi sẽ có tin mừmg. Còn một ngày nữa. Tôi tâm sự cùng vài người bạn tù và chỉ dám nói là Fleischmann biến mất và mình phải che dấu việc này. Một người nằm bên cạnh tung 1ộn xộn chăn màn của anh rồi đến sáng hôm sau thì xếp lại ngay ngắn. Nếu có tên lính gác nào tới thì hắn tưởng là anh vừa đi ra ngoài.
Sự kinh hoàng lúc điểm danh vào buổi sáng hôm sau rồi cũng qua đi, tôi sẽ biết là mình  sống hay chết trong ba mươi sáu giờ nữa. Tới trưa trong khi đang sơn, thình lình Busch hiện ra trước mặt, tia mắt hắn như xoáy vào tận những hang hốc sâu thẳm nhất trong tâm hồn tôi, những sợi giây thần kinh của tôi căng thẳng như muốn bật đứt tung ra từng đoạn nhỏ. Busch là chỉ huy trưởng trại tập trung này. Thân hình cao dong dỏng, tóc vàng ánh, mắu màu xanh biếc lạnh lùng và trạc ba mươi tuổi. Hăn kéo mạnh chiếc găng tay ra, nét mặt băng giá tỏ vẻ quyền uy và trang nghiêm. Hắn nhìn tôi làm việc một lúc và tôi cố gắng giữ cho thân hình đừng run rẩy. Thình lình hắn cất cao giong:
- Thằng Fleischmann ở đâu?
Tôi hạ chiếc máy phun sơn xuống rồi ngó hắn, làm bộ ngạc nhiên vì sự vắng mặt của Fleischmann:
- Tôi nghĩ là... anh ta vừa bước ra khỏi đây. - Giọng nói của tôi có vẻ ấp úng.
- Chừng nào nó trở lại?
- Tôi không biết, thưa chỉ huy trưởng.
- Được, tôi sẽ đợi nó về.
Hắn đứng đó, hai chân dạng ra, nhìn tôi làm việc bằng đôi mắt cú vọ. Tay tôi bắt đầu run và mồ hôi trong người đang chẩy ra từng giọt. Tôi phải làm gì bây giờ đây?
Đôi ủng đen bắt đầu gõ nhịp trên sàn nhà như những nhát búa đập thẳng vào tim óc tôi.
- Schwartz, nó trốn ở đâu?
- Dạ... thưa... tôi không rõ.
- Mày nói dối.
Hắn la lớn, đập mạnh chiếc gậy lên vai tôi. Cánh tay tôi tê dại, chiếc máy phun sơn rơi xuống sàn nhà. Những cú đập liên tiếp giáng lên mình, lên đầu, những cơn đau buốt xuyên thẳng vào tim vào phổi tới khi tôi thấy không còn thở được nữa. Chiếc gậy vẫn tiếp tục đập xuống, tôi phải dùng cả hai tay che lấy mặt.
- Xin ông tha... xin ông tha cho...
Tôi nói lên những lời kêu xin hèn hạ nhất, nhưng đây là người lính Đức Quốc Xã, phương châm hành động của họ là tàn bạo. Mỗi lần tôi ngã xuống sàn nhà, hắn kéo tôi đứng dậy bằng những cú đá trời giáng. Chiếc giầy ủng thọc mạnh vào bụng tôi, tôi thấy trời đất quay cuồng, tim gan như muốn trào ra từ cửa miệng, tôi bắt đầu nôn thốc nôn tháo. Mặt tôi chan hòa máu và tôi thấy cái chết cận kề.
- Schwartz, bây giờ mày sẵn sàng nói thằng Fleischmann ở đâu chưa?
Tôi hổn hển trả lời, trong khi lấy tay lau máu trên mặt, trên cằm, trên trán:
- Dạ... tôi không thấy anh ấy từ ngày hôm qua, tôi tưởng là anh ấy đau nên nằm trên phòng y tá.
Nụ cười nham hiểm trên môi, hắn gầm gừ:
- Nó trốn khỏi trại rồi, phải không Schwartz?
Mồ hôi lạnh chẩy ra đầm đìa, như vậy hắn đã biết rồi hay chỉ đoán mò? Tôi lập lại như cái máy, đôi môi bây giờ sưng vù, dầy gấp đôi lúc bình thường:
- Dạ... dạ... tôi không biết.
Hắn nhìn soi mói vào chiếc mặt sưng vù của tôi một lúc rồi bỏ đi. Trước khi tôi loạng choạng bước ra khỏi nhà xe, một lệnh khẩn cấp gọi mọi người ra tập họp ngoài sân, đối diện với pháp trường. Chỉ Huy Trưởng Busch đứng im lặng, đôi môi mím chặt, hai mắt tóe lửa, hai bên có những tên lính cầm súng chĩa thẳng về phía chúng tôi. Một lúc sau hắn tuyên bố:
- Thằng Fleischmann biến mất, tôi cho các anh nửa giờ suy nghĩ rồi nói cho tôi biết nó trốn trại bằng cách nào. Sau nửa giờ nếu không có ai khai ra, mười người trong số các anh sẽ bị treo cổ.
Chúng tôi đứng yên lặng trong khi tuyế't vẫn tiếp tục đổ xuống, thân hình người nào cũng run lập cập, không biết run vì lạnh, vì sợ hãi hay cả hai. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau.
Một người đứng bên cạnh tôi thì thào:
- Nói đi, Karl, làm ơn nói đi..
Những người khác cũng nhìn tôi với tia mắt khẩn cầu. Tôi muốn nói lên để cứu lấy mười mạng người nhưng bất chợt nhớ lời của Fleischmann vào ngày đầu mới gặp:" Đừng lo gì cả, tôi sẽ lo liệu cho". Tôi thề là sẽ không bao giờ phản bội anh. Ngoài ra, tôi đã khai với viên chỉ huy trưởng là không biết gì về việc Fleischmann mất tích, nếu bây giờ khai thì trước đây tôi nói dối, chắc chắn sẽ bị bắn ngay. Không những chỉ có vậy, với 1ối tra tấn thật dã man, chúng có thể bắt tôi khai ra là anh trốn ở đâu, như vậy anh sẽ không thể nào thoát được cũng như Nasha sẽ cực kỳ nguy hiểm nữa. Nói tóm lại, việc khai báo sự thật chẳng mang lại ích lợi gì. Một tù nhân đào tẩu, sự việc không thay đổi, dù tôi có nói ra hay không thì mười người cũng vẫn bị treo cổ.
Viên chỉ huy trưởng nhìn đồng hồ.
Tôi đã nằm trong cũi, không cựa quậy gì được hết. Vài phút nữa tôi sẽ chết. Chúng đã nghi ngờ tôi là đồng lõa thì tôi sẽ là người đầu tiên bị treo cổ. Tôi đứng đây mà cảm thấy chóng mặt và không còn một chút sức lực nào trong cái đau đớn tận cùng của thể xác, người tôi lúc này đầy thương tích. Tôi không dám nhìn những khuôn mặt trắng bệch đang đứng quanh pháp trường, đám người nô lệ cùng khổ của những "Siêu Nhân Đức Quốc Xã". Không có một phương cách nào có thể cứu được cho chính tôi cũng như chín người khác nữa cả. Giữ im lặng thì Fleischmann và Nasha có thể thoát được.
Chỉ Huy Trưởng Busch lại nhìn đồng hồ:
- Hết giờ rồi, có ai muốn nói gì không? Thằng Fleischmann trốn như thế nào, nói đi.
Cái im lặng của hai trăm linh hồn trong làn không khí lạnh buốt tựa như lời nguyện cầu câm nín. Tôi căm thù chúng, lũ người tư phong cho mình là thần thánh đã lột bỏ hết nhân phẩn của chúng tôi, biến chúng tôi thành những con heo bẩn thỉu, cười cợt trong khi chúng tôi bò 1ết trong đám dơ bẩn hôi hám.
- Được - Busch bắt đầu bước chậm tới phía chúng tôi đứng. Mọi con mắt đổ dồn về phía hắn. Thình lình hắn dừng bước, ngón tay chỉ vào một người. - Tên này.
Người đàn ông qụy xuống, lạy hắn như tế sao. Nhưng lời kêu khóc của người này chẳng giúp gì được cho ông ta cả. Hai tên lính kéo ông ta tới pháp trường, Một lúc sau ông ta được đứng trên một chiếc ghế, sợi dây thòng lọng buộc ngang qua cổ. Chúng tôi phải nhìn quang cảnh này, nếu ai quay mặt đ thì sẽ là người kế tiếp. Chiếc ghế được đá ra xa, thân nặng làm sợi dây xiết chặt lại quanh cổ nạn nhân. Chúng tôi phải chứng kiến thân hình quằn quại dãy dụa, sự đau đớn kinh hoàng này như kéo dài vô tận cho đến khi mặt nạn nhân trở nên tím xanh ngắt, mắt và lưỡi lòi ra ngoài. Có tiếng khóc, rên rỉ trong đám nữ tù nhân và có người ngất xỉu.
Xác nạn nhân được gỡ xuống rồi ném xuống đất giá lạnh cạnh pháp trường. Trong một thoáng, tôi không con tin vào thượng đế nữa, một tiếng kêu than vang vọng trong lòng tôi: "Chúa ơi, người ở nơi đâu rồi? Tại sao lại bỏ rơi chúng con". Tôi phải cắn răng lại thật chặt để tiếng kêu khỏi phát ra.
Chỉ huy trưởng Busch bây giờ chậm rải cất bước. Như cảm thấy thích thú với trò chơi này, hắn lơ đễnh chỉ ngón tay về phía một người khác và người đàn ông khốn khổ này lại bị kéo lên pháp trường. Cứ như vậy, một giờ nặng nề trôi qua, đống xác người chết cao dần. Mỗi lần viên chỉ huy trưởng đi xuống, tôi lại nghĩ là tới lươt mình đây. Bây giờ thì không còn lời rên rỉ, tiếng khóc trong đám nữ tù nhân nữa. Tất cả mọi người đã hoàn toàn bị tê dại trong sự sợ hãi. Chúng tôi đứng đó như những pho tượng đá với đôi mắt mở lớn, những con mắt phải nhìn, phải thẩm thấu hết tấm bi kịch đang diễn ra ngay phía trước. Những tên lính Quốc Xã với con mắt đểu cáng như say sưa với những khoái lạc về quyền lực cho sống hay chết này.
Thời gian trôi qua sao chậm chạp quá. Đã chín mạng người phải trả cho cái giá tự do của Fleischmann rồi. Hình như con số thứ mười được dành cho tôi, tôi sẽ là người cuối cùng của trò chơi này đây. Tôi cố lấy thật bình tĩnh khi chỉ huy trưởng Busch đứng im trước mặt. Tim tôi đập thật mạnh làm tôi nghẹt thở. Qua làn sương thật mỏng, tôi lờ mờ nhìn thấy một nụ cười nhạo báng trên đôi môi của đấng siêu nhân này. Tôi muốn đập tan nụ cười này trước khi chết. Tôi ao ước được cảm thấy ngón tay của mình xiết thật chặt quanh cổ hắn.
Và, thật lạ lùng, viên chỉ huy trưởng bước qua khỏi tôi, ngón tay chỉ vào nạn nhân thứ mười đứng phía sau tôi. Đầu óc tôi quay tròn, tôi không tưởng tượng được tại sao tôi lại thoát được. Có lẽ tôi đã chết cùng với mỗi nạn nhân kia rồi.
Nhưng rồi chưa hết, trò chơi mới lại bắt đầu. Họ định chơi trò mèo vờn chuột, một sự hành hạ đặc biệt dành cho tôi hay sao đây.
Chỉ huy trưởng Busch ra lệnh:
- Xếp hàng ba, quay phải, bước.
Chúng tôi bước đi như những người máy.
Bước về phía sau nhà giặt và đứng yên tại đó.
Chúng tôi tuân theo mệnh lệnh.
Một thân thể trần truồng nằm dưới đất ngay bên vách lều, một tay, một tai bị cắt, chiếc đầu bị bổ dọc. Đó là thi thể của Fleischmann.

HẾT


Xem Tiếp: ----