Quốc vương Xạ Đẩu ra quân đã mươi hôm nay mà chưa có tin tức về. Vương phi Mị Ê ở trong cung lúc nào cũng bồn chồn lo lắng không yên. Quân Đại Cồ Việt hai mặt thủy bộ rầm rộ tiến vào đất Chiêm, tình hình quá nghiêm trọng buộc lòng đức vua phải thân hành ra trận. Mặc dầu quân Chiêm lúc bấy giờ rất hùng mạnh nhưng vương phi làm sao khỏi lo sợ được? Người Việt đang ở cái thế tức nước vỡ bờ. Lâu nay nước Chiêm đã đoạn giao với Đại Cồ Việt. Tình hình biên giới Việt Chiêm luôn luôn căng thẳng. Người lính biên giới thường phải canh tuần lao nhọc, sống cực khổ thiếu thốn, thiếu tình cảm gia đình, luôn mang tâm trạng bị đày ải nên dễ sinh bất mãn. Nếu không có sự kiểm soát, giáo dục nghiêm chỉnh, hễ có dịp, họ sẽ dễ dàng gây tội lỗi như cướp của, giết người... Dĩ nhiên, những người dân biên giới đối phương phải gánh chịu những tai ương đó trước hết. Đó là một trong những đầu mối khoét lớn hố sâu mâu thuẫn giữa hai dân tộc! Với tầm suy nghĩ thô thiển, bị che ám bởi lòng bất mãn. kiêu mạn, người lính đâu tưởng tượng được những hậu quả có thể xảy ra cho đất nước bởi những hành động của mình. Mị Ê đã bao lần khuyên vua Xạ Đẩu ra lệnh ngăn cấm việc quấy phá biên cương các nước láng diềng vì đó không phải là chính sách tốt, nhưng tiếc rằng nhà vua không để ý. Nghe đâu lần này lại chính vua Đại Cồ Việt ngự giá thân chinh nữa, chuyện đâu phải tầm thường! Liệu quốc vương có đuổi được quân Việt về bên kia biên giới không? Nếu không đuổi được thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nữa? Kinh đô Phật Thệ sẽ ra sao? Dân Chiêm sẽ thế nào? Đã mấy lần nước Chiêm gánh chịu những trận đòn thù của người Việt mà họ vẫn cứ quên phứt đi... Những câu hỏi đó cứ quần trong đầu óc làm Mị Ê phải mất ăn mất ngủ. Buổi sáng ấy vương phi Mị Ê đang dạo vườn thượng uyển ngắm hoa để giải tỏa bớt sự căng thẳng trong đầu nàng. Thình lình một viên lại ở cung quốc vương hớt hơ hớt hãi chạy thẳng đến trước mặt phi quì xuống thưa: - Bẩm vương phi, triều đình vừa nhận được tin đại quân của quốc vương đã tan vỡ, đang phải rút lui trong sự hỗn loạn. Xin vương phi trở về định liệu ứng phó với những bất trắc có thể xảy ra. Vương phi Mị Ê nghe qua hoảng hốt hỏi dồn dập: - Thật thế ư? Ngươi có nghe nói quốc vương người có sao không? Hãy lập tức gọi người đưa tin vào đây cho ta thăm hỏi! Viên lại lật đật đi ra. Đối với triều đình và dân chúng nước Chiêm, mặc dầu Mị Ê chỉ là một vị vương phi ở chốn cung cấm, ít khi xuất hiện bên ngoài, nhưng nàng lại có một quyền uy vô hình đối với họ. Nàng được trời phú cho một vẻ đẹp vừa thanh cao vừa huyền hoặc, não nùng có khả năng thu hút được sự sùng kính của mọi người. Chính những người đồng phái cũng phải mê thích chiêm ngưỡng dung nhan nàng. Trước khi trở thành vương phi của vua Xạ Đẩu, nàng đã là thần tượng, là niềm ước mơ của nhiều vị văn thần võ tướng trong triều. Người nào cũng sẵn sàng tuân lệnh nàng và có thể sẵn sàng chết vì nàng. Ngoài sắc đẹp, Mị Ê còn là một con người cao thượng, biết sống theo đạo lý, có đầu óc suy xét và luôn luôn hướng về việc phải. Danh tiếng nàng trỗi hẳn ngay trong giới quí tộc như con phượng hoàng đứng giữa đàn quạ. Hầu hết dân Chiêm mỗi khi nhắc tới nàng đều hết sức dè đặt, kính cẩn. Chỉ một sai lầm nhỏ khi đề cập tới nàng cũng khiến họ áy náy, coi như một sự xúc phạm. Quốc vương Xạ Đẩu quí trọng nàng không phải chỉ vì sắc, vì nết mà còn vì sự thông minh bén nhạy bẩm sinh của nàng nữa. Viên lại được sai đi chưa kịp trở về thì một viên lại khác mặt xanh như tàu lá, mồ hôi nhễ nhãi đến quì trước mặt phi thưa: - Bẩm vương phi, tin mới nhất cho biết quốc vương đã bị tướng Quách Gia Dĩ giết và cắt đầu ngài đem dâng nộp cho giặc rồi! Hiện nay quân Đại Cồ Việt đang ồ ạt tiến về Phật Thệ. Chúng đang tàn sát quân dân ta hết sức dã man. Thừa tướng và bá quan đang hỗn loạn chạy trốn, xin vương phi phải rời khỏi kinh thành ngay mới được! Vương phi khóc òa lên: - Trời ơi! Quách Gia Dĩ giết quốc vương rồi ư? Phải chăng bởi vì ta? Quốc vương đã chết ta lẽ nào ham sống mà chạy đi đâu nữa! Thôi, ta nhất định ở lại, dù phải lọt vào tay giặc. Ta phải chuộc tội với quốc vương và toàn dân Chiêm. Ta phải liều mình mà ngăn chận quân giặc may ra dân Chiêm đỡ bị tàn sát. Dù chết ta cũng cam đành! Rồi nàng lau nước mắt, trở lại thái độ bình tĩnh lạ thường. Vương phi đứng nhìn cảnh quân dân Chiêm lũ lượt tay xách đầu đội của cải đua nhau chạy trốn trong sự hỗn loạn mà thở dài. Một số quan viên cùng binh lính, một số cung nhân, tì nữ vì quá thương quí vương phi, bỏ nàng mà chạy không đành. Họ xúm quanh nàng thúc giục: - Xin nương nương rời khỏi kinh thành ngay lập tức. Để giặc đến rồi thì vàng thau khó phân, chúng sẽ giết hoặc làm nhục mình, khi ấy có hối cũng muộn mất! Vương phi nhìn mọi người một lượt rồi nói: - Ai sợ thì cứ việc đi, ta không cấm cản. Nhưng riêng ta thề chết ở chỗ này chứ không đi đâu hết. Ta không muốn giặc khinh người Chiêm ta đều là một lũ ham sống sợ chết, không có ai biết trọng danh tiết. Mị Nga, một tì nữ trung thành với nàng quì xuống nài nỉ: - Bẩm nương nương, nương nương ở lại cho chúng giết thì được lợi ích gì? Nếu không may chúng lại cố tình làm nhục nữa thì làm thế nào? Xin nương nương xét lại! Vương phi nói giọng cương quyết: - Chúng có thể giết ta nhưng nhất định chúng không bao giờ làm nhục ta được! Ta đã nói ta ở lại còn có một chủ đích khác nữa. Ta tự thấy mình có trách nhiệm phải thuyết phục chúng may ra có thể làm giảm thiểu sự chết chóc cho đồng bào mình!Thấy một người đàn bà bình tĩnh, chủ động được bản thân như thế, một số quan viên, binh lính cảm thấy hổ thẹn rồi cũng tự trấn tĩnh được phần nào. Số người này vốn rất sùng kính, tin phục nàng. Họ biết rõ cái giá trị đạo đức cao trọng cũng như cái nhan sắc vô song của nàng. Bây giờ họ rất hi vọng cái nghi biểu bẩm sinh và tài ăn nói khéo léo của nàng có thể thuyết phục được những tướng soái của giặc. Nhờ sự tin tưởng đó, những người còn lại bớt nhốn nháo, ai về phương vị nấy, tránh khỏi nạn thương vong vì cảnh chà đạp nhau tháo chạy trong sự hỗn loạn. Trong thành lúc bấy giờ chỉ còn lưa thưa một số quan lại, một ít lính tráng can đảm và hầu hết cung nhân tì nữ cùng một số dân chúng trung thành với hoàng gia và tin tưởng vào sự che chở của vương phi Mị Ê. Vương phi cho người thay nhau canh chừng cổng thành, hễ thấy giặc tới thì báo ngay cho nàng biết để nàng xử trí. ° Sáng hôm sau quân Đại Cồ Việt tới. Thành Phật Thệ đã bỏ ngõ. Viên tướng tiên phong và đám lính Việt đằng đằng sát khí đang tiến vào cổng thành bỗng kinh ngạc gặp ngay một người đàn bà đẹp như tiên giáng đứng chắn ngay giữa lối vào. Quả thật là một nàng tiên! Người đâu mà đẹp đến thế? Đoàn quân chiến thắng tự nhiên cảm thấy ngập ngừng, lúng túng, hoang mang. Chung quanh đấy hoàn toàn im vắng đến dễ sợ! Người đàn bà lạ lùng khoát tay làm một cử chỉ như truyền lệnh: - Các ngươi hãy ngừng lại! Mặc dầu rất ít người hiểu tiếng Chiêm nhưng cả đoàn quân tự nhiên choáng váng, sững sờ, răm rắp ngừng lại. Sau chốc lát, một viên tướng Đại Cồ Việt thông thạo tiếng Chiêm tiến lên: - Nàng là ai? Sao dám cản trở quân ta? - Hãy cho ta gặp vị chủ soái ta sẽ nói chuyện! Giọng nói lanh lảnh của phi như có một uy lực ghê gớm. Viên tướng tiên phong vẫn dừng quân và lập tức cho người trở lại trung quân xin lệnh. Vua Lý Thái Tôn thấy chuyện lạ liền thân hành cỡi ngựa đến. Thấy mặt vương phi, vua Thái Tôn cũng lặng người. - Tây Thi, Bao Tự tái sinh đây chăng? Nhất tiếu khuynh nhân thành! Tái tiếu khuynh nhân quốc! (Cười lần đầu nghiêng thành người, Cười lần thứ hai nghiêng nước người). Tìm cả nước Việt ta cũng khó ra được một người như thế! - nhà vua nhủ thầm. Nhìn phong cách con người và chiếc hoàng bào khoác trên thân, vương phi đoán ngay ra người đang ở trước mặt mình là ai. Nàng vội quì xuống trước mặt nhà vua cất giọng thống thiết: - Thần thiếp là Mị Ê, vương phi của nước Chiêm Thành bại vong, xin ra mắt Thánh thượng! Ôi, sắc đẹp mê hồn, giọng nói ngọt ngào và đau thương làm sao! Vua Thái Tôn cảm thấy lòng mình rúng động. Ngài im lặng nhìn vương phi một chốc rồi ôn tồn nói: - Khanh đừng sợ hãi! Có điều gì muốn trình bày trẫm cho phép cứ nói! Vương phi lau nước mắt rồi thưa: - Đa tạ Thánh thượng tha cho tội chết. Vua của thiếp không giữ nghiêm lệnh để dân ở biên cảnh quấy phá thượng quốc đã làm cho thượng quốc phải nổi giận. Bây giờ vua thiếp cũng như những kẻ càn dở ở biên giới đều đã bị đền tội rồi. Thiếp nghe rằng đấng tạo hóa vốn hiếu sinh! Việc tàn hại sinh linh không phải là sở nguyện của bậc thánh nhân. Xin Thánh thượng mở lòng đại lượng ngăn cấm đừng cho quân lính giết hại bừa bãi dân Chiêm vô tội nữa thì toàn dân Chiêm của thần thiếp đội ơn vô cùng! Trước đây, người Chiêm hiếu động đã quấy nhiễu dân Việt quá nhiều làm nhà vua hết sức tức giận. Dọc biên giới và cả ven biển nữa, người Chiêm luôn xuất hiện bất ngờ để cướp, giết, đốt phá nhà cửa dân Việt không gớm tay. Quân Việt kéo đến thì họ rút chạy, quân Việt kéo về thì họ lại xuất hiện như chơi trò cút bắt. Những toán lính lẻ tẻ của triều đình Đại Cồ Việt không thể nào bảo vệ được dân chúng ở biên giới. Sơ suất một chút là họ liền bị người Chiêm diệt gọn. Triều đình Đại Cồ Việt đã chịu tổn hại không biết bao nhiêu nhân lực, tài lực đáng kể mà không sao trừ được cái tai họa ấy. Chuyến ra quân này triều đình đã có chủ trương làm cho người Chiêm kinh khiếp mà chừa. Vua Thái Tôn đã để mặc cho quan quân tự do hành động, không hề nương tay với bất cứ tên giặc nào. Phải nói là quân Việt ra trận lần này họ đã dồn tất cả hận thù lên đầu mũi giáo của họ. Trong đầu óc đơn giản thuần phác của những người lính thì hành động của họ chỉ để lấy lại sự công bằng... Vẻ đẹp não nùng cùng giọng van lơn thê thiết của người đàn bà như một thùng nước lạnh giội lên niềm kiêu hãnh nóng hổi của ông vua đang chiến thắng kẻ thù một cách vẻ vang. Kẻ thù giờ đây đã hoàn toàn ngã quị. Trong lòng vua Thái Tôn chợt trỗi lên một niềm thương xót, ân hận sâu xa. Những kẻ gây ra tội lỗi đã đền tội hoặc trốn thoát cả rồi. Còn lại trước mắt chỉ là lớp dân cùng ngu ngơ vô tội! Chém giết những kẻ ấy chỉ thêm tổn đức, chỉ gây thêm thù oán chứ đâu giải quyết được gì! Nghĩ như thế, vua Thái Tôn lập tức ra lệnh giới nghiêm: "Người Chiêm đã bị bại trận toàn diện. Sự giết chóc, đốt phá trả thù không cần thiết nữa. Từ giờ phút này, những ai còn giết dân Chiêm hoặc đốt phá, hôi của bừa bãi đều phải xử chém!" Nhờ lệnh này, rất nhiều dân Chiêm đã khỏi bị chết oan thêm. Vua Thái Tôn vào hoàng thành Phật Thệ, quân lính không còn giết choc, phá phách nên dân Chiêm cũng bớt đi bao nỗi hãi hùng. Sợ vương phi Mị Ê bị chấn động căng thẳng tinh thần, vua Thái Tôn cho nàng trở về cung cũ an dưỡng cho hoàn hồn. Kế đó, vua cho gọi Quách Gia Dĩ đến nói: - Theo ông, nếu trẫm rút quân về, những đám tàn quân Chiêm chạy trốn kia có đủ sức tập trung lại để làm những việc hung hãn như trước không? Ông có cách gì để họ chuyển hóa tâm tính không? Chuyện trừng phạt chém giết là việc bất đắc dĩ chứ bậc thánh quân không ai muốn làm. Ông suy nghĩ cho kỹ rồi cho trẫm hay! Quách Gia Dĩ không một chút ngập ngừng, thưa: - Nếu Thánh thượng tin tưởng mà giao trọn quyền cho hạ thần, hạ thần có thể thi hành việc đó được! Vua Thái Tôn đã suy nghĩ nhiều về việc này. Quân Đại Cồ Việt chưa đủ sức chiếm đóng nước Chiêm vì cần tăng cường trấn giữ phương Bắc đang bị nhà Tống đe dọa. Ngài thấy Quách Gia Dĩ là tướng Chiêm có thế lực đã phục tùng Đại Cồ Việt nên muốn mượn sức ông ta để trấn an nước Chiêm. Ngài muốn ra ơn và trao trách nhiệm trọng đại ấy cho ông ta nên gợi ý như thế. Nhưng sự trả lời quá sốt sắng, nhanh nhẹn và đầy tự tin của Quách Gia Dĩ làm ngài đâm lo ngại. Quách Gia Dĩ quả là người có nhiều tham vọng, giao phó việc lớn có khi sẽ phải ân hận. Tuy thế, ngài vẫn tiếp tục thăm dò: - Nếu gánh vác trách nhiệm đó ông có cần ai phụ tá không? - Tâu Thánh thượng, nếu Thánh thượng tha tội thần mới dám xin! Vua Thái Tôn có vẻ ngạc nhiên hỏi lại: - Việc đề cử người để trị dân là việc chung sao ông khiêm nhường thế? Hay là người ông muốn đề cử có vấn đề gì? - Tâu Thánh thượng, đây là trường hợp đặc biệt. Thần muốn đề cử một người đàn bà mà toàn dân Chiêm đều ngưỡng phục. Nếu Thánh thượng cho người ấy giúp thần thì nước Chiêm sẽ yên ổn và trở thành phên giậu vững chắc cho thượng quốc. Vua Thái Tôn nghe qua đã đoán ra nguời ấy là ai rồi. À, hóa ra tên hàng thần này có ý đồ ngông nghênh đến thế sao? Biết đâu Xạ Đẩu đã chết vì người đàn bà ấy? Điều này dễ hiểu quá, vì chính nhà vua lần đầu gặp nàng ngài đã thấy tâm thần mê mẩn ngay. Nhưng thể diện của đấng quân vương đại quốc đã khiến nhà vua tự kiềm chế được mình. Ngài cho rằng kiến trong miệng chén có bò đi đâu, thế mà tên hàng thần nghĩ tới điều đó thì quả là nó láo thật! Làm như vô tâm, ngài hỏi tiếp: - Người đàn bà đó là ai mà có khả năng dường ấy? - Tâu Thánh thượng, đó là vương phi Mị Ê! Vua Thái Tôn làm ra vẻ ngạc nhiên: - Trẫm nghĩ nước Chiêm còn nhiều văn thần võ tướng danh tiếng sao không chọn mà lại chọn một người đàn bà? Ông hãy nói cho trẫm biết sơ qua về người đàn bà ấy được không? - Tâu Thánh thượng, Mị Ê là một người đàn bà nhan sắc bình thường nhưng có trí xét đoán cao hơn người. Vì Xạ Đẩu chỉ là một tên hôn quân chứ nếu ông ta biết nghe lời bà ấy thì đâu có gây hấn với thượng quốc làm gì để đến nỗi rước họa vào thân! Quách Gia Dĩ hoàn toàn không nói gì tới quá khứ của vương phi Mị Ê. Vua Thái Tôn gật gật đầu rồi cười: - Được, để trẫm suy nghĩ kỹ rồi quyết định việc này... ° Sau khi được vua Thái Tôn cho phép, vương phi Mị Ê trở về cung thất mình với tâm tư rối bời. Nàng quá đau đớn vì cái chết của vua Xạ Đẩu. Càng đau đớn, nàng càng oán hận tên phản tướng Quách Gia Dĩ. Một thời dĩ vãng đau thương sống dậy trong trí nàng. Thuở nhỏ, gia đình Mị Ê sống ở một miền thôn dã với nghề nương rẫy. Khi mười lăm tuổi, Mị Ê đã xinh đẹp như một đóa lan rừng. Một hôm, trong lúc cha mẹ nàng ra rẫy cả, Mị Ê đang cho đàn gia cầm ăn thì một chàng trai trẻ chừng mười tám, dáng vẻ phong lưu tuấn tú, ghé nhà nàng xin nước uống. Nhân trong nhà có sẵn trái dưa hấu chín, Mị Ê xẽ ra đãi khách. Khách cho biết anh là Chế Nộn, một chàng thợ săn ở cách nhà nàng vài rặng núi. Từ đó, mỗi khi đi săn qua vùng này, Chế Nộn vẫn hay ghé nhà Mị Ê uống nước. Hai người dần quen thân rồi phải lòng nhau. Nhưng phong tục Chiêm, với chế độ mẫu hệ, con gái phải trên mười sáu tuổi mới được phép "đi hỏi chồng" nên họ chưa thể tính chuyện tương lai. Hai gia đình đang vui vẻ đợi ngày tác hợp cho hai trẻ thì một biến cố xảy đến. Triều đình Chiêm xuống lệnh cho các địa phương tuyển mộ phu dịch để xây đắp thành Phật Thệ và thành Đồ Bàn. Chàng trai Chế Nộn thiếu chỗ dựa nên bị ghi tên trong số phu dịch ấy. Triều đình cho người về tận các địa phương để tiếp nhận họ. Ngày phu dịch lên đường, quan sở tại địa phương của chàng tổ chức một buổi tiễn đưa khá trọng thể. Mị Ê cũng như một số bạn bè, cùng các gia đình có người thân ra đi khác đến dự rất đông. Không may cho Mị Ê, trong dịp này cái nhan sắc mê hồn của nàng đã bị nhiều viên chức văn võ lưu ý. Cuối cùng thì viên quan đại diện cho triều đình tìm cách độc chiếm lấy nàng. Viên quan đó chính là Quách Gia Dĩ. Từ đó Quách Gia Dĩ không ngừng dùng thế lực khuyên nhủ, thương thuyết hoặc đe dọa đủ điều với mục đích chiếm đoạt cho được nàng. Nhưng cái tướng phản phúc, cái vẻ cú vọ của Quách Gia Dĩ làm sao chinh phục được lòng nàng tiên Mị Ê! Thất vọng, Quách Gia Dĩ đã tàn nhẫn hành động để dằn mặt cảnh cáo nàng. Chế Nộn - người yêu của nàng - đã chết một cách không minh bạch vì tai nạn trong khi đắp thành. Người ta đoán biết thủ phạm nhưng không ai làm gì được. Mối tình đầu của nàng sơn nữ đã kết thúc trong đau thương... Nói nước Chiêm theo chế độ mẫu hệ, người ta vẫn có thể nghĩ người đàn bà trên quyền người đàn ông. Điều đó có thật, nhưng chỉ ở trong phạm vi gia đình. Người mẹ quyết định mọi chuyện trong nhà, con cái theo họ mẹ, gia tài ưu tiên cho con gái út... Nhưng việc quốc gia xã hội vẫn đều nằm trong tay đàn ông hết. Vua quan đều có quyền có thê thiếp như bất cứ ở một quốc gia nào theo chế độ phụ hệ. Ranh giới quyền hành rạch ròi như vậy. Quách Gia Dĩ vẫn một mực không buông tha Mị Ê khiến cả nhà nàng lo bấn lên. Gia đình Mị Ê chỉ còn biết tìm cách trốn đi chốn khác. May thay, giữa lúc ấy thì có lệnh nhà vua tuyển chọn cung tần mỹ nữ. Gia đình Mị Ê liền liều lĩnh cho nàng xuất hiện ứng thí. Khi vua Xạ Đẩu cho rước nàng làm vương phi thì Quách Gia Dĩ đành nuốt hận. Tuy chưa nguôi về mối tình đầu, nhưng Mị Ê rất yêu thương, hết lòng phụng sự vua Xạ Đẩu. Vua Xạ Đẩu chính là người ơn đã cứu vớt gia đình nàng cùng bản thân nàng thoát khỏi cảnh đau khổ tuyệt vọng. Trong thời gian sống ở hoàng cung, Mị Ê được vua Xạ Đẩu cho người dạy dỗ để mở mang kiến thức, trau dồi đức hạnh, chữ nghĩa. Nhờ bẩm sinh thông minh, Mị Ê dễ dàng tiếp thu những điều học hỏi và tiến bộ vượt bậc. Nào ngờ giờ đây, Quách Gia Dĩ đã lợi dụng lúc vua Xạ Đẩu bị bại binh thất thế, hạ sát ngài đem thủ cấp dâng vua Đại Cồ Việt. Mị Ê càng thù hận càng khinh ghét hắn. Nàng nhất định tìm cơ hội để báo thù cho người yêu, cho chồng... Trong bước đầu tiếp xúc với vua Đại Cồ Việt, nàng đã đem lại thành công to lớn. Nhờ sự lên tiếng can thiệp của nàng, người Việt đã ngừng chém giết người Chiêm. Nhưng nàng cũng có chút thắc mắc về vị vua nước Đại Cồ Việt. Nàng thường nghe nói bất cứ ông vua nào cũng háo sắc, và nàng cũng tự biết mình có một nhan sắc siêu phàm, sao vị vua Đại Cồ Việt kia tỏ ra bình thản trước nàng đến thế? Nếu nhà vua có lòng sắt đá thật, nàng e ngại kế hoạch trả thù của nàng khó thành. Nếu không mượn được sức vua Đại Cồ Việt thì còn ai làm gì được tên phản thần kia? Mấy ngày sau vua ra lệnh chuẩn bị ban sư. Vua cho mang theo về 30 con voi, 5.000 tù hàng binh Chiêm Thành. Trong số đó có vương phi Mị Ê và một số vũ nữ. Mị Ê nhận thấy đây là dịp nàng có thể trả thù, nếu không kịp kẻ thù sẽ vuột mất. Thế là nàng khẩn khoản xin phép được gặp vua Thái Tôn. Thật ra, dù Lý Thái Tôn là vị vua hữu đạo, ngài cũng không thể không động lòng trước sắc đẹp nghiêng thành của Mị Ê được. Nhưng nhà vua vẫn cố giữ thể trước mắt ba quân và cả với phía người Chiêm Thành. Mặt khác, chính nhà vua còn e dè, vị nể trước người kỳ nữ nước Chiêm. Cho nên, khi được giai nhân xin ra mắt, ngài rất mừng. Vua ưng thuận cho vời nàng đến, ân cần hỏi: - Vương phi muốn gặp trẫm có việc gì? Vương phi chuyển làn sóng mắt giọt dài giọt ngắn: - Người đàn bà góa hèn mọn này là vợ kẻ có tội, may được Thánh thượng tha chết cho nên xin được nói lên vài điều hơn thiệt để đền đáp ơn sâu. Xin Thánh thượng cao minh soi xét. Nếu thần thiếp nói gì có sai sót, xin Thánh thượng đừng bắt tội! Vua Thái Tôn vui vẻ nói: - Vương phi cứ nói, dẫu có sai trẫm cũng không bắt tội đâu! Nhưng trẫm tin rằng vương phi đã nói ra thì khó mà sai được! Trẫm đang nôn nóng nghe những lời vàng ngọc của vương phi đây! Thì ra nhà vua cũng biết tán người đẹp chẳng khác mọi người. Vương phi cũng cảm thấy lòng vui vui một chút. Nàng lại thưa: - Đội ơn Thánh thượng đã cho phép thần thiếp nói lên những suy nghĩ của mình. Thần thiếp trộm nghe Thánh thượng định giao cho Quách Gia Dĩ làm Giám Quốc nước Chiêm, nếu điều đó là đúng, thiếp xin can gián! - Vương phi có thể cho trẫm biết lý do không? - Tâu Thánh thượng, Quách Gia Dĩ chỉ là một tên vũ phu tâm địa bất chính. Hắn giết vua Xạ Đẩu và đầu hàng Thánh thượng chẳng qua là thủ đoạn để nhắm tới cái ngai vàng nước Chiêm mà thôi. Người Chiêm đâu có mấy ai chịu phục tùng hắn! Chắc chắn hắn sẽ thất bại trong vai trò Giám Quốc. Trong lòng dân chúng, hắn chỉ là kẻ bán chúa cầu vinh. Thần thiếp tin chắc một bậc thánh quân không thể nào dung tha được một tên bất nhân bất nghĩa như thế. Xin Hoàng thượng trừng trị thật nặng nề kẻ ấy để làm gương cho những kẻ xấu khác! Vua Thái Tôn nhìn vương phi với nụ cười có chiều lơi lả: - Vương phi nên biết rằng, chính nhờ Quách Gia Dĩ mà trẫm bình định nước Chiêm nhanh chóng. Nếu bây giờ trẫm phụ ơn hắn thì về sau ai dám đầu hàng ta? Chính hắn đã đề nghị xin cho vương phi phụ tá hắn trong việc cai trị nước Chiêm. Nhưng để một kẻ sắc nước hương trời phải gánh vác công việc cực khổ như thế trẫm không đành lòng. Vì thế, trẫm mới quyết định rước vương phi theo về chung hưởng phú quí cùng trẫm đấy! Mị Ê nước mắt ràn rụa thưa: - Thánh thượng là người nhân đức mà lại chịu dùng một kẻ bất lương giết vua bán nước như vậy e rằng không khỏi bị thiên hạ chê cười. Hắn giết chồng thần thiếp tức hắn là kẻ thù của thần thiếp. Thế mà hắn đòi dùng thần thiếp thì rõ ràng là cố ý lợi dụng ti tiện mà thôi. Đó cũng là điều hắn dối gạt Thánh thượng vậy! Thánh thượng dùng hắn chẳng khác gì nuôi cọp, một mai hắn đủ móng vuốt, biết đâu Thánh thượng chẳng phải hối hận! - Nhưng trẫm đã hứa lỡ mà nay cải lời e thất tín với thiên hạ chăng? - Thánh thượng sợ thất tín mà lại đi dùng một kẻ thất tín, thiếp e mâu thuẫn quá đi chăng? Quách Gia Dĩ giết vua là bội tín với vua, cõng rắn cắn gà nhà tức là bội tín với dân với nước, người Chiêm chắc chắn không phục hắn. Hễ Thánh thượng bước chân rời khỏi đất Chiêm chắc chắn họ sẽ đua nhau nổi dậy. Loạn lạc xảy ra thì dân lành lại chịu khốn đốn, như thế đức nhân của Thánh thượng làm sao tránh khỏi tổn hại? Thiếp trộm nghĩ, Thánh thượng nên lựa chọn một người trong hoàng tộc Chiêm được lòng dân để giao phó việc cai trị thì mới yên được. Còn tên phản thần kia, hãy hài tội mà giết phứt đi để răn đe những kẻ bất trung, phản quốc. Đó là thượng sách vậy! Vua Thái Tôn nhíu mày suy nghĩ. Trước đây nhà vua thật tình nghĩ đến chuyện dùng Quách Gia Dĩ. Nhưng khi ngài mới ớm ý trao trách nhiệm cầm quyền nước Chiêm cho y, Quách Gia Dĩ liền tỏ vẻ quá sốt sắng làm vua không vui. Nhất là việc Quách Gia Dĩ đòi hỏi vương phi Mị Ê làm người cộng sự thì vua Thái Tôn càng mất lòng. Bây giờ lại nghe vương phi Mị Ê phân tích vấn để, vua càng muốn đổi ý. Thấy nhà vua có vẻ đắn đo, vương phi thắt thêm một câu: - Thánh thượng đoái thương thần thiếp, muốn đem thần thiếp về chung hưởng phú quí, thần thiếp rất đội ơn. Nhưng đồng thời, Thánh thượng lại muốn ban quyền cao chức trọng cho kẻ thù không đội trời chung của thần thiếp, tức là khơi thêm mối hận của thần thiếp, như thế thần thiếp vui sống sao nổi? Thôi, thiếp xin tự sát cho trọn tiết! Tính mạng của Quách Gia Dĩ đã nằm gọn trong câu nói này của giai nhân! Vua Thái Tôn cho người triệu Quách Gia Dĩ đến. Quách Gia Dĩ đang hồi hộp không biết vua Thái Tôn quyết định thế nào về đề nghị của mình, nghe được gọi, ông vội vàng đến ngay. Ông ta hi vọng dẫu sao cũng có thể vớ được ngai vàng và nếu vớ được cả mỹ nhân nữa càng tốt. Ông trịnh trọng đến trước mặt vua Thái Tôn quì tâu: - Thánh thượng đòi hạ thần đến chắc có việc dạy bảo! Vua Thái Tôn nghiêm giọng nói: - Việc trị dân rất khó, phép nước không nghiêm thì tất loạn. Nếu sau này ngươi cầm quyền rồi, đối với những tên nghịch tặc bất trung ngươi sẽ xử lý như thế nào? Quách Gia Dĩ hơi ngập ngừng rồi thưa: - Hạ thần sẽ xử theo luật nước. - Thế theo luật nước Chiêm phản vua hại nước sẽ xử làm sao? - Xử tru di ba họ! - Vậy ngươi có thấy rằng chính ngươi đã phạm tội ấy không? Quách Gia Dĩ giật bắn người. Ông hiểu ngay rằng đã có sự thay đổi trong lòng vị vua chiến thắng. Chính trong lòng ông cũng thường tùy thời mà có những sự thay đổi đột ngột như thế. Ý nghĩ ban đầu để ông phản bội vua Xạ Đẩu chính là để lập công với kẻ thù để cứu sống bản thân chứ chưa có nghĩ đến chuyện nàng Mị Ê. Bây giờ thì ông biết mình khó có thể thoát nạn. Ông hối hận rằng mình đã quá tham lam. Nếu ông không đề cập đến nàng Mị Ê, chưa chắc ông đã lâm vào tình trạng này. Ông cất giọng run run: - Nhưng Xạ Đẩu là tên hôn quân bạo chúa, tâu Thánh thượng. Hạ thần làm việc ấy chẳng qua là vì quyền lợi của quân dân hai nước Việt Chiêm mà thôi. Cúi xin Thánh thượng nghĩ đến cái công của hạ thần mà cho hạ thần trở về sống cảnh vườn rẫy! Bậc thánh quân là một người thông minh sáng suốt trong việc trị nước, nhưng về mặt tình cảm yêu thương, ham muốn thì cũng chỉ như mọi người. Vua Thái Tôn cũng muốn làm cho người đẹp vui lòng! Nhất là sau những ngày lao tâm khổ trí lo quân vụ, bây giờ mọi sự đã được như ý, trong trạng thái vô cùng thoải mái ấy, tinh thần hưởng thụ lại dậy lên ngun ngút trong ngài. Ngài phải chiếm trọn tình cảm của người đẹp. Ngài cũng biết dân Chiêm không mấy ưa Quách Gia Dĩ, một người đã thực sự phản bội vua của họ, vậy thì tiếc gì mà không làm một công hai việc? Giết tên phản thần này vừa được lòng một số dân Chiêm, vừa che đậy được lòng riêng của ngài: tạo được ơn nghĩa với nàng vương phi mất nước! Vua Thái Tôn phán: - Phép nước không phải của riêng ai. Việt hay Chiêm cũng không khác nhau mấy, trẫm phải lấy công bằng mà xử. Tuy thế, vì ngươi là kẻ có công với Đại Cồ Việt, trẫm miễn trừ cho việc giết ba họ mà chỉ xử một mình ngươi! Thế là Quách Gia Dĩ bị đem chém bêu đầu để răn những kẻ phản vua hại nước. ° Trên đường về nước, vua Thái Tôn đêm ngày cứ mơ màng đến bóng sắc mỹ nhân. Đến hạt Hà Nam, trên sông Châu Giang, nhà vua không còn dằn được nữa, cho người đòi Mị Ê sang chầu. Mị Ê xin chờ một lúc để nàng sửa soạn. Vào khoang thuyền riêng, Mị Ê gọi nàng hầu thân tín đến mà nói: - Mị Nga, trên đời này có lẽ em là người hiểu rõ nỗi khổ của ta nhất. Ngày xưa ta đã từng thề nguyện sống chết với Chế Nộn. Nhưng khi chàng bị giết, ta vì sợ kẻ thù hại đến gia đình, không dám chết theo. Tuy vậy, ta không ân hận lắm khi về với vua Xạ Đẩu. Vua Xạ Đẩu ngoài ơn cứu vớt gia đình ta, ngài còn có ơn khai hóa giáo dục cho ta nữa. Nhưng rồi vua Xạ Đẩu cũng bị hại bởi chính kẻ thù ấy. Ta còn mặt mũi nào để chịu thất tiết thêm một lần nữa? Sở dĩ ta chưa dám tự quyết vì còn muốn mượn sức vua Việt để trừ cho được kẻ thù. Nay việc đã hoàn thành, ta đành xin vĩnh biệt em vậy! Nhờ em chuyển lại với hoàng đế Đại Cồ Việt những lời tâm huyết này giúp ta. Viên quan hầu của vua đợi mãi không thấy nàng ra sinh nghi hỏi riết. Sau cùng ông mới biết trong khoang thuyền chỉ còn nàng nữ tì Mị Nga. Người nữ tì cho biết Mị Ê đã trầm mình xuống sông. Mị Ê đã dặn nàng tâu lại với vua Thái Tôn câu nói của nàng: Nàng là vợ quốc vương Xạ Đẩu. Quốc vương Xạ Đẩu đã chết, theo tục Chiêm, nàng cũng phải chết cho tròn tiết. Vua Thái Tôn nghe qua có vẻ giận nhưng rồi ngài khen: - Đáng tiếc một vị vương phi đẹp cả người lẫn nết không ai sánh kịp. Thật là một tiết phụ đáng kính. Ta không ngờ nước Chiêm lại có được một người đàn bà cao đẹp như thế! Người Việt ta cũng nên noi theo gương này! Thế rồi vua cho thợ lặn xuống nước tìm xác. Khi cái xác được đem lên người ta mới biết Mị Ê đã quấn mình trong một cái chăn để lăn xuống sông. Hai tay nàng vẫn nắm chặt hai đầu chéo chăn giữ cho chăn khỏi bung ra. Dân chúng địa phương nghe chuyện tới coi rất đông. Ai nấy đều vô cùng thương tiếc, khen ngợi. Họ xin phép vua được chôn nàng gần bờ sông Châu Giang thuộc phủ Lý Nhân. Sau đó dân chúng kêu gọi nhau đóng góp để lập nên một ngôi đền thờ cho vị vương phi tiết liệt này ở gần đó, gọi là "Đền Tiết Phụ". Ngô Viết Trọng