Chèn kín cái chăn khắp người rồi mà Vinh vẫn thấy lạnh. Vinh đang lên cơn sốt. Người cứ nóng ran, mà tung chăn ra lại buốt lạnh. Anh rên hùi hụi từng cơn. Đã hai ngày rồi nằm liệt giường, không sao bước chân ra khỏi nhà. Trời đã vào đông, rả rích mưa và sập sìu gió. Những cơn gió buốt lạnh đang quất ràn rạt vào cái phên nứa đầu hồi. Nước từ mái hiên nhỏ xuống sân, gây nên một âm thanh đều đều, nghe buồn đến nao lòng. Đầu Vinh cứ muốn bung ra vì những cơn đau. Mỗi khi lên cơn, anh cứ muốn lấy cái thắt lưng mà xiết chặt nó lại cho đỡ đau. Trời đất quay cuồng, sầm sập. Lúc đau đớn quá, Vinh cứ chửi mơ hồ cái mảnh pháo tai quái nào đó đang ở trong đầu. Mẹ cha chúng nó, hơn 30 năm rồi, sao vẫn bám dẳng dai vào anh mà hành hạ. Sao mày không nằm ở chân, ở tay, để tao đỡ khổ hơn. Một mình Vinh vật vã vì những cơn đau trong căn nhà quạnh quẽ. Lúc lên cơn dữ dội quá, còn có hàng xóm đến động viên, săn sóc. Khi những cơn đau chưa đến độ nghiệt ngã, rồi một mình anh chịu đựng, một mình vợ con anh an ủi. Chỉ là an ủi thôi, chứ chẳng ai gánh giùm nổi những cơn đau. Đã bao nhiêu lần, người ta khiêng anh lên bệnh viện trong cơn mê sảng. Lại soi, lại chụp nhưng chẳng giải quyết được gì. Cái mảnh pháo nằm sâu trong não, không sao mổ được. Tay bác sĩ là bạn chiến đấu của anh, nhiệt tình đến vậy, nhưng đã hết cách rồi. Thà cứ để nó đấy, còn có khi tỉnh táo, nhưng chọc dao kéo vào đấy, nguy cơ cả đời tâm thần là điều khó tránh. Chưa bảnh mắt ra, vợ anh đã le te xách giỏ ra đi. Người ta bảo, đau đầu vậy, cứ ăn thật nhiều óc khỉ sẽ đỡ. Biết vậy rồi, nhưng kiếm đâu ra khỉ mà lấy óc. Chị nghe ngóng, dò ra. Hôm qua có người mách nước, dưới xóm Hạ, ông Sâm Giám đốc lâm trường về hưu, có người đem biếu con khỉ to lắm. Thật may, khi chị đến thì con khỉ cũng vừa ra thịt. Nghe chị trình bày, ông Sâm hồ hởi: - Ồ! Chuyện nhỏ, ai chứ tay Vinh là bạn nối khố với tôi hồi còn tồng ngồng. Tiếc là không mấy khi có khỉ. Ở nhà, Vinh vẫn nằm đấy. Anh ló cái đầu ra khỏi chăn, nhìn trân trân lên trần nhà. Cái trần bằng cót ép lâu ngày, chỗ tụng xuống, chỗ lồi lên, mốc vàng một màu đất nham nhở. Trong mơ màng, nhìn cái trần nhà, Vinh cứ tưởng như những mảng đất rừng loang lổ vì bom đạn năm nào. Mảng trần nhà mốc thếch ấy đã lôi anh về cái ngày định mệnh. Chẳng nhớ nổi anh đã nhìn những cái trần nhà loang lổ như vậy mấy lần để vật vã với kỉ niệm đã qua.
*
Gió vẫn rít từng cơn buốt lạnh. Mưa khi rả rích, khi ào ạt mù mịt tưới xuống cả khu rừng đã sũng nước. Chỉ có đá núi là vẫn trơ trơ với cái thời tiết khắc nghiệt này, còn tất cả như đã thu mình lại để chống chọi với cái lạnh. Đất rừng nhão ra nhoèn nhoẹt sau những trận bom pháo. Từ hậu cứ nhìn lên Đồi Cối, mờ ảo trong những cơn mưa. Những thân cây trọc lóc, xơ xác, ngả nghiêng trong chiều ảm đạm. Không biết đã bao nhiêu trận đánh đã diễn ra trên ngọn đồi nhỏ nhoi ấy. Ta đánh lên làm chủ được dăm ba ngày, lại bị đánh bật xuống. Ta bị bật xuống rồi, ta lại tổ chức đánh lên làm chủ. Cứ vậy, đôi bên chẳng ai nhường nhịn ai, để rồi Đồi Cối trở thành nơi nghiền xác lính của đôi bên đến tả tơi. Vinh không nhớ nổi, chỉ biết rằng đối với anh đấy là trận cuối cùng. Và với anh, cũng là nơi để lại nỗi đau cả đời, vì phải vĩnh biệt một người bạn trong hoàn cảnh mà sau này cứ nghĩ đến là anh lại thấy rùng mình, ớn lạnh. Trước trận đánh ba ngày, hai trung đội của đơn vị Vinh đã làm chủ được Đồi Cối. Đơn vị đánh xong rồi, tiểu đội Hùng được điều lên chốt. Cái đêm Hùng lên đỉnh, chẳng hiểu vì linh tính hay sao mà Hùng đã ôm choàng lấy Vinh như chẳng muốn đi. Vinh nhìn cái bóng Hùng ngất nghểu leo dần lên chốt mà lòng se sắt một nỗi buồn. Nếu không tính Vinh, Hùng là thằng sinh viên cuối cùng còn lại trong đơn vị. Chúng nó đã lần lượt ra đi. Đứa vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại, đứa đã mang theo nỗi đau thương tích về với người thân. Tiểu đội Hùng lên chốt buổi sáng, thì trưa đến tụi nó bắt đầu giã cối pháo vào chốt. Một ngọn đồi nhỏ nhoi ngần ấy mà có hàng chục khẩu pháo, khẩu cối giã xuống suốt cả buổi chiều, hỏi có gì trụ được. Từ hậu cứ nhìn lên chốt, thấy mù mịt khói đen, trong loáng loáng chớp giật. Trong hoàn cảnh ấy, nếu có những căm hầm thật kiên cố, còn có chút cơ may sống sót. Tiểu đội Hùng lên đấy mới mấy tiếng, làm sao củng cố được hầm hào. Cứ mỗi đợt pháo nã xuống chốt, lòng Vinh như thắt lại. Anh cứ thầm cầu trời phật phù hộ cho Hùng. Trận đánh qua đã mấy ngày rồi mà người Vinh vẫn rã rời. Người cứ gai gai lạnh. Dầm mưa suốt đêm ấy, rồi quật quả giải quyết thương binh, tử sĩ cho đến sáng ra, thử hỏi sức đâu. Đang chìm trong giấc ngủ thì ngoài cửa hầm có tiếng gọi giật giọng: - Dậy, dậy! Vinh mở choàng mắt, tỉnh như sáo, lúi chúi chui ra khỏi hầm. Cái cảnh đang ngủ bị lôi dậy như thế này anh quen lắm rồi. Không đi bắt liên lạc với tiểu đội trên chốt, thì cũng đi tìm đồng đội mất tích đâu đó; dù là ban ngày, hay ban đêm, dù là nắng ráo, hay mưa tầm tã. - Anh lấy thêm hai người trong tiểu đội, lên Đồi Cối tìm tiểu đội Hùng. Địch đánh suốt cả buổi chiều cho đến giờ, không bắt được liên lạc với Hùng, chắc đã hi sinh cả rồi. Đại đội trưởng vừa như ra lệnh vừa như thông báo cái tin mà Vinh không mấy ngạc nhiên, nhưng lòng anh đang trào lên một nỗi đau. Cối pháo chà xát vậy, không hy sinh mới là điều lạ. Anh đã cầu trời cầu phật, nhưng chẳng tin ở bất kì một phép mầu nhiệm nào ở nơi bom pháo mịt mùng này. Chạng vạng tối. Anh và hai chiến sĩ nữa lầm lũi đi về phía Đồi Cối. Bấy giờ, địch thôi không pháo kích. Mưa phùn. Gió lạnh lướt thướt chuồi nhanh vào khe núi. Nhìn lên đỉnh đồi, chỉ thấy một màu mờ đục của mưa, nhập nhoằng trong ánh sáng vàng ệch của những chiếc pháo sáng bắn sớm. Thằng Hà, thằng Hường lẽo đẽo, nhếch nhác bám theo anh. Hà lập cập trong tiếng kêu: - Lạnh quá anh Vinh ơi! - Thì tao có phải trâu bò đâu mà không lạnh. Cố lên! Cố mà tìm cho được để về sớm, không lại chết cóng trên ấy cả lũ. Trên đỉnh đồi chưa có địch. Chúng chẳng dại gì kéo quân lên trong đêm, khi ngọn đồi đã tan tành, không hầm hào công sự. Cảnh tượng ngọn đồi sau những trận pháo kích, ghê gớm quá. Đất đá bị cày xới, cồn lên sụp xuống nham nhở. Những chiếc hầm bị đánh bật tung lên. Những khúc gỗ lát hầm bị vằm chém xác xơ. Đâu đó, những cái xác nguỵ được lấp xuống mấy ngày rồi, lại bị pháo đào lên, hôi thối đến tởm lợm. Chỉ có ba thằng tìm kiếm, chỉ tìm kiếm chủ yếu bằng mắt, bằng linh cảm mà thôi. Không thể đào bới sâu xuống những căm hầm, những đoạn hào đã sập. Nhiều nơi không thể tìm được dấu tích của hầm, của hào. Pháo cối đã san bằng địa. Cũng không thể đi lại trên đỉnh đàng hoàng được. Địch ở đồi bên cạnh phát hiện ra là hàng trăm quả pháo lại ập xuống. Cũng may, nhờ ánh pháo sáng mà nhìn rõ hơn. - Vinh ơi, đây rồi. Vinh chạy sang phía đông ngọn đồi, nơi Hà và Hường đang đào bới. Hai thằng vừa thở hổn hển vừa đào. - Đứa nào vậy? - Chắc là anh Hùng. Cái chân trồi lên, em nhận ra. Cái chân dài ngoằng này là của anh ấy, chẳng lẫn vào đâu. Hùng hi sinh trong chiến hào. Cái đầu chúi xuống. Một chân gác lên thành chiến hào. Chắc là bị sức ép, vì Vinh chưa thấy trên người Hùng một vết thương nào. Hai bàn tay Vinh nhầy nhậy, chẳng biết máu hay bùn nhảo. Anh và Hà đưa Hùng nằm trên một vạt đất bằng phẳng hiếm hoi. Ba tiếng ròng rã đào bới, tìm kiếm, chỉ thấy mình Hùng. Vinh mệt mỏi, rã rời lắc đầu. Anh ngậm ngùi: - Thôi chúng mày, hết sức rồi. Đưa Hùng mai táng, rồi về báo đại đội, đêm mai lên tìm tiếp...*
Vinh vẫn nhắm nghiền mắt lại trong mộng mị, không sao thoát ra được những hình ảnh đã đeo bám lấy anh hơn 30 năm nay. Cái trần nhà vẫn lơ lửng đấy. Nó vẫn loang lổ, vàng ệch cái màu của đất rừng bị cày xới. Nếu khoẻ lại, anh sẽ giật tung cái trần nhà ma quái ấy chẳng thương tiếc. Không muốn nhìn lên trần nhà nữa, Vinh vùi đầu vào chăn, mặc cho những cơn mộng mị cứ ập đến rồi lại chuồi đi. ...Chiều hôm trước, đơn vị anh tiếp cận dưới chân đồi. Sương giăng mù mịt. Đất dưới chân đồi lình xình như thửa ruộng đã cày bừa chuẩn bị cho vụ đông. Áo quần đứa nào đứa nấy bê bết bùn. Đâu đó có xác chết của tụi nguỵ đã bốc mùi. Trên đỉnh đồi, tụi nó đang lố nhố củng cố lại công sự, hầm hào. Những cái bóng cứ lờ nhờ trong sương đêm mờ ảo. Dưới chân đồi, những cái bóng vẫn nằm bất động. Hai hàm răng Vinh đang gõ vào nhau cầm cập. Lạnh quá mà run, hay vì hồi hộp chờ đến giờ nổ súng? Cả hai. Đều đặn những chùm pháo sáng tụi nó bắn lên, lơ lửng trên đỉnh đồi. Thứ ánh sáng heo hắt chúng rải xuống cứ chờn vờn, ma quái. Trước một trận đánh, bao giờ cũng là những phút giây im lặng. Một sự im lặng đến gai người. Thà cứ đánh ào đi để cái đầu đỡ căng thẳng, đỡ phải nghĩ ngợi. Đằng này, trăm thứ hỗn độn trong đầu người lính. Với Vinh, hình ảnh Hùng tuần trước vẫn không sao dứt ra được. Tưởng Hùng bị sức ép mà hi sinh, ai dè... Một tiếng mìn mổ inh tai, cùng một quầng sáng loà mắt, chói chang. Bắt đầu rồi. Vinh vọt dậy, lao lên cùng đồng đội. Phía sau lưng, tiếng mổ cối 82 của tụi nó phản công đang rượt đuổi. Nếu chậm lại trong giây lát, những loạt cối ấy sẽ trùm lên cả đội hình. Khẩu AK trong tay Vinh cứ giật bắn lên khi anh xiết cò, nhắm vào những tia chớp trên đỉnh. Chắc chắn đấy là một khẩu đại liên. Khi những ánh chớp ấy tắt lịm, cũng là lúc Vinh sụm xuống...*
Vinh không nhớ nổi là mình đã qua bao nhiêu trạm phẩu, bao nhiêu bệnh viện sau lần bị thương ấy. Một mảnh pháo nhỏ thôi đã ghim vào đầu anh. Chỉ chừng đó thôi, vậy mà hơn ba chục năm rồi Vinh phải sống với những cơn đau vật vã, và nhiều khi phải sống như kẻ tâm thần. Anh đang mơ màng với quá khứ thì ngoài sân tiếng dép xoèn xoẹt, tất tưởi của Xuân - vợ anh đã về. Tiếp theo tiếng nước dội sau giếng, là tiếng vằm chặt trên chiếc thớt quen thuộc. Vinh chống tay xuống giường, ngồi dậy. Anh lọm khọm xuống bếp. Cái thớt đặt trên cái mẹt, trên cái thớt là cái đầu khỉ. Vinh chống tay vào cửa, đứng nhìn. Từng miếng thịt tươi rói, còn dính ít máu được vợ anh lóc dần ra khỏi cái đầu. Trong Vinh, hình ảnh cái đầu Hùng bất chợt hiện về làm anh rùng mình, ớn lạnh. Cho đến khi nghe một tiếng bốp, ấy là khi Xuân đập cái đầu khỉ vỡ toác, một mớ óc heo trăng trắng bắn vọt ra, cũng là lúc Vinh khuỵ xuống, bất tỉnh. Nhiều lần Vinh bất tỉnh như vậy lắm rồi nên Xuân đã biết cách xử trí. Chị bế anh đặt lên giường, xoa dầu nóng rồi ủ chăn ấm, ít phút sau là Vinh tỉnh lại. Ấy thế mà lần này, Vinh nằm mê mết, lâu lắm rồi. Trong mê sảng, vinh chỉ ú ớ lặp đi lặp có mấy ttiếng: H...ù...ng ơi, ó...c! Cái từ Hùng, từ óc, Xuân đã nghe đâu đó. Cố lục lọi trong trí nhớ và đã tìm được nó nằm ở đâu. Trong nhật kí của Vinh. Cô vào buồng, mở cái rương gỗ quen thuộc. Lật bộ đồ lính lên, Xuân rút từ dưới đáy rương lên hai cuốn sổ nhỏ, rồi đưa ra lật giở từng trang, từng trang tìm kiếm. "Ngày... tháng... Đã mấy ngày nay đi vận chuyển lương thực...". Không phải. "Ngày... tháng... Những cơn sốt rét đã vắt kiệt sức lực của mình...". Cũng không phải đoạn này. Đây rồi. Cái ngày được Vinh nhắc đến nhiều nhất những khi kể chuyện cho con nghe, vậy mà Xuân không nhớ. "Ngày... tháng... Khuya lắm rồi, khi không thể tìm thêm được nữa, bọn mình phải đưa Hùng xuống đồi. Chẳng có quần áo để thay cho Hùng, mình gỡ những mảng bùn bán lên quần áo cậu ấy. Bảo thằng Hà lấy mũ xuống suối múc ít nước để rửa cái đầu của Hùng đang bê bết đất. Trong ánh đèn pháo sáng, mình nhìn rõ mồn một từng mảng da đầu bị lợc lên, để lộ ra những mảng đầu trắng hếu. Khi rửa sang bên trái, mảng đất dày bong ra, cũng là lúc óc vọt ra tanh tanh nhầy nhậy..." Đoạn nhật ký này, anh ấy viết dài lắm, nhưng chỉ đọc đến đấy, tự dưng Xuân thấy rùng mình ớn lạnh, người đang nổi hết da già. Cô choáng váng gập cuốn sổ nhỏ lại, cất vào rương. Xuống bếp thu dọn hết mớ đầu khỉ đang chặt dở dang, rồi nhét vội vào giỏ mang đi.°°°
Xuân pha một cốc nước chanh ấm, rồi trở ra đỡ Vinh ngồi dậy. Vinh vừa qua một cơn ác mộng. Mặt anh nhợt nhạt, lấm tấm mồ hôi. Uống hết cốc nước, Vinh như thấy tỉnh táo hơn chút ít. Xuân vẫn ôm chặt Vinh, như muốn truyền thêm hơi ấm cho chồng để anh mau tỉnh hơn. Bao nhiêu năm nay cô vẫn làm thế. Vinh ú ớ chỉ tay xuống bếp: - Cái đầu...óc... Xuân hiểu ý, trấn an: - Chẳng có cái gì dưới ấy đâu. Để em dìu anh xuống xem. Ngoài trời mưa đã tạnh. Những vạt nắng vàng nhạt mùa đông đang rắc đều lên khu vườn nhỏ. Trong nhà, Vinh đã thấy ấm áp hơn. Cứ mong cho đến ngày mai khoẻ lại, anh sẽ giật tung cái trần nhà tai quái đã bao lần đẩy anh vào mộng mị với những hình ảnh xa lắc, xa lơ. Hà tĩnh, cuối tháng 11/2009