Dựng chiếc xe đạp vào khung cửa sắt, nàng cúi xuống vặn kỹ ổ khoá, vươn vai đứng dậy, hít thật sâu luồng không khí mát lạnh của những ngày giữa thu. Trước mặt nàng, một con lộ dài ngút mắt, đến cuối tầm nhìn bên phải là nóc chuông ngôi Thánh Đường của thành phố lớn, nơi nàng cư ngụ. Hai nóc chuông cao ngất quen thuộc đã trở thành một định hướng cho tất cả những ai không quen biết thành phố! Hôm nay bầu trời thật trong xanh, thình thoảng vài cơn gió nhè nhẹ thổi lăn lốc những chiếc lá vừa rụng bên vệ đường, trong gió hình như có một luồng khí ấm nóng là lạ, nàng dự đoán chắc rồi sẽ có một cơn mưa kéo tới trễ lắm là vào sáng mai. Sống nơi đâu lâu dần ta quen ở đó và bắt đầu để ý đến những thay đổi tuy nhỏ nhặt, nhưng thường cho ta một khái niệm khá đúng. Nhưng nàng đến đây đâu phải để ngẫm nga, ngẫm nghĩ về thời tiết nắng mưa đâu, nàng đến đây là đi thăm lại một khu phố rất gần gũi và rất quen thuộc với nàng. Nhứt là từ khi cha nàng đã đi thật xa. Nàng đưa tay đẩy cánh cửa sắt đúc chạm rất tỉ mỉ vào đầu thế kỷ 19, khu phố chỉ mở cửa cho mọi người được tự do ra vào từ sáng đến chiều tối, sau giờ nhứt định thì người gác cổng sẽ khóa lại và thế là khu phố chìm hẵn vào một sự yên tịnh cần thiết. Bước tới vài bước là lúc nào nàng cũng đưa mắt đọc câu in khắc trên tấm bia nhỏ " Xin vui lòng tôn trọng sự yên tịnh và sạch sẽ nơi đây ", nàng chợt nghĩ, ở bên ngoài, nàng vẫn thấy nhan nhãn những bảng hiệu viết y như vậy, nhưng hình như không được tôn trọng tuyệt đối....Trước mắt nàng là những dãy phố chi phối rất đặc biệt, khu phố này đã được đặt những viên gạch đầu tiên vào thời đầu của dòng Thiên chúa giáo. Theo như các bản thảo ghi nhận và lưu trữ lịch sử của thành phố thì chính nơi này đã là một tu viện rất lớn của các vị nữ tu dòng Augustin vào thế kỷ thứ 8. Theo giòng thăng trầm của thời gian, thị trưởng của thành phố đã mua lại khu phố , chia năm xẻ bảy ra và chỉ giữ lại khoảng 11 hectares với 106 000 ngôi nhà xưa lẫn mới và có đến 108 ngõ ngách! Khu phố được chia ra hai phần rõ rệt bởi con sông nhỏ và duy nhứt của toàn thành phố. Dân cư nơi đây khá đông và đủ mọi tầng lớp trong xã hội: ông tỉnh trưởng, nhà chính kiến đại tài, nhà văn đã từng lừng lẫy tên tuổi một thời, vị kiến trúc sư quen thuộc, nhà thương buôn giàu sụ, tay đua xe danh tiếng của Formule 1, và không thể quên những người thường dân sống giản dị, khiêm tốn một thời..., tất cả đều ngụ chung một nơi, phải chăng đó là định luật bất di, bất dịch. Những ngôi nhà nơi đây dặc biệt là có nhiều thế hệ cùng họ hàng ở chung một căn hộ. Từ thời xưa đến giữa thập niên '40, người ta dùng một loại đá tàn ong, màu xám đen, dấu vết tự hơn 8000 năm còn lại của vùng núi lửa, để đặt gạch xây dựng lên ngôi giáo đường, tu viện rồi đến cất nhà, chính vì thế mà đây là đặc điểm nỗi bật của khu phố! Về sau loại đá này trở nên hiếm hoi, người ta bắt đầu dùng tới thạch hoa đá hoặc đá nhân tạo... Thật ra nàng không quen ai ở khu phố này, nàng đến là vì thích không khí yên lành và sự im lặng hiện thực của ngụ dân, hôm nay gần đến ngày lễ tưởng nhớ những người thân thương đã ra đi vĩnh viễn, nên khu phố đẹp một cách lạ lùng, hầu như 2/3 các ngôi nhà đều được trang hoàng, quét dọn thật trang trọng. Hoa thu cúc đủ màu, đủ kiểu và luôn cả Cyclamen màu trắng cũng bắt đầu thông dụng.... được đặt dưới chân tường hay đặt ngay lên ở giữa nhà! Nàng thích những ngôi nhà được canh giữ bởi một thiên thần nào đó, trên tay cầm vòng hoa hay một cây thánh giá! Khi nhìn những ngôi nhà như vậy nàng liên tưởng tới câu nói quen thuộc một khi ai đó đóng cửa hơi mạnh tay: " Hãy khép nhẹ cửa chứ đừng nên đóng mạnh lại, nếu không bạn sẽ làm kẹt đôi cánh của thần hộ mệnh "! Một cung cách lễ phép, lịch sự thật đáng tôn trọng! Tuy vậy, khu phố vẫn có những căn nhà đã tự lâu đời hoang phế, dù đã được xây lên với phòng kính bao bọc, trang trí rất đẹp của một thời, giờ lại thiếu sự chăm sóc nên tiêu điều và lạnh căm. Chẳng một ai viếng thăm, chẳng có gì gợi lên sự luyến tiếc ngoài mấy cọng cỏ hoang mọc quanh đó! Thường khi đến trước những căn nhà như vậy, nàng lại tò mò đọc xem đã có ai vào ngụ nơi này và ai là người cuối cùng đến ngụ tại đây! Điều nàng không thấy đẹp mắt lắm đó là những ngôi nhà được trang trí bằng những chậu hoa bằng vải bọc nhựa, thật là lạ, tại sao không để trơn tru có thể đẹp hơn các màu sắc giả tạo phai dần theo mưa nắng rồi trở nên trắng bệt ra! Chợt nhớ đến ngôi nhà của cha nàng, khi về chơi hè, nàng đã đến thăm cha và rất ngạc nhiên thích thú khi thấy ngôi nhà của cha không như những ngôi nhà cạnh bên. Mẹ đã đặt cho cha một tảng bia khá lớn,chiếm hoàn toàn chiều rộng và nằm dài ra trên phần đất với tên họ khắc sâu vào tảng đá hoa cương, nàng nghĩ hẵn cha rất hài lòng. Vì ở những nơi gần biển phía bắc thường có những trận bão gió rất khủng khiếp, có thể làm đổ ngã dễ dàng các mảnh tường dựng đứng, và điều nàng để ý hơn hết là dãy cây Buis đã được trồng quanh nhà! Buis là một giống thực vật sống lâu và phát triển khá chậm, người ta lại có thể tỉa cành theo hình dạng mong muốn, lá dạng nhỏ tròn, mặt trên rất bóng và mặt dưới màu xanh bạc, dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ cả buổi, khi bạn đến gần sẽ ngửi thấy một mùi thơm rất lạ, dịu, đặc biệt của loại thực vật này, và theo nghi thức Đạo Công giáo thì vào dịp lễ Phục sinh, các giáo dân đến nhà thờ với nhánh Buis trên tay, trong buổi lễ các cha xứ sẽ ban phép lành, sau đó người ta mang về nhà đặt bên cạnh thánh giá treo trên tường, và đôi khi người ta mang các nhánh Buis đó đến đặt lên ngôi nhà cuối cùng của người thân họ! ... Một cơn gió ấm thổi bồng lên lớp lá vàng khô bay đi xa một khoảng, nàng đứng lên và che tay ngang tầm mắt bị lòa nhòa bởi ánh thái dương cuối chiều! Phải về thôi vì sắp đến giờ đóng cửa của khu phố và ngày mai nơi này sẽ rất nhộn nhịp với người đi, kẻ đến viếng thăm! Mỗi một năm, ngày này là khu phố nhốn nháo nhứt... Không là ngày nàng trở lại vì đâu có ai để nàng đi thăm, nhưng nàng sẽ trở lại vào lúc khác, chỉ có nàng và những ngôi nhà im lặng! Mỹ Hạnh.