Chuyến đi Thiên Tân là một cuộc hành trình đầu tiên và dài nhất trong đời của ông vua trẻ 19 tuổi. Trong suốt chặng đường dài 75 dặm đó, Phổ Nghi thường nhìn ra cửa sổ của toa xe lửa hạng nhất dành riêng cho Phổ Nghi,...và rất lấy làm hứng thú vì là lần đầu tiên được trông thấy đất nước Trung Hoa thực sự, những làng xóm nghèo nàn và những ngôi chùa và núi rừng. Đôi khi Phổ Nghi có dịp trông thấy Đại Vận Hà, tức là con kinh đào chạy song song với đường xe lửa từ Bắc Kinh tới Hàng Châu, một thủy đạo dài 1,100 dặm được đào từ thế kỷ thứ bảy, nối liền Bắc và Nam Trung Hoa, một đại công trình quan trọng không kém Vạn Lý Trường Thành. Khi tới Thiên Tân, Phổ Nghi gặp một thất vọng đầu tiên là Trương Gia Viên chưa sẵn sàng để ở, và phải sống một đêm đầu tiên tại khách sạn Yamato Hotel, một khách sạn thương mại rất sang trọng của người Nhật. Các người Nhật tháp tùng Phổ Nghi lựa chọn khách sạn Yamato cho Phổ Nghi ở không có gì là lạ. Trong suốt thời gian Phổ Nghi cư ngụ tại Thiên Tân, các mật vụ Kempeitai Nhật lúc nào cũng theo dõi Phổ Nghi rất gắt. Vào cái đêm Phổ Nghi nghỉ trong khách sạn Yamato, thì mật vụ Nhật dọn vào căn nhà đối diện với Trương Gia Viên để tiện theo dõi. Người Nhật ghi tên tất cả những ai đến thăm Phổ Nghi. Bất cứ khi nào Phổ Nghi đi coi hát hoặc đi mua sắm, bao giờ cũng có mật vụ theo dõi Phổ Nghi từ đằng xa. Ngày hôm sau Uyển Dung và Văn Tú cùng đoàn tuỳ tùng của Phổ Nghi sống trong tòa Đại Sứ Nhật tại Bắc Kinh cũng tới nơi, và tất cả vội vã dọn vào Trương Gia Viên. Trương Gia Viên là một dinh thự khá lớn, có một căn nhà hai tầng rất rộng nằm giữa ba mẫu đất. Dinh thự này đã từng dùng làm một công viên giải trí, và là tài sản của một viên tướng cũ trong quân đội Mãn Châu. Viên tướng này nhường Trương Gia Viên cho Phổ Nghi sử dụng mà không lấy tiền thuê. Không những thế, hàng ngày viên tướng này còn thân đến quét sân để tỏ lòng trung thành với Phổ Nghi. Phổ Nghi sống trong Hoa Viên này năm năm. Sau khi viên tướng đó chết, Phổ Nghi dọn vào sống tại An Hoa Viên, khi con trai của viên tướng trở thành chủ nhân của Trương Gia Viên và đòi Phổ Nghi phải trả tiền thuê. Thiên Tân là một trong những hải cảng lớn của Trung Hoa, cũng quan trọng như các hải cảng Thượng Hải và Quảng Châu. Đây là một trong số mười một hải cảng được mở ra trong năm 1858 để buôn bán với Tây Phương. Hải cảng Thiên Tân nằm trong một khu vực rất giầu khoáng sản và giữa hai cửa sông Bạch và sông Hoài. Đây là một thành phố đầy bụi bậm có những con đường rộng rãi và những tòa nhà lớn nguy nga. Khu vực hải cảng có bến tầu chạy dài tới trên hai trăm dặm dọc theo các bờ sông, được dùng làm trung tâm chuyển hàng hóa tới Mông Cổ, Mãn Châu, và Tây Bá Lợi Á. Trong một năm, hải cảng Thiên Tân bị đóng băng và không làm việc được tới vài tuần lễ. Trong thành phố, xe cộ rất đông đảo. Các loại xe khác nhau như xe vận tải, xe hơi, xe ngựa, xe điện và xe kéo chạy liên tục như nước chảy. Nhiều tô giới phải nhượng cho các nước Tây Phương và Nhật Bản. Các nước có tô giới tại Thiên Tân hoặc tại các nơi khác, đem quân đội riêng tới đóng để bảo vệ cho kiều dân của mình.Trung Hoa không có chủ quyền tại các nhượng địa này. Lý do Phổ Nghi di chuyển tới Thiên Tân là để có thể xuất ngoại, và cũng để tìm an ninh cho bản thân, vì các cố vấn của Phổ Nghi nghĩ rằng, một toà đại sứ nhỏ bé của Nhật tại Bắc Kinh không thể bảm đảm cho sinh mạng của Phổ Nghi trong trường hợp các sứ quân phản Thanh làm ẩu. Phổ Nghi lưu lại Thiên Tân tới bảy năm. Trong bảy năm đó, Phổ Nghi lúc thì theo nhóm cố vấn này, lúc thì theo nhóm cố vấn khác, và cuối cùng chẳng làm được gì cả. Các thân vương, kể cả Thuần Thân Vương, không còn nhiều ảnh hưởng đối với Phổ Nghi nữa. Johnston cũng chấm dứt nhiệm vụ làm sư phụ cho Phổ Nghi. Năm 1926 Johnston đến thăm Phổ Nghi và thất bại không lôi cuốn được sứ quân Ngô Bội Phu và các sứ quân khác ủng hộ Phổ Nghi. Về sau Johnston hồi hương về Anh Quốc, được Anh Hoàng phong tước Hiệp Sĩ và trở thành giáo sư tại đại học Luân Đôn. Các nhóm cố vấn khác nhau của Phổ Nghi cố gắng chinh phục Phổ Nghi nghe theo kế hoạch của họ. Đầu tiên là nhóm “Trở Về Cấm Thành” do sư phụ Trần Bảo Châu chủ trương đòi hỏi phục hồi lại các Đặc Ân, và về sau bằng lòng với hiện trạng. Nhóm thứ hai là nhóm “Đồng Minh Với Nhật Bản,” do Lỗ Chấn Du cầm đầu. Lỗ Chấn Du muốn Phổ Nghi xuất ngoại và tìm sự trợ giúp của ngoại quốc, đặc biệt là Nhật Bản. Nhiều cựu thần và thân vương đi theo quan điểm của Lỗ Chấn Du. Nhóm thứ ba chủ trương mua chuộc các sứ quân và các chính trị gia cộng hòa. Riêng Trịnh Thiếu Tự không đi theo nhóm nào cả, mà vừa khen vừa chê các giải pháp của mọi nhóm. Rồi họ Trịnh đề nghị một giải pháp dùng các cố vấn ngoại quốc và một chính sách cởi mở hợp tác với bất cứ nước nào sẵn sàng giúp phục hưng ngai vàng nhà Thanh, nhưng quan điểm của Trịnh Thiếu Tự bị tất cả ba nhóm chống lại. Về sau Trịnh Thế Tự chấp nhận chính sách dựa vào người Nhật thì được nhóm của Lỗ Chấn Du ủng hộ, vì nhóm Lỗ Chấn Du vốn thân Nhật. Trong những năm tại Thiên Tân, Phổ Nghi liên kết với nhiều sứ quân, và họ gây cho Phổ Nghi nhiều ảo tưởng. Trong một lá thư, sứ quân Ngô Bội Phu tự nhận là một thần tử của Phổ Nghi. Trương Tác Lâm thì khấu đầu trước Phổ Nghi, còn Tổng Lý Đoàn Kỳ Thụy thì xin được yết kiến Phổ Nghi. Nhưng Phổ Nghi đặt hết tin tưởng vào các sứ quân Mãn Châu và Phụng Thiên. Sự tin tưởng này bắt đầu từ sự khấu đầu của Trương Tác Lâm. Trương Tác Lâm đã chiến đấu nhiều năm tại Mãn Châu và khi chính thể cộng hòa thành lập, Trương được phong chức Đốc Quân. Trong cuộc chiến giữa Nga Sô và Nhật tại Mãn Châu, Trương đứng về phe Nhật, nhưng thực tình Trương thù ghét cả Nga lẫn Nhật. Quân số dưới quyền chỉ huy của Trương lên tới hai trăm năm chục ngàn và hàng năm chi phí lên tới hai trăm triệu. Để có tiền trả lương lính, Trương lập ra một hệ thống “bảo vệ” các nhà giầu có, một cách kiếm tiền theo kiểu Mafia, tuy vậy Trương Tác Lâm vẫn tự nhận mình là người chỉ dùng Vương Đạo. Khi Phổ Nghi bị trục xuất khỏi Cấm Thành, Trương Tác Lâm rất xúc động và tìm cách giúp đỡ vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, vì Trương chủ trương phải phục hồi đế chế. Nếu Phổ Nghi tìm sự hợp tác phục vụ của Trương Tác Lâm thì cũng không có gì lạ, vì họ Trương là một sứ quân quan trọng nhất thời bấy giờ. Khu vực cai trị của họ Trương rộng bằng cả nước Pháp và nước Đức cộng lại. Vào thời đó Mãn Châu của họ Trương có tới trên ba chục triệu dân – khoảng năm triệu người Mãn Châu, trên hai chục triệu người Hán, gần một triệu người Đại Hàn và trên hai trăm ngàn người Nhật. Ngoài ra còn khoảng trên một trăm ngàn người Bạch Nga sống dọc theo đường Hỏa Xa Đông Hoa. Một ngày tháng 6 năm 1925, sau khi tới Thiên Tân, thân phụ của Uyển Dung hoàng hậu đến gặp Phổ Nghi để báo một tin rất phấn khởi: Trương Tác Lâm sai một sứ giả thân tín đem dâng cho Phổ Nghi một số tiền 100 ngàn quan, và muốn gặp Phổ Nghi tại căn nhà mà họ Trương đang ở. Phổ Nghi theo lời khuyên của sư phụ Trần Bảo Châu, từ chối không chịu đi gặp Trương Tác Lâm. Nhưng ngay đêm sau, thân phụ của Uyển Dung dẫn sứ giả của Trương Tác Lâm đến gặp Phổ Nghi. Viên sứ giả nhấn mạnh rằng Phổ Nghi sẽ không gặp nguy hiểm tại khu vực của người Trung Hoa, và giải thích những bất tiện của Trương Tác Lâm phải vào một khu tô giới của người ngoại quốc, và đấy chính là lý do họ Trương muốn gặp Phổ Nghi tại nhà riêng. Phổ Nghi lập tức bước lên xe hơi đi theo sứ giả mà không báo cho ai biết. Buổi tối mùa hạ đó là lần đầu tiên Phổ Nghi mạo hiểm ra khỏi tô giới của người Nhật. Khi Phổ Nghi tới Đào Gia Viên, nơi Trương Tác Lâm đang cư ngụ, Phổ Nghi trông thấy một sự đón chào bằng lính danh dự rất trang trọng. Hai hàng lính cao lớn mặc đồ trận mầu xám, cầm gươm và dáo cổ điển cùng với súng tối tân. Chiếc xe hơi chở Phổ Nghi chạy chậm chậm giữa hai hàng lính danh dự qua cổng chính tới tận thềm nhà. Phổ Nghi được dẫn vào một phòng đại sảnh đèn thắp sáng trưng, và trông thấy một người rất thấp bé, để râu mép và mặc thường phục tiến ra. Phổ Nghi biết ngay đó là Trương Tác Lâm, và ngập ngừng không biết chào họ Trương như thế nào cho phải cách. Đây là lần đầu tiên Phổ Nghi gặp một nhân vật cộng hòa quan trọng, và thân phụ của Uyển Dung không cho Phổ Nghi một sự chỉ dẫn nào cả. Nhưng Phổ Nghi rất đỗi ngạc nhiên và hãnh diện khi Trương Tác Lâm qùy gối xuống sàn nhà ngay lập tức, khấu đầu vái lạy Phổ Nghi, và hỏi: “Long Thể có được khang an không?” Phổ Nghi vội đáp lại: “Thống chế có được khỏe không?” và cúi xuống nâng Trương Tác Lâm đứng dậy. Hai người bước sóng đôi vào phòng khách. Phổ Nghi lên tinh thần và biết ơn hành động của Trương Tác Lâm đã chấm dứt sự áy náy của Phổ Nghi đã quá hạ mình đến thăm họ Trương. Điều làm Phổ Nghi hết sức hài lòng là viên tướng có quân đội hùng mạnh và có ảnh hưởng chính trị lớn này đã không quên quá khứ. Căn phòng được trang trí một cách rất đắt tiền, và lẫn lộn những bàn ghế bằng gỗ kiểu Tây Phương, và một tấm bình phong bằng kiếng. Hai người ngồi xuống một chiếc bàn tròn và đối diện nhau. Trương Tác Lâm vừa nói vừa hút thuốc lá, hết điếu này đến điếu khác. Vừa mở miệng là họ Trương mạt sát Phùng Ngọc Tường không tiếc lời, vì tội đã đuổi Phổ Nghi ra khỏi Cấm Thành để cướp tài sản của hoàng gia. Trương Tác Lâm bầy tỏ ý chí muốn gìn giữ văn hóa và tài sản của nước cổ Trung Hoa, và khoe đã chăm sóc các lâu đài của nhà Thanh tại Phụng Thiên rất kỹ lưỡng, và đang dự định thu thập những bộ sách quý của triều đại vua Càn Long và giữ đủ bộ. Họ Trương cũng trách Phổ Nghi không nên trốn vào khu vực của người Nhật trong lúc họ Trương có đủ quân tại Bắc Kinh để bảo vệ cho Phổ Nghi. Trương Tác Lâm hỏi Phổ Nghi về đời sống sau khi rời Bắc Kinh, và nói nếu Phổ Nghi cần gì thì cứ cho họ Trương biết. Phổ Nghi trả lời cũng biết họ Trương có lòng với mình, nhưng quân của Phùng Ngọc Tường còn đóng ở Bắc Kinh, nên Phổ Nghi bắt buộc phải chạy vào tòa Đại Sứ Nhật. Phổ Nghi cũng cho biết các lăng tẩm nhà Thanh tại Phụng Thiên đã được Trương Tác Lâm chăm sóc rất chu đáo, và rất biết ơn Trương Tác Lâm về việc này. Trương Tác Lâm vội nói, “Nếu Hoàng Thượng muốn tới sống tại các lâu đài tại Phụng Thiên, thì kẻ hạ thần này có thể thu xếp được.” “Trương thống chế, ông thực tử tế quá!” Nhưng Trương Tác Lâm liền đổi đề tài về đời sống hàng ngày của Phổ Nghi. “Nếu hoàng thượng cần gì, hoàng thượng chỉ cần viết cho hạ thần là có đủ ngay.” Điều Phổ Nghi thực sự thiếu thốn lúc đó là chiếc ngai vàng, nhưng Phổ Nghi không tiện nói thế với Trương Tác Lâm. Trong suốt cuộc đối thoại, chỉ có hai người trong phòng và một bầy ruồi. Lúc đó Phổ Nghi mới nhận thấy rằng trong khu vực tô giới của người Nhật không có ruồi về ban đêm. Chợt một tên hầu cận của Trương Tác Lâm bước vào và nói với Trương Tác Lâm, “Tham mưu trưởng muốn gặp thống chế.” Nhưng Trương Tác Lâm vội gạt tay và nói, “Không vội gì. Bảo hắn chờ bên ngoài.” Phổ Nghi vội đứng dậy và nói muốn từ giã, vì họ Trương chắc bận lắm. Trương Tác Lâm trả lời ngay, “Không vội gì,” nhưng đúng lúc đó Phổ Nghi trông thấy khuôn mặt một người đàn bà xinh đẹp đằng sau tấm bình phong. Về sau Phổ Nghi được biết người đàn bà ấy là người hầu thiếp thứ năm của họ Trương. Phổ Nghi biết rằng Trương Tác Lâm rất bận nhiều việc, nên từ giã một lần nữa và lần này họ Trương không cầm giữ Phổ Nghi nữa. Bất cứ khi nào Phổ Nghi đi đâu ra khỏi khu vực của người Nhật, cũng đều có một mật vụ Nhật mặc thường phục ngồi bên cạnh tài xế của Phổ Nghi. Lần này cũng vậy, một trong những cảnh sát Nhật canh phòng tại Trương Gia Viên mặc thường phục cũng đi theo Phổ Nghi, nhưng Trương Tác Lâm không biết, chỉ tưởng đó là đầy tớ thân tín của Phổ Nghi. Khi tiễn Phổ Nghi lên xe, Trương Tác Lâm nói to với Phổ Nghi: “Nếu những tên Nhật khốn nạn đó đụng tới hoàng thượng, thì hoàng thượng hãy cho hạ thần biết, hạ thần sẽ xử bọn chúng ngay.” Sáng ngày hôm sau, viên tổng lãnh sự Nhật gặp Phổ Nghi và cảnh cáo, “Nếu hoàng thượng làm một chuyến đi bí mật nữa vào khu vực Trung Hoa, thì chính phủ Nhật sẽ không thể bảo đảm cho sự an toàn của hoàng thượng.” Sự liên hệ giữa Phổ Nghi và các sứ quân Phụng Thiên ngày một thân mật hơn. Sau cuộc gặp gỡ giữa Phổ Nghi và Trương Tác Lâm, ai cũng biết sự thân thiện giữa Phổ Nghi và phe Phụng Thiên. Khi các sứ quân này tới thăm Phổ Nghi tại Trương Gia Viên, thì họ không phải khấu đầu như tại Cấm Thành nữa. Hai bên chỉ cúi chào nhau hoặc bắt tay nhau, và đối xử với nhau như những người bình đẳng. Khi viết cho họ, Phổ Nghi cũng tránh không dùng từ ngữ của một hoàng đế. Chính sách của Nhật là cộng tác với Trương Tác Lâm cho quyền lợi của Nhật. Bộ tham mưu của quân đoàn Quan Đông không hài lòng về sự gặp gỡ giữa Phổ Nghi và Trương Tác Lâm. Người Nhật sợ rằng Trương Tác Lâm dự định việc phục hưng cho Phổ Nghi, và sẽ làm hại cho kế hoạch sát nhập Mãn Châu vào Nhật Bản. Đúng ra chính phủ Nhật không quan tâm đến việc sát nhập Mãn Châu, nhưng quân đoàn Quan Đông cho rằng Trung Hoa đang rối loạn và đây là cơ hội lý tưởng, nên bất chấp chính phủ Đông Kinh và quyết tâm chiếm Mãn Châu. Hai Đại Tá Doihara vá Itagaki chủ trương giai đoạn đầu là ám sát Trương Tác Lâm. Hai đại tá này về sau đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Phổ Nghi. Đại Tá Doihara là giám đốc tình báo, và Itagaki là chiến thuật gia của kế hoạch bành trướng quân đội Nhật tại Mãn Châu. Chính hai viên đại tá này đã định mọi kế hoạch tại Mãn Châu, chứ không phải chính phủ hoặc Nhật Hoàng. Ngày 4 tháng 6 năm 1928, chuyến xe lửa chở Trương Tác Lâm về thủ đô Mãn Châu bị đặt mìn nổ tung, giết chết ngay Trương Tác Lâm và các vệ sĩ. Chính phủ Nhật rất xao động trước sự khinh thường của quân đoàn Quan Đông về chính sách Mãn Châu của chính phủ. Hoàng Đế Hirohito mới lên ngôi được hai năm, cũng yêu cầu nội các phải có biện pháp kỷ luật đối với quân đội. Nhưng tinh thần bất tuân thượng lệnh vì lòng ái quốc của quân đội đang lên cao, và chính phủ không thể áp dụng một biện pháp kỷ luật nào. Không những thế, chỉ ít lâu sau, nội các phải từ chức. Sau vụ ám sát Trương Tác Lâm, ảnh hưởng của quân đội về chính sách Mãn Châu ngày một mạnh hơn. Lúc đó mọi người đều tin rằng sớm muộn gì quân đội Nhật cũng chiếm Mãn Châu. Lý do người Nhật phải giết Trương Tác Lâm là vì họ Trương không ngả theo các yêu sách của người Nhật, vì họ Trương bị ảnh hưởng của người con trai là thống chế Trương Học Lương, muốn Trương Tác Lâm cắt đứt liên lạc với người Nhật và hợp tác với Hoa Kỳ. Mặc dầu vụ ám sát này làm Phổ Nghi và một số cựu thần nhà Thanh hoảng sợ như một bài học làm gương, nhưng không làm Phổ Nghi thay đổi đường đi. Phổ Nghi tuyên bố, “Họ muốn cảnh cáo tôi bằng cái chết của Trương Tác Lâm.” Nhưng Phổ Nghi không coi mình như Trương Tác Lâm. Trương Tác Lâm chỉ là một viên tướng và rất dễ tìm một viên tướng khác thay thế. Còn Phổ Nghi là một hoàng đế, và người Nhật không thể tìm được một người thứ hai như Phổ Nghi trong khắp nước Trung Hoa. Các cố vấn của Phổ Nghi giải thích: “Người Nhật thừa sức mạnh chiếm Mãn Châu bằng vũ lực, nhưng họ không thể cai trị được Mãn Chãu; nếu không có hoàng thượng họ sẽ thể làm được gì tại Mãn Châu.” Phổ Nghi hoàn toàn tin tưởng rằng Nhật Bản cũng nhận biết điều này, và từ đó Phổ Nghi xây dựng chính sách của mình theo chiều hướng đó. Phổ Nghi suy tính rằng người Nhật tuy thừa sức chiếm Mãn Châu, nhưng họ không thể cai trị được Mãn Châu. Cuối cùng người Nhật sẽ phải chấp nhận các điều kiện của Phổ Nghi để hợp thức hóa và củng cố sự chinh phục của họ. Trong lúc người Nhật sử dụng Phổ Nghi như một lá bài, thì Phổ Nghi cũng lợi dụng lại họ cho mục đích phục hồi nhà Đại Thanh. Thực ra Phổ Nghi không muốn tùy thuộc quá nhiều vào một cường quốc để phục hưng nhà Thanh. Phổ Nghi chỉ muốn dùng các sứ quân Trung Hoa và Mãn Châu. Phổ Nghi đã bỏ rất nhiều tiền tài trợ cho các sứ quân nhỏ, và các tay giang hồ hoạt động tại Mãn Châu. Một trong những tay giang hồ nổi tiếng tại Mãn Châu vào thời đó là Semenov, và Semenov đã lấy của Phổ Nghi nhiều tiền nhất. Ba mươi năm sau, Phổ Nghi viết trong cuốn tự thuật: “Tôi không thể nhớ tôi đã tung ra bao nhiêu ngọc ngà châu báu để mua chuộc các sứ quân, nhưng tôi biết rằng người lấy được nhiều tiền của tôi nhất là tên Bạch Nga Semenov.” Chính vì chủ trương sử dụng người Trung Hoa và Mãn Châu trước, nên trong mấy năm đầu tại Thiên Tân, Phổ Nghi chỉ giữ một sự liên lạc vừa phải với người Nhật.