Chương 9
LONG PHỤNG KỲ DUYÊN

Giải pháp tìm hoàng hậu cho Phổ Nghi được cả Thuần Thân Vương, thân phụ của Phổ Nghi, và các mẫu hậu đồng ý như là một giải pháp hữu hiệu nhất, để hoá giải sự chán nản của tuổi dậy thì, cũng như đáp ứng nhu cầu về tình dục của Phổ Nghi.
Tuy nhiên việc nhân duyên của Phổ Nghi đã bị nhiều biến cố bất ngờ làm trì hoãn vài năm. Các mẫu hậu là những người quan tâm đến vấn đề tìm hoàng hậu cho Phổ Nghi nhất. Đầu năm thứ mười của nền cộng hòa, tức là năm 1921, khi Phổ Nghi được 15 tuổi, thì các mẫu hậu đã cho mời Thuần Thân Vương và khoảng mười vị thân vương khác vào Cấm Thành để hỏi ý kiến, nhưng phải hai năm sau việc hôn nhân của Phổ Nghi mới thành tựu. Trước hết vì cái chết của mẫu hậu Chương Hà, và sau đó là vụ tự tử của chính thân mẫu của Phổ Nghi. Lý do thứ hai là các sư phụ của Phổ Nghi khuyên Phổ Nghi nên hoãn việc hôn nhân vì tình hình chính trị bất ổn. Lý do thứ ba quan trọng hơn là sự tranh chấp giữa các mẫu hậu về việc chọn vợ cho Phổ Nghi
Hai mẫu hậu có quyền thế nhất là Đoan Khang và Thanh Di thì muốn chọn hoàng hậu là người của phe mình. Thực ra hai mẫu hậu này quan tâm đến việc chọn vợ cho Phổ Nghi không phải vì thương yêu Phổ Nghi, hoặc yêu thích người hoàng hậu tương lai, mà vì lo cho địa vị tương lai của chính họ. Thanh Di là thứ phi của hoàng đế Đồng Trị, và bà không bao giờ quên rằng Tư Hi Thái Hậu đã viết di chúc, bắt Phổ Nghi làm thừa kế của vua Đồng Trị, nghĩa là Phổ Nghi phải được coi như là con của bà. Từ Hi cũng cho phép Phổ Nghi được coi là con của vua Quang Tự nữa. Như vậy Phổ Nghi phải là con của Thanh Di và Thanh Di phải có nhiều quyền hạn hơn các mẫu hậu khác.
Nhưng khi Viên Thế Khải nắm quyền nhiếp chính, đã can dự vào việc nội bộ trong Cấm Thành, khi chỉ định mẫu hậu Đoan Khang được quyền cai quản bên trong Cấm Thành. Vì thế mẫu hậu Thanh Di cảm thấy không được kính trọng đúng mức, và chúc thư của Từ Hi không được áp dụng. Do đó Thanh Di và Đoan Khang thù nghịch nhau. Người mà Đoan Khang chọn cho Phổ Nghi thì Thanh Di chê, trong khi Đoan Khang không chấp nhận người Thanh Di vừa ý.
Hai người chú của Phổ Nghi cũng bất đồng ý về việc chọn lựa này. Cuối cùng mọi người quyết định phải để Phổ Nghi tự mình chọn lấy. Trong các triều vua trước, việc chọn hoàng hậu cho vua được thực hiện như sau: các con gái đẹp của các nhà quý tộc hoặc đại thần được đưa vào cung, và đứng xếp hàng trình diện nhà vua, và ông vua kén vợ sẽ tự mình chọn lấy một người. Nhà vua sẽ đưa một kỷ vật cho cô gái mà nhà vua ưng ý. Kỷ vật đó có thể là một cây nấm bằng ngọc, hoặc nhà vua đặt một cái túi nhỏ vào cây trâm của người con gái ưng ý.
Nhưng vào thời Phổ Nghi, người ta nghĩ rằng bắt các cô gái con nhà quyền quý phải đứng sắp hàng như thế thì thật là bất tiện. Người ta nghĩ ra một kiểu kén vợ mới là chỉ gởi hình của các tiểu thư đủ tư cách làm hoàng hậu cho Phổ Nghi. Bốn tấm hình của bốn cô gái được coi là đẹp nhất, được chuyển đến điện Dưỡng Tâm để Phổ Nghi chọn lựa. Nhưng đối với Phổ Nghi thì hình bốn cô gái này rất giống nhau. Hơn nữa hình quá mờ và quá nhỏ nên không thể biết rõ được vẻ đẹp của người trong ảnh. Phổ Nghi cũng không quan tâm đến việc lấy vợ, nên dùng bút chì khoanh đại một vòng tròn trên một tấm hình mà Phổ Nghi coi là khá nhất.
Người con gái đó thuộc một gia đình quý tộc Mãn Châu tên là Văn Tú. Văn Tú kém Phổ Nghi ba tuổi, nghĩa là lúc đó mới có mười hai tuổi. Nhưng Văn Tú là người do mẫu hậu Thanh Di chọn, nên mẫu hậu Đoan Khang rất bất mãn sự chọn lựa của Phổ Nghi. Bà sai triệu tập các thân vương và các đại thần lại để khuyến dụ Phổ Nghi chọn lại, và phải chọn người của Đoan Khang. Thanh Di phản kháng sự phi lý của Đoan Khang, nhưng bà thất bại. Đoan Khang lý luận rằng Văn Tú xuất thân từ một gia đình tầm thường và không đẹp lắm, trong khi người của bà chọn vừa giàu có, vừa có thế lực lớn và đẹp hơn Văn Tú nhiều. Người mà Đoan Khang chọn là Uyển Dung và bằng tuổi Phổ Nghi. Phổ Nghi phải nghe theo lời của các thân vương và các đại thần, và khoanh một vòng tròn trên hình của Uyển Dung.
Mẫu hậu Đoan Khang rất đẹp lòng, nhưng sự lựa chọn lần thứ hai này đã khiến mẫu hậu Thanh Di rất phẫn nộ. Sau nhiều cuộc bàn cãi gay go sôi nổi giữa các mẫu hậu và thân vương, mẫu hậu thứ ba còn lại là Long Hội đã đưa ý kiến: “Vì hoàng đế đã khoanh vòng tròn chọn Văn Tú rồi thì Văn Tú sẽ không thể kết hôn với bất cứ một thần dân nào khác được. Bởi vậy hoàng đế nên chọn Văn Tú làm thứ phi.” Phổ Nghi không muốn và không cần lấy vợ vì bệnh đồng tính luyến ái, nay phải lấy đến hai vợ thì hơi nhiều và khá phiền lòng. Nhưng vì áp lực của các thân vương và các quan, Phổ Nghi đành phải chấp nhận kết duyên với cả Uyển Dung và Văn Tú, cho đúng với truyền thống “một hoàng đế phải có hoàng hậu và một thứ phi.”
Tuy thế cũng phải mất một năm nữa hôn lễ mới cử hành được, một phần vì cuộc nội chiến của các sứ quân tại Phụng Thiên đã khiến hôn lễ phãi hoãn tới ngày 1 tháng 12 năm 1922. Lúc đó chính phủ cộng hòa đã có tân tổng thống. Lê Nguyên Hồng được bầu làm tổng thống thay thế Từ Thế Xương, và hoàng gia rất lo sợ tân tổng thống sẽ can dự vào việc hôn nhân của Phổ Nghi. Nhưng chính phủ cộng hòa tỏ ra rất ủng hộ việc hôn nhân nhiều hơn là hoàng gia trong Cấm Thành mong đợi. Một lá thư của bộ trưởng Tài chánh cho biết chính phủ sẽ chuyển cho hoàng gia một số tiền một trăm ngàn quan, để giúp triều đình chi phí cho hôn lễ. Quân đội cộng hoà và cảnh sát tình nguyện đứng ra bảo vệ an ninh để cho hôn lễ thêm phần long trọng. Hơn nữa chính phủ cộng hòa còn cho phép khiêng kiệu Phượng Hoàng chở cô dâu  được dùng cửa Đông Môn vào Cấm Thành.  Từ lâu chính phủ cộng hoà đã không cho nhà Thanh được phép sử dụng cửa Đông Môn để đi vào Cấm Thành.
Hôn lễ được cử hành trong năm ngày. Ngày 29 tháng 11, các đồ dùng và quần áo của Uyển Dung và Văn Tú được chuyển trước vào cung. Thời gian  khoảng từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều là giờ dành riêng cho Uyển Dung, và từ 1 giờ đến 3 giờ là của Văn Tú. Ngày 1 tháng 12, từ 3 đến 5 giờ sáng là lễ đón dâu, và ngày hôm sau là lễ tạ ơn các vị tiên đế. Ngày 3 tháng 12, hoàng đế sẽ tiếp nhận lời chúc mừng  của các thân vương Mãn Châu và Mông Cổ, các quan lại và các cựu thần tại điện Quang Thiên. Sau đó là các nghi lễ tặng quà cho hoàng hậu, thăng chức cho các mẫu hậu và ban các tước hiệu danh dự cho các thân vương và đại thần, trong khi đó các đoàn hát trình diễn nhiều vở tuồng liên tiếp trong ba ngày. Có một chi tiết mà Johnston rất ngạc nhiên là thứ phi Văn Tú được rước vào cung trước hoàng hậu Uyển Dung một ngày. Thực ra đây là một nghi lễ cần thiết, vì thứ phi phải vào cung trước, để ngày hôm sau sẽ đứng đầu các đàn bà trong Cấm Thành đón tiếp hoàng hậu, khi hoàng hậu vào cung lần đầu.
Thái độ của chính quyền cộng hoà đối với hôn lễ của Phổ Nghi cũng đáng ngạc nhiên. Các nghi lễ đã làm sống lại sự huy hoàng của thời vua chúa, đặc biệt là các thân vương ăn mặc phẩm phục triều đình, các đám rước có quân nhạc dẫn đầu có quân đội và cảnh sát cưỡi ngựa hộ tống. Đoàn rước dâu do hai thân vương đại diện đi đầu, theo sau có 72 cờ huy hiệu hoàng gia, cờ long phụng và ba mươi cặp đèn lồng, tiến đến dinh thự của gia đình hoàng hậu. Tại trước dinh thự của gia đình hoàng hậu, một đại đội binh sĩ và cảnh sát đứng canh gác và bảo vệ cho gia đình cô dâu. Tất cả thân phụ và anh em của hoàng hậu đứng chờ sẵn ngoài cửa, và đồng loạt quỳ gối đón chào hai thân vương có nhiệm vụ tới đón dâu, đem theo chiếu chỉ của triều đình.
Những món lễ vật đắt giá của các viên chức cao cấp trong chính phủ được người ta chú ý nhất. Tổng thống Lê Nguyên Hồng gửi thiệp hồng và gọi Phổ Nghi là Tuyên Thống hoàng đế. Tặng vật của Lê Nguyên Hồng gồm có nhiều đồ quý hiếm và cầu chúc Phổ Nghi được hưởng Phúc Lộc Thọ. Cựu tổng thống Từ Thế Xương tặng hai chục ngàn quan và nhiều đồ quý giá, như hai mươi tám bộ đồ sứ, một tấm thảm tuyệt đẹp thêu hình long phụng. Nhiều sứ quân như Trương Tác Lâm và Ngô Bội Phu cũng gửi quà tặng. Tôn Văn lúc đó ở miền Nam đang mải lo lắng củng cố lại chính thể cộng hòa, trong một tình trạnh chính trị hỗn loạn vô chính phủ, và rất lo lắng khi thấy quần chúng vẫn còn hoài niệm và trung thành với chế độ quân chủ. Cho tới lúc chết, Tôn Văn vẫn chưa thực hiện được hoài bão thành lập một nước Trung Hoa Dân Quốc thống nhất và đi theo Tam Dân Chủ Nghĩa của ông. Ngay vị đại diện chính phủ cộng hoà khi gặp Phổ Nghi để chúc mừng hôn lễ, đã trịnh trọng chúc mừng Phổ Nghi như một vị nguyên thủ ngoại quốc, rồi ngay sau đó ông ta cúi đầu và nói: “Vừa rồi hạ thần đại diện cho chính phủ cộng hoà. Bây giờ kẻ thần dân này xin kính mừng Đức Kim Thượng.” Nói xong ông ta quỳ gối xuống ba lần và khấu đầu chín lần trước mặt Phổ Nghi. Hành động của một nhân vật quan trọng trong chính phủ cộng hoà quỳ lạy ông vua trẻ, đã làm Phổ Nghi và triều đình phấn khởi. Những món tặng vật tuy quý giá, nhưng không đáng kể so với hành động của phe cộng hoà. Những hành động ấy cho thấy Phổ Nghi có thể hy vọng một viễn tượng sáng sủa.
Nhân dịp này các cựu thần nhà Thanh cũng xuất hiện tại Bắc Kinh rất đông đảo, đem theo rất nhiều tiền bạc và quý vật tặng cho triều đình. Các nhân vật thuộc ngoại giao đoàn cũng được mời vào Cấm Thành tham dự lễ tiếp tân tại điện Quang Thiên. Trong dịp này Phổ Quang đọc một lời chào mừng ngắn bằng Anh Ngữ như sau:
“Hôm nay chúng ta đã có hân hạnh được gặp gỡ thật nhiều quý khách từ khắp nơi trên thế giới. Ta, Hoàng đế, cảm thấy vinh hạnh và ta cám ơn tất cả quý vị đã tới đây và chúc quý vị sức khoẻ và may mắn.”
Trong giữa sự ồn ào náo nhiệt và huy hoàng của buổi hôn lễ, Phổ Nghi vẫn tự hỏi: “Bây giờ ta đã có một hoàng hậu và một thứ phi rồi và ta đã có gia đình, vậy thì sự khác biệt giữa bây giờ và trước kia là gì? Phải chăng ta đã đến tuổi trưởng thành. Nếu không có cuộc cách mạng Tân Hợi thì nay là lúc ta có thể bắt đầu cai trị mà không cần nhiếp chính nữa.”
Phổ Nghi không hề quan tâm đến vấn đề vợ chồng hoặc trách nhiệm tạo dựng một gia đình. Mối quan tâm của một ông vua trẻ không quyền và có bệnh đồng tính luyến ái này là quyền hành của một hoàng đế, và việc khôi phục lại cơ đồ nhà Thanh. Nhưng khi kiệu Phượng Hoàng đưa Uyển Dung vào cung, thì Phổ Nghi cũng tò mò muốn lật tấm khăn che mặt của tân hoàng hậu lên, để xem mặt nàng như thế nào.
Đêm động phòng hoa chúc của Phổ Nghi và Uyển Dung tại điện Trần An không bình thường như các đêm động phòng bình thường khác. Căn phòng hợp cẩn rộng khoảng trên 10 thước vuông. Trong phòng không có nhiều đồ đạc, ngoài chiếc giường thực lớn chiếm một phần tư căn phòng. Tất cả đều mầu đỏ, từ màn cửa, đến nệm, gối, chăn và màn. Sau nghi lễ vén mạng che mặt hoàng hậu, uống rượu hợp cẩn và ăn bánh tượng trưng cho nhiều con cháu, Phổ Nghi và hoàng hậu cùng nhau bước vào căn phòng mầu đỏ. Phổ Nghi chợt cảm thấy ngột ngạt vì mầu đỏ, ngay cả hoa và mặt người cũng là mầu đỏ. Người Trung Hoa vẫn cho mầu đỏ là mầu của vui mừng hạnh phúc, nhưng Phổ Nghi có cảm tưởng là mầu đỏ chung quanh như một chất lỏng chảy ra từ những cây đèn sáp mầu đỏ vậy.
Phổ Nghi lung túng, không biết nên đứng hay nên ngồi. Uyển Dung vẫn ngồi bên mép giường, mặt cúi xuống e lệ. Bỗng nhiên Phổ Nghi cảm thấy nhớ nơi ở quen thuộc hàng ngày là điện Dưỡng Tâm. Lập tức Phổ Nghi mở cửa và quay trở lại điện Dưỡng Tâm, để mặc cô dâu mới ngồi trong phòng tân hôn một mình. Có lẽ đây là lần đầu Phổ Nghi nhận thức rằng, thái giám đã sờ mó mân mê Phổ Nghi từ lúc ba tuổi, và bây giờ các thái giám đã chiến thắng, đã biến Phổ Nghi thành một người như họ về tình dục. Đây là một chiến thắng tượng trưng cho số phận buồn thảm của họ, những người đàn ông không bao giờ được hưởng hạnh phúc tuyệt diệu ở người đàn bà. Bệnh đồng tính luyến ái còn là bệnh “chia đào” hoặc “cắt tay áo.” Đó là một điển tích từ thời Xuân Thu: một vị quân vương đi dạo trong vườn ngự uyển cùng với một người thái giám yêu quý. Nhà vua hái một trái đào, cắn một miếng và đưa phần còn lại của trái đào cho người thái giám trẻ. Một lần khác nhà vua ngủ trưa, khi tỉnh giấc nhà vua thấy người thái giám yêu quý đang ngủ, đầu gối lên tay áo nhà vua. Nhà vua không dám kéo tay áo, sợ phá giấc ngủ của “người yêu,” nên dùng kiếm cắt đứt tay áo trước khi đứng lên.
Ngay khi trở về điện Dưỡng Tâm, Phổ Nghi lại suy nghĩ: “Bây giờ ta đã có hoàng hậu và thứ phi. Ta đã có gia đình và đến tuổi trưởng thành rồi. Bây giờ có sự gì khác biệt gì không?” Phổ Nghi không hề quan tâm đến hoàng hậu Uyển Dung bị bỏ mặc một mình trong điện Trần An sẽ nghĩ gì, và cô gái nhỏ Văn Tú mới 14 tuổi đang nghĩ gì. Phổ Nghi hoàn toàn không quan tâm đến hai người con giá trẻ mà định mạng đã gắn họ với cuộc đời mình. Điều quan tâm của Phổ Nghi là quyền hành của hoàng đế. Khi đến tuổi trưởng thành được quyền cai trị hàng trăm triệu người, nỗi sầu buồn lớn nhất của ông vua trẻ này là không được hưởng quyền cai trị như các vị vua trước, chứ không nghĩ gì đến vấn đề trai gái trong đêm tân hôn.
Về phần Uyển Dung, nàng nhìn cuộc hôn nhân bằng một cái nhìn khác. Giống như những người con gái Mãn Châu quý tộc khác, nàng đã được sửa soạn từ tuổi thơ ấu để một ngày nào đó nàng có thể được tuyển vào cung. Đó là vinh dự cao quý nhất mà một hoàng đế Mãn Thanh có thể ban cho một người đàn bà Mãn Châu. Nàng vừa ngạc nhiên vừa sung sướng khi được tin nàng được chọn làm hoàng hậu. Nàng kể lại kinh nghiệm với một người bạn:
“Hôn lễ của tôi năm 1922 có lẽ là một hôn lễ hoàng hậu cuối cùng của người Mãn Châu. Tất cả đều được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ theo đúng nghi lễ đã có từ nhiều thế kỷ, để làm hôn lễ của thiên tử là một cảnh huy hoàng nhất trần gian. Mùi hương của hoa tỏa khắp nơi. Tất cả các thân vương đều tới tham dự, cùng với vợ con của họ. Mọi người đều mặc áo choàng, đeo ngọc ngà châu báu đầy mình. Tôi là cô dâu trong hôn lễ đó, và tôi vui thích lắm. Hồi nhỏ tôi đã được các nhũ mẫu kể cho nghe nhiều chuyện thần tiên. Hôn lễ của tôi cũng giống như một chuyện thần tiên đã thành sự thực. Tôi và hoàng đế sống một cuộc đời ẩn dật trong cung. Chúng tôi chiếm một phần của Cấm Thành. Có một cái hồ rất đẹp, về mùa hạ sen nở đầy, về mùa đông khi nước đóng băng lại, chúng tôi trượt tuyết trên đó, và về mùa thu và mùa xuân, chúng tôi chèo những con thuyền mầu tím trên hồ vào những buổi tối ấm áp. Chúng tôi giết thì giờ bằng cách soạn những vở tuồng. Tuy phải sống cấm cung như thế, nhưng chúng tôi coi là sự thường vì hoàng đế Mãn Thanh thường sống một cuộc đời như vậy.”
Có lẽ Uyển Dung cũng biết truyền thống “chia đào” và “cắt tay áo” trong cung cấm. Cảnh hoàng hậu phải nằm một mình trong đêm động phòng hoa chúc đã báo trước một cuộc sống lứa đôi lạnh lẽo giữa Phổ Nghi và Hòang hậu Uyển Dung, cũng như giữa Phổ Nghi và Thục Phi Văn Tú. Phổ Nghi, một con rồng đến tuổi trưởng thành, chỉ băn khoăn tìm tự do bên ngoài, và khôi phục lại quyền làm hoàng đế của mình. Trong lúc các phe phái chính trị chống đối lẫn nhau, Phổ Nghi biết rằng phe nào cũng quan tâm đến lá bài của mình. Bây giờ Phổ Nghi biết rằng mình là một đe dọa cho nền cộng hòa còn non yểu.