Cuối thu, đầu đông năm bốn chín. Trời chuyển mùa bảng lảng. Cái lạnh khiến trời chuyển màu xám xịt. Lân cuộn mình trong chiếc áo bông, chuẩn bị diễn thuyết một buổi nữa. Điểm diễn thuyết lần này tại bến đò Nuồi, một trong những bến sông có nhiều người qua lại hai bên bờ Cửu An. Sáng sớm. Sương muối quện thành sợi, vắt vẻo trên cành cây, loã xoã rủ xuống đám cành thấp la đà trên mặt cỏ. Ven sông, những thân dừa ngả nghiêng, gốc bám hờ vào lớp đất mỏng trên bờ, vài tàu lá xoã xượi lật bật đập trên mặt nước. Sóng cuộn mình, vướng phải đám bèo tây dập dềnh, lững lờ lại vài giây rồi lách theo dòng chảy, tan vào đám bọt phập phều. Mấy chiếc thuyền nhỏ tấp lại. Mái chèo va mạn thuyền lộc cộc. Vài người đàn bà nón lá, áo tơi í ới kéo nhau lên chợ. Bờ bên kia, ba bốn gia đình thuyền chài nổi lửa. Mùi cá nướng bốc lên lan trong gió bấc, thơm lựng. Mùi cá quện chút khói mang đến cho người ta cảm giác ấm áp một chút rồi tất cả lại chìm vào hư không. Chợ bắt đầu đông. Vẫn dáng vẻ tất tả, nghèo nghèo đáng thương của chợ quê thời chiến. Người ta lại vội vã mua mua bán bán. Mớ rau, đấu gạo, bơ muối, ít củ nâu, búp chỉ, cây kim… Trời rét khiến người ta so lại, cố khép thân mong tìm thêm một chút hơi ấm. Đây đó nơi góc chợ, từ đống lá, rác, bay ra mùi khét lẹt. Làn khói trắng đục bốc cao, hoà vào lớp sương mỏng bên lề đường. Bục diễn thuyết bắc cao quá đầu người một cánh tay. Gánh củ nâu bán mãi không hết, Lân đành nhờ người quen ngồi bên bán giúp. Tập tài liệu cuộn chặt trong thắt lưng, chiếc loa tay anh Thịnh đã chuẩn bị sẵn, Lân bước lên bục. Nắng mùa đông mệt mỏi lách qua đám mây dày đặc, èo ọt, vàng vọt. Nó như cái nhìn hờ hững của người ốm lửng rọi vào đâu cũng thấy ngác ngơ. Nhưng chính cái nắng bấy bớt ấy lại đủ sức xua đi đám mây mọng nước chỉ chực ụp xuống đầu bao người đang rúm ró vì lạnh trong cái chợ nghèo bên con sông cuộn chảy, nâu sẫm phù sa. Điều Lân đang nói khiến người dân đang hối hả bán mua trong phiên chợ nghèo dừng cả lại. Không thể không dừng lại khi cái chiến dịch quân sự chết người mà quân Pháp đang rắp tâm thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mỗi người dân nơi này. Không cần biết nó là Điabôlô theo tiếng Pháp hay “cuộn chỉ theo dây” theo tiếng mình. Chỉ biết chiến dịch chó chết ấy nhắm vào vùng đất họ đang coi là quê hương thứ hai này, cái mảnh đất mà khi phải rời bỏ quê nhà, họ đã trú chân lại, sinh cơ lập nghiệp, chờ ngày kháng chiến thành công sẽ quay về đất mẹ. Trên kia, tiếng Lân vẫn trầm trầm vang xa: “Chiến dịch “Cuộn chỉ theo dây” là chiến dịch quân sự lớn nhất của quân Pháp từ trước tới nay trên địa bàn Hải Dương, bao gồm suốt một vùng đất từ phía Nam đường 5 tới bắc sông Luộc, từ tả ngạn sông Hồng tới hữu ngạn sông Thái Bình. Các huyện Ninh Giang, Thanh Miện và phần lớn các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ đều nằm trong vùng tấn công của địch” - Thế thì nó đánh hết chứ có chừa gì khúc nào đâu? - Một bà địu con đang lần bao tượng trả tiền đấu muối ghé sang người bán vải hỏi dồn. - Thì hẳn thế chứ còn gì… Mà lặng yên nghe xem ngô khoai, nếp tẻ thế nào đã mới biết mà lo chứ! - Lo toan gì nữa. Nó mò xuống đây thì tẩn. Ba la với bô lô gì thì mình cũng tẩn… Mà tẩn chưa lại được nó thì lại chạy… Anh chàng bán dậm bên cạnh góp chuyện rồi ngửa cổ cười khơ khớ. - Chạy mãi à? Chạy mãi thì chạy đi đâu? Choảng bỏ mẹ nó đi chứ. Cứ choảng, không đuổi được nó ngay thì nó cũng phải chờn… Ông lão bán cày đôi mắt nhắm nghiền, ngỡ lão đang ngủ say vậy mà vừa nghe đã bật dậy - Mẹ cha nó, tao đã bảo ngay từ cái đận nó về lập cái bốt Giỗ. Để nó chềnh ềnh, án ngữ ở đấy làm gì giờ chẳng làm bàn tì đánh lại mình… - Cụ ơi. Nó từ Hải Dương kéo xuống chứ có phải từ bốt Giỗ đâu. Mà lặng yên nghe cán bộ họ nói xem nào. Cứ lao nhao như cá mè vào ao chua, nghe tiếng trắc, tiếng lép thì có mà… “Mục tiêu của địch trong chiến dịch này là chiếm vùng tự do phía Nam Hải Dương của ta. Cùng với các chiến dịch khác, hoàn thành việc đánh chiếm toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, chiếm đoạt kho người, kho của, chủ yếu để phục vụ cho chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của chúng.” Lân vẫn say sưa với bài diễn thuyết. Nhiệt tình công việc, cộng với nỗi căm thù quân giặc khiến anh cố gắng đưa thông tin rõ ràng nhất đến bà con cái tai hoạ kinh hoàng mà lũ cướp nước đang rình rập đổ xuống đầu họ. Mặc dù những thông tin ta có chủ yếu khai thác từ mật vụ của mình cài vào hàng ngũ quân địch, có thể không thật đầy đủ nhưng nó sẽ giúp người dân phần nào nhận rõ những khó khăn, nguy hiểm từ chiến dịch này của quân Pháp. Ngay cả các đồng chí trong ban thông tin tuyên truyền tối qua nghe về chiến dịch này vẫn bán tín bán nghi. Không lẽ quân Pháp dám thực hiện một kế hoạch quy mô trên cả một vùng rộng lớn như thế. Nhưng cậy quân đông, súng nhiều, làm gì chúng không dám thực hiện. Tối qua, anh Bạ đã chẳng phẫn uất nghiến chặt hai hàm răng: - Cực nhọc thật. Ai đời, đến cả bộ đội tỉnh, huyện cũng còn không đủ súng đạn để phang lại nó thì nói gì đến cánh du kích nằm vùng chúng mình… Nghe anh Bạ ấm ức, anh Thoại chen ngang: - Ai bảo ông là bộ đội mình không có súng? Mình vẫn chả choảng nhau với nó tung hê khắp nơi trong tỉnh đấy thôi… - Ai chẳng biết là choảng. Nhưng tôi nghe kỹ rồi. Thông tin trăm phần trăm đấy. Quân mình thiếu đủ thứ. Súng thì cứ hai đến bốn người mới có một khẩu. Dân quân, du kích mỗi xã chỉ có từ năm đến mười khẩu thôi mà tạp nham đủ loại, đủ các nước sản xuất… Đạn lại càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường chỉ có từ năm đến mười viên, tiểu liên được từ ba mươi đến năm mươi viên… Ông bảo vũ khí thế mình vất vả là phải… Chưa kể thiếu cả lương thực, quân trang, quân dụng… - Nhưng mình thắng nó ở lòng quyết tâm, ở ý chí chiến đấu để giữ đất của mình. Nó súng đạn nhiều thật nhưng gặp mình đánh hăng là nó chạy. Bè lũ đánh thuê bì làm sao được với quân chính nghĩa chúng mình… Lân chen vào giữa Bạ và Thoại - Mình đánh chúng bằng tất cả những gì mình có trong tay, trong tim, trong óc. Mình đánh chúng không chỉ bằng súng đạn mà bằng cả vũ khí lòng dân. Đấy rồi các ông xem, cả cái loa tay của anh em mình rồi cũng sẽ thành vũ khí chiến đấu lại với chúng nó… ° ° Buổi diễn thuyết của Lân tại chợ vừa dừng. Bà con còn đang bàn tán xôn xao về những gì anh vừa nói thì ai đó thét lên. Tiếng thét lạc giọng: - Chạy đi. Máy bay Pháp đến đấy! Cái chợ nhỏ bỗng nhốn nháo như ong vỡ tổ. Người ta bỏ cả hàng hoá, quăng cả thúng mủng, đòn càn, chạy tháo thân. Chưa kịp tìm xong chỗ nấp, cái máy bay bà già đã sàn sạt trên đầu. Gió từ cánh quạt của nó tốc cả mái rạ, xoáy đất cát trên nền chợ hất tung lên. Rồi bom nổ. Ầm, ầm! Khói bom trùm lên tiếng la hét, gào thét của người dân khốn khổ. Cái máy bay của quân Pháp đen trũi như con quạ già, gầm rú, lồng lộn bên trên, xả bom xuống khoảng đất chỉ vừa mới đây còn tấp nập người mua kẻ bán. Bầu trời như bị băm nát. Khói bom bốc lên đen kịt, quẩn từng quầng, lan rộng mãi ra. Rồi nó lao vút đi. Nhanh và bất ngờ chẳng kém gì lúc nhào đến ăn cướp. Tiếng gào khóc, gọi tìm ầm ĩ. Chắt con rời chỗ nấp. Không hầm hào, cô may mắn lọt xuống bờ sông, đúng chỗ sóng nước vỗ bờ, khoét thành cái hàm ếch. Tiếng bom dội vào ngực cô thình thịch. Co mình trong cái hàm ếch giữa mù mịt khói bom, cô thấp thỏm. Không biết Lân có tìm được chỗ trú không. Bom vừa dứt, Chắt đã nhào ra khỏi chỗ ẩn. Nền chợ biến dạng. Chỉ thấy những hố và hố. Cái nọ chồng lên cái kia. Đất bị vật lên, đỏ loét. Mái lều chợ cái bị tung lên cao, mái lá vắt vẻo mãi tận ngọn cây, cái đổ ụp, cháy xém. Cả cái hàng cơm bề thế nhất chợ của ông chủ ba vợ cũng bay mất một mảng tường. Ngôi hàng trống hoác một phía như người già rụng hết răng cửa. Bên cánh cửa ám khói bom đen kịt, ông chủ hàng ngồi gục đầu giữa hai gối, vai gồ lên. Ngẩng nhìn thấy Chắt, ông bật khóc, giọng đàn ông ồ ồ: - Bà cả nhà tôi chết rồi, cô ơi! Bà ấy bị sập hầm chết mất rồi. Nhìn người đàn ông già nua khóc vợ thấy thật thảm hại. Cô còn chưa kịp nói gì, bà hai, bà ba từ trong nhà đã ào ra: - Chị ơi! Bà cả nhà em có làm gì chúng nó đâu mà chúng nó giết bà ấy… Quân kẻ cướp! Họ ôm xác người chết vừa lôi từ hầm lên, khóc như mưa. Bà cả nhà hàng cơm vốn đẹp gái, vậy mà giờ gương mặt bầm đen, mắt mở trừng trừng. Những người đàn ông phải lấy rượu day mãi mới vuốt cho mắt bà ấy nhắm lại được. Nước mắt Chắt con ứa ra. ° ° Chiến dịch Điabôlô bắt đầu đúng vào những ngày cuối năm bốn chín. Quân Pháp tung vào chiến dịch này hai binh đoàn thiện chiến nhất lúc đó: Binh đoàn Com - muy - nan và binh đoàn Bô - phờ - rê. Lợi dụng địa bàn nhiều sông ngòi lớn, địch sử dụng một đội thuyền chiến được tăng cường nhiều tàu chở bộ binh (LCI), tàu đổ bộ (LCA), tàu vận tải (LCT) chở bộ binh và thuỷ quân lục chiến, thực hiện mũi vu hồi chiến dịch, nhằm bịt kín phía tây và nam của Hải Dương, không cho ta vượt sông sang Hà Đông, Hà Nam và Thái Bình. Không gian của chiến dịch rất rộng, quân địch lại tiến đánh gấp gáp với hơn bốn nghìn tên. Không giống với những chiến dịch trước chỉ đơn thuần là những trận càn đơn lẻ nhằm thọc sâu vào vùng tự do của ta, lần này, chúng thực hiện bao vây lớn, nhanh chóng vu hồi bịt kín địa bàn, đánh chiếm những điểm then chốt để chia cắt địa bàn, không có hợp điểm toàn chiến dịch nhưng chiếm đến đâu, vũ trang ngay cho bọn phản động tại chỗ đến đó. Địch cũng triệt để lợi dụng tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ và hệ thống nhà thờ thiết lập hệ thống chiếm đóng để từ đó phát triển sâu vào bên trong. Chúng triệt phá những điểm chướng ngại trên đê, sửa đường giao thông, đảm bảo vận tải ngay cho chiến dịch và bảo đảm giao thông cho vùng chiếm đóng về sau. Khác với rất nhiều trận càn trước đây thường ề à, uể oải, tiến cầm chừng, trong Điabôlô, quân Pháp ồ ạt tiến đánh hướng trọng điểm. Nhiều nơi, chúng bí mật hoá trang tập kích vào. Ở nhiều hướng, chúng lướt qua những vùng không bị đánh trả, tập trung cao binh hoả lực đánh phá những nơi gặp sức kháng cự của ta. Nhằm phục vụ cho thủ đoạn chính trị thâm độc, chúng vừa khủng bố, vừa mị dân. Những nơi không đánh trả hoặc vùng công giáo tập trung, địch không đốt phá, không cướp của và thực hiện nhiều trò mị dân khác để cô lập những nơi ta nổ súng chiến đấu, gây nghi kỵ và chia rẽ giáo - lương. Trong khi triển khai chiến dịch, địch triệt để tận dụng bọn phản động tại chỗ, ráo riết lập “vệ sĩ”, sử dụng họ vào việc đánh phá các làng kháng chiến, tiến hành cướp của, cả của những người không theo đạo, trắng trợn cưỡng ép người ngoài đạo phải theo đạo. Hướng tiến quân của địch chủ yếu từ đường Năm, hình thành các mũi tiến công lớn theo đê sông Hồng và các đường liên tỉnh, liên huyện để đánh phá vào nội địa. Một cánh quân từ Kẻ Sặt tiến theo đường Hai Mươi, chiếm Phủ Vạc, Phú Thứ và phối hợp với cánh quân từ Phương Điếm đánh sang chiếm Vân Độ, Ba Đông, Bượi, Tràng Thưa, kiểm soát tuyến sông Tràng Thưa và càn quét Bình Giang, tây Gia Lộc. Một cánh quân khác xuất phát từ Phương Điếm tiến đánh và chiếm đóng Trịnh Xuyên, đò Ngo, Triệu Nội, phối hợp với lực lượng từ sông Luộc lên chiếm Cầu Ràm, cấp phát súng cho bọn phản động tại các nhà thờ An Lạc, Phương Quan, Thanh Xá, Trại Cốc, Từ Ô, Châu Quan, Mễ, Đồng Bình, Bình Hoàng, kiểm soát tuyến sông Neo, chiếm đóng đò Bía, Sóc Sịch, kiểm soát phần còn lại của sông Tràng Thưa, tiếp tục càn quét Gia Lộc và bắc Ninh Giang. Một mũi khác từ Hải Dương theo đường 191 xuống chiếm đóng An Nhân, càn quét thượng và trung Tứ Kỳ. Một mũi phụ, từ Tiên Lãng đánh chiếm Vĩnh Bảo và khu đông Thanh Hà, có tính phối hợp chiến dịch. Chỉ trong ba ngày cuối năm bốn chín, địch đã chiếm đóng nhiều nơi, vũ trang cho bọn phản động ở các địa phương, chiếm và nối thông các tuyến đường giao thông thuỷ bộ quan trọng. Những ngày sau đó, chúng sử dụng cả quân ứng chiến và lực lượng phản động tại chỗ, tiến hành càn quét các địa bàn quan trọng. Trong các vị trí mới chiếm đóng của địch, bình quân mỗi vị trí chúng có một đại đội, các vị trí coi là trọng điểm, thường chúng để từ một đến ba trung đội được trang bị từ năm đến mười súng. Khi gần kết thúc chiến dịch, quân Pháp phát triển chiếm đóng thêm cầu Tràng để kiểm soát chặt chẽ hơn đường ba chín, nối Hải Dương với Hưng Yên. Ngày cuối cùng của năm bốn chín, lực lượng cơ động của địch bắt đầu rút quân. Trước khi rút, lợi dụng sự chao đảo của ta, chúng nhanh chóng vực cho bọn phản động tại chỗ ngóc đầu dậy, cùng lực lượng viễn chinh làm nhiệm vụ chiếm đóng, khống chế, uy hiếp tinh thần nhân dân, hòng làm chủ địa bàn, tiếp tục càn quét và bình định. Trong chiến dịch này, quân ta bị bất ngờ cả về không gian, thời gian, bất ngờ cả về cách đánh của địch nên mặc dù đã được chuẩn bị nhưng lực lượng mỏng, trang bị vũ khí thiếu thốn nên không ứng phó nổi trước diễn biến của tình hình. Nhiều trận chống càn thực sự trở thành trận huyết chiến quyết tử của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích Hải Dương với quân địch như trận chặn đánh địch đổ bộ từ Triều Dương lên Đổng Thiện ta diệt gần một trăm tên. Nhất là trong trận đánh địch đổ bộ Cầu Ràm… Dựa vào đê cao công sự vững chắc, quân ta đã bố trí thành tuyến chặn địch, quyết tâm không cho địch vượt sông. Sau năm lần đánh trả sự tiến công của địch, diệt gần một trăm tên, chỉ khi công sự bị pháo binh của địch bắn phá dữ dội, một đồng chí bí thư chi bộ hy sinh, ta mới chịu rút quân. Chiến dịch Điabôlô diễn ra quá ác liệt, gây cho ta một số thiệt hại, dẫn đến quần chúng và một bộ phận cán bộ hoang mang. Phần lớn các cơ quan chỉ đạo và chỉ huy ở cấp huyện, xã, bị phân tán, không bám được dân, chịu để mất đất cho địch. Lợi dụng tình hình này, quân Pháp tập trung đánh vào những điểm ta sơ hở, còn chống đối. Những “làng chiến đấu” của ta còn chiến đấu được bị chúng tập trung đánh phá ác liệt. Chúng ráo riết tụ tập tay sai, phát triển nhanh lực lượng phản động, dựng thêm nhiều đồn bốt, tháp canh và nhanh chóng bình định vùng mới chiếm đóng. Ngay sau khi chiến dịch Điabôlô kết thúc, địch tăng cường mở rộng các vị trí chiếm đóng, xây dựng nguỵ quyền cấp quận, đưa nguỵ quyền cấp tỉnh vào hoạt động ráo riết. Chúng tăng cường tuyển mộ, ráo riết ép thanh niên vào địa phương quân. Các vị trí của quân địch mọc lên nhan nhản khắp nơi. Các làng xóm, các ban tề được vũ trang cũng mọc lên ở nhiều nơi. Các đảng phái phản động được khuyến khích hoạt động, quân Pháp nắm chắc nguỵ quân, nguỵ quyền về chính trị. Mạng lưới chỉ điểm, mật vụ, gián điệp được dựng lên và tung ra khắp nơi để rình rập, bắt bớ cán bộ, phá cơ sở ta. Địch còn tổ chức những trận quây càn, lùng sục, săn đuổi, cướp bóc liên miên. Càng phá được nhiều cơ sở kháng chiến, càng bắt, giết được nhiều cán bộ, càng cướp bóc được nhiều của cải, chúng càng ngông cuồng, tàn bạo. Chúng ngông nghênh tới độ một tên cũng dám đi lùng sục, một tiểu đội cũng đi càn, một trung đội cũng vây ráp vài thôn. Một số nơi, quân ta vẫn chặn địch, đánh trả chúng dữ dội. Bị quân ta chặn đánh, chúng điên loạn trả thù, bắn giết đồng bào ta rất dã man. Ở Duy Tân (Tứ Kỳ), ở bốt An Nhân (xã Đông Kỳ - Tứ Kỳ) một số du kích bắt, giết một tên lính Pháp. Hôm sau, địch cho gọi phu các làng tề lên làm, chủ yếu là dân của làng An Nhân. Khi dân tập hợp, chúng xua ra phía bờ ao, xả súng bắn chết một lúc hơn bẩy mươi người, vứt xác họ xuống ao. Không những binh lính địch đi cướp phá, chúng còn xua dân làng này đi cướp phá các làng khác; từ thóc lúa, đồ dùng đắt tiền đến chổi cùn, rế rách như ở Bùi Hoà (Ninh Giang) chúng cũng không từ. Khẩu hiệu của địch lúc này là “tầm thanh, trừ cán, diệt cộng” tức là tìm kiếm thật nhiều thanh niên để ép vào lính, bắt và vô hiệu hoá thật nhiều cán bộ, giết thật nhiều đảng viên và quân ta, đánh bật lực lượng và cơ sở kháng chiến của ta ra khỏi địa bàn. ° ° Thời gian địch triển khai chiến dịch Điabôlô, huyện ủy Gia Lộc bám chặt, chỉ đạo quân dân chiến đấu chống giặc. Lường trước thế địch mạnh, biết chắc Gia Lộc sẽ là một trong những trọng điểm bị chúng chà đi sát lại nhiều lần bởi trước khi Điabôlô diễn ra, quân Pháp đã tiến hành càn quét vùng tự do, căn cứ kháng chiến của ta tại Gia Lộc nhiều lần. Mục đích những cuộc càn quét, ngoài việc thăm dò lực lượng ta, chúng còn uy hiếp tinh thần người dân đang nằm trong vùng chúng kiểm soát nếu họ chạy tản cư ra vùng căn cứ kháng chiến. Trong những trận càn nhỏ có tính thăm dò ấy, chúng đánh mạnh vào những làng chiến đấu của ta, cướp bóc, hãm hiếp dã man. Nhưng với các làng không có tự vệ du kích nhất là những làng theo đạo, địch dùng chiêu bài mị dân. Chúng không những không càn quét, cướp phá mà còn trang bị vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực cho dân đầy đủ. Chính chiêu bài này đã kích động rất nhiều người dân có cái nhìn thiển cận. Cuộc sống vốn đã quá khó khăn, nhìn thấy sự chênh lệch trong chính sách của địch như vậy, ai chẳng có sự so sánh. Theo Pháp, rõ ràng cái lợi đã bày ra trước mắt người dân. Âm mưu của địch quá thâm độc. Trước âm mưu của kẻ thù, huyện uỷ Gia Lộc chỉ đạo, các chi bộ đảng phải kiên quyết thực hiện chủ trương bám đất, bám dân, tăng cường tuyên truyền vận động để quần chúng nhận rõ, không mắc mưu sâu kế hiểm của địch. ° ° Đảng uỷ Nghĩa Hưng họp trong một căn hầm tại vùng căn cứ. Đây là cuộc họp triển khai kế hoạch đánh địch trong giai đoạn mới. Trước cuộc họp này, để đối phó với âm mưu của địch, các đảng viên đã bí mật luồn sâu, bám đất, bám làng, thực hiện ba cùng với nhân dân để có cơ hội tiếp cận, tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của đảng vào dân. Ban thông tin tuyên truyền của Lân được chia nhỏ, lẩn vào trong dân. Trước mắt, các anh cùng với gia đình tản cư, rồi sẽ vừa bám dân, vừa giữ vững liên lạc trong ban để tiến hành công việc. Mỗi người một hướng, họ chia tay nhau. Lân tìm về với gia đình, tản cư sâu xuống vùng Bùi Hoà, Lang Ngoại. Ven đê sông Cửu An, bên vạt cỏ may, trinh nữ lá như lá me, hoa tím nhạt nở từng chùm, bò lan khắp mặt đất, những ngôi nhà nhỏ, nền đất vách trát bùn, lô nhô mọc lên. Những ngôi nhà chỉ nhỉnh hơn túp lều con một chút nằm thấp thô, ẩn hiện dưới bóng phi lao quanh năm xanh lá. Và dưới kia, dòng Cửu An vẫn miệt mài chảy. ° ° Dân Nghĩa Hưng dựng nhà trong khúc cong của con đê ngăn lũ sông Cửu An như nửa vành trăng lượn. Đôi bờ, những mái nhà thấp thoáng dưới tấm che xanh biếc của cây lá. Ngửa mặt lên là thấy trời vòi vọi. Cúi xuống tháp hơn là gặp được mặt sông, nước lững lờ trôi. Buổi sáng, mặt nước bốc hơi mù mịt. Khi nắng trưa chiếu xuống, mặt nước tím sẫm, lấp loá như thửa ruộng gieo sao. Rồi chiều về, khi con nước nổi, dòng nước lại nâu sẫm một màu phù sa non. Thi thoảng, một gác chuông nhà thờ vút lên như khảm vào trời cao. Nhà Lân cách nhà Chắt con một thôi đường. Tuy cùng chỗ tản cư nhưng hai nhà vẫn thuộc hai làng tách biệt. Nhà Chắt dựng cạnh nhà dân làng Giỗ tản cư. Còn nhà Lân nằm trong khu của bà con Đức Đại. ° ° Moóc chê gằn từng tiếng chắc nịch từ bốt Triệu giã về Bùi Hoà. Tiếng nổ mỗi lúc một gần. Trời vẫn mù mịt sương. Rồi không chỉ moóc chê, các loại súng nhỏ cũng đổ như vãi đạn. Đã thấy những bóng dáng lênh khênh lầm lũi men xuống bến, chuẩn bị qua sông. - Tây càn, bà con ơi! Tiếng người thất thanh từ ngoài bến đò vọng vào. Lân vơ vội tay nải đồ đạc, miệng giục mẹ. Không ai nghĩ, lần này, chúng càn sớm đến thế. - Tây càn, làng nước ôi! Chúng qua sông tới nơi rồi. Chạy mau bà con ơi! Loạt đạn đầu tiên cắt ngang tiếng kêu thất thanh của người đàn ông lẻo khoẻo vừa đi thu tay lưới bén rải đêm trước ngoài bờ sông. Ông ta đỗ gục xuống con đường vắt lên từ bến, nước róc từ tay lưới bén, hoà vào dòng máu chảy ra từ vết đạn tiện ngang bụng. Mấy con giếc, rô, ộc ra từ cái giỏ con đeo ngang hông, giẫy đành đạch trong vũng máu. Tiếng người nhốn nháo. Trẻ con khóc ré lên rồi im bặt. Im lặng. Mò mẫm. Dường như đã quá quen với cảnh chạy loạn, đoàn người kéo nhau chạy ra ngoài cánh đồng. Lân chạy bên mẹ anh. Bà giáo vừa chạy vừa xốc cái tay nải lên, kẹp chặt vào ngang nách. Anh cố cúi thấp khiến dáng người nhỏ nhắn của anh càng nhỏ thêm. “Không được để chúng bắt lính” - ấy là điều Lân tâm niệm lúc này. Bởi nếu chúng phát hiện ra, bắt anh đi lính, công việc cách mạng giao cho Lân sẽ không thể hoàn thành. Trước mặt, sau lưng đều có địch. Đoàn người chạy giặc ứ lại giữa cánh đồng. Ruộng vừa cày ải. Những luống cày nằm lật ngửa phơi bụng đất trắng, bạc như vôi cục. Dân làng khép lại thành vòng rất nhanh. Những vòng xoay lồng vào nhau như khối ru bích, vòng con lồng trong vòng lớn, lớp lang. Đám con gái mới lớn, các cô các bà nhìn lọt mắt một chút được đẩy vào vòng trong. Họ vốc bùn cạnh bờ con ngòi nhỏ trát lên quần áo, mặt mũi. Họ xổ tóc ra, vò cho rối bù như tổ quạ. Có bà cụ nhai trầu lấy hết sức gằn cốt trầu vào bàn tay rồi bắt con gái xoa hết vào mông quần, toe toét như đàn bà đến tháng. Có chứng kiến cảnh chạy giặc mới thấy hết nỗi lo và cả khí phách kiên cường, trí tuệ siêu phàm của người dân khi giáp mặt địch, khi rơi vào trận càn của chúng, nhất là những người phụ nữ. Lân bị bà giáo đẩy vào trong. Một bà cụ nhận ra anh, vốc nắm bùn ruộng trát lên mặt Lân, than thở: - Giời ạ! Thấp cái đầu xuống. Trát đất vào quần áo, người ngợm đi. Nó mà nhìn thấy bây giờ thì thoát sao được. Lũ chó chết vừa đánh đấm mù trời, đang khát lính lắm, biết không mà còn nhô đầu lên đấy, hử? Bà giáo cũng luôn miệng: - Thấp đầu xuống con. Cúi thấp nữa xuống. Nó xuống đê rồi kia kìa… Trên đê, từng toán lính lê dương đang lấc láo bước. Toàn lê dương. Chỉ có vài thằng nguỵ chắc làm phiên dịch. Mà bọn lê dương thì… Chúng đâu cần phiên dịch. Thấy ai hay hay mắt, muốn giở trò thú tính là nó lôi ra, thích bắn ai là nó bắn… Các bà các cô đang cố gằm mặt xuống lại bị mấy cụ túm đầu, giật lên: - Đừng gằm xuống thế, nó sinh nghi. Cứ bình thường, nó mới không để ý. Quãng thời gian chỉ mươi phút chờ cho đám lính lê dương đi qua mà Lân tưởng dài hàng thế kỷ. Anh hậm hực. Giá có khẩu súng trong tay lúc này… Nhưng muốn làm việc lớn cũng cần biết tiến lui đúng lúc. Nhiệm vụ của anh lúc này là phải bảo toàn lực lượng. Nhất định sẽ có lúc anh trút vào đầu chúng nỗi cay cực hôm nay. Không phải quân nguỵ, lại thấy đám người nhếch nhác, rách rưới co rúm giữa đồng, chúng biết cũng chẳng có gì để ma cướp nên bỏ qua. Đám lê dương lộc ngộc kéo đi, đoàn người ngồi im đến hàng giờ. Chưa thể trở về chỗ cũ ngay được. Biết đâu, toán lính khác sẽ quay lại. Tiếng bà cụ Thoả thật thê lương: - Hôm nay động trời nên nó không bắn giết. May mà không ai việc gì. Cơ đận này không biết còn kéo dài đến bao giờ… Khổ cơ man là khổ. - Không phải động giời đâu bà ạ. Vùng này có nhà thờ Bùi Hoà, chúng nó đang lập tề ở đấy nên không càn mạnh như bên ta. Nó định mị dân mà - Lân lên tiếng. - Mị mụ gì chúng nó. Mụ mị gì thì cũng là đám cướp ngày. Lương, giáo đâu chả là người, đâu chả máu đỏ da vàng. Tin sao được mồm chúng nó, cậu nhỉ? - Vâng… Nó chỉ lừa gạt để dân mình lại tự chém, giết dân mình thôi. Nhiều làng dưới kia nó lùa người làng này đi cướp làng khác đấy. Bọn Việt gian bây giờ nổi lên cũng nhiều… Chúng núp bóng quân Pháp làm nhiều điều tàn ác với dân mình lắm - Lân nhẹ nhàng. - Mẹ cha chúng nó! Ăn cơm hay ăn gì mà ngu thế. Rõ là lũ cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giầy mả tổ thế à? - Tôi mà gặp đám đấy ở ngoài á… Cứ gọi là chết ngay cũng phải cho nó một phát vào mặt… - Đám đấy lẩn như chạch, nhận mặt nó liệu có khó như bới bọ trong phân không? - Hì hì… Vàng ở đâu vẫn là vàng, lẫn làm sao được mà lo… Gió bắt đầu nổi. Lúc đầu còn hiu hắt, sau lồng lộng trên cánh đồng không một bóng cây. Gió đồng hoà nhịp với cái lạnh tái tê càng khiến đám người chạy loạn co cụm lại. Tiếng chuông nhà thờ Bùi Hoà vẳng vào thinh không. Đã đúng ngọ. Tiếng gà vảng vất từ bên đông qua bên tây, từ xóm trên dồn xóm dưới. Những con gà sống sót sau mỗi trận càn, đã lạc chủ lang thang tứ tán mà vẫn không quên công việc điểm khắc, tính giờ. Tiếng gà gáy cộng âm vào tiếng chuông nhà thờ nghe như tiếng nhạc cầu hồn người chết, rền rĩ, nỉ non. Có thanh âm đấy mà vẫn không sao khuấy động cái không gian chết chóc bao trùm quanh chỗ mọi người đang ngồi lên được. Tây càn không mấy khi quá sang chiều. Đoàn người chạy loạn lại bồng bế nhau về chỗ cũ. Gió bấc se sắt, khô rát vẫn lồng lộn, hú gào trên cánh đồng khô nẻ, bạc màu đất ải.