Tôi có ý định muốn viết về đứa con gái lớn của mình, đứa con này là tất cả lẻ sống của cuộc đời tôi. Tôi cứ lần lựa mãi vì không biết phải bắt đầu từ đâu, trong câu truyện có cái tựa là Ông Tư Đờn, một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện của những người đi vượt biên trên đại dương mênh mông trùng trùng nguy hiểm. Cháu là bé Cà Na trong truyện nhưng khi qua tới nước Mỹ thì được gọi là Ni Na, đứa con gái đầu lòng rất tội nghiệp của tôi đã được sinh ra sau cuộc đổi thay vận mệnh của cả một đất nước. Được sanh ra trong sự nghèo đói khốn khổ tận cùng, người mẹ trẻ như tôi vụng về nuôi con chút nữa làm con mất đi sinh mạng vì có một lần đã như một vết chàm được khắc sâu đậm giữa trái tim tôi, đó là lần cháu bị nóng sốt lên cao,tôi cầm trên tay một loại thuốc màu hồng hạ sốt không nhãn hiệu, mua qua tay những con buôn lén lút, nhưng vì sự nhầm lẫn của con buôn họ đã đưa cho tôi cũng là những viên thuốc màu hồng nhưng lại là những viên thuốc ngủ. Trong lúc con gái sốt cao, người mẹ khờ khạo đã không phân biệt cho con uống vào. Viết tới đây thì trái tim của tôi như lổi đi một nhịp đập, tôi ôm ngực và nước mắt cứ ứa ra, nước mắt đã chảy suốt theo tuổi đời của con khôn lớn. Tôi không có lấy một chút kinh nghiệm trước tình trạng ốm đau của con.Khi con không thể mở mắt vì độ thuốc ngủ, tôi cứ nghỉ con nhõng nhẽo không chịu dậy ăn cháo, rồi vì cuộc sống tôi phải gửi con cho đứa em gái để lo ra ngoài chạy cơm gạo cho ngày mai. Lúc quay về thì cả nhà cho biết cháu được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tròng mắt như đã trợn trắng, tôi rụng rời tay chân leo lên xe đạp, vừa đạp xe vừa khóc,nước mắt mờ nhoà đi trong sự hốt hoảng bàng hoàng. Tới bệnh viện đứa em gái chạy ra hổn hểnh cho biết thuốc cho cháu uống là thuốc ngủ quá nặng liều. Bác sĩ với gương mặt đăm chiêu nói nếu đêm nay ở phòng cấp cứu cháu không đi tiểu được là coi như cháu sẽ qua đời, rồi quay sang tôi mắng không tiếc lời, tôi mếu máo chắp tay van xin bác sĩ hãy cứu con tôi luôn miệng. Cả đêm hôm đó, bên ngoài mưa bắt đầu rơi tầm tả, bệnh viện cho tôi một cái ghế nhỏ ngồi bên cạnh gường con, cứ hai phút tôi đưa tay vào để kiểm soát coi cháu đã đi tiểu được chưa, tôi ngồi suốt đêm không rời con dẫu một giây phút nào cả.Tôi chỉ biết đọc kinh cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ Tát, tới khi trời bắt đầu sáng, con tôi đã đi tiểu ra tấm khăn lông, tôi mừng quá gọi cho y tá biết và họ chúc mừng tôi cho biết con bé đã qua thời kỳ nguy hiểm, họ sẽ đưa cháu ra khỏi phòng cấp cứu để về ở phòng bệnh khác. Sáng sớm em gái vô lại bệnh viện mang theo những đồ dùng cá nhân vì tôi còn phải ở lại với con. Đã qua cơn nguy hiểm nhưng cháu vẫn chưa mở mắt được, mắt còn mỏi do sự tác hại thuốc ngủ gây nên, tôi chăm sóc cho con trong sự túng thiếu nghèo khổ, bửa cơm của bệnh viện chỉ ăn để sống, gia đình tôi lúc bấy giờ có muốn giúp cho tôi cũng phải chật vật vô cùng. Con tôi sau bảy ngày nhờ có nước biển nên da dẻ hồng hào lên đôi chút, còn tôi thì xanh xao gầy ốm, bồng con trên tay trở về nhà với cõi lòng thấp thỏm với tương lai mịt mờ. Rồi từ những cơ duyên này tới những cơ duyên khác, giúp tôi nuôi con với những tháng ngày như sa xuống dưới tầng cuối địa ngục. Hai mẹ con tôi không hề rời nhau, cùng bên nhau chịu đựng biết bao nỗi khổ thiếu thốn mọi bề. Có nhiều lúc con hư vì thèm ăn, thèm mặc đánh con mà lòng tôi đau như cắt,hận mình đã để con ra đời không đúng lúc. Con gái mới năm tuổi đầu đã biết thỏ thẻ với mấy dì: mẹ đánh con đau nhưng con không bao giờ giận mẹ, con thương mẹ lắm ". Và đứa con biết điều biết chuyện vẫn luôn muốn sống gần bên tôi, khi mà những năm tháng về sau này,đời sống ổn định đôi chút, có cô em điều kiện sống khá giả hơn muôn thu nhận cháu làm con nuôi, nhưng cháu vẫn không màng chỉ muốn cơm canh đạm bạc bên mẹ. Năm 1990 chúng tôi được đi qua Mỹ theo diện đoàn tụ, đứa con gái lớn học tiếng Nga tại Việt Nam đã đổi qua tiếng Anh thật không làm khó gì cháu được. Hai ngày cuối tuần cháu theo bạn học đi làm thêm với công việc đứng bán hàng ở chợ trời để mang hết tiền công về đưa cho mẹ không giử lại một đồng nào cho riêng mình. Tôi phải nói là rất hãnh diện về cháu,cháu học rất giỏi,rất cố gắng và chưa bao giờ nản lòng trong đời sống khó khăn khi mới qua xứ người,có những buổi sáng mùa đông, cùng đứa em học cách xa trường của chị bốn đoạn đường, cả hai vừa đi vừa nuốt vội ly mì ăn liền, đưa em an toàn đến trường xong mới quay trở ngược lại trường của mình. Bốn mùa xứ người cháu vẫn kiên trì thay mẹ lo lắng cho em,vui vẻ lạc quan chia sớt cùng gia đình từng ngày tháng lặng lẽ trôi qua với mơ ước sau này có việc làm tốt để nuôi mẹ. Hiện giờ trong lúc kinh tế nước Mỹ đang bị khủng hoãng,con số thất nghiệp lên cao đến chóng mặt, cháu vẫn có một chổ làm vững vàng với chức vị quan trọng. Tôi qua Mỹ học được cái câu " những điều riêng tư " nên không nói về chức vị của cháu hiện tại chỉ muốn nói cuộc đời đã mở rộng cánh cửa cho mẹ con tôi, những nơi con tôi đưa tôi tới tham dự là những nơi thật sang trọng và những người con tôi gặp gỡ là những người không dễ gì xin được một cái hẹn. Cuộc đời thật giống như một giấc mơ, đứa con tội nghiệp bé bỏng ngày nào đã mang khối óc và đôi tay thay đổi luôn cả định mệnh cho tôi và cho cả một gia đình.Tấm gương hiếu học,cần mẫn sáng soi cho cả đám em noi theo. Nếu như cho tôi quay về lại quá khứ để sửa đổi số mệnh, tôi thà gian nan khổ cực để nuôi đứa con gái này, tôi nghỉ đây là viên ngọc quí mà ông trời đã ban cho tôi. Con tôi vẫn quấn quít bên mẹ chưa chịu lấy chồng, mỗi lần nhìn con sửa soạn đi làm với cách ăn mặc lịch sự với gương mặt đầy tự tin, tôi cứ luôn chạnh lòng khi nhớ lại những năm tháng lầm than đã đi qua, rồi trong vô hình như có bàn tay ai siết chắt trái tim tôi như để luôn nhắc nhở tới những viên thuốc năm xưa, suýt cướp đi sinh mạng của đứa con.Có lẻ cho tới chết tôi mới có thể buông ra cái nỗi ám ảnh vô cùng kinh hoàng đó. Mầu Hoa Khế Sep 28.2010