Chỉ nhìn bề ngoài đã thấy chú Hải toát lên vẻ tri thức: mắt chú sáng, trán hói xộc lên đỉnh đầu; mái tóc chải ngược lên bóng lộn dễ chừng làm người đi thuận sáng nhìn vào bị lóa mắt! Còn vốn hiểu biết của chú, theo tôi, đó là trái núi tri thức di động. Những kỳ quan thế giới, sự phát triển của đồ gốm, của hạt nhân, của công nghệ tin học, nhân bản gen… ở trong cái đầu hói của chú, có hết; kể cả tranh của Vangốc, thơ của Púskin, nhạc của Sôpanh, kịch của Sếchspia… cũng chứa đựng trong cái đầu hói. Vào tuổi tôi, người ta thường hâm mộ những ngôi sao sân cỏ hay các tài tử điện ảnh. Riêng tôi, tôi hâm mộ chú Hải, thần tượng của tôi là chú Hải.
Nghe đâu trước kia chú làm việc ở một viện nghiên cứu dưới Hà Nội. Nhưng chú xin lên trên này để làm việc vì được gần cô Thơm – vợ chú. Hằng ngày, không biết công việc của chú ở cơ quan gồm những gì, nhưng tôi tin là công việc chẳng xứng gì so với năng lực của chú nên mới nhàn nhã thế. Thường, tôi thấy chú hay đảo qua nhà, cời bếp lò, cho lợn ăn, thái chuối, thi thoảng bắt gặp chú ngồi ở quán. Chú chỉ ngồi uống nước, hút thuốc và nói chuyện. Thuốc chú hút là thức thuốc cuốn, hai trăm đồng chục điếu, chuyện chú kể tạp nham, không đầu không cuối. Nghe chuyện, người tinh ý thấy toát lên một chủ đề lớn, rằng, chú Hải đã từng sống một quãng đời vô cùng vẻ vang và rực rỡ.
Một hôm, tôi sang nhà chú để mượn cuốn sách, thấy chú mặc độc chiếc quần đùi bờn bợt, ngồi xổm bên chậu tã. Hình như ngượng với tôi, mặt chú đỏ lựng. Chú chép miệng thở dài:
Khổ thế đấy cháu ạ, trí thức nước mình cứ phải bù đầu vào những việc tẹp nhẹp thế này thì còn làm ăn cái nỗi gì! Ngày xưa, đến như ông giáo Thứ còn có thằng Mô để mà sai vặt.
Bỗng, từ trong buồng vọng ra giọng nói xoe xóe của người đàn bà:
Ngày xưa! Lúc… đ… nào cũng ngày xưa.
Tôi đánh mắt nhìn vào và nhận ra thím Thơm. Thím đang  ngồi ở giường, vén áo tận ngực cho con bú. Chú Hải lặng lẽ bẽ bàng trước tôi, mặt chú đỏ hẩy, môi lập bập. Tôi đoán, từ cái miệng lập bập kia sắp gầm lên. Sao vô ý thế! Chú đã nói động gì đến thím mà thím văng tục. Nhưng không, từ cái miệng lập bập ấy dểu lên thành nụ cười gượng gạo:
Mẹ mày buồn cười… cứ toàn chấp vặt!
Nhưng mà ngứa tai! – Thím đốp ngay – Lúc… đ… nào cũng mở cái giọng hoài cổ. Rằng, ngày xưa… ta đây tài lắm! Tài giỏi thì nó còn nơi ông chứ đâu mất. Làm như mèo mửa lại còn…
Trời đất, nhìn thím suy diễn tùy tiện quá! Đang từ câu nói vu vơ thay cho lời chào của chú mà thím chộp vào đấy để nhiếc móc, để xỉa xói thì thật là quá thể. Mà chú không vinh quang thì còn ai! Trong tay hai bằng đại học. Kiến thức tầng tầng, lớp lớp, vùng này đã ai sánh kịp. Chú là tri thức chân chính. Thời buổi này, đồng lương còm cõi thì bù vào chủ đã băm bèo, thái chuối, rửa chuồng lợn, giặt tã… mà không kêu ca, phàn nàn gì cả. Thử hỏi, còn người đàn ông nào tốt như chú? Mà cũng tại vì thím nên chú mới xin về đây, giờ chú phải khổ thế. Giá chú cứ ở viện nghiên cứu xem nào. Biết đâu, với tài năng ấy, chú sẽ phát minh ra những chuyện động trời. Nghĩ thế, tôi lên tiếng bênh chú:
Thím ơi, cháu thấy chú Hải là nhất. Chẳng qua về đây chú bị hãm tài thôi.
Gớm!... Thím dài giọng. ở đâu thì cũng phải biết tính toán mà làm ăn. Mày tính, nhà có mỗi con lợn, ngày ăn hết bao nhiêu cám, bao nhiêu rau, và xem nó lớn được mấy cân? Áp với giá thị trường thấy lỗ thì bán quách đi, đằng này, tao về quê nghỉ đẻ mấy tháng, lên vẫn thấy ông ấy bê cám hầu con lợn. Mà lợn có ra lợn đâu, đít nhọn như cái bay! Sao có người ngu thế. Kỹ sư kinh tế phải biết vận ngay vào đấy chứ ở đâu. Đằng này cứ ù ù cạc cạc. Lại còn mang cả sách Liên Xô ra chuồng lợn mà tra cứu mới rởm đời.
Từ đó tôi nghĩ mãi về chú, tôi thương chú quá. Con người chú đã từng hiểu hết cả đông-tây-kim-cổ, vậy mà ngày nào cũng bê cám lợn, giặt tã, hầu vợ, còn bị vợ mắng cho xa xả, vẫn im lặng nín chịu. Chẳng bù cho bố tôi. Cả đời bố không đi đâu xa, cả đời không đọc báo, đọc sách. Mặc dù học hết lớp ba “bình dân học vụ” nhưng bố không viết nổi cái đơn vay tiền ngân hàng. Bố chỉ huy cả nhà đóng gạch, nung vôi. Bố nhúng tay vào việc nào cụ thể, chỉ nói, quát. Vậy mà cả nhà răm rắp tuân lệnh. Còn chú Hải đáng kính của tôi thì…
Thỉnh thoảng tôi vẫn sang thăm chú, chú lại kể chuyện cho tôi nghe. Nguồn tri thức trong chú luôn chảy lai láng. Tôi là đứa mới hết phổ thông, sống quẩn quanh ở cái thị xã miền sơn cước nhỏ bé và hiu quạnh. Tôi khao khát được đi xa, được hiểu biết những điều mới lạ. Chính chú Hải đã mở rộng tầm hiểu biết của tôi. Chú đưa tôi đến những chân trời khoa học; những nhà máy khổng lồ mà người điều khiển nó qua những nốt bấm…
Một buổi chiều chú rủ tôi vào quán nước. Nhìn khuôn mặt chú đỏ gay, điệu bộ khẩn khoản, tôi đoán là có sự gì rất quan trọng đã xảy ra với chú.
Uống nước đi mày!
Chú đẩy chén nước nhợt nhạt về phía tôi. Tôi thấy lạ, không hiểu sao trước đây chú nhũn nhặn, mực thước mà bây giờ chú “nhắng” thế (tôi không có cách nào diễn đạt hơn). Trông chú như ngồi trên đống lửa. Chú nhấp nhổm đứng ngồi và hắng giọng hằn học:
Ở đời buồn lắm mày ạ. Con giun ngoi lên làm người. Tiên sư nó!...
Chú chưa bao giờ gọi tôi là mày và nói năng lỗ mãng như vừa rồi. Tôi biết chú giận lắm. Nhưng giận ai? Tôi rụt rè hỏi:
Thưa chú, có chuyện gì làm chú bực mình phải không ạ?
Chú trợn mắt và vung tay lên:
Sao phải bực! Tao khinh! Mày biết không, nó là con nhà sơn tràng, học xong lớp bảy bổ túc đi lâm trường. Thế mà ta đây lên mặt.
Thưa chú, cháu vẫn chưa hiểu chú nói gì ạ!
Cái thằng Lô Văn Ngưu, tai dơi mặt chuột chứ còn ai nữa! Ngữ ấy chỉ có cái tài bám đít lãnh đạo.
Vậy là tôi hiểu. Thì ra chú đang bất mãn với chú Ngưu nào đấy cùng cơ quan, nhưng không biết san sẻ cùng ai. Gặp tôi là người tâm đắc với chú nhất nên chú mới dốc hết nỗi ấm ức ách trong lòng. Nhưng tôi thì giúp gì được cho chú? Ngay như cái chú “tai dơI, mặt chuột” ấy tôi cũng chưa biết mặt. Tôi nhìn chú ái ngại.
Bỗng, ngoài cửa quán xuất hiện một người đàn ông nhỏ thó, da đen, mặt nhọn như lưỡi cày, tai quắt và mỏng như cái nấm mèo. Bà chủ quán đon đả mời:
A, chú Ngưu – Mời chú vào xơi nước.
Chú Ngưu không đáp lại bà chủ quán là liếc cặp mắt ti hí về phía chú Hải và nói giọng trịch thượng:
Thế nào ông Hải, giờ này là giờ gì mà ông quán, hả?
Mặt chú Hải tái nhợt như bụng cá, giọng lắp bắp:
Tôi… tôi… à, rét qua đành tạt vào uống chén rượu cho ấm bụng. Anh uống với tôi chén rượu nhá?
Chẳng đợi chú Ngưu có đồng ý hay không, chú Hải liền với tay lấy chai rượu rót đầy một chén. Chú Ngưu lừ lừ ngồi xuống, cầm chén rượu lên uống một hơi, chíp chíp mấy cái rồi nhón mấy hạt lạc, giọng nhòe nhòe:
Cái bảng tổng hợp ông làm sai bét cả. Hừm, lạc rang hơi cháy.
Ngoài cửa quán lại xuất hiện mấy người đàn ông, họ reo lên:
A, chào “sếp”, cả ông Hải nữa, vào đây chúng mày ơi, ông Hải khao.
Thế là mấy người quây vào bàn, rót rượu uống nháo nhào. Tôi đang xem một tấn trò lạ. Hồi nãy, thần tượng của tôi vung tay thóa mạ kẻ vô học “tai dơi, mặt chuột” thì giờ đây chính kẻ ấy lại được chú kính cẩn mời rượu, gương mặt lưỡi cày vênh vênh, còn chú thì xo ro đến tội nghiệp. Ngoài trời gió rít từng đợt, ở trong quán không khí rộ lên. Chú Hải là trung tâm cho họ mơn trớn. Họ khen chú Hải đẹp trai, học cao, hiểu rộng. Đương nhiên rồi! Nhưng tôi biết rằng, trong những lời khen đó hàm chứa sự cợt nhả. Vậy mà chú Hải tưởng thật, gương mặt hân hoan một cách kỳ lạ. Và tôi chợt hiểu, thì ra bấy nay thần tượng của tôi không những bị vợ khinh nhờn mà ngay cả anh em trong cơ quan cũng coi chú là kẻ hâm hâm, vô tích sự. Hồi nãy, họ khen chú Hải, giờ họ lại chê rằng, chú chỉ lý thuyết suông, rằng, kỹ sư mà lắp cái công tắc điện cũng không biết…
Sao không! Chú Hải vung tay lên.
Bà chủ quán chộp thời cơ ngay:
Vậy chú Hải ơi, tôi có sợi dây điện đang đứt, nhờ chú giúp tôi…
Xong ngay! Đối với ông Hải phút môt chứ mấy.
Tình huống đó bắt buộc chú Hải khó từ chối.
Đó là cây cột điện bằng tre, đầu cột, dây điện bám chằng chịt, một dây đứt treo thòng lòng, việc sửa chữa khi chưa cắt điện là rất nguy hiểm. Nhưng chú Hải của tôi dại dột leo lên, trong tay không một dụng cụ về điện. Tôi hoảng quá ngăn chú Hải, nhưng tiếng của tôi bị át bởi tiếng reo hò ầm ầm của mọi người. Chú đã leo lên đầu cột, bàn chân của chú bám vào mấu tre run bần bật. Tay chú lập cập với lên cao. Bỗng, một tia lửa xanh lét nhoằng ra, kèm theo tiếng “rẹt”. Chú Hải rú lên kinh hoàng rồi rơi bịch xuống đất…
Sau cú nhảy dù thục mạng ấy chú Hải phải nằm viện hơn tháng rời. Ra viện, người chú béo trắng! Gặp ai, chú cũng khoe “tăng năm ký! Có lẽ sau khi điện giật, môi trường iông trong cơ thể được cân bằng nên ăn khỏe, ngủ khỏe lắm”./.

Xem Tiếp: ----