Đã bắt đầu tháng năm, còn khoảng 6 tuần nữa các trường ở Canada sẽ đóng cửa nghỉ hè cho tới đầu tháng chín. Ở đây mùa hè đến rồi đi âm thầm lặng lẽ không giống như ở Việt Nam mùa hè lúc nào cũng đến với cái mầu đỏ tươi và đi trong cái sắc tàn phai của những chùm hoa phượng!
Tôi nhớ lại những ngày còn ở tại Việt Nam, giai đoạn này những cành phượng trơ trụi lá bởi mùa đông như đang trở mình thức giấc. Khởi đầu là những chấm xanh li ti rải rác đây đó trên làn da xám, chừng vài tuần sau một mầu xanh tươi bắt đầu che khuất cái vẻ gìà nua của những cành cây. Rồi những vệt đỏ bắt đầu xuất hiện đó đây và bất chợt vào một buổi đẹp trời nào đó cả một sân trường, cả một góc phố, đôi khi cả một con đường bỗng bừng lên đỏ thắm một mầu của hàng ngàn chùm hoa phượng như hẹn hò nhau nở một lần để đón chào cái nóng nung người của mùa hè.
Không hiểu từ bao giờ và ai đã có ý tưởng thật hay là trồng những cây phượng nơi trường học. Những bông hoa đỏ thắm như nhắc nhở cái ngày chia tay của niên học đã sắp gần kề. Ở cái thời điểm không có điện thoại, không có internet người ta mới thấm thía được cái cách xa biền biệt của chia ly. Có những người bạn cùng lớp khi nghỉ hè trở về quê chúng ta chỉ gặp lại được trong niên học mới khi những bông hoa phượng bắt đầu rơi rụng khắp sân. Có những bóng hình đôi khi đã không trở về bỏ lại trong sân trường những ánh mắt tìm kiếm bơ vơ lạc loài giữa mầu hoa đỏ!
Hoa phượng không phải là một loài hoa hiếm, hoa nở liên tục từ khoảng giữa tháng 5 cho đến giũa tháng 9, đôi khi vào tháng 10 người ta còn tìm thấy một vài chùm hoa dấu mình sau những tàn lá xanh. Hoa nở từng chùm, mỗi hoa có 5 cánh, 4 cánh mầu đỏ cam mang những vết loang mầu đỏ đậm, cánh thừ 5 dầy hơn những cánh kia đem lại cho hoa phượng một dáng kiêu sa với mầu trắng mượt điểm những vệt đỏ hài hoà như đuôi của một loài chim phượng cho nên hoa đã được gọi là hoa phượng vĩ. Khi còn trong nụ,nhất là khi nụ còn non phải để ý lắm mới phân biệt được sự khác nhau giữa các cánh hoa. Hình như trong chúng ta không một ai đã không một lần ép cho mình một vài cánh phượng giữa những trang vở học trò mang đầy nét chữ vụng dại.
Tôi thích hoa phượng và tuồi học trò của tôi đã như lướt đi trên một giòng sông chuyên chở đầy hoa phượng.
Năm 1953 sau khi bi thương trong một trận đánh tại Vĩnh Phúc Yên bố tôi được thu nhận vào làm tại Ty Quan Thuế cảng Hải-Phòng. Năm đó tôi học lớp Ba tại trường Tiểu-hoc Nguyễn Du. Thành phố Hải Phòng hồi đó một số đường phố còn mang tên Tây và đã được gọi là thành phố của hoa phượng vì nơi nào cũng có hoa phượng! Nhà tôi ở phố Bordeaux, con phố hai hàng cây phượng giao nhau mang lại bóng mát trong suốt mùa hè.
Sân trường Nguyễn Du bắt đầu từ giữa tháng năm hoa phương đỏ rực từ sân trước tới sân sau. Nhờ mấy tháng chơi với Ất ở quê nội tôi leo cây như sóc, hồi đó trò chơi ưa thích của tụi học trò lau nhau lớp nhỏ như tôi là đá gà bằng hoa phượng. Tôi thích thú leo lên cây hái từng chùm hoa phượng vứt xuống đất nhìn mấy đứa bạn tranh giành mặc dù đã có lệnh cấm. Có một hôm đang ngồi vắt vẻo trên một cành cây nhìn xuống thấy đám bạn vùng bỏ chạy tán loạn thì ra thầy Hiệu- Trưởng tay cầm cái roi mây đang từ xa đi tới. Tôi điếng hồn ngồi sững! Buồi sáng đó tôi bị quỳ dưới gốc phượng cầm cuốn sách “Tôi tập đọc lớp Tư” học đền thuộc lòng bài Tôi đi học của Thanh-Tịnh trong đó rồi mới được đứng dậy, Tôi sợ nên học thuộc lòng kỹ đến nỗi giờ này tôi cũng còn có thể đọc lại cả bài không hề sai sót “ Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều là lòng tôi lại nao nao những kỷ niệm của buổi tựu trường. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh....”
Năm 1954 đất nước chia đôi, bố tôi được thuyên chuyền vào làm việc tại Ty Quan thuế cảng Nha Trang, chiếc tầu Ville de Hai-Phong cập bến Cầu Đá sớm hơn dự định nên căn nhà nằm trong Cư xá nhân viên Quan thuế dành cho gia đình tôi chưa được quét vôi xong, ngày hôm đó gia đình tôi được tá túc tại nhà của ông Trưởng ty. Đó là một căn nhà rông thênh thang xây theo kiểu nhà của Pháp nằm trong một khoàng sân riêng cách biệt hẳn với những nhà dành cho nhân viên.
Suốt mấy ngày trên tầu không được chạy nhẩy nên khi nhìn thấy cây phượng nở hoa đỏ thắm trong sân tôi nhanh như sóc leo thoăn thoắt lên một chạc cây ngối vắt vẻo trên đó quan sát cái khuôn viên rộng thênh thang. Rải rác đó đây những cây bàng những cây phượng những cây hoa sứ và nhiều nhất là những cây dừa đầy những trái khác hẳn với cây dừa điếc không trái nơi quê nội tôi.
Đang bò người trên một cành phượng để định bắt con ve sầu gần đó tôi bỗng giật mình vì một âm thanh lạ hoắc “ nè té à nghe...! ”, nhìn xuống tôi như chỉ thấy đôi mắt tròn như hai hòn bi ve trên khuôn mặt trắng bầu bĩnh với mái tóc cắt bom bê dành cho con gái. Ngày đầu tiên tới miền Nam không hiểu “ té “ là gì nên tôi la lớn “ nói gì? “ cô bé hỏi lại “ bắc kỳ? “ tức mình vì chữ bắc kỳ tôi sẵng giọng “ừ, thì sao “ cô bé cười khanh khách “ thi dzậy, hông hiểu gì hết “ tự nhiên tôi thấy cái giọng nói lạ hoắc bỗng dễ thương. Tôi dịu giọng giả lả nói trống không “ muốn hoa không “ cô bé mừng rối rít nói “ưng “ tôi đoán ưng nghĩa là thích nên bẻ một chùm hoa thật lớn ném xuống.
Ít phút sau tôi leo xuống làm gan đến bên cạnh cô bé giọng ngập ngừng “ chơi đá gà không “ Hai đứa tôi say sưa chơi cả buối, qua câu chuyện tôi biết được cô bé tên Vân-An con gái lớn ông Trưởng ty mồ côi mẹ được hơn năm và đang được săn sóc bởi bà vú nuôi. Mấy bữa sau tôi quen được thêm Hoàng-Chi, Ngọc-Chử và Hoài 3 đứa đều nhỏ hơn tôi một tuổi con của nhân viên quan thuế trong cư xá,.Số còn lại hoặc thì quá nhỏ hoặc thì quá lớn. Tôi bằng tuổi Vân-An.
Cư xá hồi đó nằm xa thành phố giữa một cánh đồng cát đầy những bụi cây dại. Đã quen đi chơi ở đồng quê với Ất nên tôi như cá gặp nước, ngoài cái tài leo cây tôi lại còn có tài bắn ná thun nên tôi mau chóng trở thành đầu đàn của cái đám lau nhau đó. Suốt ba tháng hè tụi tôi rủ nhau đi hái trái Ma dương, trái cam đường ở cánh đồng cát gần đó, có 3 con gái trong đám nên đôi khi tụi tôi 2 đứa con trai phải ép bụng chơi trò mua bán mà hàng hóa là những hoa và những nụ hoa phượng do tôi đi hái! Nhiều khi tôi trổ tài bắn ná thun làm rơi lộp độp những trái bàng chin cho cả đám ăn, khi đó Vân-An thường tung tăng chạy lượm những hòn sỏi tròn đem đến tận tay tôi.
Nhà Vân-An hầu như không thiếu một thứ trái cây nào kể cả nho, cam, táo nhưng không hiểu sao Vân-An lại thích ăn những trái bàng chín vàng nên vào cuối mùa khi những trái bàng chín bắt đầu hiếm tôi chỉ dẫn một mình Vân-An theo! Một hôm buổi trưa nắng chang chang hai đứa đang ngồi dưới gốc cây phượng Vân-An quay qua nhoẻn miệng cười nói “ Dự xấu ình nhưng chơi với Dự thì vui, ngoéo tay chơi với An mãi nghe! “, lúc sau này thỉnh thoảng An hay bắt chiếc cái giọng Bắc của tôi! Đang gậm trái bàng mọng nước, tôi ngậm vội trái bàng trong miệng chùi nhanh tay trên vạt áo rồi đưa ngón tay trỏ ngoéo vào ngón tay trắng muốt của An, tôi vẫn biết tôi xấu trai và lời nói đã như một làn gió mát lướt vào hồn tôi!
Cuối hè, hoa đỏ bắt đầu chỉ còn lác đác trên những cây phương, chợt tiếng khóc thất thanh vang lên tại nhà Vân-An, đám tụi tôi tất tả chạy qua thì chỉ kịp nhìn thấy Vân-An đang khóc nức nở bị đẩy lên xe rồi ông bố đóng xầm chiếc cửa và chiếc xe vọt đi bỏ lại đàng sau một đám bụi mù.Tối hôm đó tôi gặng hỏi nhưng bố tôi chỉ trả lời cụt ngủn với khuôn mẳt không vui là bố của Vân An được thuyên chuyển về Vũng Tầu.Tôi đang buồn và cũng sợ nên không dám hỏi gì thêm nữa!
Hè năm 1973 tôi được cử đi làm Phó chủ tịch trông coi một trung tâm thi Tú tài 2 tại Saigon sau đó về làmTrưởng ban Lý Hoá tại Trung tâm chấm thi Gia-Long. Trước khi chấm những bài thi đã được rọc phách Trưởng ban phải lập thang điểm với sự góp ý của các giám khảo để cho việc chấm điểm được đồng nhất. Trong khi đứng trước bảng đen trình bầy thang điểm, một nữ giám-khảo cứ nhìn tôi thật chăm chú, tôi nhìn lại thấy thoáng một nét quen quen nhưng đành chịu không nhớ ra được là ai. Tan buổi họp tôi bước ra cửa thì đằng sau lưng một giọng miền Nam vang lên nho nhỏ “ Còn leo cây hái phượng không dzậy!? “ Tôi quay lại la lớn “ Vân An! “ Năm đó tôi đã lập gia đình sắp có đứa thứ hai. Vân-An là giáo sư lý hóa cũng đã lập gia đình có được một đứa con trai hơn một tuổi. Sau đó gần một tuần bù đầu với công việc tụi tôi chỉ có thì giờ chào nhau.
Ngày cuối khi trao Sự vụ lệnh cho các giám-khảo đã hoàn tất nhiệm vụ tôi cố tình giữ lại Sự vụ lệnh của Vân-An sau cùng. Trong khi hai đứa băng qua chiếc sân trải đầy hoa phượng của trường Gia Long tôi quay qua cười cười hỏi An “ nếu không xa nhau hai đứa có thành vợ chồng? “ An cười khanh khách chỉ ngón tay vào mặt tôi “ nghèo mà ham! “. An leo lên chiếc xích lô, tôi quay lại trường.Cả hai đứa không đứa nào hỏi địa chỉ của nhau..! Tôi ngước mắt nhìn lên,nắng đang chiếu qua những chùm hoa phương đỏ thắm!
Cựu Gs Nguyễn đăng Dự
Tháng 5 năm 2009 Québec ( Canada )

Xem Tiếp: ----