Chương 14

Thu tàn. Không còn lá vàng rơi. Cơn gió lạnh từ miền bắc về làm xạc xào đám lá khô chết và cuốn vào góc sân của công viên nằm dọc theo bờ sông. Duyên ngồi im trên băng gỗ nhìn ra giữa sông. Mặt nước bốc mù hơi sương. Gió từ dưới sông thốc lên khiến nàng phải co người lại vì cảm thấy lạnh. Tiếng con gái đang chơi đùa với bà ngoại vọng lại văng vẳng. Nàng cảm thấy cô đơn và trơ trọi. Sống nơi xứ người, ở một thành phố nhỏ ít có người đồng hương khiến cho nàng hiểu được niềm đau buồn của một kẻ ly hương. Biến cố 30 tháng 4 như một vết chém đứt rời những liên hệ với người thân yêu. Cho tới bây giờ nàng cũng không hiểu được tại sao mình lại ra đi. Nàng ra đi vì hốt hoảng hay vì một lý do thầm kín nào đó. Dường như trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn nàng nghe tiếng Quát hối thúc nàng phải rời bỏ quê hương. Thế là ngày 30, nàng ẵm con, dắt mẹ già cùng với cô bạn hàng xóm đi xuống bến Bạch Đằng, theo làn sóng người dạt về kho 5 rồi may mắn có được chỗ ngồi trên chiếc tàu tị nạn ra khơi. Từ đó nàng chảy theo dòng đời của một người tị nạn cộng sản. Ngày tháng lê thê trong trại Fort Chaffee và cuối cùng nàng được một nhà thờ bảo trợ về thành phố nhỏ và thưa thớt dân cư. Dân chúng ở đây hiền lành và tử tế. Thương cảnh mẹ góa con côi lại thêm mẹ già nên nhà thờ giúp đỡ tận tình. Họ mướn cho nàng một căn nhà hai phòng ngủ. Họ mua cho nàng chiếc xe để đi làm. Họ đưa nàng vào làm thư ký trong một hãng sản xuất máy móc như tủ lạnh, bếp điện và các thứ khác. Mãi sau này nàng mới biết vị giám đốc là người của nhà thờ và chính ông ta đã thu nhận nàng vào làm việc.
Đời sống vật chất tạm yên ổn thời nhu cầu về tinh thần trở thành cấp bách hơn. Những đêm ngủ không yên. Những giờ trằn trọc. Phút trở trăn. Kỹ niệm lãng đãng trở về theo cơn gió lất lây từ miệt rừng núi xa xôi làm nàng co ro lạnh. Hình ảnh của Quát hiện ra. Quát đã đi ra khỏi cuộc đời nàng từ lâu lắm rồi, những bảy năm về trước; nhưng hình bóng của Quát vẫn còn ở hoài hoài trong tâm hồn của nàng. Nàng thấy Quát trong giờ dạy học. Nàng cảm thấy Quát ngồi với mình trên xích lô. Nàng nghe tiếng anh cười ở nhà. Ở đâu nàng cũng thấy, cũng nghe và cũng có cảm tưởng người tình xưa đang ở bên cạnh mình. Điều đó dễ hiểu bởi vì đứa con gái mà nàng sinh ra giống hệt Quát. Để kỹ niệm những ngày hạnh phúc bên Quát nàng đặt tên đứa con gái là Tân  Uyên. Nội cái chuyện đặt tên cho con nàng cũng phải tranh đấu quyết liệt và dai dẳng với chồng và gia đình bên chồng mới đặt được tên nó là Tân Uyên. Lý do thầm kín khiến cho nàng muốn con gái mang tên Tân Uyên vì nó là kết quả mối tình tuyệt vời giữa nàng với Quát. Lý do quan trọng hơn hết là nàng, chỉ có một mình nàng biết nó là con của Quát. Lấy chồng được tám tháng thời bé Tân Uyên ra đời. Nếu nó là kết quả của tình yêu thời nó cũng là nguyên nhân chính làm tan vỡ cuộc hôn nhân giữa nàng với Trân. Tân Uyên giống Quát như hệt. Giống từ khuôn mặt, đôi mắt, cái miệng. Nụ cười. Nếu Quát và Uyên đi ra đường thời người ta sẽ nói đó là cha con. Nó không có một chút gì giống Trân hết mặc dù trên giấy khai sinh nó là con của anh. Trân nghi ngờ, thắc mắc, hạch hỏi rồi cuối cùng đay nghiến nàng mỗi ngày vì Tân Uyên. Mẹ chồng, em chồng thời dè bỉu, nhiếc mắng, xỏ xiên nàng khi thấy mặt Uyên. Duyên hiểu cái lỗi lầm của mình nên cắn răng chịu đựng không một lời thở than dù ngay cả với những người thân yêu nhất. Đời sống vợ chồng giữa nàng với Trân ngày càng trở nên tồi tệ vì một lý do khác. Nàng không có con. Không biết là nàng không thể có con hay là Trân không thể có con. Chỉ biết là hai vợ chồng không có con với nhau. Cuối cùng Trân và nàng đi tới một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Anh đi đường anh tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thể thôi... Nàng ôm con gái trở về sống với cha mẹ mặc cho dư luận dèm pha. Nàng bất cần dư luận. Nàng làm ngơ lời chê bai của hàng xóm và họ hàng. Lần này nàng nhất quyết đạp trên dư luận để sống theo ý của mình. Cũng vì dư luận, cũng vì cái tiếng cô giáo học trò mà nàng đã làm lỡ cuộc tình và mất người yêu. Bây giờ nàng được tự do, được quyền sống để chờ Quát, chờ người lính chiến trở về với mình. Nàng không muốn đi tìm Quát dù biết nếu tìm gặp và năn nỉ Quát sẽ trở về với mình. Nàng tự ái. Nàng nghĩ tình yêu không thể đi kèm với sự van xin hay lòng thương hại. Do đó nàng kiên nhẫn chờ đợi dù mỗi ngày soi gương thấy mình già đi một chút. Nàng già mà người tình xưa đi biền biệt chưa về. Bây giờ ngồi đây, bên cạnh dòng sông xa lạ nàng biết hi vọng gặp lại Quát quá mong manh và xa vời. Hằng đêm nàng khóc thầm. Nàng cầu nguyện. Cầu nguyện ai cũng được. Trời. Phật. Chúa. Thánh. Thần. Trả Quát về cho nàng. Nhưng ngày qua ngày Quát chỉ là hình bóng trong trí tưởng, trong kỹ niệm u hoài của một thời ở Tân Uyên xa xăm khuất nẻo.
- Má ơi...
Tân Uyên bá vai mẹ. Duyên quay lại cười với con gái.
- Má ơi con khát nước...
- Ngoại đâu rồi...
- Dạ ngoại ở đằng kia...
 
Tân Uyên đưa tay chỉ về chỗ cầu tuột. Đứng lên Duyên nắm tay con đi về phía chiếc xích đu.
- Má lạnh hôn má?
Duyên hỏi và má của nàng cười trả lời.
- Sắp tối rồi. Mình đi về đi con...
- Dạ... Con đi mua cho con Uyên ly nước rồi mình đi về...
 
Lát sau nàng trở lại với ly nước cam. Gia đình ba người thủ thỉ trò chuyện. Đợi cho con uống nước xong Duyên đứng lên. Ngước nhìn bầu trời xám đục và giăng sương mù nàng lẩm bẩm trong trí.
 
- Quát ơi... Cô nhớ Quát...