Sáng nay ghé ngôi chợ gần nơi tôi ở. Giựt mình mới thấy như vừa thức dậy sau một giấc ngủ vùi. Đã gần 20 năm trên xứ người, cái tết đầu tiên còn háo hức để mặc vào người chiếc áo dài màu tím cùng các con đưa nhau đi dạo chợ tết của cộng đồng người Việt Nam tổ chức tại đây. Rồi thời gian đi qua chậm rãi nhưng bước chân của tôi thì hối hả chạy theo những tiện nghi cần phải có trên đất nước của người ta. Cho nên bao mùa xuân đến rồi xuân đi vẫn ngồi ở nơi làm việc, bởi mùa xuân của mình thì đâu có can dự vào cảm giác của người khác chủng tộc. Ngày tết thiêng liêng cũng đi cày bừa như con trâu hùng hục đúng 8 tiếng. Tối 30 cúng giao thừa xong rồi cũng vội đi ngủ để mai còn phải đi làm. Cuộc sống như cái máy  ấn định giờ giấc đã làm thay đổi con người đến lạnh lùng vô cảm. Đứng trước những gian hàng chuẩn bị cho những ngày tết, tôi thấy hình như cũng thưa thớt người mua sắm bởi kinh tế hiện giờ đang tuột dốc thảm hại. Một nỗi buồn chợt chùng xuống, trãi dài trên lối đi và theo tôi về đến tận nhà.
...
Cũng vào những ngày trước tết , thằng em trai từ Long Khánh tay xách lưng mang cho cô chị ở trong thành phố Sài Gòn, hai con gà tre ốm đói  tong teo, một bịch đậu phụng trúng mùa, vài ký nếp thơm. Nhớ  như in cái dáng ốm nhách của nó cũng giống hệt như hai con gà tre, tôi cười nói: " người sao thì nuôi ra gà đó hỉ ". Nhìn cái miệng móm sọm thiếu cả hàm răng tiền đạo cười cười ra điều mắc cở vì không có đồ ngon hơn, tốt hơn để mang lên biếu cho chị .
Nói là thằng em, thực ra chỉ là vai vế chứ nó lớn tuổi hơn cô chị họ của nó. Nhìn bộ dạng của nó loay hoay giúp gia đình kêu bằng O, dượng, lo dọn dẹp nhà cửa thật nhanh và tươm tất để chuẩn bị ăn tết. Đâu ai có thể hình dung ra đó là một người lính kiêu hùng trong binh chủng mũ đỏ ngày nào. Đó là kẻ sống sót trong trận Hạ Lào, chiến dịch Lam Sơn 719. Một chiến dịch kinh hoàng trong Mùa Hè Đỏ Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thằng em được sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, thuở ấu thơ gia đình nghèo phải  hàng ngày đội cái thúng trên đầu đi bán rao trong chợ và trên hè phố bằng nghề bán kẹo kéo, một loại kẹo nấu bằng đường vàng với gừng. Lúc nào đi ngang nhà của cô chị cũng mở thúng dúi vô tay chị một nhúm kẹo bòn mót dư ra. Có khi năn nỉ rũ chị đi theo tập buôn bán, cô chị tánh tình thích  ham chơi nên lang thang, lê la khắp cả đường trên xóm dưới. Đi không đội nón làm cho  mái tóc vàng hoe như râu bắp còn nước da thì bị ăn nắng đen dòn.
Cuộc sống cứ thế êm đềm như một dòng sông, hiền hòa như nương khoai, nương sắn. Quê hương bỗng gánh nhiều thiên tai  lũ lụt. Gia đình cô chị đành phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún để tìm con đường mưu sinh ở một nơi chốn khác.Khi cô chị rời quê hương vô Sài Gòn sinh sống, thằng em trong ngày đưa tiễn nơi sân ga nước mắt sụt sùi như con gái, cô chị phải nghiêm mặt nói nhưng khóe mắt cũng rơi lệ:" nữa mi lớn thì vô Sài Gòn tìm tau ". Thằng em mở mắt to như vừa tìm thấy một điều thật dễ dàng vậy mà cái đầu óc thiệt thà quê mùa của nó cũng không sao nghỉ ra được. Trong mắt thằng em,cô chị họ của nó thiệt là vừa đẹp lại vừa thông minh nó thiệt  phục lăn ra đất. Thế giới của nó chỉ là dãy núi xa  mờ trong những ngày cơn mưa phùn dai dẳng, chỉ là đầu con sông Thạch Hãn này chảy về cuối dòng sông mà thôi . Có xa lắm thì những con đường đi về dưới Sãi hay xa nữa thì chỉ tới hai chữ Đông Hà là gói trọn nhiêu đó trong cái bộ óc mà cô chị hay mắng yêu là cái đồ óc heo.
Mười năm sau... cô chị đang đứng phơi đồ trên lầu thượng ngó xuống thấy một anh chàng mặc đồ rằn ri đội mũ đỏ đang đứng trước cửa nhà. Ngó cái tướng cao cao là cô chị chưa kịp chạy xuống đã kêu " thằng Đình hả " . Chị em gặp lại nhau mừng vui cũng chảy nước mắt như khi chia ly ở sân ga năm nào. Rồi từ đó mỗi lần được về phép nơi thành phố  hai chị em lại đi dạo phố bên nhau, thân thiết như hồi còn ấu thơ. Tướng thằng em càng ngày dềnh dàng, con nhà lính mà lại là lính nhảy dù mới thiệt là oai phong, thằng em nổi tiếng là gan lì một cây nhưng bản tính thiệt thà thì cho dầu có vào sanh ra tử cũng không hề đổi thay. Trong đầu óc thằng em, cô chị của nó luôn là người không ai có thể thay thế được.
....
Năm 1972, nó từ trận Hạ Lào sống sót trở về, với cái đầu óc khờ khạo của nó cũng biết thốt ra cửa miệng cùng với sự phẩn uất làm cô chị tròn xoe mắt kinh ngạc. Thằng em cho biết khi quân được thả xuống nơi nào thì coi như tất cả đã bị rơi vào lưới của địch quân đang chờ . Thằng em cho biết đây giống hệt  một ván cờ tướng mang con chốt đi thí mạng. Phải nói thằng em số to mạng lớn mang thương tích đầy mình vượt thoát ra từ hỏa ngục ...
Chiến tranh chấm dứt, với cấp bậc binh nhì nên chuyện học tập cải tạo cũng không bao lâu, thằng em về Long Khánh nơi có con bồ vẫn ngày đêm trông ngóng thủy chung. Bỏ áo lính để khoác vào manh áo cơ hàn lam lũ cùng ruộng nương. Vậy mà năm nào nó cũng lên Sài Gòn để thăm cô chị vào những ngày trước tết, trúng được mùa nào thì mang cho cô chị thứ ấy. Lại thêm con số mười năm cô chị lại bỏ Sài Gòn để đi qua một đất nước khác. Lần này  thằng em biết nơi cô chị đến đã nghìn trùng xa cách, nó có đưa mắt bao xa cũng không sao thấy tới được nữa. Nhưng nó đã làm chồng, làm cha của người ta, thằng em không còn quê mùa như hồi còn nơi quê nhà Quảng Trị . Ngày đưa cô chị ra phi trường với áo quần tươm tất, lần này nó nắm tay cô chị nói:" nhớ biên thơ cho em nghe, để em biên lại thăm chị ". Cả nhà vô bên trong cửa kiếng, cô chị quay lại đưa tay lên vẩy thấy cái dáng cao cao, cái miệng móm mất hàng tiền đạo hình như đang mếu xệch. Cô chị ra dấu, một dấu hiệu của tuổi ấu thơ  chỉ giữa hai người mới hiểu. Cô chị đưa tay vô ngực đấm  ba cái  với ý nghĩa... hẹn gặp lại .
Hình ảnh thằng em với bộ rằn ri, với chiếc mũ đỏ tươi như màu máu đang hiện ra thật rõ ràng trước mắt. Có lẽ thằng em đang ở một nơi xa xôi cũng đang nhớ về những ngày trước tết, nó luôn  muốn mang về những món quà từ chính bằng đôi bàn tay cực nhọc của nó làm ra để  cho cô chị thú vị  ăn tết . Đó là người mà suốt cả cuộc đời nầy nó vẫn mãi quí mến kính yêu...
... "tau nhớ mày lắm Đình ơi "
Mầu Hoa Khế
Jan2011
 

Xem Tiếp: ----