Ngày ấn định cho Phổ Nghi rời Thiên Tân là ngày 10 tháng 11 năm 1931. Phổ Nghi muốn cuộc trốn đi phải thực an toàn nên tránh dùng cổng chính, và định dùng một cửa phụ ăn thông ra đường, nhưng chiếc cửa này đã lâu không dùng nên bị sét rỉ đến nỗi không mở được nữa....Do đó Phổ Nghi phải đành ngồi nấp ở băng sau một chiếc xe hơi, phía trước có hai vệ sĩ, một người làm tài xế. Trong khi đó Yoshida, người thông dịch tiếng Nhật cho Phổ Nghi, đứng chờ tại một chỗ cách cổng chính An Hoa Viên một quãng. Khi Yoshida trông thấy xe của Phổ Nghi thì hắn lập tức lên xe của hắn, và lái theo sau xe của Phổ Nghi, như kế hoạch đã định trước. Nhờ Doihara tạo ra “Biến Cố Thiên Tân” giả tạo để người Nhật thiết quân luật nên không một chiếc xe hơi nào của người Trung Hoa được phép chạy ngoài đường cả. Xe của Phổ Nghi đi qua các chặng phòng thủ giây kẽm gai một cách dễ dàng, nhờ Yoshida đi sau ra hiệu cho binh sĩ Nhật. Nhưng tên tài xế xe hơi của Phổ Nghi lái xe rất dở. Vừa ra khỏi An Hoa Viên, hắn đã đâm vào một cây cột đèn khiến Phổ Nghi đâm đầu vào chồng va-li. Trong suốt chuyến đi tới điểm hẹn là một tiệm ăn Nhật Bản, Phổ Nghi rất khốn khổ với tên tài xế này. Khi tới điểm hẹn, Yoshida vội mở cửa xe cho Phổ Nghi bước ra, và gặp một đại úy Nhật đang chờ đợi. Viên đại úy đưa cho Phổ Nghi một chiếc áo choàng nhà binh Nhật và một chiếc nón, và bảo Phổ Nghi bước lên một chiếc quân xa Nhật, và chiếc quân xa này dễ dàng mau lẹ qua được tất cả mọi điểm chặn của quân Nhật, và tiến thẳng tới bến tầu bên bờ sông Bạch Giang. Yoshida và viên đại úy đỡ Phổ Nghi ra khỏi xe. Phổ Nghi thấy ngay rằng bây giờ không còn ở trong tô giới của người Nhật nữa và tỏ vẻ lo ngại, nhưng Yoshida vội trấn an Phổ Nghi, “Xin đừng lo. Đây là tô giới của người Anh.” Yoshida và viên đại úy, mỗi người xốc một tay Phổ Nghi và đẩy vị hoàng đế cuối cùng đi dọc theo bến tầu tới một chiếc thuyền máy. Trong ca-bin của thuyền máy, Phổ Nghi trông thấy hai cha con Trịnh Thiếu Tự và ba người Nhật nữa. Viên đại úy giải thích cho Phổ Nghi biết còn có thêm mười binh sĩ Nhật nữa và một sĩ quan có nhiệm vụ hộ tống Phổ Nghi tới nơi bình an. Vì chiếc thuyền này có sứ mạng quá quan trọng nên được trang bị thêm những bao cát và những tấm lá chắn bằng thép để bảo vệ cho những người trên thuyền. Phổ Nghi cảm thấy an tâm, nhưng ông vua trẻ này không biết rằng trên thuyền còn có thêm một thùng xăng rất lớn nữa. Trong trường hợp thuyền bị binh sĩ Trung Hoa khám phá ra và bắt được, thì binh sĩ trên thuyền sẽ phải phá nổ thùng xăng cho thuyền cháy hết, và không một người nào thoát chết để bảo toàn sự bí mật. Mãi hơn hai mươi năm sau Phổ Nghi mới được biết rằng đêm ấy ông ngồi ngay bên trên một quả bom lửa. Ngay khi viên đại úy và Yoshida ra về thì chiếc thuyền nổ máy lên đường. Phổ Nghi nhìn theo vệt sáng của ngọn đèn pha trên thuyền lướt trên mặt sông và lo lắng suy tư cho số phận mình. Phổ Nghi đã từng ra chơi trên sông Bạch Giang nhiều lần về ban ngày và từng thăm viếng một vài chiến thuyền Nhật tại đây. Trong mỗi dịp, Phổ Nghi bao giờ cũng nghĩ tới công cuộc phục hưng ngai vàng và nghĩ rằng con sông Bạch Giang phải là nơi Phổ Nghi sẽ trốn ra ngoài đại dương để cầu viện người ngoại quốc. Bây giờ Phổ Nghi đang đi trên con sông ấy và rất đỗi sung sướng. Tuy nhiên Trịnh Thiếu Tự báo cho Phổ Nghi biết rằng, chiếc thuyền sắp ra khỏi khu tô giới ngoại quốc, và sẽ đi vào khu vực quản trị thù nghịch của người Trung Hoa. Sau khi nghe lời cảnh cáo của họ Trịnh, Phổ Nghi rất đỗi lo lắng sợ sệt. Khi Phổ Nghi nhìn mặt các binh sĩ Nhật thì thấy mọi người đều bình tĩnh và tươi cười, nhưng tất cả đều im lặng. Rồi từ bên bờ sông, Phổ Nghi nghe thấy một tiếng hô: “Dừng lại!” Phổ Nghi bỗng nhiên căng thẳng thần kinh và muốn ngất xỉu xuống sàn thuyền. Các binh sĩ Nhật túa lên nóc thuyền, và Phổ Nghi nghe thấy tiếng ra lệnh nói khẽ rít qua hai hàm răng của viên sĩ quan và tiếng chân người chạy gấp rút. Khi nhìn qua cửa sổ ca-bin, Phổ Nghi trông thấy sau mỗi một bao cát là một binh sĩ Nhật, súng chĩa vào bờ. Tốc độ của thuyền dường như chậm lại và con thuyền chạy thẳng vào bờ. Phổ Nghi rất hoang mang, không hiểu tại sao thuyền lại chạy vào nơi ra lệnh thuyền dừng lại. Các đèn trên thuyền tắt hết và có tiếng súng bắn trên bờ. Bất thình lình chiếc thuyền gia tăng tốc độ rồi phóng vọt đi khi vừa mới quay lái như thể là muốn tiến vào bờ. Tiếng quát tháo cùng với tiếng súng trên bờ xa dần. Kế hoạch của người Nhật đã thành công! Thoạt đầu họ giả vờ tuân lệnh dừng lại bằng cách tiến vào bờ một cách từ từ; nhưng khi binh sĩ Trung Hoa không đề phòng, thuyền quay vội hướng và phóng vọt đi. Một lúc lâu, đèn trên thuyền bật sáng trở lại và mọi sự trở lại bình thường trong cabin. Vào khoảng nửa đêm thuyền tới cửa sông tại Đại Khẩu. Trong lúc mọi người chờ đợi chiếc thương thuyền Awaji Maru tới đón, thì các binh sĩ Nhật sửa soạn món cháo “Miso” với cải muối và rượu sa-kê để mời Phổ Nghi. Trịnh Thiếu Tự trở nên phấn khởi và nói về những liên hệ nòi giống về văn hóa giữa Nhật Bản và Trung Hoa. Họ Trịnh mô tả chuyến đi vừa qua là một thiên anh hùng ca và rót rượu mời các binh sĩ Nhật. Trịnh Thiếu Tự được ăn uống đạm bạc chung với vua nên cảm hứng sáng tác hai bản văn dâng lên cho Phổ Nghi để ghi nhớ sự kiện này. Một văn bản kể về thời Chiến Quốc khi một vị hoàng tử trốn khỏi tay quân địch và lấy lại được ngai vàng. Văn bản thứ hai mừng việc ăn bột gạo và cháo lúa kiều mạch tượng trưng cho sự tái sinh của triều đại Hậu Hán. Đây là một sự tích vào thời Hậu Hán: một vị hoàng đế phải chạy trốn và ăn một bữa cơm đạm bạc và khôi phục được ngai vàng. Khi nhắc lại hai cố sự này trong cổ sử, họ Trịnh muốn nhắc nhở cho Phổ Nghi biết đã tai qua nạn khỏi, và đang cùng nhau chia xẻ một sự khởi đầu mới. Khi đã lên chiếc thương thuyền Awaji Maru rồi, Trịnh Thiếu Tự không ngừng nói về tham vọng được cai trị quốc gia, cho mãi tới khi tầu cập bến Dương Khẩu tại Liêu Đông mới thôi. Phổ Nghi nghĩ rằng sẽ có một đám đông vẫy cờ, reo hò và hô to khẩu hiệu “Hoàng Thượng Vạn Tuế.” Nhưng khi vào tới bến, Phổ Nghi không thấy đám đông hay cờ quạt gì cả. Và khi lên bộ, Phổ Nghi thấy một nhóm người ra đón toàn là người Nhật. Phổ Nghi được đưa tới nhà ga xe lửa ngay, mà không có một lời giải thích nào cả. Phổ Nghi được đưa tới một khu vực có suối nước nóng và ngụ tại khách sạn Tuisuike. Đây là một khách sạn sang trọng do người Nhật quản trị dành riêng cho các sĩ quan, viên chức cao cấp của hệ thống Hỏa Xa Nam Mãn Châu, và các viên chức người Trung Hoa. Tại đây Phổ Nghi gặp lại cố vấn Lỗ Chấn Du. Lỗ Chấn Du cho biết đang thương lượng với Quân Đoàn Quan Đông về việc tái lập ngai vàng cho Phổ Nghi. Họ Lỗ còn nói việc Phổ Nghi tới nơi cần phải giữ kín trước khi cuộc thương thuyết kết thúc và không một ai nên đi ra ngoài khách sạn. Phổ Nghi không hiểu rõ lời khuyên của họ Lỗ, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng việc nói chuyện với Quân Đoàn Quan Đông sẽ chẳng khó khăn gì và mình chắc chắn sẽ trở lại ngai vàng tại Mukden. Phổ Nghi không nhận thấy sự lo ngại trên mặt Trịnh Thiếu Tự, nên vẫn sung sướng ngồi ngắm hoàng hôn về trên những ngọn núi cửa rặng Thiên Sơn trong lúc dùng bữa tối trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau Phổ Nghi nhận thấy niềm sung sướng ngày hôm trước là quá sớm. Sau khi tắm rửa, Phổ Nghi muốn đi dạo bên ngoài để ngắm cảnh, nhưng một người hầu nói rằng “Không thể đi ra được! Họ không cho bất cứ ai đi ra ngoài.” Phổ Nghi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao không? Ai nói như vậy? Xuống nhà dưới hỏi lại xem.” Đến đó Phổ Nghi mới biết rằng mình bị cô lập bên trong phòng của khách sạn. Người lạ không được phép lại gần khách sạn, và những khách ở tầng dưới cũng không được lên tầng thứ hai, là nơi dành riêng cho Phổ Nghi và đoàn tùy tùng. Một viên sĩ quan Nhật giải thích bằng tiếng Trung Hoa, “Đây chỉ là một biện pháp an ninh cho Hoàng Thượng.” Trịnh Thiếu Tự hỏi, “Chúng tôi sẽ ở lại đây chừng bao lâu?" “Điều đó còn tùy thuộc đại tá Itagaki.” “Lỗ Chấn Du đâu?” “Ông ta đi Mukden để gặp Đại tá Itagaki rồi. Họ đang bàn cãi về tân quốc gia, và sau khi họ thỏa hiệp được rồi, thì ông ta sẽ trở lại đây để đưa Hoàng Thượng tới Mukden. Hoàn thành một công tác lớn lao như vậy thì nói dễ hơn là làm. Xin Hoàng Thượng hãy kiên nhẫn. Khi thời gian chín mùi thì Hoàng Thượng sẽ được mời đi.” Trịnh Thiếu Tự hỏi chặn lại, “Đi đâu, đi Mukden hả?” "Điều đó cũng còn tùy đại tá Itagaki quyết định." Phổ Nghi cực kỳ tức giận, nhưng Phổ Nghi không biết được rằng lúc đó Nhật Bản đang trải qua một thời kỳ vô cùng hỗn loạn. Trên chính trường quốc tế, Nhật Bản bị cô lập; trong nước vẫn còn những sự bất đồng về tân quốc gia Mãn Châu, đến nỗi Quân Đoàn Quan Đông không dám cho Phổ Nghi được xuất hiện trước công chúng. Phổ Nghi thấy rằng không được người Nhật kính trọng bằng thời gian sống tại Thiên Tân. Sau một tuần lễ chờ đợi một cách phập phồng lo ngại, Phổ Nghi nhận được điện thoại của Itagaki yêu cầu Phổ Nghi phải tới hải cảng Lữ Thuận, tại đó Phổ Nghi cư ngụ trong khách sạn Yamato. Cũng như tại Liêu Đông, Phổ Nghi và đoàn tùy tùng cũng được dành chỗ trên tầng lầu hai và không được đi xuống nhà dưới. Khi Phổ Nghi hỏi Lỗ Chấn Du về việc này thì được giải thích: "Phẩm cách thiên tử của Hoàng Thượng sẽ bị xúc phạm nếu Hoàng Thượng xuất hiện. Hoàng Thượng nên chờ cho các bầy tôi của Hoàng Thượng lo liệu mọi việc xong xuôi, rồi Hoàng Thượng lên ngai vàng vào lúc thuận tiện nhất với đầy đủ sự tôn kính, lễ nghi và đúng nghi thức." Lỗ Chấn Du còn giải thích thêm hiện nay Phổ Nghi là khách của Quân Đoàn Quan Đông, và phải xử sự như khách cho tới lúc lên ngôi. Mặc dầu Phổ Nghi rất bồn chồn nóng nẩy nhưng cũng đành phải kiên nhẫn chờ đợi. Tuy nhiên thời gian chờ đợi tại Lữ Thuận thực sự làm Phổ Nghi lo sợ. Ủy Ban Hành Chánh vùng Đông Bắc do Trương Thanh Huy cầm đầu cùng với các viên chức Mãn Châu đã đầu hàng Nhật, ra một tuyên cáo thành lập Mãn Châu là một nước cộng hòa. Trong cùng một ngày, Itagaki ra lệnh cho Ủy Ban đó phải ra tuyên cáo Mãn Châu độc lập và tách khỏi Trung Hoa. Tin này làm tất cả mọi người trong đoàn tùy tùng của Phổ Nghi kinh hoàng bất mãn. Phổ Nghi rất căm hận Doihara và Itagaki trong lúc đi đi lại lại trong phòng như một người điên, tay bẻ những điếu thuốc lá làm hai và liệng cuốn sách bói toán Nghệ Thuật Biết Vận Mạng Tương Lai xuống đất. Phổ Nghi luyến tiếc cuộc đời tại An Hoa Viên và nghĩ rằng nếu không làm được hoàng đế thì thà sống một cuộc đời của một người bị lưu đầy phong lưu còn hơn. Phổ Nghi có thể bán một số tài sản và sống đế vương tại ngoại quốc. Cuối cùng Phổ Nghi cho Quân Đoàn Quan Đông biết sẽ trở về Thiên Tân nếu họ không thể thỏa mãn những yêu sách của mình. Cả Lỗ Chấn Du và Trịnh Thiếu Tự đều không phản đối quyết định của Phổ Nghi. Rồi Phổ Nghi đồng ý với Lỗ Chấn Du gửi tặng đại tá Itagaki một món quà tặng và cũng cho Lỗ Chấn Du một vài đồ quý giá mà Phổ Nghi mang theo. Ngay lập tức, Itagaki gọi điện thoại yêu cầu Lỗ Chấn Du và Trịnh Thiếu Tự tới bàn thảo. Phổ Nghi ra lệnh cho hai người phải cương quyết giữ vững lập trường và cho Itagaki biết rõ quan điểm của Phổ Nghi, và Phổ Nghi cũng viết cho Itagaki mười hai lý do tại sao việc phục hồi ngai vàng cần thiết cho đề nghị thiết lập một tân quốc gia Mãn Châu độc lập Mặc dầu Trịnh Thiếu Tự đồng ý trình bầy mười hai yêu sách của Phổ Nghi, nhưng cuối cùng họ Trịnh không làm việc đó. Trái lại họ Trịnh đồng ý với đề nghị của Quân Đoàn Quan Đông muốn Mãn Châu sẽ là một nước cộng hòa, và khuyến cáo Phổ Nghi chấp nhận chức "chủ tịch hành pháp." Sau khi thảo luận với Itagaki, Trịnh Thiếu Tự trình bầy tất cả những gì đã xảy ra, và cố gắng làm dịu cơn giận của Phổ Nghi bằng cách nêu ra những điển tích lịch sử tương tự và lý luận rằng "chủ tịch hành pháp" cũng là một ông vua, và nhấn mạnh rằng hy vọng khôi phục ngai vàng của Phổ Nghi sẽ chấm dứt, nếu Phổ Nghi không tạm thời thuận theo ý của người Nhật. Khi không thuyết phục được Phổ Nghi, Trịnh Thiếu Tự nói Itagaki muốn gặp Phổ Nghi chiều hôm đó, và Phổ Nghi có thể trình bầy quyết định trực tiếp với Itagaki. Phổ Nghi tức giận trả lời, "Cứ cho hắn tới." Phổ Nghi gặp Seishiro Itagaki vào buổi chiều ngày 23 tháng 2 năm 1932, cùng với sự hiện diện của một thông dịch viên của Quân Đoàn Quan Đông. Itagaki là một người lùn và đầu cạo trọc bóng loáng, và màu xanh nhạt của khuôn mặt cạo râu nhẵn nhụi tương phản với màu đen của cặp lông mày và hàng ria mép đen. Itagaki là một sĩ quan Nhật ăn mặc đẹp nhất mà Phổ Nghi từng gặp, quần là thẳng nếp và cổ tay áo sơ mi trắng bóng. Khi nói chuyện, Itagaki có dáng dấp của một học giả hơn là một sĩ quan. Trước hết Itagaki cám ơn Phổ Nghi đã gửi quà tặng và cho biết hắn đến thăm Phổ Nghi theo lệnh của Tướng Honjo, tư lệnh Quân Đoàn Quan Đông, để báo cáo về những khó khăn của việc thành lập Mãn Châu Quốc. Itagaki nói nhiều về sự công bình của quân đội Nhật và sự thành tâm của người Nhật trong việc giúp đỡ người Mãn Châu thành lập một thiên đường một cách tốt đẹp. Trong khi Itagaki nói thì Phổ Nghi chỉ gật đầu đồng ý cho mau và chỉ mong Itagaki mau nói tới câu trả lời cho yêu sách quan trọng nhất của mình. Cuối cùng ltagaki cũng đề cập tới vấn đề chính: "Tân quốc gia sẽ được gọi là Mãn Châu Quốc. Thủ đô sẽ là Trường Châu và sẽ được đổi tên là Tân Kinh. Quốc gia này sẽ gồm có năm sắc dân: Mãn Châu, Hán, Mông Cổ, Nhật và Cao Ly." Không đợi người thông dịch viên nói hết, Itagaki lấy từ trong cặp ra một bản Tuyên Cáo Độc Lập của Dân Tộc Mãn Châu và Mông Cổ, và một lá cờ đề nghị cho tân quốc gia gồm năm màu, và đặt lên bàn trước mặt Phổ Nghi. Phổ Nghi run lên vì giận và lấy tay gạt mấy thứ đó ra một bên, và hỏi Itagaki: "Đây là một quốc gia gì? Chắc không phải là Đế Quốc Đại Thanh phải không?" Itagaki trả lời một cách bình tĩnh, "Dĩ nhiên đây không phải là một sự phục hưng đế quốc Đại Thanh. Đây sẽ là một tân quốc gia. Ủy Ban Hành Chánh miền Đông Bắc đã đồng thanh bầu Ngài làm quốc trưởng rồi. Ngài sẽ là Chủ Tịch Hành Pháp." Danh từ "Ngài" của Itagaki làm Phổ Nghi điên lên vì giận, mặt đỏ bừng. Chưa bao giờ người Nhật gọi Phổ Nghi như thế, và Phổ Nghi không bao giờ tha thứ cho sự hủy bỏ danh hiệu hoàng đế của mình, dù rằng để đổi lấy một lãnh thổ rộng hai triệu dặm và ba mươi triệu dân vùng Đông Bắc. Phố Nghi không thể ngồi yên được. Phổ Nghi lớn tiếng quát lên với Itagaki, "Nếu không chính danh thì không thể định phận được, và nếu không định phận được thì không thể hoàn thành được gì cả! Quần chúng Mãn Châu không mong đợi ở tôi như một cá nhân, mà là một Hoàng Đế Đại Thanh. Nếu quý ông hủy bỏ danh hiệu thì sự trung thành của họ sẽ không còn nữa. Tôi yêu cầu Quân Đoàn Quan Đông phải tái xét vấn đề này." Itagaki nhẹ nhàng xoa tay, và vẫn mỉm cười trả lời, "Dân Mãn Châu đã bầy tỏ nguyện vọng của họ mời Ngài làm quốc trưởng của tân quốc gia, và Quân Đoàn Quan Đông hoàn toàn đồng ý với họ." "Nhưng Nhật Bản cũng theo hệ thống quân chủ! Tại sao Quân Đoàn Quan Đông thành lập một nước cộng hòa? " "Nếu Ngài không thích danh từ cộng hòa thì ta không nên dùng nó nữa. Đây là một quốc gia xây dựng theo hệ thống quốc trưởng." "Tôi rất biết ơn sự trợ giúp hăng say của quý quốc đã dành cho tôi, nhưng tôi không thể chấp nhận đứng đầu một hệ thống hành pháp. Tước hiệu hoàng đế của tôi là do các tiên đế ban cho tôi, và nếu tôi từ bỏ tước hiệu đó thì tôi thiếu bổn phận trung và hiếu." Itagaki dường như có vẻ hiểu quyết tâm của Phổ Nghi, nên vội trả lời, "Văn phòng của quốc trưởng chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp mà thôi. Mọi người đều biết rất rõ ràng rằng Hoàng Thượng là vị Hoàng Đế thứ mười của nhà Đại Thanh, và tôi chắc rằng sau khi thành lập quốc hội, một hiến pháp sẽ đợc tu sửa để phục hồi nền quân chủ." "Không thể có được những quốc hội đủ tư cách! Hơn nữa vị Hoàng Đế đầu tiên nhà Đại Thanh không do một quốc hội ban chức!" Cuộc tranh luận cứ thế kéo dài trong suốt ba giờ. Itagaki lúc nào cũng bình tĩnh và mỉm cười, thỉnh thoảng khẽ xoa tay. Cuối cùng, Itagaki cầm cặp như là một dấu hiệu không muốn tiếp tục thảo luận nữa. Nụ cười biến mất trên mặt Itagaki và không còn gọi Phổ Nghi là Hoàng Thượng nữa. Itagaki lạnh lùng nói với Phổ Nghi, "Xin Ngài xét lại vấn đề thận trọng hơn nữa. Chúng ta sẽ tiếp tục bàn thêm ngày mai." Đêm đó, trong một cố gắng cải thiện sự liên hệ với Itagaki, Phổ Nghi mở một đại tiệc khoản đãi Itagaki. Sáng ngày hôm sau Itagaki gọi các cố vấn của Phổ Nghi tới khách sạn Yamato và báo cho họ quyết định cuối cùng của Itagaki: "Các yêu sách của Quân Đội không thể thay đổi được. Chúng tôi coi việc từ chối là dấu hiệu của sự thù nghịch và sẽ hành động thích đáng. Đây là lời nói cuối cùng của chúng tôi." Khi những lời nói này được lập lại cho Phổ Nghi thì Phổ Nghi cực kỳ kinh ngạc, chân nhũn ra và ngã gục xuống chiếc ghế bành, không nói lên được một lời. Cuối cùng Lỗ Chấn Du lên tiếng, "Vì sự việc đã như thế này rồi thì có hối tiếc cũng không có ích gì. Điều duy nhất chúng ta có thể làm được là đặt ra một thời hạn cho thời gian chuyển tiếp, và nếu lúc đó nền quân chủ không được thiết lập thì Hoàng Thượng hãy từ chức. Hãy thử xem Itagaki phản ứng thế nào với điều kiện này." Không còn cách nào khác, Phổ Nghi đành thở dài và sai Trịnh Thiếu Tự tới gặp Itagaki xem hắn có đồng ý không. Một lát sau Trịnh Thiếu Tự trở về, mặt lộ sắc vui mừng và cho Phổ Nghi biết Itagaki đồng ý đề nghị của Phổ Nghi, và tối hôm đó hắn sẽ mở tiệc khoản đãi vị quốc trưởng tương lai.