Sáu cặm cụi lau cái ná thun bằng sừng trâu của mình. Hồi sáng này nó lau chùi và vô dầu mỡ chiếc xe đạp của anh hai Ngươn nên ảnh cho nó chút dầu bóng để chùi bóng cái ná thun. Đưa cái ná lên ngắm nghía nó mỉm cười thích thú. Vật kỹ niệm này là của anh Tư cho nó trước khi ảnh đi học xa. Nội trong làng không có đứa con nít nào có cái ná thun chiến như nó. Ná thun lọng bằng cây cũng đâu có bằng sừng. Còn làm bằng nhánh cây là đồ bỏ, là đồ chơi của con nít. Nhờ cái ná thun huynh truyền này mà nó nổi danh thần xạ. Chim cu đất đậu trên ngọn cây me cao chót vót mà nó bụp một phát là lật gọng liền. Anh Tư còn truyền lại một bí mật mà nó dấu kín không nói ra cho ai biết. Muốn trở thành tay thần xạ phải có đủ ba điều kiện là cái ná tốt, đạn phải tốt và phải tập bắn thường xuyên. Đạn phải dùng thứ đất sét thật tốt. Nó phải lặn lội khắp nơi để tìm được trong vườn nhà bà Nội thứ đất sét đen và mịn màng để vò thành đạn. Làm được viên đạn đâu phải dễ. Trước nhất phải bỏ những thứ cặn bã trong đó rồi phải nhồi đi nhồi lại nhiều lần giống như người ra làm đất để nặn ra chén dĩa. Vò viên đạn cũng phải đều tay để đạn không bị méo mó rồi sau đó phơi cho khô. Đây là một bí quyết. Đạn làm bằng đất sét mà đem ra phơi ngoài nắng nó sẽ đổi màu từ đen ra trắng nhìn hỏng có đẹp. Vả lại nếu không coi chừng sẽ khô quá vì thế viên đạn nhẹ sều bắn không chính xác. Phơi khô viên đạn bằng cách để trong tối thì viên đạn giữ nguyên màu của nó và trọng lượng không bị giảm. Thằng Bảy Thưa và mấy đứa con nít phe nhà giàu có tiền mua đạn thủy tinh để bắn chim mà vẫn bắn không ra cái đám ôn gì hết. Chúng không biết là đạn thủy tinh nặng không thích hợp cho con nít vốn yếu sức nên đạn không đi xa và không đủ mạnh để gây ra thương tích. Sáu nhớ tới chuyện ông Dưỡng Gio Cơ mà cô Năm đọc cho nghe. Ông ta là tay bắn cung nổi tiếng thế giới. Nó ước gì mình có cây cung để bắn thử. Nó nghĩ tới chuyện làm cây cung nhưng sau đó phải bỏ ý nghĩ này vì không biết hình dáng cây cung như thế nào.
Đưa cái ná thun bóng lưỡng lên ngắm nghía giây lát Sáu bắt đầu coi lại từng sợi giây thun. Bây giờ nó mới thấy có vài sợi cần phải thay mới. Trở vào nhà nó lục lạo mà cũng không tìm ra bịch giây thun của mình. Hơi bực mình nó lẩm bẩm.
- Thằng Sơn lấy rồi... Cái thằng...
Lầm bầm máy tiếng xong Sáu móc túi để kiếm tiền mua dây thun. Năm chục xu thì mua được bịch dây thun. Chỉ có điều là nó phải nhịn ăn bánh kẹo nguyên cả ngày. Lưỡng lự giây lát nó chắt lưỡi cầm tiền đi qua khu nhà phía bên kia. Đó là tiệm tạp hóa của chú Ba Tàu. Sở dĩ dân làng gọi chú Ba Tàu là để phân biệt với chú Ba Việt có tiệm sửa xe đạp. Không biết chú Ba Tàu tới đây hồi nào. Có lẽ lâu lắm rồi. Chú lấy một cô gái Việt trong làng làm vợ. Bà này sinh cho chú một đống con lai. Tính vừa trai vừa gái gần một chục. Tụi nó cũng nói tiếng Việt và đi học trường trong làng. Mấy đứa con trai lớn được chú gởi lên tỉnh học.
Sáu hơi e dè khi bước vào tiệm tạp hóa của chú ba Tàu. Nó nhìn hình ông địa, ông thần tài, ông Quan Công được thờ nơi cái bàn thờ có đèn cháy leo lét. Mùi thơm của nhang thoang thoảng.
- Mày muốn cái gì vậy Sáu?
Chú ba cười hỏi. Chú quen mặt và biết tên hầu hết con nít trong làng.
- Mua dây thun chú ba...
Sáu đưa năm chục xu ra. Thấy nó cầm cái ná thun chú hỏi.
- Mày bắn chim giỏi hong?
- Dạ giỏi... Con nít trong làng này hỏng có ai bắn giỏi hơn tui nghen chú ba...
- Mày bắn chim gõ kiến được hong?
- Được chứ chú ba... Nó khó bắn hơn chim cu một chút thôi...
Quan sát Sáu giây lát chú ba nói.
- Mày bắn cho tao một chim gõ kiến đi. Một con tao trả cho mầy năm đồng...
Sáu trợn mắt nhìn chú ba. Có lẽ biết Sáu hỏng tin lời mình chú đưa năm ngón tay ra rồi cười hề hề.
- Năm đồng mà nó phải còn sống...
Sáu nhíu mày vì điều kiện đưa ra của chú ba. Tuy nhiên năm đồng là một số tiền rất lớn nên Sáu gật đầu một cách quả quyết.
- Tui sẽ bắn cho chú con chim gõ kiến còn sống nhăn...
Nhét bịch dây thun vào túi quần Sáu bước nhanh ra đường rồi bương bả trở về nhà mà đầu óc còn vương vấn năm đồng của chú bB. Về tới nhà nó hối hả thay dây thun cho cái ná. Tay xách bịch đạn, tay cầm ná thun nó chạy một hơi tới trường học. Phía sau trường học là đám rừng hoang ngút ngàn. Chính giữa đám rừng hoang này có cây dừa lão cao chót vót. Chắc tại vì già lão rễ không có nhiều và ăn không sâu xuống đất nên cây dừa ngã xiên xiên. Trong giờ ra chơi nó thường thấy bóng con chim gõ kiến bám trên cây dừa cùng với tiếng gõ ròn rã vang lên.
Len lỏi trên con đường mòn xuyên qua đám cỏ tranh cao khỏi đầu người Sáu tiến dần dần về cây dừa lão. Gõ kiến là loài chim khó bắn nhất vì nó rất nhát. Cứ nghe tiếng động hoặc thoáng thấy bóng người là nó vỗ cánh bay mất. Điều thứ nhì là nó không đứng yên một chỗ như những con chim khác như chim cu gáy, trao trảo hay chim chìa vôi. Nó phải di chuyển thường xuyên để gõ vào thân cây cho kiến bị động ổ phải bò ra mà ăn. Hai điều đó biến nó thành loài chim khó bắn nhất. Sáu cũng biết bắn chim gõ kiến khó lắm nhưng năm đồng của chú Ba có sức hấp dẫn mạnh nên nó phải tìm cách bắn cho được. Điều khó khăn hơn nữa là phải bắn mà con chim còn sống. Năm đồng của chú Ba coi bộ khó ăn quá. Sáu nghĩ thầm khi dừng lại dưới gốc cây dừa lão. Ngước nhìn lên ngọn nó ước lượng chiều cao rồi lấy ra viên đạn lắp vào ná thun và im lặng ngồi chờ. Nó đoán chắc con chim gõ kiến sẽ tới kiếm ăn vì nhìn thấy đàn kiến từ dưới gốc bò lên trên ngọn của cây dừa.
Thời gian chậm chạp trôi đi. Sáu cảm thấy đói bụng và khát nước. Nó mới nhớ ra là mình chưa có cái gì dằn bụng dù trời đã xế chiều. Giờ này mà được năm đồng của chú Ba mua bánh ăn thì... Sáu lẩm bẩm cố tìm ra cái món ăn mà mình ưa thích. Càng tưởng tượng nó càng thấy đói bụng thêm. Nó nghe bụng của mình kêu rồn rột đồng thời nước miếng trong miệng ứa ra nhiều hơn. Ráng ngồi một hồi nữa vẫn không thấy con chim gõ kiến xuất hiện nó đứng lên. Nhìn lên ngọn cây dừa lão nó lắc đầu thở dài quay lưng bước đi. Vừa đi bược ba bước nó nghe tiếng động bụp bụp nổi lên. Đó là tiếng gõ của con chim gõ kiến. Sáu quay phắt lại. Xa xa, cao trên ngọn cây dừa bóng con chim gõ kiến đen mun hiện lên trên nền trời xanh lơ. Bậm môi, nín thở, Sáu lắp đạn. Hai tay nhỏ bé và yếu ớt của thằng con nít mới được 9 tuổi dang ra thẳng băng. Một con mắt nheo lại nhắm vào cái bóng của con chim gõ kiến đang đậu cheo leo trên cây dừa lão. Sáu buông tay. Viên đạn bằng đất sét vút đi trong không khí tựa đường tên bay.
- Rồi...
Sáu nhảy tửng lên khi thấy con chim gõ kiến rơi trong không khí. Nó rơi xuống gần tới đất song vỗ vỗ cánh mấy lần cố bay lên rồi sau đó lại lảo đảo rơi xuống. Đôi cánh rộng của nó xòe ra đập đập nhiều lần như cố gắng bay lên nhưng cuối cùng đáp nhẹ xuống đám cỏ tranh. Bằng kinh nghiệm bắn chim Sáu biết con chim rơi xuống đất nhưng chưa chết. Nếu nó không tìm bắt được liền con chim gõ kiến sẽ hồi phục lại và bay mất. Đạp trên cỏ tranh và gai nhọn nó chạy ào tới chỗ con chim đã rơi xuống. Sau một hồi vạch cỏ tìm nó thấy con chim gõ kiến đang trốn trong bụi cỏ. Chộp lấy con chim, nó vuốt ve mấy lần khi thấy con chim vẫn còn sống. Mừng rỡ nó đi như chạy trong lúc nghĩ tới năm đồng và tô hủ tiếu. Lâu quá rồi nó chưa ăn hủ tiếu.
Chú Ba mừng ra mặt khi thấy Sáu cầm trên tay con chim gõ kiến mở mắt trao tráo.
- Mày giỏi thiệt...
Chú Ba chỉ biết nói một câu khen ngắn gọn.
- Má nó ơi ra đây coi...
Nghe chồng gọi thím Ba bước ra. Hai vợ chồng trầm trồ con chim gõ kiến, coi nó là con vật trân quí lắm. Điều đó làm cho Sáu thắc mắc. Tại sao chú thím lại tâng tiu con chim và dám trả năm đồng cho một con vật tầm thường.
- Chú làm gì với con chim gõ kiến dậy chú Ba?
- Làm thuốc...
- Thuốc gì dậy chú Ba?
Quay nhìn vợ chú Ba cười như có ý muốn bảo thím Ba giảng giải cho Sáu biết vì chú nói tiếng Việt không rành lắm.
- Con Hỉ của tui nó bị bịnh suyễn từ hồi mới đẻ. Có con gõ kiến đưa cho người ta làm thuốc uống nó sẽ hết bệnh. Cám ơn cháu đã kiếm cho vợ chồng tui con chim còn sống...
Sáu gật đầu cười. Nó liếc vào nhà trong khi nghe tiếng ho sù sụ. Hiểu ý Sáu thím Ba cười tiếp.
- Con Hỉ ho đó. Nó ho hoài...
- Nó có đi học hôn thím ba?
Thím Ba buồn bã lắc đầu.
- Ho suốt ngày mà học cái gì...
- Nó mấy tuổi rồi thím?
- 6 tuổi...
Chú Ba đưa cho Sáu năm đồng. Nhét tiền vào túi áo Sáu hỏi nhỏ.
- Chú Ba muốn chim gõ kiến nữa hôn chú Ba?
Chú Ba gật đầu liền như sợ Sáu sẽ đổi ý.
- Muốn... Mấy con nữa cũng được... Cứ bắn đi nhiều nữa cũng tốt…
Sáu vừa bước ra tới cửa thím Ba gọi lớn.
- Sáu...
Sáu quay lại. Hốt một nắm kẹo dừa đựng trong cái keo thật lớn thím Ba đưa cho Sáu rồi cười nói.
- Cháu đem về nhà chia cho chị em của cháu. Cháu ráng bắn nhiều nhiều chim gõ kiến để người ta làm thuốc cho con Hỉ. Nó hết suyễn chú thím cám ơn cháu lắm...
Sáu cười vì câu nói thân tình của thím Ba. Nhét nắm kẹo dừa vào túi quần nó bước ra cửa. Bây giờ nó có lý do chính đáng để bắn chim gõ kiến. Ngoài tiền thưởng còn làm cho con gái của chú Ba hết bệnh suyễn. Nghĩ tới đó nó hăm hở trở về nhà. Buổi chiều hôm đó trong lúc ăn cơm nó nói chuyện với má, chị Năm và Sơn về chuyện bắn chim gõ kiến. Ngoài ra nó con hỏi má về bệnh suyễn. Nhưng nó thất vọng vì má cũng hỏng biết. Bà chỉ biết đó là bịnh ho kinh niên.
Sáu thức dậy vì tiếng ồn ào từ ngoài chợ vọng vào. Cửa cái nhà nó mở tan hoang ra nên nằm trên bộ ván nó cũng thấy người ta đang đi đi lại lại nơi nhà lồng chợ. Mùi thức ăn bay vào khiến cho nó cảm thấy đói bụng. Nắng lên đã cao. Bây giờ đang mùa bãi trường nên nó lười biếng không chịu ngồi dậy.
- Mình phải đi bắn chim gõ kiến cho thím Ba...
Ý nghĩ thoáng qua trong trí làm Sáu nhảy tọt xuống đất. Ra sau hè xúc miệng, lận lưng cái ná thun, nhét bịch đạn và kẹo vào túi quần nó đi ra cửa. Thấy má đang đứng nói chuyện với anh Hai Ngươn, nó lỉnh theo đường khác vì sợ bị cấm không cho đi xa bắn chim. Hè năm ngoái đi bắn chim cu nó bị rắn cắn bịnh mất mấy ngày. Do đó má nó đã cấm không cho nó lang thang vào các khu vườn hoang mà người ta đồn có nhiều rắn. Riêng nó biết muốn bắn được chim gõ kiến nó phải đi xa vào tận nơi hoang vu ít người lui tới. Chim gõ kiến vốn ít hơn các loại chim khác, lại nhát hít và dường như nó có cái thính giác đặc biệt có thể ngửi hơi người từ xa. Bởi vậy trong làng không ai nhận bắn nó dù chú ba trả nhiều tiền.
Vừa đi vừa ngốn gói xôi đậu phộng Sáu vào tới sân trường học. Đi qua bên góc sân nó gục đầu vào cái khạp nước mưa uống đầy một bụng. Đây là cái khạp dùng để đựng nước cho học trò uống. Đưa tay áo chùi miệng xong nó theo con đường mòn trở lại chỗ cây dừa lão mà ngày hôm qua đã bắn rơi chim gõ kiến. Nó biết mình đã bắn rớt con chim trống thì thế nào cũng còn con chim mái vì gõ kiến ở có cặp với nhau. Hỏng chừng nó có ổ ở quanh quẩn đâu đây. Nếu vậy thì nó tìm bắt chim con luôn cho chú Ba vì không có cha mẹ thì chim con cũng chết đói. Bắt đem về cho chú Ba nuôi lớn để làm thuốc suyễn cho con Hỉ uống. Vừa nghĩ ngợi Sáu vừa len lỏi trên con đường mòn giữa đám cây cỏ cao khỏi đầu người dẫn tới chỗ gốc cây dừa lão. Cũng như lần trước nó ngồi bệt xuống đất rồi dựa lưng vào cây bình linh to bằng cổ tay. Ướm ướm thử cái ná thun nó đưa mắt nhìn vẩn vơ lên ngọn cây dừa lão có mấy tàu lá bay phất phơ. Trời nắng chang chang khiến cho nó đổ mồ hôi và khát nước mặc dù vừa uống nước no cành hông. Hồi nãy vội đi nó quên không đem theo nước uống mà chỉ bỏ túi mấy cục kẹo dừa. Trưa nắng nóng mà ăn kẹo ngọt thì sẽ khát nước nhiều hơn. Mặc kệ... Sáu bóc cục kẹo dừa bỏ vào miệng. Tiếng gió thổi rì rào qua khu cỏ hoang hòa lẫn trong tiếng chim cu gáy buồn buồn làm hai mắt nó như híp lại. Tiếng chim dòng dọc kêu thật gần làm cho nó giật mình. Sáu không ưa con chim này. Nó không phải hót mà nó hét. Tiếng hét của nó chát chúa và vô duyên như muốn bể lỗ tai người ta.
Đang ngồi Sáu chợt nhăn mặt. Nó cảm thấy bụng đau quặn lên. Cơn đau càng lúc càng mạnh hơn khiến cho nó phải ôm bụng đồng thời cảm thấy muốn đi tiêu. Ngó dáo dác không thấy ai nó tuột quần ngồi chồm hổm. Nó nhăn mặt rồi đưa tay bịt mũi vì mùi thum thủm bốc lên. Dù cơn đau bụng chưa giảm nhưng nó cũng cảm thấy người dễ chịu. Ngồi chồm hổm trên đất nó đưa mắt nhìn lên ngọn cây dừa lão. Không biết xuất hiện từ lúc nào mà con chim gõ kiến đang bám lên thân cây. Tiếng gõ của nó vang bùm bụp. Sáu bối rối vì không thể đứng dậy trong lúc còn đang đi tiêu. Vừa lúc đó nó nghe tiếng xột xoạt khẽ vang. Nhìn xuống nó điếng cả người. Miệng há hốc ra, tay run run cầm cái ná thun nó trợn mắt nhìn lom lom. Ở giữa hai bàn chân của nó là khúc tròn tròn, trắng mốc, đang di động một cách khoan thai. Rắn. Sáu bặm môi, thân thể cứng lại trong cơn sợ hãi khi cúi nhìn thân hình con rắn to bằng ngón chân cái đang bò giữa hai chân của mình. '' Nó mổ dô đít mình là tàn đời…''. Nghĩ tới đầu con rắn đang đong đưa dưới đít của mình Sáu rùng mình nhắm mắt lại không dám nhìn thân con rắn đang chậm chạp di động. Nó có cảm tưởng thân hình con vật dài vô tận.
- Má ơi... má ơi...
Sáu lẩm bẩm kêu cứu dù biết hỏng có ai có thể cứu nó trong lúc này. Chờ cho cái đuôi nhọn của con rắn đi qua khỏi nó đứng bật dậy. Quên cả chuyện làm sạch sẽ, quên luôn con chim gõ kiến đang gõ bụp bụp trên thân cây dừa lão, nó kéo quần lên rồi cắm đầu chạy bất kể bờ bụi và gai góc. Khi thấy bức tường của trường học nó mới ngừng lại để hổn hển thở. Không còn lòng dạ nào để bắn chim gõ kiến nữa nó mệt nhọc trở về nhà rồi leo lên bộ ván nó ngủ luôn một giấc quên cả ăn cơm tối.
Sáng thức dậy bụng đói cồn cào Sáu lục cơm nguội ăn với nước mắm kho quẹt. No bụng nó nhớ tới chuyện chim gõ kiến và con Hỉ. Dù ớn rắn nhưng nó nhất định trở lại chỗ cũ. Lần này nó cẩn thận mang theo một khúc cây để đập rắn. Trời nắng nóng vì không có gió. Tới gốc cây còn thấy nguyên đống phân của mình nó tìm chỗ khác ngồi canh chừng chim gõ kiến. Người ta nói muốn bắn chim gõ kiến phải thật kiên nhẫn. Không như những con chim khác nó xuất hiện vô chừng và khó lại gần nó. Loại chim này không dạn dĩ như cu đất, trao trảo, bìm bịp hay chim sâu. Hể thoáng thấy bóng người là nó bay liền. Thành ra Sáu ngồi đợi tới trưa mà không thấy con chim gõ kiến xuất hiện. Chán nản nó đứng lên đi về. Đi được nửa đường nó quay lại khi thấy một bóng đen đen di chuyển trên ngọn cây dừa lão. Mừng rỡ nó lặng lẽ quay lại chỗ gốc dừa. Đứng nhắm tới nhắm lui nó kéo dây thun. Cái ná dương ra thẳng băng. Viên đạn bằng đất sét vút đi. Sáu nhảy tửng lên khi thấy con chim từ trên ngọn dừa lão rơi xuống. Được nửa chừng con chim vỗ vỗ cánh mấy cái rồi bay dạt về đám cây sao phía bên phải. Biết con chim còn mạnh, nếu không theo dấu nó sẽ bay mất nên Sáu rượt theo. Nó đạp lên cỏ tranh, gai góc dùng đường tắt quyết theo dấu con chim gõ kiến. Chạy mà mắt nó không rời bóng con chim đang vỗ vỗ cánh lảo đảo bay rồi sau đó đáp lên cây sao cao ngất. Đứng dưới gốc nhìn lên nó còn thấy con chim đứng. Đoán con chim đã về tới ổ Sáu mừng rỡ. Như vậy nó sẽ bắt được con mẹ với con luôn. Chỉ có một điều khó là nó phải leo lên cây sao cao. Chuyện đó không làm con khỉ Sáu quan tâm.
Leo cây dừa nó còn leo được sá gì cây sao có cành lá rườm rà. Đứa con nít khác có thể bỏ cuộc chứ nó thì không bao giờ. Nhất định nó phải bắt được con chim gõ kiến để chú ba làm thuốc ho cho con Hỉ. Sáu thót lên cây sao trong lúc đầu óc nghĩ tới năm đồng và con Hỉ dù nó chưa biết mặt mũi vuông tròn của đứa con gái chú ba. Nó 6 tuổi vậy là nó nhỏ con Mơi. Nghe tiếng con chim gõ kiến ré lên trên đầu Sáu mừng rơn vì biết mình sắp tới ổ. Đứng hai chân trên nhánh cây nó quan sát cái lỗ tròn tròn bằng nắm tay. Nó thấy cái mỏ nhọn hoắt của con chim gõ kiến. Dù biết thọc tay vào sẽ bị mổ chảy máu nhưng nghĩ tới năm đồng và con Hỉ, Sáu bặm môi thọc tay vào ổ của con chim gõ kiến. Hít hà mấy cái vì đau nó bặm môi lôi ra con chim mẹ. Bắt xong con chim nó lại gặp rắc rối. Làm sao để tuột xuống đất trong khi tay còn cầm con chim gõ kiến. Lạng quạng té gãy cổ. Ngẫm nghĩ giây lát nó lôi ra bịch dây thun. Hai chân đứng trên nhánh cây, tay trái vòng qua ông lấy thân cây để giữ cho khỏi té. Tay mặt lấy ra một sợi nó buộc chân con chim rồi buông xuống đất xong thò tay vào bắt hai con chim con. Bỏ hai con chim vào túi áo nó cẩn thận leo xuống đất. Thở hơi dài khoan khoái nó hí ha hí hửng thu nhặt chiến lợi phẩm.
Mới đầu còn hơi ngạc nhiên nhưng sau đó chú Ba mừng ra mặt khi thấy Sáu bước vào tiệm mà trên tay cầm con chim gõ kiến.
- A... Cái nầy làm thuốc tốt lắm...
Chú Ba nói khi thấy Sáu lôi từ trong túi áo ra hai con chim gõ kiến con vừa mới mọc lông cánh. Có lẽ đói bụng nên hai con chim non kêu chít chít. Thấy thím Ba bước ra Sáu cười thay cho lời chào hỏi.
- Nó đói bụng đó chú Ba... Để tui kiếm kiến cho nó ăn...
Không đợi chú thím Ba ưng thuận Sáu chạy ù ra đường. Tìm kiến với một đứa con nít ở làng quê thì dễ còn hơn ăn cơm. Lát sau Sáu trở lại với một ổ kiến vàng lúc nhúc con lớn con nhỏ. Bắt một con kiến nó banh mỏ con chim rồi bỏ con kiến vào. Chú Ba cười nhìn vợ như thích thú về chuyện cho chim ăn kiến. Đợi hai con chim ăn xong chú Ba bảo Sáu lấy ổ kiến vàng bỏ vào cái bao giấy dầu để không cho kiến bò ra. Xong xuôi chú đưa cho Sáu mười lăm đồng. Hơi ngạc nhiên nhưng Sáu cũng cầm tiền rồi suy nghĩ giây lát Sáu trả lại cho chú Ba mười đồng. Nhìn thím Ba nó cười nói.
- Cháu cho chú thím hai con chim con để làm thuốc cho con Hỉ uống mau hết bịnh...
Dường như cảm động về cử chỉ của Sáu thím Ba quay vào trong nhà gọi lớn.
- Hỉ ơi Hỉ... Ra đây con...
Có tiếng dạ nhỏ kèm theo tiếng ho húng hắng rồi con Hỉ đi ra. Sáu nhìn thấy một đứa con gái thấp nhỏ, ốm yếu và xanh xao. Mặt của nó hốc hác, thỏn chỉ còn xương với da. Nó mặc cái quần đen cũ và cái áo gì là lạ. Sau này thím Ba mới giải nghĩa cho nó biết đó là áo xẩm.
- Con chào anh Sáu đi con...
Nghe lời mẹ con Hỉ cười lí nhí trong miệng hai tiếng '' chào anh ''. Nó có vẻ mắc cỡ khi thấy Sáu. Có lẽ vì bịnh hoạn không được đi học, ít khi gặp ai nên nó mắc cỡ và rụt rè khi thấy người lạ. Ôm lấy mẹ nó dương mắt nhìn Sáu. Thấy con gái chỉ nói có hai chữ cộc lốc rồi nín luôn thím Ba cười phân bua.
- Nó ít nói lắm. Bị bịnh tối ngày ở trong nhà...
Sáu gật đầu cười nói với thím Ba.
- Để cháu ráng bắn chim gõ kiến làm thuốc cho...
Nói tới đó nó cười với con Hỉ.
- Cho em Hỉ uống hết bịnh. Chừng nào hết bịnh em sẽ được đi học và mình chơi với nhau...
Thím Ba thấy ánh mắt của đứa con gái sáng lên nét vui mừng. Liếc má con Hỉ nói nhanh.
- Bây giờ mình chơi cũng được mà. Chơi ở đây nè...
Sáu nhìn thím Ba. Định lắc đầu song thấy ánh mắt con gái nhìn mình như van lơn cầu khẩn thím đành phải gật đầu rồi quay qua hỏi Sáu.
- Cháu thích chơi với con Hỉ hôn?
- Dạ thích... Cháu chơi với nó cho nó đỡ buồn...
Dường như mừng rỡ con Hỉ nắm tay Sáu lôi tuột ra sau bếp. Nhà của chú Ba đằng trước thì lụp xụp và tối tăm nhưng phía sau lại sáng sủa nhờ có đất rộng và một cái mương lớn đầy rau nhúc, rau muống, bông súng và bèo. Có cây cầu ván bắt de ra mương. Chú còn cất thêm một cái chái lộ thiên chứa lũ khủ khạp, mái, hũ, lon và hằng hà sa số những gì Sáu không biết.
- Anh muốn chơi cái gì?
Sáu gãi gãi đầu lúng túng không biết trả lời con Hỉ ra sao. Từ nào tới giờ nó chỉ chơi với hai đứa con gái là Mơi và Thêu. Con Mơi thì lớn tuổi hơn nó do đó thỉnh thoảng hai đứa mới gặp vì đứa nào cũng có bạn riêng để chơi đùa với nhau mà gặp nhau cũng chỉ đi câu cá và nằm đọc sách thôi. Con Thêu thì còn nhỏ quá với lại gặp nhau có nửa tháng thành ra cũng không có chơi với nhau nhiều. Bây giờ con Hỉ hỏi nó không biết trả lời. Sở dĩ nó nhận lời vì tội nghiệp cho đứa con gái bịnh hoạn ru rú trong nhà suốt ngày. Chứ thật ra một đứa con trai hiếu động như nó mà bắt chơi với con gái thì nhất định là nó sẽ chán và tìm cách trốn về nhà liền.
- Em thích đọc sách hôn?
- Em đâu có biết đọc...
Sáu thò lõ cặp mắt nhìn con Hỉ. Nó không tưởng một đứa con gái sáu tuổi lại không biết đọc và viết. Thằng Sơn em nó cũng sáu tuổi mà đánh vần ào ào và lõm bỏm đọc truyện tàu rồi. Nó định lên tiếng hỏi thì vừa lúc đó con Hỉ bỗng lên cơn ho. Nhìn con bé ốm tong teo, ho sù sụ, ho tràng dài, ho tới độ mặt mày đỏ ửng nó cảm thấy thương và tội nghiệp. Tiếng con Hỉ ho khằng khặc làm Sáu tưởng như nó sắp đứt hơi và ngất xỉu. Không nhịn được nó đưa tay vỗ vỗ vào lưng đồng thời đưa tay trái vuốt vuốt ngực con bé như để trấn áp cơn ho và cũng để vỗ về hay an ủi. Không biết có phải vì cử chỉ thân mật và vỗ ngực vỗ lưng của nó làm dịu cơn ho hay không mà con Hỉ từ từ bớt ho. Tuy mặt mày còn đỏ au và nước mắt chảy ra con Hỉ cũng nhìn Sáu với vẻ biết ơn. Khẽ nắm tay Sáu con Hỉ nhỏ nhẹ lên tiếng.
- Mình ra ngoài vườn chơi nghe anh...
Sáu gật đầu liền. Nó cảm thấy tội nghiệp đứa con gái hiền lành và bịnh hoạn như con Hỉ. Lòng thương hại đó khiến cho nó không nỡ từ chối điều gì mà con Hỉ muốn nó làm.
- Anh thích đọc sách hả?
- Ừ... Sách dạy mình nhiều cái hay lắm... Đọc sách giống như mình đi du lịch dậy đó...
- Đi du lịch là đi gì?
Trời đất. Con nhỏ này nhà quê hỏng chịu được mà lại dốt nữa. Mình mà chơi với nó tha hồ mà xạo, mà nói dóc cho đã cái miệng. Sáu nghĩ thầm và bật cười vì ý nghĩ này.
- Đi du lịch là đi chơi chỗ này chỗ nọ...
Con Hỉ gật đầu. Hai đứa ngồi bệt xuống chiếc cầu ván cất de ra mé mương.
- Em chưa đi đâu hết...
Con Hỉ nói nhỏ. Sáu cảm thấy tội nghiệp cho cô bạn nhỏ mới quen. Nhà nó nghèo nhưng ít ra nó cũng được đi đây đi đó chút đỉnh. Nó đã được ở trên tỉnh thành, biết chút ít về sự văn minh thành thị.
- Em muốn đọc sách hôn anh dạy cho.
- Muốn... Anh dạy em nghen...
Sáu gật đầu liền. Nó không nghĩ là muốn dạy một đứa con nít để biết chữ không phải dễ. Ý nghĩ làm thầy giáo dạy con Hỉ đọc và viết khiến cho cảm thấy vui vui và tự hãnh diện mình là thầy giáo.
- Em thích câu cá hôn?
- Thích... mà câu ở đâu?
Sáu chỉ xuống cái mương đầy nước.
- Dưới mương nè... Để anh về nhà lấy cần câu.
Sáu đứng dậy. Con Hỉ cũng đứng dậy. Nắm tay Sáu nó dặc dặc.
- Anh qua liền nghen...
Cử chỉ quyến luyến của con nhỏ khiến cho Sáu cảm động. Gật gật đầu nó chạy u về nhà. Ra sau hè bắt vội mấy con trùng bỏ vào cái lon sữa bò, tay cầm hai cần câu nó chạy trở qua nhà chú ba. Nó thấy con Hỉ đứng chờ nó nơi cửa.
- Em cho anh cái này nè...
Con Hỉ giơ ra trước mặt Sáu cái bánh tiêu. Hai đứa đi ra sau nhà. Cặm cụi xỏ trùng vào sợi nhợ để làm mồi xong Sáu đưa cho con Hỉ cái cần câu đoạn trở vào nhà rửa tay. Đây là thói quen mới mà cô giáo Thâu đã dạy nó khi cô tới nhà chơi. Cô dặn phải rửa tay bằng xà bông trước khi ăn bất cứ cái gì để tránh bị bịnh. Vì ở nhà con Hỉ nó không tiện hỏi xà bông nên chỉ rửa tay bằng nước lạnh. Vừa chia nhau ăn cái bánh tiêu hai đứa ngồi câu cá. Con Hỉ cười hắc hắc khi giựt được con cá bóng dừa đầu tiên trong đời. Lát sau nó lại giựt con nữa. Giống như những lần đi câu với con Mơi, Sáu phải làm các việc lặt vặt như gỡ cá móc mồi đồng thời phải nói chuyện giải trí cho con Hỉ. Hai đứa ngồi câu chừng một lát thì thím Ba ra gọi hai đứa vào ăn cơm. Lợi dụng dịp đó Sáu nói mình phải về nhà. Thím Ba cũng không nài ép gì thêm.
Đứng nơi cửa nhà mình Sáu nhìn qua phía bên kia dãy nhà nơi có tiệm tạp hóa của chú ba. Hơn tuần này nó theo má về thăm ngoại rồi từ nhà ngoại lại đi thẳng lên tỉnh và lên Sài Gòn. Mấy ngày ở trên thành phố lớn, được đi đây đi đó và ăn uống ngon miệng nó hầu như quên mất người bạn đáng thương của mình là con Hỉ. Bây giờ đứng ở cửa nhà nó đâm ra ngần ngại không dám bước qua nhà chú ba vì biết con Hỉ sẽ giận nó. Cuối cùng Sáu cũng phải đi qua vì hai lý do. Thứ nhất là gặp con Hỉ. Thứ nhì là muốn hỏi chú Ba bắn chim gõ kiến để kiếm tiền vì bao nhiêu tiền dành dụm nó đã ăn xài hết rồi.
Đi tới nhà lồng chợ Sáu ngạc nhiên khi thấy chú Ba đứng trong nhà đưa tay ngoắc mình. Không biết chuyện gì nó vội vả đi nhanh qua nhà chú.
- Dô đây… Dô đây…
Chú Ba nắm tay Sáu và hầu như lôi tuột nó vào nhà hoặc sợ nó bỏ chạy.
- Con Hỉ nó bịnh…
Chú Ba nói nhỏ. Đây là lần đầu tiên Sáu bước vào nơi riêng tư của gia đình chú Ba. Căn buồng hơi tối vì ít cửa sổ và đèn lại không sáng lắm lại thêm có cái mùi gì là lạ làm cho nó có cái cảm giác khó thở và ngột ngạt.
- Thím Ba đâu rồi chú Ba?
Sáu hỏi nhỏ.
- Bả đi lên tỉnh bốc thuốc cho con Hỉ…
Nghe tiếng ho húng hắng Sáu nhìn quanh quất. Bây giờ nó mới để ý và thấy con Hỉ đang nằm trên chiếc giường nhỏ đặt trong góc buồng. Dẫn Sáu vào buồng xong chú Ba bỏ đi ra ngoài vì có người kêu mua đồ. Còn lại một mình trong phòng Sáu tần ngần không biết làm gì. Nhìn con Hỉ nằm quay mặt vào vách giây lát nó se sẽ bước tới đứng cạnh giường.
- Hỉ… Hỉ… dậy… dậy…
Sáu kêu nhỏ. Thấy con nhỏ vẫn nằm im nó nắm vai lắc lắc mấy cái. Con Hỉ quay người lại rồi mở mắt nhìn.
- Anh Sáu…
Kêu hai tiếng con Hỉ mỉm cười. Sáu thấy con nhỏ tỏ vẻ mừng rỡ khi thấy mình.
- Sao hổm rày anh hỏng qua đây chơi với em…
Sáu hơi ngập ngừng rồi lát sau mới nói nhỏ.
- Anh đi thăm ngoại mới dìa. Em bịnh hả…?
Sáu hỏi và con Hỉ cười.
- Đâu có bịnh… tại em nhớ anh… Ở nhà hỏng có ai chơi với em…
Nói xong con Hỉ ngồi dậy. Nắm tay Sáu nó dặc dặc.
- Anh dẫn em đi chơi nghen…
Thấy khuôn mặt xanh xao với đôi mắt nhìn mình như van lơn Sáu không thể từ chối lời năn nỉ của con nhỏ. Gật gật đầu nó cười nói.
- Anh dẫn em đi ra ngoài nhà lồng chơi…
Hai đứa đi ra và con Hỉ nắm tay Sáu không chịu rời. Ra ngoài Sáu xin phép chú Ba dẫn con Hỉ ra ngoài chơi và chú bằng lòng. Có lẽ chú không thể nào nói không khi thấy ánh mắt van lơn của đứa con gái độc nhất và cũng là đứa con gái út của mình.
Dáng điệu tung tăng, mặt mày hớn hở, miệng cười toe toét con Hỉ vẫn nắm tay Sáu không chịu buông. Nhằm buổi xế chiều nên nhà lồng chợ vắng vẻ. Đối với Sáu thi chẳng có gì gợi sự chú ý của nó nhưng riêng con Hỉ thì tất cả đều mới mẻ và hấp dẫn. Nó chỉ chỏ, cười hỏi huyên thuyên khiến cho Sáu cũng vui lây. Còn hai đồng trong túi nó rũ Hỉ lại quán chú Ba Việt mua cho hai đứa hai cây cà lem và một bịch đậu phộng luộc xong ra ngồi nơi gốc cây bên con đường lộ đá. Vừa ăn Sáu vừa kể cho Hỉ nghe nhiều chuyện vui khiến cho con nhỏ cười hắc hắc.
Sáu thức dậy sớm hơn thường lệ. Vào những ngày bãi trường, ban đêm nó hay chong đèn đọc truyện cho tới khi nào mắt híp lại mới tắt đèn đi ngủ. Nhưng tối hôm qua nó lại đi ngủ sớm vì vậy mà sáng hôm nay nó dậy lúc mặt trời vừa ló dạng. Nhìn cái đồng hồ con két chỉ gần 7giờ nó nhảy tọt xuống đất rồi ra sau hè rửa mặt và xúc miệng. Trở vào nhà thấy mùng được vén lên gọn gàng nó biết má đã đi đâu sớm. Thấy trên bàn có 3 tờ giấy 1 đồng nó lấy phần của mình rồi bương bả ra cửa. Tới chỗ chị hai Thưởng bán xôi nó mua gói xôi năm chục xu mang về nhà ngồi ăn uống xong nó lôi ra cái gói giấy dầu nhỏ. Đó là đồ đạc dành cho chuyến đi xa nguyên cả ngày. Hơn tuần nay, quần nát các khu vực quen thuộc trong làng nó vẫn không bắn được con chim gõ kiến nào. Thuốc suyển của con Hỉ cũng sắp cạn và chú thím Ba cần phải có con chim gõ kiến mới để đem lên tỉnh cho ông thầy thuốc Tàu làm thuốc. Một điều khiến cho Sáu nhất định phải kiếm ra chim gõ kiến là bịnh ho của con Hỉ bắt đầu thuyên giảm. Con nhỏ ít khi ho và cơn ho cũng không còn dài lê thê như trước. Chú thím Ba rất mừng và tỏ lộ sự cám ơn bằng cách coi nó như người trong nhà. Riêng con Hỉ thương Sáu như thương một người anh ruột hay một người bạn của nó. Mấy người anh của nó đều được gởi lên tỉnh ở nhà ông bà Nội để đi học thành ra nó coi như không có gần anh em ngoại trừ Sáu. Do đó càng ngày nó càng quyến luyến Sáu nhiều hơn nữa.
Ra khỏi nhà Sáu đi mà mắt láo liên vì phải tìm kiếm coi má mình ở đâu. Nó sợ gặp mẹ của mình. Khi thấy nó thức dậy sớm bà biết nó đi ra khỏi làng và sẽ cấm nó không được đi. Ra tới con lộ đá nó rảo bước thật nhanh vì biết đường còn xa mới tới Bình Chánh nơi mà nó đoán sẽ có nhiều chim gõ kiến. Trời bắt đầu nóng và oi bức. Đưa tay áo lau mồ hôi trán nó ước gì mình có chiếc xe đạp dù biết mơ ước ít khi thành sự thật. Bác hai Đàn có một tiệm sửa chữa máy móc và dụng cụ lặt vặt trong nhà. Ngoài ra bác còn cho mướn xe đạp. Má đã cho tiền nó và Sơn mướn chạy thử. Không gì sướng hơn ngồi lên chiếc xe đạp, mới cũ gì cũng được mà lạng, quẹo cua thật gắt để cho thằng Hết, Đảnh, Cu trợn con mắt tròn vo nhìn theo với vẻ thèm thuồng và thán phục.
Mặt trời lên khỏi ngọn của rặng trâm bầu phía xa xa Sáu dừng lại nghỉ mệt. Tựa lưng vào thân cây sao bên đường nó cảm thấy gói xôi đi đâu mất tiêu. Còn nước cũng theo mồ hôi chảy thành giọt trên mặt và trên lưng. Vừa đói vừa mệt Sáu muốn trở về nhà nhưng nghĩ tới con Hỉ nó lại bỏ ý nghĩ đó. Không có chim gõ kiến để làm thuốc thì bệnh suyễn của con Hỉ vẫn còn dây dưa. Bây giờ đối với nó đi tìm bắn chim gõ kiến là vì con Hỉ hơn là năm đồng của chú Ba cho nó. Tuy mới quen biết nhưng nó cảm thấy mến và tội nghiệp cho con Hỉ. Mỗi ngày nó đều qua nhà chơi với con nhỏ. Khi thì dẫn nó đi câu cá, đi vào nhà bà Nội lén hái trái cây hoặc đi tắm sông. Có lẽ nhờ uống đúng thuốc và cộng thêm đi ra ngoài không khí trong lành nên bệnh ho của con Hỉ cũng thuyên giảm dần dần.
Đang đứng nghĩ ngợi Sáu chợt ngững phắt đầu lên. Nó nghe tiếng bụp bụp quen thuộc vang vang trên đầu của mình. Hai mắt trợn to Sáu nhìn đăm đăm con chim gõ kiến đang đeo trên thân cây sao cao vút. Tay hờm cái ná thung bằng sừng trâu Sáu lùi dần ra tới khoảng cách vừa đủ để bắn. Tuy nhiên khi nó định bắn thì con chim vỗ cánh bay chầm chậm vào trong khu vườn dừa. Nhất định không bỏ cuộc săn Sáu bương bả theo dấu con chim. Vừa lọt vào khu vườn dừa nó nghe tiếng bụp bụp vang vang báo hiệu con chim phải ở quanh quẩn đâu đây. Tay thủ cái ná thung sẵn sàng để bắn, hai mắt nó lướt từ từ trên từng thân cây dừa. Kia rồi. Cách nó chừng mười lăm hai chục thước, con chim gõ kiến đang đeo tòn ten trên ngọn dừa. Sáu bậm môi. Hai tay dang thẳng băng. Viên đạn vút đi tựa đường tên của thần tiễn Dưỡng Gio Cơ. Sáu nhỷy lên khi thấy con chim gõ kiến lảo đảo rơi trong không khí. Hai cánh của nó xòe rộng, đập đập mấy lần như muốn lấy thăng bằng như cố gắng bay lên nhưng cuối cùng nó cắm đầu rơi xuống. Sáu chạy ào tới. Nó muốn hứng con chim trước khi rơi xuống đất. Hứng được con chim trong tay nó mỉm cười đắc chí.
- Con chim của tao sao mày bắn nó?
Đang cắm cúi xem xét con chim gõ kiến Sáu ngước đầu lên khi nghe tiếng người nói. Nó thấy một thằng con nít cao ngang cỡ với mình nhưng mập mạp và mặt mày bặm trợn hơn. Nó mặc cái áo thun màu đen rách năm bảy lỗ và chiếc quần đùi ngắn đưa cặp giò đầy ghẻ.
- Con chim này tao bắn được thì là của tao...
Sáu cãi. Thằng con nít cãi lại.
- Nó ở trong vườn tao thì là của tao...
Sáu sừng sộ.
- Mày ngon mày giựt nó đi... Tao quánh xịt máu mũi mày...
Biết mình vô tình đi lọt vào đất của địch Sáu khôn ngoan vừa làm bộ cãi cọ vừa lùi dần dần ra ngoài con lộ dẫn ra đường cái. Hể nó lùi tới đâu thằng con nít lại tiến tới đó. Ra gần tới con lộ đá Sáu hơi an tâm nhưng nó lại giật mình sợ hãi khi thấy ba đứa con nít lạ mặt xuất hiện. Ba thằng này không biét núp ở đâu mà đột ngột hiện ra chắn mất đường về của nó. Trong bụng đánh lô tô nhưng Sáu làm mặt thản nhiên. Nó biết hôm nay lành ít dữ nhiều. Con nít Bình Chánh dữ có tiếng, huống chi bốn thằng này đều to con không thua gì nó. Quánh tay đôi thì nó không sợ. Chỉ sợ mấy thằng con nít Bình Chánh này không tôn trọng luật giang hồ chơi đòn chó hùa thì chắc hôm nay nó sẽ bị nhừ đòn. Dù có cái ná thung trong tay tuy nhiên địch thủ đã vào sát thì ná thung sẽ vô hiệu lực.
- Tụi bây ngon thì quánh tay đôi i…
Thằng đứng bên phải cười hì hì.
- Tao hỏng ưa cái bản mặt mày. Bữa nay tụi tao sẽ quánh xịt máu mũi cho mày hết làm phách…
- Mày ngon mày nhào dô…
Tuy nói như vậy nhưng Sáu đang phân vân vì biết mình lâm vào thế kẹt. Đang cầm con chim gõ kiến trong tay nên nó chỉ còn có một tay. Thả con chim thì tiếc mà không thả thì làm sao quánh lộn. Nghĩ tới con Hỉ với toa thuốc xuyễn nó không muốn thả con chim nhưng không thả thì cuối cùng cũng bị mấy thằng con nít lấy. Dù tiếc hùi hụi Sáu cũng phải thảy con chim lên cao cho nó bay đi. Nhét cái ná thun vào lưng quần để rảnh tay nó liếc nhanh một vòng để coi tình thế và nhất là coi tướng bốn địch thủ của mình để tấn công trước rồi tìm cách chạy. Thấy thằng đứng chắn sau lưng mình có tướng ốm yếu hơn nó chưa kịp lùi lại để ra đòn thì bốn thằng con nít đã nhào vào. Bốn thằng đánh một không chột cũng què. Sáu tả xông hữu đột giữa vòng vây như Triệu Tử Long xông xáo giữa thiên binh vạn mã trong trận địa nhưng cũng không ra được vòng vây. Vị tướng họ Triệu còn có được một Tào Tháo, dù gian hùng nhưng cũng biết trọng anh hùng và dũng tướng nên mới để cho họ Triệu con đường sống. Riêng Sáu kém may mắn hơn vì địch thủ của nó không phải là Tào Tháo, do đó chúng không chừa cho nó một sinh lộ. Bịch… Bịch… Sáu trúng một quả đấm vào mũi khiến cho máu mũi xịt ra liền…
- Cho mày xịt máu mũi…
- Cho mày phù mỏ luôn…
- Dọng cho nó bầm mắt…
Mặt xưng vù, mắt bầm, mũi xì máu Sáu nghiến răng kiếm đường chạy.
- Dô…
- Vật nó…
- Bắt sống nó…
Bốn thằng con nít Bình Chánh ào vào lấy thịt đè người. Chúng đè cứng địch thủ và tha hồ đấm đá.
- A cái ná thun bằng sừng…
Một thằng la lớn khi tước vũ khí của địch thủ. Sáu chồm dậy như cố lấy lại cái ná thun nhưng lại lãnh thêm hai quả đám vào bụng. Đấm đá hồi lâu thấy địch thủ nằm yên chúng mới cười nói rồi bỏ đi. Lát sau Sáu mới từ từ hé mắt nhìn rồi lồm cồm ngồi dậy. Đưa tay áo lau máu mũi nó nhìn theo bóng địch thủ. Tự dưng nó ứa nước mắt. Nó khóc không phải vì bị đòn đau mà vì mất cái ná thun bằng sừng. Không có cái ná thun nó không thể nào săn chim gõ kiến để làm thuốc chữa bịnh suyễn cho con Hỉ. Nhớ tới ánh mắt của đứa bạn gái nó thở dài.
Con Hỉ khóc mùi mẩn khi nghe Sáu kể chuyện bị mấy thằng con nít Bình Chánh quánh xịt máu mũi, xưng môi và bầm con mắt. Nó đưa tay lên sờ soạng lên mặt như muốn dùng bàn tay nhỏ bé của mình xoa dịu cái đau của Sáu. Biết chuyện Sáu bị đánh và bị mất cái ná thun chú Ba hứa sẽ mướn người ta làm cho nó cái ná thun bằng sừng khác để nó bắn chim gõ kiến.
Tuần lễ sau khi bước vào cửa Sáu thấy con Hỉ đứng ở cửa chờ mình. Mặt con nhỏ tươi rói và tủm tỉm cười. Hai tay của nó đưa ra sau lưng như giấu vật gì.
- Em cho anh cái này…
Con Hỉ đưa ra cái ná thun bằng sừng bóng loáng và mới tinh. Sáu cười sung sướng. Như vậy là nó có thể đi bắn chim gõ kiến để chú Ba làm thuốc suyễn cho con Hỉ. Sau vụ bị đánh Sáu phải đi xa hơn lên Lương Hòa hay ra ngoài Châu Phú và Châu Thới. Mỗi lần về thăm ngoại ở Châu Bình nó đều lặn lội đi tìm bắn chim gõ kiến. Coi con Hỉ như đứa bạn nhỏ của mình nó không lấy tiền chú Ba nữa mặc dù hai vợ chồng chú nài ép. Có lẽ ông thầy thuốc mát tay hoặc nhờ vào sự săn sóc của Sáu mà bịnh suyễn của con Hỉ đã từ từ thuyên giảm. Nó được đi học ở lớp của cô giáo Thâu. Một năm sau Sáu theo gia đình dọn lên tỉnh và không còn gặp con Hỉ nữa. Bẵng đi thời gian khi học lớp đệ nhị nó được thư con Mơi báo tin là con Hỉ đã đi lấy chồng. Sáu buồn ngẩn ngơ, tự hỏi tại sao con Hỉ không chờ đợi nó. Mỗi lần đem cái ná thun bằng sừng ra ngắm nghía nó lại nhớ tới đứa con gái ốm yếu, xanh xao có đôi mắt buồn. Cho tới bây giờ thỉnh thoảng trong giấc ngủ dường như nó nghe tiếng ho của con Hỉ.
Hết
 

Xem Tiếp: ----