Người ta gọi tôi là Chó Phú Quốc vì tôi được sinh ra trên huyện đảo Phú Quốc bốn trùng khơi mênh mông sóng vỗ giữa Vịnh Thái Lan, cách đất liền (Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) tới 45 cây số về phía tây nam. Nghe nói cụ tổ bảy mươi đời nhà tôi ở mãi tận Phi Châu xa xôi, được một ông thực dân đế quốc sài lang người Phú Lãng Xa (Pháp) đem đến, khi ông được đổi từ Châu Phi về  nhậm chức tại xứ đảo này của nước A- na-mit. Cụ tổ nhà tôi được ông thực dân ấy cất công lặn lội ngàn trùng  đem theo chỉ vì nòi giống nhà tôi có đặc điểm ưu việt hơn các loại chó khác là có xoáy lông như lưỡi mác trên sống lưng và bộ lông mượt sát mình rất ngắn nên khi ướt chỉ cần lắc mình vài lượt nước bắn đi do đó sẽ chóng khô. Chúng tôi còn biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bắt cá, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ bàn chân có màng như chân vịt. Chả thế mà họ nhà chó Phú Quốc chúng tôi có tên trong từ điển Larousse của nước Đại Pháp đã hơn trăm năm rồi. Ngay như thời công nghệ thông tin hiện đại bây giờ, quí vị cứ vào www.google.com, đánh chữ “chó Phú Quốc”. rồi “enter” thì hiện ngay ra hàng chục trang thông tin về giòng giống nhà chúng tôi đấy.
Phải huyênh hoang khoe khoang dông dài như vậy, vì trong thời buổi kinh tế thị trường này họ nhà chó Phú Quốc chúng tôi đã trở thành một danh mục hàng hoá đặc biệt, được xếp vào hạng “Chó Quí tộc”, “chó ngự” của Quốc gia, được nuôi dưỡng, chiều chuộng, quí mến hơn hẳn các loài chó Tây, chó Tầu, chó Nhật khác mà họ cũng đã có thời được “lên ngôi” như chúng tôi ngày nay. Chó Phú Quốc chúng tôi chẳng những là món hàng mua bán, đổi trao có giá trên chục triệu đồng một chú cún con, mà còn được làm đồ sính lễ, quà biếu để đổi lấy tước hàm, địa vị nữa đấy. Ngay như bản thân tôi đây, khi mẹ tôi vừa sinh ra bảy anh, chị, em chúng tôi trong một cái hang cát mẹ tôi tự đào khi trở dạ ở đảo Phú Quốc, mới được đúng ba tuần, mắt vừa kịp hé mở nhìn đời lơ mơ, còn đang ngậm vú mẹ chưa biết ăn gì, đã được một ông chủ ở Sài Gòn mua cả đàn cho vào cái hòm các tông đưa thẳng lên máy bay về Tân Sơn Nhứt, rồi chuyển về một trại chó Phú Quốc của ông trong huyện Củ Chi. Anh, chị, em chúng tôi được nuôi theo phương pháp công nghiệp hiện đại chung với hàng ngàn bà con họ hàng chó Phú Quốc khác tại đó. Khi anh, chị, em chúng tôi vừa biết ăn cơm thì đã được một đoàn các cô chiêu, cậu ấm tận Hà Nội vào thăm quan trại chó, rồi người mua một con, người mua hai con, có người mua đến ba, bốn con lại đưa chúng tôi lên phi cơ chuyển thẳng về từng nhà ở thủ đô để làm chó cảnh. Đang được sống trong môi trường tự nhiên đào hang, lội nước thoải mái, chúng tôi bị tách riêng nhốt vào những chiếc cũi sắt, cũi nhôm bóng lộn trên tít các căn gác cao tầng. Tuy hàng ngày vẫn được các cô ô sin phục vụ thừa mứa thịt cá, sữa tươi, sữa hộp… nhưng chúng tôi buồn lắm. Nhiều anh chị em trong chúng tôi đã sinh bệnh và lần lượt lìa bỏ cuộc sống trong lồng son gác tía. May mắn cho cái thân tôi, ngay từ khi về đến thủ đô đã được cậu chủ là con một ông giám đốc mua ba anh em chúng tôi, nhưng chỉ giữ lại nuôi hai, còn tôi thì được cậu mang đến biếu cho cô giáo chủ nhiệm của cậu. Tôi nghe cậu nói với cô giáo rằng:
- Thưa cô, em mới đi “tua” du lịch vòng quang đất nước về, có con chó Phú Quốc này em kính biếu cô để nuôi cho vui nhà, mong được cô quan tâm giúp đỡ em trong kỳ thi lại sắp tới ạ.
Từ đó tôi sống với cô giáo trong căn biệt thự có vườn cỏ rộng mênh mông, dưới bóng mát của những hàng cây cổ thụ xum xuê hoa trái, có núi giả, nước chảy róc rách suốt ngày (Tất nhiên là trừ những hôm cắt điện). Cô giáo không có con nên đã bị chồng chia tay đi lấy vợ khác, còn bố mẹ và các em cô đều đang sống ở nước ngoài. Cô chỉ sống một mình, nên từ khi có tôi đến làm bầu bạn thì cô quí tôi lắm. Cô ăn gì thì cũng cho tôi cùng ăn thứ ấy. Đối với tôi việc ăn uống cũng thật dễ tính, cái gì cũng ăn, ăn gì cũng xong, miễn là được có không gian chạy nhảy, nô đùa thoải mái. Dăm bữa nửa tháng lại được cô lôi vào nhà tắm xả nước tắm gội cho tôi thật thơm tho sạch sẽ. Mới sống với cô được chừng vài tháng mà tôi đã lớn phổng lên, mơm mởn như một cô chó dậy thì. Đang lúc khao khát tình yêu thì may thay tôi lại trông thấy cậu chủ cũ đỗ sịch ô tô trước cổng. Cậu  vừa mở cửa xe bước ra, tôi đã nhìn thấy cậu dắt theo người anh cùng đàn với tôi nhưng dáng vẻ rất ốm yếu vào chào cô giáo, cậu nói:
Thưa cô, cho em gửi con chó này - Vừa nói cậu vừa bê lỉnh kỉnh mấy hòm các tông chứa đồ hộp thức ăn chó cùng sữa, rồi thuốc thú y các loại vào nhà cô giáo - Không hiểu sao em rất chăm bẵm mà nó chẳng chịu ăn uống gì cả. Hai con chết mất một rồi. Mấy đứa bạn cùng mua chó với em mang về cho ăn toàn cao lương mỹ vị mà cũng chết hết cả rồi. Chỉ mỗi con của cô khoẻ đẹp, chóng lớn. Em gửi cô con đực này cho nó làm bạn với con cái của cô, xem có cứu được không.
-  Không phải cứ nuôi bằng thức ăn cao cấp mà lớn được đâu - Cô giáo bảo - Giống này phải cho nó sống gần gũi với môi trường tự nhiên, chứ ăn uống thì cái gì cũng được. Cơm thừa canh cặn, cái gì nó cũng sài hết.
Thế là từ đó tôi lại sống có đôi, vô cùng tự do hạnh phúc trong khuôn viên nhà cô giáo. Hai chúng tôi cứ sòn sòn mỗi năm hai lứa, mỗi lứa tòi ra bốn, năm chú cún con kháu khỉnh để cô giáo làm quà tặng bạn bè thoải mái. Cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi bên cô giáo sẽ chẳng có gì phải ca cẩm, phàn nàn, nếu như tôi không trót dại can tội trở thành con “chó nổi tiếng”. Số phận vất vả năm chìm, bảy nổi, chín lênh đênh của cuộc đời tôi cũng bắt đầu từ sự “nổi tiếng” ấy mà ra cả. Vốn dĩ cái giống chó Phú Quốc nhà chúng tôi rất thân thiện, hoà nhã với tất cả mọi người, chẳng kể là khách quen hay lạ, ai đến thăm cô giáo cũng được chúng tôi nhảy quớ ra đón mừng rối rít. Khách nào yêu mến thì chúng tôi còn đứng yên cho vuốt ve thoả mái, khi ra về chúng tôi còn theo tiễn ra tận cổng, với điều kiện khách đi ra không lấy gì của nhà chủ chúng tôi. Nếu ai mà lúc đi ra với tay lấy bất kỳ vật gì là chúng tôi phải nhảy bổ, lăn xả vào sủa vang đòi lại cho bằng được. Nắm được đặc điểm này của chúng tôi nên cô chủ đã sử dụng chúng tôi phục vụ cho công tác giáo viên chủ nhiệm của cô.
Có lần, một học sinh cá biệt hư đốn của lớp cô bị thầy dậy toán cho điểm kém, hôm sau giờ toán cậu ta đã bí mật đến thật sớm bỏ gói cứt vào ngăn kéo bàn giáo viên để trả thù thầy. Cả lớp ai cũng đoán chỉ có cậu ta làm chuyện bậy bạ này, nhưng vì không bắt được tận tay, nên cậu ta vẫn chối bay chối biến. Chiều đó, theo lịch cả lớp đến nhà cô chủ nhiệm học phụ đạo văn. Cô đã rỉ tai chỉ đạo lớp trưởng bảo các bạn đến sớm 10 phút cầm cặp sách lên thẳng phòng học trên gác 2 nhà cô. Đúng giờ, cậu học sinh cá biệt vừa tới liền bị cô chặn lại ngay tầng một, cô bắt mở cặp sách cho cô kiểm tra xem đã làm bài mà cô cho tuần trước hay chưa. Thật may cho cậu ta là đã làm đầy đủ rồi, cô khen tốt lắm và bảo để cặp và vở đấy cô chấm, cứ lên phòng học trên gác 2 trước đi. Chờ cậu ta lên rồi, cô mới lên giảng bài bình thường như những buổi học khác. Cuối buổi học, cô nói với cả lớp:
- Cô rất buồn vì sự việc xảy ra sáng nay ở lớp ta với thầy toán. Lớp ta sẽ rất mang tiếng xấu trong toàn trường về việc đùa mất vệ sinh, thiếu văn hoá này. Bây giờ cô muốn em nào đã trót nghịch dại thì dũng cảm tự nhận lỗi để sửa chữa, cô sẽ giữ kín bỏ qua cho. Bằng không khi tìm ra thủ phạm, cô sẽ đề nghị nhà trường đuổi học
  - Cô sẽ nhờ công an điều tra giúp ạ? – Bạn lớp trưởng hỏi cô.
 - Không cần! Nhà cô có 2 con chó Phú Quốc giỏi giang chẳng kém công an, chúng nó có thể nhìn thấu người ngay kẻ gian, mà bắt đúng người có tội. Ngay bây giờ các em lần lượt ra về từng em, nó sẽ bắt đúng kẻ gian cho các em coi. Cô hỏi lại lần nữa, có em nào dám tự giác nhận lỗi không?
Cả lớp vẫn im lặng, ai cũng cho rằng cô chỉ doạ thế thôi, chứ chó làm sao tự nhìn ra được người ngay kẻ gian. Cậu học sinh cá biệt nghe cô nói vậy còn hớn hở sung sướng ra mặt, vì cậu là đứa thường được “ưu tiên” đưa bố mẹ đến gặp cô luôn do những “thành tích” bất hảo ở lớp. Khi cô nói chuyện với bố mẹ, cậu ta thường chơi đùa với chúng tôi, cậu thường móc túi lôi ra bánh kẹo cho chúng tôi ăn, nên đã thân quen với chúng tôi,  cậu chắc rằng không bao giờ chúng tôi lại “chỉ điểm” cậu, mà biết làm sao được chuyện ở lớp của cậu mà chỉ điểm?
Cả lớp lần lượt từng người từ trên gác 2 bước xuống đi ra cổng trước sự gườm gườm theo dõi của hai chúng tôi, chúng tôi thấy họ ai cũng đeo cặp sách không tơ hào lấy gì của nhà chúng tôi,  nên đều để họ đi qua, nhưng họ chỉ đi qua mặt chúng tôi thôi chứ ra tới cổng đều dừng cả lại để đợi xem kết quả chúng tôi bắt kẻ gian. Đến lượt cậu học sinh cá biệt vênh vang hùng dũng từ trên gác bước xuống mồm huýt sáo như muốn tỏ ra gây cảm tình khi chào tạm biệt chúng tôi, thấy vậy cả 2 chúng tôi đều vẫy đuôi mừng lại, nhưng khi thấy cậu dừng lại với tay lấy chiếc cặp sách vẫn để ở ngay trên bàn gác 1, rồi đi ra cổng. Vì chúng tôi đâu biết đó là cặp của cậu, lại cứ ngỡ cậu lấy đồ của nhà mình, nên cả 2 chúng tôi liền nhảy sổ vào cậu đòi lại chiếc cặp, làm cậu hoảng sợ ngã kềnh ra giữa nhà, được thể chúng tôi nhẩy chồm đè lên người cậu, giữa tiếng reo hò như sấm dậy của đám học trò. Cô giáo vội chạy lại đuổi chúng tôi ra và nâng cậu dậy. Mặt cậu ta xám ngoét vì sợ hãi và liền thú nhận hết tộị lỗi.
Sau chiến tích này, danh tiếng chúng tôi đã vang đến trường cô chủ dậy học và chỉ cách đấy vài ngày sau cả hai chúng tôi được cô chủ đi taxi về nhà đón chúng tôi đến trường. Vừa từ trên xe nhảy xuống, chúng tôi theo cô chủ đi vào sân trường giữa tiếng hoan hô chào đón vang dậy của  thầy trò cả trường đang tập trung ngồi thành từng khối lớp chật kín cả sân trường. Chúng tôi cứ nghĩ rằng đây là cuộc mít tinh tuyên dương công trạng bắt kẻ gian của chúng tôi hôm trước, nhưng không phải, vì chúng tôi nghe thấy một bà có vẻ như là hiệu trưởng cầm chiếc mi-cờ-rô nói rằng:
- Đây là vụ trộm rất bất ngờ và táo bạo xảy ra trong lớp học, nạn nhân là bạn Bùi Bích Vân lớp 9A vừa tháo chiếc nhẫn vàng 15 ka-ra để vào cặp sách, rồi ra sân tập thể dục mà cuối giờ đã không thấy. Trường ta kín cổng cao tường không có người ra vào trong giờ học, vì vậy nhà trường quyết định nhờ đôi chó Phú Quốc của cô giáo chủ nhiệm lớp 8B để tìm ra thủ phạm lấy cắp chiếc nhẫn này. Cô hỏi lại lần nữa có ai “nhặt được” chiếc nhẫn vàng của bạn Bích Vân không?
Cả trường vẫn im lặng, không ai giơ tay là mình “nhặt được” cả. Hoá ra sự việc là như vậy. Nghe mọi người xì xào Bích Vân là con gái ông Trưởng phòng Giáo dục Quận, nên mới được nhà trường đặc biệt quan tâm khám phá vụ trộm như thế này.
Hai chúng tôi được đưa vào văn phòng Giám hiệu, anh chồng tôi được cô chủ cho ngửi chiếc hộp đựng nhẫn mầu đỏ nhỏ tí xíu, còn tôi được ngửi chiếc khăn quàng đỏ cáu bẩn đầy ghét, nồng nặc mùi mồi hôi người. Rồi chúng tôi lại được dẫn ra sân trường nơi học sinh các lớp đang ngồi xổm tập trung chờ đợi. Cô chủ của chúng tôi cầm Mi-cờ-rô nói:
- Hai con chó của tôi hôm nay lần đầu tiên được đưa đến đây, chúng không quen biết ai cả, càng không biết trước ai mất của, ai ăn cắp. Nhưng bằng con mắt nghiệp vụ và cái mũi thiên tài chúng có thể tìm ra người bị hại và kẻ gian tham. Bây giờ xin các thầy cô và toàn thể các em xem con chó đực tìm người mất của trước.
Cô thả chồng tôi ra, anh ấy nhẹ nhàng đi lướt giữa các khe trống trong các hàng người, vừa đi vừa sực mũi ngửi người này, người kia để kiếm tìm, bao nhiêu con mắt đổ xô về anh ấy, có những học sinh bị anh ấy sực mũi ngửi vào người thì kêu ré cả lên. Ngửi tìm qua đến 2, 3 khối lớp … mãi anh ấy mới dừng lại ngoạn vào váy của một nữ sinh đang khóc,  mắt còn đỏ hoe mà lôi, mà sủa giữa tiếng hò reo, hoan hô ầm vang của cả một rừng học trò, vì cô bé đó chính là Bùi Bích Vân, con ông Trường Phòng Giáo dục, người vừa mất nhẫn vàng.
Cô chủ liền vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau ra hiệu cho anh ấy bỏ ra, rồi vẫy anh ấy chạy về phía chúng tôi. Cô chủ lại lại hướng về phía sân trường nói tiếp:
- Bây giờ mời mọi người chứng kiến con chó cái tìm kiếm kẻ gian.
Vừa được cô chủ buông tay thả ra, tôi lao thẳng về phía cây bàng cuối sân trường, với cái mũi thính nhạy, không khó khăn gì tôi phát hiện ngay ra cái mùi mồi hôi chua lòm mà tôi vừa được ngửi ở cái khăn quàng đỏ cáu đầy ghét. Tôi lao qua mấy hàng người để nhảy bổ đến ngoạn vào cậu học trò có cái mùi mồ hôi ấy mà lôi, mà sủa. Cả trường lại rộ lên tiếng reo hò, tiếng hoan hô. Cậu học trò bị tôi phát hiện liền la lối, chống chế:
- Không phải tôi, không phải tôi lấy nhẫn, con chó này chỉ tìm lung tung thôi!
Cậu ta liền được mời ngay lên trước khán đài. Chưa để ai kịp hỏi câu nào,  mồm cậu ta đã vẫn leo lẻo chối bay chối biến:
Nói thật là em không hề biết nhẫn nhiếc nào cả, con chó nó chỉ tìm lung tung ấy mà. Mọi người hãy tin em đi, cứ khám khắp người em thì biết - Vừa nói cậu ta vừa lột hết các túi quần túi áo đang mặc trên người ra trước bao  con mắt hau háu của mọi người.
Giữa lúc ấy anh chồng tôi lại nhảy sổ ra ngoạn lấy bàn chân đang đi đôi giầy thể thao Adidas của anh ta. Thấy vậy cô chủ tôi liền bảo:
- Hãy cởi giầy ra xem có gì bên trong không?
Nghe vậy, anh học trò phải miễn cưỡng lột chiếc giầy ra khỏi bàn chân, rồi dốc ngược và gõ xuống sân gạch mấy cái, nói:
- Đấy, làm gì có cái gì nào, em đã nói mà mọi người cứ không tin.
Giữa lúc mọi người đang ngơ ngác nhìn nhau mà ái ngại cho sự nhầm lẫn phát hiện của chúng tôi, thì chồng tôi lại xông vào ngoạn ngay vào bàn chân đi tất của cậu học sinh, xé rách toang chiếc tất mầu đen. Một chiếc nhẫn vàng choé rơi “keng” một tiếng trên nền sân gạch, giữa tiếng hoan hô như sấm dậy của toàn trường.
Sau chiến công tìm nhẫn này, thì vợ chồng chúng tôi đã trở thành “chó nổi tiếng” nhờ qua những câu chuyện được gia công thêm mắm thêm muối của cả ngàn học trò và các thầy cô giáo. Và tất nhiên là cô chủ của chúng tôi cũng được nổi tiếng lây theo. Chả thế mà ông Trưởng Phòng Giáo dục Quận đã đánh tiếng hôm nào đến chơi “thăm sức khoẻ” cô.
Biết tin này, vợ chồng tôi đã khấp khởi mừng thầm rằng mình đã làm được việc tốt trả nghĩa cho cô chủ, vì nghe đâu như tình cảm vợ chồng ông Trưởng Phòng Giáo dục Quận đang bị “trục trặc kỹ thuật”, chỉ vì cái tính quá nhạy cảm ghen tuông của bà vợ, trước tính trai lơ háo gái của ông chồng và cũng vì cái tật “ông ăn chả, thì bà ăn mem” của cả hai người. Biết đâu ông tìm đến với cô chủ chúng tôi để làm đối tượng dự bị trước khi ly dỵ vợ. Nhưng chúng tôi đã nhầm. Tối hôm đến thăm cô chủ chúng tôi ông không đi một mình mà đi chung cùng bà vợ. Thế thì có lẽ ông bà đến thăm vợ chồng chó chúng tôi là chính chứ không phải thăm cô chủ là chính. Vì nếu muốn kiếm vợ hay chơi bời thì ông thiếu gì biết bao cô giáo trẻ đẹp nõn nường ở ngoại thành hay ở tỉnh xa muốn về Hà Nội đang xếp hàng “xin chết” nhưng ông cũng chưa màng, huống hồ loại “nứa bánh tẻ trôi sông” như cô chủ nhà chúng tôi! Mà đã là “Nứa trôi sông, thì không giập cũng gẫy, gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia”.
Nhưng chúng tôi lại vẫn nhầm, vì nằm chầu nghe ông nói chuyện cùng cô chủ, chúng tôi không thấy ông bà đả động một lời nào đến bọn chó má chúng tôi cả, mà lại toàn là việc sắp xếp nhân sự của Quận, của Trường. Ông thông báo sẽ đề bạt cô chủ tôi lên làm hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở sắp được thành lập thêm trong Quận. Thấy cô chủ tôi từ chối rằng là mình năng lực hạn chế, chưa kinh qua làm quản lý, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ biết chuyên môn, hơn nữa không phải Đảng viên, thì ông bảo:
-  Năng lực trình độ và phẩm chất đạo đức cô ra sao chúng tôi đều biết mới dám chọn mặt gửi vàng đấy chứ. Còn như chưa phải Đảng viên, thì sẽ kết nạp ngay chứ ngại gì, việc này tôi đã bàn kỹ với Ban Giám hiệu trường cô rồi.
Thấy cô chủ tôi đã “vui vẻ nhận lời” và nói lời cảm tạ sự quan tâm của ông đến cô, thì lúc đó ông bà Quận mới xoay sang hỏi thăm đến chuyện chó má nhà chúng tôi. Cô chủ tôi liền bảo:
 - Vâng nhà em có 2 con, cậu học trò nó đi miền Nam về cho một con, với một con nó gửi em nuôi giúp. Nếu anh chị thích để lứa này nó đẻ em xin biếu anh chị một con ạ.
- Không, không, tôi ngại nuôi trẻ con, cũng như chó con lắm rồi! – Ông Quận nói -  Tôi thích là thích cái tài con chó mẹ nhà cô nó có năng khiếu phát hiện kẻ gian, tôi muốn nó giúp tôi phát hiện kẻ gian ngay quanh mình ấy chứ - Vừa nói ông vừa liếc xéo sang vợ.
Bà vợ ông Trưởng phòng Quận liền trả đòn:
- Chị cũng chỉ muốn có con chó khôn trong nhà để hàng ngày nó vạch mặt chỉ tên những kẻ vừa ăn cướp vừa la làng em ạ…
Cuộc viếng thăm được kết thúc bằng những lời thoá mạ, xúc xiểm lẫn nhau của hai vợ chồng ông Quận.
Sau khi nhận chức Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Rồng Bay được ba ngày, thì cô chủ gạt nước mắt đưa tôi đến nhà ông Trưởng Phòng Giáo dục Quận như một cống vật tạ ơn ông đã ban cho cô cái chức Hiệu trưởng  mà nhiều giáo viên trong Quận đang mơ tưởng không được, còn đối với cô lại quá bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng. Thực lòng thì cô chủ chẳng muốn mất tôi, nhưng cô nghĩ nát óc mà không tìm ra được một vật gì quí giá để thế mạng tôi mà ông Quận lại khả dĩ chấp nhận. Cô thừa biết không có tôi, hay đúng hơn là sự nổi tiếng của tôi thì chẳng bao giờ ông Quận biết đến cô là ai, mà dù có vô tình biết đi nữa thì cũng chẳng bao giờ ông lại điên rồ mà cất nhắc đột xuất một giáo viên quèn, tuổi đời quá lứa, trình độ chuyên môn “thường thường bậc trung”, không phải Đảng viên lên làm Hiệu trưởng một trường mới thành lập, lẽ ra phải cần một người có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo để xây dựng mọi thứ từ đầu. Cho nên thực chất là cái chức Hiệu trưởng ấy ông phong cho tôi, một con chó Phú Quốc, chứ không phải cô. Bởi ý đồ của ông là muốn chiếm đoạt tôi, chứ không phải chiếm đoạt cô.
Lẽ đời thường tình thì phải cho, biếu cái gì người ta thiếu, không có mà đang muốn có thì mới quí, chứ ai động rồ mà đi biếu cái mà người ta đang thừa. Với ông  tiền và tình thì ông đều đang lạm phát thừa rồi, mà hai thứ đó cô cũng không đủ tầm để hiến, nên đành phải cắn răng, gạt nước mắt đưa tôi đến biếu ông. Tình cảnh cái tối mà cô đưa tôi đến nhà ông Quận thật chẳng khác nào cái cảnh chị Dậu bán chó và con cho nhà Nghị Quế năm xưa trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố.  Điện bị mất, không thể bấm chuông được, cô chủ dắt tôi đứng ngoài cổng sắt nhìn qua cái sân rộng hun hút phía trong, cố gọi thật to tên ông Quận, nhưng chẳng thấy người ra, chỉ có hai con chó Tây to lừng lững như hai con bê nhảy sổ ra sủa inh ỏi như có ý muốn đuổi khách đi. Cô chủ tôi rút máy điện thoại ra bấm số gọi, nhưng cũng vô hiệu. Cô chủ tay cần cái xích dắt tôi đứng mỏi gối chồn chân đang vẫy gọi taxi để quay về, thì may thay có chiếc Honda @ phanh “kít” trước cổng. Hoá ra là cái cô Bích Vân mà chúng tôi đã giúp tìm cho cái nhẫn vàng bị mất hôm trước. Thấy chúng tôi, cô đon đả:
- Em chào cô ạ, mời cô vào nhà! - Vừa nói cô vừa lấy chìa khoá ra tự mở cổng dẫn chúng tôi vào trong sân – Hôm nay lại mất điện, tối quá. Cô chờ em đi gọi bố em ạ.
Một thoáng sau đã thấy ông Quận dẫn hai người khách từ trong nhà đi ra, vừa đi ông vừa nói:
- Hãy thế nhé, rồi ta sẽ trao đổi thêm sau. Xin lỗi, bây giờ tôi phải tiếp một vị khách rất đặc biệt - Vừa nhìn thấy cô chủ dắt tôi đứng giữa sân, ông liền quay sang hỏi:
- Đưa đến cho anh con đực hay cái đấy?
- Dạ, con cái đúng theo yêu cầu của anh đấy ạ!- Cô chủ tôi trả lời.
Hai người khách chào ông bước ra cổng, ông cũng chẳng để ý mà vẫn xoắn xuýt lấy chúng tôi:
Được đực chưa?
Dạ nửa tháng rồi đấy ạ, chỉ khoảng 45 ngày nữa là sẽ đẻ thôi ạ.
Tốt, tốt lắm! Thế đã cho nó ăn gì hôm nay chưa?
Dạ rồi ạ….
Ông còn hỏi cô chủ rất nhiều câu liên quan đến việc chăm sóc cho tôi, nhưng tuyệt nhiên không hỏi gì cô về chuyện trường, chuyện lớp cũng như quên hẳn việc mời cô vào trong nhà. Đứng mãi ngoài sân tối om đã mỏi chân, cô chủ cúi xuống âu yếm ôm hôn tôi và nói “Ở lại đây với ông chủ mới ngoan nhé!”. Tôi thấy những giọt nước mắt nóng hổi của cô lăn trên má tôi, đoạn cô đứng lên chào ông Quận ra về.
Tôi ở nhà ông Quận mới được hơn tháng trời mà cảm thấy buồn vô tận, phần vì nhớ chồng, nhớ nhà cô chủ cũ, phần vì ở nhà này tuy có đông người hơn, nhưng chẳng ai quan tâm chăm sóc cho tôi cả, họ chỉ chăm chăm lợi dụng tôi giúp cho họ thực hiện những ý đồ đen tối mà thôi. Cô chủ nhỏ Bích Vân thì đi học chính khoá ở trường, rồi học phụ đạo, học chuyên sâu ngoại khoá suốt ngày suốt tối, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Còn ông bà chủ lớn thì cũng đi làm suốt ngày, tối về đến nhà mỗi người riêng mỗi phòng, tôi thấy ít khi họ nói chuyện với nhau, và cũng ít khi thấy họ ăn cơm ở nhà. Chẳng biết họ ăn ở đâu, có hôm cả ba người đều về muộn làm chúng tôi phải đói meo, thậm chí có hôm họ về đến nhà quá trễ, người nọ lại tưởng người kia cho chúng tôi ăn rồi, thế là chúng tôi lại phải nhịn đói qua đêm. Công bằng mà nói, chúng tôi bị bỏ đói, ít được quan tâm cũng đáng đời, vì từ khi về ở nhà này tôi cũng chưa giúp được gì cho ông bà chủ mới, trừ một lần tôi đã giúp ông chủ “tìm được kẻ lạ đột nhập vào nhà”. Tuy ông chủ bà chủ sống li thân mỗi người một buồng, có chìa khoá riêng, tự do tiếp khách riêng, nhưng họ vẫn quan tâm đến nhau đáo để. Kiểu như “của ông không ăn để đấy, chớ có đứa nào được động vào”. Nguyên tắc hai ông bà thoả thuận với nhau là tôn trọng tự do của nhau, không được tự tiện vào phòng của nhau, nhưng cả hai người vẫn có chìa khoá riêng để “bí mật kiểm tra hành chính” phòng riêng của nhau. Một hôm ông vừa đi thăm quan ở nước ngoài về đến nhà, bà đang đi làm vắng, ông liền dùng chìa khoá riêng mở phòng bà kiểm tra và phát hiện ra một chiếc quần lót đàn ông lạ vùi lẫn trong chăn, lập tức ông gọi tôi vào cho ngửi cái quần đó, rồi mở cổng bắt tôi dẫn đi tìm tung tích chủ nhân chiếc quần lót. Thật may mà tôi đánh hơi theo dấu đi lại của người có mùi giống mùi cái quần đó vẫn như phảng phất quanh đây, cuối cùng tôi đã lần ra và đưa ông vào một công ty gần ngay nhà. Mồm tôi càm chiếc quần dẫn ông đi lên thẳng tầng hai, ông gõ cửa, sau tiếng “mời vào”, chúng tôi đẩy cửa bước vào thì thấy bà chủ và mấy người đàn ông đang ngồi trong đó. Bà chủ đang trố mắt ngạc nhiên nhìn ông chủ, thì tôi càm chiếc quần đến bên một người đàn ông thắt cà vát nghiêm chỉnh có vẻ như trưởng phòng rồi sủa vang. Người đó hỏi:
Anh đến chơi hay có việc gì không ạ?
Chẳng có việc gì đâu! – Ông chủ tôi trả lời – Tôi mới đi xa về sang gặp nhà tôi lấy chìa khoá, nhân tiện gửi lại anh cái quần lót quên trong phòng ngủ vợ tôi! - Rồi ông huýt sáo gọi tôi ra khỏi phòng và không quên kéo đóng cánh cửa thật mạnh.
Từ hôm đấy tôi bị bà chủ ghét no. Cộng với mấy lần bà sai tôi truy tìm kẻ gian mà không thành công. Một lần bà gí vào mũi tôi cái áo sơ mi của ông đầy mùi nước hoa con gái và có mấy vết son còn dính ở cổ áo, rồi bắt tôi dẫn đi tìm. Tôi đã dẫn bà đến cửa hàng mỹ phẩm đúng nơi có cái mùi nước hoa và son phấn đó, mà không hiểu sao bị bà lột guốc ra đánh tôi túi bụi và chửi là “đồ ăn hại”. Một lần khác bà tìm được chiếc kẹp tóc hình con bướm ở phòng ngủ của ông, đưa cho tôi dẫn bà đi tìm chủ nhân của nó. Mồm tôi càm chiếc kẹp tóc vừa ra đến cổng thì bị hai con chó Tây gần gừ doạ nạt, tôi phải sủa vang chửi lại chúng thì chẳng may chiếc kẹp tóc rơi xuống rãnh nước, khi mò được lên thì không còn mùi đàn bà con gái nữa mà chỉ toàn mùi cống rãnh, nên tôi cứ quẩn quanh tìn chủ nhân của nó ở cái rãnh nước trước cổng. Bà chủ tức điên đã dùng cái chân đang đi giầy cao gót mà đá thẳng vào cái bụng sắp đến ngày sinh nở của tôi, làm tôi kêu “ẳng” lên vì đau quá tưởng đến truỵ thai. Từ hôm ấy cứ thấy bóng dáng bà chủ đâu là tôi phải lẩn trốn như  tránh quan ôn dịch. Một hôm vào quãng nửa đêm giờ tí, tôi tóm được lão chuột sù đột nhập từ rãnh nước ngoài cổng vào sân. Tôi không cắn chết lão ngay mà càm nhẹ cho lão sống  để trình báo bà chủ, hòng báo công chuộc tội với bà. Tôi lấy chân cào cửa phòng bà, còn mồm kêu “ư ử” gọi bà. Bà vừa mở cửa, bật đèn thấy cảnh tôi càm con chuột to còn sống đang oằn oại  thì bà sợ hãi, thét lên chu chéo và ngã vật ra, đầu đập vào cánh cửa, máu chảy loe loét. Ông chủ phải vội gọi taxi đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Nào tôi có biết đâu  rằng là bà cầm tinh con chuột mà  lại rất sợ chuột!
Tối hôm sau, cô chủ nhỏ Bích Vân vừa đón bà từ bệnh viện về nhà thì tôi trở dạ đẻ. Vì sợ không dám giáp mặt bà, nên tôi đã lặng lẽ tìm đến vườn sau bới một cái hố đất bên gốc cây lộc vừng để làm ổ đẻ. Tôi sinh hạ được 5 chú cún con kháu khỉnh. Đang còn liếm láp cho chúng thì trời đổ cơn mưa rào như trút nước. Cái hố mẹ con tôi đang nằm ngập tủm, đàn con tôi nổi lều bều trên mặt nước. Tôi xông vội vào nhà tìm gặp ông chủ để cầu cứu. May quá phòng ông còn mở cửa sáng ánh đèn, tôi xông thẳng lại cắn vào ống quần lôi ông ra khỏi bàn máy vi tính. Ông không hiểu tôi muốn gì, lại thấy tôi mình ướt sũng nước, ông sợ bẩn phòng nên vội đuổi tôi ra rồi đóng chặt cửa lại. Không thể để cho đàn con tôi chết chìm ở cái hố ngoài vườn, tôi cố cào cấu và đập mạnh chân vào cánh cửa gọi ông. Cửa vừa hé mở, tôi lại xông vào cắn ống quần lôi ông ra. Lúc ấy ông mới biết tôi muốn gọi ông đi theo tôi. Ông trở lại phòng mặc áo mưa, cầm ô và đèn pin theo tôi ra vườn. Ông đã thấy và vớt được 5 đứa con tôi đang nổi lều bều trên mặt nước, chỉ còn thoi thóp. Ông đưa mẹ con tôi vào nhà, đánh thức bà và cô chủ nhỏ dậy để xử lý cho mẹ con tôi. Cô Bích Vân thấy tôi người bê bết bùn đất thì vội lôi tôi vào nhà tắm xả nước tắm gội cho tôi thật sạch sẽ. Rồi nhốt mẹ con tôi vào một phòng dưới tầng trệt.  Trước khi đi ngủ lại, cô không quên bật máy điều hoà để sấy cho mẹ con tôi. Nhưng thay vì bật nút sấy nóng, cô đã bật nhầm nút lạnh, làm mẹ con tôi phải một phen lạnh giá suốt đêm. Sáng ra ông bà chủ thức dậy, vào xem thì mấy đứa con tôi nằm co ro vì lạnh, còn tôi vì mới sinh  đã  bị nước mưa, lại bị cô chủ tắm gội nước lạnh, nằm một đêm trong phòng lạnh, nên cũng bị cảm lạnh, nằm quay đơ ra chỉ còn thở thoi thóp chờ chết. Ông chủ và cô chủ nhỏ thì thương tiếc tôi vô cùng, họ bàn đi gọi bác sĩ thú y đến cứu tôi, nhưng bà chủ gạt phắt:
- Nó mười phần chết chín rồi còn cứu kiếc gì được nữa. Mà từ ngày nó đến nhà mình toàn mang tai hoạ đến thôi, nó không hợp với nhà mình đâu. Giờ nếu để nó chết trong nhà là độc lắm đó. Chi bằng lúc nó đang chưa chết hẳn, ông hãy mang vất mau đi càng xa nhà càng tốt.
Ông chủ đành nhét tôi vào một chiếc bao tải, để lên xe máy phóng ra một bãi thải gần bờ sông Hồng, cách nhà chừng gần 10 cây số vất tôi xuống đó, rồi ông mới vòng về cơ quan làm việc.
Tôi nằm cuộn tròn trong cái bao tải ngoài bãi sông Hồng từ sáng đến chiều tối thì được bố con một người nhặt rác phát hiện ra. Họ mừng quớ vì hôm đó trúng quả là dớ được chú chó còn sống, phải đưa về làm một bữa tuý luý ngay mới được. Bố con ông lão nhặt rác, để tôi vào quang gánh đưa về nhà thì trời đã tối hẳn, lại đổ mưa như trút nước. Rơm, rạ ướt tiệt cả, không có cái để thui. Vả lại giềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ… những thứ cần cho thịt chó phải chờ sáng mai ra chợ mới mua được. Thế là tôi lại được họ vất ra chân đống rơm sau vườn để chờ sáng hôm sau lên dàn hoả. May thay đêm đó tôi bỗng nhiên tỉnh lại và cắn thủng bao tải chui ra, trốn được khỏi nhà ông nhặt rác. Tôi muốn trở lại nhà cô giáo chủ cũ của tôi, tôi không muốn trở lại sống với ông bà chủ mới vô tình bất nghĩa nữa. Nhưng nghĩ đến đàn con thơ dại vừa lọt lòng đang khát sữa mẹ, tôi đành cố hết sức lê lết bò hơn mười cây số tìm về.  Đến lúc tang tảng sáng tôi mới lết được về đến nhà. Tôi cố cào cào vào cửa phòng ông chủ nhưng vô hiệu, vì đêm qua mưa mát trời ông đang ngủ quá say.  Tôi lại bò sang cào vào cửa phòng bà chủ và cố rên lên “ư ử”. Bà chủ mở cửa thấy dáng vẻ tiều tuỵ của tôi thì bà tưởng tôi là hồn ma về báo thù nên đã hét chu chéo cả lên. Ông chủ và cô Bích Vân bị đánh thức dậy nhận ra  chính là tôi, chứ không phải ma chó nào cả. Cô Bích Vân đang buồn thương nhớ tôi từ lúc tôi bị bố cô đem vất đi, nay thấy tôi còn sống, lại tìm trở về thì cô liền bất chấp thân mình bẩn thỉu của tôi mà vẫn ôm chầm lấy tôi  khóc nức nở “ Thương lắm, thương lắm Phú Quốc của chị ơi!”. Rồi cô lấy khăn lau người cho tôi, pha sữa cho tôi uống. Chỉ mấy ngày sau tôi đã khoẻ lại bình thường, cho con bú được. Một tháng sau lại trơn lông, mượt da như trước.
Sau cái cú thoát hiểm cải tử hoàn sinh ấy, tôi lại được dư luận phong cho một chiến tích mới mang mầu sắc huyền bí liêu trai, càng nổi tiếng hơn nữa. Ông chủ và cô chủ nhỏ càng quí mến tôi hơn. Trái lại bà chủ thì càng ghét tôi thậm tệ, bởi tôi chỉ giúp ông chủ tìm ra bí mật của bà, chứ chưa giúp bà được phi vụ nào cả. Bà nói với ông chủ là tôi với bà xung khắc không sống chung với nhau trong một mái nhà được, yêu cầu ông chủ trả lại tôi cho cô giáo, hoặc bán, biếu cho ai thì tuỳ, chứ rứt khoát không thể nuôi tôi được nữa. Nếu không làm theo ý bà thì bà đành phải nhẫn tâm dùng một mồi bả chó thì lúc ấy đừng có trách bà.  Đã đến nước ấy thì ông chủ cũng không thể lưu luyến giữ tôi mãi  được nữa, nhân ông đang muốn ứng cử vào cái chức  Phó chủ tịch Quận, ông liền đưa tôi đến một gia đình ở trong Khu Phố Cổ tặng cho ông “bạn thân” là Thành uỷ viên phụ trách công tác Tổ chức cán bộ. Gia chủ mới của tôi rất quí mến tôi, nhưng bởi sống trong trong Khu Phố Cổ nhà ống chật chội, họ không đủ sức phục vụ cho chuyện vệ sinh hàng ngày của tôi, nên tôi chỉ lưu lại Khu Phố Cổ chưa đầy một tháng đã được “đề bạt” lên làm “cận vệ” cho gia đình một Ngài Bộ trưởng ở Khu đô thị mới Ciputra, trên Quận Tây Hồ.
“Người nổi tiếng”, à quên “Chó nổi tiếng” như tôi thì đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt và trọng vọng vô cùng. Sống ở nhà ngài Bộ trưởng đã mấy tháng trời mà tôi không còn biết hạt cơm là gì nữa. Tôi chỉ phải ăn toàn những loại đường sữa, bánh tây, mật ong cùng là thực phẩm đồ hộp loại sang mà thiên hạ cứ kìn kìn đưa đến không biết để bồi dưỡng sức khoẻ cho ngài Bộ trưởng hay cho tôi nữa? Bởi tôi hiếm khi thấy Bộ trưởng dùng bữa tại gia. Hàng ngày tôi được chính tay bà Bộ trưởng phu nhân tắm rửa, chải chuốt, dắt đi chơi. Bà quí tôi chẳng kém gì đứa cháu ngoại của bà mà một tháng mới có dịp đến thăm bà một hai lần. Bà dắt tôi đi chơi phần vì yêu quí tôi, phần vì để tạo dáng, tạo uy trên đoạn đường đi bộ dưỡng sinh của bà, phần nữa cũng là kết hợp một công đôi việc cho tôi “giải quyết” ra lề đường những cặn bã của cao lương mỹ vị mà bà nhồi nhét cho tôi hàng ngày. Đoạn đường mà tôi hộ tống bà đi bộ dưỡng sinh là từ nhà trong khu biệt thự cao cấp Ciputra đến chân cầu Thăng Long thì quay về.  Sáng sớm một lượt, chiều tối một lượt mà người dân sống quanh đây đã thấy như qui luật bất biến. Chính vì thế mà tai hoạ đã ập đến với tôi. Hôm đó chúng tôi vừa từ chân cầu Thăng Long trở về gần đến đường rẽ vào Khu đô thị Ciputra, thì thấy nhoàng một cái, bộ lưỡi câu chùm từ tay một tên “cẩu tặc” ngồi sau xe Honda phóng ra chùm kín thân tôi, nhanh như điện chúng kéo tôi lên xe tống vào bao tải, tôi chỉ còn kịp kêu được lên tiếng “ăng ẳng” giữa sự ngỡ ngàng kêu lên ú ớ không ra tiếng người của Bộ trưởng phu nhân, thì chúng đã ôm tôi phóng vút đi rồi.
 
 
Nay thì tôi đang mang thương tích đầy mình, nằm chật cứng trong cái lồng sắt đại nhốt nhồi nhét có đến vài chục con chó khác của một cửa hàng “Cầy tơ bảy món” trên “Khu liên hiệp thịt chó” Nhật Tân để chờ được hoá kiếp.
Kinh Phật có dậy rằng “hoá kiếp này để lên làm kiếp khác”, nếu đúng được như thế thì kiếp sau tôi nguyện thề rằng không làm chó nữa. Nếu như kiếp này tôi chưa trọn đường tu mà Trời Phật vẫn bắt phải làm thêm một kiếp chó nữa, thì tôi cũng xin không làm chó Phú Quốc, và cạch không dám làm một con “chó nổi tiếng” nữa!
 
Viết tại Nhà máy gang cầu Thiên Phát
Tiên Du, Bắc Ninh ngày 02/07/2010

Xem Tiếp: ----