Không còn giờ để thất vọng nữa, mà cần phải hành động. Chiếc cầu Kemplepier đã bị đốt, nhưng dù thế nào chăng nữa cũng vẫn phải vượt qua sông Snowy và đến vịnh Twofold – Bay trước bọn Joyce. Chính vì vậy mà, không để mất thì giờ vào những cuộc tranh luận vô ích. Glenarvan và John Mangles, ngay ngày hôm sau, 16 tháng Giêng, đã ra sông để tìm cách vượt sang bờ bên kia. Nước lũ chưa rút, vẫn cuồn cuộn trôi với vẻ hung dữ không sao tả xiết. Xuống nước bây giờ có nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay Glenarvan cúi đầu: khoanh tay trước ngực và đứng lặng bên bờ. - Huân tước cho tôi thử bơi sang bờ bên kia được không? - John Mangles đề nghị. - Không được, John Mangles, - Glenarvan đáp, giữ chặt tay chàng thanh niên dũng cảm, - Ta đợi đã! Họ trở về trại. Một ngày trôi qua trong sự lo âu mệt mỏi. Có đến mười lần Glenarvan ra bờ sông. Ông định nghĩ ra một cách táo bạo nào đó để vượt qua sông. Thật không may. Ngày hôm đó và cả ngày hôm sau họ vẫn không qua sông được. Sự chậm trễ ấy làm cho Glenarvan thất vọng. Helena và thiếu tá an ủi ông kiên nhẫn đợi chờ, nhưng không kết quả gì. Trong khi ấy, biết đâu, Ben Joyce đang lên boong tàu “Ducan”. Biết đâu, “Ducan” đang nổ máy nhổ neo để đi vùng duy hải phía đông. Ngày 18 tháng Giêng, thuyền trưởng John Mangles và anh chàng thủy thủ đã đóng một chiếc thuyền bằng vỏ cây ghép lại và đi thử. Họ trổ hết tài khéo léo, tháo vát, sức mạnh và lòng dũng cảm. Nhưng con thuyền vừa đặt xuống nước đã bị cuốn phăng vào dòng xoáy rồi bị biến mất, John Mangles và Wilson phải gắng sức bơi vào bờ. Ngày 19 và 20 không đem lại điều gì đáng an ủi cả. Thiếu tá và Glenarvan đi ngược dòng năm dặm để tìm một chỗ qua sông. Nhưng không được, vì ở khcú nào dòng sông cũng chảy xiết cả. Nước từ tất cả những khe suối của sườn nam dãy Alpes ở Australic đều đổ về sông này. Đành phải từ bỏ hy vọng cứu tàu “Ducan” thôi. Từ lúc Ben Joyce đi đến nay đã năm ngày rồi. “Ducan” chắc đã đến vùng duyên hải phía đông và đang nằm trong tay bọn tội phạm. Nhưng, tình hình ấy không thể kéo dài vô tận được. Nước lũ dâng lên mạnh bao nhiêu thì càng rút nhanh bấy nhiêu. Sáng ngày 21, Paganel thấy nước sông bắt đầu xuống. Nhà địa lý báo cho Glenarvan biết. - Nước rút thì cũng vậy thôi! – Glenarvan đáp. – Quá muộn mất rồi! - Đó không phải là cái cớ để ta ở lại đây, - Mac Nabbs nhận xét. - Tất nhiên, - John Mangles đáp, - có thể ngày mai ta qua sông được rồi đó. - Liệu thế thì có cứu được đoàn người không may của ta không? – Glenarvan kêu lên. - Xin huân tước hãy nghe tôi, - chang thuyền trưởng trẻ nói, - Tôi hiểu Tom Austin lắm. Anh ấy tất nhiên là sẽ thi hành mệnh lệnh và nhổ neo ra khơi ngay khi nào điều kiện cho phép. Nhưng làm sao ta biết được khi Ben Joyce đến Melbourne thì “Ducan” đã kịp sửa chữa xong? Nếu chưa xong thì sao? Nếu Austin chậm lại một hai ngày thì sao? - Anh nói đúng, John Mangles – Glenarvan tán thành. Cần phải đến được Twofold – Bay: Chúng ta còn cách Delegete có ba mươi lăm dặm nữa thôi! - Ở đó, - Paganel nói, - chúng ta sẽ tìm được phương tiện đi nhanh hơn. Biết đâu chúng ta kịp ngăn chặn tai họa cũng nên. - Vậy thì, lên đường! – Glenarvan hô to. John Mangles và Wilson tranh thủ thời gian đóng một cái bè lớn. Họ đã rút được kinh nghiệm rồi: vỏ cây không thể chịu đựng được dòng chảy mạnh. Vì vậy, John Mangles đã chặt từng cây đóng thành một cái bè thô thiển, nhưng chắc chắn… Ngày hôm sau bè đã được đóng xong. Vào lúc ấy nước đã rút đáng kể. Dòng nước lúc hôm trước, hôm nay đã trở lại dòng sông. Tuy nước vẫn còn chảy xiết, nhưng dẫu sao cũng đã hiền dịu hơn. John Mangles hy vọng rằng nếu khéo léo lái anh ta sẽ được bè sang bờ bên kia. Mười hai giờ rưỡi trưa, mọi người xếp lương thực lên bè với số lượng đủ cho cả đoàn ăn trong hai ngày. Còn lại họ bỏ trong xe và lều. Mulrady đã lại sức. Anh ta có thể cùng đi theo. Một giờ, tất cả lên bè, John Mangles đặt phía bên phải bè một mái chèo để chống chọi với dòng chảy và giữ cho bè đi đúng hướng. Thuyền trưởng giao cho Wilson giữ chèo. Còn anh đứng phía sau điều khiển tay lái. Huân tước phu nhân Helena, Mary và Mulrady được sắp xếp ngồi ở giữa hè. Glenarvan, thiếu tá và Robert ngồi chung quanh họ, để nếu cần thì có thể giúp đỡ được ngay. - Xong hết chưa, Wilson? – thuyền trưởng hỏi. - Xong rồi, thưa thuyền trưởng. – Wilson đáp, cánh tay rắn chắc nắm chặt mái chèo. - Cẩn thận nhé! Coi chừng bị nước cuốn đi đó! John Mangles tháo dây neo, đẩy chiếc bè ra khỏi bờ, thả cho nó đè lên sóng. Đầu tiên mọi việc diễn ra tốt đẹp. Wilson chèo chống được với dòng chảy. Nhưng lát sau, chiếc bị bị cuốn vào dòng nước xoáy, quay tròn, khiến mái chèo không sao kìm được nữa, mặc dù John Mangles và Wilson đã căng sức ra chống đỡ. Đành chịu để cho chiếc bè quay tít vậy, John Mangles tái mặt đi, cắn răng đứng nhìn dòng nước xoáy. Chiếc bè dần dần trôi ra giữa sông, xuôi xuống cách chỗ thả chừng nửa dặm… Đến đây, dòng chảy càng mạnh hơn, nhưng, không còn những vòng nước xoáy nữa, nên chiếc bè bắt đầu ổn định lại phần nào. John Mangles và Wilson lại cầm chắc tay chèo, họ đã khiển được chiếc bè rẽ dòng sông đi sang bờ bên kia. Họ còn cách bờ chừng trăm mét, bỗng mái chèo của Wilson bị gãy, John Mangles cố sức giữ cho bè ổn định. Wilson hai tay bật máu lao đến hỗ trợ cho thuyền trưởng. Cuối cùng họ đã chiến thắng: sau gần một giờ vật lộn với sóng nước, chiếc bè cập bờ bên kia… Do bị va chạm vào bờ, những sợi dây chằng bị đứt hết, các cây gỗ bung ra, và nước trào lên bè. Các nhà thám hiểm vừa kịp túm lấy nưhgnx bụi cây là đà trên mặt nwocs và kéo được Helena, Mary và Mulrady lên bờ. Mọi người nguyên vẹn cả, nhưng phần lớn lương thực và toàn bộ vũ khí, trừ khẩu carbine của thiếu tá, đều bị nước cuốn đi cùng với những mảng bè vỡ. Vậy là sau khi qua sông, đội thám hiểm hầu như lâm vào cảnh trắng tay ở giữa nơi hoang vắng, xa lạ, cách Degetete ba mươi lăm dặm. Nơi đây không thấy một bóng người dân cũng như thổ dân, trừ khi gặp bọn cướp tàn bạo… Đoàn người quyết định lên đường ngay. Mulrady biết mình là gánh nặng, nên đã đề nghị để anh ở lại đây một mình và đợi chi viện từ Delegete tới. - Không được, chú bạn của tôi ạ, tôi không thể bỏ chú được. Chúng ta sẽ làm cáng và thay nhau khiêng chú. Họ chặt cành cây, làm một cái cáng chắc chắn, và Mulrady dẫu không muốn, cũng phải nằm lên đó. Glenarvan muốn khiêng người thủy thủ của mình trước tiên. Ông chịu một đầu, còn Wilson chịu đầu kia. Đội thám hiểm tiếp tục cuộc hành trình. Ngày đường đầu tiên trôi qua trong sự im lặng nặng nề. Cứ mười phút họ lại thay phiên cáng một lần. Mặc dù nóng bức, mệt nhọc, nhưng không ai phàn nàn. Buổi tối hôm ấy, đi thêm được năm dặm đường, họ dừng lại ở cửa rừng, ăn bữa tối bằng những gì còn lại sau khi bè bị vỡ. Sau đó, thức ăn chỉ còn trông cậy vào khẩu carbine của thiếu tá. Nhưng, sáng hôm sau, thiếu tá cũng chẳng bắn được con gì. Cái vùng bất hạnh này còn tồi tệ hơn bất kỳ một chốn hoang vu nào –nơi đây không có thú rừng đến ở. May sao Robert bắt gặp một tổ chim drofa, một giống chim vùng đồng hoang, lớn con, cổ dài, chân khỏe. Chú lấy được mười hai quả trứng to. Olbinett vùi trứng vào tron nóng, nướng lên. Số trứng ấy và một vài cọng rau sam hái được dưới khe suối là toàn bộ bữa ăn sáng ngày 22 tháng giêng. Họ đi tiếp đến ngày 23, bữa ăn sáng không còn nữa. Đi qua vùng cát rất vất vả, khát cháy họng, nhưng mọi người vẫn kiên trì chịu đựng tiến bước với tốc độ nửa dặm một giờ. May sao, giữa lúc mọi người sắp lả đi vì đói và khát, thì Paganel đã phát hiện ra được dưới lòng suối cạn một loại cây nom giống như san hô, hưa của nó y hệt một cái gáo đựng đầy thứ nước vô giá, mọi uống no nê và cảm thấy lại sức ngay. Cây ấy cũng là một thức ăn mà những người thổ dân ở đây thường dùng đến những khi không săn bắn được gì, Paganel đã từng đọc những tài liệu nói về đặc điểm tuyệt diệu của loại cây này do một đồng nghiệp của ông ở Hội địa lý viết. Ngay hôm sau, Mulrady thấy có thể đi bộ được một đoạn đường. Vết thương của anh đã khỏi. Thị trấn Delegete còn cách không đầy mười dặm nữa. Đêm hôm ấy, đội thám hiểm dừng chân ở ngay biên giới tỉnh Nouvelle – Galles. Mọi nỗi đau khổ dần dần của họ chấm dứt. Mười một giờ sáng hôm sau, họ đã tới được Delegete, một thị trấn cách vịnh Twofold – Bay năm mươi dặm. Ở đây có thể nhanh chóng tìm được những phương tiện đi lại. Glenarvan phấn chấn hẳn lên khi nghĩ rằng biển chi còn cách không bao xa nữa. Rất có thể “Ducan” bị vướng gì đó phải nán lại cảng nên, và như vậy là ông sẽ đến đó trước tàu. Ba ngày nữa thôi, ông sẽ đến Twofold-Bay rồi. Đến trưa, sau bữa ăn sáng no nên, các nhà thám hiểm đáp chuyến xe thư do năm con ngựa khoẻ kéo từ Delegete ra vùng duyên hải. Người xà ích được hứa hẹn một món tiền thưởng lớn nên gắng thúc ngựa phóng như bay. Vả lại, đường cũng tốt. Cứ thế, với tốc độ sáu dặm một giờ, các nhà thám hiểm đã đi suốt ngày suốt đêm. Hôm sau, đúng lúc hừng đông, họ đã nghe thấy tiếng sóng vỗ ì ầm báo hiệu biển gần lắm rồi. Và, khi ra tới biển, mọi người đều dõi mắt nhìn về nơi xa tìm “Ducan”. Nhưng, không thấy gì cả, mặt biển mênh mông không gợn một cánh buồm nào. - Đi Eden! – Glenarvan ra lệnh. Chiếc xe thư quẹo phải và lao đi trên đường dọc theo bờ vịnh, đến thị trấn nhỏ Eden, cách đó năm dặm. Người xà ích cho dừng xe gần cây hải đăng chỉ đường vào cảng. Ở đây có một số tàu đang đậu, nhưng không có chiếc tàu nào mang lá cờ của xứ sở Malcolm. Glenarvan, John Mangles và Paganel vừa xuống xe liền chạy đến chi cục hải quan. Họ hỏi các nhân viên phục vụ và đọc nhật ký theo dõi tàu đến trong mấy ngày vừa qua. Thì ra, suốt cả tuần qua, không có một tàu mới nào vào cảng cả. – Có lẽ “Ducan” chưa rời khỏi Melbourne chăng? – Glenarvan ngạc nhiên, cố bám lấy niềm hy vọng cuối cùng ấy. Ngộ ta đến trước tàu thì sao? John Mangles lắc đầu. Thuyền trưởng biết rõ phụ tá của mình, Tom Austin không bao giờ thi hành mệnh lệnh chậm trễ đến mười ngày cả. - Tôi muốn được biết rõ, - Glenarvan nói. - Sự tin chắc tốt hơn sự nghi hoặc. Mười lăm phút sau, một bức điện được đánh đi cho nhân viên môi giới tàu biển ở Melbourne. Sau đó John Mangles ra lệnh cho người xà ích đi đến khách sạn “Victoria”. Hai giờ chiều, huân tước Glenarvan nhận được bức điện trả lời với nội dung như sau: “Kính gửi huân tước Glenarvan, Eden – Twofold – Bay, tàu “Ducan” đã ra khơi ngày 18 tháng này, không rõ hướng. J. Andrew, Nhân viên môi giới tàu biển”. Bức điện tuột khỏi tay Glenarvan. Không còn mảy may nghi ngờ gì nữa! Chiếc tàu buồm xứ Scotland hiền hoà ấy đã rơi vào tay Ben Joyce và trở thành chiếc tàu cướp biển rồi! Cuộc hành trình vượt qua Australie mà lúc khởi đầu gieo biết bao hy vọng đã kết thúc như vậy đó. Những dấu tích về thuyền trưởng Grant và các thuỷ thủ của ông có lẽ đã bị xoá mất hoàn toàn. Sự thất bại này được trả giá bằng sinh mạng của cả tàu “Ducan” – Huân tước Glenarvan đã thất bại. Và, con người mà mới đây, trên các thảo nguyên Nam Mỹ, mọi thiên tai không thể làm ông lùi bước, thì ở đây, sự đê tiện của con người đã chiến thắng ông!