Chết đi không phải là kết thúc. Chưa bao giờ là kết thúc cả. Nhà bác học Jun (James Prescott Joule) từng khẳng định: “Năng lượng không tự sinh ra và cũng không tự mất đi. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, hoặc từ hệ này sang hệ khác”. Niu - tơn (Issac Newton) chứng minh được, với mỗi lực phát sinh, lại có một lực tương tác cân bằng. Hồn cũng là một dạng năng lượng, năng lượng của tâm linh, là phần tách biệt khỏi tư duy, là bất tử. Xác thịt chỉ là sự đầu thai cho linh hồn, níu giữ và hủy hoại linh hồn bởi những nhu cầu phàm tục. Con người đã quá tự phụ khi cao giọng rằng: không có việc gì con người không thể làm, chỉ có việc chưa thể làm. Lai thế là điều con người sẽ không bao giờ hiểu, không một kẻ phàm trần nào nhìn thấu nổi thế giới sau chết. Có những người sống cảm nhận được hồn, đó là liên kết tâm hồn….
Tôi tỉnh dậy trong căn phòng nhỏ. Gió lùa thổi tung tấm rèm cửa, phả vào không gian một thứ khí buốt thấu. Da thịt con gái mỏng manh phải rùng mình, tôi đứng dậy khép cửa. Từng thớ thịt tôi bỗng căng ra không nguyên nhân. Trong tích tắc, một dải mùi hương rắc trong không khí, có gì đó như vụt qua lưng. Một thứ khí ngột ngạt, váng vất, đặc quánh, bao trùm căn phòng. Bất giác tôi đưa mắt nhìn chiếc phản bà nằm, tần ngần trong một thoáng. Hình như, hình như âm khí ấy tỏa ra từ… Tôi cứ thế bình thản đi vào, chẳng hề sợ sệt gì căn phòng, mà bốn tiếng trước, bà đã trút hơi thở cuối cùng. Người ta đã đưa bà đi rồi, hay đúng hơn là chỉ đưa mỗi thân xác của bà đi. Nhìn căn phòng rỗng không, tôi lại rùng mình về thời khắc vừa qua.
Đi học về, với một cử chỉ mạnh bạo và có phần thiếu thanh lịch, tôi đá chân vào cửa, bước vào nhà, miệng oang oang: “Cháu chào bác, con chào mẹ, cháu chào bà”. Mẹ đã nhắc tôi đi đâu cũng phải chào bà, mặc dầu thực tế là đã bốn năm rồi bà không còn nhận thức được, từ sau khi bà ngã cầu thang. Thực bụng tôi chẳng muốn làm cái việc chào mời ấy. Bởi vì trước kia, đứa cháu gái này quá hỗn láo với bà. Khi tôi bước vào nhà, lúc ấy, hình như chẳng ai để ý đến tôi cả, bác và mẹ rối rít ùa lên phòng bà. Như linh tính, tôi cũng quăng cặp, lao theo. Trên phản, bà tôi đang thở khó nhọc. Bà hớp từng hớp như người chết đuối cố ngoi lên mặt nước. Mắt bà, tròng mắt xanh xám, lạnh lẽo như tuyết, nhìn thẳng vào tôi, như đang gào gọi… đang lôi kéo… đang bấu víu. Rồi nhịp thở bà đều đặn lại. Và đôi mắt xanh lim dim dần. Tôi sụp xuống bên bà, len bàn tay vào các ngón tay thâm tím và đan chặt lại của bà, bối rối trước ánh mắt căng thẳng của mẹ. Chừng vài phút sau mẹ lấy một miếng bông đặt lên mũi bà, miếng bông bị ra, bà còn thở. Bác tôi ép vào tay tôi chiếc khăn bọc gừng được giã và đun nóng, bảo tôi xoa bóp chân bà. Cái gì đó lóe lên, tôi đã lờ mờ đoán ra mục đích. Đứa cháu gái này tiến hành, mà không hỏi han gì - không đau khổ, không lo âu. Nó lãnh đạm. Cái mục đích nó nghĩ, không hề sai, khi họ muốn chân tay bà mềm ra. Năm phút sau, bà đi. Cơ thể tôi chợt nhói lên khó chịu, trăm ngàn con kiến lửa bò quanh cũng chỉ đau đớn đến vậy…
Đứa cháu vô cảm rùng mình, nhưng là rùng mình vì một chút ăn năn, vì một việc làm tày đình nó từng gây ra bốn năm trước. Giờ thì sẽ theo bà xuống mồ. Nhưng người đã chết rồi, hối tiếc nữa làm chi? Câu nói của Niu - tơn váng vất: Với mỗi lực phát sinh, lại có một lực tương tác cân bằng…
Bà tôi đẹp lắm, đẹp như bà tiên, tóc trăng mây, da đỏ thắm bồ quân. Đêm đó, tôi mơ thấy điều kì lạ: một bến sông hiện lên trong màn sương.
Sáng hôm sau, bất chấp bố mẹ, tôi vẫn dậy đi học như thường ngày. Chẳng có gì phải nghỉ cả. Rốt cục người đã chết rồi. Để tránh bố mẹ ngăn lại, tôi dậy thật sớm. Bến xe vắng tanh, sương chưa tan, mấy chiếc đèn lồng Trung thu phần phật trong gió lạnh. Ngồi trên xe lướt dọc đường, tôi chú ý tới mấy người đang lau biển quảng cáo bia Tiger. Họ quệt giẻ lên tấm biển, và rồi… dưới lớp bọt xà phòng, ánh mắt xanh của con Hổ đang dõi theo tôi, như đang gọi, đang lôi kéo, đang bấu víu... Chiếc xe xa dần. Ngày học nặng nhọc dần trôi đến kết thúc. Mọi người rủ tôi đi chơi Trung thu, nhưng lời mời bị từ chối. Họng nặng như bị đá đè, tôi không còn tâm sức đâu mà nghĩ, nói gì đi! Chỉ có một sự việc mà tôi vẫn hoang mang: khi đến bến dừng, mà cửa không mở, tôi gọi to bác tài xế xe buýt. Những người khác đẩy dần tôi xuống bậu cửa, và bác tài hét theo: “Bà mở cửa cho cháu đây”. Bác quay lại nhìn tôi, nhìn bằng ánh mắt xanh lạnh lẽo như tuyết..
Rất lạnh, làn nước tắm phủ tràn da thịt tôi rất lạnh. Cô gái trong tôi ngẩng lên ngắm nhìn mình trong gương. Họ nói gương và nước là cánh cửa nối giữa các tâm hồn. Họ cũng nói người trong gương kia rất giống bà lúc trẻ. Tôi không muốn, không dám nhìn vào đó, thân người kia đã mắc nhiều lỗi. Tôi nhúng mặt vào bồn nước, nước tràn qua thành bồn. Tất cả trở nên rõ rệt và sảng khoái, tôi hết u mê. Vào cái lúc mà đáng ra mọi ảo giác phải biến mất, tôi bỗng hét lên trong hoảng loạn, bà hiện ra dưới nước, kéo tôi xuống sâu ấy, móng tay cào mạnh vào da thịt tôi. Bằng tất cả sức bình sinh tôi dồn vào cánh tay, cố vịn chặt thành bồn, cố níu lấy thành và đẩy cả người ra ngoài. Không, bỏ cháu ra, sao bà lại kéo cháu, sao bà lại cào cấu cháu. KHÔNG, đó chỉ là tai nạn…
Sợ lắm, sợ rằng bà đang muốn bắt mình đi cùng. Đêm đó, tôi tra Google. Dường như, có rất nhiều điều về âm hồn, mà ta không biết. Hồn cũng là một dạng năng lượng, nó không tự mất đi. Việc ta đã làm lúc sống, hồn sẽ tác động ngược lại ngang bằng chăng, bởi vì hồn cũng là một lực. Nó đang tìm một tâm hồn có sự liên kết để nhập xác, để trừng phạt. Đó chính là lực tác động cân bằng mà Niu - tơn nhắc đến chăng? Đêm ấy, gần sáng tôi mới thiếp đi. Trước lúc thiếp đi, tôi nghe mẹ thì thào với bố:“…Con nó vừa dứt lời cháu chào bà, thì bà ở tầng trên rùng mình, nấc hai tiếng, rồi lịm. Chắc bà chờ cháu về…” Đúng là chúng tôi có một mối liên kết tâm hồn. Đêm ấy, tôi lại có một giấc mơ lạ, bến sông, nhưng sương tan đi, dọc bờ phơi ra mấy tấm chiếu.
Sáng hôm sau, cả nhà vận áo đen, rồi đi đến nhà tang lễ. Lúc liệm, đứa cháu gái là tôi phải ngồi ngoài, vì nó tuổi Hợi, khắc với bà nó, tuổi Dần. Kết thúc lễ viếng bằng nghi thức đọc điếu văn. Cụ Nguyễn Thị Hới… Nghe lời điếu nhắc đến tên bà, trong tôi dòng liên tưởng tới cái bến Hới bên dòng sông Luộc, nơi bà tôi sinh ra trên chuyến tàu khách. Bến Hới ấy gần ngôi làng dệt chiếu, quê hương của bà Nguyễn Thị Lộ, thiếp yêu của Nguyễn Trãi. Cái án oan uổng tru di tam tộc của ông gắn với truyền thuyết hồn ma con rắn và giọt máu thấm qua ba trang sách – Hồn.
Tôi lặng đi. Người ta đưa linh cữu bà về Văn Điển, để hỏa táng. Người ta phải tống tiễn cho trọn tục lệ. Càng về sau, toàn thân tôi càng nặng trĩu, đầu óc u mê. Khi vào phòng hỏa táng, gia quyến tới vĩnh biệt bà lần cuối. Lướt qua quan tài bà, tôi thu hết dũng khí nhìn vào. Sao lạ thế, tim tôi đập thình thịch, tấm kính gắn trên nắp quan tài mờ đi, nhưng là mờ đi từ phía... trong. Tôi cảm thấy bà đang thở lại, rồi toàn bộ chân tay bà hồi tỉnh, đạp quẫy và quan tài rung lên bần bật. Nhưng chẳng ai phản ứng gì. Tiếng bà thều thào gọi tôi, rủ tôi xuống đó cùng bà… Hồn bà chưa muốn lìa xác. Tôi co rúm lại, người run bần bật như động kinh. Cứ thế, tới khi họ đưa bà vào lò thiêu, cả nhà tang lễ váng lên những lời gào khóc thảm thiết, bi thương. Cơ thể tôi như đang hòa cùng cơ thể bà, toàn bộ rừng rực cháy trong từng thớ thịt.
- Không, không, cháu không muốn, cháu không muốn bà ơi! Bà đừng bóp chặt đầu cháu nữa, đau lắm! Ngày đó, cháu chỉ vô tình thôi bà ơi! Bà ngã, cháu không cố ý đâu!…
Một giọt nước mặn chát tràn trên mi mắt, tôi đã khóc, bật ra cái ăn năn, lòng mong muốn chuộc lại lỗi lầm chân thành, sâu thẳm. Lực ép lên đầu tôi được giãn dần ra, tôi từ từ tỉnh lại. Mẹ tháo dải băng tang ra cho tôi, thì thầm rằng, đám tang đã kết thúc. Tôi như lịm đi, mẹ nói tôi trắng bệch, ngây dại suốt từ lúc linh cữu bà được đưa vào hỏa táng.
Là dải băng tang, hay là giọt nước mắt ăn năn đã giải thoát cho tôi?
Bước ra ngoài nhà hỏa thiêu, gió trời thổi phần phật. Sự nặng trĩu của lòng tôi không còn. Tôi đoán hồn đã rời tôi, mối liên kết bị phá vỡ.
Tõm! Một chú cá nhảy từ mặt nước đầm lên, rồi bơi lại mé bờ, nó thoi thóp ngụp lặn như kẻ sắp chết đuổi. Thịch! Bàn tay chắc nịch đặt lên vai, làm tôi giật bắn người. Ngẩng lên, tôi ngó trân trân người lái xe buýt hôm qua trong bộ trang phục nhân viên tang lễ bằng ánh mắt bấn loạn. Bác thì thào qua nhịp thở đều đặn:
Kết thúc rồi, thật sự kết thúc rồi!
Một thoáng gió gợn mặt đầm, chú cá ngụp xuống nước. Tôi ngẩng lên nhìn sâu vào đáy mắt người đàn ông kì lạ ấy:
- Vâng, giờ thì cháu đã cảm nhận được gió có thể thổi cháu bay đi, vì cháu nhẹ bẫng rồi. Gió rồi sẽ thổi hết đi, nhưng chỉ thổi đi những người nhẹ bẫng thôi.
Nếu cái kết này đã làm bạn hài lòng, xin đừng đọc tiếp. Còn nếu không thì…
Trên đường trở về, khi đã hồi phục, tôi thỏ thẻ với bố Huân của tôi:
- Bố ơi, bố có nhớ bà không? Bố đừng buồn! Hồn là một dạng năng lượng bất tử…
Con bé là tôi dừng lại, ngờ ngợ lời mình “bất tử”. Giật thót, tôi thò đầu ra ô tô, bởi như có tiếng ai gọi. Tôi bị hứng ngay những giọt nước mưa bất chợt đổ xuống. Nước ướt lạnh như tuyết. Nước cũng là một cánh cửa liên kết, nối thông hai thế giới. Một lúc, con bé thụt đầu vào, nhìn bố và bật hỏi:
- Thằng Huân có mang trầu không, đưa bu một miếng!
Nếu các bạn tự hỏi tôi đang ở đâu, thì tôi không thể tiết lộ được. Bởi vì, như tôi đã nói, không một ai nhìn thấu được lai thế - thế giới bên kia đối với các bạn. Nếu như đã làm gì có lỗi, hoặc sống tàn nhẫn với những người ruột thịt, hãy xem chừng mối liên kết tâm hồn! Ơ kìa, sao bạn lại rùng mình thế? Tại gió đó thôi, chỉ là gió thông thường. Mà cũng có thể lắm chứ, cũng có thể là hồn đang phảng phất đâu đây!

Xem Tiếp: ----