Mả mẹ mày… làm ăn như củ kít”. Cây thước thợ gõ xộc lên gờ tường mới xây. Lớp gạch phía trên ngã bổ xuống, vang thành tiếng động lộc cộc khô khốc. Cây thước quay ngang qua phía đầu Tỏ. Tiếng “cốc” nhỏ, rất nhỏ như tiếng con chim gõ kiến gõ vào cành cây khô. Tỏ xoa xoa chỗ đau, đưa chiếc bay lên và kịp hạ xuống. Chiếc bay hạ xuống để nghe tiếp câu chửi: “Đ. má… đầu mày chứa toàn bùn thúi và phân trâu”. Tỏ cúi xuống mảng tường vênh, đè chiếc bay lên phân gạch nhớp nháp vữa. Cây thước thợ di chuyển qua phía bờ tường bên kia, nơi toán thợ đang gác tấm lanto.
 Tỏ  nhìn cây thước thợ di chuyển, nhìn dáng đi lạch bạch của con vịt bầu, đầu chực ngã chúi về phía trước. Chỉ cần một tích tắc thì cái bay vung lên, nhưng Tỏ đã ghìm lại, nén cơn giận xuống bàn chân phải, đá tung lớp gạch vừa xây, ném chiếc bay lên không, bước thẳng.
 Gió  lùa qua hai tai, nắng tháng Sáu ập xuống như lửa từ bễ rèn phụt ra. Cả công trường xao bay, phậm phực trong hơi nóng. Những gờ gạch xây chao lên hập xuống như gió nâng kéo chiếc lá trên cành trôi trong lớp không khí loãng. Đồng nước phía trước sáng trắng đến loá mắt. Tỏ men theo con mương cụt thất thểu quay về xóm.
Bộ  phảng ngựa kê ở đầu chái phủ lớp bụi mỏng. Tỏ không phủi, nằm ình xuống, đầu gối lên hai tay, mắt ngó đăm đăm vào giàn rui kèo cong vểnh, liên tưởng đến thân phận của thằng người vêu vẹo, lồi lõm là nó.
“Công trường bữa nay nghỉ sao?”. “Không”. “Đau bệnh gì  à?”. “Không”. “Sao vậy?”. “Không làm nữa”. “Mẹ cứt, không làm thì lấy gì nhét vào miệng?”. “Ăn trộm…”.
 Sáu Xường ném chiếc cuốc lăn lóc xuống nền đất, tru lên: “Thằng mất dạy. Ăn nói với cha mẹ cứ  như ném cát vào mặt. Không đi làm thì lấy gì  ăn?”. “Nói rồi. Không làm thợ xây nữa. Mai đi Sài Gòn tìm việc khác. Mỗi tháng gửi về năm trăm được chưa?”. “Đúng là đồ ăn trộm, quân bất nhơn!”. “Sao cha không ra công trường chửi vào mặt tụi ăn trộm đó. Mà không phải ăn trộm đâu. Cướp. Chúng nó lắm tiền nhiều thế, đi cướp của thằng dân mạt rệp đó”.
 Sáu Xường không nhìn con, lạch bạch ra giếng kéo nước rửa đôi chân mốc cời, trong khi Tỏ vẫn nằm gối đầu trên hai bàn tay bắt chéo vào nhau, lơ mơ nghĩ về thân phận cong oằn của mình và ngủ thiếp trong cơn nóng hầm hập từ mái tôn dội xuống.
Cơn nóng kéo Tỏ chìm lút trong cơn mộng mị hãi hùng. Anh thấy mình cầm chiếc xà beng đào sâu phần bờ ruộng nhà, hất tung những dãy bê tông đè bên trên, đẩy ra xa thật xa khu công trường đang thi công, giành giật từng phân vuông đất, moi từng hốc nhỏ nối lại, cong người đẩy tới. Những lọn cỏ nát nhão trộn lẫn chút cát, vữa, gạch vụn như cái xác con gà bị bánh xe cán nhẹp trên mặt đường, lầy nhầy, sền sệt… Những dề đất kết lại rồi vỡ ra, trôi theo sức đẩy cật lực của thằng con trai tuổi hai mươi. Người mẹ từ hướng núi bay về, tóc rũ rượi, mặt đầy máu níu thằng con lại, giọng gào khản đặc: Mẹ van con! Xưa chúng giết mẹ dưới dốc đá. Giờ mẹ không muốn con chết theo mẹ. Tỏ vuột ra khỏi đôi tay người mẹ chỉ còn những đốt xương trắng hếu rung lên. Tỏ lao tới. Mảnh ruộng vuông vức khi xưa theo cơn giận dữ cuồng dại bị xô nghiêng, lệch thành nhiều hình thù kỳ dị khác nhau: khi thì như lưỡi mác, lúc bè ra mỏng dẹt như bánh tráng, lúc như ống thổi lửa… rồi rơi tòm xuống đáy sông. Bà mẹ ngã sấp xuống nền cát cháy đầm đìa máu me, hai tay chấp chới trong khoảng không liếp màu máu bầm. Tỏ hoảng hốt la lên. Mồ hôi chảy bè trên mặt ván ngựa. Anh mở mắt chỉ kịp thấy mái rui kèo cong vòng như chiếc võng gai sắp câu mình lên cao.
 Mặt trời nhỏ lại bằng chiếc dĩa, dính chặt lên  đỉnh núi phía tây rồi lăn từ từ xuống.Khối đỏ nhoè nhoẹt mất hút.
-Tui qua nhà bảy Lụa - Tỏ kéo dài giọng, bước ra khỏi bờ sân gạch.
 -Đàng hoàng với con nhà người ta – Tiếng ông Xường đâu đó trong gian nhà tối vọng ra, nhỏ như  tiếng thở dài – Năm tới tao qua nhà hai Trương bàn chuyện cưới hỏi. Lo làm ăn, dành dụm tiền là vừa.
-Xì... - Lời phản kháng hệt đầu máy hơi nước phun ra, cố  gắng rướn tới, kéo hàng dãy toa nặng nhọc, ì ạch lăn về phía trước.
Tỏ  bước thẳng. Bước đi nặng nề không dám ngoái nhìn căn nhà cũ kỹ ọp ẹp. Bao nhiêu dự tính bị chôn sâu dưới những tầng bê tông đè lên. Chỉ cần hai mùa lúa, Tỏ sẽ mua gạch xây lại căn nhà. Một mùa nữa sẽ dẫn bảy Lụa về hôm sớm cho cha. Vậy mà giờ này bước ra khỏi ngõ, chệnh choạng như kẻ trốn chạy.
 Trời tối hù. Qua mấy truông tre dài hun hút, Tỏ xuôi ra phía gò Mãng Cù. Những bụi trâm bầu nối dài chạy dọc hai bên đường kéo bóng tối đậm hơn. Những hình thù kỳ dị nhấp nhô phía trước, theo từng bước đi cao thấp trên các mô đất lồi lõm trên mặt đường. Căn nhà bảy Lụa chìm sâu bên trong vườn dừa, hắt ra chút ánh sáng yếu ớt. Tỏ dụ dự một lúc rồi bước thẳng ra đường đất đỏ, phía sau là căn nhà chìm khuất sau vườn dừa, hàng trâm bầu, truông tre và căn nhà xiêu vẹo…Tỏ hiểu rằng, nếu không đi nhanh, chỉ một thoáng chao lòng anh sẽ chạy vào, sẽ chu môi giả tiếng chim cú và Lụa sẽ bước ra, ngã vào đôi tay chắc khoẻ. Lụa sẽ hoá thành sợi dây thừng cột chặt Tỏ lại. Và lại sẽ nắm chiếc bay lên, sẽ gồng mình đẩy từng xe cát gập ghềnh cả đời người…
Mặt lộ thênh thang gió, thênh thang những ruộng mạ  thiệp đen bóng tối, nhấp nhô sau công trường. Chiếc túi vải trên lưng đung đưa theo nhịp bước chân chạm vào vùng thịt da, cơ hồ như có bàn tay Lụa đang xoa lên những chỗ đau ê ẩm sau một ngày đội nắng trên giàn xây.
Bàn tay Lụa xoa mãi trên lưng tới ngả tư quốc lộ, Tỏ chuyền túi vải xuống tay trái, ghé mông lên cột số. Trời tối đen. Xóm làng phía sau lưng là một khối đen đậm đặc. Những hàng tre, mái tranh, ruộng đồng, rặng trâm bầu và khu công nghiệp dính chặt vào nhau, không thể nhìn thấy rõ ràng đâu là mái đình, đâu là cầu ao nơi hai đứa thỉnh thoảng hẹn hò lúc đêm tối trời.
Phải  đợi khá lâu mới thấy ánh đèn nhấp nháy từ  xa. Chiếc xe khách trờ tới. Tỏ bật dậy chuyền túi vải qua tay phải giơ lên.
 -Đi  đâu? - Người phụ xe hỏi nhanh như viên bi bắn ra khỏi tay.
 -Sài Gòn - Tỏ đáp.
 -Trăm rưởi.
-Trăm hai.
 -Chạy - Người phụ xe hô lên như người chỉ  huy hô lính xung phong.
Tỏ  đuổi theo vừa la “trăm rưởi, trăm rư…ởi…”. Tỏ  chạy hụt hơi, vừa nhẩm tính trong đầu: tới bến vẫn còn chín chục, đủ để sống hai ngày ở đất Sài Gòn trước khi tìm ra công việc gì đó. Xe dừng. Tỏ lao lên như con chim cắt. Lúc ngồi yên trong lòng xe, nước mắt tự dưng trào ra, lăn xuống bên khoé môi mằn mặn. Anh cảm thấy tim mình bị bóp thắt. Anh tưởng tượng người cha già khọm sẽ hoảng hốt khi thức dậy không thấy mình ngủ trên bộ ván ngựa, con Lụa sẽ khóc nức nở khi biết nó chỉ còn lại một mình trong vườn dừa âm u. Mẹ anh chết cách đây bốn năm đồng nghĩa với việc chấm dứt sự học, bấu trên bờ ruộng giúp cha việc đồng áng. Bốn năm trống trải đủ để Lụa chen ngang vào đời thằng con trai bước qua tuổi dậy thì. Và Tỏ như chiếc áo tơi móc dính trên cột. Giờ thì chiếc áo tơi bay đi, từ từ bay đi chỉ còn trơ khấc chiếc móc tre ám bụi. Tỏ miên man tưởng tượng anh sẽ ngã quỵ trên đường, rồi lại gạt bỏ ý nghĩ đen tối để mơ ngày trở về làng trên chiếc xe bóng lộn, máy nổ rì rì…Lụa ra đón ở đầu con mương nước cắt xéo nửa làng và dân trong ấp sẽ nhìn nó…
-Tới bến rồi. Xuống đi cha nộ…ội - tiếng nội kéo dài ra như tiếng kẻng hợp tác xã thuở trước, mệt mỏi và dứt khoát.
Tỏ  đeo túi vải lên vai, ngáp tiếng dài trước khi bước xuống. Bến nhộn nhịp. Những người chạy xe ôm ùa tới vây quanh hỏi Tỏ đi đâu. Anh lắc đầu bước chệnh choạng giữa đất Sài Gòn ồn ào, chen chúc và khói bụi. Bản thân anh cũng không biết đi đâu, đến đâu. Không ai là người quen ở xứ này. Hồi còn ở làng nghe nói có cô Thao con gái út thầy Sáu vì chuyện tình duyên nên bỏ nhà vào đây trên mười năm, và trước đó có mấy người vì dính líu đến chế độ bỏ trốn đâu đó trên Tây Ninh. Đất Sài Gòn rộng, người đông như kiến bò biết tìm đâu? Bước chân cứ xuôi theo con đường rộng, chật cứng người, xe; tay trái giữ chiếc túi vải, tay phải thọc sâu trong túi quần, ấn những tờ giấy bạc cong queo nằm xẹp sát đáy.
Tới ngả tư kịp lúc đèn đỏ, Tỏ trôi theo dòng người đi bộ qua bên kia đường và dừng lại trước chiếc xe đẩy bán bánh mì. Tỏ mua một ổ. Lúc lôi những tờ giấy bạc ra, nghe người bán bánh hô gọn trơn: “mười ngàn” khiến nó giật thót người. Anh hiểu rằng, đến giờ phút này trong túi chỉ còn tám chục. Tám chục để chống chọi với việc tìm kiếm việc làm mù mịt trước mắt trong những ngày sắp tới khiến miếng bánh trôi qua cổ họng vừa mặn vừa chua, khiến anh nhớ tới những miếng cơm cháy bên hông nồi, dĩa rau luộc và xoong cá kho, nhớ tói hình ảnh người cha ngồi nhai trệu trạo, luôn nấc cụt trong mỗi bữa cơm và những tiếng rên nho nhỏ đêm khuya trở trời. Tỏ đang là chỗ dựa duy nhất trong cuộc đời còn lại của ông, một ông già trên sáu mươi, goá vợ, con cái muộn mằn… Chót bánh mì cuối cùng trôi qua cổ làm nhói lên nỗi đau tê. Đúng mình là thằng mất dạy, bất nhơn, bất hiếu và kịp hiểu ra rằng, mỗi tháng không có năm trăm gửi về, cũng đồng nghĩa với chuyện đẩy cha mình men tới vực đói khát, đau bệnh. Cả thể xác và tinh thần ông đã suy sụp kể từ ngày toà tuyên án ba năm tù giam vì tội bắt tay với kẻ gian làm mất năm tấn lúa hợp tác xã. Kẻ gian ấy toà không thể “định dạng” còn ông thì cứng họng không mở miệng khai nổi. Ông đã nhiều lần nói: Thà mang tiếng và chịu nhục trong ba năm hơn là phải khai ra để tự mình bôi bẩn “lý tưởng” mà ông và cả thế hệ thanh niên nông dân đã đổi bằng máu, nước mắt, bằng sự sống và cái chết trong đường tơ kẽ tóc! Tỏ không thể hiểu cái lý tưởng trừu tượng kia là cái giống gì, vùng vằng: Tui không hiểu nổi, sao cha luôn chìa vai rước tai hoạ cho kẻ khác. Giờ lão ta ngồi chót vót ở huyện này, vậy mà có bao giờ lão ghé thăm cha, hỏi han lấy một tiếng? Mày còn nhỏ chưa hiểu lẽ đời. Có những việc biết thế nhưng không thể hé răng. Ba năm đâu là gì, đau bệnh ai chẳng có lúc? Tỏ ít chữ, nhưng nghĩ, chẳng lẽ tình đồng chí lại đánh đồng với chuyện đạo đức, trái phải. Đồng chí này thà dịp thót lên cổ, đạp lên đầu đồng chí bạn để leo lên cao. Đó mà gọi là hy sinh với phấn đấu sao? Năm tấn lúa cha Tỏ chưa hề biết một hột chắc lép trong đó nhưng lại biết nhiều hơn, về mùi tù. Đó là lần duy nhất Tỏ cồn cào ruột gan. Còn lần này lại dờn dợn bỡi nó đang tách khỏi sự chở che, thúc nhắc của cha mình.
-Ê,  ông bạn, định đi đâu?
Tỏ  ngước lên. Đó là một người đàn ông trung niên, nước da đồng hun, đội chiếc mũ rộng vành, miệng ngậm tẩu thuốc, phì phèo.
-Dạ, tới nhà bà con - Tỏ trả lời.
-Giỡn sao cha nội. Ngó bộ dạng ông bạn biết ngay là ở tỉnh mới lên – ông ta gỡ tẩu thuốc ra khỏi miệng, môi nhếch lên, lướt cặp mắt bên trong chiếc kính đen, từ đầu xuôi xuống chân rồi ngược trở lên như thể đánh giá một trái bí, củ khoai chứ không phải là thằng người đang đứng trước mặt ông ta – bà con đếch gì! Ông bạn đi tìm việc làm thì đây giúp cho. Công việc nhẹ nhàng. Giữ xe cho nhà hàng, tháng triệu rưỡi. Tháng đầu ông bạn đóng cho tôi ba trăm. Các tháng sau, mỗi tháng hai trăm cho tới khi nào ông bạn không thích làm nữa. Ok?
Tỏ  nhìn chăm chăm vào mặt người đàn ông, ước lượng mức  độ chân thật: Đôi môi thâm đen, hàng lông mày rậm, cặp mắt ẩn sau lớp kính màu tránh nắng. Tất cả chưa nói lên điều gì. Nhưng dẫu sao, tỏ nghĩ, ngồi trông xe là công việc nhàn hạ. Nghề ngỗng chẳng có lấy chút bợn, lại có công việc khi vừa mới chân ướt chân ráo đã là điều may mắn, không thể đòi hỏi hơn. Và hơn hết là có chút tiền gửi về cho cha hàng tháng trước khi đình đậu một công việc gì đó. Tỏ gật đầu. Người đàn ông gõ bã thuốc rớt xuống đường trước khi ngồi dạng chân nổ máy. Tỏ leo lên, cứng ngắt như chiếc bao tải phía sau tấm lưng to bè.
Quán nằm trong ngõ cụt, sát bờ sông, chung quanh là  các loại cây táp nham từ rừng đưa về làm cảnh, cành lá um tùm. Phía sau, cứ mỗi hai ba gốc cây là những căn chòi lợp lá dừa nước. Những tấm rèm màu xanh da trời vây quanh, tiệp với màu lá cây và sông nước trước mặt. Đó là những gì Tỏ nhìn thấy từ bên ngoài, chưa một lần đặt chân vào bên trong. Tỏ không được phép đặt chân vào!
Công việc của Tỏ là đưa thẻ và đánh số  xe cho khách, sắp xếp lại ngay ngắn thành những dãy dài, dắt xe ra cổng trả lại khách, cúi đầu nói câu  “ chúc quí khách vui vẻ hay nói cảm ơn”. Các bữa ăn không giờ giấc, do người phụ bếp mang ra trên chiếc khay nhôm. Thức ăn ê hề, nhưng chắc chắn không phải nhà bếp nấu cho Tỏ mà là thức ăn thừa của khách. Điều này không làm anh cảm thấy khó chịu, đôi lúc còn thấy như niềm hạnh phúc đang cúi xuống cõng mình lên vai: Tỏ mập hơn, cao to hơn, da dẻ trở nên hồng hào mịn mượt hơn, khi đứng trước chiếc gương soi lớn, ngay sát cổng ra vào. Anh thấy mình khác hẳn trong bộ comple màu trắng viền nẹp đỏ và chiếc mũ lưỡi trai trên đầu…Những lúc vắng khách, Tỏ ngồi trên chiếc ghế nhựa ngó mong ra dòng sông. Dòng nước đục lềnh như không hề chảy. Hàng dừa nước bờ bên kia ken dày, che khuất những căn nhà lụp xụp, mái rũ xuống cam phận, không dám ngước nhìn bờ bên này. Buổi chiều, nước thuỷ triều lên, những tàu lá dừa chúc ngọn trong dòng nước đong đưa nhè nhẹ, khiến Tỏ có những cảm giác mơ hồ về sự nhớ nhung, thoắt hiện thoắt biến, không rõ nét: khuôn mặt Lụa lờ mờ bên dưới màu nước đục, và cha anh cong người gãy khúc ở đầu chót lá. Cả hai cứ rung lên nhè nhẹ, không với cánh tay ám đất về phía Tỏ.
Một chút khắc khoải nhớ nhung bỗng gãy gập theo tiếng máy xe đỗ xịch ngay trước ghế dựa, chỗ anh ngồi. Tỏ bật dậy như quán tính chiếc lo xo bất ngờ được thả bung. Anh mở cửa xe vừa cúi gập người chào. Những người phụ nữ ăn mặc diêm dúa bước ra, ngước mặt nhìn lên trời cao và bước thẳng vào bên trong. Tỏ đóng cửa xe, dịch người qua bên làm hiệu cho xe đậu chỗ đất trống cạnh bờ sông. Chiếc xe quay nửa vòng như làm xiếc, ghếch mũi giữa hai thân dừa thẳng đuột, thở xọc một cái thả một vùng khói trắng phía sau.
Tỏ  quay đi kịp lúc nghe giọng nói sau lưng: “Anh bữa nay có vẻ thiếu lịch sự đấy nhé!”. “Xin lỗi”, Tỏ nói và quay lại. Đó là người phụ nữ mặc chiếc robe hoa cà. “Sao, chỉ có vậy thôi à?”. Tỏ luống cuống hệt như mình là đứa trẻ mắc lỗi. “Anh không phải đỏ mặt lên như thế, anh bạn trẻ và đẹp trai ạ”. Sau đó Tỏ có cảm giác như một bên vai của người phụ nữ chạm vào người mình. “Ngồi nói chuyện một chút, được chứ hả?”, bà ta lại cất giọng. “Không dám, mời bà ngồi”, Tỏ nói với giọng của người đang lên cơn sốt vừa kéo ghế rút chiếc khăn trong túi quần lau ghế (dù trước đó anh đã mài đũng quần lên đó rồi). Người phụ nữ đưa tay vịn thành ghế. Tỏ đứng dựa một bên cổng, chỉ cách một với tay. Đến lúc này anh mới hoàn hồn để kịp quan sát: Khuôn mặt thon dài, lưỡng quyền hơi nhô cao ửng đỏ. Hàng lông mày rậm được tỉa tót cẩn thận…Bà ta không đẹp lắm, nhưng đầy sức sống.
-Công việc ở đây có dễ chịu không?
-Dạ…
-Tôi có một đề nghị: Nhiều lần qua chỗ này, tôi thấy anh là người cẩn trọng, chu đáo. Tôi muốn chuyển anh về văn phòng.
-Thưa, đã hứa với anh Năm.
-Ôi dào, ngoài mấy cái nhà hàng, tôi còn văn phòng môi giới giao dịch địa ốc. Tôi muốn đưa anh về  chỗ đó để thay người khác đã xin nghỉ  việc. Sáng mai xe đến đón anh về làm công việc khác. Tôi đã quyết định rồi – Nói và  bà ta nhoẻn miệng cười giống như bấc đèn dầu hôi được vặn cao ngọn, và bước tới, không hề ngoảnh lại.
Công việc mới của Tỏ vẫn là công việc như lúc  ở nhà hàng, chỉ khác một điều là  không có mũ lưỡi trai, bộ comple màu trắng nẹp đỏ hai bên ống, thay vào  là bộ  âu phục với chiếc cà-vạt luôn đổi màu mỗi ngày như một quý ông. Suốt ngày anh ngồi bên trong cửa kính đón khách. Hết việc lại chúi mũi vào tờ báo hay ngó mong ra đường nhìn vẻ bóng lộn và diêm dúa của Sài Gòn lướt qua như đèn kéo quân. Cho tận lúc này, hơn hai tháng rồi, Tỏ không hiểu mình là cái giống gì giữa khung cửa kính luôn đông nghịt người ra vào. Mà toàn những kẻ sang trọng. Có lúc Tỏ cảm thấy mình như đống giẻ rách quấn quanh hai cọc tre bắt chéo làm hình nhân cắm sâu giữa cánh đồng hiu quạnh. Chân gác cổng không thể vênh mặt lên để tự hào nhìn thiên hạ, nhưng lúc này, mỗi tháng Tỏ gửi về gần triệu đồng chứ không phải năm trăm như đã lỡ tuôn ra trong cơn giận dữ vô cớ trước kia. Mà cũng không rõ cha mình có nhận được hay không? Vì mọi chuyện đều do bà chủ ghi vào mảnh giấy, kêu thư ký mang đi. Có những lúc nhìn thấy vẻ lúng túng, thắc thỏm của Tỏ, bà chủ cười khẩy: “Bộ anh nghĩ tôi lừa anh sao?”. Câu nói như gáo nước sôi dội từ đỉnh đầu nóng rát xuống tận hạ bộ khiến khuôn mặt căng đỏ của anh càng đỏ gấc. Bà vịn cả hai tay nắn vai anh: “Anh làm sao thế? Thôi được, chiều nay tôi đãi anh…”
Quán nằm sát bờ sông Đồng Nai, bao quanh là vườn bưởi oằn trái. Hai người ngồi ở góc khuất. Ánh sáng vừa đủ để nhìn dòng nước trôi lặng lờ,  đủ để Tỏ quan sát kỹ hơn về bà  chủ có cái gì đó vừa nhân hậu vừa dữ dằn ở đôi mắt mà anh không thể diễn đạt bằng lời. Anh nhìn đăm đắm như một đứa trẻ cố moi trí nhớ về một câu nào đó trong bài học thuộc lòng đã bay mất. “Anh quan sát tôi hơi kỹ đấy, như mấy tay phó nháy chụp hình người mẫu vậy”. Bà chủ đột ngột lên tiếng. “Dạ, xin lỗi bà chủ”. “Anh dẹp mẹ cái bà chủ của anh đi. Tôi hơn tuổi anh. Gọi chị được rồi, mà nếu như tôi lấy chồng sớm thì có thể con tôi cũng gần xấp xỉ với anh. Nhưng rất tiếc...”. Ba chữ cuối rớt dài xuống dòng sông mênh mông những lọn sóng lăn tăn. “Tên tôi là Dung, Tưởng Dung chứ tên cha mẹ đặt là Lụa…”. Bà lại tiếp tục kể vừa với tay cầm chai Courvoisier rót vào chiếc cốc thuỷ tinh, uống cạn sạch, không hề nhận ra cái giật thót người của Tỏ. “Tôi cũng dân miền Trung như anh, cũng được học hành tử tế cho đến khi cha tôi bị bắt, bị truy tố về tội buôn lậu, trốn thuế. Những người liên quan phủi tay cái rột, bởi họ có thân có thế.Còn cha tôi thì không, chỉ một thân một mình. Vậy là tôi phải hoá thành nàng Kiều để chuộc cha ra khỏi vòng lao lý…” Lụa lại rót cốc đầy, lại uống, nói tiếp: “Mẹ đời! Anh biết sao không? Một đứa con gái đang tuổi hai mươi phải nằm ngửa chịu đến bốn thằng đàn ông cỡ cha chú mình cỡi lên. Chúng là những tên được ấn vào tay những quyển luật dày cộm để bảo vệ công lý. Chúng nhân danh công lý để buộc tội người này hay tha bổng người khác. Chúng như bà phù thủy, biến có thành không, biến không thành có! Chúng từng kết án chung thân cho tội phạm hiếp dâm. Vậy mà chúng đã lật ngửa tôi ra trong một nhà nghỉ nào đó, ở một xứ nào đó sau khi chuốc cho tôi đến say bí tỉ. Mùi bia rượu, mùi thuốc lá tanh lợm khiến đầu óc tôi tỉnh rụi, không khóc, không đau đớn, mở trừng mắt nhìn bọn chúng, những tên đĩ bợm còn sót lại trên thế gian này và tưởng tượng đến cán chày giã vào chiếc cối nhỏ kêu lọc cọc. Cái tiếng đanh gọn, khô khốc đến là buồn cười. Buồn cười và buồn nôn… Vậy đấy. Tôi đã trả nợ công lý bằng cách đấy. Cha tôi trắng án! Buồn cười chưa?”. Lụa lại rót đầy hai cốc, nâng lên: “Nào, mời anh. Uống để chia sẻ niềm hạnh phúc đắng cay với tôi chứ! Chỉ có anh là người đầu tiên và cuối cùng tôi kể chuyện đời mình”. Tỏ chạm cốc, nốc cạn, lòng cay xè. Lụa lôi chiếc khăn giấy trong ví ra nhưng cầm riết trong lòng tay, khuôn mặt đanh khô, mắt nhìn ra dòng sông như ước đoán khoảng cách. Và nhảy ùm xuống. Chuyện đó không xảy ra. Chỉ nghe tiếng rượu chảy lóc róc vào ly. Tiếng rượu chảy nghe như máu từ miệng Tưởng Dung phọt ra. Lại rót, lại uống. Những dĩa thức ăn đầy nguyên, không ai buồn động đũa. Mặt sông duềnh lên những lọn sóng nhỏ, hấp háy dưới quầng sáng từ quán hắt ra, những lọn sóng chới với, đuối hụt nhấp nhô như cái xác trương sình, trôi sông. Lụa ném chiếc khăn giấy lên bàn: “Cuộc đời quá là đơn giản. Mọi chuyện đơn giản đến trần trụi, chẳng có gì là ghê gớm. Vậy mà tại sao mấy lão triết gia hết đi tìm chân lý này đến chủ nghĩa nọ làm gì cho nhọc xác? Anh nghe tôi nói rồi đó. Bốn thằng cha nhân danh công lý trên tấm thân trần truồng của tôi đến nỗi nữ thần Dike và Aphrodite (1) xoắn tay lại, cười nức nở, hứa hẹn sẽ bay xuống trần gian hiệu đính chuyện thần thoại của mình. Lạ chưa?”.
Tỏ  thấy, dưới ánh sáng nhập nhoạng, hình như có  giọt nước mắt nhỏ, rất nhỏ ngập ngừng nơi khoé  mắt Lụa, rồi bất ngờ thụt vô như kẻ  chạy trốn. Trong khoảnh khắc ấy, Lụa không còn hình dạng của bà chủ sang trọng, hoá thành người đàn bà đau khổ nhất trong những người đàn bà đã lướt qua cuộc đời khốn khổ của một thằng con trai nông thôn. Tỏ có cảm giác chị đang rất gần gũi với anh, không phải ở cái tên trùng với tên người con gái anh yêu thương, mà ở chỗ chị đã chọn anh  như một kẻ tin cậy để giải bày những ưu uất đời mình. Tỏ tưởng tượng cảnh nhục nhằn của chị bên dưới những khối thịt nhớp nháp khiến đầu óc anh ngật ngừ váng vất. Lần đầu tiên anh uống nhiều rượu, nghe chuyện như đang nhìn bầu trời sụp dần từng mảng. Anh lừ đừ nhìn Lụa. Lụa cũng lừ đừ nhìn anh. Hai người nhìn nhau hồi lâu. Bỗng Lụa cười phá lên, tiếng cười như mũi kim nhọn xoáy vào vùng da non khiến Tỏ có cảm giác như như ly chén trên bàn cũng nhảy tưng lên, rúng động. “ Từ đó tôi khám phá ra rằng, chính chỗ đó, chính chỗ vùng cấm đó mà các nhà đạo đức giảo hoạt luôn giả bộ che mắt, luôn là thứ vũ khí lợi hại làm cho các lãnh chúa, vương hầu khanh tướng… phải quỳ mọp. Tôi đã sử dụng nó để tạo nên cơ ngơi nhớp nhúa này, để nhìn chúng ghen tuông lồng lộn vít đầu nhau xuống bùn đen. Lũ người bẩn thỉu và đĩ bợm kia cứ thì thụt moi hết két quỹ này đến dự án nọ để cống nạp cho tôi trước khi chúng có thể (được phép) lần bàn tay dơ bẩn từ ngực xuống háng tôi, rồi lộn ngược trở lên. Anh cảm thấy quá bẩn thỉu phải không? Nhưng lũ chúng thấy như một ân sủng từ bàn tay chúa trao cho. Chúng là những quan chức mẫn cán và kiên định ở xứ này đấy. Chúng bỏ lại đằng sau bầy vợ con nhếch nhác để quỳ mọp dưới chân tôi, úp mặt lên háng tôi như những tín đồ xác tín về đức tin đang rầm rì cầu nguyện một cách trân tráo. Eo ơi, toàn lũ đĩ bợm, rặc một lũ đầu nhỏ mỏ to… Tôi có tất cả và không có gì hết. Thật tởm lợm!”. Lụa ngã người ra thành ghế dựa, nói như kẻ tội đồ thánh thiện bước nhẹ tênh trong cõi mộng du: “Cuối tháng tôi sẽ đưa anh về cái làng quê nơi cha mẹ tôi sinh ra tôi và công lý đã vùi dập đời tôi. Nghe nói giờ nó không thành làng quê, cũng không phải bộ mặt thị thành; ở đó có bầy người ngơ ngác bị lùa ra khỏi mảnh đất của mình… Thời chiến tranh hai bên đã quần thảo nhau nát nhão như nồi cám heo, nay thì sự nhếch nhác đó cũng không kém gì”. Tỏ buộc miệng: “Chị định làm gì?”. Lụa ngửa người cười lớn: “Đến giờ mới nghe anh mở miệng! Làm gì à? Những căn nhà lá xiêu vẹo tôi “đốt” hết, xây lại cho họ bằng gạch ngói, coi như tôi trả nợ xóm làng, vậy thôi, không có gì ghê gớm. Tôi không có ý định chuộc lại lỗi lầm lần nữa, bởi đơn giản tôi không mắc lỗi nào cả, kể cả vấn đề tiết trinh và đạo đức. Cái của phù du kia là do những thằng ngu mang đến cho tôi sau những đêm truy hoan không chút cảm giác, mùi mẽ gì. Tôi chỉ như chiếc gối nhồi bông cho chúng cỡi lên, vậy thôi. Trinh tiết đáng lẽ để dành hiến dâng cho người mình yêu nhất thì đã bị những kẻ nhân danh công lý cưỡng đoạt rồi, còn lại sau đó nó như một hang cua: hết người này thò tay vào bắt, lại đến lượt người khác. Anh có hình dung ra hình tượng người nhà quê bắt cua đồng không? Mà anh đã từng bắt cua đồng lần nào chưa? Lụa dừng lại, khuôn mặt đanh khô rồi bất ngờ dãn ra. Chị thở sượt: Tôi không sử dụng cho riêng mình, tôi chia sớt cái phù du ấy cho nhiều người. Ban đầu là hôi thối, nhơ nhuốc nhưng khi trôi qua chiếc “máy giặt” trong làm ăn nó trở thành thơm tho. Nhiều tay vênh mặt về chuyện này, còn tôi thì cúi gằm đau đớn để trả nợ xóm làng xơ xác của tôi. Vậy đó, có gì phải bận tâm, phải không?”.
 Không khí nặng nề đến khó thở. Tỏ muốn nói một điều gì đó với chị ta, nhưng không đủ sức, không đủ chữ nghĩa và sự hiểu biết để gải bày. Anh cục cựa trên ghế như  có những con kiến nhỏ bò vào đũng quần, lói nhói. Chai rượu đã cạn. Lụa kêu bồi bàn mang chai khác. Tỏ ngăn lại, kêu nho nhỏ trong cổ họng như người nghẹt mũi: “Thôi, đủ rồi chị”. “Anh sợ à”. “Không”. “Vậy thì sao lại ngăn cản niềm vui của tôi?”. “Không phải chuyện vui, nghe buồn muốn khóc”. “Anh bạn đẹp trai của tôi, anh uỷ mị thái quá đấy”. Im lặng hồi lâu. “Anh đã biết mùi đàn bà chưa hả?”. “Trời, chị!” Tỏ kêu lên run rẩy. “Việc gì anh phải kêu phải run lên như thế kia? Tối nay tôi sẽ cho anh biết mùi đàn bà là thế nào. Tôi thấy nhiều thằng nhóc cứ trố mắt nhìn xoáy vào những vùng cong trũng sau lằn vải các cô gái như muốn lột trần ra. Còn anh thì nhìn tôi một cách ơ hờ? Tôi đã kể cho anh nghe về cuộc đời tôi. Tôi là một con điếm, một con điếm trong sạch, tôi không phải là một trinh nữ hiến tế cho các đẳng thần nữa rồi. Vậy thì việc gì anh phải hoảng hốt?”. “Không, chị vừa là chị, là bà chủ đã vói tay cứu em. Cái đó người ta gọi là…”. “Ý anh nói là loạn luân chứ gì? Nhảm nhí”. “Tôi van chị”. Tỏ chắp hai tay lại trước ngực. “Anh nhảm nhí mà tôi cũng nhảm nhí nữa. Có lẽ mình nên dừng để đầu óc tỉnh táo, để cảnh sát không phát hiện một người say lái xe trên đường, phải không?”.
Lụa lái xe thật chậm, không mở miệng nói câu nào suốt dọc đường về. Tỏ liếc ngang thấy môi chị  mím lại, mắt đăm đăm nhìn về phía trước như thể chị đang nhìn vào vòng ngắm của tấm bia chuẩn bị bóp cò. Vẻ căng thẳng ấy chuyền sang Tỏ khiến anh tỉnh hẳn. Trong hai người, Lụa và anh ai sẽ là lát bánh mì nằm gọn trong chiếc dĩa trên bàn ăn? Lúc ngồi ở quán chị ta nói vật hiến tế? Vật hiến tế là gì nhỉ, anh không thể nghĩ ra, không hiểu được; mơ hồ rằng đó là sự mất lửng giữa vinh quang và cay đắng, niền vui và nỗi thống khổ trộn lẫn vào nhau?
Anh cảm thấy lòng mình thật trống trải. Trống trải  đến vô cùng vô tận.
(Trà  Vinh, tháng 7.2008)
Chú thích:
 
(1) Dike, Aphrodite: nữ thần công lý, nữ thần sắc  đẹp và tình dục

Xem Tiếp: ----