Thời chưa lấy chồng, tôi cứ sợ sau này vớ phải gã đàn ông tủn mủn, ki bo. Vô phúc, vớ phải ông chồng như thế, khác nào tự lĩnh án tù chung thân! Ơn trời, chồng tôi không phải hạng người như vậy. Anh ấy là họa sĩ. Niềm quan tâm lớn nhất của anh là sáng tạo nghệ thuật; những thứ tẹp nhẹp đời thường anh không hề màng tới.Nhưng thời buổi này, để lo cho ba mạng sống, tôi biết anh phải phân thân. Tức là hàng ngày, ngoài việc phụng sự nghệ thuật ra, anh còn phải lo kiếm gạo phụng sự tôi – một cô vợ không nghề nghiệp và đứa con trai năm tuổi, nghịch phá như giặc non.Làm văn nghệ ở xứ mình khổ quá! Sáng tạo thực sự chưa hẳn đã có tiền. Nhưng vẽ vời, viết lách nhăng nhít có khi lại hốt bạc. Ví như chồng tôi đây, cất công đi tận hồ Ba Bể, vẽ được bức tranh về dắt trên kèo nhà cho mối gặm. Vậy mà cứ ngồi ở nhà vẽ biển quảng cáo, trang trí nội thất lại lắm tiền.Mấy năm nay, nhà hàng, cửa hiệu mọc lên nhan nhản nên chồng tôi không làm hết việc. Ông chủ quán thịt chó thì yêu cầu anh trình bày đủ bẩy món cầy tơ trên một tấm tôn; anh thợ sửa xe máy cần anh vẽ i xì chiếc đời mới. Thế là nhoằng một lúc, anh cho ra đời nào thịt chó, nào xe máy đời mới…Với chồng tôi, kiếm tiền dễ thế nhưng anh không ham, mà chỉ tập trung cho sáng tác. Quả thật, công việc sáng tác của anh khó nhọc và tốn kém thời gian quá chừng. Bức tranh ông già cởi trần, da đen cháy, ngồi sắp bằng uống rượu trên chiếc thuyền độc mộc là anh vẽ ở hồ Ba Bể mất gần một tháng trời. Bức chân dung của tôi bằng sơn dầu, mặt thườn thượt, môi chành ra, da vàng khè như người đau gan, tóc thì xù một đống như rong rêu, nom ghê chết, vậy mà anh cũng vẽ hàng tuần mới xong.Trong tất cả các sáng tác của anh, có độc mỗi bức tranh “Thả diều” được ông Tây mua với giá hai trăm “đô”, còn lại mấy bó trên kèo nhà. Mỗi lần bạn bè đến chơi, anh thường mở ra cho họ xem. Đa số họ khen tranh anh dữ dội, rằng tranh anh có thơ… Tôi không hiểu nhiều về tranh nhwung vẫn tin, hiện tại tranh của anh còn mấy bó, nhưng đó là tài sản có giá trị vĩnh cửu. Biết đâu, sau này con cháu sẽ mang tranh của anh ra bán đấu giá như tranh của Vangốc, của Picátxô!Nghĩ thế nên chúng tôi không cần cuống cuồng, xắng xở, lo lắm tiện nghi trong nhà như mọi người. Với chúng tôi, tất cả chỉ là phương tiện phục vụ cho công việc sáng tác của anh. Mà trong mọi phương tiện ấy thì ăn là cái phải lo hàng đầu! Mặc dù tôi biết, anh không đề cao ẩm thực, ăn uống thế nào xong thôi, cơm xâu xấu cũng được miễn là nhiều. Biết thế nhưng tôi không nỡ để anh ăn uống cực khổ. Tôi cho rằng sức khỏe của anh là sự sống bình yên cho cả nhà, là tài sản cố định của con cháu sau này! Vì vậy nên có tiền tôi phải nghĩ đến cái ăn đã. Giá vàng, giá đô la biến động thế nào, kệ! Tôi chỉ quan tâm tới giá gạo, giá thực phẩm.Mấy tháng nay không hiểu sao anh ngừng sáng tác để lao vào việc kiếm tiền. Ngoài vẽ biển quảng cáo, anh còn nhận trang trí nội thất cho các khách sạn, nhà văn hóa… Tôi biết, làm những việc ấy anh kiếm được rất nhiều tiền. Thế nhưng anh quản lý hết. Một điều lạ lùng nữa là tính tình của anh cũng thay đổi hẳn. Về nhà, anh nhăn nhó khổ sở.Sự thay đổi đột ngột trong anh làm tôi vừa tự ái, vừa sợ. Hỏi, anh gượng cười bảo rằng dạo này anh làm việc mệt quá, tính khí thất thường. Tôi không tin và sinh nghi. Dễ chừng anh ấy có bồ bịch ở đâu đó. Chỉ có dây vào chuyện ấy mới dửng dưng chuyện ái ân và hao tổn sức khỏe, tiền bạc tới mức ấy! Đứa nào? Đứa nào đã quyến rũ anh, móc túi anh, rút xương thịt anh để anh xơ xác, tiều tụy thế kia? Nỗi ghen tuông bóng giáo làm tôi hậm hực, cay cú.Vài ngày sau, khi tôi đang nằm trên giường đọc báo thì thấy anh từ ngoài phố về. Nhìn vẻ mặt khác thường của anh, tôi sinh nghi và để ý ngay. Tay cầm tờ báo nhưng mắt tôi không bỏ sót một cử chỉ nhỏ nào của anh. Anh đứng xoay lưng về phía tôi rồi mở tủ. Dù được tảng lưng và cánh tủ che khuất, nhưng qua khuỷu tay anh, tôi vẫn đoán được anh đang vụng trộm lôi ra ngoài một thứ gì đó, giấu vào ngăn tủ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh tổ một cử chỉ không đàng hoàng trước tôi. Trước đây, trong nhà xuất hiện vật lạ, chúng tôi đều công khai giới thiệu lý lịch, nguồn gốc của thứ đó cho nhau biết. Cớ gì, giờ đây anh giấu giếm vụng trộm cả tôi. Thứ anh cất giấu là thư tình hay thứ gì? Chờ anh ra khỏi nhà tôi vội đến mở tủ lục soát. Quả nhiên, giấu trong cuộn giấy vẽ là lọ thủy tinh màu cánh gián. Tôi lập cập mở nắp lọ ra. Mắt tôi lóa lên: hàng chục cái nhẫn vàng! Trời, thì ra mấy tháng nay anh làm lụng đến kiệt sức, anh ki bo chắt bóp là để có số vàng này đây! Mối hoài nghi trong tôi được giải tỏa, nhưng một nỗi thất vọng khủng khiếp làm tôi choáng váng. Trong khoảng khắc, thần tượng mà tôi tôn thờ bấy nay bị sụp đổ tan tành. Thì ra anh chẳng phải cao sang như tôi tưởng. Thì ra niềm say mê của anh là tiền chứ không phải là nghệ thuật như anh thường nói. Và tôi thấy minh bị xúc phạm, bị khinh miệt. Tối thấy lâu nay mình như một đứa ở trong nhà, hàng ngày chỉ biết cơm nước, giặt giũ, hầu hạ chồng con, còn lại không được quyền bàn bạc, không được quyền chi tiêu. Được rồi! Đã vậy tôi phải chểnh mảng, đứa hoang toàng, đứa vô nghề nghiệp. Nhưng để xem vắng tôi bố con anh sống thế nào.Cất số vàng vào chỗ cũ, tôi lẳng lặng gói ghém quần áo, ấn vào túi. Cùng lúc đó anh trở về. Anh hốt hoảng hỏi: Lan, em định đi đâu?Giọng tôi lạnh lùng: Em về ngoại.Mặt nhăn nhó nhưng giọng rất dịu dàng: Để dịp khác em ạ. Bây giờ anh đang rất bạn, em đi thì con cái, nhà cửa ai trông?Nỗi bất mãn trong tôi dâng lên đến cực độ, tạo nên một cơn phẫn khích khiến tôi tàn nhẫn, nanh nọc khác thường. Nhìn thẳng vào mặt anh, tôi bốp chát: Nhưng em đói! Em đói suốt mấy tháng nay, không chịu được nữa, giờ phải về bà ngoại kiếm vài bữa no.Nghe tôi nói, mặt anh co rúm lại. Anh ôm bụng nói: Anh biết, em rất giận anh vì lâu nay anh quá khắt khe với em và con. Nhưng… thời buổi này kiếm được đồng tiền cực nhọc lắm, mà chúng ta thì còn bao nhiêu việc phải cần đến tiền…Tôi định vặn lại rằng, anh cần tiền làm gì mà tích cóp chừng ấy vàng? Nhưng thấy anh khắc khổ, thảm hại quá, tôi ngao ngán nhìn những ngón tay run lập cập trên cái bụng lép kẹp. Từ sáng tới giờ chưa ăn gì chắc giun quấy đấy thôi.Bất chấp lời van xin của anh, tôi vẫn vùng vằng đi. Anh lầm lũi theo sau. Đến bến xe, anh nhìn tôi, mắt ngấn nước, giọng nghẹn ắng: Em nhớ đi chừng hai hôm rồi về ngay nhé!Thực lòng lúc này nhìn anh tội nghiệp quá, tôi chỉ muốn òa khóc, muốn thay đổi ý định. Nhưng lý trí thôi thúc rằng: tôi không được yếu mềm, không được nhượng bộ. Nếu lúc này tôi quay lại thì anh sẽ tiếp tục coi thường tôi, tiếp tục coi tôi như con ở. Em cầm tiền mua quà cho mẹ và chi tiêu dọc đường. – Anh nói, giọng run run, tay cũng run. Quái lại, không hiểu tay anh run lẩy bẩy là vì tiếc tiền hay vì đói. Với tôi, cả hai lý do đó đều làm tôi khó chịu, không nỡ cầm số tiền đó. Cuộc giằng co đưa đẩy vì số tiền ấy chưa kết thúc thì xe ca nổ máy. Chớp thời cơ, tôi ném lại số tiền ấy trước mặt anh rồi tót lên xe. Chiếc xe rồ máy phóng đi. Dáng anh tiều tụy khắc khổ đứng chơ vơ trước những tờ giấy bạc bay tung tóe.Nghĩ lại thời mới cưới nhau, mới thấy chúng tôi liều lĩnh. Ngày ấy tôi mới học xong phổ thông, anh cũng mới tốt nghiệp đại học. Công việc anh ở Sở văn hóa thì bấp bênh, lương vừa thấp vừa phập phù. Trong nhà chỉ có hai cái giường cá nhân ghép lại với nhau, vài cái xoong đen, mấy cái bát, chai, lọ. Giá ngày ấy, gặp cơ nhỡ, chẳng biết chúng tôi sẽ xoay xở như thế nào? Nhưng ơn trời, con của chúng tôi vẫn ra đời, chúng tôi vẫn sống bình yên và tràn đầy hạnh phúc.Thời ấy, để tăng thu nhập cho gia đình, anh tìm cho tôi việc làm. Lúc đầu anh dựng quán cho tôi bán hàng quà. Ngồi tính cua trong lỗ thì thấy lãi, nhưng rồi tiện có kẹo bánh trước mặt, con bốc, mẹ nhón, bạn của anh lại nhiều, khách đến cứ lấy thuốc ngon mà mời. Mới hành nghề thương mại có mấy tháng mà cụt vốn. Tiếp đó, anh chuyển hưởng chiến lược, xây dựng kinh tế theo mô hình V.A.C! Là nói vậy thôi chứ đất thành phố lấy đâu ra ao, vườn. Cái nhà tắm, anh ngăn ra thả con lợn chíp. Việc này thì không bớt xén, xà xẻo thứ gì bỏ vào mồm được. Con lợn nhà tôi dạo ấy nó thuộc dòng dõi quý tộc của loài lợn! Cháo đường, cháo cá, mì chính… vậy mà nó chỉ thục mõm mút mấy cái rồi co chân đạp máng. Nuôi mấy tháng trời mà đít nó nhọn như cái bay, lông dựng đứng như bàn chải. Giờ đây, khi sống xa anh, tôI mới ý thức được rằng, tất cả những công việc kinh doanh của tôi bị thua lỗ là do tôi hoang toàng, chểnh mảng, không biết chủ động hạch toán, và sự khắt khe, tằn tiện của anh là có lý. Còn tôi là đứa nông nổi, đành hanh.Mới có ba ngày phải sống xa anh và con mà tôi cảm giác dài tới hàng tháng. Nỗi nhớ cuộn lên hành hạ tôi điên cuồng. Đêm nằm toàn nghĩ dại. Ngộ nhỡ xảy ra mệnh hệ gì với anh và con? Rồi tôi nhận được điện báo anh bị ốm.Về đến nhà, nhìn cánh cửa khép hờ, bên trong có tiếng ho khan tối mới hoàn hồn. Tôi nghĩ, chắc anh không chịu nổi cảnh sống xa tôi nên mới gọi điện bảo tôi về. Mới thiếu bàn tay của tôi có mấy hôm mà mảnh sân ngập ngụa bã mía, gạch đá. Trên thềm, đống than tổ ong vỡ be bét. Chiếc dây phơi trước hiên quần áo của bố, của con cuộn một đống. Gian bếp gà bới tứ tung. Nhìn cảnh luộm thuộm, bừa bãi ấy, tôi đắc thắng hả hê. Tôi lên thềm định mở cửa thì thằng Hà; con tôi, từ ngoài tọt về. Mặt nó nhem nhuốc đất cát, nước mũi chảy thò lò, mắt đùn hai cục dử trắng, chiếc áo đứt cúc, trễ xuống để hở bộ ngực lép kép. Nhìn con, lòng tôi se lại. Sự hả hê trong tôi thay bằng nỗi ân hận xót xa. Tôi ôm con vào lòng, giọng tấm tức cốt để anh nghe: Ôi… con tôi! Sao người ngợm thế này? Bố không tắm rửa cho con ư?Đột nhiên nó òa khóc lên: Mẹ ơi… bố ốm! Bác Vinh bảo bố sắp chết rồi! Con ứ cho bố chết đâu!...Tôi thót người xô cửa vào nhà. Trong nhà tối om. Anh nằm bất động trong chiếc màn tuyn ố vàng. Tôi vội bật điện rồi đến tốc màn lên. Nhìn anh gấy xọm, vàng võ, đôi mắt trũng sâu, lờ đờ, tôi hốt hoảng thối lên: Trời ơi, anh ốm đau thía nào mà đến nông nỗi này anh ơi…Anh thều thào: Anh đau… đau bụng. Đau lâu rồi nhưng hai hôm nay thì không gượng dậy được. May có bác Vinh, cô Hiển sang săn sóc giúp đỡ không gay go lắm.Tôi sờ tay lên bụng anh. ở vùng thượng vị nổi lên một cục cưng cứng. Tôi lạnh toát cả người, rú lên: Ối anh ơi! Anh bị làm sao thế này anh ơi!Anh cầm tay tôi nói: Anh bị ung thư, bị lâu rồi nhưng sợ em hoang mang, lo lắng nên anh giấu em.Tôi bủn rủn chân tay, nói như quát: Nhưng tại sao anh không đi điều trị? Bây giờ em đưa anh đi. Không! Em hãy nghe anh. Bệnh này thì chữa chạy làm gì cho vất vả, tốn kém.Tôi thốt lên: Trời! Đến mức này anh còn tiếc tiền ư? Không! Còn nước còn tát. Nếu các bác sĩ ở đây bó tay, em sẽ đưa anh về bệnh viện lớn dưới Hà Nội.Mặt anh chợt co rút. Anh nói: Không! Em đừng đưa anh đi đâu cả. Nói đến đây anh bỗng khóc nấc lên. Toàn thân rung từng đợt. Anh nói: - Lan ơi! Anh thương em và con lắm, em biết không? Vì lấy anh mà em học hành dở dang, nghề nghiệp chẳng có; chưa kịp vào đời em đã phải làm vợ, làm mẹ. Sắp tới anh lại bỏ mẹ con em nơi đất khách quê người. Lan ơi, anh muốn dành cho mẹ con em thật nhiều thứ, nhưng sức anh đã kiệt rồi, mấy tháng nay anh có dành dụm cho em ít vàng, trong cuốn giấy vẽ ấy. Em hãy dùng nó để học một nghề hẳn hoi mà sinh sống, nuôi con. Ở đời, muốn sống lương thiện mà không có nghề nghiệp, chẳng dễ dàng gì… Còn anh…Tôi khóc òa lên. Giờ tôi mới hiểu vì sao lâu nay anh làm dến kiệt sức mà không dám ăn tiêu. Vì sao anh cứ phải nhăn mặt, ôm bụng. Nước mắt tôi chảy ròng ròng, lòng tôi đau đớn, thác loạn.Tôi áp mặt vào mặt anh, hét lên điên dại: Không! Anh nói gở! Anh không được chết!Bất chấp lời căn ngăn của anh, tôi vẫn đưa anh về một bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị. Nhưng căn bệnh quái ác ấy đã cướp mất anh.… Đám tang anh khởi hành ở bệnh viện. Vì đường sá xa xôi nên họ hàng, các bạn bè đồng nghiệp của anh không đến được. Sinh thời, anh sống từ tế với tất cả mọi người. Nhưng đưa tang anh chỉ có lèo tèo vài người anh em ruột và nhân viên trong bệnh viện. Tôi bám theo quan tài anh, khóc như mưa gió. Con trai tôi mặc quần áo xô trắng, bụng thắt dây chuối, đầu quấn vành rơm, tay chống gậy lom khôm bước dật lùi trước quan tài của bố. Lâu nay, cháu không quen bị gò bó, ép buộc nên bước dật lùi vài bước, cháu ù té chạy. Người ta phải túm lấy cháu. Nó khóc. Đến ngã tư, nghe tiếng còi của người bán kem kêu tút, tút, nó gọi toáng lên:- Mẹ ơi, kem mút, kem mút.
Nguyễn Cao Thâm