Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cô bé Fadette lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại, một bà lão già nua, lẩm cẩm, bị người đời coi là “mụ phù thủy”. Mọi người ở vùng Cosse, từ già đến trẻ đều khinh ghét cô bé, coi cô bé như là một kẻ sống ngoài lề xã hội. Thế mà Landry, chàng trai giỏi giang, tuấn tú nhất vùng lại “phải lòng” cô bé. Một tình yêu đẹp. Một tình yêu chân thành, trong sáng, với hết thảy mọi nhớ nhung, say đắm, đôi khi cũng đầm đìa nước mắt, trong cảnh trí đồng quê khoáng đạt, và thơ mộng. Vượt qua rất nhiều trở ngại, Landry và Fadette đi đến hạnh phúc. Điều rắc rối là Sylvinet, anh sinh đôi của Landry, giống Landry như hai giọt nước, bây giờ cũng lại “phải lòng” cô em dâu… Chương I Ông lão Barbeau ở vùng Cosse làm ăn không đến nỗi tồi. Chả thế mà ông được bầu vào hội đồng hàng xã. Hai cánh đồng nhà không chỉ cung cấp đủ lương thực cho gia đình mà còn thu lợi. Cỏ cắt trên cánh đồng cỏ nhà ông, ngọai trừ một ít mọc bên bờ suối bị lau lách lấn át, được tòan vùng công nhận là cỏ hạng nhất. Ngôi nhà Barbeau xây cất vững chãi, mái ngói, nằm thoán đãng trên sườn đồi, với một thửa vườn cho thu nhập cao và một ruộng nho trải rộng trên sáu công đất. Cuối cùng, phía sau kho lúa là một vườn cây trái, sum sxê những lê, thanh lương, anh đào. Ngay cả dãy hồ đào quanh vườn cũng là những cây cổ thụ lâu đời nhất và to lớn nhất trong suốt một vùng rộng lớn tới hai dặm. Barbeau là một con người gan dạ, không độc ác, thiết tha gắn bó với gia đình, nhưng không vì vậy mà ứng xử bất công với xóm giềng và bà con trong giáo khu. Ông đã có ba con khi bà Barbeau sinh thêm cho ông một lúc hai đứa nữa, hai chú bé sinh đôi kháu khỉnh, chắc hẳn vì bà thấy gia đình đủ sức nuôi năm đứa và mình phải “tranh thủ” vì tuổi đã bắt đầu lớn. Chúng giống nhau tựa hai giọt nước, hầu như không sao phân biệt nổi, nên bà con trong vùng rất sớm nhận ra đó là hai “Betxông”, nghĩa là hai anh em sinh đôi giống nhau như lột. Đón nhận hai chú bé trong chiếc tạp dề của mình khi chúng cất tiếng chào đời, bà mụ Sagette không quên dùng kim khâu, xăm cho đứa ra trước một chữ thập nhỏ trên cánh tay, vì - theo lời bà - một mẩu rubăng, hay một chiếc vòng cổ có thể gây nhầm lẫn và làm mất quyền của thằng anh. Khi đứa bé đủ cứng cáp thì phải tạo cho nó - theo lời bà - một dấu vết không bao giờ bị xóa nhòa; và người ta không quên làm theo lời ấy. Thằng anh được đặt tên là Sylvain, ít lâu sau đổi thành Sylvinet để phân biệt với cậu anh cả từng nhận đỡ đầu cho nó; còn thằng em được gọi là Landry, cái tên nó giữ nguyên như khi được đặt trong buổi lễ rửa tội, vì chú nó và cũng là người đỡ đầu nó, cũng không thay đổi tên gọi từ nhỏ, là Landriche. Từ chợ trở về, ông lão Barbeau khí ngạc nhiên khi trông thấy hai mái đầu nhỏ xíu trong nôi. - Ồ, ồ - Ông lầm bầm - cái nôi hẹp quá. Sáng mai, mình phải sửa lại cho rộng thêm một chút mới được. Hai bàn tay ông đã làm chút ít nghề mộc, tuy không học ai hết, và đã tự tay làm lấy một nửa số đồ gỗ trong nhà. Không băn khoăn gì hơn, ông vào chăm sóc cho bà vợ đang uống một cốc vang nóng to tướng và chỉ thấy trong người khỏe khoắn thêm. - Mình đã làm việc tốt quá mình ơi - Ông bảo bà - khiến tôi phải dũng cảm thêm lên đấy. Thế là chúng ta lại phải nuôi thêm hai đứa bé mà chúng ta tuyệt đối không cần tới; như thế có nghĩa là tôi không được ngừng nghỉ việc cày bừa và chăn nuôi gia súc. Mình cứ yên tâm, tôi sẽ làm việc; nhưng lần sau, mình chớ cho tôi ba đứa, vì nếu thế e quá nhiều đấy. Bà Barbeau khóc, và ông lão Barbeau lấy thế làm đau lòng. - Thôi nào, thôi nào - Ông lên tiếng - Mình yêu quý, mình chớ buồn phiền. Tôi nói thế không phải để trách móc mình đâu, mà thật sự trái lại, là để cảm ơn mình đấy thôi. Hai đứa trẻ xinh đẹp và cứng cáp; trên người chúng không hề có tì vết và tôi lấy làm bằng lòng. - Than ôi! Lạy chúa - Bà vợ đáp - Tôi biết là mình không quở trách chúng; nhưng riêng tôi, tôi lo lắng, vì người ta bảo không có gì bấp bênh và khó khăn hơn là nuôi dưỡng hai trẻ sinh đôi. Chúng gây khó khăn cho nhau và một đứa phải chết để cho đứa kia được khỏe mạnh. - Ui dà - Ông bố bảo - Thật thế ư? Riêng tôi, tôi nghĩ đây là những đứa trẻ sinh đôi đầu tiên mình được thấy. Trường hợp này không nhiều đâu. Nhưng bà Sagatte đã tới kia; bà ấy có kinh nghiệm về vấn đề này, và sẽ nói cho chúng ta rõ tình hình ra sao. - Ông bà cứ tin tôi - Bà mụ Sagatte vừa được mời tới, vội đáp - Hai cháu bé sinh đôi sẽ sống vui vẻ, mạnh khỏe và sẽ không đau ốm hơn những đứa trẻ khác đâu. Tôi làm cái nghề hộ sinh này đã năm muơi năm rồi và chứng kiến tất cả trẻ nhỏ trong tổng ta chào đời, sinh sống hay lìa đời. Vì vậy không phải lần đầu tiên tôi đón nhận trẻ sinh đôi. Trước hết, hiện tượng giống nhau không hề có hại cho sức khỏe chúng. Có những cháu không giống nhau hơn ông bà và tôi, nhưng thường có một đứa khỏe và một đứa yếu, nên một đứa sống và một đứa chết. Ông bà hãy nhìn hai cháu xem: cháu nào cũng kháu khỉnh và cứng cáp như thể là con sinh một. Vì vậy, chúng không hề làm hại lẫn nhau trong bụng mẹ; cả hai đứa ra đời mạnh khỏe mà không làm mẹ quá đau đớn, và bản thân chúng cũng không đau đớn. Chúng xinh đẹp tuyệt trần và chỉ muốn sống. Vì vậy, bà hãy yên lòng, bà Barbeau; bà sẽ vui mừng trông thấy chúng lớn khôn; và nếu cứ như thế này, thì chỉ có bà và những người trông thấy chúng hàng ngày là có thể phân biệt nổi chúng mà thôi, vì tôi chưa từng trông thấy hai đứa trẻ sinh đôi nào giống nhau đến thế. Người ta có thể nói là hai chú đa đa con vừa ra khỏi trứng; chúng xinh đẹp và giống nhau tới mức chỉ có đa đa mẹ là phân biệt được. - Thế thì tốt quá - Lão Barbeau vừa lên tiếng vừa gãi đầu - Nhưng tôi nghe nói trẻ em sinh đôi gắn bó với nhau tới mức khi xa nhau, chúng không thể sống nổi, và ít nhất một trong hai đứa mòn mỏi vì đau buồn cho tới lúc chết. - Thật tình đúng là như vậy - Bà mụ Sagatte bảo - Nhưng xin ông bà nghe những lời sau đây của một người đàn bà có kinh nghiệm. Ông bà chớ quên, vì khi các cháu đến tuổi chia tay ông bà, có thể tôi không còn trên thế gian này để góp lời khuyên ông bà. Hễ các cháu bắt đầu tự nhận biết ra mình, thì ông bà chú ý đừng để chúng luôn ở cạnh nhau. Cho đứa này đi lao động thì để đứa kia trông nhà. Khi đứa này đi câu thì cho đứa kia đi săn; khi đứa này chăn cừu thì để đứa kia đưa bò ra đồng cỏ; cho đứa này uống vang thì cho đứa kia một cốc nước lã, và ngược lại. Tuyệt đối không mắng mỏ hay trừng phạt cả hai đứa vào cùng một lúc; chớ cho chúng ăn mặc giống nhau; đứa này có chiếc mũ cứng thì phải cho đứa kia một chiếc cátket, và nhất là chớ cho chúng mặc áo blu cùng một màu xanh. Cuối cùng với mọi phương cách ông bà có thể hình dung, hãy ngăn cấm đừng để chúng nhầm lẫn đứa này là đứa kia và có thói quen không thể sống không có nhau. Những điều tôi vừa nói, tôi rất lo ông bà không để lọt tai, nhưng nếu không nghe, sẽ có ngày ông bà phải ân hận lắm đấy. Bà mụ Sagatte tòan nói những lời đích đáng và được người ta nghe theo. Vợ chồng nhà Barbeau hứa làm theo lời bà và biếu bà tặng phẩm ra trò trước khi chia tay. Và vì bà tay căn dặn không được nuôi cả hai đứa bé sinh đôi bằng cùng một bầu sữa, gia đình Barbeau khẩn trương đi tìm một bà vú. Nhưng trong vùng không có. Chưa từng nghĩ đến chuyện sinh đôi, và vốn tự nuôi tất cả các con, bà Barbeau không chuẩn bị trước. Lão Barbeau phải đi tìm xa hơn, và trong thời gian ấy, không thể để con đói, bà cho cả hai đứa bú. Bà con vùng quê tôi không có thói quen quyết định nhanh chóng, và dù giàu có đến đâu họ cũng vẫn phải mặc cả chút ít. Người ta biết gia đình Barbeau có tiền và nghĩ bà Barbeau không thể nuôi hai đứa mà không kiệt sức, vì không còn ở tuổi thanh xuân nữa. Vì vậy tất cả bà vú lão Barbeau gặp đều đòi mỗi tháng mười tám đồng livrơ, không hơn không kém so với một nhà tư sản. Ông lão Barbeau thì chỉ muốn trả mười hai hay mười lăm livrơ, cho rằng như thế là đã nhiều đối với một người nông dân. Ông chạy khắp nơi và bàn cãi nhưng không đi đến kết quả nào hết. Tình thế không thật bức bách, vì hai đứa trẻ bé tí xíu ấy không thể làm người mẹ kiệt sức; vả lại, chúng mạnh khỏe, ngoan ngõan, và cả hai ít khóc lóc tới mức hầu như chúng không gây rối hơn trường hợp chỉ có một đứa trẻ trong nhà. Khi đứa này ngủ thì đứa kia cũng ngủ. Ông bố đã sửa chữa chiếc nôi, và khi cả hai đứa cùng khóc, người ta ru và dỗ dành, chúng cùng im lặng một lúc. Cuối cùng lão Barbeau vừa thỏa thuận được một bà vú giá mười lăm livrơ, và chỉ còn chuyện thêm bớt chút ít nữa, thì bà vợ nhỏ to: - Ồ, ông này, tôi không hiểu vì sao, chúng ta lại phải bỏ ra một trăm tám muơi hai trăm livrơ mỗi năm, như thể chúng ta là những ông to, bà lớn ấy, và như thể tôi không còn ở cái tuổi để nuôi con nữa. Tôi có thừa sữa cho chúng. Hai đứa con trai chúng ta đã hơn một tháng và mình xem chúng có khỏe mạnh không nào. Mụ Merlaude mà ông định mướn vú nuôi không khỏe mạnh bằng một nửa tôi đâu; sữa mụ ấy đã có từ mười tám tháng và như thế sẽ không tốt cho một đứa bé còn măng sữa như các con chúng ta. Bà Sagatte bảo đừng nuôi chúng bằng một thứ sữa để tránh cho chúng khỏi quá gắn bó với nhau; bà ấy nói đúng, nhưng lại cũng chẳng bảo phải chăm sóc chúng chu đáo như nhau vì dẫu sao trẻ sinh đôi cũng không hòan tòan khỏe mạnh như những đứa trẻ khác đó sao? Tôi muốn thà con chúng ta quá yêu thương nhau hơn là phải hy sinh đứa này cho đứa kia. Vả lại, chúng ta sẽ cho bà vú nuôi đứa nào? Thú thật với mình là phải xa đứa nào tôi cũng buồn phiền ngang nhau. Tôi có thể nói là tôi đã từng yêu thưong các con, nhưng không hiểu vì sao tôi thấy hai đứa này là hai đứa xinh xắn nhất, dễ thương nhất mà tôi từng ôm ấp trong vòng tay. Đối với chúng, có một cái gì đó tôi không rõ nhưng làm tôi nơm nớp lo sợ đánh mất chúng. Mình này, tôi van mình, mình đừng có nghĩ đến chuyện mụ vú ấy nữa; ngòai ra, chúng ta sẽ làm tất cả những gì bà Sagatte đã từng căn dặn. Làm sao mình lại nghĩ là những đứa trẻ đang bú quá gắn bó, yêu thương nhau, khi cùng lắm đến tuổi cai sữa, chúng chỉ mới phân biệt đựơc bàn tay với bàn chân mình? - Mình này, mình nói không sai đâu - Lão Barbeau vừa đáp vừa nhìn bà vợ còn tươi mát và khỏe mạnh mà người ta thường ít thấy - Nhưng nếu các con càng lớn lên, sức khỏe mình càng sút kém thì sao? - Mình chớ lo - Bà vợ bảo - Tôi ăn vẫn cảm thấy ngon miệng như ở tuổi mười lăm; vả lại, nếu cảm thấy sức khỏe sa sút, thì tôi hứa với mình là tôi không giấu giếm đâu, và lúc ấy vẫn kịp để một trong hai đứa con tội nghiệp của chúng ta cho người khác bú. Ông lão Barbeau nghe theo, nhất là vì ông cũng không muốn chi một khỏan tiền vô ích. Bà Barbeau nuôi hai đứa bé sinh đôi, không phàn nàn và cũng không đau ốm; thậm chí tiên thiên bà tốt đến mức hai năm sau khi cai sữa cho hai đứa bé, bà lại cho chào đời một đứa bé gái xinh đẹp, được đặt tên là Nanette và cũng tự bà cho bú lấy. Nhưng vẫn có phần hơi quá, và chắc hẳn bà khó lòng mà chống chọi đến cùng, nếu không có cô con gái cả - hiện đang nuôi một đứa con đầu lòng - thỉnh thoảng đến đỡ đần mẹ bằng cách cho con bé em bú. Theo cách đó, cả gia tộc lớn lên và chẳng bao lâu sau, “lúc nhúc” dưới ánh mặt trời, những ông chú và bà cô tí hon, không việc gì phải trách cứ lẫn nhau người này nghịch ngợm hay hiền lành hơn người kia.