Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ chỉ sinh được có mỗi một người con gái. Vì thế họ nuôi nấng dạy dỗ rất chăm chút. Khi cô gái lớn lên, cha mẹ dạy cho đạo thánh hiền. Năm nàng mười lăm tuổi vẫn bị cấm cung không được tiếp xúc với người ngoài. Một hôm người mẹ lên chùa lễ Phật. Lần đầu tiên bà đưa con gái ra khỏi nhà. Bấy giờ có một vị thiên thần muốn mượn cô gái đồng trinh làm chỗ đầu thai, mới nhân lúc cô gái ra vườn vãng cảnh, hiện làm một bông hoa có năm cánh rất đẹp. Cô gái thích quá ngắt lấy ngắm nghía hồi lâu, rồi bỗng dưng bỏ vào miệng nuốt đi.Từ đó cô gái tự nhiên không chồng mà chửa. Cha mẹ nàng ngạc nhiên và xấu hổ vô cùng. Hết tra hỏi đến dụ dỗ nhưng cô gái ngây thơ ấy cũng chả làm sao mà hiểu được. Tất cả mối ngờ của cha mẹ đều đổ dồn vào nhà chùa. Đoán là có một sư ông đã quyến rũ con gái mình trong ngày lễ Phật dạo nọ, họ bèn đuổi con lên chùa và nói: -"Mày lên đó mà ở với sư, đừng vác trở về bội nhọ nhà tao nữa". Hòa thượng trụ trì chùa đó không biết làm thế nào, đuổi đi cũng không nỡ, đành phải nhận nuôi nàng và dựng một túp lều sau chùa cho nàng ra đó ở.Khi gần đến ngày sinh, cô gái bỗng nằm chiêm bao thấy có một thiên thần đến trước mặt dặn rằng: - "Đừng đặt tên con vội, cứ để đến lúc chúng nó biết nói, tự chúng sẽ cho biết tên".Thế rồi, cô gái sinh một lúc năm người con trai, đặc biệt khuôn mặt giống nhau như tạc. Cả năm anh em đều lớn nhanh như thổi, đứa nào đứa ấy sởn sơ mạnh khỏe. Khi chúng biết nói, người mẹ hỏi đến tên, thì đứa thứ nhất trả lời: - "Sức con có thể vác một quả núi, con là Mạnh mẽ". Đứa thứ hai nói: - "Người con dù có dao băm búa bổ cũng không chết, con là Mình đồng da sắt". Đứa thứ ba tiếp: -"Con có thể ngồi một nơi biết được mọi việc trong thiên hạ, tên con là Vén mây xem trần". Đứa thứ tư: - "Con có thể sống dưới nước cũng như trên cạn, tên con là Khô". Đứa cuối cùng nói: - "Con thì dù ngủ trong lửa cũng cứ dễ chịu như thường, tên con là Ướt".Năm anh em lớn lên lo làm việc nuôi mẹ. Hàng ngày Mạnh mẽ lên rừng kiếm củi về đổi lấy gạo. Mỗi một gánh củi của chàng chứa đầy một sân. Tiếng tăm của anh chàng truyền khắp mọi nơi trong nước. Hồi ấy nhà vua cần nhiều củi để dùng vào một lễ rất long trọng của triều đình. Vua cho triệu Mạnh mẽ đến, bảo kiếm củi cho mình và hứa cứ mỗi gánh củi đưa đến sẽ đổi một gánh gạo.Mạnh mẽ kiếm củi mau như chớp. Rừng tuy xa nhưng mỗi một ngày chàng đi đi về về không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đưa củi đến lại gánh gạo đi. Đến nỗi lúc viên quan trông nom kho gạo cho nhà vua thấy gạo kho đã vơi quá nửa, hắn lật đật đến báo cho vua biết. Vua nói: - "Thế thì phải bắt nó chết mới được!". Bèn cho đòi Mạnh mẽ đến và bảo:- Nhà ngươi làm việc như thế chắc là mệt. Thôi cho về nghỉ sức, mười ngày nữa sẽ đến đây phục mệnh.Mạnh mẽ về kể chuyện cho anh em nghe. Vén mây xem trần vốn đã đọc được những ý nghĩ không tốt trong đầu nhà vua bèn bảo Khô đi thay cho Mạnh Mẽ. Mười ngày sau, Khô đến gặp vua. Vua cứ tưởng hắn là anh chàng gánh vơi kho gạo của mình hôm nọ, bèn thét ngay lính bắt dìm xuống bể cho chết. Khô cứ để mặc cho bọn lính vây bắt trói lại và dìm xuống nước, nhưng dìm lần đầu lôi lên, Khô vẫn sống trơ trơ. Dìm lần thứ hai, thứ ba, Khô vẫn vui vẻ ca hát. Họ lại dìm nữa, nhưng dù dìm thế nào cũng không làm cho chàng chết được. Tức mình, lại sợ mệnh vua, bọn chúng mới làm một cái cũi bỏ Khô vào cùng với rất nhiều đá tảng dòng dây đem thả xuống đáy biển, nhưng mấy tuần sau vớt lên vẫn thấy hắn sống như thường. Cuối cùng chúng phải đưa anh chàng về kể chuyện cho vua hay. Vua chưa tìm ra cách gì giết được, bèn bảo anh về, hẹn mười ngày sau nữa lại đến.Vén mây biết lần này vua dùng mưu độc đốt chết nên bảo Ướt đi thay. Ướt đến nơi thì vua đã sai dọn sẵn một căn lầu bằng gỗ dựng riêng biệt sau vườn, xung quanh chất đầy củi. Vua cũng tưởng Ướt là anh chàng hôm nọ, bèn mời gã lên lầu sai dọn mâm cỗ đầy rượu và thức ăn ngon cho ăn. Đoạn bảo quân lính đóng chịt mọi của lại rồi phóng hỏa. Lửa liếm rần rật cháy khắp mọi nơi. Nhưng Ướt ta vẫn ngồi một nơi chén tỳ tỳ. Và khi cánh cửa đổ xuống, chàng nói vọng ra cho chúng nghe: - "Ồ! Ở đây mát quá!".Vua lắc đầu, chưa biết làm thế nào để giết cho được, đành bảo anh về nhà, mười ngày sau nữa lại đến.Lần này Vén mây bảo Mình đồng da sắt đi. Khi anh chàng này đến nơi, vua thét đao phủ mang ra xử trảm. Nhưng bao nhiêu gươm đao đụng vào người đều quằn cả lại mà không làm cho anh chàng chết được. Đao phủ tức giận đâm mũi mác vào nách gã, gã chỉ cười rú lên như bị ai cù. Thấy vậy, vua rất bực mình, nhảy xuống rút bao kiếm, cầm bằng cả hai tay chém xuống rất mạnh, nhưng bảo kiếm chỉ gãy đôi mà tội nhân thì không việc gì. Cuối cùng vua bảo anh về nhà mười ngày nữa lại đến.Thấy chàng kiếm củi có phép lạ nên lần này vua không có ý định làm hại nữa. Vén mây biết được ý đồ nên mười ngày sau cùng với bốn người kia dắt nhau đến kinh đô. Vua thấy cả năm anh em giống nhau như tạc, hỏi chuyện mới biết họ đều là con thiên thần. Vua dắt Vén mây lên ngai vàng, nhường chỗ và gả con cho, rồi bỏ đi tu[1].
[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.[2] Theo Võ Quang Nhơn. Chàng Đam Thi.[3] Theo Cô-xcanh (Cosquin) Những truyện cổ tích Ấn -độ và phương Tây (đã dẫn).
KHẢO DỊ
Truyện trên có người kể khác: Một người đàn ông lần lượt lấy một trăm người vợ đều không có con, cuối cùng chỉ sinh được một mụn gái. Khi chết, cha dặn con dan díu với đủ một trăm người đàn ông khác nhau để báo thù việc cha làm ngày trước. Người con nghe lời, sau đó một thời gian nàng đã có chín mươi chín anh nhân tình. Một hôm có một ông thần hiện đến với nàng trong hình dáng một người hủi. Đêm đến, người con gái vui lòng hiến thân cho người đàn ông thứ một trăm kia. Nhưng người hủi chỉ để ngón tay lên bụng nàng.Cô gái từ đấy tự nhiên có thai và đủ ngày tháng đẻ ra một lúc năm đứa con trai. Chúng khỏe mạnh và lớn như thổi. Đứa con đầu có mình đồng da sắt; đứa thứ hai có nhiều mưu trí, đứa thứ ba thính tai nghe được lời nói của người ở xa, đứa thứ tư có thể sống được dưới nước và đứa cuối cùng có thể đi vào nước sôi lửa cháy mà không chết. Cả mấy mẹ con đều sống trong rừng sâu.Một hôm, nhà vua yết bảng hứa kẻ nào giết được bà Chằng quấy nhiễu trong vùng thì gả công chúa cho.Đứa thứ ba nhờ có tai thính tìm được chỗ bà Chằng ở, bèn bảo anh chàng có mình đồng da sắt và anh chàng mưu trí đi trừ khử bà Chằng. Quả nhiên họ tìm đến nơi, qua mấy lần chiến đấu dự dội, giết được bà Chằng và chặt đầu đưa đến cho vua. Khi đặt đầu xuống sân rồng, đầu tự nhiên thụt vào trong đất. Vua làm bộ khen ngợi, bảo họ sáng mai đến sẽ gả con gái cho. Cũng như truyện trên, anh chàng thính tai biết ý định không tốt của vua, bảo anh có mình đồng da sắt đi. Mình đồng da sắt đến, vua sai bắt ra chém. Chém không được, vua lại cho về bảo sáng mai lại đến. Sáng hôm sau, người thứ tư đến bị bắt quẳng xuống biển nhưng cũng không chết. Sáng sau nữa người thứ năm đến bị đem thiêu sống, nhưng vẫn chả ăn thua gì. Lần cuối cùng anh chàng thính tai đến được vua gả công chúa cho.Người Mèo có truyện Chín chàng trai kỳ tài:Một người vợ bị chồng la rầy vì đã già mà không hề chửa đẻ, một hôm buồn quá chạy lên rừng. Gặp tiên, tiên cho 9 tấm bánh dầy dặn mỗi năm ăn một. Không ngờ đưa về ngon miệng chén tất. Sau đó đẻ được một lúc 9 đứa con trai khỏe mạnh. Gặp tiên lần thứ hai hỏi về cách đặt tên con, tiên bảo: đứa ra đầu đặt tên là Nghe gió, đứa thứ hai là Hai đẩy xà nhà, ba là Ba vác dao, tư là Tư lột da, năm là Năm bừa ruộng, sáu là Sáu bụng to, bảy là Bảy dài cẳng, tám là Tám giã cối, chín là Chín nấu rượu.Chẳng bao lâu đàn con đã lớn. Một hôm Nghe gió biết vua đang xây dựng cung điện, bèn sai em Hai đi giúp vua. Chàng tay xách xà đẩy lên, không ngờ làm đổ nhà, bị vua sai giam để hôm sau đem chém. Nghe gió biết, bèn sai em Ba đi lén thay anh. Lính xẻo thịt suốt ngày mà anh không việc gì. Lại sai giam để mai lột da nhồi trâu. Nghe gió sai em Tư đến thay. Lính lột bao nhiêu da mọc bấy nhiêu. Lại sai giam để vứt cho trâu lôi. Đến lượt anh Năm thay. Vua sai trói rồi buộc anh vào ba con trâu mộng cho chúng lôi đi khắp nơi suốt ngày: trâu mệt nhoài còn anh không việc gì. Anh còn kéo một cái ba con trâu va vào nhau chết. Vua lại sai giam lại, mai làm thịt cả ba con bắt ăn kỳ hết. Anh Sáu bụng to đến thay, chén sạch sanh mà vẫn tỏ ra thòm thèm. Vua lại sai giam lại, mai mang đi quẳng xuống vực. Đến lượt Bảy dài cẳng nhón chân nước chưa ướt gấu quần. Lại sai giam để bỏ vào cối giã. Tám giã cối đến, vua sai bỏ vào cối có 9 người đạp chày mới cất nổi. Giã một ngày chỉ mỏi chân. Lại sai giam để mai nấu rượu. Chín nấu rượu bị bỏ vào chõ dưới đốt lửa, anh lấy dây gai mang theo ra đan. Khi lính mở vung anh đan được 99 chiếc hài xảo, bước ra làm bọn lính hết hồn. Khi vua chịu là tài thì Nghe gió đem tám người em tới. Vua nhường ngôi cho anh[2].Truyện của người Trung-quốc:Một bà già có năm người con trai giống nhau như tạc mà mỗi người có một tài lạ. Người con đầu có thể nuốt được biển lớn vào bụng, người thứ hai có da cứng như thép, người thứ ba có cặp giò có thể kéo dài ra vô tận, người thứ tư lửa đốt không cháy, người thứ năm có thể không thở mà vẫn sống được. Từ lâu xóm giềng chẳng ai biết là họ có tài.Những người hàng xóm thấy người anh cả lúc nào cũng bắt được nhiều cá, nên một hôm nhờ anh dạy cho bọn trẻ cách bắt cá kiếm ăn. Anh đưa bọn chúng ra bờ biển và sau khi nuốt biển vào bụng, ra hiệu chúng xuống bắt cá mắc cạn. Lũ trẻ mải mê quá, nên khi anh mệt, ra hiệu cho chúng mau mau lên bờ, mà chúng vẫn không biết. Cuối cùng không chịu nổi nữa, anh phải nôn thốc nước biển ra, và thế là bọn trẻ con chết đuối cả.Mặc dầu anh hết sức phân trần nhưng bố mẹ bọn trẻ cứ lôi anh ra tòa. Anh bị án trảm quyết, Trước khi thi hành bản án, anh được phép về nhà từ giã mẹ già. Nhưng khi bước ra pháp trường thì lại là người em thứ hai đi thay nên dao mác không thể phạm vào được. Sau đó, quan tòa sai ném tội nhân xuống biển thì người em thứ ba thay vào. Cặp giò của anh vừa xuống nước lập tức mọc dài ra, đầu lúc nào cũng nổi lên khỏi mặt sóng. Người ta lại dùng cực hình vạc dầu, thì người em thứ tư đến thay. Anh làm bộ rét bảo họ chụm thên lửa. Cuối cùng người ta nghĩ ra cách bỏ tội nhân vào một tấm bánh khổng lồ và hầm cho kỳ ngạt thở, nhưng lúc này em thứ năm đến thay, vẫn vô sự. Cuối cùng được tha bổng[3].Xem thêm truyện Bốn anh tài (số 66) dưới đây.[1] Theo Lăng-đờ (Landes). Sách đã dẫn.[2] Theo Võ Quang Nhơn. Chàng Đam Thi.[3] Theo Cô-xcanh (Cosquin) Những truyện cổ tích Ấn -độ và phương Tây (đã dẫn).