Chương 9
TRÊN ĐỘ CAO BA NGÀN SÁU TRĂM MÉT

Để chuẩn bị cho hành trình vượt qua Chili, Glenarvan lấy theo bốn người thổ dân dẫn đường: ba người đàn ông và một chú bé. Đứng đầu họ là một người Anh đã sống ở nước này trên hai mươi năm. Anh ta làm nghề cho những người du lịch thuê la và dẫn đường cho họ vượt qua núi Cordilliere. Sau khi qua khỏi núi, anh ta thường giao lại khách du lịch của mình cho người dẫn đường gốc Argentina rành đường lối đi lại trên các thảo nguyên Nam Mỹ…
Dưới quyền người dẫn đường có hai người phụ việc, tiếng địa phương gọi là “Peon” và chú bé mười hai tuổi… Các “Peon” dắt la thồ hàng của đoàn thám hiểm, còn chú bé thì dắt một con ngựa có đeo lục lạc. Ngựa đi trước, mười con la đi theo sau. Bảy người trong đoàn thám hiểm cưỡi bảy con la, còn người dẫn đường cưỡi con thứ tám. Hai con la còn lại chở nặng thức ăn đồ uống và những xúc vải dùng để “lấy lòng” các “Caxich”(1). Các “Peon” vẫn quen đi bộ như mọi khi…
Leo qua dãy núi Andes không phải là chuyện dễ. Muốn vượt được phải có những con la dai sức, thường người ta chọn giống Argentina. Giống vật tuyệt vời này đã rèn luyện được những bản tính mà thuỷ tổ của nó chưa hề có. Chúng ít đòi hỏi ăn, ngày uống nước một lần, dễ dàng đi được bốn mươi cây số trong tám tiếng thồ mười bốn Arobe(2) hàng một cách nhẹ nhàng.
Trên suốt chặng đường đi từ một đại dương này sang một đại dương khác không hề có một quán trọ nào. Thường những người đi đường phải ăn thịt sấy kho, cơm nêm tiêu và muông thú săn bắn được. Ở núi thì uống nước nguồn, còn ở đồng bằng thì uống nước sông.
Glenarvan là người du lịch từng trải, biết thích nghi với những phong tục địa phương. Ông mặc và cho những người cùng đi mặc quần áo Chili. Paganel và Robert phấn khởi không thể tả được khi chui đầu vào tấm puncho kiểu Chili – đó là một chiếc áo mưa rộng có lỗ thủng ở giữa, còn chân thì đi ủng làm bằng da ngựa.
Paganel đãng trí ba bốn lần suýt bị la đá mới cưỡi được lên lưng nó. Còn Robert thì tỏ ra có năng khiếu tuyệt vời về môn cưỡi la…
Chặng đường qua đất Chili cho đến nay, chưa xảy ra điều gì đáng kể. Nhưng bây giờ chắc chắn sẽ nảy sinh tất cả những trở ngại và nguy hiểm mà một cuộc hành trình vượt núi không thể tránh khỏi.
Con đường đi Antuco phải vượt qua sườn núi lửa ở vĩ độ 37o3’ tức là cách tuyến đường chính gần nữa độ, trên độ cao một ngàn tám trăm mét. Họ theo con đường mòn nhỏ đi tới.
Glenarvan bám sát người dẫn đường từng bước… Bỗng đường đi bị một tảng đá dựng đứng chắn ngang. Người dẫn đường, sau khi soi tìm kỹ lưỡng lối đi khác không được, bèn nhảy xuống la. Glenarvan đi lại chỗ anh ta.
Anh lạc rồi phải không? – Glenarvan hỏi.
Không, thưa huân tước!
Nhưng, chúng ta không đi đúng hướng Antuco phải không?
Thưa, đi đúng. Nhưng đường bây giờ không đi được nữa: trận động đất mới đây làm nghẽn đường rồi. Nếu các ông thấy tiện thì chúng ta quay trở lại, tìm đường khác vượt qua dãy núi Andes.
Đi vậy thì chậm mất bao lâu?
Độ ba ngày/
Glenarvan suy nghĩ rồi quay lại hỏi những người cùng đi:
Có lẽ ta cứ tìm cách đi tiếp chăng?
Chúng tôi xin theo huân tước. – Tom Austin đáp.
Chúng ta có thể đi một mình, không cần người dẫn đường cũng được, - Paganel nói. – Bởi vì qua bên kia núi là chúng ta lại đi đúng đường đến Antuco. Tôi bảo đảm dẫn các bạn đi con đường thẳng nhất đến chân núi Cordillere.
Glenarvan trả đầy đủ các khoản tiền cho những người dẫn đường và để họ cùng bầy la quay trở lại. Vũ khí, dụng cụ, lương thực được phân ra cho bảy người trong đoàn cùng mang. Mọi người đều nhất trí phải đi ngay. Và họ đã leo núi suốt ngày đêm. Lúc thì trèo lên các mõm đá hiểm trở, lúc thì nhảy qua các khe núi rộng và sâu. Họ lấy vai làm thang hoặc nắm tay nhau làm dây mà trèo. Những người thám hiểm dũng cảm giống như một gánh xiếc nhào lộn khéo léo. Glenarvan mắt không rời Robert, vì chú bé hăng hái nên không được thận trọng lắm. Paganel băng lên trước với tấm lòng nhiệt tình vốn có của người Pháp. Còn thiếu tá thì lại di chuyển một cách nhẹ nhàng trên sườn núi, không làm một động tác nào thừa.
Năm giờ sáng, khí áp kế cho hay đoàn thám hiểm đã đạt đến độ cao gần hai ngàn ba trăm mét. Họ đang ở nơi mà người ta gọi là bình sơn nguyên thứ sinh, không còn thấy lớp thực vật thân gỗ nữa. Tại đây có thể thấy các loài động vật mà bất kỳ người đi săn nào cũng rất mê. Nhưng những loài thú ấy biết tỏng như vậy, nên hễ thấy người từ đàng xa là chúng đã ba chân bốn cẳng chạy biến mất. Đó là những con lạc đà không bướu – loài động vật quý sống trên núi, có thể thích nghi ở cả những nơi mà đến loài la cũng không chịu nổi. Và đó là loài thỏ rừng, nhút nhát, nửa giống thỏ, nửa giống chuột, có bộ lông rất quý…
Mặc dù các nhà thám hiểm rất dũng cảm, nhưng sức khoẻ của họ bắt đầu đuối dần. Nhìn những người cùng đi đã kiệt sức, Glenarvan ân hận đã dẫn họ quá sâu vào núi.
Chú bé Robert cố cưỡng lại mỏi mệt, nhưng sức lực chú không còn được bao lâu nữa.
Đến ba giờ chiều, Glenarvan dừng lại.
Phải nghỉ đã, - ông nói, biết rằng ngoài ông ra sẽ không có ai đề nghị như vậy cả.
Nghỉ, nhưng nghỉ ở đâu bây giờ? – Paganel lên tiếng. – Bởi vì ở đây đâu có chỗ nào trú được?
Nhưng, cần phải như vậy, ít nhất là cho Robert.
Không ạ, thưa huân tước, cháu còn có thể đi được… - chú bé dũng cảm không chịu. – Xin các bác, các chú đừng có dừng lại…
Chú bé của tôi ơi, mọi người sẽ cõng chú! – Paganel cắt ngang lời Robert. – Còn chúng ta thì dù thế nào cũng phải sang được sườn núi phía đông. Đến đó, có thể chúng ta sẽ tìm được chỗ trú. Tôi đề nghị các bạn gắng chịu đựng thêm 2 giờ nữa.
Tất cả đồng ý vậy không? – Glenarvan hỏi.
Đồng ý, - những người cùng đi đáp lại.
Tôi đảm nhận việc cõng cháu bé, - Mulradi nói thêm.
Và đoàn người lại đi tiếp về phía đông. Cuộc leo núi khủng khiếp ấy kéo dài thêm hai giờ nữa. Họ quyết leo lên tận đỉnh núi. Không khí loãng làm cho những người thám hiểm thấy ngạt thở muốn ngả bệnh, lợi và răng chảy máu. Để tăng cường sự tuần hoàn của máu, họ phải thở gấp, mà như vậy thì mệt chẳng kém gì ánh tuyết làm chói mắt. Dù cho sức mạnh ý chí của những con người dũng cảm ấy to lớn đến đâu, họ cũng đã mệt lữ rồi. Chứng chóng mặt, tai hoa ở vùng núi cao ấy, làm cho họ không những mất thể lực mà cả tâm lực nữa. Không thể coi thường hậu quả của sự mệt mỏi quá mức như vậy: lúc người này, lúc người khác đã quỵ xuống, mà có đứng dậy thì cũng không thể đi nổi nữa. Phải lết hoặc bò. Rõ ràng là những người kiệt sức ấy sắp đến lúc hoàn toàn không thể tiếp tục cuộc leo núi kéo quá dài được.
Glenarvan kinh hãi nhìn cảnh tuyết trắng mênh mông làm cho vùng núi ảm đạm này lạnh cứng, nhìn cảnh hoàng hôn bao phủ những đỉnh núi hoang vu, tim ông đau xót, ông đã tưởng chung quanh không có nơi nào trú được, thì bỗng nhiên thiếu ta nói bằng một giọng bình tĩnh:
Có căn nhà kìa!
Chú thích:
Người đứng đầu bộ lạc dân bản xứ.
Arobe: đơn vị trọng lượng địa phương, mỗi arobe bằng 11kg