Từ cửa sổ phòng khách nhìn ra, mắt Khanh bổng sáng lên. Chiếc xe thể thao, màu đen bóng nhoáng, vừa đậu lại trước cửa. Cô thư ký riêng của Khanh, soi lại khuôn mặt mình trong kính chiếu hậu, trước khi mở cửa bỏ chân xuống đất. Nét mặt nhí nhãnh, nửa chính chắn, nửa thơ ngây của nàng vẫn còn chút gì đó chao động lòng chàng. Cô nghiêng mình vói lấy con gấu trắng ở băng ghế sau. Tiếng giày cao gót nện nhẹ nhàng trên những bậc thềm nhà bằng gỗ. Sau lưng Khanh, Mai nhót chân nhìn qua vai chồng rồi vội vàng chạy ùa ra mở lớn cửa, reo lên: - Kìa, chị Tường Vi! Chà.. lâu quá không gặp chị, hén. Tui thấy chị vẫn trẻ và đẹp quá hén. - Cám ơn chị Mai. Chị khỏe không? Mai cười, hai mắt nhắm híp lại: - Tui khỏe chứ có gì đâu. Chỉ con bé Ngọc Anh, cứ bị nóng đầu hoài. Tui nghĩ, chắc nó mọc răng hay sao đó. Một tuổi mới mọc răng là chậm quá, phải không chị Tường Vi? Nhưng, không sao cả, mọc chậm thì sẽ rụng chậm hơn. Má tui nói hồi đó tui cũng mọc răng chậm, bây giờ con tui giống tui chứ có giống ai khác đâu mà lo, phải không chị? - Kìa, em mời Tường Vi vào nhà đi, sao em cứ đứng choán hoài ngay cửa vậy? Mai bước nhích sang một bên, cười rũ ra: - Trời ơi, lâu ngày mới gặp chị, tui mừng quá, quên mất. Mời chị Tường Vi vô nhà. Vô nhà đi chị Tường Vi. Tường Vi đi vào, Mai chận lại.- Kìa, chị Tường Vi cởi giày để chỗ này nè. Chị coi đó, cái sàn nhà tui lau bóng lưỡng đến không thấy một hột bụi. - Không sao đâu em, đừng yêu cầu khách bỏ giày ra. Kỳ lắm. Gót giày đàn bà nhỏ tí xíu, có dính cũng chỉ vài hạt bụi, thấm vào đâu? Em vẫn lau nhà ngày hai, ba lần, tí nữa em cũng sẽ lau thôi. Tường Vi đừng ngại gì hết. Cô thư ký bướng bỉnh chỉ hơi ngập ngừng vài giây rồi tiến thẳng vào phòng khách. Tính nàng không thích cởi giày khi đã ra khỏi nhà. Mai chau mày, khó chịu. Vừa đi vào nhà bếp, Mai vừa hỏi: - Chị Tường Vi muốn uống gì không? Trà, cà phê hay nước ngọt? - Em cứ mang nước ra mời khách, ai lại hỏi khách có muốn uống gì không. - Em hỏi để cho chị ấy chọn mà anh cũng la em nữa. - Cám ơn chị Mai, lúc nào muốn uống, em sẽ tự đi lấy. Đặt con gấu nhồi bông lên bàn, cô thư ký nheo một mắt:- Anh hơi khó tính đấy, chị ấy thật thà, nghĩ sao, nói vậy. - Thật thà là tính tốt, nhưng khi nói mình phải chọn lời, giống như khi ăn mình chọn món. Tường Vi ngồi xuống sofa, bâng quơ: - Như khi lập gia đình mình phải chọn người. Khanh ngồi xuống chiếc ghế đối diện, nhìn vào mắt Tường Vi: - Dường như việc gì mình cũng phải chọn lựa hết? - Yêu không thể chọn. - Ai cũng nói giống vậy. Đã chọn thì không phải là yêu nữa rồi. - Anh có nghe ai nói: một người yêu không chọn và một người chọn để lập gia đình? Đàn ông giỏi ở điểm đó. - Ừ, anh thấy mình hay thật. Bỗng nhiên cả hai lắng tai, chăm chú nghe. Có tiếng khóc nho nhỏ trong phòng ngủ. - Dường như chị Mai đang khóc? Khanh thản nhiên: - Mai rất dễ rớt nước mắt, chuyện có gì hoặc không có gì cũng khóc. Cần là khóc, không cần thì thôi. Đang giờ giới nghiêm cũng mặc. Dường như túi chứa nước mắt của bà ấy không có nắp đậy, sẵn sàng trào ra bất cứ lúc nào. - Anh vào hỏi thăm chị ấy đi. - Hỏi thăm hoài, đâm ra mệt, chẳng còn muốn biết lý do thêm nữa. Anh đã nhàm với tiếng khóc của Mai lắm rồi. - Để em nghen. Tường Vi đứng lên, ôm con gấu đi thẳng vào phòng ngủ. Mai đang ngồi xoay lưng ra ngoài. - Chị Mai, em tặng bé Ngọc Anh món quà, mừng cháu đầy năm. Để em đưa cho cháu nghen. Mai xoay mặt lại, nước mắt đoanh tròng: - Chị Tường Vi để đó đi, con gái tui còn đang ngủ. Tui không muốn phá giấc ngủ của nó. - Sao chị Mai khóc vậy? - Tui buồn quá mà. - Chuyện gì buồn, chị Mai nói em nghe với? - Anh Khanh chê tui hoài hà. Ảnh la mắng tui như đứa con nít vậy đó. Phải chi ảnh chê tui trước khi cưới thì tui đâu có ưng ảnh. Tại bây giờ tui có con rồi, ảnh chán tui, mê người khác. Chị coi có khổ không chứ? Đàn ông dễ chán lắm, mới có một đứa con, còn như vậy, mai mốt có nhiều đứa, tui già hơn, thì hết nói luôn. Tường Vi đi tới gần hơn: - Chị Mai nè, em nghĩ không phải vậy. Em làm trong văn phòng anh Khanh mỗi ngày, em biết, anh ấy chẳng có ai cả. - Chị làm sao biết hết được, ở nhà ảnh kỳ cục với tui lắm à. Tui nói gì ảnh cũng la. Tui làm gì ảnh cũng chê. Tui tức muốn chết luôn. Tui khóc ảnh cũng không thèm để ý tới... Khanh bước vào: - Anh phải vô văn phòng có chút việc đây. Tường Vi, nếu cô không bận, tôi nhờ cô giúp giùm một việc. Tường Vi mở lớn mắt tỏ vẻ ngạc nhiên: - Em không bận gì cả, nhưng hôm nay là sinh nhật của cháu bé, anh không ở nhà sao? Khanh xoay lưng đi trở ra: - Anh sẽ về sau, còn cả một ngày mà. Khanh đi luôn ra cửa. Mai vùng đứng lên, quẹt nước mắt, chạy theo: - Anh đi đâu vậy? - Anh đã nói rồi, em không nghe thấy sao, còn hỏi? - Nhưng mà... bạn em sẽ đến, anh không có ở nhà, em trả lời sao với họ? - Em cứ tiếp chuyện với bạn, anh sẽ về sau, có gì khó trả lời đâu? Mai vùng vằng, nặng chân quay trở vào, buông mình ngồi phịch xuống ghế. Tường Vi ái nái, ngồi xuống bên cạnh: - Chị Mai, anh Khanh nói anh vào văn phòng có chút việc. - Chị không biết đâu. Ảnh chỉ nói vậy thôi, mỗi lần thấy tui khóc là ảnh kiếm chuyện bỏ đi mất tiêu. Tui biết hết trơn à. Ảnh cứ tưởng tui ngu, không biết gì. - Vậy là anh Khanh không thích nhìn thấy chị khóc. Nhiều đàn ông khác cũng vậy, họ cảm thấy khó chịu khi phải nhìn thấy nước mắt đàn bà. Hơn nữa, chị Mai à, đôi khi khóc không giải quyết được gì. Mình phải nói chuyện để thông cảm với nhau. Mai quẹt ngang dòng nước mắt trên má: - Chị nghĩ tui muốn khóc lắm sao? Ảnh có bao giờ nghe lời tui đâu mà nói chuyện, nói trò. Tui nói chưa dứt câu, ảnh đã nhảy ngay vô họng tui ngồi rồi, làm sao tui nói được? Bộ chị tưởng tui ngu lắm sao? Chị không biết chứ... đàn ông đều hư giống nhau hết. - Chị Mai nói oan cho đàn ông rồi đó nghen. - Oan chỗ nào? Ba tui cũng vậy, ổng có chịu nghe lời má tui đâu? Ổng đi đánh bài đến tan gia, bại sản, đến nghèo mạc luôn. Bây giờ anh Khanh không đánh bài, nhưng mê gái, cũng đủ tàn đời. - Anh Khanh mê ai, chị biết không? - Làm sao tui biết được, cả ngày tui chỉ ở nhà ôm con, giống như con ếch ngồi chong ngóc trong hũ nhìn lên, thấy trời chỉ lớn bằng nắm tay. Ảnh cũng đâu có dại gì để cho tui biết? - Không biết, sao chị ghen được? - Tui có bằng chứng nè! Chị thử nghĩ coi, vợ chồng gì mà cả tháng ảnh mới... ôm tui một lần. Trước kia, ảnh ôm tui... nhiều lần lắm. Vậy chứ bây giờ ảnh ôm ai? Đàn ông không ôm đàn bà đâu chịu nổi, vậy mà ảnh tỉnh bơ như thường. Mai bỗng nhìn trân trân vào Tường Vi: - Mà ảnh có gì với... chị không vậy? Tường Vi lắc đầu, cười: - Chị Mai đừng lo, em là bạn anh Khanh trước khi anh ấy lập gia đình với chị. Nếu có gì thì đã có trước rồi, chứ không đợi tới bây giờ. - Trời ơi, đàn ông họ đổi ý không mấy hồi. Trước kia, thấy khác, bây giờ nhìn lại, thấy khác. Chị và ảnh gặp nhau mỗi ngày, giống như "lửa gần rơm, không trầy thì trụa". Tường Vi đứng lên: - Thôi, em phải đi. Chắc anh Khanh đang đợi em ở văn phòng. Không đợi Mai trả lời, Tường Vi đi thật nhanh ra cửa. Mai tiếp tục khóc rấm rức. Khanh đang ngồi trong xe, trước cửa văn phòng. Xe Tường Vi vừa ngừng lại, Khanh bước ra. - - Vi có thể đi với anh một chút được không? - Được, đi đâu vậy anh? - Chưa biết nữa. Chỉ biết là anh đang cần có một người bạn thân bên cạnh, vậy thôi. Nhìn nét mặt buồn buồn của Khanh, Tường Vi không hỏi gì thêm, chỉ lẳng lặng đi theo bên cạnh. Khanh lái xe vào con đường chính trong phố. Hai bên, người đi dạo đông như đàn kiến nối chân nhau. Mùa xuân mới bắt đầu, các quán cà phê bày bàn ra sân. Bàn nào cũng có khách ngồi kín hết. Khanh cho xe quẹo vào, ngừng lại trước cửa khách sạn Four Seasons. Người đàn ông mặc đồng phục bước ra mở cửa cho Tường Vi khiến nàng ngơ ngác nhìn Khanh. - Mình vào đây một chút nghen Vi. - Vào khách sạn? - Ừ. - Anh đang tỉnh hay mơ vậy, anh Khanh? Khanh phì cười: - Mình chỉ vào khu giải khát của khách sạn chứ không phải vào phòng khách sạn. Chưa chi em đã vội lo. - Phòng bệnh hơn chữa bệnh. - Em "phòng" kỹ quá, chẳng anh chàng nào dám bén mảng tới cầu hôn. Ngày trước, phải chi... Khanh bỏ lững câu nói. Hai người chọn cái bàn gần bên suối nước nhân tạo. Tiếng nước chảy róc rách, vui tai. Tiếng đàn dương cầm văng vẳng, nhẹ nhàng. - Anh nói dối chị Mai là anh vào văn phòng. - Em nghĩ, anh có nên nói thật trong trường hợp này không? - Không ai thích nghe nói dối cả. - Em nghĩ, anh thích nói dối sao? Chưa lần nào anh nói dối với em hết. Ngoài chức vụ thư ký, em còn là một người bạn... rất thân. Hầu như chuyện gì, anh cũng hỏi ý kiến em. Người đàn ông nào được diễm phúc làm chồng em, chắc sẽ là người hạnh phúc nhất trên đời này. - Nếu trước kia anh nghĩ được như vậy, bây giờ chuyện đã đổi khác rồi. - Có chứ, nhưng... - Anh Khanh, chuyện đó xa lắm. Mình nói chuyện gần hơn đi anh. - Chuyện gì? - Chuyện gia đình anh. Khanh ngã người ra sau ghế, thở dài: - Chuyện gì về gia đình anh? - Em cảm thấy tội nghiệp chị Mai. - Sao em không tội nghiệp anh? - Em vẫn quý mến anh. Chị Mai nói anh đang có nhân tình. Dĩ nhiên không phải là em, nhưng chị Mai nghi ngờ luôn cả em nữa. Anh đã xác nhận chưa lần nào nói dối em, hy vọng hôm nay, anh vẫn còn nói thật. Chị Mai nói đúng hay sai? - Sai! Khanh bưng ly nước trái cây uống một ngụm. Thêm một ngụm nữa. Xoay qua nhìn suối nước chảy: - Em có biết, từ ngày đầu gặp nhau, tới ngày hôm nay, anh chưa từng một lần nói anh yêu Mai? - Em đọc được trong mắt anh điều này và tự hỏi, anh có điên không? - Chắc có, chỉ tại mình không biết? Lập gia đình chỉ vì mình lớn tuổi, theo ông già bà xưa thì "an cư" đi trước, "lạc nghiệp" theo sau. Đồng thời, tránh được cảnh cha già con muộn. Phải có con nối dòng chứ em. - Trời ơi! Ông ơi, ở đây có rất nhiều đàn ông, ngoài năm mươi tuổi, triệu phú, vẫn còn độc thân. Họ đã lạc nghiệp trước khi an cư. Ông già sáu mươi, vẫn còn cơ hội có con nối giòng. Anh đã ăn bơ, uống sữa văn minh gần hai mươi năm nay, vẫn chưa hấp thụ được quan niệm sống của họ. Thời đại điện toán mà anh vẫn còn hì hục mãi, chưa bơi ra khỏi dòng tiền sử, kể cũng lạ. - Em nói có phần đúng, có phần oan. Lúc đó, cơ sở này mới thành lập, ngày nào anh cũng bận rộn bù đầu, thì giờ đâu tính chuyện bản thân. Lo "hoàn tất" chuyện gia đình để còn thì giờ lo cơ nghiệp. Tường Vi nhìn thẳng vào mắt Khanh: - Không oan cho anh chút nào hết. Đầu óc anh là cả một khối bảo thủ. Anh đã nói dối. Anh đã đối xử bất công với chính anh. Anh đã dùng hết can đảm để chối bỏ mối tình chân thật phát xuất tự đáy tim anh. Lòng Khanh đau nhói lên. Chàng bỗng cầm lấy bàn tay Tường Vi đang để trên bàn: - Anh... xin lỗi em. Tường Vi rút tay lại, thấp giọng: - Quá muộn để xin lỗi. Tuy nhiên, chỉ là thoáng qua, Tường Vi cười cười: - Bên mình, con gái chừng hai mươi lăm đã lính quính, chạy quanh tìm người để gã, để bán, sợ trở thành gái già không chồng, cho dù biết rằng "gái có chồng như gông đeo cổ". Em nhờ sống trong xứ của các bà chủ trương độc thân.. tự do, đã gần bốn mươi, vẫn tà tà ở vậy... nuôi con, sợ gì ai? Chỉ sợ bị cái gông đeo vào cổ thôi. Khanh cảm thấy nhẹ nhỏm, cười theo: - Gông bằng vàng, em chịu không? - Vàng hay thau gì vẫn là cái gông. Tròng vào cổ rồi thì khó thở lắm. - Tại em chưa chịu yêu ai. Yêu rồi, em sẽ không ngần ngại đưa cổ ra cho người ta đeo gông. - Anh nói giống như em còn bé tí teo, chưa biết gì. Khanh bỗng thở dài: - Phải chi Mai biết nói chuyện được như em, anh cũng đỡ khổ. - Anh nói làm như chị Mai câm vậy? - Thà câm còn hay hơn. Nói được mà nói chẳng đâu ra đâu hết, đã vậy còn nói nhiều. Nói láp dáp, chẳng ra con giáp nào hết! Tiếng Anh gọi là "big mouth". - "Big" hay "small" gì cũng lỡ rồi. Anh không thể để tình trạng này kéo dài. Một lúc nào đó, không điên cũng tự tử mất! - Em cho ý kiến xem anh phải làm gì? Ly dị cũng khổ cho đứa con, sự nghiệp anh cũng không còn được nguyên vẹn. - Em thấy, người có thể giải quyết chuyện này chính là anh. Chị Mai không có khả năng đó. - Em có nghĩ, một người đàn ông cần tới hai người đàn bà không? Một người lo nhà cửa, con cái; người kia lo sự nghiệp và rong chơi. - Một người đã thấy khổ; hai người sẽ là cái khổ nhân bốn. - Nếu được một người như em, anh nghĩ, cái khổ sẽ được trừ đi, chứ không phải nhân lên. Tường Vi bưng ly nước trái cây uống cạn: - Theo em, anh nên tập chịu đựng cá tính chị Mai. Mỗi người đều có cái tốt và cái xấu. Chị Mai có thể "xấu" ở cách nói chuyện, nhưng lại rất tốt trong cách săn sóc nhà cửa, con cái. Em không thể nào lau sàn nhà ngày hai, ba lần như chị ấy được. Tuần lễ lau một lần là may mắn lắm rồi. Chị Mai rất nhạy cảm, nếu anh tế nhị hơn một chút, chị ấy sẽ không thể khóc được. Hơn nữa, đàn bà có dư nước mắt, không khóc cho bớt đi, để dành làm gì? - Em nghĩ, anh không tế nhị sao, nhưng sự chịu đựng nào cũng có hạn. Đôi lúc, anh chưa kịp nói gì, Mai đã khóc rồi. - Kiên nhẫn thêm nữa, anh Khanh. Vẫn còn may mắn là vợ anh chưa ngoại tình hoặc ngồi sòng bạc nếu so sánh với một số trường hợp khác. Trong văn phòng, anh là chủ, sai khiến người làm. Ở nhà, anh nên đổi lại, làm tớ cho bà xã, cho quân bình, có ai biết mà xấu hỗ? Thêm vào đó, bao nhiêu khó khăn trong sở, anh phải giải quyết bù đầu, tối mắt. Về nhà, gặp cơm không lành, canh không ngọt, sớm muộn gì cái "điền cũng đâu" tức là cái đầu cũng điên đó! - Em làm cố vấn gia đình chắc thành công. - Chuyện người, mình sáng suốt. Chuyện mình, mình tối đen. Anh có biết bao nhiêu người làm cố vấn gia đình, trong lúc chính hoàn cảnh họ lại rối ren không biết đâu mà gỡ? Anh nghe lời khuyên của em đi, thử đi, nghen? Tường Vi đứng lên: - Chắc chị Mai đang trông anh về tiếp khách. Em gởi lời chúc Happy Birthday Ngọc Anh. Khanh chuẩn bị nét mặt thật vui khi mở cửa bước vào nhà. Mọi thứ đều im lặng. Khanh đi ngay vào phòng ngủ. Mai đang thay tả con. Khanh tới gần bên, giọng ân cần: - Các bạn em chưa tới à? - Tới rồi, mà cũng về hết rồi! - Sớm vậy? Sao không chờ anh về? Mai thẳng tay quăng cái tả vào giỏ rác ở góc tường kêu cái bịch. - Chờ làm gì? Tui biểu tụi nó đi về đó. Ở lại, nhìn thấy mặt anh, tụi nó biết liền anh đi đâu mới về. Anh chỉ kiếm cớ bỏ đi để tới nơi hẹn với... với con nào. Tui gọi phôn tới văn phòng coi thử, có anh ở đó đâu? Coi kìa, cái mặt anh tươi rói. Chắc gặp nhau hạnh phúc lắm, anh đừng chối. Anh đi nữa đi. Đi đi. Ly dị cho rồi đi. Chia phân nửa tài sản cho mẹ con tui đi sống riêng cho rồi, tui không cần anh nữa đâu. Mai lại oà ra khóc. Khanh tức nghẹn trong cổ: - Từ từ, để anh giải thích. Em đừng khóc mà. Mai la lớn: - Giải thích gì nữa chứ? Anh thích chứ tui không thích. Tui biết, anh đâu còn yêu thương tui nữa. Ly dị đi! Anh không lo, tui lo. Ngày mai tui đi hỏi luật sư. Anh tưởng tui ngu lắm, không biết gì hết sao? Đừng hòng ăn hiếp đàn bà. Luật pháp ở xứ này bảo vệ đàn bà tối đa luôn... - Em nói gì kỳ vậy? Anh đâu muốn ly dị. Anh cũng đâu ăn hiếp em? Em phải chờ nghe anh giải bày, chưa chi đã buộc tội anh rồi. - Phải mà, anh vô tội mà. Hứ! Tui nói oan cho anh lắm, phải không? Giải bày cái gì? Tui nghe làm gì? Mệt lỗ tai quá đi! Anh sẽ nói anh đúng còn tui thì sai. Phải mà, lúc nào tui cũng sai hết. Lúc nào anh cũng đúng hết. Bé Ngọc Anh khóc ré lên. Mai thẳng tay giựt đứa con lên khỏi giường, đi xồng xộc ra phòng khách. Khanh cắn môi nén cơn giận xuống: - Em đưa con đây cho anh. Mai vùng vằng: - Con của tui mang nặng, đẻ đau. Anh sai quấy, anh không đáng làm cha. Cơn giận bùng nổ, Khanh trợn mắt lên: - Cô có câm cái miệng lại được không? Lúc nào cũng ăn nói hồ đồ. - Ừ, tui ăn nói hồ đồ đó, anh muốn làm gì tui thì làm đi! Khanh giận dữ sấn tới giơ thẳng cánh tay lên. Mai hất mặt ra: - Muốn đánh tui hả? Đánh đi! Đánh đi! Tui kêu cảnh sát tới còng tay anh, anh đừng tưởng tui ngu, không biết gì. Khanh nghiến răng, cố dằn cơn nóng, bỏ tay xuống. Mai bỉu môi: - Tui tưởng anh tài giỏi, không biết sợ cảnh sát chứ? Mắt Khanh long lên: - Đưa con đây cho anh! - Không! - Đưa đây! - Không! Anh muốn đánh tui cứ đánh, con tui đẻ, tui có quyền. Khanh vói tay giành đứa bé. Mai vừa giựt con lại, vừa vươn năm ngón tay cào nhanh vào mặt Khanh. Những vết sướt đỏ hằn trên má, đau điếng. Một lần nữa, bàn tay Khanh giận giữ đưa lên cao. Một lần nữa, khuôn mặt Mai hất lên, thách thức. Cánh tay giáng xuống. Không sai mục tiêu! Mai choáng váng, quăng đứa con xuống sofa. Một tay ôm gò má đang đỏ ửng, tay kia chụp vội cái điện thoại, bấm số. Con bé chới với, khóc ré lên từng cơn. Khanh xoay lưng, hầm hầm bỏ đi nhanh ra cửa, miệng lẩm bẩm: - Mày muốn tan nát, tao cho tan nát luôn! Ra khỏi nhà, nhập vào dòng xe cộ trên đường, Khanh lấy điện thoại, bấm số của Tường Vi. Chàng không còn ai khác hơn để gọi trong giờ phút này. Hồng Hoang