Đ ôi khi tôi tự hỏi rằng, những người đàn bà quanh tôi, họ sống vì điều gì. Ngoại tôi, mẹ tôi, chị tôi, người đàn bà láng giềng, và cuối cùng, tôi biết rằng mình chẳng bao giờ biết được điều đó.Tôi không biết những buổi chiều như thế này, mẹ đang làm gì. Trong thư mẹ viết: " Mẹ nhớ con lắm ". Chỉ viết được bấy nhiêu đó.Có lẽ mẹ đã nhờ ai đó trong xóm dạy cho những con chữ như trẻ con này. Và tôi cũng biết, mẹ đã viết nó sau buổi ra đồng, chờ khi mọi người đi ngủ, mẹ lần mò thắp đèn:" Mẹ nhớ con lắm". Hàng chục lá thư mẹ gởi cho tôi, nét chữ ngoài bìa thư không bao giờ là của mẹ, của chị, nét chữ đó của cô bưu tá. Mẹ đã len lén đi bốn cây số xuống thị trấn, rồi mẹ đọc cái địa chỉ của tôi cho một người lạ.Mẹ làm điều ấy vì cớ gì, tôi không bao giờ dám hỏi. Tôi sợ mẹ không thể trả lời thư cho tôi ngoài chữ:" Mẹ nhớ con...".Bây giờ đã là cuối đông rồi. Cái lạnh như núi đồi, chúng trải dài khuất lấp tầm mắt tôi. Tôi nhớ mùa xuân 1957, một nỗi nhớ qua một nỗi nhớ của người khác, ngoại tôi. Ngoại đã ôm một đàn con bảy đứa trốn chui trốn nhủi vào nơi này. Ngoại đi trốn món nợ tiền kiếp của đời mình, đó là ông. Ông say, ông uống rượu và ông đánh đập. Ông chỉ vì rượu thôi.Ngoại nói như vậy. Nói mà không một chút giận hờn. Ngày xưa, ông chịu khó làm ăn, nhưng vô phước, ngoại không đẻ được con trai. Thế là ông buồn sinh tật. Ông không kể gì nước sôi, nếu có nước sôi trong tay. Vết bỏng trên tay ngoại, nó đã liền da hai chục năm rồi. Thật kỳ lạ. Người ta có thể nhìn vào một vết bỏng để nhớ về cuộc đời mình. Để chạy trốn từ Bắc chí Nam.Từ Ban Mê Thuột, ngoại đem bảy đứa con vào Sàl Gòn. Yên ấm một thời gian bỗng dưng ông lù lù xuất hiện.Thế là ngày ngày cung phụng rượu thịt cho ông. Rồi chứng nào tật nấy, ông lại đánh đập. Biên Hòa là cái đất cuối cùng ngoại đến. Ông cũng chẳng tha đâu, nhưng sức lực chẳng còn để mà đánh nữa, già rồi, sự độc đoán cũng bị chi phối theo tuổi già mà tàn lụi đi.Và đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời ngoại. Những năm tháng được tính bằng con số ít ỏi, bốn năm. Bà ngâm Kiều thanh thản nơi góc vườn. Và như chiều nay, bà đẩy chiếc xe lăn cho ông nhìn khu vườn, để rồi nghe được một giọng nói khàn đục: " Bà nó ơi...". Mái tóc bà bạc trắng, bà đưa ông đi, mái tóc ông cũng bạc trắng như vậy. Tuổi già như một thứ trái chín trên cành, thơm là thơm mùa cuối. Những buổi chiều như chiều này, một chiếc lá vàng đã rơi vào tay tôi. Thằng con tôi nói, bố ước đi, đến ba điều đó. Tôi đã nói với nó rằng, bố ước gì con có được ba điều ước. Rồi chợt giật mình, hình như tôi chỉ ước toàn những điều cho con tôi, mà con tôi chính là của tôi. Tôi chưa ước điều gì cho mẹ, cho chị, cho tất cả những gì không thuộc về mình. Buổi sáng, tôi đã uống cà phê quá đà rồi lơ mơ thấy cuộc sống như một vết xe. Chúng đã trợt qua trên chiếc kim đồng hồ của mọi thứ. Vợ tôi giờ này có lẽ vẫn còn nằm ở nhà. Nàng chẳng bao giờ tin, một buổi sáng nhìn ra mặt đường sẽ đem đến cho người ta một ý nghĩ tuyệt vời nào đó. Nàng chỉ tâm niệm mỗi một điều thôi cách giữ chồng khéo nhất là cho chong ăn ngon. Vậy đó. Và đôi lúc nàng không tránh khỏi gieo vào đầu tôi cái ý nghĩ, nàng đang đối xử với tôi như một con heo. Vừa tạp ăn vừa xa xỉ. Một ngày nàng nấu ba bốn món ăn, mỗi món đều có hương vị của thiên đường. Ăn đi mình. Rồi nàng kiên nhẫn chờ tôi nói một lời gì đó. Đôi mắt nàng làm tôi đau. Một cơn đau nhói đâu đó từ phía sau lưng như bị một phát đạn của sự yêu thương. Những yêu thương luôn làm tôi bối rối. Tôi nhớ chị tôi, năm mười tám thì lấy chồng. Chồng chị chẳng bao giờ trò chuyện vơi gia đình tôi, gặp mặt chỉ cười cười,thế là đủ. Và chúng tôi phải tập yêu thương anh như yêu thương một cái gì không nói, một cái gì chất chứa câm nín. Một năm.sau bỗng dưng anh trở bệnh và đột ngột mất.Tưởng chị bơ vơ một lúc, hóa ra một đời. Những tình yêu không nói khi mất đi còn lớn hơn những gì đã nói. Nó lớn đến nỗi bủa vây cuộc đời chị. Buổi chiều đi ra cánh đồng tôi thấy chị cuối mặt trên những đường cày như đang tìm những dấu vết. Mà một đời người có để lại nhiều dấu vết đâu.Thi thoảng trên những mảng tường, những hàng cây đang mọc, trên những chiếc hoa be bé trong vườn, cái nào là dấu vết của anh. Để rồi tuổi xuân của chị tôi vùi sâu ở đó, quên lãng và một mình. Sau bốn năm lặng lẽ sống bên bà, cuối cùng ông tôi cũng ra đi vào một ngày muộn màng.Ông vội vàng đến đỗi tôi chưa kịp hỏi ông lời nào về cuộc sống này. Chỉ còn con vẹt, nhân chứng từng phút cuối, một nhân chứng mơ hồ không có gì khác ngoại trừ một lời nói mà những ngày nhàn rỗi cuối đời ông đã dạy cho nó nói lời của ông. Vừa ho khù khụ, vừa rụt rè, vừa khàn đặc. Nó rống lên: " Vân Tiên cõng mẹ khụ khụ, cõng me, khụ khụ...". Đó có phải là giọng nói của ông tôi? Chỉ biết bà đã khóc khi nghe những lời nói đó.Lạ lùng làm sao dấu vết của một đời sống chỉ còn bấy nhiêu, một đời vẫy vùng càn quấy chỉ còn bấy nhiêu trong tiếng vẹt hằng đêm không ngừng réo gọi. Chị tôi sợ lắm bảo thả con vẹt đi, nhưng ngoại tôi không đồng ý. Không có gì kinh khủng hơn những buổi chiều tối trong căn phòng không ánh đèn, ngoại thu lu ngồi nghe con vẹt nhắc lại những âm thanh cũ. Những âm thanh đã chết từ rất lâu, lâu đến nỗi tôi không thể hình dung nếu như không được nghe lại chúng.Tôi vội vàng thắp đèn, rồi bỗng dưng giật mình khi thấy tóc ngoại bạc trắng. Đó là một sắc màu sợ hãi và bí ẩn lớn nhất của cuộc đời mà tôi đã gặp. Tôi không biết ngoại đã nghĩ điều gì trong buổi chiều như vậy, nghĩ gì khi khóc thương những âm thanh kia. Chiều nay tôi lại nhận được thư mẹ: " Mẹ nhớ con. Khi nào rảnh, con nhớ về ". Mẹ đã viết được thêm một vài con chữ mới. Thật lạ lùng làm sao những con chữ này, chúng như nhảy múa, chúng vật vã vì chứng yêu thương. Chúng là tất cả những gì mà mẹ tôi có thể.Tôi đã đi dọc suốt chiều dài của buổi chiều hôm nay. Chiếc lá đang rơi nào là điều ước cho mẹ tôi, cho tôi, và cho thêm một ai đó. Chúng đã rơi hàng vạn lần trên con đường này, chúng đã rơi như một thói quen, và tôi cũng đã sống như một thói quen mỗi khi đi qua. Quen cả những điều lạnh lùng hơn một chiếc lá. Buổi tối tôi nhìn lại hình mẹ trong những tấm ảnh đen trắng vàng úa rồi chợt giật mình, mẹ cũng có một thời thật đẹp đẽ với chiếc áo nhung đen cổ lọ và mẹ thoa son. Nhưng hình như chưa bao giờ thấy mẹ cười dù chỉ một lần trong những tấm ảnh như vậy. Có thể lúc đó mẹ không quen chụp hình, nhưng cũng có thể những điều ấy đã nằm sẳn trong cuộc đời mẹ từ lúc nào rồi.Chúng đã dự báo một điều gì bất an luôn thường trực xảy ra.Trong ảnh, mẹ đang ẵm tôi. Tôi bận một chiếc áo màu nhạt. Và tôi đang khóc. Tôi đã khóc mãi không cách gì dỗ được nên cuối cùng ông thợ ảnh đành phải ghi lại một " pô" vào thời điểm như vậy. Cái miệng ngoác ra không âm thanh. Nhưng lạ lùng thay tôi như nghe thấy những tiếng động gào thét từ những câm lặng đó. Nó đã thét một lần vang vọng đến bây giờ.Năm đó mẹ tôi vừa tròn hai mươi. Hai mươi tuổi đã là mẹ của hai đứa con. Nhiều lúc tôi cứ hay suy nghĩ vẩn vơ, mẹ đã hưởng được bao nhiêu năm cái thời con gái của mình. Tất cả như lớp phấn hồng cứ chìm xuống, chìm dần, chúng chìm đến độ tôi quên bẵng một điều mẹ cũng đã từng có một thời cổ lọ với nhung đen. " Tết này con nhớ về. Mẹ nhớ con lắm ". Lại thêm một lần nét chữ của mẹ. Công này tôi vừa được biết là thuộc về con bé Lan trong xóm. Nó đã dạy cho mẹ tôi, hay nó đã dạy cho tôi một bài học yêu thương là phải như thế này. Tôi đã viển vông thật nhiều, đã bay bổng thật nhiều nhưng chưa hề nghĩ đến một việc cỏn con là cần phải chỉ cho mẹ một tiếng nói để mẹ có thể gói nó lại trong những phong thư, vì mẹ luôn luôn muốn nói một điều gì đó với đứa con bằng phong thư. Lá thư của mẹ đã nhắc tôi nhớ rằng một mùa xuân đã đến khẽ khàng như tiếng thở dài ở ngoài kia, cùng hàng loạt điều ước của mẹ đã rơi rụng như lá vàng mà tôi đã nhặt. Bảy năm rồi. Chiếc xe đò bì bõm mùi cá mắm. Những khuôn mặt như chật chội vì những lo toan, tất cả ùa về ngầy ngật.Căn nhà cũ vẫn vậy như năm xưa lúc bố tôi còn sống. Bây giờ còn lại ba người đàn bà mà tôi yêu: ngoại, mẹ và chị. Chị nắm tay tôi run run, không biết nói một lời nào. Tôi luôn sợ một tình cảm không nói như người anh rể trước. Đó là một thứ tình cảm lớn lao mà đời tôi không bao giờ muốn gặp. Như một thứ điềm báo quỉ quái nhất trên cuộc đời này. Cuối cùng thì chị cũng òa lên: " Em về chị mừng lắm ". Mẹ tôi chạy ra rồi cũng như chị rồi khóc rồi cười. - " Ngoại đâu rồi chị? ". - " Ngoại đang đi tìm con vẹt. Dạo này nó già lắm rồi, cứ chạy lung tung trong vườn rồi quên đường vê. " - " Nó vẫn còn ngâm Lục Vân Tiên chứ? ".- " Không. Nó chỉ ho khù khù.Hình như nó không còn nhớ nữa". Đó là điều tồi tệ của trí nhớ mà tôi vẫn biết qua cuộc đời mình, như cái thùng rỗng, tôi chỉ kêu to một vài lần khi nỗi nhớ thổi qua, và chỉ có thế thôi. Tối ba mươi mẹ thì thào: " Chị mày dạo này hư lắm, nó uống rượu con à. Hãy lựa lời mà khuyên nó hộ mẹ". Hèn gì đã ba hôm nay tôi thấy chị thập thò trong chiếc bàn góc tối. Chị ngồi im một mình khiến đôi lúc tôi chợt nghĩ chị muốn sống một khoảnh khắc cho riêng cuôc đời chị. Chị được quyền làm điều đó chứ. Chị đã hi sinh cả cuộc đời mình có gì riêng cho chị đâu. Tôi đã rót một ly rượu dúi vào tay chị trong cái đêm ba mươi này và chị bật khóc.Chị khóc tức tưởi như một đứa trẻ chợt thấy một ai đó bênh vực mình. Mùi nhang khói từ ngoài sân ùa vào như một thứ bùa mê, chúng đã phanh phui từng nỗi nhớ một của đời tôi. Từ khu vườn cho đến khúc sân mà ngày xưa bố đã đổ từng giọt mồ hôi trên đó, tôi cứ miên man đi trong sự bận rộn kỳ bí cho đến khi vấp phải một người đàn bà. Đúng vậy, một người đàn bà nhỏ đang ngồi thu lu trong góc vườn, và đang che giấu điều vĩ đại nhất.- " Ai? ". Tôi hét lên. Cả nhà đổ ra, - " Trời ơi con Lan, mày làm cái gì vậy? ".Hình như tiếng mẹ tôi. Rồi mọi người kéo vụt đi. Bây giờ, trong cái ánh sáng nhập nhòa góc nhà tôi mới kịp nhìn rõ cô gái, độ chừng mười hai tuổi. Cô đang ẵm một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn trong một chiếc áo mỏng mong manh hơn bao giờ hết. -" Mày ẵm con ai vậy? ". Chị tôi gào lên. Cô gái trẻ cúi gằm xuống rồi bỗng dưng òa khóc.-" Nó là... con... em... em vừa mới sinh nó ngoài đồi cát... Em lạy chị...".-" Trời ơi, mày đã trốn ra đồi cát rồi tự sinh một mình à? Mày có điên không! ".-" Em lạy chị, em không muốn vứt nó nữa. " Cô gái khóc ngất trong cánh tay tôi -" Em chỉ xin chị cho con em đêm nay được ở trong một căn nhà. Qua ba ngày tết em sẽ đi...".-" Cha nó là thằng nào? ".Chị gào thét như tát nước vào mặt Lan. Tôi biết điều đó. Chị gào lên vì ganh tị, vì chị là đàn bà, một người đàn bà đã sống gần hết cuộc đời mình với cái bụng rỗng không mà chưa từng được ấp ủ một đứa trẻ nào. Chị đành phải uống rượu, chị tập say. Nhưng rượu không thể đem lại cho chị một cảm giác được làm mẹ. Bây giờ bỗng dưng có người tát vào mặt chị rằng họ đang thừa mứa đứa con của mình. Họ lên đồi cát và tìm cách vứt nó. Họ vô tình phỉ nhổ vào cái điều mà chị đã mong đợi. Tôi cứ miên man nhìn vào khuôn mặc đứa trẻ ấy, nhìn vào đôi mắt, cái miệng. Lâu rồi, lâu lắm, tôi đã từng mang một hình hài như vậy. Và bây giờ trong mắt mẹ, tôi cũng chỉ mang một hình hài này thôi. Tôi tự hỏi, đêm nay, đứa bé này, nó có phải là vô phước không khi có đến những hai bà mẹ. Chỉ cần một thôi là nó đã đủ sự vĩ đại mà lớn lên. Nó xứng đáng được làm một đứa trẻ giàu có nhất, xứng đáng được sinh ra bằng hai tình thương của hai người đàn bà bị lãng quên này. Tôi cứ miên man nhìn vào đôi mắt nó cho đến hồi chị mang nó đi, chị lặng lẽ đặt nó vào giường, âu yếm giăng mùng cho nó. Chị vội vã xuống bếp mang lên một lò than nhỏ. " Ngủđiconcủa mẹ ". Tôi nghe chị nói. Tôi nghe ngàn lần trong cái đêm ba mươi này. Có nán lại thì đồng hồ cũng đã điểm sang một ngày mới.Một ngày mới kỳ lạ của cuộc đời chị tôi, tôi biết thế. Và tôi còn muốn nói rằng, đó là ngày làm mẹ của chi. Ngày - của - mẹ, chỉ có mỗi một ngày của mẹ là ngân dài bất tận trong cuộc đời nàymà thôi. Và mọi thứ đều bắt đầu từ đó.