Con sông lớn chẩy từ đông sang tây rồi đổ vào con sông lớn hơn. Một con sông nhỏ đổ vào một con sông lớn là điều tự nhiên. Hai bên bờ sông, hai đoàn quân đối nghịch vẫn hờm lẫn nhau bởi vì dòng sông làm đời sống hợp hay tan là tùy theo từng trường hợp. Suốt trong ba tháng qua, trận chiến tiếp diễn dọc theo con sông lớn. Vì đối phương có cùng một lực lượng về quân số cũng như hỏa lực nên không bên nào dành được ưu thế, đặc biệt là mùa đông sắp về tới. Các toán quân cố thủ dọc theo hai bên bờ đợi mùa xuân sang khi mà những tảng băng đá tan đi và những cánh đồng xanh tươi trở lại. Tuyến đầu của trận chiến lan rộng ra suốt dọc con sông. Tuyến này chạy dọc xuống vùng phía Nam và ngược lên vùng Đông Bắc nơi con sông này đổ vào con sông lớn hơn. Với những con hào, hầm hố trú ẩn, tuyến đầu này trải rộng trên 50 ki lô mét và được bao bọc bởi hai con sông. Có điều là đất đai cũng như thôn quê cùng những vườn nho, ngay cả làng mạc và tỉnh thành chẳng cần biết cuộc chiến đang xẩy ra hay không. Tuy vậy, những người sống hai bên bờ sông lại bị ảnh hưởng vì trận chiến mặc dù họ không tham gia vào. Tại vùng này, mặt trời và đất đai cũng là một hình thức đời sống con người vậy. Chiến tranh có nghĩa là sự tước đoạt và áp bức đối với con người, những điều kiện sinh sống ở đó và đời sống của họ bị hủy hoại. Chiến tranh gồm hai đội binh đối kháng nhau, mỗi bên tìm mọi phương cách để tiêu diệt phía bên kia. Để phòng ngừa địch quân có thể sử dụng sức lực hay trí óc con người, phương pháp tốt nhất là hủy diệt mọi thứ có thể rơi vào phía địch. Chiến tranh không có lương tâm, người ta không thể tiên liệu việc gì có thể có hữu dụng cho phía bên này hay phía bên kia; vì thế hành động tốt nhất trong thời chiến là tàn phá tất cả một cách máy móc: nhà cửa, đường xá, trâu bò, cầu cống, viện bảo tàng... và trên tất cả mọi thứ là mạng sống của con người cũng như những phương tiện mà con người cần có để sinh sống. Trong cuộc triệt thoái về hướng tây, quân đối phương đã phá hủy tất cả những cây cầu bắc qua sông cũng như bắn chìm tất cả thuyền bè, dù đó chỉ là những con thuyền bé nhỏ mong manh nhất chỉ có thể chở được hai kẻ yêu nhau mà thôi. Vào lúc đó, gần với mặt trận hoặc ngay cả cách đó không xa (mặt trận tại đây vào lúc này hoặc ở một chỗ nào đó vào ngày mai), người ta không còn nhìn thấy một cây cầu, một cái xà lan hoặc một cái phà. Ngay cả những chiếc thuyền chài nhỏ bé mà người dân đánh cá đã cẩn thận cất dấu ở một nơi nào đó, khi quân đối phương rút lui rồi khi toán quân đuổi tới sau đó cũng phá hủy nó, không phải là quân đội cần đến nhưng họ nghĩ là con thuyền này đối phương có thể dùng để chuyên chở gián điệp hay những kẻ phá hoại. Dân chúng thì phải tiếp tục sống trong cảnh chiến tranh này. Họ muốn sửa chữa lại những chiếc phà để người hai bên bờ có thể liên lạc với nhau nhưng lại thiếu dụng cụ và vật liệu, nhất là lo ngại khi làm xong thì quân đội sẽ trưng dụng mất. Do đó, phương tiện chuyên chở duy nhất trong vùng chỉ còn trông vào một chiếc xà lan quân đội do một chiếc máy kéo mà thôi. Lính tráng trên chiếc xà lan đều thân thiện. Họ đều là những người tốt khi không phải là lính và ngay cả khi họ mặc đồ lính mà không phải chiến đấu, vì vậy họ vui lòng chở thường dân cùng những đồ đạc lủng củng qua sông trong lúc quân đội không cần dùng đến. Phi cơ địch quân lại hay tấn công vào những giờ ban ngày cho nên chiếc xà lan chỉ chở dân chúng vào lúc chạng vạng và chở lính tráng vào ban đêm. Dân chúng cũng hiểu điều đó nên thường tụ tập quanh bến sông khi trời bắt đầu sẩm tối khi phi cơ ngưng oanh tạc hay khi trời vừa rạng sáng khi máy bay chưa bắt đầu cất cánh và lúc quân đội chưa bắt đầu hay đã ngưng cuộc vận chuyển. Buổi chiều hôm đó cũng như mọi chiều đông khác, sương mù, gió lạnh bao chùm bến sông và đặc biệt buổi chiều đông được bức màn chiến tranh bao trùm, một bài ca truy điệu vang vọng lại từ bờ sông phía tả mà mặt trận đang căng thẳng. Phía bờ sông đối diện có chừng chục binh sĩ và ba viên sĩ quan, một viên thiếu tá phản tình báo, viên đại úy phụ tá và một trung úy đang điều khiển người lên xuống chiếc xà lan. Họ hiểu là người nông dân (vì chỉ có nông dân mới khóc lóc um sùm như vậy mà thôi) đang chuyên chở chiếc quan tài đựng xác người thân (anh em hoặc con trai) từ mặt trận về. Khi những đám mây xám xịt hạ thấp xuống tận mặt nước và màn đêm từ từ kéo đến, các sĩ quan nhận thấy không còn lo ngại phi cơ địch nữa nên quyết định dùng chiếc xà lan này chở đám thường dân qua bên kia sông trước khi trời tối hẳn. Bài ca truy điệu lúc đầu nghe con thoang thoảng bây giờ thì rất rõ. Mọi người đợi cho chiếc máy kéo ngưng hẳn và chiếc xà lan từ từ tiến sát vào bờ. Đàn gia súc đứng chật cả chiếc xa lan bao quanh đám nông dân, trong đám này, một bà lão một tay cầm chiếc khăn tay che cả hai mắt, tay kia ôm chiếc quan tài bằng gỗ đỏ. Với một giọng thấp và nhẹ nhàng, ông già đứng bên cạnh nói với con ngựa: Đưa ông về nhà nhanh để ông còn khóc con, ngựa nhé. Bà lão nghe ông nói vậy thì khóc nức lên rồi ôm lấy chiếc quan tài bằng cả hai tay. Viên đại úy có mái tóc vàng ánh (dù chẳng cần biết ông ta có đẹp trai hay không, nhưng điều cần phải hiểu ông ta là đại úy là được rồi) giận dữ la om sòm khi đám nông dân đang chen nhau định nhẩy lên bờ. Thình lình, ông ta nhanh nhẹn nhẩy lên chiếc cầu ván trước, tay cầm sợi dây cương, miệng la lớn: - Để đấy cho tôi, tôi biết cách điều khiển ngựa mà, mọi người tránh chỗ ra. Con ngựa như cảm nhận được sức mạnh của đôi tay viên đại úy, nhẩy vọt theo sau. Ông lão cám ơn và ngỏ lời cầu chúc ông cùng đồng đội. Xoa hai tay vào nhau như thể tống hết bụi bậm bám vào (mà chiếc dây cương cũng bẩn thật), ông ta trả lời: - Không có gì cả, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ đồng bào mà. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt tại nơi đây. Nhưng nói cho tôi biết ai nằm trong chiếc quan tài kia vậy? - Còn ai vào đây nữa - Ông lão nói với giọng buồn thảm – Lão đang chở đứa con độc nhất của lão đó. Lão đã dâng hiến hai đứa trước cho tổ quốc rồi và bây giờ đứa con độc nhất còn lại nay lại bỏ lão mà đi. Ai cũng biết là viên đại úy muốn nói lời an ủi và đồng thời cũng là một lời khích lệ, ví dụ như: "Vâng, cái giá của tự do thật đắt". Tuy vậy ông ta vẫn không kiếm ra được câu nói thích hợp nào, hoặc là những câu nói đó phải chăng sẽ trở nên trơ trẽn trước nỗi đau đớn của hai ông bà lão này. Vì vậy ông ta chỉ im lặng. nhưng viên trung úy đứng ở phòng lái thì lại lên tiếng: Chúng tôi làm được gì bây giờ? Chiến tranh là chiến tranh, hàng ngày đều có người chết, nhiều ngày chúng tôi chở người chết nhiều hơn là chở người sống nữa. Một nông dân cao nghều có tuổi hỏi ông lão: - Bộ ông ra tận ngoài mặt trận đem xác con ông về sao? Ông lão bắt đầu kể. Ông cùng bà vợ mang quần áo cùng những vật dụng cần thiết tới mặt trận cho thằng con. Vào sáng sớm hai ngày trước, quân bên kia mở cuộc tấn công, thằng con của ông còn nhỏ, thiếu kinh nghiệm nên bị một trái lựu đạn ném vào. "Trái lựu đạn nổ làm banh ruột nó". Cha mẹ không kịp nhìn lúc nó còn sống và cũng chẳng nghe được lời nói cuối cùng của nó. Câu chuyện chấm dứt bằng tiếng khóc thống thiết của bà lão: - Con ơi, mẹ phải nói gì với con đây? Cả thế giới này xụp đổ rồi, ba má chẳng còn muốn sống nữa... Người nông dân cao thẫn thờ với hoàn cảnh của hai ông bà già, trái táo của ông Adam trồi lên thụt xuống nhấp nhô trong chiếc cần cổ dài. - Con tôi cũng bị tử trận tháng trước, nhưng tôi không đem nó về nhà mà để nó yên nghỉ với bạn bè. Nhưng … làm sao ông bà lại có thể chở chiếc quan tài ra ngoài mặt trận được? Ở đó không có gỗ, không có thợ mộc, chẳng có gì cả. Ông lão tiếp tục khóc làm như không nghe được câu hỏi. - Tôi không hiểu tại sao mình lại mang xác chúng nó về. - Người nông dân cao ngu xuẩi vẫn tiếp tục nói. - Cứ chôn ngay tại chỗ cho tiện. Viên đại úy đồng ý như vậy, nhưng lại có nhiều trường hợp cha mẹ lại muốn đưa xác con họ về, nhưng chẳng một ai có quan tài cả. - Quân đội tôn trọng ý muốn của nhân dân dù cho việc một binh sĩ tử trận được an nghỉ cùng với các đồng chí khác là hợp lý nhất. Con đường chính chạy song song với con đê dọc bên sông. Một đoạn chiếc đê được xẻ ngang và quân đội đã đắp một con đường nhỏ chạy từ bến tới con đường chính. Trên đoạn đường ngắn ngủi và chật hẹp bao bọc hai bên bằng những đụn tuyết, toán nông dân xếp hàng, một tay cầm giấy tờ sẵn sàng trình cho viên thiếu tá, tuy viên sĩ quan này vẫn chưa ra khỏi căn lều cất tạm ngay bên đường. Viên đại úy dắt con ngựa đằng sau là cỗ quan tài màu đỏ tiến thẳng về phía trước như không cần biết đám người đang xếp hàng khiến họ phải nhẩy tránh xuống hai bên đường đầy bùn. Bất chợt, lão nông dân cao nghều có đứa con chết hồi tháng trước vụt nhẩy chồm về phía trước, tay phải cầm cây gậy xua qua xua lại như ra dấu hiệu vội vã, co chân chạy về phía chiếc lều. Viên trung úy la lớn ra lệnh cho ông ta phải xếp vào hàng, ông ta quay đầu nói vọng lại trong khi chân vẫn chạy, chỉ chiếc gậy về phía trước: - Tôi có việc quan trọng cần phải báo. Một bức màn im lặng chợt bao phủ lấy vùng không gian lạnh lẽo và xám ngắt. Mọi người hiểu rằng ông ta có việc gì đó khẩn cấp cần báo cho viên thiếu tá trong lều. Nét mặt ông lão tỏ vẻ lo lắng. Khi chiếc quan tài được kéo lại gần chiếc lều, viên thiếu tá đã đứng chờ sẵn ở đó. Ông ta ra hiệu kéo chiếc quan tài lại gần hơn, còn lão nông dân đứng phía sau viên thiếu tá đang nhẩy cỡn lên, miệng cười ranh mãnh: Đúng thật mà, tôi nghe rõ ràng trong chiếc quan tài này có cái gì cựa quậy mà. À mà đại úy đừng có trách là tôi không báo liền cho ông biết ngay lúc đó đấy nhé, tôi sợ là họ sẽ đẩy cỗ quan tài xuống sông để thủ tiêu tang chứng mất. Tôi phải đợi cho mọi người tới bờ xong hết rồi mới báo cho chính quyền hay. – Lão quay sang phía hai ông bà già đang đứng run rẩy ở phía xa. – Đó là bổn phận của mọi người, chúng ta phải báo cho chính quyền hay biết những gì nghi ngờ. Thời buổi chiến tranh mà. Hai ông bà già đứng đó chẳng nói được câu nào. Một lúc sau, bà lão lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nguyền rủa lão nông phu là tính tình độc ác nói điều bịa đặt, rồi bà quay sang nói với viên thiếu tá: - Ngài là người nhân ái, xin cho chúng tôi chở xác con tôi đi khi trời còn sáng. Ông lão cũng lấy lại sự can đảm, tiến về phía viên thiếu tá. Với giọng nói nghiêm trang nhà binh, ông lên tiếng: Hãy chứng tỏ lòng nhân ái, thiếu tá. Chúng tôi là cha mẹ, nó là con trai chúng tôi, làng chúng tôi còn xa lắm. Viên thiếu tá có mái tóc đen. Tuy còn trẻ nhưng nét mặt đầy vẻ khó khăn và nghi kỵ (dĩ nhiên là như vậy rồi, dù cho bên ngoài như thế nào đi nữa, ông ta vẫn là một viên thiếu tá ngành phản tình báo mà). Khi trả lời ông già bằng một giọng đều đều bình thản, không phải ông ta nói với những người đứng phía trước mặt mà cả với những người vắng mặt nữa: - Ông chẳng cần lo nghĩ gì cả, chúng tôi giải quyết mọi việc theo đúng quân lệnh. Rồi ông ta tiến lại bên cạnh cỗ quan tài, ngón tay trỏ gõ vào chiếc nắp mấy tiếng rồi ra lệnh mở ra. Hai tên lính vội khiêng chiếc quan tài xuống khỏi chiếc xe đẩy, bà lão bổ nhào lại, vừa khóc vừa la lối bù lu bù loa: - Gia đình tôi khốn khổ quá, đơn chiếc quá... Hai tên lính vẫn tiếp tục cậy chiếc nắp cỗ quan tài, ông già lấy hết can đảm nói với viên thiếu tá: - Xin đừng làm tủi nhục linh hồn người đã hy sinh cho tổ quốc. Xin thiếu tá hãy nghĩ lại. Như không nghe thấy lời khẩn cầu, có lẽ vì ông ta đang quá bận rộn với công việc kiểm soát giấy tờ của khách qua sông chăng? Ông ta nói với ông già và có lẽ với mọi người đang đứng xếp hàng trước mặt: - Trật tự, giữ trật tự, mọi người phải xếp hàng trật tự. Một chiếc xe vận tải chạy ngang qua, viên thiếu tá dơ tay vẫy vẫy ra hiệu cho xe ngưng lại. Viên đại úy hiểu là phải làm gì, hắn tiến lại phía chiếc xe và hỏi mượn người tài xế chiếc kìm, chiếc búa và chiếc xà beng rồi nâng bà lão lên đi xa khỏi chiếc quan tài. Nhưng bà vẫn ngồi bệt dưới đất, không ngớt kêu gào. Một lát sau, chiếc nắp cỗ quan tài được cậy lên. Bên trong là một thanh niên trẻ tuổi mặc bộ quần áo nông dân nằm im lặng, đôi mắt to và đen láy nhìn mọi người. - Con trai ông, phải không? - Viên thiếu tá hỏi ông lão. - Vâng, nó là đứa con trai còn lại độc nhất của tôi. Hai đứa lớn đã hy sinh cả rồi. - Có phải nó trốn khỏi mặt trận không? - Không, nó không trốn trại. Tôi muốn dòng máu của gia tộc tôi không bị tuyệt thôi nên tôi bảo nó nằm vào đây để tôi đưa về nhà. Mọi người đứng vây quanh tò mò nhìn quang cảnh lạ lùng này. Viên thiếu tá ra lịnh mọi người trở lại chỗ cũ, người tài xế chiếc xe vận tải lấy lại dụng cụ rồi lái xe đi thẳng như thể sự việc xẩy ra không làm hắn quan târn, có lẽ hắn còn nhiều chuyện khác cần làm hơn. Chỉ có lão nông dân cao ngồng đứng như trời trồng, không ai nói lão phải ra khỏi chỗ này cả. - Tôi tưởng là một tên gián điệp chứ. - Lão lẩm bẩm một mình. - Tôi không muốn làm hại ai cả, có trời làm chứng, có trời làm chứng cho tôi... Gục đầu vào cỗ quan tài, bà lão lấy chiếc khăn lau mồ hôi trên trán cho đứa con, miệng lẩm bẩm: - Đừng sợ gì, con yêu của mẹ. Ông ấy là một người tốt, một sĩ quan nhân dân tốt. Ông ấy là người trong quân đội nhân dân, chính quyền của nhân dân. Lấy hết can đảm, người tuổi trẻ ngồi dậy, nhưng viên thiếu tá xua tay ra hiệu cho anh ta nằm xuống. Tuân theo mệnh lệnh, người tuổi trẻ nằm ngay ngắn trở lại. Đại úy. - Viên thiếu tá ra lệnh. - Hãy thi hành nhiệm vụ. Nhanh nhẹn như thể chỉ chờ có vậy, viên đại úy rút khẩu súng ra khỏi bao, còn viên trung úy ôm vai bà lão đẩy bà bước xa khỏi chiếc quan tài. Cùng một lúc, một tên lính một tay cầm khẩu súng, một tay đẩy ông lão đến bên cạnh người vợ. Viên đại úy bước đến cạnh cỗ quan tài, nhắm thẳng tim người tuổi trẻ bóp cò. Sự việc xẩy ra quá nhanh khiến người tuổi trẻ này chỉ nhận biết được khi viên đạn đã nằm yên trong tim, hắn kêu lên một tiếng thảm thiết, cong người lên một chút, tay và đầu đập nhẹ vào miếng ván rồi toàn thân nằm im lìm như đang ngủ say. Với một giọng giận dữ, viên thiếu tá quát lên: - Bây giờ mang nó đi. - Hạ giọng thấp hơn, hắn ta nói tiếp. - Chúng tôi chỉ làm phận sự và sẽ tiếp tục làm như vậy. Hai ông bà già chẳng nghe ông ta nói gì ca. Cả hai nhào lại ôm xác đứa con khóc lóc thảm thiết. Hai người lính ôm lấy vai hai ông bà kéo ra xa khỏi cỗ quan tài và hai người khác khiêng nó lên chiếc xe kéo, họ cẩn thận đậy chiếc nắp lên và cột lại chắc chắn. Ngoài kia chiếc xà lan đang rời khỏi bến để sang bờ sông bên kia để chở đoàn xe vận tải quân đội. Khi chiếc quan tài đã được cột lại chặt chẽ, con ngựa bắt đầu cất bước, hai ông bà già lốc thốc chạy theo phía sau. Lão nông dân cao đứng im lặng nhìn theo, miệng lẩm bẩm: - Làm sao mà tôi biết được. Chỉ có trời mới hiểu tôi thôi. Chiếc xe lăn chậm chậm theo con đường mòn, phía dưới là một dòng máu rỉ ra từ đáy cỗ quan tài. Người cha chạy bên cạnh con ngựa bây giờ khóc to thành tiếng, còn người mẹ tay phải bám vào chiếc quan tài lẽo đẽo bước thấp bước cao chạy theo phía sau. Viên trung úy nói to cho mọi người nghe: Mọi người nghe đây, hãy nhìn ông bà kia. Họ đã lừa dối nhân dân, lừa dối quân đội, bây giờ còn khóc lóc nữa. Nhưng chẳng một ai nghe hắn nói cả vì mọi người còn bận rộn với mớ đồ đạc lủng củng mang theo. °Trần Hồng Văn. Tác Giả: Khi còn trẻ, Milovan Djilas theo phe nổi loạn đứng lên chống lại chính quyền Hoàng Gia Tiệp Khắc rồi trở thành một nhân vật quan trọng trong Hội Đồng Cộng Sản Trung Ương. Ông giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng như Bộ Trưởng, Chủ tịch Quốc Hội rồi Phó Tổng Thống. Tuy vậy, khi ông từ chối rút lại lời chỉ trích về lề lối làm việc của chính quyền, quyền hành của ông bị thu lại dần. Từ năm 1956 về sau, ông bị nhốt tù nhiều lần. Mỗi truyện ngắn ông viết ra lại kéo dài thêm thời gian ngồi trong tù. Nhưng dù cho bị tù đày, ông vẫn giữ được sĩ khí của kẻ cầm bút chân chính. Ông là một người cứng cỏi luôn luôn tôn trọng nguyên tắc. Truyện ngắn "Một Cảnh Chiến Tranh" này được viết trong khi ông còn ngồi trong tù. Tính nổi loạn, đòi hỏi một sự công bằng, chống lại sự độc tài luôn có sẵn trong người cho nên mặc dù không phải là một trong những nhà văn danh tiếng ngày nay nhưng ông cũng dành được một chỗ đứng trong nền văn học thế giới.