Trời chưa muốn sáng. Không gian còn sũng hơi nước từ cơn mưa hạ về qua lúc cuối đêm.  Người đàn bà thức giấc vì tiếng mưa rì rào trên mái tranh rồi không ngủ lại được.  Chị nằm trong căn nhà lạ lắng nghe tiếng nước giọt chạm vào máng tôn lanh canh đều đặn đâu đó phía ngoài hiên. Mưa tạnh rồi tiếng chim từng đàn bay. Âm thanh quang quác bay ruồng trên mái nhà rồi nhỏ dần mất hút nghe buồn buồn. Chưa kịp trở mình trên chút im vắng vừa có được, tiếng bầy chim khác lại xao xác bay qua. Chim gì mà lạ quá, chị thầm nghĩ, hình như chỉ bay theo một đường từ phía sông ra biển. Chị chưa hề nghe tiếng chim bay đàn vào buổi sáng bao giờ. Những ngày ở Nông Sơn, chị còn quá nhỏ chẳng còn sót gì trong trí nhớ, mơ hồ họa chăng tiếng chim tu hú kêu bầy trong đám mía còi dọc theo bến đò Cà Tang. Tháng năm lưu lạc theo chồng xuống tận miệt dinh điền Đồng Tháp tràm đước mênh mông riết rồi quen với hình ảnh từng đàn le le trên cánh đồng năng nước nổi. Hồi đó chị nhìn chim bay mà thương chúng sao quá lẻ loi trong lướt thướt ráng chiều. Thương mình sao lẻ loi giữa đất Sài Gòn hồi ba mẹ con hẩm hiu với nhau sau khi chồng chị qua đời. Sau ngày giải phóng, mẹ con phải bỏ trống căn nhà nghèo nàn cuối xóm bên bến đò Thủ Thiêm lên vùng Bình Dương đi kinh tế mới theo lệnh của nhà nước. Những buổi trưa trong căn chòi gió luồn vách thưa, tiếng chim cu rúc trong bụi chuối xơ xác mấy tàu lá khô vàng nghe mà buồn nhảo cả ruột.
 
Người đàn bà khoát mùng ngồi tư lự chờ sáng. Những vệt sáng mờ len qua vách nhà làm nhạt dần bóng tối trong phòng. Giờ này có lẽ thằng Lai con Lụa đã thức dậy cụ bị lên rẫy. Chị gạt nước mắt nhớ con, với tay quấn chiếc khăn rằng lên đầu rồi làm dấu thánh giá âm thầm đọc kinh cầu nguyện. Tiếng kinh hòa quyện theo nhịp thở đọng thành tràng giọt vô thanh lặng rớt vào hồn giúp người đàn bà lấy lại chút lòng bình thản. Chị xuống giường sẹ bước ra gian trước lờn vờn ánh sáng tỏa ra từ cái đèn hột vịt đặt trên bàn thờ. Tấm hình đôi vợ chồng đặt bên bài vị rờn rợn vắng xa. Chị đứng nhìn sửng vào đôi mắt hiền từ mà nghiêm nghị của người anh họ. Hơn bốn mươi năm suốt cuộc đời luân lạc của chị thoắt hiện trở về. Từ đầu nguồn sông Thu hắt hiu ghềnh Đá Bát bên bến Cà Tang nước cuộn, chị đã nổi trôi qua bao dòng sông bến nước để rồi chiều qua tình cờ thấy mình trở về đứng lạc loài nơi cuối dòng sông thơ ấu.
Cha chết năm chị lên mười vào giữa thời chín năm kháng chiến. Cả đoàn dân công tải đạn ra mặt trận bị máy bay Pháp rượt bắn. Xác cha đứt mất chân nằm trong cái hòm gổ sung xộc xệch được hàng xóm trong đoàn gánh chạy từ Trung Phước về bến đò trên chiếc vỏng đan dây dừa. Cha yên phần ông, mộ đắp trên ghềnh Đá Bát ấm áp khói hương. Chị thế cha giúp mẹ chèo đò đưa dân làng qua về bến sông kiếm sống. Hai mẹ con chèo chống rồi cũng qua những ngày sông Thu mùa lũ, ghe tròng trành quay như lá giửa dòng.
Kháng chiến thắng lợi mà đất nước thì bị chia đôi. Có điều phần được chia của kháng chiến lại nằm tuốt bên kia bờ Bến Hải phía ngoài Cửa Việt, Đông Hà. Người dân khốn khổ qua chín năm sống tiêu thổ chui rúc nay lại được kết nạp dỗ dành ai đi tập kết,  ai ở lại nằm vùng.
Cô gái đưa đò tuổi vừa mười sáu hây hấy xuân thì lọt vào cặp mắt toan tính của các mẹ các chị trong hội Phụ Nữ xã và kế hoạch lâu dài của cách mạng. Thế là sau vài lần họp hành thuyết phục, duyên phận chị được định đoạt. Anh bộ đội người Đại Lộc về đóng chốt ở khu chiến Nông Sơn, hơn cả giáp tuổi, đã trở thành chồng của chị. Người thanh niên ít nói rụt rè giúp vợ chèo đò mấy tuần lễ trước ngày tập kết. Rồi đi.
Bộ đội ra Bắc. Không còn cán bộ Phụ Nữ họp hành kiểm thảo, không biểu tình, hết vót chông đào hầm, hết dân công tải đạn…thôn xóm vắng buồn như bến sông hẩm hiu con đò neo vắng khách. Đàn bà ở lại, có người không chồng mà tay xách nách mang. Nhiều người bụng đã lùm lùm thai nghén. Trong đó có nhiều cô gái còn bẽn lẽn dáng tân hôn, vụng về bước đầu làm mẹ. Những câu nói ngon ngọt dỗ dành trong các buổi họp phụ nữ trước đây trở thành niềm hi vọng cho những người đàn bà chờ chồng. Tập kết chỉ là tạm thời thôi vì hai năm sau sẽ có bầu cử, hiệp thương. Bộ đội đi rồi bộ đội sẽ về. Xóm làng rớt vào cảnh hồi hộp đợi chờ.
Ngày quốc gia tiếp thu mà ai nấy đều lo sợ vì nhiễm tuyên truyền rồi cũng lặng lẽ đến.  Không thực dân đế quốc, không lê dương hảm hiếp, chẳng máy bay cà nông, chẳng súng ngắn súng dài. Chỉ lá cờ vàng ba sọc đỏ lặng lẽ bay trước sân ủy ban. Chừng như đã qua lâu lắm rồi cái ngày những người cán bộ ưu tú của cách mạng bước khỏi bong tàu Ba Lan, lạ lẫm từng bước chân dép lốp Bình Trị Thiên trên bến tàu ở Vinh hay Hải Phòng rồi biến mất âm thầm trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cũng ông hương kiểm, ông tổng, ông lý trưởng trước hồi chín năm sống sót qua những đêm đấu tố địa chủ việt gian, nay là thân hào nhân sĩ, là xã trưởng, ấp trưởng. Cũng anh du kích hôm nào nay là nghĩa quân dân vệ, bận rộn vào ra không mục đích qua khoảng sân trước ủy ban lầy lội những ngày mưa.  Cụ Diệm thì vẫn anh minh và lùn, duy chỉ cô em dâu thì ngày càng ngoa ngoắt hơn.
Nước sông Thu Bồn vẫn đêm ngày cuồn cuộn chảy qua bến Cà Tang. Cô gái vẫn giúp mẹ chèo đò. Dáng dấp nàng vẫn thon gọn xuân xanh trong lúc bụng chửa những người đàn bà có chồng tập kết ngày càng phểnh ra. Nàng chẳng hề hé môi cho ai biết về những ngày hôn phối của mình. Cô gái chẳng buồn nhớ và cũng chẳng tiếc rẽ chi sự vồ vập nửa vời hằng đêm của người  thanh niên. Chỉ còn lại sự trở lăn lạ lẫm giữa đêm, một mình với cơn xúc động mồ côi rịn ràn vùng hạ lưu phong kín mép bờ. Còn lại nỗi phiền bực bị mang tiếng có chồng đi tập kết, nhiều tối phải chiếu gối đến trụ sở ấp mà ngủ trong tiếng muỗi vo ve, sàm sở ánh đèn pin của toán dân vệ và lời ghen tương than thở của đám đàn bà bụng bầu vượt mặt.
Những đứa con được sinh ra, lớn lên âm thầm như bóng trong nỗi đợi chờ, hi vọng một đoàn viên. Tình cảm gia đình, lòng thương yêu chồng con của người đàn bà Việt Nam đã xốc họ đứng dậy, dắt díu đứa-con-hiệp-thương nay đã biết chạy biết đi đòi tìm cha. Đúng như kế hoạch cách mạng đã đề ra bốn năm năm về trước. Một số cán bộ nằm vùng lác đác lộ diện hay tập kết lén lút trở về. Những nấm mộ chôn vũ khí được bới lên. Chiến tranh lại tiếp diễn trên đất nước đã quá nhiều đau thương bom đạn.
Mùa lũ năm đó người mẹ chết. Buổi chiều tang thương trên đầu sông Thu, con gái không kịp cứu được mẹ lúc chiếc đò lật úp giữa dòng nước xoáy. Mai táng mẹ bên cha nơi mộ phần lặng lẽ đầu ghềnh, cô gái bỏ đò bỏ bến xuống Hội An tìm sống.
Vợ chồng người anh họ cho cô về ở làm việc nhà và giúp săn sóc đứa con thứ hai của họ vừa chập chửng biết đi. Cô gái thích cuộc sống mới, không mấy bận rộn nhọc nhằn  lại có đồng ra đồng vào nhờ nơi ăn chốn ở đã được chu toàn. Người anh họ là công chức ở thị xã, ông nghiêm nghị mà nhân từ. Người vợ dễ mến tuy bận rộn với cửa hàng tạp hóa bên phố chợ vẫn thu vén việc nhà và săn sóc con nhỏ. Bé Nhi ngoan hiền đang học tiểu học và cu Niên bụ bẩm mau lớn hơn những bé cùng tháng tuổi.
Phố Hội An tuy nhỏ nhưng đối với cô gái chèo đò từ vùng núi quê heo hút thì dãy phố xưa ngoằn ngoèo thâm thấp từng gian nhà mái ngói âm dương rêu đọng đã có một sức thu hút kì lạ. Giữa giấc trưa trong sân nhà bốn bề tường vây tĩnh mịch, chiếc phong linh treo dưới vòm cổng lặng câm chờ gió như bóng lá im lìm trên mặt đất. Qua mấy ô tròn trên cánh cổng nhìn thông ra phố, nhịp ngói mái nhà xiên xiên nối tiếp nhau địu vời từng vạt nắng xuống lòng đường phố xuôi dài như dãi sóng vàng quánh bất tận. Phía ngoài đó là cuộc sống. Là định mệnh đang chờ. Lòng cô gái náo nức muốn xô rộng cánh cửa bước ra.
Giữa đám đông người một đêm hội thả đèn họ đã tìm ra nhau. Hai tia mắt chạm nhìn rồi quay mặt, trốn tìm mà đã thuộc về nhau chẳng chịu rứt rời. Ở một đầu là cô gái không thướt tha, dáng vóc tảo tần, khuôn mặt còn son mà đôi mắt sớm buồn. Phía kia là anh lính dáng người đen đúa rắn rỏi, nét mặt thô chai sạm với tia mắt thu hút dữ dội của một con thú dữ săn mồi. Định mệnh đã khiến cô gái nhìn sâu vào đôi mắt đó.
Nhiều năm sau này, những lúc chị hồi tưởng về Hội An là nhớ về tháng ngày sôi nổi, thật sống với khát vọng yêu đương rực lòng cô gái đôi mươi. Quá khứ hằn lên trí nhớ những vết sướt cào tưởng còn tươm máu từ ngón tay sắc nhọn đam mê bấu lên da thịt. Những đêm hẹn hò trong góc vắng dưới chân Chùa Cầu hay trong bóng tối hiên đình Cẩm Phô là những lần thân xác tan nhập vào nhau chật cứng sổ sàng. Anh lính ôm người yêu thì thầm kể chuyện nhà với giọng nói miền ngoài xa xôi lạ lùng. Chuyện anh sắp mãn quân dịch muốn đưa cô gái về nhà tuốt tận trong Nam. Cô gái rướn nhận ngón tay thô tháp mân mê lên bờ ngực vun mềm rồi mơn động không ngừng trong thân thể nàng. Lịm người trong cảm giác trơn tuột, cô ghì siết vòng tay thêm chặt lên bờ lưng cuồn cuộn, môi hả trào bật cắn khoảng vai sạm nắng đượm mặn mồ hôi và máu rướm. Sức nóng cuồn cuộn của con trốt thô cứng xoáy từng cơn ruồng rật vào hang động làm chảy tan đầm đìa phún thạch. Bờ vai chắc nịch không ngừng nhấp nhô và nước sông Hoài dập dềnh xuống lên theo cơn gió thốc.
Cô gái biết ra mình có thai gần như cùng lúc tin người yêu được mãn quân dịch về lại quê nhà. Tuổi trẻ có những dại khờ của nó. Thay vì nói thật cho vợ chồng người anh bà con biết để lo việc cưới xin rồi chính thức theo chồng, cô gái bỏ nhà trốn theo người yêu.
Gia đình chồng gốc người Nùng di cư từ miền Bắc vào Nam sau ngày đất nước chia đôi. Cả họ đạo theo vị cha sở định cư sinh sống tại một khu dinh điền trong Đồng Tháp Mười. Vợ chồng sống yên ấm trong căn nhà nhỏ ở đầu con kinh Xáng thẳng tắp chảy ra Đồng Tiến. Lần đầu tiên trong đời, chị được sống trong ngôi nhà của riêng mình, hạnh phúc đơn sơ. Anh làm ruộng, chăm nuôi bầy vịt đẻ, và làm trưởng cái đồn dân vệ vỏn vẹn nửa tiểu đội dân quân đóng bên bờ kinh Ngang. Từ nhà người vợ có thể nhìn thấy lá cờ vàng quốc gia chấp chới bay trên nóc đồn. Cờ treo lên sào tre lủng lẳng sợi dây ăng-ten của chiếc máy truyền tin, phương tiện liên lạc duy nhất với đồn chính ở khu Hai và các đồn khác trong vùng, chỉ huy bởi một ông thiếu úy già Hòa-Hảo-đồng-hóa say sưa tối ngày.
Những ngày chồng lùa vịt vô đồng ăn lúa sót sau mùa gặt, chị nôn nao chờ, mặt trời chưa kịp lửng trưa đã chống xuồng bới cơm cho anh. Rạ mới dòn thơm là nệm chiếu ấm êm trong cái chòi vịt giữa cánh đồng vắng ngắt. Vợ chồng trần truồng giữa trời nước. Cảm giác hạnh phúc nhất là thói quen của nhau sau mỗi lần thỏa thuê cảm giác. Anh ngắm nhìn vợ đẩy đà bước xuống dòng kinh, chị đưa tay bới tóc cao rồi quay lại đón mời. Lùm điên điển lung linh trên triền nước trong nắng gió hây hây đồng nội. Chị đứng trâng nhìn chồng chắc nịch tồng ngồng xốc khỏi rơm rạ bước về phía chị. Họ trầm mình vào dòng nước mát hân hoan.
Cuộc sống gia đình êm đềm trôi theo từng mùa nước lớn ròng. Chị sinh thằng Lai rồi con bé Lụa. Cánh đồng vẫn bao la vắng ngắt, nhất là vào buổi trưa. Bầy vịt đẻ vẫn xúm xít bên đám ruộng nước mãn mùa, có khi chúng ngưng rỉa tìm nghiêng đầu hồi lâu nhìn đàn vịt trời đang sải cánh bay. Cánh đồng bất tận biết đâu phương hướng mà về.
Chị ở yên với gia đình chồng con chẳng để ý chi tới tình hình đất nước ngày càng chộn rộn. Anh em ông Diệm bị đảo chánh, chết bất đắc kì tử. Chiến tranh ngày càng lan rộng. Chồng chị phải vô đồn ngủ thường hơn. Rồi tai họa chụp xuống gia đình. Một bửa trưa chống xuồng mang cơm vô chòi vịt cho chồng thì thấy anh nằm hấp hối trong đống rơm. Lưởi mã tấu ngập sâu vào bụng, máu thấm ướt loang chiếc áo trây-di. Bản án cách mạng trừng trị tên trưởng đồn tay sai mỹ ngụy cũng bê bết máu. Chị hốt hoảng khóc ròng lúc anh gượng tỉnh dặn dò trăn trối. Chị cuống quít đẩy chồng máu me ra tới kinh Xáng rồi theo xuồng máy mới nửa đường tới bến đò An Long thì anh qua đời.
Chị nuốt đau thương chôn cất chồng. Buổi sáng sau ngày mở cửa mả, chị dắt con đến khu Hai gặp người trưởng đồn. Ông Thiếu Úy già giật mình tỉnh rượu. Chiếc xuồng máy chở ba mẹ con phóng thẳng ra Chợ Mới cho kịp chuyến xe qua bắc Năng Gù về Sài Gòn. Qua màn nước cuộn chị thoáng thấy ông Thiếu Úy đang hối hả tập họp lính dẩn vào đồn kinh Ngang. Trên đầu chị bầy le le bay tan tác giữa khoang trời mang mang châu thổ.
 
Người đàn bà thắp nhang đứng vái lạy trước bàn thờ. Chị kính cẩn nhìn vầng hương khói lung linh trước bài vị hồi lâu rồi thở dài mở hé liếp cửa lách mình ra đứng trước sân nhà.  Chiếc thau nhôm cũ đầy nước mưa đọng nằm chênh vênh cuối hiên. Thủ phạm của tiếng lanh canh suốt đêm. Chị thầm nghĩ. Hơi nước còn đọng kín mặt sông và khoảng cửa biển đâu đó ở cuối dãi cát cũng mờ chìm trong sương. Bỏ lại phía sau màn sương trắng đục bầy chim chấp chới bay về biển trong khi xóm nhà còn biếng lười ngủ nướng trong buổi  sớm cuối hè. 
Cửa biển hiện dần trong sương tan thấp thoáng vài cánh buồm về bến. Người đàn bà cố mường tượng hình ảnh người anh họ đứng trên thuyền cá vất vã vào ra cửa biển những sớm hôm và dáng ông mệt mỏi bước qua dốc cát về nhà. Cùng lúc, bóng dáng nghiêm trang phong thái của ông bước qua cổng nhà vào những buổi trưa hơn hai mươi năm trước từ trong trí nhớ ập đến chiếm lĩnh, tràn lan vuốt mặt.  Chị bâng khuâng nghĩ tới vợ chồng người bà con tốt bụng đã qua đời mà bàng hoàng thương đứa cháu gái phải sống đơn độc trong căn nhà sau cửa biển bất trắc cảnh đời. Tội nghiệp cho lớp tuổi trẻ phải sống lầm lủi xác xơ. Thằng Lai, thằng Niên, con Nữ, con Lụa…Sóng gió biển dâu chẳng chừa một ai. Và cả những tình cờ gặp gỡ trên đường đời cũng trở thành định mệnh trớ trêu.
 
Sau hơn hai năm cam khổ trên vùng kinh tế mới, cuộc sống của chị và con Lụa càng bi đát hơn lúc thằng Lai bị bắt đi bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế bên Miên. Ngày đứa con trai bỏ lại một phần bàn tay trên chiến trường giải ngũ trở về chị mừng như sống lại mà Lai thì hàng ngày chỉ câm lặng cày cuốc, sống bơ phờ xa cách trong một thế giới riêng rất buồn.
Nhiều tháng sau đó, trong một cơn say Lai khóc kể cho mẹ và em nghe đoạn đời máu me khốc liệt của mình.  Chặng đường địa ngục mà sự lựa chọn chỉ còn là nỗi tuyệt vọng và tình thâm bằng hữu.
Nghĩa vụ quốc tế của bộ đội Việt Nam lan dần về phía biên giới Campuchia Thái Lan với những cuộc truy quét lính Khmer Đỏ lủi trốn qua những cánh rừng rậm dần về phía sông Mekong. Hi vọng của một số bộ đội Sài Gòn bị bắt đi nghĩa vụ trên đất Miên cũng lớn dần khi vệt quanh co như con rắn xanh trên bản đồ ngày một gần hơn. Lai và người bạn đồng đội trong một tổ tam tam được giao công tác đi kích trong khu rừng gần bờ sông cũng thuộc lớp thanh niên này. Dòng sông biên giới giữa hai quốc gia đã bao lần chảy qua giấc mơ họ cũng chính là lằn ranh giữa sự sống và chết. Qua sông về hướng tương lai là động lực duy nhất giúp họ chịu đựng gian nguy, bệnh tật, chết chóc. Nhiều người trong số họ đã bỏ cuộc, qui hàng số phận lúc mắt chưa thấy được ánh nắng lấp lánh nhảy múa trên dòng sông chảy xiết.
Người bạn chống súng đứng nhìn khúc sông ngầu đục phù sa, rời rã lục bình. Anh quay nhìn định nói điều gì đó nhưng vội nghiêm nét mặt khi thấy Lai quắt mắt về phía người tổ trưởng đang lúi húi đào hố cá nhân. Như rất nhiều tổ tam tam khác trong quân đội CSVN, người bộ đội miền Bắc là tổ trưởng chỉ huy hai tổ viên gốc miền Nam.
Một lúc lâu sau, lợi dụng lúc tổ trưởng không để ý, người bạn lại gần Lai nói vừa đủ nghe.
Ba ngày kích ở vùng này tụi lính Pol Pot thế nào cũng đi qua. Chuẩn bị sẳn sàng. Lợi dụng lúc nổ súng, thấy tình hình thuận tiện là mình bỏ chạy ra bờ sông, lội qua bên kia ngay. Cứ chạy theo tao. Nhớ quàng theo lương khô trong bọc ni lông.
Phiên gác cuối đêm chậm chạp trôi qua trong mệt lã, chập chờn thức ngủ. Lai ngồi trong hố cá nhân nhầy nhụa sình, mí mắt nhấp nhem sụp nhướng, tai mơ hồ tiếng côn trùng và những hạt mưa len lẩy qua nhánh lá ngụy trang cắm trên nón cối. Cuối cùng Lai rơi vào cơn mơ nhập nhòa những vòng nước vầng lan và tiếng nước quẩy nhịp chèo khua. Con đò mẹ chèo tần tảo kiếm sống bên bến Thủ Thiêm lật chìm và bóng mẹ cuốn theo. Tay mẹ gầy trên dòng nước cuộn, câm sặc âm thanh, chới với chìm sâu… Lai giật mình tỉnh giấc. Dòng sông xa xa, lởn vởn lá rừng. Một đêm vừa qua, thấp thom tiếc rẻ. Đêm định mệnh sắp tới, hụt hẩng đợi chờ. Lai nhớ mẹ vô ngần.
Ngày thứ ba. Vạt nắng cuối ngày còn đọng nhấp nhô trên sông mà cánh rừng bờ Miên đã nhá nhem mặt người. Toán lính Pol Pot di chuyển qua vùng kích vào lúc chẳng ai dự tính. Bất ngờ ập đến cho cả hai phía. Lai chỉ kịp nhìn thấy lùm cây phía đường mòn chợt lay động, mặt người thấp thoáng, và những tia đạn đạo đan chéo nhau cùng một lúc.
Người tổ trưởng và ba trong số bốn tên lính Miên gục chết ngay sau loạt đạn đầu. Người bạn của Lai ném lựu đạn về phía tiếng rên la. Tiếng nổ chát chúa vang lên thanh toán trận chiến trong tích tắc. Khu rừng im lặng rợn người.
Người bạn lục soát xác lính Miên. Anh vội vã chạy ngược về phía Lai, vai ba lô, tay súng.
Lẹ lên. Chạy theo tao xuống bờ sông. Tụi đại đội nghe tiếng súng xuống tiếp ứng bây giờ. 
Người bạn hối hả nói rồi sửng sốt khi nghe Lai từ chối.
Đ.M. Mầy có khùng không? Ở lại chỉ từ chết tới chết mà thôi. Chỉ cần lội qua sông. Trại tị nạn Liên Hiệp Quốc không xa đâu.
Đầu óc tỉnh táo lạ thường, Lai nói với người bạn đồng đội đang bối rối đứng nhìn.
Muốn tao sống thì ráng bắn cho chính xác.
Anh lấy dãi băng cứu thương quấn nhiều lớp thật chặt một phần bàn tay phải rồi cầm súng đứng nép sát thân cây như trong tư thế chiến đấu. Hai ngón tay ở ngoài lớp vải băng cong cong run rẩy. Lai nghiến răng nhắm mắt chờ tiếng đạn nổ. Im lặng. Có tiếng nấc nghẹn của người bạn cố kềm giữ xúc động.
Đ.M. Bắn lẹ lên. Tụi nó sắp tới rồi.
Tiếng nổ chát chúa cùng lúc với cảm giác bàn tay bị nhấc lên đau xé, khẩu AK rớt thịch xuống đất. Lai ôm cánh tay buốt nhói ngồi dựa lưng vào gốc cây. Người bạn nhào tới ôm Lai, vừa khóc vừa luống cuống băng lại bàn tay mất hai ngón bê bết máu. Lai vỗ vai bạn rồi đẩy hắn ra.
Mầy chạy đi. Phải tự tay tao băng bó mới được. Mày đã bị tụi lính Pol Pot bắt đi rồi… Chạy lẹ đi.
Người bạn mất hút vào bóng đêm. Lai nghiến răng chịu đau, ngồi băng lại vết thương của mình. Đêm ập xuống bủa vây. Anh nhắm mắt định thần, cố gắng giữ lòng trấn tỉnh nghĩ về người bạn giây phút này có lẽ đang lội qua sông.  Anh khấp khởi mừng phía bờ sông vẫn vắng lặng. Đêm bao la rờn rợn tiếng rừng. Hơi thở mệt rã từng cơn kéo anh rớt chìm vào trạng thái chập chờn nửa thức nửa mê. Đêm nhẹ tênh. Lai thấy mình trở về nhà. Đám mây bềnh bồng trôi trắng lòng sông. Giọt mồ hôi lấp lánh trán mẹ. Tiếng đứa em cười...
 
Sau buổi chiều ba mẹ con ngồi khóc với nhau, u uẩn trong lòng được giãi bày, Lai sống yêu đời hơn. Anh càng mừng rỡ hay tin người bạn đã bình an trốn thoát đang sống trong trại tị nạn chờ định cư. Họ sống nghèo, đầu tắt mặt tối mà sum họp bên nhau, cho tới một ngày tưởng may mắn tình cờ nào hay hệ lụy trổ mầm.
Trong lúc tham quan hợp tác xã bán nông phẩm thâu hoạch cho thành phố, một cán bộ kinh tế đã chú ý tới người đàn bà xã viên tuy nói giọng Nam nhưng vẫn không giấu được gốc gác Quảng Nam của mình. Sau khi hỏi ý kiến con và được hứa hẹn mỗi tháng đôi lần về thăm nhà vào dịp cuối tuần, người đàn bà đồng ý về thành phố giữ con cho vợ chồng người thanh niên cán bộ. Chị mến ngay đứa bé trai vừa lên hai liếng thoắng hiếu động. Mẹ của cháu bé vẫn còn ở đại học, tính tình kín đáo tốt bụng và nhất là giọng quê Quảng Nam đầy gợi nhớ. Tuy có nhiều cảm tình với người mẹ trẻ, chị vẫn giữ ý không tâm sự gì ngoài  tháng ngày sống ở Nông Sơn đưa đò trên bến Cà Tang của mình. Vợ chồng người cán bộ thì không hề mảy may nói tới quá khứ của họ. Mỗi lần nghĩ lại câu chuyện vào buổi tối trước ngày người vú nuôi thôi việc về quê, chị vẫn nhớ rõ ánh mắt không mấy thiện cảm của bà khi nói về người cha.
Tui nuôi thằng cu Hiên từ hồi mới đầy tháng mà chưa hề thấy ổng ẳm thằng nhỏ lần nào.
Rồi bà nhỏ giọng, mắt dòm chừng ra nhà trước.
Chỉ là chuyện mua bán mà thôi. Ổng chịu lấy cô Quế để được làm cán bộ, còn cô Quế và gia đình khỏi bị tai tiếng, kiểm điểm. Nghe nói cha mẹ cổ là cán bộ gộc ngoài Quảng Nam. Khi hay tin con có bầu với bạn trai học cùng lớp thuộc gia đình ngụy quyền, họ đã cấp kì đưa con gái vào Sài Gòn tính là phá thai rồi ở luôn trong này học Đại học.  Ngặt vì cô Quế có bệnh máu loãng, thai phá rất nguy hiểm nên họ phải đổi kế hoạch, gấp rút mua chồng cho con để kịp thời ém nhẹm mọi việc.
Những buổi sáng trong căn nhà quét dọn tươm tất, ngồi nhìn bé Hiên lẳm đẳm chơi đùa trong khoảnh sân nắng, lòng chị  không nguôi nhớ về hai mươi năm trước. 
Mỗi người có một cảnh đời riêng. Chị thở dài thầm nghĩ lúc bồng Hiên vào lòng mà nhớ tới bé Niên nằm đói sửa trong nôi ngày chị trốn nhà bắt đầu cuộc đời lưu lạc.
 
Thấm thoát mà đã hơn một năm từ ngày chị bắt đầu chăm sóc bé Hiên. Người mẹ cũng vừa tốt nghiệp đại học. Ngày Quế yêu cầu chị theo gia đình ra Hội An để tiếp tục chăm sóc con trai một đôi tháng đầu trong lúc họ chưa ổn định chuyện nhà, chị mừng quýnh nhận lời. Đã từ lâu chị vẫn mơ một ngày về lại Phố Cổ, thăm gia đình người anh họ để nói lời tạ lỗi. Chị mơ một lần về đứng bên bến đò Cà Tang thăm dòng nước cũ, thắp nguyện mẹ cha trên ghềnh Đá Bát chút vòng hương khói muộn màng.
 
Người đàn bà ngần ngừ đứng trước cổng nhà cũ. Giàn bông giấy xơ xác phủ trên hai cánh cửa rỉ sét khép kín. Lòng chị run run xúc động xen lẫn mặc cảm phạm tội vẫn đeo đuổi ám ảnh từ ngày chị mở cánh cửa lần cuối bỏ nhà đi. Chỉ cần lòn tay qua cái ô tròn nhỏ, kéo chốt sắt lên, ẩy vai vào cánh cửa là chị trở về. Chị nhủ lòng mà tay cứ mãi do dự không làm được động tác cuối cùng ấy. Đang lúc bấn bíu với mối xúc động ngập lòng thì cánh cửa cót két mở.  Một người đàn ông luống tuổi trong cánh áo bộ đội bạc màu bất thần xuất hiện. Cảm xúc nôn nóng trở về kéo tuột chị qua cổng, bước thẳng về phía giữa vườn. Tàng cây vú sửa già nua che kín cả khoảng sân gạch cũ vương vãi rác bẩn. Mái hiên nhà rêu phong nặng oằn lên dãy vách tường vôi vỡ, ám khói. Chị chùn chân ngơ ngác nhìn cảnh nhà hoang liêu.
Ơ cái nhà chị kia!? Chị là ai, đi tìm người nào mà dáo dác thế?
Người đàn bà lên tiếng trả lời trong lúc mắt vẫn nhìn quanh cảnh cũ. Hình ảnh quá khứ lớp lớp kéo về như lục bình trôi trên chặng sông đời. Khu nhà trên là phòng vợ chồng người anh, phòng cháu Thục Nhi và bé Niên có chiếc nôi đặt bên cửa sổ. Căn nhà ngang nơi chị sống những ngày êm đềm mà sôi nổi của một thời con gái. Giếng khơi cuối vườn, chiếc gàu dây lanh canh thành giếng những lần tắm đêm ngượng ngùng bờ thân loáng bóng trăng khuya.
Hơn hai mươi năm, một nửa đời chị trầm luân.
Ngọn gió trưa thổi lơi qua vườn loang lổ bóng nắng. Người đàn bà đứng nhìn vào gian phòng cũ của mình qua cửa sổ mở toang.  Ai đó sống ở đây có lẽ không về thường xuyên. Căn phòng trơ trọi chiếc giường gổ chiếu gối xếp ngay ngắn và cái bàn học trống trơn sau cửa sổ. Chị chợt có cảm giác gây gây khó chịu phả vào gáy không hiểu vì hơi gió nóng cuối hè hay cái âm giọng khó nghe khan khản đều đều đeo bám sau lưng như từ một quá khứ khác, rình rập âm hiểm. Cảnh nhà vợ chồng người anh họ từ sau ngày giải phóng trải ra trước mắt chị tang tóc phân ly. Người đàn bà bật khóc. Chị tháo chiếc khăn rằn trên đầu lau nước mắt, quay nhìn gã cán bộ đã tiếm đoạt cơ ngơi một đời gầy dựng của anh mình.
Ông không cần phải đặt điều phân bua. Căn chòi của mẹ con tui ở bến đò Thủ Thiêm còn bị lấy huống chi cái cơ ngơi này.  Tui chỉ muốn biết mấy đứa cháu côi cút của tui hiện giờ ở đâu.
Người đàn bà ngưng bặt lúc gã cán bộ trố mắt nhìn sửng mái tóc buông xỏa lên khuôn mặt hằn vết khổ thời gian. Bến sông xưa chìm trong quá vãng tối tăm chợt hối hã cuộn dòng, thoắt hiện hình ảnh cô gái đưa đò trên bến Cà Tang ngập ngừng kí ức. Người đàn ông run giọng.
Có phải chị đấy không?
Người đàn bà gật đầu. Chị cũng vừa nhận diện ra người thanh niên gần ba mươi năm trước đã bất ngờ tạt bước qua đời mình như một cơn bóng đè thất lạc nửa vời. Chị bàng hoàng.  Khuôn mặt rụt rè khờ khạo trong buổi tiệc cưới râm rang khẩu hiệu, tập kết hiệp thương. Đêm bên chồng bất lực, cô gái nằm nghe tiếng sông trôi, tiếng thở dài con nước lửng.  Sự gán ép thô bạo mưu toan tuy chẳng tì vết gì đến cô gái miền Nam tràn đầy sinh lực đã làm rớt giọt lệ oan khổ bị mang tiếng là gái có chồng tập kết.
Chị nhìn cặp môi dày thâm tái run run trên  khuôn mặt gã cán bộ già còn xanh mét vết Trường sơn mà lòng nghẹn trào cơn giận khi nghĩ tới hoàn cảnh bi thương tan nát của gia đình người anh.
Người đàn ông thì mừng khấp khởi. Trí nhớ gạn lọc đưa ông trở về những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trên đầu sông Thu Bồn. Giữa mớ hình ảnh hỗn độn của buổi tiễn đưa người tập kết xuống đò dọc về Hội An nổi bật lên bóng dáng cô gái đứng lại trên bến sông đã gieo vào lòng gã đàn ông chút hi vọng mong manh.  Nhiều năm qua, sau mỗi cơn say hay những lần cải vã thô tục với người vợ ngày càng đanh đá, ông thường mơ màng về một cuộc trùng phùng có vợ hiền con ngoan để che dấu mặc cảm bất lực của mình. Vậy mà giờ đây khi gặp lại, người đàn ông sợ sệt tới đắng lòng. Ông sợ chút hi vọng cuối cùng rồi cũng chẳng cầm giữ được. Ông ấp úng.
Thế mình có gì với nhau không sau ngày tôi ra Bắc?
Người đàn bà cất tiếng cười lớn, vặn hỏi lại.
Có hay không, ông tự biết lấy, tại sao lại phải hỏi tui? Vậy ông được mấy mặt con với vợ ngoài Bắc?  Trong này, tui lấy chồng, sống hạnh phúc, có con. Chồng tốt giống, tui mắn con. Có thêm vài đứa là chuyện dễ dàng  nếu cách mạng mấy ông không rình ám sát chồng tui.
Hi vọng cuối cùng rã tan theo tiếng cười của người đàn bà xoáy động vào tim, đau nhức gấp bội lần tiếng chưởi rủa chanh chua của vợ. Người đàn ông ôm đầu ngồi bệt xuống sân gạch.
Người đàn bà quấn lại chiếc khăn rằn lên đầu, ngồi xuống thềm hiên nhà. Khuôn vải miền Nam ôm giữ mái tóc dài, chở che mưa nắng như một thói quen không rời giúp lòng chị bình an trở lại. Chị dịu giọng.
Cũng may. Dù sao anh với tui cũng là bà con làng nước. Ngày đó nếu mà có gì với nhau thiệt là muối mặt với họ hàng.
Ánh mắt của gã cán bộ khựng lại trên khuôn mặt người phụ nữ miền Nam đoan hậu lúc chạm phải tia mắt nhìn thẳng thắn của bà. Ông hất hàm về phía căn phòng trống.
Mộ anh chị ấy ở gần nhà mới ngoài cửa biển.  Con gái út tên Nữ là giáo viên, nghỉ hè đang làm lồng đèn ở hợp tác xã ngoài phố. Thỉnh thoảng mới về đây ở lại qua đêm thôi. Ối giời, cô Nhi bên Mỹ cứ gởi tiền về nườm nượp, xây lăng đắp mộ chả thiếu thứ gì. Cậu Niên thì vượt biên bị bắt, sau đó được cách mạng khoan hồng cho đi lao động với thanh niên xung phong. Chắc cũng sắp về thôi.
Chị ngồi loay hoay nôn nóng nghĩ tới hai đứa cháu côi cút. Hình ảnh bé Niên nằm say ngủ trong nôi hai mươi mấy năm trước buổi sáng chị bỏ nhà đi từ trong trí nhớ hiện lên dằn vặt, rõ ràng.
Về thăm Hội An lần này chị ở đâu?
Câu trả lời khiến người cán bộ ngạc nhiên đứng bật dậy, hỏi dồn.
Thế à!? Chị trông con cho cô Quế cả hơn năm nay à!? Con trai cô ấy lên ba rồi à? Thế thì tốt thôi. Gia đình cô Quế mới về hôm qua hèn nào mấy ngày trước tôi đến nhà đồng chí chủ tịch huyện báo cáo công tác mà chẳng nghe nói gì sất.
Mãi tiếp tục câu chuyện họ vô tình không hay biết bà vợ của người cán bộ đang nén ghen tương anh ách trong lòng đứng rình lén nghe đối thoại giữa hai người.  Bà ta còn ngạc nhiên hơn cả chồng về chuyện đứa con trai của Quế nhưng không bị sự xúc động làm mụ đi đầu óc tính toan của mình. Người vợ vừa chộp được cơ hội quí giá ngoài sức tưởng tượng để tâng công.
 
Nhà  chị định đi đâu thế!?
Cơn ghen vừa tìm được chổ trào.
Đi đâu thì mặc xác bố bà.  Đứng đây mà nghe vợ chồng cũ chúng mày ỉ eo à!
Người vợ lồng lên, rồi khuất mình sau cánh cửa đóng sầm. Người đàn bà cũng đứng dậy chào gã cán bộ.
Thôi, tui cũng chào anh tui về.
Chị sửa lại chéo khăn, cười cợt.
Ở đây rồi không khéo bà nhỏ dẩn công an khu vực vô bắt ghen bà lớn thì phiền lắm.
Cánh cổng khép lại sau lưng. Người đàn bà đứng dưới vòm bông giấy lặng nhìn con phố liêu xiêu dãy mái nhà rêu đọng. Hơn hai mươi năm mà tưởng như mới hôm qua. Chị thở dài dõi mắt như thấy bóng mình hai mươi tuổi bước qua từng buổi phố trưa, dãy hiên nhà thấp xuống im lìm và những vạt nắng màu vàng nghệ nằm rớt lặng mặt đường. Phố vẫn cũ như ngày xưa và người về thì già nua, thất lạc từng bước muộn phiền.
 
Tiếng liếp cửa chống kẻo kẹt khiến người đàn bà giật mình trở về với thực tại. Cô cháu gái bước xuống hiên nhà, mau mắn hỏi chào.
O Đà dậy sớm rứa? Tại lạ chổ hay vì hai o cháu mình đêm qua nói chuyện nhà tới khuya bị quá giấc ngủ? 
Cả đời người bốn năm chục tuổi đầu thiếu chi chuyện để mà nhớ cháu. Đang lúc nhớ con, rồi nghĩ thương thằng cu Hiên cha con thất lạc không biết nhau thì bầy chim bay qua ồn quá. Thức dậy thắp nhang cho cha mẹ cháu rồi ra đây đứng. Sông nước làm o nhớ tới bến đò Cà Tang thời con gái.
Đồng hồ báo thức của cháu đó O. Bầy chìm ăn cá sáng nào cũng rầm rĩ bay từ đầm sông ra biển. Riết rồi quen. Những đêm ở lại phố, sáng ra cháu lại thấy nhớ cái tiếng  quang quác buồn buồn đó.
Chiều qua lúc O vừa bước vô hợp tác xã, cháu cứ nghĩ là mẹ chiến sĩ miền-Nam-thành- đồng ra mua lồng đèn đem về Bến Tre bán. May mà bà bạn của mẹ cháu vẫn còn nhận ra
O thì nhận ra cháu ngay dù ngày rời Hội An cháu vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Hai chị em Nhi Nữ giống nhau như hai giọt nước.
Người đàn bà vuốt tóc đứa cháu gái côi cút, giọng khản lại vì xúc động. Hai mươi mấy năm dài dồn lại một ngày với quá nhiều chuyện thương cảm oái oăm diễn ra cùng một lúc làm O muốn ngột thở. Bất ngờ gặp lại người chồng cũ tập kết mà O không hề nghĩ tới suốt đời mình, trong lòng càng hận vì chính vợ chồng ông ta đã  tiếm đoạt cơ ngơi và tiếp tay làm tan nát gia đình cháu. O định bụng đi nhanh về nhà để kịp chăm sóc cu Hiên rồi chiều ra hợp tác xã tìm thăm cháu. Bước vô ngỏ nhà cô Quế, chưa kịp ngạc nhiên khi thoáng thấy vợ ông ta đang hấp tấp đạp xe ra về thì đã thấy Quế bồng cháu Hiên đứng chờ, nét mặt đầy kích động âu lo. Mắt rưng rưng, Quế không nói lí do, chỉ đưa cho O một số tiền khá lớn rồi bảo phải ra Đà Nẳng ngay để chờ sáng mai về Sài Gòn sớm. Quế còn dặn dò không được để chồng cô ta thấy mặt. O khóc, dành bồng cu Hiên xin cho tắm rửa cháu một lần cuối trước khi khăn gói rời nhà. Cu Hiên vẫn ngây thơ nghịch nước trong lúc O cứ sụt sùi vì không còn dịp để chăm sóc nâng niu đứa bé kháu khỉnh dễ thương mà tự nhiên O vẫn thương với mối cảm tình đặc biệt mơ hồ từ hơn một năm qua. Cho đến khi gặp cháu ở hợp tác xã, rồi o cháu trò chuyện suốt đêm qua, hiểu ra O lại càng thương hoàn cảnh oan trái thương đau của cha con Niên.
Nữ cầm chặt tay o Đà nói qua hàng nước mắt.
Có O ở lại giúp đi tìm anh Niên cháu mừng ghê.
Hình ảnh bé Niên đói sữa trong nôi buổi sáng O Đà bỏ nhà trốn đi hiện ra rõ ràng  trong trí tưởng, người đàn bà lau nước mắt cho đứa cháu gái, ân cần khuyến khích.
O cháu mình sẽ tìm ra Niên. Anh em cháu sẽ gặp lại nhau. Cu Hiên sẽ gặp lại cha nó. Ông Trời đã xui khiến cho O được chăm sóc cu Hiên hơn một năm qua thì chẳng thể nào lại làm ngơ không cho cha con sum họp đoàn viên.
Nữ mỉm cười nhìn O Đà tin tưởng. Buổi sáng hôm đó hai o cháu khóc cười với  nhau bên mộ người thân. Từ khu nghĩa trang nhìn xuống đầm sông, sương đã tan, mặt nước long lanh nhảy múa dưới ánh mặt trời đang lên. O Đà nghĩ tới chuyến trở về đong đầy định mệnh, xoay kín vòng thời gian suốt cuộc đời người. Những ngày sắp tới, chuyến đò dọc sẽ đưa O từ tận cuối dòng sông Thu ngược bến Cà Tang. O về thăm mộ phần cha mẹ, thăm lại bến đất quê hương và làm lành với  những trách cứ vẫn nặng lòng mình bao năm qua… Nhìn sim dại hoang tím vùng cát trắng nghĩa trang, O Đà bâng khuâng tự hỏi có phải trên bến đò Cà Tang cũng có hoa sim. Hay là hoa đổ quyên? Có tiếng Nữ gọi O Đà quay lại cùng lúc với ánh chớp lóe lên.
Hình chụp lấy liền đó O. Cháu sẽ gởi qua chị Nhi để xem chị có nhận ra O không? 
 
O Đà thở dài. Hình như tiếng chim tu hú kêu bầy trong đám mía còi dọc bến sông vẫn còn cô quạnh trong trí nhớ.
 
 
 
Phan Thái Yên
(từ Căn Nhà Sau Cửa Biển)

Xem Tiếp: ----