Năm 1942, quân đội Nhật Bản tại miền Bắc và miền Trung Trung Hoa mở ra một chiến dịch càn quét đại quy mô. Quân Nhật áp dụng chính sách “Tam Tuyệt,” nghĩa là đốt hết, giết hết và cướp hết, và biến các vùng ấy trở thành những nơi không có người ở. Yoshioka một lần kể cho Phổ Nghi nghe về những chiến thuật khác nhau của quân Nhật tại miền Bắc nhằm tấn công quân cộng sản, như là “những cuộc bao vây sắt thép” và “chiến lược chải răng lược.” Yoshioka hãnh diện tuyên bố lịch sử chiến đấu của quân Nhật đã trở nên rất phong phú nhờ những kinh nghiệm này. Phổ Nghi vô tình hỏi, tưởng để làm Yoshioka vui lòng, “Quân cộng sản quá ít ỏi, tại sao quân đội hoàng gia phải dùng đến những chiến thuật này?” Yoshioka nổi giận và trả lời Phổ Nghi một cách vô lễ, “Nếu Hoàng thượng có đôi chút kiến thức về chiến tranh thì Hoàng thượng sẽ không hỏi một câu như vậy.” “Tôi xin phép được hỏi tại sao?” “Quân cộng sản không giống như quân Quốc dân Đảng. Thực ra không có cách gì phân biệt được lính cộng sản và lính Quốc Dân Đảng, và ngay cả dân chúng nữa. Giống như một thúng đậu đỏ trộn lẫn với cát vậy. Giống như mắt cá trộn với hạt trai.” Rồi hắn tiếp tục kể cuộc chiến đấu chống quân cộng sản tại vùng rừng núi miền Bắc. Quân cộng sản dường như mỗi lúc một đông hơn. Rồi hắn lắc đầu thở dài. Phổ Nghi không được biết rõ về các tin tức chiến sự, nhưng qua lời than thở của Yoshioka, Phổ Nghi cảm thấy dường như quân Nhật đang gặp bất lợi khó khăn trên chiến trường Trung Hoa. Rồi trong các buổi thuyết trình sau đó của Quân Doàn Quan Đông, Phổ Nghi hiểu được nỗi lo lắng của Yoshioka. Càng ngày Phổ Nghi càng nghe nói nhiều hơn về các chiến bại của quân Nhật, và trên báo chí của Mãn Châu đã thấy nói nhiều đến các sự “hy sinh anh hùng” và “ngọc vỡ” của quân Nhật. Tuy ở trong cảnh cô lập, Phổ Nghi cũng cảm thấy sự thiếu thốn vật chất mỗi lúc một gia tăng. Những chiếc ống nhổ, nắm cửa và các đồ dùng bằng đồng bắt đầu biến mất khỏi Dinh thự Hoàng Đế, và các viên chức trong dinh phải đến gặp Phổ Nghi để xin giúp đỡ thực phẩm cho gia đình họ. Điều làm Phổ Nghi kinh hoàng và tuyệt vọng nhất là khi viên tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông là tướng Yomoyuki Yamashita vào từ biệt Phổ Nghi để nhậm chức tư lệnh tại Phi Luật Tân vào năm 1945. Khi gặp Phổ Nghi, danh tướng Yamashita đã lấy tay che mũi, bắt đầu khóc và nói, “Đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Tôi sẽ không bao giờ trở lại đây nữa.” Yamashita là một danh tướng Nhật và đã tạo được một chiến thắng lừng lẫy khi đánh bại quân Anh tại Tân Gia Ba và Mã Lai. Nhưng vì Yamashita chống lại thủ tướng Đông Điền nên đáng lẽ được tưởng thưởng xứng đáng sau chiến thắng quan trọng ấy thì Yamashita lại bị đổi sang Mãn Châu làm tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông. Bây giờ tình thế có vẻ tuyệt vọng và bộ tư lệnh tối cao Nhật cần phải có một tướng tài ba sang Phi Luật Tân để đương đầu với tướng Mỹ MacArthur. Vì thế Yamashita được thuyên chuyển sang Phi Luật tân, nhưng Yamashita biết tình thế của Nhật đã tuyệt vọng và chuyến này ra đi chắc chắn cầm lấy thất bại và cái chết. Yamashita sang Phi Luật Tân cầm cự được một thời gian; trong thời gian này quân Nhật vơ vét vàng bạc tại các nước Á Châu và chuyển về cho Yamashita để tìm cách đưa về Nhật Bản. Nhưng Thái Bình Dương bây giờ nằm trong sự kiểm soát của hải quân Mỹ, Yamashita không dám chuyển kho tàng này về, sợ bị lọt vào tay Mỹ hoặc bị đánh đắm. Khi Nhật bại trận, Yamashita ra lệnh đánh đắm kho tàng này để khỏi rơi vào tay Đồng Minh. Sau đó Yamashita bị đưa ra toà án phạm nhân chiến tranh và bị án tử hình. Yamashita tuyên bố là một quân nhân ông không có tội gì cả, vì ông chỉ biết vâng lệnh cấp trên, nhưng ông nghĩ rằng ông phải chết vì tội đứng ở phe bại trận. Trong những buổi lễ tiễn đưa các phi công Thần Phong, Phổ Nghi cũng trông thấy các phi công này khóc. Các phi công Thần Phong là những phi công có nhiệm vụ tự tử, lái phi cơ đâm vào tầu chiến của Đồng Minh. Trong một buổi lễ đặc biệt trong sân Dinh Hoàng Đế, khoảng mười hai phi công Thần Phong đứng sắp hàng trước mặt Phổ Nghi và Phổ Nghi đọc một bài diễn văn cầu chúc họ thành công trong sứ mạng được Nhật Hoàng và tổ quốc Nhật giao phó. Bài diễn văn này do Yoshiota viết sẵn cho Phổ Nghi đọc. Phổ Nghi trông thấy trước mặt mình mười hai khuôn mặt ảm đạm, những dòng nước mắt chảy xuống má họ và một vài người khóc nức nở, nhưng vẫn đứng nghiêm tại hàng. Sau buổi lễ, một cơn bão cát trùm tới và Phổ Nghi phải bước vào trong nhà để rửa mặt. Phổ Nghi chợt nghe thấy bước chân của Yoshioka đi theo, nên dừng lại để chờ xem hắn có nói gì không. Yoshioka đằng hắng và nói, “Hoàng Thượng nói hay quá khiến họ khóc vì cảm động.” Phổ Nghi biết rằng Yoshioka sợ hãi và xấu hổ. Nhưng thực ra những giọt nước mắt của các phi công Thần Phong cho Phổ Nghi biết tình thế đã không còn cơ cứu vãn nữa. Tháng 5 năm 1945 Đức Quốc đầu hàng tại Âu Châu càng khiến Nhật Bản tuyệt vọng hơn bao giờ hết, và bây giờ bất cứ lúc nào Nga Sô cũng có thể tham chiến tại Á Châu, và nơi quân Nga tấn công đầu tiên sẽ là Mãn Châu. Cuối cùng sự sụp đổ của đế quốc Nhật Bản đã xẩy ra. Ngày 9 tháng 8 năm 1945, Tướng Otozo Yamata, tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông và tham mưu trưởng tới Dinh Hoàng Đế báo cho Phổ Nghi biết Nga Sô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Yamata là một viên tướng già, gầy và thấp, một người vốn rất nghiêm trang và ăn nói chậm chạp. Nhưng hôm đó Yamata hoàn toàn khác hẳn: nói rất mau lẹ về tình hình, và cho biết quân đội Nhật đã rất sẵn sàng và rất tin tưởng sẽ chiến thắng. Trước khi Yamata nói hết lời thì còi báo động vang lên, và tất cả vội chạy xuống hầm trú ẩn. Rồi Phổ Nghi nghe thấy nhiều tiếng bom nổ gần dinh. Sau đó Yamata không nói gì thêm về niềm tin tưởng chiến thắng, trước khi từ giã Phổ Nghi. Kể từ hôm ấy Phổ Nghi để nguyên y phục khi đi ngủ, và lúc nào cũng dắt một khẩu súng lục trong túi, và ra lệnh thiết quân luật bên trong Dinh Hoàng Đế. Ngày hôm sau, Yamata và tham mưu trưởng trở lại, và báo cho Phổ Nghi biết quân Nhật sắp rút lui về miền Nam Mãn Châu, và thủ đô Tân Kinh sẽ dời về Đông Hoa. Nhận thấy không thể di chuyển tất cả mọi người và tài sản ngay, nên Phổ Nghi yêu cầu được khởi hành trễ hai ngày. Phổ Nghi bây giờ trải qua những sự hành hạ mới về tâm trí, vì thái độ của Yoshioka và sự nghi ngờ trong tâm hồn Phổ Nghi. Sau khi Yamata đi rồi, Yoshioka nói với Phổ Nghi, “Nếu Hoàng Thượng không ra đi thì Hoàng Thương sẽ bị quân Nga ám sát trước nhất.” Yoshioka nói bằng một giọng kinh dị, và Phổ Nghi rất lo sợ rằng lời nói ấy ngầm ý rằng người Nhật nghi ngờ Phổ Nghi không muốn ra đi, và âm mưu ở lại để phản lại họ. Vì thế Phổ Nghi phải tìm cách chứng tỏ lòng trung thành của mình với Nhật Bản bằng cách triệu tập thủ tướng Trương Thanh Hải và Rokuzo Takebe, vốn là giám đốc hành chánh của Hội Đồng Chính Phủ, vào dinh và long trọng tuyên bố, “Chúng ta phải tận lực hỗ trợ cuộc thánh chiến của nước mẹ Nhật Bản, và phải chống lại quân đội Sô Viết tới cùng.” Nói xong Phổ Nghi quay lại dò xét phản ứng trên mặt Yoshioka thì mới biết Yoshioka đã bỏ đi rồi. Phổ Nghi rất đỗi lo lắng, cứ đi đi lại lại trong phòng. Phổ Nghi chợt nhìn ra ngoài cửa thì trông thấy một đơn vị Nhật Bản đang tiến về Dinh Hoàng Đế, súng chĩa vào dinh, như sẵn sàng tấn công. Phổ Nghi bàng hoàng kinh sợ, nghĩ rằng giờ phút cuối cùng của mình đã tới. Nhận thấy không còn cách gì trốn khỏi được, Phổ Nghi đành làm tỉnh bước ra đầu cầu thang chờ toán lính Nhật. Nhưng khi toán lính trông thấy Phổ Nghi thì liền rút lui ngay. Người Nhật định tâm thử xem Phổ Nghi có bỏ trốn không. Càng nghĩ tới biến cố này Phổ Nghi càng lo sợ cho tính mạng của mình. Phổ Nghi nhắc điện thoại gọi Yoshioka, nhưng không có ai trả lời. Hình như người Nhật đã ra đi cả rồi, và Phổ Nghi hoảng sợ bị người Nhật bỏ rơi. Nhưng về sau Phổ Nghi gọi được Yoshioka. Giọng hắn có vẻ yếu hẳn đi và hắn nói hắn bị đau. Phổ Nghi tỏ vẻ quan tâm và nói vài lời mong hắn sớm bình phục. Phổ Nghi chợt nhớ suốt ngày hôm đó chưa ăn uống gì và cảm thấy đói cồn cào. Phổ Nghi gọi tên đầy tớ thân tín nhất là Lý Đại, bảo hắn sai dọn cơm tối. Lý Đại báo cáo rằng tất cả mọi đầu bếp cùng với thái giám, người hầu và ngay cả “nam thứ phi” đều trốn hết rồi; Phổ Nghi đành phải ăn bánh khô vậy. Tệ hơn nữa là ngay cổng Dinh Hoàng Đế cũng bỏ ngỏ, các quân cấm vệ cũng bỏ trốn hết không còn ai canh gác Dinh Hoàng Đế nữa. Khoảng 9 giờ tối ngày 11 tháng 8, Yoshioka vào dinh gặp Phổ Nghi. Lúc đó các em trai và em gái cũng như em rể và các cháu của Phổ Nghi đã tề tựu tại sân ga xe lửa để ra đi. Chỉ còn lại Phổ Nghi và hai bà vợ còn lại trong dinh. Yoshioka trịnh trọng nói với Phổ Nghi và mấy người đầy tớ của Phổ Nghi: “Dù chúng ta đi bằng xe hơi hay đi bộ, thì các bảo vật của đạo Shinto cũng phải do Toranosuke Hashimoto mang theo và đi đầu. Nếu có ai cần phải đi ngang qua các bảo vật này thì phải cúi gập người lại để lạy bảo vật.” Hashimoto là chủ tịch Hội Đồng Tế Lễ. Phổ Nghi kính cẩn đứng nhìn Hashimoto ôm cái hộp đựng ba báu vật của đạo Shinto đi vào trong chiếc xe hơi thứ nhất. Phổ Nghi bước vào trong chiếc xe thứ hai, và quay nhìn chung quanh thì thấy ngọn lửa đã bốc lên đốt cháy Đền Lập Quốc. Tân Kinh rơi vào một trạng thái hỗn loạn hoàn toàn. Những đám đông bao vây nhà ga xe lửa, con đường trốn duy nhất, nhưng mọi người đều bị quân đội chặn lại không cho lại gần xe lửa. Vài toa xe lửa còn lại dành cho các sĩ quan cao cấp Nhật và các cấp bậc hành hánh trốn về Cao Ly. Ngày 14 tháng 8, các đám đông tại nhà ga xe lửa trông thấy hoàng đế của họ mặc đồ xám, được một trung đội lính Nhật hộ vệ, trèo lên chuyến xe lửa đặc biệt. Theo sau Phổ Nghi là đám quần thần áo quần tả tơi xốc xếch. Người cuối cùng lên xe là Đoan Dung hoàng hậu, mặt che một tấm mạng đen. Sau khi xe lửa chạy được khoảng tám giờ, ông vua thất thế và đoàn tùy tùng tới Đông Hoa về phía Đông Mãn Châu Quốc, cách biên giới Cao Ly khoảng một trăm dặm. Kế hoạch đầu tiên là Phổ Nghi sẽ ở lại đây, nhưng vì sợ phi cơ Nga oanh tạc nên đoàn người của Phổ Nghi phải tiến vào một thị trấn mỏ than, tại đó có những hầm than kiên cố có thể an toàn khi bị phi cơ oanh tạc. Con tầu lại chậm chạp bò lên núi Trường Bạch. Nhưng khi vào núi Trường Bạch, đoàn người chạy trốn lại gặp nguy cơ phải đương đầu với quân du kích cộng sản trong núi. Tại đây Phổ Nghi và mọi người tá túc trong một khách sạn nhỏ xây cất bằng gỗ trên núi. Chính tại đây ba trăm năm trước, tổ tiên của Phổ Nghi đã tập hợp quân đội để chinh phục Trung Hoa. Quân Thanh hồi đó tràn xuống những cánh đồng Mãn Châu và tiến qua cửa Vạn Lý Trường Thành tại Sơn Hải Quan, chiếm Cấm Thành và dựng lên triều đại nhà Đại Thanh. Lúc đó khí thế quân Thanh hùng mạnh biết bao! Bây giờ vị hoàng đế cuối cùng của nhà Đại Thanh và đoàn quần thần ngồi chúi vào nhau quanh một cái bếp, sợ hãi không dám ló mặt ra ngoài. Ngày hôm sau, 15 tháng 8, Phổ Nghi và Phổ Kiệt nghe đài phát thanh để được biết Nhật Bản đã đầu hàng rồi. Nhật Hoàng lên đài phát thanh dùng những lời lẽ long trọng báo cho thần dân biết rằng, chiến tranh đã chấm dứt và quân Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Hàng triệu người Nhật đã ôm mặt khóc khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của Nhật Hoàng, và đây cũng là lần đầu tiên họ được nghe thấy giọng nói của một Thiên Tử, con cái của Thái Dương Thần Nữ. Khi Yoshioka cho Phổ Nghi biết người Mỹ đã bảo đảm địa vị và sự an toàn cho Nhật Hoàng, thì Phổ Nghi vội quỳ xuống khấu đầu lạy tạ Hoàng Thiên che chở bảo vệ cho Nhật Hoàng. Yoshioka cũng hành động theo Phổ Nghi. Thực ra trong thâm tâm, Phổ Nghi rất đỗi vui sướng và an tâm, vì nếu Nhật Hoàng mà còn được an toàn thì thân phận mình chắc cũng không đến nỗi gặp nguy hiểm. Yoshioka liền giải thích cho Phổ Nghi biết, Quân Đoàn Quan Đông đã liên lạc với Đông Kinh, và được biết Đông Kinh muốn đưa Phổ Nghi qua Nhật, nhưng Nhật Hoàng không thể bảo đảm cho Phổ Nghi được vô sự, vì Phổ Nghi sẽ được trao cho Đồng Minh. Phổ Nghi thấy lạnh người khi nghe lời giải thích của Yoshioka. Đây quả thực là một bản án tử hình đang chờ đợi Phổ Nghi. Trong khi người Nhật quyết định đưa Phổ Nghi về Nhật thì họ sai Trương Thanh Hải quay trở về Tân Kinh, để sửa soạn cho tương lai Mãn Châu. Trương Thanh Hải liên lạc được với Tưởng Giới Thạch và thành lập Ủy Ban Bảo An để tiếp nhận quân đội Quốc Dân Đảng. Trương Thanh Hải hy vọng rằng có thể trao Mãn Châu cho Tưởng Giới Thạch trước khi quân Nga tiến vào. Nhưng quân Nga đã hành động mau lẹ hơn mọi người tưởng. Chỉ trong vòng hai ngày, quân Nga đã tiến tới Tân Kinh. Trương Thanh Hai và tất cả các bộ trưởng của chính phủ Mãn Châu đều bị bắt và giải về Nga. Ngày 16 tháng 8, Yoshioka cho biết ngày hôm sau Phổ Nghi sẽ lên đường đi Nhật. Phổ Nghi gật đầu và cố tỏ vẻ vui mừng. Yoshioka cho Phổ Nghi quyền quyết định chọn những ai được đi theo, vì phi cơ quá nhỏ không thể chở hết tất cả đoàn tùy tùng của Phổ Nghi. Phổ Nghi chọn Phổ Kiệt, hai người em rể, ba người cháu, một bác sĩ và tên đầy tớ thân tín Lý Đại. Lý Ngọc Cầm sợ hãi hỏi Phổ Nghi nàng có được đi theo không. Phổ Nghi an ủi nàng nên đi xe lửa vì phi cơ không thể chở hết mọi người. Lý Ngọc Cầm hỏi tiếp: “Xe lửa có chở thiếp tới bờ biển để dùng tàu đi Nhật không?” Phổ Nghi vội đáp ngay cho người thứ phi an tâm: “Dĩ nhiên là sẽ như thế. Nhiều lắm là trong ba ngày nàng và hoàng hậu sẽ gặp lại ta.” “Nếu xe lửa không tới thì sao? Thiếp không có một người thân thích nào ở đây cả.” “Chỉ vài ngày chúng ta sẽ gặp lại nhau. Mọi sự sẽ êm đẹp.” Trong đoàn tùy tùng của Phổ Nghi tất cả đàn bà đều bị bỏ lại và một người em rể của Phổ Nghi là người họ Trịnh, vốn là cháu nội của Trịnh Thiếu Tự. Gã họ Trịnh liền quỳ gối xuống năn nỉ Phổ Nghi cho hắn đi theo, nhưng phi cơ không thể chở thêm một người nữa và người ta phải đẩy gã họ Trịnh ra. Những người bị bỏ lại hoảng hốt vô cùng. Hiro Saga, vợ của Phổ Kiệt ôm đứa con gái đứng khóc. Phổ Kiệt an ủi nàng vài lời và khuyên nàng nên tìm đường bộ trốn về Cao Ly, từ đó sẽ qua được Nhật dễ dàng. Nhưng mọi người đều biết rằng quân Nhật đã triệt thoái kkhỏi Mãn Châu rồi thì quân du kích trong núi sẽ tràn xuống ngay. Uyển Dung hoàng hậu đứng im lặng nhìn cảnh chia tay hỗn loạn và kinh hoàng, và hiểu rằng bà sẽ bị bỏ rơi một lần nữa. Phổ Nghi và những người được chọn đi theo vui mừng đi khỏi ngọn núi lúc nào cũng lo sợ du kích tới tấn công. Tại Đông Hoa cả bọn lên một chiếc phi cơ nhỏ, dự định bay thẳng sang Cao Ly. Nhưng tin tức cho biết thời tiết xấu nên phi cơ bay trở về Thẩm Dương. Tại đây cả bọn ngồi đợi một phi cơ khác chở thẳng sang Nhật Bản. Phổ Nghi trầm tư ngồi trong một chiếc ghế bành, không thèm chú ý tới cảnh hỗn loạn chung quanh. Khi Yoshioka báo cho Phổ Nghi biết phi cơ đã tới rồi, Phổ Nghi cũng không thèm ngẩng lên nhìn. Một chiếc phi cơ vận tải lớn hạ cánh cùng với tiếng động cơ gầm lên dữ dội và từ từ chạy về phía phòng đợi. Yoshioka và Phổ Kiệt vội chạy ra để thu xếp chỗ ngồi trên phi cơ. Cả hai bỗng kinh hoàng sợ hãi khi thấy chiếc phi cơ mang dấu hiệu của không quân Nga Sô. Ngay lúc đó một toán lính Nga trang bị súng máy ào ra, chạy mau lẹ vào tước khí giới của các binh sĩ Nhật có nhiệm vụ bảo vệ phi trường. Binh sĩ Nga ra lệnh cho Yoshioka và Phổ Kiệt quay trở vào phòng đợi. Một sĩ quan Nga đi theo hai người vào phòng, trong đó hoàng đế Phổ Nghi đang chờ đợi. Phải chăng Phổ Nghi bị phản bội? Người Nga khó có thể biết được sự thay đổi cuộc hành trình của Phổ Nghi, nhưng làm thế nào phi cơ của Nga Sô tới phi trường Thẩm Dương đúng lúc như thế? Có thể một số bộ trưởng của Phổ Nghi đã tìm cách lấy lòng tin của chính quyền Nga Sô tại Tân Kinh, và đã cho biết chi tiết kế hoạch đào thoát của Phổ Nghi. Phổ Nghi và tất cả đoàn tùy tùng được lệnh lên chiếc phi cơ vận tải Nga và bay về Đông Liễu thuộc vùng Ngoại Mông, để phi cơ được tiếp tế thêm nhiên liệu. Trong lúc chờ đợi tại đây, Phổ Nghi yêu cầu gặp viên sĩ quan Nga chỉ huy. Khi viên sĩ quan này tới, Phổ Nghi chỉ vào Yoshioka và năn nỉ quân Nga cứu Phổ Nghi khỏi tay Yoshioka, một người tàn ác phải chịu trách nhiệm về các việc Phổ Nghi đã phải làm dưới mệnh lệnh của hắn. Lập tức viên sĩ quan Nga ra lệnh còng tay Yoshioka và dẫn ra ngoài phi cơ. Yoshioka lúc đó đang ngạc nhiên trước lời buộc tội của Phổ Nghi, và vội vàng lên tiếng phản đối, nhưng lúc bấy giờ lời nói của một người Nhật không có giá trị gì nữa. Một lát sau phi cơ chở Phổ Nghi cất cánh nhắm hướng tây Bá Lợi Á. Tại núi Trường Bạch, những người đàn bà sợ sệt bị bỏ lại sống từng ngày trong khách sạn, không biết bao giờ quân địch đến bắt họ. Về ban đêm họ có thể trông thấy lửa trại của quân du kích trên núi. Một số binh sĩ canh gác bảo vệ họ đã bỏ trốn hết, và bây giờ những người đàn bà này phải tự bảo vệ lấy mình. Lúc đó quân Nga đã chiếm được Đông Hoa và đang tới gần núi Trường Bạch. Các người đàn bà không thấy gã họ Trịnh nữa; hắn còn mải lang thang nghe ngóng ngoài thị trấn. Lý Ngọc Cầm thì than khóc gọi mẹ. Hoàng hậu Uyển Dung thiếu thuốc phiện, bị thuốc phiện hành hạ nên về ban đêm thường kêu khóc đòi thuốc phiện. Hiro Saga mặc dầu phải trông coi đứa con gái năm tuổi, nhưng dường như là người duy nhất có thể điều khiển đoàn người bị bỏ lại. Nàng không còn dám mặc áo Kimono nữa, mà thay quần áo giả trang thành một phụ nữ Trung Hoa. Trước khi ra đi, Phổ Nghi đã để lại cho họ rất nhiều tiền bạc và những cổ vật rất quý có thể bán được khá nhiều tiền. Đến tuần lễ thứ ba của tháng Tám thì đoàn người đàn bà nhận được tin Phổ Nghi đã bị quân Nga bắt được. Mọi người đều ôm mặt khóc và trông thấy một tương lai vô định trước mắt họ. Mãi đến ngày 21 tháng 9 họ mới thực sự gặp khó khăn khi quân du kích chiếm thị trấn và đi lùng bắt người Nhật. Một hôm Hiro bị chặn lại ngoài phố và một du kích chỉ vào nàng và nói: “Đây là một người Nhật.” Nhưng em gái Phổ Nghi vội kêu lên, “Không phải, đây là chị tôi.” Nhờ thế Hiro không bị bắt. Hiro giấu một thùng tiền Mãn Châu trong một văn phòng của hiến binh Nhật. Khi quân du kích chiếm văn phòng đó, cả thùng tiền của nàng đã bị tịch thu. Vài ngày sau quân Nga tiến tới thị trấn. Quân Nga cũng đi tìm hôi của và đàn bà. Hiro vội cắt tóc ngắn và mặc giả làm đàn ông, cũng như phần đông các người đàn bà trong nhóm. Quân Nga bắt tất cả người Nhật và giải về Lâm Sương, một thị trấn lớn hơn. Hiro ra lệnh cho cả nhóm đi theo quân Nga về Lâm Sương. Nàng nghĩ như thế còn an toàn hơn là ở lại với quân du kích. Vài tuần sau nữa quân chính quy cộng sản tiến tới. Tuy quân chính quy có kỷ luật hơn và chỉ đi vơ vét những dụng cụ y khoa và thuốc mà thôi, nhưng sự hiện diện của họ đã chấm dứt mọi hy vọng của Hiro trốn về Nhật Bản qua ngả Cao Ly. Cho tới bấy giờ quân cộng sản vẫn chưa biết được tung tích của toán đàn bà. Nhưng một hôm gã họ Trịnh, em rể Phổ Nghi lập công với cộng sản và cũng là để trả thù Phổ Nghi không cho hắn đi theo, tới gặp viên chỉ huy cộng sản và tố cáo tung tích của toán người đàn bà, trong đó có cả vợ con hắn. Một sĩ quan cộng sản tới căn nhà Hiro Saga đang thuê cho cả nhóm ở, và hỏi, “Bà có phải là bà Phổ Kiệt không? Bà đừng lo ngại. Tôi là cựu sĩ quan trong đội kỵ binh Mãn Châu và tôi rất thân với chồng bà.” Viên sĩ quan không có ý định làm khó dễ toán đàn bà của Hiro. Gã họ Trịnh thấy đám đàn bà của Phổ Nghi bình an không sao cả liền trở lại bộ tư lệnh Cộng quân một lần nữa, lần này gã lôi cuốn được sự chú ý khi tố cáo đám đàn bà kia mang theo rất nhiều báu vật từ Cấm Thành, những “tài sản quốc gia” này phải trả lại cho nhân dân. Thế là tất cả đoàn bị bắt giữ, giải về Đông Hoa và giam trong sở cảnh sát. Lúc đó là tháng Giêng năm 1946. Đúng lúc đó cuộc chiến Quốc-Cộng xảy ra và quân của Trưởng Giới Thạch tiến vào Mãn Châu với sự trợ giúp của một vài đơn vị Nhật Bản. Một lực lượng Nhật tấn công Đông Hoa, rồi rút lui sau một trận đánh dữ dội. Quân cộng sản trả đũa bằng cách đem bắn một số tù binh Nhật Bản và có thái độ cứng rắn với nhóm đàn bà của Phổ Nghi. Tất cả nhóm đàn bà bị giam trong một trại cảnh sát trong nhiệt độ lạnh khủng khiếp. Lúc này Uyển Dung đã dùng hết số thuốc phiện dự trữ và bắt đầu gào khóc đòi thuốc phiện khi bị thuốc phiện vật. Hiro phải đút lót cho quân canh để mua thêm thuốc cho Uyển Dung. Trong hoàn cảnh tù đầy này Uyển Dung và Hiro, hai người chị em bạn dâu, bắt đầu thân mật với nhau nhiều hơn. Chính tại đây Uyển Dung bộc lộ lý do tại sao bị Phổ Nghi ghết bỏ. Thoạt đầu Phổ Nghi chỉ giận Uyển Dung vì cho rằng Uyển Dung đã áp đảo khiến thứ phi Văn Tú phải ly dị, và Phổ Nghi tránh nói chuyện với Uyển Dung. Uyển Dung tìm quên trong khói thuốc phiện. Người tài xế của Phổ Nghi là Lý Tích Nhu có nhiệm vụ mua thuốc phiện cho Uyển Dung. Đôi khi Uyển Dung cho phép Lý Tích Nhu nằm tiêm thuốc cho mình và cũng cho Lý Tích Nhu hút nữa. Trong dịp Phổ Nghi công du Nhật Bản lần thứ hai, Lý Tích Nhu tìm cách quanh quẩn bên cạnh Uyển Dung nhiều hơn và thường được nằm tiêm thuốc cho Uyển Dung, người thiếu phụ còn trẻ, còn có những đòi hỏi xác thịt. Lý Tích Nhu cũng nhiều phen thèm thuồng nhìn bà hoàng hậu trẻ đẹp nằm hớ hênh hút thuốc phiện. Một lần đưa dọc tẩu cho Uyển Dung, Lý Tích Nhu nắm chặt lấy bàn tay ngà ngọc thanh tú của Uyển Dung và thấy Uyển Dung ngoan ngoãn để yên. Thực ra trong cơn say thuốc và qua khói thuốc, Uyển Dung trông thấy họ Lý là một đấng anh quân mạnh khỏe hào hoa phong nhã chứ không phải là tên tài xế hàng ngày, vừa đen đủi vừa gian manh. Thế là nàng nhắm mắt mỉm cười như một cánh hoa chờ đợi chàng bướm xuân. Lý Tích Như không bỏ lỡ cơ hội có một trong đời. Sau khi tỉnh cơn đam mê của dục tình, Uyển Dung cảm thấy xấu hổ và kinh tởm tên tài xế. Nhưng đồng thời nàng không quên được những cảm giác đê mê mãnh liệt của thân thể mà lần đầu nàng được hưởng, được biết. Mặc dầu lúc nào cũng hối hận và kinh tởm tên tài xế, Uyển Dung vẫn hàng ngày đi lại với Lý Tích Nhu trong suốt thời gian Phổ Nghi ở Nhật Bản. Vài tháng sau khi ở Nhật về, Phổ Nghi thấy Uyển Dung có chửa. Sự thật không thể che giấu được nữa. Đáng lẽ Phổ Nghi xử tử Lý Tích Nhu, nhưng không hiểu sao Phổ Nghi chỉ cho hắn hai trăm năm chục quan tiền và đuổi ra khỏi Dinh Hoàng Đế. Phổ Nghi giam nhốt Uyển Dung dưới nhà hầm. Khi Uyển Dung lâm bồn, đứa nhỏ bị bác sĩ chích thuốc cho chết, ngay trước mắt Uyển Dung theo lệnh của Phổ Nghi. Kể từ lúc trông thấy con bị giết chết trước mắt, Uyển Dung không bao giờ như trước nữa, nàng đã trở thành một người gần như điên khùng, im lặng không nói năng nữa, suốt ngày chỉ nằm hút thuốc phiện liên miên. Phổ Nghi mặc dầu giam Uyển Dung dưới hầm nhưng vẫn ra lệnh cung cấp thuốc phiện cho nàng đầy đủ. Từ đó nàng chỉ biết lấy thuốc phiện để quên con, quên đời. Đến tháng 4 năm 1946, những người đàn bà này được chuyển về Trường Châu trong khi chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục công cuộc điều tra. Tại Trường Châu họ không bị giữ trong nhà tù, mà được ở trong những căn phòng thuê bên trên một tiệm ăn. Ít lâu sau Lý Ngọc Cầm được thả và tìm đường về với cha mẹ. Trước khi ra đi, Lý Ngọc Cầm hứa sẽ tìm cách giúp đỡ những người còn bị giam giữ. Ít lâu sau mấy ngưòi em gái của Phổ Nghi cũng được trả tự do. Hiro và Uyển Dung không được may mắn như thế. Hai chị em bạn dâu này bị giải về núi Trường Bạch, một cuộc hành trình dài ba trăm dặm bằng xe bò, trên xe có một tấm biển với hàng chữ: “Những Kẻ Phản Quốc Của Gia Đinh Hoàng Gia Bù Nhìn.” Mỗi khi chiếc xe ngừng lại tại thị trấn nào thì dân chúng ùa ra xem rất đông đảo. Đôi khi Uyển Dung đói thuốc gào thét dữ dội khiến những người đứng xem cũng phải hoảng sợ. Sau hai tháng trên chiếc xe bò, Hiro và Uyển Dung cũng được chở tới nhà tù Văn Chí trong dãy núi Trường Bạch. Dân chúng địa phương chạy ra xem Hiro và con gái được đưa xuống xe cùng với Uyển Dung. Hiro và con gái được giam chung một phòng với một số nữ tu sĩ người Pháp trong đó có hai người bị xích chân vào tường. Uyển Dung bị giam riêng một phòng. Khi nghe nói bà hoàng hậu cuối cùng nhà Thanh đang bị giam tại nhà tù địa phương, dân chúng các làng gần xa ùn ùn rủ nhau tới xem, sắp hàng thật dài trước những trấn song sắt, chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng, một bà hoàng hậu đang rên xiết trên sàn nhà vì thiếu thuốc, vì bệnh hoạn dơ dáy. Trong cơn mê man, Uyển Dung tưởng vẫn còn ở trong Cấm Thành, luôn luôn la hét quân hầu thay nước tắm và thay quần áo mới cho mình. Rồi khi bị thuốc phiện vật, nàng la hét đòi thuốc khiến đám khán giả quê mùa cũng phải giật mình hoảng hốt. Đến đầu tháng 6 năm 1946, Hiro và con gái cùng với Uyển Dung được phóng thích. Các tù nhân tại nhà giam Văn Chí vui mừng khi không phải trông nom canh giữ Uyển Dung nữa, nhưng bà hoàng hậu bây giờ yếu quá rồi, không thể ra đi được nữa. Hiro đành phải dẫn con ra đi một mình, vượt biên giới trở về Bắc Kinh lúc đó vẫn còn trong tay quân Quốc Dân Đảng. Hiro tìm tới gặp Thuần Thân Vương, và báo cho biết hoàn cảnh của Uyển Dung hoàng hậu. Thuần Thân Vương rất đau đớn khi nghe biết về hoàn cảnh đau lòng của Uyển Dung. Ông lẩm bẩm than, “Ôi, cái ngày hôn lễ hoàng hậu đẹp biết bao! Hoàng hậu thực là một người đẹp…” Cuối cùng Uyển Dung cũng được giải thoát khỏi cảnh khốn cùng của nàng. Vào giữa tháng Sáu, một vài nông dân thương xót bà hoàng hậu thất thế, đã rủ nhau đến khiêng nàng về một nông trại ở trên núi Trường Bạch. Tại dây nàng được tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới và được đặt nằm nghỉ trên một chiếc giường ấm. Nàng lơ mơ cảm thấy được săn sóc và đó thực là một niềm an ủi lớn cho chính nàng và những người còn quý mến nàng. Đến cuối tháng Sáu, Uyển Dung từ trần trong căn nhà đơn sơ đó. Năm ấy nàng vừa đúng bốn mươi tuổi. Hiro Saga rời Bắc Kinh đi Thượng Hải, tìm đường trở về Nhật Bản để chờ đợi Phổ Kiệt tại Đông Kinh. Nhưng những thảm kịch vẫn chưa buông tha những người mang dòng máu hoàng gia nhà Thanh. Đứa con gái của Hiro Saga lớn lên trở thành một nàng quận chúa xinh đẹp. Đến năm mười chín tuổi, nàng quận chúa xinh đẹp này yêu con trai của một viên chức sở hoả xa. Dĩ nhiên Hiro Saga không chấp nhận một cuộc tình duyên của một quận chúa cành vàng lá ngọc, thuộc cả hai dòng họ hoàng gia Nhật và Trung Hoa, với một người thường dân. Ngày 10 tháng 12 năm 1957, cặp tình nhân này quyết tự tử vì tình. Hai người trèo lên một ngọn núi, tại đây chàng bắn chết nàng quận chúa, đặt nàng nằm tựa cánh tay mình, rồi quay súng bắn vào tim mình tự tử theo. Theo truyền thống Nhật Bản, hai người để lại vài lọn tóc cùng với kéo cắt móng tay trong một tờ giấy cuốn lại.