H ình như tất cả các bà già Năm đều bán bánh mì!" - vừa ha hả cười, nó vừa đúc kết kinh nghiệm. Cách đây hai ngày, khi tôi và nó đang trên đường Phạm Ngũ Lão nó cũng nói với tôi như vậy. Hai đứa cứ chở nhau đi vòng vèo. Chẳng hiểu có phải khung cảnh cứ luôn xui khiến người ta quay lại khi có dịp, dù chẳng làm gì cả, chỉ là nhìn tới nhìn lui rồi thôi.
Hồi đó, tôi và nó cùng chung một mơ mộng, chung một sư phụ Hoàng và ra lò cùng ngày. Sư phụ Hoàng bảo: đứa nào muốn học may qua đây tao bày cho. Đóng 2 chỉ là thành tài. áo đầm, áo dài, sơ mi, quần tây... đủ cả. Muốn môđen có môđen. Muốn cổ điển có cổ điển. Thành tài có thể ra mở tiệm ngoài thị trấn. Bọn ngoài ấy bây giờ đua đòi lắm, tụi mày tha hồ mà hốt bạc.
Tôi và Bỉnh bàn bạc suốt ngày hôm đó, cuối cùng phải công nhận sư phụ Hoàng nói đúng. Làng tôi nghèo. Trẻ con lớn lên quần quật với trâu bò, ruộng rẫy nhiều khi cũng đâm nản. Những người già thì có vẻ an phận với nghề nghiệp của ông bà để lại vì họ chẳng có lựa chọn nào khác, nhưng bọn trai trẻ thì không thể vậy. Vài đứa ra thị trấn học sạc bình, quấn môtơ, sửa máy nổ. Vài đứa học sửa radio, tủ lạnh. Chúng có vẻ cao cấp, an nhàn. Những đứa còn lại ra đồng cay đắng. Rồi âm thầm chờ đợi, chẳng biết chờ cái gì. Trên những luống cày cong queo, chúng cứ âm thầm chờ. Lâu lâu lại mò xuống thị trấn, thấy bọn kia trắng trẻo nhàn nhã, chẳng phải chân lấm tay bùn, chẳng phải dầm mưa dãi nắng lòng thầm ghen tị. Những mùa lúa thất thu, bội thu lần lượt đi qua. Trên cánh đồng đa số chỉ còn lại ông già, bà lão và con nít đứng trơ trọi bên máy suốt lúa. Vài con trâu gặm cỏ dọc theo hai bờ trông cũ kỹ. Đồng quê vốn buồn bã, bây giờ càng buồn hơn.
"Thôi thì chúng mình đi học cho rồi? - Bỉnh bảo tôi - Thoát đời nông dân, làm thợ vẫn hơn. Những vụ lúa thì bỏ đó về nhà làm. Rảnh rỗi ngồi may cũng tiện".
Thế là đi theo sư phụ Hoàng. Bọn nông dân như chúng tôi biết gì mốt miếc, nhưng học mãi cũng vỡ ra vài điều. Tay ngắn tay dài, hết quần ống loe lại đến quần ống túm. Người nhà quê chẳng đòi hỏi gì hơn. Con trai áo sơ mi quần tây, con gái thêm vài cái nơ xanh xanh đỏ đỏ thế là vui lắm rồi. Đứa nào muốn hiện đại hơn nữa thì thêm cho nó vài cái túi. Sư phụ Hoàng bảo: "Nghề này tương lai lắm!... Nếu bọn bay không muốn may ở thị trấn thì vào Sài Gòn. Trong ấy nhiều phân xưởng may cần người như bọn bay làm ruộng cần nước. Tao có bạn bè làm ở trỏng, tao giới thiệu cho".
Thế là mơ thôi! Không phải riêng tôi mà cả nhà đều mơ. Những người già cũng đã chán ngấy đồng quê, muốn con cái có gì đó mở mày mở mặt với thiên hạ. Đời cha đi sau cái cày thì đời con phải thoát xác. Thoát bằng cách nào thì không biết. Nhưng thoát thì thôi. Rũ bỏ cái nghề cực nhọc này, rũ bỏ cái làng này, trong quá trình tìm kiếm, thành thị luôn hiện ra mê ảo.
Ra nghề. Tích cóp được bao nhiêu đổ vào cái hiệu may nho nhỏ ngoài thị trấn. Cũng thuê hoạ sĩ vẽ bảng hiệu, cũng đặt tên nhà may với các chức năng may vá từ tây đến ta, veston, sơ mi, áo đầm, áo dài... nhưng chẳng ma nào thèm vào. Cũng bày đặt mối mai, những mối quen biết trong quá trình giao thiệp trên đồng ruộng thỉnh thoảng ghé nhưng lâu lắm, sáu tháng, một năm mới ghé một lần rồi từ từ cũng biến mất. Nông dân tiền của đâu may cho nhiều. Những người ở thị trấn cũng có mối hết cả rồi, hoạ hoằn lắm mới ghé lại nhưng õng ẹo chê bai, đòi hỏi những kiểu cách xa lạ đến sư phụ Hoàng cũng không biết phải thực hiện như thế nào cho phải. Thế là ngồi ngáp ruồi cả thầy lẫn trò. Ngáp từ đầu mùa mưa này cho đến vụ lúa năm sau, qua đợt rầy nâu hoành hành trên đồng ruộng cũng còn ngáp. Thỉnh thoảng chạy tới thằng này, chạy tới thằng kia xem chúng làm ăn thế nào, chỉ thấy cửa hiệu đóng cửa như nhà hoang. Hỏi quanh quẩn chẳng biết thằng chủ tiệm đâu cả. Người thì bảo cả tháng không gặp, người thì bảo mới thấy hôm qua nhưng đi liền, cả bọn cứ nhìn nhau mà cười. Không cười biết làm gì khác hơn. Từ tờ mờ sáng, đạp xe cọc cạch xuống thị trấn, quét dọn sạch sẽ rồi mở cửa ngồi đó, không cười thì biết làm gì. Lại nhiễm phải tật uống cà phê sáng. Dân thị trấn ai cũng làm như vậy, mình không làm thì kỳ, sau ghiền luôn. Không có tiền thì chôm mẹ lon gạo ra đổi bà hàng xén trong xóm lấy vài điếu thuốc và dăm tờ bạc lẻ. Người nhà quê vẫn giữ thói quen đổi chác bằng gạo. Buồn miệng muốn ăn bánh cam, cà rem, sương sâm, bánh lọt cũng đổi bằng gạo tuốt. Gạo là đơn vị đo sự cân bằng của nông thôn.
Mẹ tôi, sau một thời gian đắn đo, bảo tôi: "Thôi về làm ruộng đi con. Làm nông dân nó cực nhưng chắc ăn hơn những trò phù phiếm trên thị trấn". Cùng lúc đó, mẹ thằng Bỉnh cũng nói với nó một câu tương tự. Rồi cả hai bà mẹ cùng thở dài. Sau này, tôi đố Bỉnh trên cánh đồng lúa xanh rờn khắp đất nước mình có bao nhiêu bà mẹ cùng một lúc thở dài, nó chịu thua tôi.
Về thôi. Nếu mẹ tôi không bảo thì tôi cũng về. Hàng ngày theo sau con trâu ra đồng, tôi thấy buồn day dứt. Nhớ lại ngày nào sư phụ Hoàng bảo tôi đóng hai chỉ vàng sẽ học thành tài. Những buổi ngồi chùm nhum cắt vải giữa thầy và trò sao mà vui đến thế, sao mà nhiều hoài bão đến thế. Chúng tôi thêu dệt cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện. Thằng này sẽ làm gì, thằng kia sẽ làm gì, rồi cùng nhau đưa nhà may đi lên. Chúng tôi nhủ nhau lấy giá thật thấp, trước là gây dựng uy tín, sau là giúp người nông dân có tấm áo đẹp, vì bọn tôi cũng là nông dân đi ra nên hiểu sâu sắc hơn ai hết về nỗi khó nhọc trên cánh đồng. Sư phụ Hoàng công nhận: "Tụi bay nghĩ như thế là đúng. Tao cũng là người nông dân, nhưng có điều là người nông dân hèn nhát không dám nhìn nhận gốc gác của mình. Bố tao cày sâu cuốc bẫm. Mẹ tao cũng vậy. Tổ tiên tao là nông dân. Nhưng tao thì bọn bay thấy đấy, trơn tru không dấu vết, có khi còn ém nhẹm nó đi".
Tổ tiên tôi cũng là người nông dân, nhưng là người nông dân tự hào về mình. Ông đi khai hoang lập ấp. Những đồi núi qua đôi tay ông được san bằng, những cây cổ thụ già nua bị đốn ngã, thú dữ phải khiếp sợ mà chạy thụt lùi vào rừng sâu. Đồng bằng mọc lên phì nhiêu, nước từ sông ngòi dẫn về làm tươi tốt lúa. Không mảnh đất khô cằn nào mà không mọc được cây xanh. Không có xóm làng nào tự nhiên đông đúc. Từ các miền xuôi ngược, người dân đổ về đây là trù phú thêm. Họ lập ra những ấp, những thôn, chọn những người già làm chủ chốt, tự coi ngó nhau, giáo dục trẻ con lòng tự hào về mảnh đất của mình. Những buổi chiều trên cánh đồng, người ta lấy ngắm lúa làm trò tiêu khiển, lấy hát đối làm ngôn ngữ giao tiếp và ăn mừng những vụ lúa bội thu. Người ta đặt vè, người ta tôn vinh lúa. Người ta đặt cho nó cái tên mỹ miều của người con gái đương thì: Nàng Thơm. Người ta gọi đất là mẹ đất. Vì mẹ đất cho lúa ngon, người ta cúng dâng mẹ, cúng dâng mẹ chưa đủ, người ta cúng dâng bầu trời. Cầu mưa thuận gió hoà, cầu đất đai được sưởi ấm, cầu cho con gái con trai sinh đẻ tốt tươi. Người ta gọi lúa bằng ca dao, gọi cuộc sống đâm trỗi dậy bằng mồ hôi, và nụ cười đến với họ chỉ bằng một hình thức đơn giản là được ôm vào lòng những hạt lúa mẩy tròn.
Vậy mà chỉ ngần ấy thời gian, cánh đồng đã mang một ý nghĩa trái ngược. Là nỗi lo sợ, là nhọc nhằn, là cay đắng nhìn nhau của những người đi tìm lối đi mới, như tôi.
Những lúc mệt rũ vì cày bừa, tôi và Bỉnh nằm dài xuống đất, ngước nhìn bầu trời xa đằng kia trong ánh chiều chập choạng. Tôi không biết có mơ gì trong cái đẹp đẽ kia không? Giữa những hoà nhoáng đi qua như phủi sạch công sức cày cuốc, Bỉnh sẽ chọn lối đi nào? Hay cứ gật gù để rồi cay đắng nhìn nhận nông thôn như một bà mẹ ghẻ nhìn đứa con chồng, không hài lòng, không yêu mến nhưng phải dung nạp, phải chăm bón cho nó từng ngày. Mà đứa con ghẻ nông thôn còi cọc khó nuôi, đổ mồ hôi công sức cũng chưa chắc đã nuôi nó được, huống hồ nó cần phải có tình thương nữa. Nó cứ còi cọc, mỗi ngày một nhỏ bé. Trong khi đứa con ruột đô thị đẹp đẽ lại hào nhoáng đến thế kia. Bà mẹ ghẻ không chọn đứa con chồng, người nông dân không chọn đồng ruộng, thảy đều có nỗi riêng.
Những lúc đánh xe bò ra ruộng chở lúa, tôi và Bỉnh luôn kể lể với nhau những tin tức lượm lặt được ngoài thị trấn. Những câu chuyện không liên quan gì đến rơm rạ, không có bóng con bò còm cõi, cũng không có đồng quê mà là thành thị thế này, thành thị thế kia, ai đó vừa mới về thăm nhà lóng lánh như ảo ảnh. Rồi luôn luôn, lúc nào cũng vậy, Bỉnh sẽ kết thúc bằng câu: "Đời tụi mình sao cứ bọt bèo!".
Một hôm sư phụ Hoàng chạy lại báo: "Tao có một tin vui đây!". Chả là từ ngày chúng tôi đóng cửa tiệm, bản thân sư phụ cũng chẳng làm ăn được gì, hết than thở đi ra rồi lại đi vào. Không như những ngày đầu thị trấn chỉ có vài tiệm may nhỏ. Bây giờ nó mọc tràn như nấm, từ đầu đến cuối chợ ở đâu cũng có khiến sư phụ lâm vào cảnh khốn khổ như chúng tôi, lại không có ruộng lúa để bám, đành phải bỏ vào Sài Gòn để may ở các xí nghiệp. Bữa đi có tổ chức chia tay đàng hoàng. Và như đã hứa sẽ kiếm việc giúp nên hôm nay thầy quay trở lại.
Thế là đi thôi. Cũng tiệc tùng đưa tiễn như mọi cuộc chia tay, cũng những lời chúc tụng một tương lai tươi sáng nào đó và hẹn ngày trở về. Mẹ tôi đưa ra đến tận cổng làng, dặn dò:
- Ráng giữ mình. Nếu có gì không xong thì thôi, về làm ruộng với mẹ nghe con - Kẻ đi người ở cứ rưng rức muốn khóc.
Những ngày đầu háo hức ở Sài Gòn rồi cũng thôi dần. Chúng tôi làm việc từ sáng đến tối chẳng được bao nhiêu, nạn thất nghiệm hoành hành, công nhân may ở các công ty chạy qua chạy lại như mắc cửi vẫn không đủ sống. Sư phụ Hoàng và hai đứa tôi mỗi người một nơi. Cuối tuần gặp gỡ, bao nhiêu chuyện quê nhà cứ đem ra kể mãi.
Nào là ruộng lúa bờ tre, nào là tháng này chắc lúa đang đòng. Lâu lâu quê nhà dội lên một tin: "Bà Tám chết rồi, mấy đứa con lại đi làm xa". Phát thanh truyền hình kêu rôm rả: "Bão đang đổ bộ lên các tỉnh thành miền Trung". Đồng quê đang xơ xác lại càng buồn thêm.
Một hôm, sau những ngày tháng lao đao trên thành phố không được gì, tôi bỏ về. Quê hương tôi là những khoảng trời rộng rãi. Nằm ở đâu cũng có thể ngủ được, ở đâu cũng một mùi thơm lúa non, mùi rạ, mùi cây lá được ủ ê trong ngập ngụa không khí. Chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng kia thời thơ ấu, mắt tôi đã quen màu xanh, tai tôi đã quen tiếng gà gáy và trước mặt tôi luôn luôn là một khoảng trời rộng. Vào đầu các cơn mưa, tôi và lũ bạn đi soi ếch đêm, vừa thấm cái lạnh se se đầu mùa, vừa trượt mình trên những doi đất mát rượi. Tôi đã quen trong bóng chiều chập choạng từng đàn trâu bò đi về với cái chuông leng keng trên cổ, hoặc những người già tay liềm, tay nón ngồi phe phẩy quạt dưới bóng râm bên vệ đường. Giờ đây, những tù bức trong xí nghiệp làm tôi ngột ngạt. Căn phòng thuê chật chội làm tôi nhớ cánh đồng. Những tình cảm xa lạ ở thành thị càng thúc hối tôi trở về nhiều hơn. Tôi về. Nhưng lúc rảnh rỗi vì mùa gặt đã xong, tôi viết thư cho Bỉnh. Bao giờ mở đầu thư tôi cũng hỏi: "Bỉnh ơi! Bà Năm bọn mình vẫn ghé có còn bán bánh mì không?". Hỏi thì hỏi vậy thôi nhưng tôi biết Bỉnh sẽ trả lời rằng: "Tất cả các bà tên Năm đều bán bánh mì, bất chấp đúng sai". Một lần khác tôi viết: "Bỉnh ơi! Về đi! Quê mình đã có máy cày rồi!"

Xem Tiếp: ----