Anh Ẩn vừa được cấp trên đề bạt chức trưởng phòng. Điều này khiến nhiều người trong cơ quan xì xào, bàn tán. Họ cho rằng một  người có học vấn thấp, năng lực chẳng có gì xuất sắc mà  được cấp trên cất nhắc, chẳng qua là anh Ẩn khéo nịnh nọt nên mới được nâng đỡ tới mức ấy.
Riêng Thúy,  là đồng nghiệp, lại là hàng xóm với anh Ẩn thì cam đoan rằng, anh Ẩn không hề có thói xấu nịnh bợ. Để ý thì biết, anh Ẩn, với cấp trên cũng như cấp dưới, lúc nào anh cũng giữ một khoảng cách vừa phải đứng mực, chẳng vồn vã mặn mà cũng không thờ ơ lạnh nhạt, chẳng thân ai mà cũng chẳng ghét ai. Anh Ẩn lúc nào cũng bình bình với một dáng trầm tĩnh, đĩnh đạc và mực thước. Người thế mà bảo giỏi nịnh thì oan cho anh Ẩn quá.
Đành rằng, anh Ẩn mới chỉ học hết trung cấp, trong chuyên môn chẳng có xuất sắc. Nhưng mọi người trong cơ quan hãy xem còn ai có khả năng lãnh đạo hơn anh Ẩn! Thôi thì mấy đồng chí đàn bà ngoa ngoắt lắm điều, đầu họ nặng về chợ búa, chồng con, chẳng dám so bì với anh đã đành, nhưng con cánh đàn ông thì đấy, mấy ông là kỹ sư, tiến sĩ cả đấy. Họ đã làm nên cơm cháo gì! Suốt ngày chỉ thấy uống nước chè suông, hút thuốc lào vặt rồi bàn luận toàn chuyện đâu đâu với giọng châm chọc, bất mãn, chứ họ có gì hơn anh Ẩn!
Xét ra, suất trưởng phòng ấy còn một vị nữa có “máu mặt” để bàn tới, đó là Luộm – chồng Thúy. Bởi trong chuyên môn Luộm là người xuất sắc nhất, mọi vấn đề kỹ thuật hóc búa đều qua tay Luộm mới giải quyết xong. Nhưng giời ạ, nói hơi quá, tính nết anh Luộm chẳng đủ tư cách làm người lớn chứ đừng nói là làm lãnh đạo. Ai lại hơn ba chục tuổi đầu rồi mà vẫn nói năng lôm côm, bỗ bã, ăn mặc thì lôi thôi lếch thếch. Khi đọc sách hay nghiên cứu vấn đề gì thì tóc xù lên, kính tụt xuống chóp mũi, tay gãi rôm, miệng chịp chịp cứ như là người lên đồng. Dưới con mắt mọi người, Luộm là kẻ nheo nhếch, hâm hâm, ngộ ngộ. Người như thế mà làm lãnh đạo, nói ai nghe!
Đằng này anh Ẩn … Anh Ẩn hoàn hảo tới mức không thể chê trách điều gì. Như trên đã nói, chỉ nhìn bề ngoài đã thấy anh Ẩn toát lên một dáng trầm tĩnh, đĩnh đạc. Sự trầm tĩnh, đĩnh đạc đã làm anh cao quý quá, trong sạch quá. Nói vô phép, đôi khi Thúy trộm nghĩ, loại người cao quý trong sạch như anh Ẩn có lẽ không vào toa-lét bao giờ! Còn trong công việc thì anh Ẩn là một mẫu mực về sự tận tụy, mỗi sáng anh Ẩn dong xe đến cổng cơ quan là người bảo vệ chẳng cần xem đồng hồ, cứ yên tâm vác dùi ra mà gõ kẻng. Tính anh ít nói. Nhưng mỗi lời nói của anh đều thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng, nói đúng chỗ, đúng lúc, chứ bao giờ nói hớ…
Nhiều khi nhìn anh Ẩn làm việc ở bàn, khuôn mặt trầm lặng, khép kín, mái tóc chải mượt mà, bàn tay trắng hồng cẩn trọng lật từng trang sách, Thúy ước ao chồng chị có được những đức tính tốt đẹp như anh Ẩn. Giá được như thế chồng Thúy sẽ tiến xa.
Nhà Thúy cách nhà anh Ẩn một bức tường trong khu tập thể cơ quan. Mọi chuyện xảy ra ở nhà này, nhà kia đều biết. Nói vậy thực ra chỉ có bên anh Ẩn biết chuyện nhà Thúy là nhiều. Những lời gắt gỏng của Thúy về sự tùy tiện bừa bãi trong sinh hoạt của anh chồng, hay những trận rượu, chè bù khú với bạn bè. Rượu vào lời ra. Nghe các vị ấy nói xem chừng họ sắp bốc trời bỏ bị tới nơi rồi. Nhưng phiền phức nhất là nhưng lần tranh luận giữa vợ chồng Thúy mà nội dung lại có liên quan đến anh Ẩn. Thúy thì ý tứ nói nhỏ, còn ông chồng thì mang ra vài người để so sánh với anh Ẩn, giọng oang oang:
Tóm lại em biết tại sao ông ta được để bạt không?
Xuỵt… - Thúy nháy, mắt ra hiệu cho chồng im lặng rồi nhỏ nhẹ – Rõ ràng anh ấy đứng đắn hơn các anh
Đếch phải – Luộm bốp chát – Mà là ông ấy ít nói lại có bộ mặt lạnh lùng, bí hiểm hơn người khác.
Thúy gắt:
Ăn với nói. Vớ va vớ vẩn.
Luộm phả một hơi thuốc lào rồi nói:
Thật đấy! Chính sự lạnh lùng, bí hiểm ấy khiền mọi người không hiểu anh ta có khả năng tới mức nào? Anh ta suy nghĩ gì? Buồn gì, vui gì? Sức mạnh con người là ở chỗ đó. Người đáng sợ nhất là người ta chưa hiểu gì về họ.
Lộng ngôn! – Thúy gắt – Cái kiểu nói năng linh tinh bạt mạng ấy thế nào cũng có ngày… Thảo nào… cóc mò cò xơi… Giá anh làm việc nghiêm túc hơn, sinh hoạt nền nếp hơn, chuẩn mực hơn, chắc chắn suất trưởng phòng ấy chỉ dành cho anh chứ không ai khác.
Tưởng anh chồng cay cú về sự đánh tuột chức trưởng phòng để rồi từ nay hắn giữ mồm giữ miệng và thay đổi tính nết. Ai ngờ hắn lại lý sự:
Nền nếp, chuẩn mực là thói quen của con người. Nó được hình thành bởi nhưng hoạt động lặp đi lặp lại mà có. Nhưng theo anh, chỉ có cái máy thì nó mới không thấy nhàm chán khi phải lặp đi lặp lại như thế!
Thôi ạ, nói chuyện với anh ngang chằng chằng. Chỉ có tôi là nhàm chán với cái kiểu ăn ngủ thất thường, thức khuya dậy muộn của anh thì có. Ai lại, sáng dậy đầu óc bơ phờ, mặt không kịp rửa, vội vội vàng vàng, cúc trên cài khuy dưới cứ thế ôm cặp đi. Từ nay tôi học tập anh Ẩn lập cái lịch sinh hoạt cho anh thực hiện, chứ không có tùy tiện, bừa phứa như vừa rồi đâu nhá…
Vậy từ nay em gọi hắn không dậy thì cứ nắm cẳng chân hắn mà lôi, lấy roi mà vụt.
… Bên gia đình anh Ẩn thì khác. Mọi hoạt động của gia đình đều có bài, có bản thứ tự thực hiện theo một chu trình khép kín: tối xem truyền hình. Ngoài thằng Thường con anh có lịch riêng. Trong đó anh Ẩn quy định những việc làm của nó trong ngày. Với thời gian biểu đó ngày nào cũng như ngày nào, các thành viên trong gia đình anh Ẩn thực hiện răm rắp. Nhìn cảnh sinh hoạt của gia đình anh Ẩn, Thúy phát thèm.
Nhưng một sự kiện xảy ra có nguy cơ phá tan hạnh phúc êm đềm của cái gia đình nền nếp ấy. Hóa ra, sự bình yên bấy nay là báo hiệu sự đổ vỡ, cũng như trước mối cơn giông tố mặt biển thường phẳng lặng.
Chuyện bắt đầu từ con cún. Đó là một con chó to bụ bẫm, lông vang óng. Thằng Thường quý nó lắm. Đi học hay đi đá bóng nó đều cho con cún đi theo. Đột nhiên mấy hôm rồi con cún ốm. Thằng Thường lo lắng không yên. Nó nấu cháo rồi bón từng thìa cho con cún. Nhưng có lẽ bệnh tình của con cun quá trầm trọng, buổi trưa hôm trước cún chết, nó nằm co quắp ở góc sân, lông xù ra, mồm sùi dãi dớt.
Thúy phát hiện ra cái chết của con cún. Thúy bảo với anh Ẩn. Anh Ẩn chạy ra túm cổ con cún nhấc lên ngắm nghía một lúc rồi đặt con cún lên trốc trớt thản nhiên cầm dao chặt đứt đôi cổ con cún. Nhìn cái cổ con chó con rỉ ra những tia máu đen, nhầy nhụa, Thúy hãi quá kêu lên:
K-h…iếp! Anh Ẩn …
Anh Ẩn nhìn Thúy bình thản:
Cái này ninh cho lợn ăn, bổ lắm.
Đoạn, anh cầm thân con cún thả vào nồi cám lợn đang sôi sùng sục. Cùng lúc đó thằng Thường ôm quả bóng chạy về. Vừa nhìn thấy cái đầu chó con lều bều trong nồi cám, nó vứt quả bóng rồi rú lên:
Ôi… bố ơi! … chó ơi!
Anh Ẩn nhìn nó. Cặp mắt lạnh lùng, sắc lẻm của anh lướt từ bộ quần áo loang lổ đất cát của thằng Thường rồi dừng lại ở khuôn mặt óng nhẫy mồ hôi của nó. Một lúc sau anh mới quát: - Thường, đi đầu về? Tiếng quát nhỏ nhưng gọn, sắc khiến thằng Thường run lên rồi đứng nép vào bờ tường, ngực nó lép kẹp, miệng ấp úng:
Thưa bố con… con…
Thúy ngạc nhiên về sự thay đổi đột ngột trong sự biểu thị tâm trạng nó. Đang mới rú lên vì con cún bị chặt đầu bỗng bắt gặp cái nhìn của bố, cậu ta đã co rúm người lại như gà gặp cáo. Nó vẫn lấm lép nhìn anh Ẩn. Anh vẫn găm những cái nhìn lạnh lùng, nghiêm khắc về phía nó. Anh nhả tiếp những lời đanh thép:
Giờ này là giờ gì hả? Đi rửa mặt rồi ngồi vào bàn! Vậy là rõ. Thì ra thằng bé vừa phạm quy. Thường ngày, vào giờ này là thằng bé phải ngồi vào bàn học bài, vậy mà hôm nay nó tự ý phá bỏ nguyên tắc của bố đề ra.
Dường như sự kinh hoàng khi thấy con cún bị chặt đầu chưa bằng nỗi kinh hoàng khi bị ông bố phát hiện ra nó phạm quy. Mặt nó tài đi. Nó vội vàng đến bên bể nước, nhẹ nhàng múc nước đổ vào chậu thau. Thỉnh thoảng, nó ngoảnh lại dò xét xem thái độ của bố nó. Anh Ẩn vẫn đứng trước hiên nhà, tay lăm lăm con dao vấy máu. Mắt thằng Thường cụp xuống. Thúy đọc trong đôi mắt của nó nỗi ăn năn, vừa lo sợ, như là nếu nó không nhanh chóng sửa sai thì số phận nó cũng giống như con chó.
Đêm hôm đó, khi đã rất khuya. Thúy nghe tiếng thằng Thường rú lên trong buồng ngủ. Tiến rú của nó trong cơn mê giống như tiếng con thú nhỏ bị thương. Trong chuỗi âm thanh không rõ nghĩa ấy hình như nó nói đến con cún. Có lẽ những ấn tượng hãi hùng ban chiều đã tác động đến thằng Thường một cách ghê gớm. Chị Ẩn thấy con rú lến như vậy, hốt hoảng:
Thường! Thường sao thế con?
Thường ấp úng:
Mẹ ơi… con… con sợ…
Sợ gì, con? Mẹ đây. Sợ gì con nói mẹ nghe nào?
Tiếng chị Ẩn nhẹ nhàng tin cậy khiến thằng bé khóc òa lên:
Bố… bố… chặt đầu con cún… sợ lắm mẹ ơi.
Ôi! Có thế mà cũng sợ. Thôi, nín đi nào… Mai mẹ mua con khác cho con. Những lời âu yếm, vỗ về của chị Ẩn lại làm cho nó khóc to hơn.
Xem chừng để thằng bé tám tuổi rống lên trong khu tập thể là không ổn. Anh Ẩn quát rất nhỏ:
Thôi, ngủ đi!
Thằng Thường ngừng khóc, nhưng tiếng nức nở của nó vẫn vọng sang.
Một lúc, có tiếng dép loẹt quẹt và giọng anh Ẩn dứt khoát:
Thường, dậy! Ra ngoài bàn viết kiểm điểm! Giấy, bút đây! Viết cho thành khẩn vào, ngủ từ mấy giờ đến mấy giờ, đá bóng từ mấy giờ đến mấy giờ?
Chị Ẩn gắt:
Anh bày trò gì thế? Anh điên à? Ở cơ quan anh bắt người ta kiểm điểm chưa chán hay sao đêm về còn dựng con dậy viết kiểm điểm!
Tiếng anh Ẩn chắc nịch:
Để nó ghi nhớ ngày hôm nay rồi sửa chữa. Em biết không, nó ngủ suốt một lèo sau đó ôm bóng đi đá. Ban ngày ngủ chán mắt nên tối đến mới sinh sự thế này.
Chị Ẩn bốp chát:
Nó sinh sự thế này là vì việc làm của anh lúc chiều làm nó kinh sợ quá, chứ không phải tại nó ngủ chán mắt. Thường, lại đây với mẹ, con, đừng… sợ…
Anh Ẩn phê bình:
Em chiều con như vậy sẽ làm hỏng nó – Anh chợt cao giọng – Thường! Bố bảo thế nào? Đi-ra-ngoài-bàn!
Thúy biết tình anh Ẩn thường rứt khoát. Khi đã nói là không bao giờ thay đổi ý định. Nhưng chị Ẩn vẫn cương quyết:
Không có đi đâu cả. Giở hơi! Lúc nào cung điểm nội quy! Nó là cái quái gì? Là thứ xiềng xích thì có. Anh sẽ làm hỏng con vì những thứ xiềng xích ấy. Xem mặt thằng bé tái mét rồi kia kìa. Làm bố là để con yêu mến, kính trọng, chứ để nó sợ khiếp vía thế này à! Con tôi, tôi chỉ cần nuôi nó lớn, dạy nó cái tốt, cái đẹp để học, cái xấu để tránh là đủ rồi, cần gì phải nội quy với kiểm điểm như anh nói. Thường, đừng sợ! Nằm xuống gần mẹ đi con!...
Ở bên này Thúy không hiểu rằng thằng Thường sẽ nghe mẹ hay ra bàn viết kiểm điểm như mệnh lệnh của ông bố truyền ra. Chỉ thấy tiếng nức nở của nó không còn. Không khí yên lặng rất lâu, tưởng hết chuyện, ai ngờ tiếng chị Ẩn thét lên:
Trời ơi… anh nhìn gì thế! Anh nhìn vợ con bằng cái nhìn hằn học, tức tối như thế à?
Đột nhiên chị khóc tấm tức, giọng nghẹn ngào:
Trời ơi… thì ra anh ác lắm. Bấy lâu nay tôi sống với người vô tâm độc ác mà cứ tưởng tử tế, khiêm nhường. Bề ngoài nhìn vào người ta cứ tưởng nhà này hạnh phúc lắm, nền nếp lắm, nhưng họ có biết đầu rằng, anh đã làm khổ mẹ con tôi vì cái sự nền nếp ấy… hu… hu… Anh như cái hũ nút, anh như người ngậm hột thị! Anh đã tra tấn tôi bằng sự im lặng…
Rõ ràng chị Ẩn đã nổi loạn. Yên lành không muốn lại muốn ông chồng lấy gậy phang cho vào lưng.
Thúy tưởng tượng lại khuôn mặt chị Ẩn hằng ngày. Chị có khuôn mặt đẹp ở nét buồn, đôi mắt ướt não nùng. Tính tình chị lại dịu dàng, lặng lẽ, kín đáo như anh Ẩn. Người thế mà ghế gớm! May mà anh Ẩn tử tế, nhã nhặn, không thèm chấp. Anh không chấp nên chị cũng được thể làm già:
Trời ơi! Tôi ghê sợ anh… Ngày ngày nhìn thấy bộ mặt bì bì phẳng lặng, khép kín của anh là tôi đã rụng rời chân tay. Tôi sợ anh nên tôi đã im lặng cam chịu mấy năm nay. Bây giờ thì tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi sẽ phát rồ!
Sáng hôm sau, khi mở cửa ra, Thúy đã thấy anh Ẩn vươn vai tập thể dục ở sân. Buổi sáng mùa thu, trời se lạnh, sương giăng bạc phếch. Thúy phải mặc thêm chiếc áo mút đề phòng cảm lạnh. Vậy mà anh Ẩn vẫn quần đùi, áo may ô mong manh trước gió. Tập thể dục xong, anh Ẩn ngồi rửa mặt bên bể nước. Thúy liếc trộm anh. Biến cố đêm hôm qua không hề làm cho mặt anh xáo trộn, vẫn vậy, bì bì, phẳng lặng, khép kín và bí hiểm. Anh dùng khăn mặt miết vòng quanh cổ. Thúy nhìn rất rõ những đường gân ngoằn lên nơi cái cổ dài ngoẵng. Khi ấy, Thúy cảm tưởng đó là những sợi cáp néo lên đầu anh. Và cái cổ con cún máu rỉ ra đen sì, nhầy nhụa lại hiện lên trong óc chị.

Xem Tiếp: ----