175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ

Ngày xưa, có một chàng đánh cá trẻ tuổi có giọng hát trong trẻo du dương. Nhà chàng vốn nghèo, tài sản chỉ có một con thuyền nhỏ và một túp lều dựng ở ven sông. Ngày ngày chàng chống thuyền ra giữa sông cùng với cha buông câu thả lưới làm kế sinh nhai. Trong khi làm việc, chàng thường cất cao giọng hát. Tiếng hát ấy vọng khắp xa gần làm cho mọi người ưa thích. Tiếng hát ấy còn làm cho một nàng công chúa thủy phủ say mê. Hàng ngày nàng vẫn đội lốt cá quanh quẩn bên thuyền để được nghe tiếng hát của chàng trai người trần.
Một hôm, giữa khi đang mê mải nghe hát bên cạnh thuyền, nàng công chúa thủy phủ không may sa vào lưới. Khi gỡ cá dính lưới, người bố chàng trẻ tuổi thấy có con cá lạ có vảy đỏ lóng lánh đẹp mắt thì ném vào lòng thuyền định để cho con nuôi chơi. Nhưng rồi ông già lại quên đi không cho con biết. Cho nên, mấy ngày đầu sống dưới gầm thuyền chẳng có gì ăn, nàng công chúa thủy phủ sắp lả ra vì đói. Nhưng may sao, buổi sáng hôm sau, chàng trẻ tuổi đang ăn bỗng đánh đổ cơm lọt xuống gầm thuyền, nhờ vậy cá ta mới được một bữa no nê. Thấy cá lội tới đớp những hạt cơm rơi, chàng trẻ tuổi vội bắt lấy, ngắm nghía mãi không chán. Từ đó chàng bỏ cá vào chậu hết sức chăm chút cá không khác gì bạn thân.
Một hôm, chàng trai bắt cá lên ngắm nghía, chẳng may buột tay đánh rơi cá xuống sông. Vắng nhà lâu ngày mới được thả ra, nàng công chúa đội lốt cá lập tức quay trở về thủy phủ.
Cuộc chia ly gây nên niềm thương nỗi nhớ giữa hai bên. Chàng trẻ tuổi rất ân hận là đã đánh rơi cá đẹp xuống sông. Chàng rất nhớ cá, hàng ngày chàng cứ nhìn xuống mặt nước hy vọng tìm lại con cá quen  thuộc. Về phần cá thì không quên được sự ân cần chăm sóc của chàng trẻ tuổi cũng như giọng hát mê ly của chàng. Nhưng từ ngày bị sa lưới trở về, nàng công chúa bị bố mẹ canh giữ ráo riết. Không được nghe tiếng hát quen thuộc, dần dần nàng nhuốm bệnh. Thấy bệnh con ngày một nặng, bố mẹ nàng tra hỏi. Nàng đành thú thật: không những mê tiếng hát của chàng trai trẻ trên trần mà còn ao ước được kết duyên với chàng. Nghe nói thế: vua Thủy đùng đùng nổi giận. Vua hạ lệnh phải canh giữ con gái mình nghiêm ngặt hơn nữa. Nhưng sau đó, nhờ hoàng hậu thương con ôn tồn khuyên can nên cơn giận của vua cũng dần dần nguôi. Khi thấy công chúa ngày một héo hon, cuối cùng, vua cũng đành để cho nàng toại nguyện.
°
°
Ba năm trôi qua...
Lúc này chàng đánh cá trẻ tuổi vẫn làm nghề cũ giọng hát của chàng văng vẳng trên sông vẫn trong trẻo du dương. Nhưng người bố của chàng thì đã vắng bóng. Bây giờ chàng dựng một túp lều bên cạnh hòn Non-nước nổi lên giữa dòng sông mênh mông như một hòn đảo.
Một hôm ngồi trên thuyền câu, chàng đang cất cho giọng hát, thì bỗng một con cá vảy đỏ lóng lánh nhảy lên mạn thuyền. Bắt cá lên tay, chàng thấy cá nhìn mình đầy trìu mến. Bỗng chốc cá biến thành một cô gái xinh đẹp làm cho chàng kinh ngạc.
- Nàng là ai? Chàng đánh cá hỏi.
- Thiếp là con cá nhỏ năm xưa từng được chàng ân cần chăm sóc.
Nói rồi cô gái kể lại cho chàng trai biết mọi việc xảy ra sau khi trở về thủy phủ.
Đoạn nói tiếp:
- Bây giờ hãy làm ơn cho thiếp sống bên chàng để được ngày ngày nghe chàng hát.
Chàng đánh cá từ đấy có vợ. Chàng hát nhiều hơn trước. Hai vợ chồng sống với nhau êm đềm sung sướng.
Câu hát trong dân gian:
Xung quanh những chị em ngồi,
Giữa hòn Non-nước mình tôi với chàng.
là nói lên cuộc tình duyên êm đẹp đó[1].
KHẢO DỊ
Một truyện Duyên tiên kể có hơi khác như sau:
Có hai cha con một người dân chài ở hòn Non-nước. Con là Lý Lâm một hôm tát thuyền nhặt được một con cá nhỏ sót lại, có vây đỏ óng ánh đẹp mắt, bèn thả vào chậu nước, đặc biệt săn sóc. Cá lớn lên trông thấy và dưới dạng một cô gái đẹp thường trò chuyện với Lý Lâm trong giấc mộng. Một hôm có tên hào cường thấy cá đẹp toan bắt, nhưng Lý Lâm cố giữ, hai bên giằng nhau. Chậu vỡ, cá tuột xuống nước đi mất. Đó là con gái vua Thủy bị sa vào lưới nay mới trở về. Nhưng những ngày ở cõi trần được thấy Lý Lâm, nàng đâm ra tương tư. Lâu dần sinh bệnh, nhưng nàng không dám nói thật với bố. Khi vua Thủy biết sự thật, ông ra lệnh cho các tướng canh giữ nghiêm ngặt. Nhờ có người nữ tỳ dùng kế phục rượu cho các tướng say mềm, cô gái vua Thủy lại tìm đường đến hòn Non-nước hóa thành người, gặp lại Lý Lâm. Hai người trở thành vợ chồng rất tương đắc.
Truyện còn thêm một đoạn kết có chất khôi hài là: một hôm nữ tỳ lên báo cho vợ Lý Lâm biết vua cha gọi nàng về gấp, có các tướng sắp tới bắt. Mưu kế cũ lại bày ra. Vợ Lý Lâm dọn tiệc cho thuồng luồng, ba ba làm cho hai tướng mềm môi, nhưng trong rượu có thuốc độc nên cả hai đều chết cả. Sau đó mưa to gió lớn nổi lên, các tướng khác của vua Thủy kéo tới định bắt cô gái bướng bỉnh, nhưng họ lại bị dân làng hết sức che chở chống cự, nên không làm gì được. Từ đấy hai vợ chồng sống yên ổn[2].
Dân tộc Cor có truyện Nàng tiên cá cũng là một dị bản của các truyện trên:
Một anh chàng đánh cá có một túp lều bên bờ hồ. Hàng ngày quăng lưới, anh hát giọng hát du dương, có lúc lại đánh nhạc chiêng. Một hôm kéo lưới thấy nặng tay, bỗng có một bàn tay người giơ lên vẫy vẫy, và có tiếng nói: - "Xin chàng thả em ra!" Kéo lên thì là một cô gái đẹp da trắng, tóc đen nằm gọn trong lưới. Chàng đánh cá ngắm không chán mắt, đoạn buông thả. Về đến thủy cung, cô gái thầm cảm ơn chàng trai. Về phía chàng trai cũng đâm ra nhớ cô gái, lại ra chỗ cũ kéo lưới. Cô gái cũng tìm đến chỗ cũ để được nhìn mặt và nghe giọng hát của anh chàng người trần. Một hôm, nàng bỏ thủy cung lên bờ, hai người đẹp duyên. Nàng tiên cá sau đó đẻ được hai người con trai đều giống bố. Lớn lên chúng lấy vợ người làng, cũng sinh con. Một hôm, có một trận bão dữ dội thổi nàng tiên cá ra hồ, rồi biến mất. Không thấy vợ trở về, chồng khóc thương vô hạn. Hàng ngày, chàng thường ra chỗ gặp gỡ cũ ca hát, nhưng giọng không còn trong trẻo nữa. Đau buồn, thất vọng, chàng chết, người ta chôn bên cạnh lều. Thế rồi một hôm nàng tiên cá lại xuất hiện, đến lều tìm chồng. Đêm nào nàng cũng ngồi cạnh mộ khóc than, nhưng không thể làm cho chồng sống lại được nữa[3].
Truyện Chàng Ta Luông của người Dao có đoạn đầu cũng cùng một mô-típ với hai truyện trên, duy đoạn sau thì gắn với hình ảnh một số truyện như: Nàng tiên trong vỏ ốc (Khảo dị truyện số 118) và Ai mua hành tôi? (số 135), đều ở tập III, như sau:
Ta Luông khỏe mạnh, đẹp trai, nhưng mồ côi, nhà nghèo, sống bằng nghề đốn củi và câu cá, có giọng hát rất hay làm cho các cô gái trong vùng mê như điếu đổ, nhưng anh chưa để ý một ai. Gần vùng có một vực sâu ăn thông với các sông hồ gọi là Vũng-sâu. Ta Luông ngày ngày câu ở đây. Tiếng hát của anh vang đến tận thủy phủ làm cho vua ở đây là Long vương nghe mê mẩn, ngày nào cũng biến thành một con cá nhỏ đến nghe. Không ngờ một hôm có một ông lão kéo vó gần đó cất được "cá nhỏ". Thấy cá đẹp, Ta Luông xin về chơi nhưng không biết bỏ vào đâu, cuối cùng lại thả xuống vũng. Được giải phóng, Long vương cảm ơn anh bằng cách cho người lên mời ân nhân xuống chơi thủy phủ, đãi anh rất hậu, và khi anh về tặng anh một bình nước thần có thế làm mưa lụt. Như các truyện trên, công chúa con gái Long vương sau khi gặp Ta Luông mê anh đến tương tư thành bệnh. Long vương can không được, cuối cùng cho lên trần lấy Ta Luông nhưng bắt thu hết phép mầu. Công chúa hóa thành con cá vàng theo trận mưa rơi xuống ở nhà Ta Luông, được anh nuôi trong một vại nước. Từ đấy nhà Ta Luông ngày ngày có cơm canh dọn khi anh vắng mặt. Anh để tâm rình, và cuối cùng biết cá vàng chính là nàng công chúa mà anh gặp ở thủy cung và anh cũng thầm yêu trộm nhớ từ ngày ở thủy phủ về. Từ đấy họ thành vợ chồng.
Nhưng công chúa rất đẹp khiến Ta Luông không muốn xa vợ giây phút nào. Vợ bèn tự vẽ chân dung của mình cho anh ngắm nghía trong lúc đi làm. Bức tranh ấy một hôm không phải bị quạ tha mà bị một cô láng giềng của Ta Luông vì ghen yêu nên trộm lấy đem dâng một tên vua hiếu sắc. Thế là trong khi Ta Luông vắng nhà, vua cho lính bắt vợ chàng về kinh. Nhận ra dấu hạt cải do vợ rắc. Ta Luông tìm đến kinh đô. Trong khi đó thì tên vua vẫn chưa chinh phục được cô gái thủy phủ, vì từ lúc vào cung nàng vẫn không chịu nói cười. Và nàng chỉ cười khi nghe tiếng hát của chồng từ ngoài cổng thành. Thấy vậy, vua sai đưa Ta Luông vào. Cũng như truyện Ai mua hành tôi, nhưng ở đây không có gánh hành, vua buộc chàng đổi áo quần hy vọng có giọng hát hay như anh ta. Vừa đổi xong thì Ta Luông đã hô lính chém chết vua và khi bọn lính nhận ra Ta Luông không phải là vua thì chàng đã giội bình nước thần, thành một trận lụt, nhận chìm hết chúng. Ta Luông từ đó lên ngôi vua[4].
Loại truyện cùng một sơ đồ như các truyện trên có khá nhiều ở các dân tộc anh em cũng như ở Đông nam Á, nhưng mỗi truyện có ít nhiều tiến triển và sắc thái khác nhau. Ví dụ truyện Nàng Long Nữ và chàng Tam Lan của Trung-quốc cũng nói đến một chàng trẻ tuổi có tiếng đàn (hay sáo) tuyệt vời làm cho con gái Long vương nghe mà mê mệt và thầm yêu trộm nhớ, nhưng cũng bị bố giam giữ không cho liên lạc với người yêu như truyện của ta. Cuối cùng được một nhân vật khác giúp, chàng trẻ tuổi dọa đun sôi nước biển khiến cho Long vương hoảng sợ, buộc phải để cho đôi bên lấy nhau, v.v... Xem thêm các truyện Chàng thổi khèn (Khảo dị số 135, tập III), Tiếng khèn Tồng Páo (Khảo dị số 149) của người Mèo, Anh Ba và quan thổ ty (Khảo dị số 148) của người Choang (Trung-quốc), đều ở tập IV, v.v...
Người Nùng có truyện Tài Xì Phoòng[5] gần như là một với truyện Người con gái cá của người Xạ Phang (xem Khảo dị truyện Của Thiên trả Địa, số 42, tập II) đều có một số hình ảnh có phần tương tự với các truyện trên.
(HẾT TẬP IV)
[1] Theo Đinh Gia Thuyết. Non nước Ninh-bình, trong Thực nghiệp dân báo và theo lời kể của người Ninh-bình.
[2] Theo Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt-nam, tập III.
[3] Theo Đỗ Thiện, Ngọc Anh, Đinh Văn Thành. Truyện cổ Tây-nguyên, đã dẫn.
[4] Theo Hoàng Quyết, Hoàng Thao, Mai Sơn,... sách đã dẫn.
[5] Xem Hoàng Quyết. Truyện cổ Tày Nùng.
KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ
Tính từ ngày tập I của bộ sách được xuất bản (1957), cho đến khi tập V ra đời (1982), tới nay (1993), đã gần bốn chục năm qua, giá trị của bộ sách và công lao của soạn giả đã hoàn toàn được khẳng định. Sách được tái bản nhiều lần, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, tôi muốn nói đến các thế hệ bạn đọc. Lớp này nối tiếp lớp khác. Cả người nghiên cứu và độc giả bình thường, đều thấy cần có sách, mà là có cả bộ, chứ không phải từng quyển riêng lẻ. Có cả bộ trọn vẹn - cả phần Nghiên cứu và phần Khảo dị - chứ không phải chỉ có riêng phần Truyện để đọc cho vui. Không đợi đến các nhà chuyên môn phân tích đánh giá, khuynh hướng bạn đọc như vậy chứng minh một sự thực cần được nhắc lại: đây là một công trình khoa học, chứ không phải chỉ là một sách sưu tầm bình thường. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, để lưu ý những bạn yêu thích truyện cổ và đã thích thú sưu tầm, nên rút kinh nghiệm của người đi trước nhằm nâng cao thêm chất lượng các loại sách tương tự sẽ ra đời. Vì phải nói thực rằng, từ sau 1982, không hiếm gì những bộ sưu tầm cổ tích mới, song chưa có bộ nào đuổi kịp bộ Kho tàng. Đó là chưa nói đến không ít những truyện vay mượn Kho tàng, vay nhiều khi vụng, mà mượn nhiều khi sót[1].
Sự công nhận giá trị bộ sách đã là nhất trí. Điều hầu như ai cũng thấy rõ là một công phu tích lũy lâu dài, đặc biệt là trình độ uyên bác của người soạn. Không thiết tha với kho tàng cổ tích, không theo dõi và thu thập tài liệu một cách cần mẫn bao quát, rộng rãi thì không thể tiến hành việc khảo dị một cách khá đầy đủ ở sau mỗi câu chuyện chính văn như vậy được. Người đọc cảm thấy như thế, và các bài phê bình cũng xác nhận như thế. Song nếu chỉ dừng lại với nhận xét ấy thì quả là chưa thỏa đáng đối với những đóng góp của soạn giả. Tôi rất hy vọng, nhất là trong giới nghiên cứu phôn-clo (folklore) ở Việt-nam, nhất là các nhà khoa học chuyên sâu về loại hình tự sự dân gian, sẽ có dịp bàn sâu về bộ sách này. Bộ sách đã đặt ra những vấn đề, về mặt lịch sử là hoàn toàn mới với phương pháp tiếp cận, về mặt chuyên môn thì có nhiều gợi ý cho việc đi vào các nhận định khoa học. Nhà học giả tuy đã khuất, nhưng chắc cũng như các bạn đồng nghiệp vẫn chờ đợi tri âm. Bao giờ thì có?
Xin thú thực rằng, tuy cũng say mê nghiên cứu phôn-clo, và cũng đã có dịp được cái duyên là bạn vong niên của tác giả mà tôi luôn luôn xem là người Anh, người Thầy, nhưng lại không chọn địa bàn cổ tích làm miếng đất chuyên sâu, nên ở góc độ này, tôi chỉ có thể góp thêm một vài cảm tưởng. Tôi nghĩ đến phương pháp tiếp cận của Nguyễn Đổng Chi trong bối cảnh chung về việc sưu lầm cổ tích. Không nói đến những Việt điện u linh, Lĩnh nam chích quái, Thính văn dị lục hay Kiến văn lục (và nhiều bộ sách khác nữa) là những tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội trước, những cuốn sưu tầm cổ tích (hay truyện cổ) từ khi chúng ta tiếp xúc với văn hóa phương Tây, kể cả một số nhà trí thức nước ngoài có sống ở Việt-nam nữa, rõ ràng chỉ thiên về tạp trở (miscellanées) hoặc về hợp tuyển (chrestomathie). Việc sưu tầm của họ chứng minh được nhiệt tình hoặc sự quan tâm, nhiều hơn là ở ý đồ nghiên cứu. Tôi nói về mặt lịch sử, Nguyễn Đổng Chi có cái mới là ở đó (rất tiếc là ở nhiều cuốn sưu tầm cổ tích gần đây nhất, vẫn chưa thể hiện được cái mới này). Tôi nhớ lại ngày đầu tiên, được Anh tặng tập I bộ Kho tàng, tôi hỏi anh có phải anh có ý đồ làm một bộ sách như của anh em Grim (Grimm) hay không. Anh đã cười không nói. Anh không nói, nhưng ý đồ khoa học thì rất rõ ràng. 
Tất nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là, trong thời gian khá lâu, trước và sau 1945, có lẽ ở nước ta chưa mấy ai nghĩ rằng nghiên cứu cổ tích là một đề tài khoa học.
Một số người được học trong các trường đại học Pháp (ở Paris chứ không  phải ở Hà-nội) chọn đề tài khác, chỉ có Nguyễn Văn Huyên mới đi vào ca dao. Cho nên vấn đề khoa học như việc nghiên cứu so sánh cổ tích là điều ta chưa quen lắm. Cuốn Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám của Đinh Gia Khánh mãi đến 1968 mới ra đời. Trước đó, năm 1963, khi soạn cuốn Truyện Từ Thức, tôi đã nêu những ý kiến khác biệt giữa hai quan niệm của Cô-xcanh (E. Cosquin) học giả Pháp và Lăng (Andrew Lang) học giả Anh, nhưng khi sách được phê bình, không ai hưởng ứng điều này. Những tập đầu của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam của Nguyễn Đổng Chi (từ 1957) tuy không dấy lên cuộc trao đổi gì, nhưng thực sự đã có tác dụng gợi ý cho một cách nhìn cổ tích Việt-nam bởi phần phiến diện, dân tộc học hẹp hòi. Gần đây nhất, chúng ta mới làm quen được với các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là với lý thuyết về "típ" và "mô-típ" của học giả Liên-xô cũ Prốp (Ia Propp) mở ra một hướng tìm tòi xuất sắc. Ở phần Khảo dị trong bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi, tuy nhà học giả chúng ta không trực tiếp bàn đến vấn đề (bộ sách của Anh có mục đích và có chủ đề khác), nhưng rõ ràng ta có thể khẳng định sự hơn hẳn của bộ sách so với đương thời (trong nước ta và cả nhiều nước ngoài sưu tập cổ tích Việt-nam. Các truyện cổ tích Việt-nam đều có thể đem ra so sánh sự tương đồng hoặc khác biệt giữa các típ hoặc mô-típ. Xét địa danh xuất xứ của các truyện ấy (dân tộc hay quốc gia), có thể tiến đến vẽ con đường đi của các truyện để thấy rõ mối giao lưu văn hóa cổ kim, Đông Tây. Đó là cách tiếp cận khoa học mà ở ta, trước Nguyễn Đổng Chi (cả không ít người  sau Anh nữa) chưa mấy ai nghĩ đến. Thêm một ý nhỏ trong việc lần theo sợi dây tương đồng này, tôi còn cảm thấy có một sự lướt qua ở nhiều người đọc. Khi làm Khảo dị, Nguyễn Đổng Chi thường chú ý tìm những dị bản trong các tộc người Việt-nam và ở châu Á, nhất là Đông-nam Á. Một thí dụ: Truyện Thạch Sanh (tập II) có 10 dị bản, thì 2 ở Việt-nam. 1 ở Pháp, còn nữa ở Ấn-độ và Trung Á. Tôi không tin rằng cách khảo dị như thế lại không ẩn một khuynh hướng gì.
Vấn đề phân loại cổ tích Việt-nam cũng là vấn đề khoa học có thể nghĩ đến khi đọc sách của Nguyễn Đổng Chi. Mặc dầu tác giả đã tự khiêm tốn nói rằng chưa làm việc này, chỉ mới gộp lại thành từng mục (grouper) chứ không phải là chia loại (classifier). Tôi đồng ý như vậy,  nhưng vẫn nghĩ đến tình hình chung của việc nghiên cứu truyện cổ. Vào những năm 30, 40 của thế kỷ này, có nhiều người đã nghĩ đến việc phân loại. Chia loại lớn thì có những cổ tích thần kỳ, cổ tích thế sự. Chia loại  nhỏ thì phân ra cổ tích diễm tình, cổ tích lịch sử, v.v... (còn nhiều nữa). Đã có những ý kiến phê bình tính cách hình thức, hoặc sự ngộ nhận, sự xô bồ trong việc phân loại này. Bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi đã không  rơi vào sự lúng túng đó trong khi xếp thành các mục. Mười mục trong bộ sách này được trình bày theo các thứ tự:
1 Nguồn gốc sự vật
2. Sự tích đất nước Việt
3. Sự tích các câu ví
4. Thông minh, tài trí, sức khỏe
5. Sự tích anh hùng nông dân
6. Truyện phân xử
7. Truyện thần tiên, ma quỷ, phù phép
8. Đền ơn trả oán
9. Tình bạn, tình yêu, nghĩa vụ
10. Truyện vui tươi dí dỏm
Tôi nghĩ rằng, có hai điểm đang được lưu ý trong cách xếp mục (chưa nói phân loại) này. Những cốt truyện được gộp vào một mục, đối chiếu với những mục khác, như có ý đồ lần theo hướng đi của cổ tích trong tiến trình chuyển đổi hình thái dần dà của xã hội Việt-nam. Chặng đường phát triển của loại hình tự sự dân gian chưa ai phác ra, nhưng có lẽ sau thần thoại, sử thi (Nguyễn Đổng Cho đã có riêng một cuốn Lược khảo về thần thoại Việt-nam), thì các truyện khác phải ra đời ở từng chặng thời gian nào đó. Lần theo mười mục của Nguyễn Đổng Chi có thể cảm nhận dấu vết thời đại (cố nhiên không thể rành mạch như việc phân kỳ lịch sử) cho việc xuất hiện các cốt truyện tương ứng. Đây chính là sự trình bày trong thực tiễn những kiến giải tổng quát ở phần nghiên cứu (Phần I chương III: Truyện cổ Việt nam qua các thời đại) mà M. Đuy-răng (M. Durand) và Lê Văn Hảo đều đã thừa nhận[2]. Một vài nhà nghiên cứu có cách định vị cho trường hợp truyện này hay truyện khác, nhưng hình như đã không quan tâm đến tổng thể cũng như đến lịch trình. Tôi vẫn nghĩ rằng cách nhìn của Nguyễn Đổng Chi, đến nay là thỏa đáng và đi trước nhiều người.
Còn một điều nữa. Phải chăng cách gộp những câu chuyện theo những mục trên đây - lấy ngay vấn đề xã hội làm hệ quy chiếu, chứ không theo kiểu căn cứ vào tính chất của câu chuyện thường được nhận định khác nhau - có phần hợp với cách hiểu của người Việt-nam, có thể gây cảm tưởng về một "phôn-clo Việt-nam như tự nó" hơn. Tôi đã nói điều này với Anh. Anh không trả lời về sự đồng tình của tôi, mà chỉ tán thành ở một khía cạnh nhận thức. Sự tán thành của anh đã động viên tôi về luận điểm: "folklore Việt-nam ra đời". Tôi đã ghi lòng biết ơn anh về điểm đó[3].
°
°
Còn một vấn đề nữa cũng nên nghĩ đến khi miệt mài nghe Nguyễn Đổng Chi kể chuyện trong tập Kho tàng. Tôi không rõ trong sự say mê của người đọc bộ sách có bao nhiêu phần vì nội dung của truyện và bao nhiêu phần vì cách kể của soạn giả. Bởi vì, quả thực, cho đến hôm nay, tìm được một tác giả xuất sắc kể truyện cổ tích Việt-nam, cũng còn phải đắn đo suy nghĩ. Và ngay yêu cầu khoa học, yêu cầu thẩm mỹ của phương pháp kể cũng có ý kiến khác nhau. Có người bảo phải kể cho đúng phong cách dân gian. Có người còn nghĩ rằng phải biết đối tượng nghe là người thời nay, thì cách kể cũng phải cho hợp thời một chút. Viết cổ tích là làm một công trình nghệ thuật, chứ không đơn giản là một việc sưu tầm như đi ghi âm lời của các ông già bà cả. Rất mong là sẽ có dịp nhất trí về vấn đề này. Song tôi vẫn cứ băn khoăn khi đọc nhiều soạn giả. Rất nhiều người muốn nhân việc kể chuyện để làm văn, cứ như họ viết truyện ngắn. Nhiều người khác, nhất là các nhà văn, còn đảo lộn lên, thêm thắt chi tiết, miêu tả phong cảnh, phân tích tâm lý hoặc hiện đại hóa câu chuyện (đáng buồn là người ta lại cho như vậy mới hợp với "tư duy hiện đại"). Các cụ ngày xưa thường viết gọn hơn, nhưng lại hay khuôn theo đạo đức, lễ giáo phong kiến, làm mất khá nhiều bản sắc dân gian. Những tác giả cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, với văn quốc ngữ buổi đầu, giữ được ít nhiều phần chân chất, song thường là kể chuyện không trôi chảy. Các học giả tân học có vốn kiến thức Nho học buổi giao thời (nhất là ở miền Bắc) giữ được phong cách cổ kính hơn cả, lại thường thu gọn lại như lối biên soạn những mẩu "cổ học tinh hoa". Các nhà tân học kể chuyện bằng tiếng Pháp, dẫu có được lối diễn đạt sáng sủa của Pháp văn (không nhiều người lắm), nhưng lúc ấy cái hồn Việt văn lại giảm bớt. Tôi thấy Nguyễn Đổng Chi - dù chưa toàn bích - đã cố gắng để tránh được những hạn chế của người đi trước, kể cả những người đồng thời với anh. Cách kể của anh hồn nhiên, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Ở những trang mở đầu và kết luận bộ Kho tàng, anh đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: Tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện kể, và trình độ tư tưởng và nghệ thuật cao trong loại hình tự sự dân gian. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh đã nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin. Nói một cách nôm na, đọc truyện cổ tích của anh, tôi không phải cảnh giác như khi đọc những truyện người khác kể, có nhiều chi tiết cứ phải băn khoăn là thật hay không thật. Trong nhà phôn-clo học Nguyễn Đổng Chi, có cả nhà văn và nhà sử học. Hai nhân vật sau này không lấn át nhân vật trước, mà lại làm nên sức thuyết phục cho công trình của Anh. Tiếp cận bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi, không thể quên điều đó.
25-III-1993
PGs. VŨ NGỌC KHÁNH
(Kiến thức ngày nay, SỐ 110,
1-VI-1993, TR.3-6)
[1] Có thể xem lại một số sách của một số Nhà xuất bản ở miền Bắc mươi năm lại đây để thấy sự vay mượn này. Thậm chí có người còn mượn cả tên sách Kho tàng truyện cổ tích Việt nam và cách phân chia 5 tập để in những bộ sách giả nhằm đánh lừa độc giả như sách của Nguyễn Cừ, Nhà xuất bản Văn học in những năm 1996-1997. Còn ở miền Nam trước 1975 thì đã xảy ra một vụ án văn chương mà lý do là lấy gần như nguyên xi tài liệu trong sách của Nguyễn Đổng Chi. Xem Văn hóa Á châu, 1959, và Bách khoa, 1972. Những người "vay mượn" Nguyễn Đổng Chi trong Lược khảo thần thoại, Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam và cả Sơ thảo lịch sử văn học đều đã phải ra tòa.
[2] Xem: BEFEO, số 1 - 1964.
[3] Xem: Dân 1uận nghiên cứu folklore Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1991; tr.27.

Truyện Kho Tàng Truyện Cổ Tích Lời Dẫn CÙNG MỘT TÁC GIẢ Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH 6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT II - LAI LỊCH TRUYỆN CỔ TÍCH III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI PHẦN THỨ HAI - I. NGUỒN GỐC SỰ VẬT 2. SỰ TÍCH TRẦU, CAU VÀ VÔI 3. SỰ TÍCH TRÁI SẦU RIÊNG 4. SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ 5. SỰ TÍCH CHIM HÍT CÔ 6. SỰ TÍCH CHIM TU HÚ 7. SỰ TÍCH CHIM QUỐC 8. SỰ TÍCH CHIM NĂM-TRÂU-SÁU-CỘT VÀ CHIM BẮT-CÔ-TRÓI-CỘT 9. SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA 10. SỰ TÍCH CON NHÁI 11. SỰ TÍCH CON MUỖI 12. SỰ TÍCH CON KHỈ 13. SỰ TÍCH CÁ HE 14. SỰ TÍCH CON SAM 15. SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG 16. GỐC TÍCH BỘ LÔNG QUẠ VÀ BỘ LÔNG CÔNG 17. GỐC TÍCH TIẾNG KÊU CỦA VẠC, CỘC, DỦ DỈ, ĐA ĐA VÀ CHUỘT 18. GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ CON TRÂU 19. SỰ TÍCH CÁI CHÂN SAU CON CHÓ 20. SỰ TÍCH CÁI CHỔI 21. SỰ TÍCH ÔNG ĐẦU RAU 22. SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI 23. SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT 24. GỐC TÍCH BÁNH CHƯNG VÀ BÁNH DẦY 25. GỐC TÍCH RUỘNG THÁC ĐAO HAY LÀ TRUYỆN LÊ PHỤNG HIỂU II. SỰ TÍCH ĐẤT NƯỚC VIỆT
26. SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
27. SỰ TÍCH HỒ BA-BỂ 28. SỰ TÍCH ĐẦM NHẤT-DẠ VÀ BÃI TỰ-NHIÊN 29. SỰ TÍCH ĐẦM MỰC 30. SỰ TÍCH SÔNG NHÀ-BÈ HAY LÀ TRUYỆN THỦ HUỒN 31. TẠI SAO SÔNG TÔ-LỊCH VÀ SÔNG THIÊN-PHÙ HẸP LẠI? 32. SỰ TÍCH ĐÁ VỌNG PHU 33. SỰ TÍCH ĐÁ BÀ-RẦU 34. SỰ TÍCH THÀNH LỒI 35. SỰ TÍCH NÚI NGŨ-HÀNH III. SỰ TÍCH CÁC CÂU VÍ
36. THẠCH SÙNG CÒN THIẾU MẺ KHO HAY LÀ SỰ TÍCH CON MỐI
37. BÒ BÉO BÒ GẦY 38. NỮ HÀNH GIÀNH BẠC 39. LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON 40. BỤNG LÀM DẠ CHỊU HAY LÀ TRUYỆN THẦY HÍT NGUYỄN ĐỔNG CHI - TRÉSOR DES CONTES VIETNAMIENS TẬP II III. CÁC TÍCH CÁC CÂU VÍ
41. ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
42. CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA 43. NỢ TÌNH CHƯA TRẢ CHO AI, KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHƯA TAN 44. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM 45. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT 46. SINH CON RỒI MỚI SINH CHA SINH CHÁU GIỮ NHÀ RỒI MỚI SINH ÔNG 47. CON VỢ KHÔN LẤY THẰNG CHỒNG DẠI NHƯ BÔNG HOA LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU 48. CỨU VẬT VẬT TRẢ ÂN CỨU NHÂN NHÂN TRẢ OÁN 49. ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH HAY LÀ TRUYỆN TIẾC GÀ CHÔN MẸ [50]. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG 51. CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG CON NUÔI CHA MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY 52. CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG 53. DÌ PHẢI THẰNG CHẾT TRÔI, TÔI PHẢI ĐÔI SẤU SÀNH 54. CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI 55. VẬN KHỨ HOÀI SƠN NĂNG TRÍ TỬ, THỜI LAI BẠCH THỦY KHẢ THÔI SINH 56. TRINH PHỤ HAI CHỒNG 57. KIỆN NGÀNH ĐA 58. TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN 59. NHÂN THAM TÀI NHI TỬ, ĐIỂU THAM THỰC NHI VONG 60. NÓI DỐI NHƯ CUỘI 61. CỦA TRỜI TRỜI LẠI LẤY ĐI GIƯƠNG ĐÔI MẮT ẾCH LÀM CHI ĐƯỢC TRỜI IV. THÔNG MINH TÀI TRÍ VÀ SỨC KHỎE
62. HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI
63. LÊ NHƯ HỔ 64. CHÀNG LÍA 65. ANH EM SINH NĂM 66. BỐN ANH TÀI 67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY 68. THẠCH SANH 69. ĐẠI VƯƠNG HAI HAY LÀ TRUYỆN GIẾT THUỒNG LUỒNG 70. ÔNG Ồ 71. ÂM DƯƠNG GIAO CHIẾN 72. YẾT KIÊU 73. LÝ ÔNG TRỌNG 74. BẢY GIAO, CHÍN QUỲ 75. NGƯỜI Ả ĐÀO VỚI GIẶC MINH 76. BỢM LẠI GẶP BỢM 77. QUẬN GIÓ 78. CON MỐI LÀM CHỨNG 79. BÙI CẦM HỔ 80. EM BÉ THÔNG MINH 81. TRẠNG HIỀN 82. THẦN GIỮ CỦA 83. KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ 84. CON MỤ LƯỜNG 85. CON SÁO VÀ PHÚ TRƯỞNG GIẢ 86. CON THỎ, 87. CON THỎ VÀ CON HỔ 88. MƯU CON THỎ 89. BỢM GIÀ MẮC BẪY 90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG 91. BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI 92. CON CHÓ, 93. NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM V. SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN
94. CỐ GHÉP
95. ÔNG NAM CƯỜNG 96. CỐ BU 97. QUẬN HE 98. HẦU TẠO 99. LÊ LỢI 100. LÊ VĂN KHÔI 101. BA VÀNH 102. HAI NÀNG CÔNG CHÚA NHÀ TRẦN 103. VỢ BA CAI VÀNG 105. NGƯỜI THỢ MỘC NAM-HOA VI. TRUYỆN PHÂN XỬ
106. NGƯỜI ĐẦY TỚ VÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ 108. CHÀNG NGỐC ĐƯỢC KIỆN 109. NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN 110. TRA TẤN HÒN ĐÁ 111. NGUYỄN KHOA ĐĂNG 112. SỢI BẤC TÌM RA THỦ PHẠM 113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH 114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH 115. TINH CON CHUỘT 116. HÀ Ô LÔI 117. MIẾNG TRẦU KỲ DIỆU 118. TÚ UYÊN 119. NỢ DUYÊN TRONG MỘNG 120. TỪ ĐẠO HẠNH HAY SỰ TÍCH THÁNH LÁNG 121. CHÀNG ĐỐN CỦI 122. NGƯỜI THỢ ĐÚC 123. SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG ĐA HÒA 124. CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM 125. CÂY TRE TRĂM ĐỐT 126. NGƯỜI LẤY CÓC 127. CÂY THUỐC CẢI TỬ HOÀN SINH 128. LẤY CHỒNG DÊ 129. NGƯỜI LẤY ẾCH 130. SỰ TÍCH ĐỘNG TỪ THỨC 131. NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ BA CON QUỶ 132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU 133. NGƯỜI HÓA DẾ 134. THÁNH GIÓNG 135. AI MUA HÀNH TÔI 136. NGƯỜI DÂN NGHÈO KHO TÀNG Phần II - 138. NGƯỜI THỢ SĂN VÀ MỤ CHẰNG 139. QUAN TRIỀU VIII. TRUYỆN ĐỀN ƠN TRẢ OÁN _140. THỬ THẦN 141. CON CÓC LIẾM NƯỚC MƯA 142. THẦY CỨU TRÒ 143. HAI CON CÒ VÀ CON RÙA 144. CÔ GÁI LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 145. NGƯỜI DÌ GHẺ ÁC NGHIỆT 146. LÀM ƠN HÓA HẠI 147. HUYỀN QUANG 148. TIÊU DIỆT MÃNG XÀ 149. GIÁP HẢI 150. TAM VÀ TỨ 151. BÍNH VÀ ĐINH 152. HÀ RẦM HÀ RẠC 153. ÔNG GIÀ HỌ LÊ 154. TẤM CÁM 156. PHẠM NHĨ 157. CON MA BÁO THÙ 158. RẮN BÁO OÁN 159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC 160. NGƯỜI HỌC TRÒ 161. SỰ TÍCH ĐỀN CỜN 163. QUÂN TỬ 164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG 165. MŨI DÀI 166. BỐN CÔ GÁI MUỐN LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 167. ÔNG DÀI ÔNG CỘC 168. SỰ TÍCH THÁP BÁO ÂN 170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU IX - TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ NGHĨA VỤ
171. BÀ CHÚA ONG
172. ANH CHÀNG HỌ ĐÀO 173. DUYÊN NỢ TÁI SINH 174. MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY 175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V
176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
178. SỰ TÍCH BÃI ÔNG NAM 180. BÁN TÓC ĐÃI BẠN 181. TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU 183. BỐN NGƯỜI BẠN 184. NGƯỜI CƯỚI MA 185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG 186. SỰ TÍCH KHĂN TANG 187. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM 188. CÁI VẾT ĐỎ TRÊN MÁ CÔNG NƯƠNG 189. CHÀNG NGỐC HỌC KHÔN 190. PHIÊU LƯU CỦA ANH CHÀNG NGỐC 191. THỊT GÀ THUỐC CHỒNG 192. HÒA THƯỢNG 193. HAI ANH EM 194. CHÀNG RỂ THONG MANH 195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 198. THẦY LANG BẤT ĐẮC DĨ 199. "GIẬN MÀY TAO Ở VỚI AI" 200. CÁI CHẾT CỦA BỐN ÔNG SƯ 201. HAI BẢY MƯỜI BA PHẦN THỨ BA
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 2. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC 4. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM 3. THU HÚT TINH HOA KHO TRUYỆN CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM LỜI SAU SÁCH II. BÁO VÀ TẠP CHÍ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI BẢNG TRA CỨU TÊN TRUYỆN KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM