Cuộc đỏ đen đầu năm kéo dài đến nửa khuya bắt đầu tỏ ra uể oải. Khải đã bị “rửa đít” (1) ngay từ khi rút lá thứ ba. Lá thứ tư mang đến suốt lủng cho Tùng, phá tan chút hy vọng nhỏ nhoi cuối gầy dựng lại cơ đồ đã sụp đổ đến nền móng. Con tám cơ bị vật ra, phơi tám bệt son môi đỏ choét cạnh con xì. Hắn tiu nghỉu. Quay bài. Chỉ còn tôi với Tín gờm nhau. Tôi đôi mười mặt. Tín đôi già chết. Hắn đảo mắt thực nhanh sang mặt bài của Tùng, nhìn khinh bỉ lá tám cơ đang nhoẻn miệng cười nhạo. Tôi biết, cuộc chơi tối nay đã sắp đến hồi kết. Ðôi già mặt đi tiền. Hắn ban cho tôi một ân huệ chót:
‘Hai trăm rưởi.’
Tôi yêu những cuộc bài như thế này. Những nước bài phơi bày tâm tính từng người, bày tỏ rõ trên mặt bàn sự tính toán, sự liều mạng, và cả vận hội đỏ đen. Hơn thua nhau, may rủi chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần còn lại, là đấu trí, mà gian trá thường được trả công. Như cuộc đời. Như mặt sau những bài Ðức Dục.
Tôi nặn con bài tẩy một lần chót, vừa liếc mắt sang đối thủ, bằng thái độ con chuột lém lỉnh theo dõi chú mèo tinh quái. Ðôi mắt mèo lần theo năm ngón tay tôi do dự vuốt trên xấp tiền, hực lên những tia thôi miên. Tôi nghe tiếng mình khô khốc:
‘Theo.’
Tia nhìn khựng lại, dò hỏi. Cặp mắt đối thủ chiếu trừng trừng vào hai lá bài mười trên mặt bàn trước mặt tôi. Một thoáng nuốt nước bọt. Tôi muốn mua đôi xì? Hay chờ đợi con mười chót đến trong mong manh? Dù sao, sợi dây cung kéo căng đã buông cho mũi tên không còn đường quay trở lại. Tín rút bài, những ngón tay dài thành thạo cẩn trọng lùa lá bài nặn xuống dưới, mò mẫm. Tôi không nhìn mặt Tín, mà nhìn mấy ngón tay. Óc não hắn giờ này hẳn đang vận dụng mạng thần kinh cố giấu những cái run. Ngón tay cái mở hé lỗ nặn giữa. Ðôi mắt nheo lại. Tôi mong hắn chỉ thấy đốm trắng. Ðốm trắng, tức là không phải xì, đồng thời cũng rất có thể là lá mười chót mà hắn đang mong đợi tóm được. Lá mười quyết định vận mệnh tôi tối này. Nhưng chuyện không xảy ra như thế. Hắn vớ được tây, tôi nặn ra con chín. Trong làng chơi, bài học vỡ lòng này không cần ai dạy. Hắn biết, nếu pha (2) hay nhẹ tay thì tôi cũng sẽ không tha, và hắn sẽ bị đẩy vào vị thế khó xử. Hắn đẩy chồng tiền cao nghệu vào giữa, giọng cố giữ thản nhiên:
‘Ta-pi.’ (3)
Tôi tiếc đã giao hẹn từ đầu về số tiền láng tối đa năm trăm bạc mỗi người được bỏ ra cho buổi tối nay. Tôi quật lá tẩy của anh chàng lên giữa mặt bàn. Hai đôi sừng sững. Với tôi, hành động vừa qua chỉ làm hồi kết cuộc gay cấn kéo dài thêm được một phần mười giây ngắn ngủi. Bởi tôi đang vơ tiền về, trong lúc Tín trố đôi mắt lồi ngó con mười bích giơ mười khối hạ thể con chó mực đen chùi chũi vào mặt hắn đang dần xám lại. Hắn chửi thề, phủi đít đứng dậy:
‘Năm mới năm me xui dữ. Già đầm chịu thua ba con mười.’
Tôi cười thầm trong bụng. Không phải xui đâu bố. Chỉ tại bố đoán sai. Xì tố mà đoán sai cũng nguy hiểm không thua gì đầu tư lầm vào một hãng sắp phá sản. Tôi nhìn đồng hồ:
‘Ở lại ăn chén cháo đã.’
Hắn nán lòng ngồỉ xuống. Ðám đàn bà chỉ đợi lúc này để hành sự. Trong chốc lát chén đũa đã dọn ra. Ðĩa lòng cao ngụn, những khoanh dồi thái dối gối đầu nhau bao quanh, điểm loáng thoáng mấy lá răm cắt nhỏ phủ mặt. Nồi cháo được hâm lên vội vàng nghi ngút khói, những miếng huyết đen cắt vuông quân cờ trộn lẫn những khoanh lòng thái nhỏ. Ðĩa dầu cháo quảy vừa chiên xong duỗi dài từng cặp vàng óng, tươm mỡ mời gọi đôi đũa. Khải ngạc nhiên:
‘Tìm đâu ra mấy thứ này thế?’
Tôi đưa mắt nhìn vợ Công:
‘Hỏi bà ấy.’
Người đàn bà hãnh diện có dịp được khoe tài:
‘Em có người quen làm trong lò heo, dặn người ta lấy cho. Thái nhân, nhồi vào, rồi hấp lên. Không khó. Chỉ có dồi trường bên này họ không bán, may có con nhỏ bạn sang Pháp gởi nó mua, nhờ vậy mới có thêm được ít rau răm. Biết anh Thành thích ăn cháo lòng, tụi em mang đến làm cho mấy anh ăn luôn.’
Tôi chép miệng:
‘Thích thì thích, nhưng cả mấy năm nay chưa lúc nào có dịp. Ngoài chợ Thổ ở đây thỉnh thoảng họ cũng có bán lòng heo, nhưng nay lúc thiếu thứ này, lúc thiếu thứ khác. Mà bà ấy lại cầu kỳ, thiếu là không chịu nấu.’
Mọi người cười thông cảm. Người nấu ăn giỏi thường khó tính. Vợ tôi thoăn thoắt cắt những khoanh dầu cháo quảy, gắp giá bỏ vào tô cháo, giục ăn. Tiếng bát đũa, tiếng mời bắt đầu nổi lên. Khải vuốt đôi con mắt chỉ rình cụp xuống:
‘Ðánh bài mệt, ăn tô cháo nóng tỉnh hẳn ra.’
Câu chuyện bỗng trở về đề tài cũ. Tùng bảo:
‘Anh Thành coi vậy mà tẩm ngẩm tầm ngầm chết người được. Rút ra ba con mười từ đầu mà cứ tưởng bài không có gì.’
‘Có vậy mới gọi là xì tố chứ,’ tôi nói. ‘Mà này, tôi hỏi thực mấy anh. Nếu ngồi vào chỗ anh Tín mấy anh sẽ làm thế nào? Trừ khi anh làm dấu bài, chơi lận, để biết tôi tẩy mười. Còn nếu không trước sau gì anh cũng phải cạn láng để được biết tẩy tôi mặt mũi thế nào. Bỏ mấy trăm để xem bụng dạ người ta, đâu có mắc. Thà vậy còn hơn bỏ ngang để rồi tức ấm ách hoài.’
Tôi còn muốn nói thêm: cuộc đời có những oái oăm hơn thế. Ðã biết rõ mười mươi là bỏ xác lãng xẹt mà vẫn cứ lao đầu vào. Nhưng Công bỗng chen vào:
‘Ngồi chầu rìa xem anh Thành cho anh Tín vào xiếc mà cũng thấy run cả người.’
‘Còn anh Công ngủ này,’ Tùng chọc. ‘cả tối chỉ ngồi chầu rìa. Sao không chơi cho vui?’
‘Chơi để nạp mạng cho anh Thành à? Nghe mấy anh bàn cứ mà phát khiếp.’ Vợ Công đáp gọn, lời sắc như dao.
Tôi biết đây không phải là câu trả lời thực. Nếu soát túi, anh chàng may ra còn được ít đồng lẻ, chưa đủ nóng đít. Ðời là thế. Người nghèo không bao giờ có cơ hội thử thời vận một cách đúng nghĩa. Công lừng khừng:
‘Ðời mình mang ra đánh bạc đủ rồi, cần gì phải ngồi vào sòng.’
Tôi thoáng thấy bà vợ đưa mắt lườm, đôi mi cau lại. Hắn ta nói đúng một phần. Vài trăm lẻ tẻ tối hôm nay đem cân với canh bạc đời thì chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, đánh bạc với bạn, tiền có mất cũng chạy vào túi người quen. Có khi lại được chầu ăn, chầu nhậu bù lại. Ðánh bạc đời, thua là mất hết, chưa kể mình được mang ra làm bài giảng cho chính những thằng bạn của mình nữa. Nhưng tôi biết Công có hàm ý khác. Hắn ta đã đánh những tiếng bạc lớn của đời với lòng khát khao si mê, nhưng đến nay vẫn tiếp tục móc túi rải tiền đường. Công danh lận đận, mảnh bằng vất xó tủ không ai thèm nhìn đến. Tiếng bạc thứ hai là bà vợ, một thất bại não nề. Hắn lấy vợ như đánh một ván bài cào, chẳng cần suy trước tính sau, để bây giờ vợ hắn mỗi lần nhìn dinh cơ tôi lại nguýt háy người bạn đời chỉ biết lục ba lô kẻ chung bước. Còn hắn cứ lửng tha lửng thửng như không biết đến những chuyện chung quanh đang xảy ra, trong khi đó nhiều lúc cay đắng với ngay cả chính mình.
Công bỗng nói:
‘Ăn cháo lòng bỗng dưng nhớ thằng Phương ghê. Bữa nào không có huyết mặt nó chù ụ như cái bánh mì mắc mưa.’
Tôi sượng sùng, lặng yên. Câu nói đột nhiên giật tôi trở về những ngày còn độc thân. Ngày xưa chúng tôi ba đứa cùng chung tiền thuê gian nhà nhỏ vùng Khánh Hội để mỗi buổi chiều về có chỗ ngủ. Căn nhà của một người quen trong gia đình, nửa như cho thuê, nửa như cho chúng tôi ở không để chiếm chỗ trong buổi nhốn nháo quan dân lẫn lộn. Cả khu xóm phần đông là dân lao động. Người ngợm đen đúa. Trẻ con nhếch nhác mũi dãi chạy đen khúc đường lồi lõm mỗi khi cơn mưa nhiệt đới đổ xuống vội vã, đập ton ton trên mái tôn hoen rỉ trét đầy dầu hắc. Trong cái xóm táp nham như vậy, thật không ai ngờ ông Trời lại trớ trêu đem giấu vào đó một món quà bất ngờ cho chúng tôi. Ngay hôm đầu mới dọn nhà đến, từ khuôn cửa mắt cáo nhìn xéo sang bên đường, chúng tôi chợt bắt gặp một bóng áo bà ba trắng thấp thoáng sau vạt cửa lá sách đang vội khép lại. Tôi nhớ lúc đó Công đã rú lên bằng tiếng man dại của thằng con trai mới lớn: ‘Có ghế (4) tụi bây ơi, sướng nhé,’ trong lúc cả bọn đập vai nhau rúc rích cười.
Quả thực thế. Những ngày mới đến chúng tôi đã có những chiều cùng nhau suýt soa mỗi khi liếc thấy bóng cô hàng xóm thấp thoáng ngoài cửa để bàn tán những chuyện không đâu. Cũng là một cách giải trí buổi tối, một cách ăn bánh vẽ của bọn độc thân sau một ngày tứ tán. Chưa đầy một tuần, Phương, anh chàng đẹp trai nhất trong bọn, đã điều tra ra gốc gác ngọn ngành. Cô bé tên Trâm, Ngọc Trâm. Cô ở với bà mẹ góa. Nghe nói chồng bà chết trong một cuộc phục kích. Chiến tranh, nỗi khổ cực và sự cô đơn - đó là tôi chưa muốn nói đến sự hy sinh ở vậy để nuôi cô con gái - đã hằn lên những nếp thời gian đến sớm trên khuôn mặt bà. Bà Năm cháo lòng - như người trong xóm vẫn gọi - mỗi chiều quảy gánh cháo lòng heo đem bán quanh vùng. Phía sau, nồi cháo nhôm được chèn kỹ bằng những tấm giẻ. Phía trước, lủng củng thau nước cùng bát đũa xếp đầy một quang. Cứ thế, mỗi chiều bà đi, tối khuya mới về.
Một tối lũ tôi ngồi chơi muộn, bà mẹ quảy gánh cháo ngang cửa. Nhìn hai đầu gánh dài gần bằng nhau, chúng tôi có thể đoán được kết quả của một ngày bán ế. Hai mẹ con chắc hẳn lại chia nhau nồi cháo trừ cơm. Có lẽ Trâm lại khóc trên chén cháo đã trở nên lạt thếch và oán trách cuộc đời nghèo khó. Nhưng biết làm sao được. Cái nghiệp của những người bán rong đã gắn liền với những chuyện như thế này. Tội nghiệp hơn nữa là bà không dám cất tiếng rao ngay trong xóm mình ở. Dáng bà như còng xuống chịu đựng. Một đứa trong đám tôi, học lỡ dở tú tài, mang triết lý của tính xác suất ra giảng cho cả bọn là có ngày ngẫu nhiên không ai ăn cháo. Thằng khác phì cười, rồi như thương hại, gọi bà vào, thết cả bầy một góc nồi cháo phình bụng. Phương được dịp một lần nữa hỏi thăm chuyện gia đình bà. Trước khi bà về, nó còn dặn với, nửa đùa nửa thật:
‘Hôm nào cháo ế bác cứ ghé, tụi cháu thanh toán cho.’
Kể từ đó mối giao tình giữa chúng tôi và gia đình bà hàng xóm nở ra một cách trái ngược. Bà mẹ mong buôn may bán đắt. Tụi quỷ chúng tôi mong bà trở về với nồi cháo bán dở. Mỗi lần như thế, đi ngang căn phố chúng tôi thuê, bà nhắn với vào, để mười lăm phút sau đó Trâm rón rén sang gõ cửa, đặt lên chiếc bàn gỗ độc nhất trong phòng lưng cháo nhỏ mới hâm lại, và chiếc mâm nhôm bầu dục trên bày một đĩa lòng heo, ít lá rau thơm cạnh chén nước mắm, thêm một trái ớt hiểm đặc biệt dành cho tôi. Ðĩa lòng có lúc đủ món, có lúc thiếu một vài thứ. Những lúc đó, Trâm nhìn chúng tôi vẻ ngượng ngùng, cặp mắt đen to chớp chớp như xin lỗi, mặc dù lỗi không phải ở cô, cũng không phải ở bà mẹ. Thường những lúc tối khuya như vậy chúng tôi ngồi đánh bài giết thời giờ bên ánh đèn dầu tù mù soi bóng cả bọn lên tường như hình ma quỷ múa trong đêm hội cõi âm. Ðánh bài để mà chơi. Chuyện ăn thua lúc đó chỉ là chuyện phụ. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra ở Phương một lối chơi liều lĩnh. Ðánh bài với hắn như chơi, như giỡn, nhưng giỡn với tử thần. Mười lần hắn vơ sòng đến bảy tám. Trái với hắn, tôi là thằng so đo, tính toán. Lũ bạn thường ví hai đứa tôi như hai đội banh, một chuyên thế liều mạng tấn công, một ráng thủ thành, và thêu dệt chung quanh hai đứa nhiều giai thoại, cố nhiên là loáng thoáng trong đó có bóng hình Ngọc Trâm.
Hồi đó, đánh bài với chúng tôi chỉ là đánh để chơi, vì những tối cô bé hàng xóm mang nồi cháo sang, Phương thường đưa tiền trả, bằng tiền tóm được của lũ tôi tối trước. Tất cả những may mắn nay đem đổi trong một tích tắc cái tưởng tượng sắp được cầm tay cô hàng xóm. Dần dà sự hiện diện của Trâm đã trở nên một thân quen với chúng tôi. Cô nàng cũng trở nên bạo dạn hơn. Bạo đến độ có đứa trong bọn tôi đã gọi đùa bà Năm là má. Có đứa hỏi giỡn: ‘Má Năm! Nếu má chọn một trong ba đứa con làm rể thì má chọn ai?’ Bà cười, không đáp. Bị hỏi tới, bà trả lời nước đôi: ‘Biết chọn ai được. Tôi đâu biết mấy cậu nhiều.’ Nghĩ một lát, bà nói: ‘Nhưng chắc tôi chọn cậu Thành. Cậu ấy có vẻ chín chắn, biết làm ăn. Mấy cậu kia sao tôi thấy lông bông quá.’ Tối hôm ấy, tôi còn nhớ, tôi gặp ngày xui, đã cúng hết mớ giấy bạc lẻ cho bọn quỷ sống. Nhưng tôi bất cần. Ðen bạc đỏ tình. Mỗi tối tôi sẽ sẵn sàng chịu thua trước để nghe được một câu như thế. Nhất là... nhất là nếu Trâm cũng nói với tôi như vậy.
Một tối, thấy Trâm chăm chú nhìn chúng tôi xào bài, nhìn những ngón tay thành thạo của Phương đang thoăn thoắt chẻ cọc bài đủ kiểu, mắt tròn xoe thán phục, tôi đùa:
‘Cô phải coi chừng thằng này đấy nhé. Nó mà đánh bài với ai là cho người ấy rụi tùng liền.’
Cô bé ngước đôi mắt to đen về phía tôi:
‘Rụi tùng là gì hả anh?’
‘Rụi tùng là ‘rụi tùng’ chứ còn là gì nữa,’ tôi cười phá lên. Chợt nhớ ra kẻ đối diện chắc chưa bao giờ cầm đến lá bài, tôi làm mặt khôn giải thích:
‘Này nhé. Bài ‘các tê’ mỗi tụ có sáu lá. Ði hết bốn vòng đầu mà không có vòng nào thắng thì không được tham dự vòng bắt bài chót, tức là kể như thua ngay từ nửa cuộc. Người ta gọi là rụi tùng. Thằng Phương nhà cô ghê lắm đấy. Láng cháng nó cho cô ‘rụi tùng’ hồi nào không hay.’
Cô bé nguýt háy chúng tôi về câu đùa nhảm và lời gán ghép vô duyên, cầm tấm giấy bạc xếp nhỏ do Phương đưa, chạy sang bên đường, mặc chúng tôi ngơ ngẩn nhìn theo. Chúng tôi đã ước hẹn với nhau đứa được bạc phải trả tiền cháo ế, và thường Phương là người có hân hạnh được đưa bàn tay mình gần sát những ngón tay dài của Trâm. Khoảng cách ngắn ngủi đó qua mấy tháng rồi vẫn chưa thu ngắn được thêm vài phân. Tôi có thể đoan chắc rằng nhiều lúc anh chàng cũng muốn dấu vội một mảnh thư con trong tờ giấy bạc xếp nhỏ. Tôi cũng biết Phương đã có lần thuyết phục cô bé ra một sạp thuốc lá lẻ để hắn khỏi chạy xa thêm vài căn phố nữa, nhưng dường như biết ẩn ý, Trâm chỉ cười và cuộc tình câm lặng một chiều của Phương vẫn chỉ loanh quanh ở mấy tô cháo được hâm lại, cạnh những đêm lục đục dưới chăn với giấc mộng chợt đến để rồi chợt đi cùng tiếng thức dậy của khu xóm nhỏ đuổi chúng tôi ra đường bắt đầu một ngày nhọc nhằn kiếm sống.
Nhưng sự đời lại thường xảy ra không như người ta tưởng. Ít lâu sau Phương chia tay hai đứa chúng tôi và cô bé Trâm. Hôm trước khi đi, hắn rủ tôi ra quán nhậu ở góc đường. Tiệc từ giã chỉ có một xị rượu thuốc và một đĩa gà nướng. ‘Tao không thể sống ở cái đất này nữa,’ giọng hắn thảm hại, như cái hình hài nhàu nát của hắn, chỉ đôi mắt là còn chút thần khí. Hai tháng cuối với những thất bại liên tiếp đã làm hắn già đi đến năm tuổi. Sau ngày đó hắn đi biệt, không một lá thư hay một lời nhắn tin lại cho bọn tôi. Cuộc sống bon chen làm chúng tôi không có thời giờ nghĩ ngợi thêm. Tôi và Công cũng từ giã nơi chúng tôi đã trọ, mất liên lạc với nhau một thời gian, rồi lại tình cờ gặp nhau nơi xứ lạ nầy.
Từ đó thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm nhau, nói ít chuyện cũ. Như buổi hôm nay, nhân ngày đầu năm nghỉ làm, rủ thêm mấy thằng bạn đến ngồi bù khú với nhau. Nhưng kể từ lâu lắm, hôm nay bỗng dưng chúng tôi lại nhắc đến Phương và kỷ niệm về căn nhà trọ năm nào. Có thể chỉ là sự tình cờ. Nhưng cũng rất có thể là do cuộc bài vừa qua đã đưa chúng tôi trở về những ngày tháng cũ.
Cũng may, lời nhắc của Công tối nay không đủ mạnh để lôi những người đang tiếc tiền quay về một câu chuyện chẳng dính líu gì đến họ. Các bà chầu rìa chán đã rút lên lầu xem nốt đoạn phim tập. Lũ đàn ông ngồi một lát cũng lục tục ra về, chỉ còn Công ở lại, ngủ với vợ chồng tôi. Ðêm đã khuya. Tôi dợm mở chai bia mới, nhưng Công cản lại. Dụi mẩu thuốc vào cái gạt tàn đã đầy ngập, hắn vươn vai ngáp:
‘Ðủ rồi. Thôi đi ngủ, mai dậy nói chuyện tiếp.’
Tôi dò bước lên gác. Căn phòng tối mò, tuy thế không cần đèn tôi vẫn dễ dàng đặt lưng lên chỗ thân quen mỗi tối. Trong đêm, tôi lắng nghe tiếng gọi của những kỷ niệm ngày xưa đang quay dần về. Những thăng trầm của đời sống. Những cái tên đã đi qua đời, thoáng ẩn thoáng hiện. Bên cạnh tôi, Trâm nằm yên, dáng say ngủ. Tuy thế, tôi biết nàng vẫn còn thức. Nhịp thở nhanh gần hai chục lần một phút là lời tố cáo vô hình. Nhưng tôi vẫn giả như không biết. Có lẽ Trâm cũng đang nhớ đến những ngày xưa, đến Phương một ngày nào. Ngày xưa trong mơ thường là một tấm gương để ta soi vào mỗi khi gặp chuyện bất ưng ý trên đời. Tôi chỉ mong sao Trâm đừng nghĩ là chính mình đã ‘rụi tùng’. Cuộc sống nào chẳng có những bất ưng ý. Còn nghĩ lại, chuyện ai rụi tùng chỉ có bộ ba: tôi, Trâm và Phương, những người trong cuộc, biết và phán đoán. Tôi đã lấy được Trâm, như ý mình ước muốn, để rồi giờ đây hai đứa cùng ngửa mặt lên trần, cùng nghĩ tới một người, nghĩ tới những gì đã cho và những gì còn đang có, mà không thể nói cho nhau biết những thầm kín của mình. Ðêm vẫn xuống, êm thật êm. Tôi không dám đưa tay lau những giọt nước mắt đang lăn. Bên kia, cách phần tư vòng trái đất, trời đang hối hả vào ngày mới. Thằng Phương ngày xưa, giờ nó đang nghĩ gì nhỉ? Hay nó vẫn như tôi, mang theo mãi trong đầu hình ảnh một buổi chiều tôi đã kéo Trâm xuống bộ ghế xa lông đúng lúc nó bước vào nhà.
Chú thích:
(1) Rửa đít: Thua cháy túi.
(2) Pha: Nhường quyền tố cho người dưới chân bài.
(3) Ta-pi: Tố hết tiền mình đang có trong sòng bài.
(4) Ghế: Gái (tiếng lóng)

Xem Tiếp: ----