Tế Điên Hòa Thượng là tác phẩm văn học dân gian Trung Quốc, kể lại sự tích của một vị thiền sư thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống (khoảng 1150-1209) tại vùng Chiết Giang, Trung Quốc. Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt, người đời gọi ông là "Tế Điên”, nhưng ông lại là người rất “tỉnh”, từ bi và ưa giúp đời. Chuyện về cuộc đời của Hòa thượng Tế Điên được dân chúng tô đắp thêm nhiều điều kỳ bí, sau được sưu tập, gọt giũa thành tác phẩm văn học "Tế Công Hoạt Phật” hay còn gọi là "Tế Điên Hòa thượng”. Tác phẩm nguyên bản tiếng Hán đã được dịch giả dịch sang tiếng việt và đăng tải trên tuần báo Giác Ngộ từ số 24 ra ngày 15-12-1991 đến số 137 ra ngày 14- 11-1998, với bút danh "Đồ Khùng”. Theo yêu cầu của Báo Giác Ngộ và bạn đọc, Nhà xuất bản Tôn giáo cho in lại tác phẩm "Tế Điên Hòa thượng” thành bộ gồm 4 tập để bạn đọc tiện theo dõi. Xin giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được những ý kiến đóng góp về bộ sách này. Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Tế Điên, Ông Là Ai? Trong Phật Quang đại từ điển, trang 5661, ghi sơ lược như sau: ° Đạo Tế (1150-1209) Ông là Thiền sư Trung Quốc thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống, người Lâm Hải (Chiết Giang), họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu. Năm 18 tuổi, ông xuất gia ở chùa Linh ẩn và lần lượt tham học với các vị: Pháp Không Nhất Bản ở chùa Quốc Thanh, Đạo Thanh chùa Kỳ Viên, Đạo Tịnh chùa Quán âm. Sau Sư vào núi Hổ Khâu làm môn hạ ngài Hạt Đường Huệ Viễn và nối dòng pháp này. Sư lại đến ở chùa Tịnh Tử, chùa này bị thiêu hủy vì hỏa tai, Sư đi hành hóa ở Lăng Nghiêm trùng tu lại. Cư dân ở vùng Tần Hồ ăn ốc thường chặt đuôi ốc để ăn. Sư xin những con ốc này thả lại trong nước, ốc phần lớn sống lại mà không có đuôi. Bình sinh, tánh tình Sư cuồng phóng, thích rượu thịt, nên người đời gọi Sư là Tế Điên. Năm 1209, Sư thị tịch, thọ 60 tuổi, nhục thân của Sư nhập vào tháp tại Hổ Bào. Tiểu sử của Ngài tóm tắt là thế. Tuy nhiên ta cũng thấy ở Ngài một vài điểm đặc biệt: tánh tình cuồng phóng, thích rượu thịt, có những hành động không giống ai nên có hỗn danh là Tế Điên. Tuy “điên” nhưng không phải là Điên quậy phá làm người kinh người sợ, mà là đem lại cho kẻ ác một số báo ứng kinh sợ khiến phải chừa và người thiện sự vui mừng thích thú. Việc hiển lộng thần thông cứu sống một số lớn ốc bị chặt đuôi biểu hiện lòng từ bi vô lượng đối với quần sanh của Ngài là một bằng chứng cụ thể. Cuộc sống lạ lẫm có nhiều cống hiến “đem lợi ích cho đời” của Ngài, dưới con mắt của người bình dân, trở thành một bậc siêu nhân. Siêu nhân đối với họ là một nhân vật bất tử, đủ mọi quyền phép và tài năng làm được bất cứ việc gì mà vị ấy cần làm. Từ đó, họ tô đắp vào cuộc đời Tế Điên biết bao nhiêu hành tung kỳ bí với mục đích cứu người giúp đời. Một truyền mười, mười truyền trăm, khắp nơi kẻ chợ cũng như ngõ bẻm xóm làng, qua lời kể chuyện của người bán hàng và qua bao nhiêu sự chắt lọc thêm bớt theo trí tưởng tượng của từng nhóm người. Lâu dần, Tế Điên Hòa thượng hay Tế Công Hoạt Phật trở thành câu chuyện dân gian được lưu truyền qua cửa miệng mọi người. Các văn sĩ, sưu tập sửa đổi lại gọt đẽo thành tập truyện nhan đề là "Tế Công Hoạt Phật" - nhưng và xếp vào loạt văn học dân gian, với hình bìa: ông Hòa thượng đội mũ lệch, mắt láo liên, tay cầm chiếc quạt rách. Tác phẩm gồm 240 hồi. Đọc truyện Tế Điên, ta thấy thấp thoáng bóng hình đi mây về gió của Tây Du, đậm nét hơn là tính tình hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổn phò nguy của anh hùng Lương Sơn Bạc. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Tế Điên sống vào thời nhà Tống với biết bao rối ren phát xuất từ lòng tham, hết cướp cạn đến cướp ngày gây cho dân chúng khổ đau không ít. Trước nỗi khổ đau hằng gánh chịu, gặp được bậc siêu nhân luôn tế khổn phò nguy, qua đó gởi gắm những ước mơ của mình, dù là kể lại hay nghe kể, cũng giải tỏa chút nào phiền muộn quên đi những thực tại trước mắt, âu cũng là một điều thống khoái. Vì thế, ta không lạ gì chuyện Tế Điên với chiếc quạt rách đã gần gũi và phổ biến trong mọi giới quần chúng. Tuy nhiên, đây là quần chúng viết để quần chúng đọc, và vì người viết không thông hiểu Phật lý, cho nên ta không thể bắt buộc tác phẩm phải thể hiện đúng theo tinh thần Phật giáo thuần túy. Quan niệm “giết người ác là một việc làm tốt” không phải xuất phát từ lòng từ bi. Đạo Phật chỉ có hóa giải chớ không có đối nghịch. Nhưng nhìn chung tác phẩm cũng đem lại lơi ích “tránh ác, làm lành” một cách sâu xa trong lòng dân chúng, được coi như là một thành tựu đáng khích lệ. Vui mà nghe, nghe mà nhớ, nhớ để làm điều tốt. Bấy nhiêu đó được thành tựu cũng là đạt yêu cầu rồi. Truyện Tế Điên mấy năm gần đây đã dựng thành phim nhiều tập. Phim ảnh tuy sống động nhờ những động tác diễn đạt, mặc dù có thêm phần hư cấu sáng tạo nhưng lại không diễn hết những tình tiết tế nhị mà lời văn thể hiện. Để bổ túc nhũng cái chưa đủ đó, dịch giả cố gắng khắc phục bệnh lười của mình, gắng dịch cho xong, để gọi là “mua vui cũng được một vài tí ti”, nhằm cung ứng cho người đọc thưởng thức thêm những điều mà phim ảnh đã lược bớt. Tiếc rằng cái biết của mình chỉ là khung trời nhỏ hẹp của đáy giếng, không thể chuyển tải trọn vẹn ý tứ cũng như cái hay của ngôn từ được. Nhũng chỗ sai sót được quý vị thức giả phủ chính cho lần tái bản sau là một điều “xin chắp tay vạn tạ”. Báo Giác Ngộ