Cuộc đời anh là một bức tranh lãng xẹt.  Bức tranh không màu sắc, không được vẽ theo một qui luật hội hoạ, và dĩ nhiên cũng chẳng theo một trường phái nào cả.
Hồi anh còn bé, mẹ thường ôm anh vào lòng, xoa đầu anh “ con trai của mẹ có biết không, hồi mà con còn nằm trong bụng mẹ, mẹ muốn vẽ hình ảnh con với một chút màu hồng cho đôi má, một chút màu đen cho đôi mắt, một chút màu sáng cho vầng trán và một chút màu xanh cho cái phông ảnh …”. Rồi mẹ cười buồn “ nhưng …mẹ đã không tìm đâu ra được những màu sắc đó,mẹ không có tiền để mua,  nên mẹ đã vẽ con bằng màu đen của một cục than. Mẹ lấy cục than từ trong lò bếp tàn và vẽ nghuệch ngoạc những đường nét…những đường nét với tất cả khả năng của mẹ, những đường nét với tất cả thương yêu của mẹ, những đường nét sao nó cứ cong cong với …những long đong đời mẹ…”. Năm 54 Bố anh đưa gia đình vào Nam với đôi bàn tay trắng. Cơ nghiệp ông bà nội để lại, bố đành bỏ cho cô hồn. Ra đi với chỉ một con thuyền tròng trành mua lại của một dân chài, đủ để gia đình anh trú tạm lênh đênh. Rồi khi tới miền đất hứa chưa được ba năm, lúc mẹ đang có mang anh, thi bố anh mất. Mẹ ôm đứa con gái đầu lòng hai tuổi, khóc như mưa bão và mãi những năm sau này mẹ vẫn còn khóc thầm khi đơn côi, lẻ bóng, một mình, nơi đất lạ, người không quen, cặm cụi giữa đời. Những đứa con còn bé bỏng chưa biết nghe những thổn thức như núi luôn trào dâng trong lòng mẹ. Mẹ lặng lẽ với tháng ngày. 
 Anh luôn hài lòng với bức tranh mẹ vẽ cho mình: “ Mẹ ơi, con thích lắm, con rất thích bức tranh mẹ vẽ cho con, bức tranh đẹp lắm mẹ ơi…”. Rồi với bàn tay nhỏ bé của anh, anh đã vẽ một bức tranh cho mẹ. Lúc đầu anh cũng lấy một cục than…nhưng sau  anh đã bỏ ý định đó, anh lấy một cục gach non, đập ra và vẽ mẹ bằng màu gạch non. Anh mỉm cười với sáng kiến của mình. Những đường nét không sắc sảo, nhưng thật sự có nhiều rung động. Nhìn lại bức tranh anh thấy tóc mẹ màu nâu gạch, kỳ quá, nên anh đã tô thêm màu than lên và tóc mẹ trở thành lốm đốm sương khuya. Anh ghép hai bức tranh lại, một của mẹ, một của anh. Anh đặt bức tranh của anh thấp xuống một chút, vừa khi cái đầu anh ép sát vào ngực mẹ, núp bóng chở che. Anh gật đầu ưng ý.
Những năm tháng của tuổi thơ qua đi trong lặng lẽ. Tuổi thơ anh, một tuổi thơ thiệt thòi vì thiếu bóng cha. Tuy vậy anh luôn tự biết thân phận mình, không hề dám so bì, tị nạnh. Anh thẫn thờ nhìn những bạn đồng trang lứa vui đùa. Anh thường thui thủi chơi một mình trong cái thế giới rất riêng tư mà chỉ những ai đã từng mồ côi cha mới hiểu được. Trong cái xóm di cư nhỏ bé, nơi mẹ con anh đang sống gồm nhiều người tứ xứ họp lại. Những mái tranh xiêu vẹo, những con đường cát bay mù mịt mỗi độ mùa gío về, hay thỉnh thoảng có một chiếc ô tô chở rác chạy qua. Lẫn trong cát, bay lượn trong không là những mảnh rác như những chiếc diều không dây. Trong cái hỗn độn ấy, chao lượn bên đời lại có một con bé, nó không có cả cha, không có cả mẹ. Nghe người ta kể thì nó hình như bị thất lạc gia đình từ cái trại tập trung Phú Thọ nào đó, nơi mà hàng ngàn cái lều bạt mọc lên giữa một cánh đồng cỏ xác xơ. Mọi cái lều đều giống nhau. Những cái giống nhau này là nguyên nhân cho nhiều sự thất lạc đau lòng. Bố mẹ nuôi nó đưa nó theo về đây. Nó cũng lầm lũi với cái bóng của nó. Nó ít nói đến độ nhiều người không biết tưởng nó câm. 
 Có một buổi chiều, ở một góc con đường có đám sơn đông mãi võ không biết từ đâu tới, đánh trống liên hồi, biểu diễn nhào lộn và lại có một con khỉ biết đi xe đạp một bánh diễn trò. Người lớn, người bé kéo nhau tới xem họ làm xiếc. Anh rủ con bé cùng chạy lại xem.  Những đứa nhỏ khoái chí vỗ tay reo hò mỗi khi con khỉ nhảy lên xe chạy vòng vòng. Con khỉ mặc áo màu đỏ, đội cái nón phớt…trông quá đẹp trai. Thấy thiên hạ vỗ tay ào ào, con khỉ dường như cũng dương dương tự đắc, đưa tay gãi bụng kêu chét chét. Nó còn biết bưng cái mẹt thuốc hườn tán đi loanh quanh để bán. Có đứa trẻ nghịch ngợm bỏ những cục đá vào cái mẹt, con khỉ nó khôn thật, bình tĩnh bỏ mẹt thuốc xuống nhặt đá ra rồi lại đi tiếp. Ai cũng trầm trồ khen ngợi, riêng con bé vẫn im thin thít, chỉ dõi mắt nhìn, không tỏ vẻ gì hứng thú. Anh nhìn trộm con bé thấy nao nao. Anh kéo con bé rời xa gánh xiếc, đi về một ngọn đồi vắng cuối xóm. Anh hì hục xếp những cục đá. Anh xây nhà. Con bé thì cứ ngồi bệt dưới đất, lấy tay vẽ lên cát. Thấy con bé không có vẻ thích trò chơi xây nhà, anh liền bỏ dở công trình tiến lại gần con bé. Anh cũng ngồi xuống: “ cậu vẽ gì đấy”. “Vẽ cậu đấy…”. Con bé cười. Lần đầu tiên anh thấy nó cười. Anh cũng cười theo:” Vẽ tớ sao …xấu quá vậy?”…” Ừa…Thì cậu xấu thật đấy mà “. Nụ cười chợt tắt trên môi anh. Con bé nhìn anh ra vẻ ái ngại, nhưng nó không nói gì chỉ lấy tay xoá đi cái hình trên cát. Hai đứa dắt nhau về. Trên đường về hai đứa cùng im lặng.
Thôi tớ về đây. Con bé mở miệng.
Vào nhà tớ chơi một chút đi.
Thôi …sợ mẹ cậu lắm..
Sợ gì…mẹ tớ hiền lắm, với lại mẹ không có ở nhà, mẹ đi làm.
Anh nắm tay con bé kéo vào ngõ:” vào đây tớ cho xem …”. Hai đứa bước vào nhà. Con bé hỏi “ cho xem gì vậy?”. Anh chỉ lên tường, nơi anh xếp hai bức tranh … Con bé reo lên:” ôi …đẹp, đẹp quá, mà cậu vẽ …gì vậy?”. Anh tía lia giải thích nào là mẹ vẽ tớ, tớ vẽ mẹ ….Con bé buồn xa vắng: “ Tớ chả còn nhớ mẹ thế nào để mà vẽ. Thỉnh thoảng mẹ hiện về trong giấc ngủ. Mẹ đẹp như bà tiên. Khi thức dậy tớ lại chẳng nhớ được …”. Có một giọt nước mắt long lanh trong đôi mắt, con bé rưng rưng. Anh nắm hai bàn tay nó bóp nhẹ, nỗi buồn chia nhau. Và buổi chiều rơi nhẹ nhàng sau lũy tre xanh bìa làng.
Trong xóm con bé chỉ chơi thân với một mình anh. Chơi thân đến độ bọn trẻ cắp đôi anh với con bé. Kệ đứa nào muốn nói gì thì nói, con bé bảo vậy. Hai đứa cùng nhau cắp sách tới trường. Ngôi trường làng ba gian trống trải gío lùa, dăm hàng bàn ghế không thứ tự, vài ba chục mái đầu chụm lại ê a. Giờ ra chơi chia nhau đi hái những chùm hoa dại. Mấy đứa con trai rủ nhau bắn bi, những đứa con gái tụm lại đánh chuyền, chơi ô quan, quần áo dính lem đất cát. Anh với con bé thường cùng nhau lội xuống con suối nhỏ sau trường, đùa nước và bắt những con ốc nhỏ li ti…Dòng nước mát như ủi an vết trầy xước và như sợi dây vô hình ràng buộc những bàn chân, tạo cảm giác dịu êm đủ quên ngày nắng cháy. Và cứ như thế ngày tháng trôi đi biền biệt. 
 Học hết lớp 5 thì hai đứa cùng nghỉ học. Con bé theo mẹ nuôi ra chơ phụ tập tành bán hàng, còn anh theo mẹ vác cuốc ra đồng, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Hai đứa giờ ít còn dịp gặp nhau, không còn dịp chơi chung. Những góc đường, ngọn đồi trọc hay con suối sau trường chỉ còn là những kỷ niệm của những ngày tháng…mới đây mà tưởng chừng xa lắm. Hôm đám cưới chị của anh. Anh nắm một nắm xôi gấc mang tới nhà cho con bé. Con bé cảm động rung rung đôi tay ngại ngùng. Anh bảo con bé “ chừng nào cậu lấy chồng cũng nhớ cho tớ một nắm xôi nhá”. Con bé thẹn thùng không nói.
Chị đi lấy chồng, mẹ thêm cực nhọc và buồn hơn rất nhiều. Chị lấy chồng xa đâu mãi miệt Vũng Tàu, một năm mới có dịp về thăm mẹ một lần. Mẹ bảo nuôi vịt trời đành chịu vậy chớ biết sao. Căn nhà vắng vẻ hơn khi con vịt trời bay đi tìm tổ mới. Anh cũng thấy một chút cô quạnh  khi mỗi ngày vác cuốc hẩm hiu lên nương, xuống rẫy…
Một hôm trời mưa từ chập sáng, không thể ra đồng. Mẹ ngồi khâu lại cái khuy áo cho anh, dáng mẹ gầy, da mẹ  xạm nắng. Đôi lúc thấy mẹ thừ người ra, ngừng khâu, nhìn xa, mẹ thở dài. Anh sơ nhìn cái hình ảnh này lắm. Ở nhà nhìn mưa rơi nghe trống vắng lạ thường. Anh lại ngồi bên mẹ “ con đi ra ngoài một chút nha mẹ”. “Mưa gío mà đi đâu chứ”. “Con đi lội mưa …ngồi ôm cột nhà chán quá mẹ ạ.”. Mẹ nhìn anh với ánh mắt thông cảm. Mẹ biết anh đã bước vào tuổi biết vui biết buồn rồi. Anh mười lăm, mười sáu rồi còn gì …”. Mẹ nhìn theo anh trìu mến khi anh khoác chiếc áo tơi, đội nón bước ra ngoài. Anh đi về hướng chợ. Chợ trời mưa chẳng có người. Con bé ngồi bó gối trên sạp ngủ gà, ngủ gật. Anh đứng nhìn con bé thật lâu. Không biết con bé ngủ có mơ không mà thấy môi con bé cười nụ …Anh nhẹ nhàng bước tới, tằng hắng. Con bé giật mình tròn xoe đôi mắt ngỡ ngàng:
 Trời mưa mà…
Ừ… thì mưa mới có thì giờ mà ra đây.
Bộ cần mua gì cho mẹ ….
Không…Ra đây chơi thôi.
Có khùng không đó…
Anh ngồi xuống sạp mân mê mấy trái chanh. Những trái chanh xanh tươi còn cuống lá. Mùi lá chanh dịu vợi trong lòng. Mùi lá chanh thay hương bồ kết thoang thoảng thinh không. Mái tóc con bé mượt mà, có vài sợi lòa xoà trên má. Anh chợt nhìn con bé đăm chiêu:” Ước gì mẹ tớ cũng có cái sạp ở cạnh đây”. Con bé ngây thơ hỏi “bộ muốn bán hàng ở đây hả?”. Ừa. “ Tính bán gì? Đừng bán giống cái hàng của nhà tớ nha…”. “Không …Có thể chẳng cần bán gì cả, chỉ cần có cái sạp…”. Ủa …Để làm chi vậy? “Thì để ngồi chơi thôi.”. “ Rảnh quá heng!”. Hai đứa ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện gà, chuyện vịt cho đến khi trời dứt mưa, anh từ gĩa con bé lững thững ra về. Biết đến bao giờ anh mới có nổi một cái sạp cạnh kề con bé. Một ước mơ cao quá tầm tay.

*

Ngày vẫn tiếp ngày. Đêm cứ vần quay. Mặt trời vẫn mọc lên mỗi buổi sáng. Trăng vẫn ló dạng đúng hẹn những đêm khuya. Anh và con bé vẫn tiếp tục những công việc thường ngày, cho tới một đêm. Một đêm trời như xập xuống. Bão lửa cuồng phong từ đâu ập tới. Đổi đời, người ta bảo vậy. Đó là đêm 27 tháng tư  1975, đêm  mà hàng nghìn viên đạn đại bác và hoả tiễn nổ rầm trời trên cái thị trấn bé nhỏ. Những đường đạn rít ngang, dọc trên đầu anh, trên đầu con bé và những người dân hiền lành, ngày đêm chỉ biết cặm cụi lo kiếm ăn khó nhọc. Những lằn đạn rú lên nỗi kinh hoàng, nhà cháy, người chết, tiếng rên la thảm thiết. Đoàn người lũ lượt kéo nhau đi trong đêm. Mẹ và anh cũng chỉ kịp vơ vội một ít quần áo và chạy theo đoàn người. Những viên đạn từ đâu dường như nó cứ đuổi theo bà con xóm anh. Một tiếng ầm, hai tiếng ầm…rồi những thân người bị hất tung lên. Đoàn người vẫn  kéo nhau đi, khi nằm xuống, khi đứng lên chạy tuỳ theo nhịp điệu tiếng hú của đạn. Những trái hoả châu chiếu sáng yếu ớt. Anh dớn dác nhìn ngược nhìn xuôi, cố tìm xem con bé chạy ở chỗ nào, nhưng chỉ thấy mù tăm. Xóm anh những đám lửa bùng lên cùng tiếng nổ lách tách của những thân tre và mái rạ. Đoàn người cứ tiếp tục kéo nhau băng qua những cánh đồng khô cỏ cháy. Có một đám đông bu quanh một phụ nữ trẻ. Anh nghĩ rằng chắc cô ta bị thương, nhưng không, người đàn bà ấy lại đau bụng đẻ ngay vào lúc này và đứa trẻ đã được sinh ra trong cảnh hỗn loạn tột cùng cuả xóm làng. Sau đó  nó được mẹ đặt tên là Đồng…vì đẻ rớt ngoài đồng.
Lúc tờ mờ sáng, đoàn người đã tới được xa lộ Biên Hoà – Sài Gòn, nơi gần ngã tư Thủ Đức, sau khi cùng nhau lội qua một khúc sông, quần áo ai cũng sũng nước. Anh chạy tứ tung đi tìm con bé, bỏ quên mẹ với đoàn người. Mẹ không trách anh. Mẹ chỉ thở dài với bao nhiêu mệt mỏi lo âu. Mẹ bây giờ lại lo cho con gái. Không biết bây giờ nó ở đâu. Miệt Vũng Tàu thế nào, có yên không? Khi anh trở lại, thấy mẹ ôm mặt khóc rấm rứt. Anh chết sững với nỗi đau đầu đời. Anh ngồi xuống, quàng tay qua lưng mẹ. Những cơn mưa nhẹ thỉnh thoảng ào về, hoà với những dòng nước mắt âm thầm của đoàn người lũ lượt kéo nhau đi lên từ hướng Biên Hoà, nào xe máy cày, nào xe đạp thồ, gồng gánh …Người ta đi như trẩy hội buồn. Một hội buồn ray rứt khôn cùng. Người ta đi như những chiếc  bóng không hồn, âm thầm, lì lợm, kiên nhẫn. Anh lấy nón che mưa cho mẹ, còn riêng mình anh ngửa mặt lên trời hứng giọt mưa bay, nhớ con bé. 
 Những ngày dài sâu hoắm như vô tâm đang đâm rách những mảng đời vốn đã chẳng vuông tròn của người dân xóm nhỏ. Những ngày nằm vật vờ bên lề đường xa lộ như kẻ lữ hành không nơi đến, vô định, chẳng biết về đâu. Ngày 28/4 qua đi, ngày 29 …trôi đi trên những hình ảnh khủng khiếp, những xác chết la liệt bên lề đường, những thây người nằm úp mặt, những chiếc xe ngã đổ chổng kềnh, có  người mất đầu, cụt tay nằm im lặng vắt ngang thành xe…Những đoàn người vẫn âm thầm ngày đêm nối đuôi nhau dài như một con rắn khổng lồ, lầm lì. Hình như chẳng ai còn màng tới sống hay chết. Họ đã kiệt cạn ý nghĩ, khô rỗng trong đầu,họ cứ đi trong lúc trời vẫn kéo dài cơn mưa nhỏ hạt buồn thấm da.
Ngày 30/4…
Anh nghe thấy người ta xì xào với nhau: “đầu hàng rồi, hết rồi…”. Có nhiều người xụt xùi, có nhiều người ngơ ngác. Người ta hỏi nhau ” bây giờ mình đi đâu?.”. Có người nói “ thì về nhà, chứ còn đi đâu …”. Có nhiều bà mẹ gìa đi thất thểu, lật từng xác chết để nhìn xem có phải con mình. Tiếng người ta gọi nhau ơi ới, giống như gom tàn… dân, rủ nhau cùng về quê. Mẹ con anh cũng theo đoàn người trở về con đường cũ. Con đường cũ giờ sao dài lê thê. Con đường vẫn còn nguyên dấu tích của một cuộc chạy loạn, chỗ kia vài cái nồi, chỗ nọ vài cái giỏ tung toé dăm bộ áo quần còn dính máu …Con đường về ngán ngẩm, bùi ngùi. Anh muốn chạy cho mau. Anh muốn gặp con bé…
Cuối cùng rồi cũng về tới nhà. Xóm nhỏ điêu tàn. Những đống tro, những cây cột cháy xém còn đứng bơ vơ. Đi ngang nhà con bé anh dừng lại, ngó vào. Một nửa căn nhà đã đổ nát, vắng bóng người. Không biết con bé giờ này ở đâu. Buổi chiều đang hắt những giọt nắng vàng. Vài anh bộ đội nón cối, dép râu nói bằng giọng bắc ngọng ngịu” bà con chạy đi đâu nàm gì. Ở nại nhà no nàm ăn. Cách mạng thành công dồi. Hoà bình dồi…”.
Bước vào nhà, mẹ nằm vật ra giường, khóc gọi Tú Bình ơi, con đang ở đâu? Mẹ đòi đi bộ xuống Vũng Tàu tìm chị. Anh thì tựa cửa nhìn ra xa bồn chồn, nhưng không biết đi đâu để tìm con bé.
Mẹ à! Đừng lo lắng quá. Chị còn có anh rể lo mà. Họ ở gần biển…Có thể đã xuống tàu ra khơi. Biết đâu giờ này đã tới Mỹ quốc rồi cũng nên…
Một anh bộ đội vào xin cho tiểu đội anh đóng quân nhờ trong nhà. Mẹ anh từ chối” Tôi mẹ goá, con côi, các anh …à không, các…đồng chí ở e rằng không tiện …”
Anh bộ đội cười lộ hai hàm răng ưỡn ra “không sao…không sao, goá, con côi…hì hì…càng tốt. Bộ đội sẽ có dịp gíup đỡ gia đình những công việc nặt vặt. Chúng tôi nà bộ đội nhân rân mà, do rân mà da…”. 
 Và họ kéo vào ở trong nhà anh. Họ bảo anh cũng nên tham gia vào bộ đội để gìn giữ quê hương. Họ luôn miệng ca hát. Những bài hát nghe lạ tai, giọng cao the thé…Đôi khi họ làm ồn quá, hai mẹ con ra đứng ngoài sân, nắng đổ xuống trải dài hai cái bóng. Hai cái bóng gãy khúc chỗ hiên nhà.
Có ngày anh ra chợ ngồi lì trên sạp của con bé cả ngày, nghe có người nói “ gia đình con bé bị một chiếc  T54 cán bẹp nhép khi xe bộ đội lạ đường chạy lung tung vào Sài gòn. Người ta bảo chính mắt họ nhìn thấy. Tim anh đau nhói, chân tay rụng rời. Nhưng cũng có người nói họ đã thấy gia đình con bé xuống chiếc tàu lớn ở bến Bạch Đằng ngày 29 tháng 4. Anh thầm cầu nguyện” xin ơn trên ban phước lành”.
Ngày nào cũng vài lần anh đi ngang nhà con bé trông chừng xem có ai về không, nhưng đã cả tháng nay rồi, ngôi nhà vẫn nằm cô đơn vắng vẻ. Có lúc anh bước vào ngồi ở đầu hè, hai tay chống cằm, nước mắt chảy nghe mặn trên môi.
Rồi mẹ con anh lại trở về với nương khoai, rẫy bắp. Người trước, người sau bước thấp bước cao trên cánh đồng cằn cỗi. Cuộc sống lại thiếu hụt quanh năm.
Lê Du Miên

Xem Tiếp: ----