G iữa hội hoa muôn hồng nghìn tía hội tụ vẻ đẹp trăm hoa đổ về, tôi không rời mắt được một cây tiểu mai. Nó chỉ cao bằng gang tay nhưng tuổi e cả đời người, rễ chìm ẩn rong rêu, xoắn xít ngày tháng trong cành nhánh rối rắm như mớ tơ lòng, hé gọn gàng khuôn phép một chùm nắng xuân rực rỡ. Chiếc đĩa sứ mỏng mảnh lấy đâu dồn nén ngần ấy thời gian và sức sống? Đưa mắt tìm chủ nhân, không thấy! Tìm giá, không ghi! Ghé mắt nhìn gần thì một con chó ngồi chầu hẫu bên cạnh đã sủa ông ổng. Lão bán hồng ngồi cạnh la:
- Xuân! Không được hỗn.
Quay qua tôi, lão bảo:
- Nhìn xa xạ Chạm cây nó đớp đấy. Chủ nào tớ nấy, khó gần! Nói mãi mới cho ông hội trưởng mượn cây dự hội nhưng lại kèm vệ sĩ. Nó biết cây nào của chủ nó đấy!
- Vệ sĩ canh hoa à?
- Ừ. Xuân canh mai. Hạ canh trúc.
- Đặt tên chó ngộ nhỉ! Thế cây mai này có bán không?
- Biết mấy người hỏi. Có ông bắn giá hai cây cũng chịu để chưng phòng khách nhưng "thằng chả" không bán.
- Giàu quá không cần tiền chứ gì?
- Xơ xác!
Tôi lân la mua một chậu hồng nhung để hóng chuyện. Đời dày đặc bản sao, lòng bỗng tò mò trước một nhân cách lạc lõng.
- Ông ở gần à!
- Một xóm. Tôi trồng hồng. Lão trồng đồ ba láp và kiểng. Hậu duệ của nghệ nhân trồng kiểng số một ở kinh thành Huế đó nghe! Nghề này chừ hái ra tiền, thế mà lão! Bởi vậy cả vùng gọi là lão cây ếm. Nghe mô hồi trẻ chủ vườn bắt chặt cây ngọc lan già cả trăm tuổi. Con ma cây nhập vào, suốt đời hớp hồn lão khiến lão mất dần khả năng hòa nhập với đời.
- Lão có vợ con chi không?
- Sống một mình. Mà đôi tay lão lạ lắm nghe! Mỗi bàn có sáu ngón. Đụng vào giống thực vật nào là giống đó lại sinh sôi viên mãn, rực rỡ ngọt ngào khác thường!

o0o

Đời thật bất ngờ. Mua mảnh vườn vui hưởng tuổi già, tôi trở thành người láng giềng của lão - cây - ếm! Tôi hội kiến với lão khi định cắt phứt lũ tơ hồng lì lợm, hăm hở giăng mắc rối rắm trên bờ rào. Cây kéo vừa chạm tới, lập tức một tràng sủa ổng đã vang lên và hai con cẩu to đùng chồm lên nhắm tay tôi đớp tới. May mà hụt! Bên bờ rào, một giọng nói cất lên:
- Ai biểu!
- La chó ông đi chớ. Hàng rào tui, tui cắt.
- Hàng rào tui, tui để. Cắt chó cắn ráng chịu.
- Thì thôi vậy. Khoan đi đã, hút với tôi điếu thuốc nào! - Tôi nén giận xuống nước. "Nhất cận lân" mà, huống chi đó là lão - cây - ếm!
- Cảm ơn. Đây không hút thuốc.
Con người kiêu hãnh và hoang dã đó quay lưng. Tuần sau chính lão "hạ cố" qua tôi. Tay lão cầm lá thư.
- Ông có kính cho tôi mượn đọc tại chỗ. Lâu quá không đọc, ai ngờ...
- Mấy mươi rồi?
- Không nhớ.
- Trời, có người không nhớ cả tuổi mình! - Tôi bật cười.
- Nhớ chi cho mệt. Cũng rứa! Thấy nguyệt tròn là đến tháng. Nhìn hoa nở biết xuân sang.
Tôi đưa mắt quan sát con người khinh thị thời gian ấy. Tóc muối tiêu, gân tay lổm ngổm như giun bò, ánh mắt thờ ơ, lành lạnh. Lão đọc chầm chậm lá thư, đọc đi rồi đọc lại, đọc lại rồi đọc đi... Kỳ diệu thay những dòng chữ ấy! Nó làm tan ngay lập tức vẻ băng giá lằng lặng trên sắc diện lão, tráng lên đó một lớp ánh sáng khiến tôi ngỡ ngàng.
- Tin vui phải không?
- Phải. Người ta sắp đưa cô ấy về.
- Cô nào thế?
- Con của chủ nhân khuôn viên Tịnh Tâm tôi đang chăm sóc đó. Xưa rộng lắm. Vườn ông và quanh đây xẻ ra từ đó. Còn một mảnh giao tui trông coi.
Tôi "kết bạn" với lão trong dịp ấy. Niềm vui khiến lão cởi mở, dễ chịu hẳn, còn mời tôi qua chơi.
Tôi bước vào khuôn viên Tịnh Tâm như bước vào khu vườn trong giấc mơ ngày nhỏ, ở đó có thể nằm lăn ra cỏ, hái hoa dại chơi đồ hàng và níu trái ăn căng bụng.
Khuôn viên Tịnh Tâm hoàn toàn trái với sự tưởng tượng của tôi. Vắng kỳ hoa. Không hàng hàng lớp lớp kiểng. Tâm hồn kẻ lập vườn phải là tâm hồn của một đứa trẻ hoang dã hơn là một nghệ nhân trầm ngâm bên ấm trà thưởng thức danh hoa. Những con đường nhỏ rải sỏi trắng viền rặt cỏ tường lan xanh um có mầu hoa hồng trẻ dại dẫn tôi đến một hồ rộng. Ở đó những bông hoa súng kiều diễm đang phô trọn sắc tím choáng ngợp trên mặt hồ chan hòa ánh sáng. Trong nước, bóng những chùm hoa sầu đông nhỏ xíu rung rinh bỡn cợt. Những bồn cỏ cũng mê mẩn. Lau đầu bạc ngả ngớn bên lũ cỏ non tơ và hoa dại đủ mầu. Chúng níu lấy chân tôi như bảo: "Chúng em đẹp đấy chứ?" - "Quá đẹp!" - Tôi thì thào không ra hơi dưới giàn phong lan đang độ xuân thì. Bây giờ đừng nói "nhịn" mà "quỳ gối" trước lão cũng đáng. Cây ếm lão hay lão ếm cây? Chỉ biết chưa bao giờ tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp khó gặp ở con người lại ngờm ngợp như thế trong cỏ hoa vườn lão.
- Cây kiểng đâu cả? Người ta nói ông là bậc thầy của loại này mà!
- Trồng ít chơi thôi. Bắt chúng ném mình trong chật hẹp cũng là cái tội. Tui để chúng bên tui. Qua chơi.
Vườn riêng của lão bé xíu, mái nhà tranh đơn sơ chiếm hết gần nửa. Một hàng kiểng độc đáo với những nét uốn lượn nhịp nhàng sinh động tựa những nét phóng bút trong thư pháp nằm đối mặt với mái hiên nghèo như một nghịch lý. Lão có thể đổi lấy một ngôi nhà tươm tất nếu lão muốn. Tôi tần ngần mãi bên bụi trúc kiểng. Đá gầy. Trúc lưa thưa thanh thoát. Nếu rắc chút mưa bụi sẽ hiện về hai câu thơ cổ:
Cảm thương khóm trúc bên khe núi
Vẫn đứng trong mưa đợi chủ về.
Tôi ngâm nga còn lão chụp tay tôi ấp vào đôi tay tài hoa của lão: "ông cảm thấu rồi. Có điều tôi không biết diễn tả như ông đó thôi. Cảm tạ".
Lão không có chén trà thứ hai để mời khách. Trong nếp nhà quạnh vắng, đơn sơ này mọi thứ đều đơn chiếc. Chúng tôi uống chung chén, có cảm giác như cạn chén cô đơn đằng đẵng của cả hai.
o0o
Khuôn viên Tịnh Tâm xáo trộn hẳn bởi một người về. Người ấy tựa một cơn lốc cuốn xoáy mọi thứ yên ả mà lão Cây đã dày công xây đắp trong suốt hai mươi năm.
Đời tôi, tôi cũng chưa thấy người đàn bà nào như người đang hái tơ hồng bỏ vào vạt áo bên kia rào. Dấu thời gian lẫn phi thời gian đều hiển hiện rất đỗi tự nhiên trên gương mặt thanh thoát mà thời xuân sắc ắt hẳn đẹp lắm. Mái tóc trắng xõa xuống bờ vai dát bạc cả mầu nắng. Ở bà ta mọi đường nét đều biểu hiện say đắm khổ đau của sự vô thường. Bà ta gợi tôi nhớ đến cây tiểu mai của lão Cây!
Khuôn viên Tịnh Tâm trở thành sân khấu diễn ra những tấn hài khốc liệt khiến khán giả bên bờ rào là tôi cũng phải xây xẩm mặt mày. Tội nghiệp lão Cây! Trong thân xác còm rõm của lão có đến mấy kẻ ngụ cự Tựa lũ tầm gửi, họ nhanh chóng hút hết bình yên và sức sống lão. Khi bà điên ngủ, lão lại cắm cúi bên cây với gương mặt đồng ám đủ vết xước, vết cào, dấu son môi lẫn mùi hương ngọc lan. Hạnh phúc nhất là khi lão được nhận vai "thằng Dư" nào đó bên người đàn bà điên lúc này dễ thương, hiền lành tựa một cô bé. Bả leo tót lên cây ngọc lan, mặc cho "thằng Dư" đứng dưới van vỉ:
- Xuống đi! Xuống kẻo té! Cô ngồi mần chi trên nớ?
- Xuỵt! Tau đang rình chiều, coi hắn đi ra răng mà mới sáng đó đã tối thui rồi.
- Xuống dưới này dễ thấy hơn. Trên cây có ma đó. Ma ném đá chừ!
- Đá hả? Đau lắm, để tau xuống.
Bà điên ôm cây tụt xuống, còn một đoạn thì ngừng:
- Xuống mi có cõng tau vô nhà không?
- Mệ thấy mệ đánh. Mệ biểu cô lớn rồi, không được cõng cô nữa.
- Lớn mổ Cõng không?
- Cõng.
Lão chìa lưng đón bà điên, nhẹ nhàng, nâng niu như cõng trên lưng một tảng hạnh phúc. Gương mặt lão rạng rỡ khiến tôi mủi lòng trước sức nặng của vẻ đẹp trần gian. Vẻ đẹp ấy thật dễ tàn lụi. Mới cười khanh khách với "lá nhảy dù", "bìm bìm vượt rào trốn đi chơi", "hoa mào gà sắp gáy"..., mắt bả bỗng long lên sòng sọc, ngó lão Cây chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống. Thế là biết lão sắp bị nhập vai "gã Xom Xụp" ác độc nào đó. Lão sẽ bị nện, bị cào, bị đấm, bị rủa sa sả. Lão bưng mặt đứng yên cho người điên đấm như đấm vào một bức tường. Đấm cho đến khi không còn sức, gục xuống khóc bằng cái giọng khào khào tuyệt vọng "Thả tau ra! Thả tau ra!" rồi khô khốc rít lên:
- Whisky! Mang Whisky cho tau!
Whisky - nước - lọc được mang ra trong ly nhựa. Bà điên ngồi vắt chéo đôi chân dài nốc "rượu" sau đó phun phì phì:
- Đồ keo kiệt! Tiền bán tau đâu mà cho tau uống nước lã?
Đôi khi bà điên co rúm trước một trận đòn vô hình nào đó với những tiếng thét kinh người còn lão Cây giàn giụa nước mắt lập bập:
- Cây cỏ cô bước qua tôi cũng không nỡ nhổ. Có lần tôi lỡ chặt cây ngọc lan làm cô khóc. Tôi trồng đền rồi tề, nó ra hoa dữ chưa?
- Đừng chặt hắn tội. Đang xanh ngăn ngắt, đẹp nuồn nuột, thơm phưng phức thế mà chặt phăng. Đồ ác! Mi chặt cây nớ như giết người! A ha! Mi là kẻ giết người. Mi ném người cho cá rỉa...
Người đàn bà lật giở một cách vô thức từng trang ký ức thương tích. Chẳng trang nào nguyên vẹn. Mọt đục, gián cắn lỗ chỗ nhưng cũng đủ để lão Cây hình dung và đau đớn tựa có ai thò tay bóp nát trái tim mình. Lạ một điều là trong những cơn cuồng nộ nhất, hoa lá chưa bao giờ là nạn nhân của người đàn bà điên. Đôi khi lão Cây nhờ nó cứu nguy như một liều thuốc an thần. Lão đánh lạc hướng hồi tưởng của người điên về ngày xưa nào đó hoặc bày trò xâu chuỗi cắm hoa khi người điên dìu dịu. Lão thường làm tôi kinh ngạc bởi những lọ hoa giải nguy thần tốc. Trong tích tắc, cái đẹp hiện ra đơn sơ, chơn mộc mà hoàn hảo như thể được lão móc tận đáy tâm hồn. Cụm sống đời như đóa hoa xanh đỡ những ngón tay ngọc lan tháp bút. Lũ hoa bướm rộn ràng, mỏng mảnh tựa một niềm vui. Cụm tường lan hớn hở trẻ dại. Mấy cành lau trắng ngả ngớn trong cuộc tử sinh... Người đàn bà nằm dài nhìn lão cắm hoa với vẻ chăm chú kỳ lạ. Gương mặt vừa quằn quại đau khổ bỗng dãn ra thành một nụ cười. Khi ngôn từ không đủ diễn tả, lão cũng cắm hoa. Lúc ấy lão cắm chậm rãi, thành kính như thực hiện một nghi lễ. Những bình hoa bừng sáng vẻ đẹp tâm hồn lão, tâm hồn thô mộc chưa tách rời mẹ đất để bay lên không với đôi cánh giả phù du.
Một buổi sáng ra hồ, người đàn bà thảng thốt:
- Hoa súng đi mô hết rồi?
- Chúng tan biến trong nước - Lão Cây đáp.
- Biến trong nước... Biến trong nước... Biến trong nước ư?
Ba từ ấy không rời môi người đàn bà trong suốt cả giờ. Mặt tái nhợt, mày cau lại, người điên cố moi trong ký ức một cái gì đó. Điệp khúc ấy được ném ra càng lúc càng dồn dập. Lão Cây tựa mặt hồ cau lại bởi một trận mưa sỏi.
Khuya hôm đó, lão đập cửa phòng tôi:
- Mau! Giúp cho một taỵ Bà ấy lên cơn dữ quá!
Chúng tôi chạy vào phòng. Đứa tớ gái đã bỏ việc tuần trước vì bị cắn ở taỵ Người đàn bà điên lồng lộn với những kẻ vô hình bằng sự cuồng nộ kinh khủng. Lão Cây nhào tới lập tức bị xoắn tóc. Còn tôi bị một cú đạp bật ngửa. Cả hai chúng tôi phối hợp mới chế ngự được người đàn bà mảnh mai. Tôi đi lấy thuốc còn bà điên quằn quại trong tay lão Cây, thét lanh lảnh:
- Đừng quẳng con tau cũng đừng quẳng anh ấy! Đừng quẳng! Tau đầu hàng rồi! Tau chịu... Đừng quẳng... Để tau cởi...
Bà ta cầm hai vạt áo bứt mạnh. Dãy khuy đứt phừng phực tựa như tiếng xé thịt. Một mảnh hình hài trắng phau, đẹp phai tàn lộ ra trước mắt. Lão Cây quơ vội tấm chăn trùm lên người đàn bà và bế bả lên giường. Người điên quàng tay qua cổ lão khóc thút thít: "Đừng bỏ em, anh Văn! Đừng bỏ em! Đừng biến trong nước!". Những nụ hôn ngập nước mắt phủ tới tấp lên gương mặt bàng hoàng của lão Cây... Tôi len lén ra khỏi phòng bước ra vườn. Lan Dã hạc vươn những cánh tay mầu tím thẫm níu tôi lại, mở to mắt thăm thẳm nhìn tôi dưới ánh trăng mờ. Tôi nghĩ đến đôi mắt đen kinh khủng, ngùn ngụt lửa dưới đôi mày cong như nét vẽ của người đàn bà điên. Đôi mắt ấy sẽ thiêu rụi lão Cây!
Mùi hương ngan ngát của Tịnh Tâm viên đuổi theo tôi về tận phòng. Tôi lơ mơ ngủ trong một biển hương dập dềnh, sâu thẳm, váng vất.
Rồi không phải những viên thuốc an thần làm dịu người đàn bà mà chính là mưa Huế. Những cơn mưa rả rích, trầm buồn, dai dẳng, nhức nhối xâu xé tâm can lữ khách khiến họ ngồi chưa ấm chỗ đã bỏ đi thì với người điên lại là một tấu khúc kỳ diệu của đất trời. Vườn trắng xóa nước. Bầu trời như sáng lên vì trút được gánh nặng. Hiên mưa thánh thót giọt vắn giọt dài. Từng giọt, từng giọt... gõ xuống cõi hỗn mang của người đàn bà, thức dậy một thời xa vắng, rửa sạch bụi bặm, thương đau. Bà ta trở nên hiền như cục đất, ngồi lì trước hiên hứng mưa như một kẻ ăn xin hoặc tì tay lên má như lắng nghe mưa nói gì. Thỉnh thoảng xuyên qua tiếng mưa, tiếng hát lảnh lót của người đàn bà lại vọng đến xa xăm như từ dĩ vãng: "Tôi nếm mưa, tôi ngửi mưa. Tìm trong mưa lạ một mùi mưa quen. Chiều nay nhớ quá mưa sầu. Giọt buồn rỏ xuống hiên nhà ai. Hoa hồng như má đào đọng lệ. Lòng lâm thâm mưa bụi baỵ Chiều nay nhớ quá mưa dai! "Vũ vô kiềm tỏa"... người sao không về? Lớp lớp sầu dâng trời tuôn lệ. Giăng giăng thành cố ngọc kết hàng. Bàn tay hứng ngọc tan thành nước. Nước xuống vườn xanh, lá đọng châu... ".
Lão Cây được tưới những giọt mưa ấy, tươi hơn hớn. Người đàn bà quên hết những cái tên khác, suốt ngày chơi với "thằng Dư". Họ thả thuyền giấy đầy vườn. Thuyền bồng bềnh khắp chốn, chui qua rào đến bên thềm nhà tôi, xuống tận mặt hồ mênh mông cứ dềnh rộng theo mưa như cái biển nhỏ không sóng.
Một đêm, tôi không ngủ được. Tiếng ễnh ương não ruột gần đến nỗi tôi ngỡ hồ đã rộng thấu thềm. Bỗng tôi nghe lũ chó lão Cây sủa inh ỏi. Chúng khôn lắm. Sủa là có chuyện. Có kẻ tò mò vào vườn trộm cây rồi. Chó sủa khá lâu mà đèn ở khuôn viên Tịnh Tâm vẫn chưa bật. Tôi lấy đèn pin chạy qua, vừa lúc gặp lão Cây hoảng hốt mở cửa phòng người đàn bà. Phòng trống trơn, rơi vãi trên sàn những mảnh kính vỡ. Bà điên thoát ra từ đó. Chúng tôi ào ra mưa. Đèn pin quét khắp vườn. Mưa quất vào mặt như tát. Lão Cây chạy về phía hồ. Từ họng lão phát ra những tiếng kêu đau đớn của một con thú tuyệt vọng. Hồ mênh mông. Đêm mù mịt. Thế mà lão nhảy ùm xuống làn nước lạnh đục ngầu. Tôi kêu cứu. Con Xuân, con Hạ cũng kêu cứu. Khi hàng xóm chạy đến, lão từ dưới hồ nhô lên như một thủy thần, hai tay nâng cao "báu vật" của lão - người đàn bà trắng từ đầu đến chân, nước chảy ròng ròng... Mọi người ào ra. Lão đưa tận tay tôi người đàn bà ướt sũng, mềm lả. Dưới ánh đuốc, tôi thấy lão cười - nụ cười kỳ lạ đông cứng trên gương mặt xám ngoét. Chúng tôi vội đưa nạn nhân vào nhà cấp cứu. Xốc nước, xoa bóp tim, ủ ấm, hô hấp nhân tạo rất lâu nhưng vô vọng. Đến lúc đó, tôi sực nhớ lão Cây. Lão không có mặt ở đây. Tôi chạy bổ ra hồ. Mặt hồ lặng. Lặng cả tiếng ễnh ương. Nhưng trên bờ, con Xuân, con Hạ tru từng tràng như khóc.
Mưa tạnh ngay vào sáng hôm sau. Vô số thuyền giấy xẹo xọ, nhàu nhò nằm kẹt trên bờ rào, gối lên hoa cỏ. Chỉ mấy chiếc trên hồ vẫn bồng bềnh đưa tiếng ễnh ương đi xa... Vườn le lói nắng, thứ nắng ồm mỏng mảnh hắt hiu trên hàng cây xơ xác buộc những dải khăn tang trắng, lệ mưa vẫn còn chưa ráo.
Đến hẹn, hoa súng lại lên, đẩy bùn xô nước, ngã sóng soài trên mặt hồ, hồn nhiên hiến dâng trọn vẹn cho đất trời sắc tím lìm lịm mê hồn. Tôi xếp một thuyền giấy thả xuống nước. Nó lãng đãng rồi dạt vào một bông súng đang nở. Tôi thấy lão Cây bế người đàn bà tóc trắng từ trên thuyền bước xuống, đặt ngồi trên phiến đá tròn dính sát mặt nước. Ngày mai khuôn viên Tịnh Tâm sẽ thuộc về người khác, linh hồn họ trôi dạt về đâu? Nhưng tôi tin, dù lên thiên đàng hay xuống địa ngục, lão Cây vẫn đi theo người đàn bà tóc trắng, vẫn đủ ma lực gọi cỏ hoa về. Họ cứ đi, người nọ theo người kia nhưng vẫn cứ đi dẫu có đi khỏi cõi - người - ta!

Hết


Xem Tiếp: ----